Phụ lục 2 Một số tư liệu về việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở các ngành đào tạo Chăm sóc sức khỏe (Y, Dược, Điều dưỡng, Răng hàm mặt)

Năm 2015

Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo
ngành Y đa khoa và Dược học trình độ đại học hệ chính quy

Họp báo của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Ngày 28 tháng 11 năm 2015, GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chủ trì cuộc họp báo về việc mở hai ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học.

Tham dự buổi họp báo, cùng với Hiệu trưởng, về phía nhà trường, có:

– Các Phó Hiệu trưởng: TS Đỗ Quế Lượng, TS Lê Khắc Đóa, PGS.TS Hà Đức Trụ;

– Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Khoa Dược: PGS.TS Lê Văn Truyền và TS Lê Ngọc Phan;

– Phó Chủ nhiệm Khoa Y: PGS.TS Nguyễn Văn Tường;

– Chánh Văn phòng trường: TS Nguyễn Kim Sơn.

Về phía các cơ quan thông tấn, báo chí, có 50 nhà báo đại diện cho 40 cơ quan thông tấn, báo chí; trong số đó, có 7 cơ quan truyền hình, 23 báo viết và 10 báo điện tử.

  1. Phát biểu của GSTrầnPhương 

Mở đầu cuộc họp, GS Trần Phương cảm ơn các nhà báo đã quan tâm đến sự phát triển của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và đã bỏ cả ngày nghỉ cuối tuần để tham dự cuộc họp này. Giáo sư nói: “Vừa qua, nhận được tin trường chúng tôi được mở hai ngành Y đa khoa và Dược học, nhiều nhà báo gọi điện đến hỏi. Nhân dịp này tôi muốn phát biểu một số ý kiến để các nhà báo hiểu rõ hơn vấn đề”.

  1. Mở ngành đào tạo mới là một việc bình thường đối với bất kỳ trường đại học nào

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường ngoài công lập, hoạt động theo loại hình phi lợi nhuận, nhiệm vụ đào tạo của trường nhằm mục đích cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Là trường tư, phi lợi nhuận, nên bất cứ ngành học nào đất nước cần, xã hội cần, trường có thể lập đề án xin phép Bộ. Cụ thể, trong thời gian đầu, khi mới thành lập, trường xin phép đào tạo các ngành kinh tế – kinh doanh; tiếp sau là kỹ thuật – công nghệ và giờ là ngành Y – Dược.

Sau 16 năm hoạt động, tức khoảng năm 2012, lãnh đạo trường, sau nhiều thời gian suy nghĩ, đi đến kết luận nên mở thêm ngành Y – Dược, là vì:

– Xét về số bác sĩ để chăm lo sức khỏe cho nhân dân Việt Nam hiện còn quá thấp, chỉ khoảng 8 bác sĩ trên một vạn dân, trong khi các nước tiên tiến đạt khoảng 30-40 bác sĩ trên một vạn dân.

Về dược sĩ, chúng ta chỉ có 1,5 dược sĩ trên một vạn dân, trong khi nhu cầu trước mắt cũng đã đòi hỏi gấp hai, ba lần.

– Trường còn nghĩ đến việc xa hơn: đất nước mình hiện nay, trên 90% dược liệu phải nhập từ nước ngoài. Như vậy, thuốc chữa bệnh cho người Việt Nam chủ yếu do người nước ngoài sản xuất. Trong khi đó, Việt Nam có đến 4.000 loại cây có thể dùng làm dược liệu, chúng ta mới chỉ chế biến được mấy chục loại cây. Việc đào tạo dược sĩ còn để chế biến dược liệu từ nguồn sẵn có trong nước phục vụ dân mình.

Nếu nói về chuyện “ngoại đạo” thì chỉ là nhìn vào Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu của trường là những chuyên gia về kinh tế. Trong khi đó, trường đã tập họp được 80 cán bộ, giảng viên ngành Y – Dược có trình độ chuyên môn cao, như thế thì đâu phải là ngoại đạo?

