“Quản lý kinh doanh là một nghề đầy thách thức, phải tự học suốt đời”

Thưa quý vị đại biểu,

Thưa các đồng chí và các bạn,

Đối với Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội thì Lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên Khóa I là một cái mốc quan trọng trên con đường tìm tòi, sáng tạo nhằm đào tạo cho đất nước những nhà kinh tế thực hành – những nhà quản lý kinh doanh – có đủ năng lực để gánh vác công việc trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần vào sự nghiệp chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, làm cho “dân giầu, nước mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước.

Trong sự nghiệp “trăm năm trồng người” này, Trường chúng tôi mới đi được một chặng đường 4 năm – 4 năm tìm tòi, trăn trở với những câu hỏi:

  • Thế nào là một nhà quản lý kinh doanh?
  • Thế nào là một nhà quản lý kinh doanh trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu và thời đại công nghệ thông tin?
  • Sinh viên cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng gì để trở thành một nhà quản lý kinh doanh theo hình mẫu như thế?
  • Một khối lượng kiến thức và kỹ năng lớn như vậy phải được chọn lọc và truyền thụ như thế nào để không trở nên “quá tải” đối với sinh viên?
  • Phương pháp đào tạo và quy trình đào tạo phải như thế nào để có được “đầu ra” là những nhà quản lý kinh doanh mang tính “thực nghiệp”, chứ không phải là những thầy đồ loạn chữ?

Đối với những câu hỏi này, tôi không dám nói rằng nhà trường đã tìm được những câu trả lời trọn vẹn, song, với loạt sản phẩm đầu tiên xuất xưởng ngày hôm nay, có thể nói rằng đã khẳng định được hướng đi đúng.

  • Được đào tạo theo một chuyên ngành hẹp thì không dễ gì trở thành nhà quản lý kinh doanh, mà nếu có được đặt vào địa vị đó thì cũng cảm thấy hẫng hụt về nhiều mặt, phải được đào tạo tiếp hoặc tự đào tạo tiếp. Điều này đã được chứng minh qua nhiều thế hệ giám đốc công ty ở nước ta. Quản lý kinh doanh tuy là một nghề, nhưng là một nghề bao hàm nhiều nghề. Vì vậy, để trở thành nhà quản lý kinh doanh, không chỉ nắm vững kiến thức kinh tế là đủ, còn phải nắm được kiến thức của nhiều môn kinh tế chuyên ngành – thương mại, tiếp thị, ngoại thương, kế toán, tài chính, ngân hàng, tiền tệ – và một số môn khoa học khác có liên quan mật thiết với kinh tế như: tổ chức, quản lý, luật kinh tế, toán kinh tế, v.v…
  • Quản lý kinh doanh là một nghề mang tính thực hành, “thực nghiệp”. Vì vậy, quá trình đào tạo không thể chỉ dừng lại ở lý thuyết, nguyên tắc, mà phải đi sâu xử lý những tình huống cụ thể của kinh doanh, phải tập luyện cho sinh viên nắm được các kỹ năng và nghiệp vụ cụ thể của doanh nghiệp, phải tạo cơ hội cho sinh viên học hỏi kinh nghiệm thực tế của các nhà doanh nghiệp, phải đưa sinh viên về thực tập tại các doanh nghiệp. Luận văn tốt nghiệp của sinh viên phải thể hiện được khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào việc phân tích các mặt hoạt động của một doanh nghiệp, phát hiện vấn đề và xử lý vấn đề.
  • Trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu, nếu nhà quản lý kinh doanh không sử dụng được công cụ giao dịch quốc tế là tiếng Anh thì sẽ tìm bạn hàng ở đâu đây? Trường chúng tôi đã từng nhiều lần đưa ra cân nhắc: có nhất thiết phải dạy cho sinh viên đến mức sử dụng được tương đối thành thạo tiếng Anh không? Hay là nên bớt thời lượng dạy tiếng Anh? Bớt thì dễ, nhưng như vậy thì sinh viên ra trường sẽ chỉ có thể giao dịch được với các bạn hàng trong nước – một thiệt thòi quá lớn!
  • Trong thời đại công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo máy vi tính và mạng thông tin toàn cầu đã trở thành kỹ năng phổ thông của giới kinh doanh quốc tế. Chẳng lẽ các nhà kinh doanh Việt Nam lại chịu lép là “những anh chị nhà quê ra tỉnh” hay sao?