  1. Trường được mở ngành Y và Dược học trong bối cảnh liên Bộ Y tế – Giáo dục và Đào tạo đã tạm dừng mở các ngành này. Điều đó phải hiểu như thế nào?

Trên thực tế, tháng 6-2012, trường đã trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xin mở ngành Y đa khoa và Dược, đồng thời đề nghị Bộ hướng dẫn. Trường đã thực hiện theo các hướng dẫn đó để chuẩn bị các điều kiện mở hai ngành này. Cho đến tháng 12-2014, liên Bộ Y tế – Giáo dục và Đào tạo mới có công văn tạm dừng xét mở một số ngành, trong đó có Y đa khoa và Dược. Như vậy, trường đặt vấn đề xin phép trước đó đến 2,5 năm, chứ không phải xin phép lúc hai Bộ đã có công văn tạm dừng. Khi Bộ yêu cầu tạm dừng thì trường đã chuẩn bị gần xong các điều kiện mở hai ngành đào tạo này. Đến cuối năm 2015, khi các điều kiện chuẩn bị xong, trường báo cáo và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu lập Hội đồng thẩm định các chương trình đào tạo. Kết quả, đề án mở đào tạo Y đa khoa – Dược học đã được Đoàn thẩm định gồm các chuyên gia đầu ngành thông qua.

Để mở hai ngành này, còn phải có một số điều kiện nữa. Theo quy định của Bộ Y tế, muốn mở ngành Y đa khoa, phải có 50 giảng viên từ trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II đến giáo sư, phó giáo sư, trong số đó phải có 6 người là giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ thuộc 6 bộ môn quan trọng nhất. Ngành Dược đòi hỏi ít hơn. Chúng tôi đã thỏa thuận với 47 vị là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ. Khi thẩm định, có đồng chí trong Hội đồng thẩm định nói Bộ Y tế yêu cầu những 50 giảng viên, nhưng trường mới có 47, thiếu 3, “chưa đạt yêu cầu theo quy định” là theo nghĩa đó. Nhưng số 47 là cho hai năm trước mắt, còn dần dần trường sẽ bổ sung thêm.

  1. Về cơ sở vật chất, trường đã chuẩn bị 28 phòng thực hành và chi ra 80 tỷ đồng để trang bị cho những phòng thực hành đó. Nhưng có đồng chí trong Hội đồng thẩm định nói là vẫn chưa đủ. Nếu mua đầy đủ số trang thiết bị và để năm, sáu năm nữa mới dùng, thì thiết bị sẽ tự hỏng và lạc hậu. Trường tập trung mua đầy đủ trang thiết bị cho hai năm học đầu, rồi từ năm thứ ba trở đi sẽ mua dần.Trường đã ký hợp đồng với các công ty thiết bị y tế, khi nào cần, chỉ một vài tuần là sẽ có ngay. Trong biên bản thẩm định ghi “chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện trang thiết bị” là theo nghĩa đó.

Ngoài ra, chỗ sinh viên thực tập, theo Bộ Y tế, phải có bệnh viện từ loại 1 trở lên. Trường đã ký hợp đồng với bốn bệnh viện loại 1. Các bệnh viện này đều sẵn sàng nhận lời và cử giảng viên hướng dẫn. Với ngành Dược, trường đã ký hợp đồng với bốn công ty dược.

Đoàn thẩm định hai Bộ gồm 8 người đã đi xem cơ sở, kiểm tra hồ sơ của gần 100 giảng viên, sau đó đã ký biên bản. Nhưng trước khi cho phép, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã rất cẩn thận, yêu cầu Bộ Y tế có trả lời chính thức bằng văn bản: có cho phép Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở hai ngành đó hay không? Và đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đã có thư trả lời là Bộ Y tế ủng hộ Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y đa khoa và Dược học. Việc thẩm định của hai Bộ, có thể nói là, quá chặt chẽ.

Có ý kiến băn khoăn rằng, nếu dạy ngành Y, thì cần phải có nhà xác để thực hiện giải phẫu người, trong khi đó trường lại không có? Hiện nay, chỉ có hai cơ sở đào tạo Y, Dược lớn trong cả nước mới có nhà xác, còn các trường khác, chủ yếu thực tập trên mô hình. Trường sẽ có cách để dạy giải phẫu thực hành.

  1. Về tuyển sinh,trường đang đề nghị lấy điểm nhận hồ sơ từ 20 điểm trở lên, sau đó chọn từ cao xuống. Có ý kiến cho rằng 20 điểm là thấp. Trường thấy rằng để đạt được 20 điểm, học sinh phổ thông phải học nghiêm túc mới đạt được. Bên cạnh đó, dù đầu vào quan trọng, nhưng quá trình đào tạo và quá trình học của sinh viên còn quan trọng hơn. Để ra trường, ít nhất một sinh viên đại học hệ bốn năm phải học và thi 50-60 môn học mới đạt được đầu ra. Chỉ cần một học phần không đạt thì chưa được cấp bằng tốt nghiệp. Trong khi đó, đào tạo ngành Y đa khoa cần 6 năm và cùng với kiến thức đại cương, tin học, ngoại ngữ,… phải mất 7 năm, thì sinh viên phải học và thi không dưới 100 môn. Nên đầu vào xét từ cao đến 20 điểm là chọn được sinh viên nghiêm túc. Giỏi hay không còn phụ thuộc vào quá trình sinh viên phấn đấu và quá trình dạy.
  2. Về học phí, trường chưa có kinh nghiệm nên phải tham khảo các trường khác. Về ngành Dược, trường thấp nhất lấy học phí 1,8 triệu/tháng, có trường lấy đến 3,5 triệu. Còn về ngành Y, có trường lấy học phí là 5 triệu đồng/tháng. Trường công lập thì học phí ngành Y là trên 4 triệu đồng/tháng. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tham khảo học phí đào tạo Y – Dược của Nhật Bản thì thấy: đào tạo ngành kinh tế, họ lấy 9.000 USD cho 1 năm học; ngành Dược lấy 16.000 USD/năm học, gần 1,7 lần ngành kinh tế; ngành Y họ lấy 33.5000 USD, gấp khoảng trên 2 lần ngành Dược. Trường quan tâm đến tỷ lệ này.

Ngành Y – Dược có mức học phí cao như vậy bởi 1 giáo sư hướng dẫn khoảng 10 sinh viên nên chi phí cho giảng viên rất lớn. Bên cạnh đó còn chi phí thí nghiệm, đưa đón sinh viên đến bệnh viện, đến công ty dược để thực hành,… Nói chung, đào tạo hai ngành này rất công phu. Nghề Y là nghề cực kỳ phức tạp, tinh vi, liên quan đến sinh mệnh con người, nên các nước họ đều đào tạo rất công phu. Và công phu như vậy thì chắc chắn học phí phải cao.

Đó là những nội dung mà trường muốn thông báo với các nhà báo trong cuộc họp này.

Kết thúc phát biểu, GS Trần Phương đề nghị các nhà báo nêu câu hỏi.

Các nhà báo nêu câu hỏi về điều kiện mở ngành, về trang thiết bị thực hành, về giảng viên. Đại diện Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trả lời như sau:

PGS.TS Lê Văn Truyền – Chủ nhiệm Khoa Dược:

– Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không hướng tới đào tạo đội ngũ bác sĩ, dược sĩ tinh hoa làm công tác nghiên cứu, chế tạo thuốc như các trường Đại học Y và Đại học Dược Hà Nội, mà là đào tạo bác sĩ, dược sĩ thực hành.

– Hiện chúng ta có 30.000 hiệu thuốc và không hiệu thuốc nào có dược sĩ thực sự có mặt để tư vấn cho người mua. Tôi nghĩ các trường dược nên nghĩ đến chuyện 30.000 nhà thuốc hiện nay không có dược sĩ hơn là đòi hỏi những dược sĩ này phải đạt trình độ cao, làm việc trong những phòng nghiên cứu khoa học. 90 triệu dân cần ba vài chục nghìn dược sĩ có mặt ở các hiệu thuốc. Nếu sản xuất ra nhiều thuốc mà dân uống thuốc không được hướng dẫn như hiện nay là lợi bất cập hại. Do đó, nên có một cái nhìn uyển chuyển hơn.

– Mấy hôm nay tôi có đọc báo, các ý kiến đều lo lắng về chất lượng, đó là điều quá đúng. Nhưng rõ ràng số lượng sẽ tạo nên chất lượng; chất lượng không phải từ con số “không”. Ta chê việc đào tạo tuyến xã, tuyến huyện quá kém, nhưng chắc chắn người ở tuyến xã, tuyến huyện được đào tạo 6 năm sẽ hơn anh lang băm. Không nên so sánh bác sĩ tuyến xã, tuyến huyện với các giáo sư ở Bệnh viện Bạch Mai.

– Bên cạnh đó, bằng đại học là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Một dược sĩ muốn hành nghề, phải có chứng chỉ hành nghề và điều kiện có chứng chỉ cũng rất khắt khe. Đó là chưa kể sau mỗi 5 năm, cơ quan quản lý về y tế sẽ kiểm tra lại để xem xét có cấp thêm một chu kỳ hành nghề nữa hay không.

PGS.TS Nguyễn Văn Tường – Phó Chủ nhiệm Khoa Y:

– Về điều kiện thực hành, thực tập, trước mắt, trường đã ký với 4 cơ sở bệnh viện lớn của TW và Hà Nội, sau này sẽ phát triển thêm.

– Hồ sơ trình mở hai ngành theo các Thông tư 08 và 07 của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rất chặt chẽ, đầy đủ theo quy trình mở ngành; đặc biệt có kết hợp với Bộ Y tế.

PGS.TS Hà Đức Trụ – Phó Hiệu trưởng

– Việc mở hai ngành này có sự kết hợp chặt chẽ giữa trường với hai bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế. Phải có được ý kiến của Bộ Y tế thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới cho phép.

– Trường đã hoàn chỉnh, bổ sung các thủ tục theo đề nghị của Đoàn thẩm định và đã gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải trình.

– Tôi xin đọc kết luận của Đoàn thẩm định để quý vị biết và chúng tôi đã thực hiện theo kết luận đó:Về cơ bản, trường đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các điều kiện về đội ngũ theo các điều kiện mở ngành (Thông tư 08) và tham khảo các điều kiện mở hai ngành này tại Công văn số 7836 của Bộ Y tế; cơ sở vật chất, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, thư viện về cơ bản đã đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu của Chương trình đào tạo hai ngành Y đa khoa và Dược học. Hồ sơ đã cơ bản đảm bảo theo đúng quy định của Thông tư 08. Đề nghị trường bổ sung thêm đội ngũ và cơ sở vật chất trang thiết bị thực hành thí nghiệm theo góp ý của các thành viên Đoàn thẩm định để đảm bảo theo lộ trình các năm học và khi tăng quy mô đào tạo”.

  1. Tham quan cơ sở thực hành

Sau cuộc họp báo, trường đã tổ chức cho các nhà báo tham quan Cơ sở II của trường tại Từ Sơn, Bắc Ninh – nơi đặt các phòng thực nghiệm, thực hành đào tạo Y đa khoa và Dược học. Có 36 nhà báo tham dự cuộc tham quan này. Các nhà báo đã xem xét kỹ các phòng thực hành, thực nghiệm, thư viện,… Cảm tưởng chung của các nhà báo là sự chuẩn bị, đầu tư trang thiết bị và sắp xếp các phòng thực nghiệm, thực hành, tài liệu giảng dạy, học tập phục vụ đào tạo bác sĩ đa khoa và dược sĩ của trường là tốt.

TS Nguyễn Kim Sơn (ghi)