Bấy nhiêu yêu cầu chất chứa vào một chương trình đào tạo chỉ khuôn trong 4 năm, điều đó đòi hỏi sinh viên phải học tập rất chuyên cần, phải có ý chí dành trọn 4 năm học để học thành tài.

Qua 4 năm học, sinh viên Khóa I đã đáp ứng đến mức nào đòi hỏi nêu trên? Xin dẫn ra đây một vài con số:

+ Tổng số sinh viên Khóa I là 825 người. Đến cuối năm học thứ tư, danh sách đó đã giảm 131 người, bằng 16%, vì những lý do sau đây: 79 sinh viên đã được nhà trường cho thôi học, 52 sinh viên phải học lùi lại khóa dưới. Hầu hết số sinh viên này thuộc loại ham chơi hơn ham học, thường xuyên bỏ tiết học, bỏ buổi học, có khi bỏ học hàng tháng, một số không nhỏ thuộc loại càn quấy, hư hỏng. Đối với số sinh viên này thì chương trình đào tạo nhẹ mấy đi nữa, họ cũng không thể hoàn thành vì họ không có ý định hoàn thành. Sự tự đào thải của những người chậm tiến âu cũng là lẽ thường trong đời sống xã hội.

+ Trong tổng số 694 sinh viên còn “trụ” lại sau 4 năm học, cũng cần phân ra 2 loại:

75% đã hoàn thành chương trình đào tạo đúng thời hạn, lần lượt được đi thực tập cuối khóa và bảo vệ Luận văn tốt nghiệp.

25% còn lại là những sinh viên vẫn còn một số học phần chưa đạt, phải học lại, thi lại. Họ sẽ nhận được bằng tốt nghiệp muộn hơn.

Từ những số liệu nêu trên, có thể rút ra kết luận:

Chương trình đào tạo tuy khá “nặng”, nhưng không phải là quá tải, vì 84% tổng số sinh viên nhập học có thể hoàn thành được chương trình, trong đó 3/4 hoàn thành đúng thời hạn, còn 1/4 thì hoàn thành muộn hơn.

  • Để nói lên khả năng tiếp thụ của sinh viên, xin dẫn thêm vài con số:

+ 15 sinh viên Khóa I, sau khi học hết chương trình đào tạo 3 năm của Trường, đã được gửi sang Hà Lan học tiếp năm thứ tư (học trực tiếp qua tiếng Anh). Khi đi, họ đã đạt 500 điểm TOEFL trở lên về tiếng Anh, và khi về họ đã nhận được bằng Cử nhân Quản lý kinh doanh của Hà Lan.

+ Trong đợt bảo vệ luận văn tốt nghiệp vừa qua, 8 sinh viên đã viết và bảo vệ luận văn bằng tiếng Anh, được Hội đồng chấm thi cho điểm cao tuyệt đối.

+ Về tin học, toàn bộ số sinh viên tốt nghiệp đã được cấp chứng chỉ Tin học ứng dụng trình độ B.

  • Trong tổng số 250 sinh viên tốt nghiệp đợt này, chỉ trong vòng 1 tháng, 91 sinh viên (bằng 36%) đã được tiếp nhận vào làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, trong đó, 60% vào khu vực Nhà nước, 10% vào khu vực liên doanh và tổ chức quốc tế.
  • Sinh viên không những được tiếp nhận vào các doanh nghiệp thuộc đủ loại ngành nghề, mà còn được tiếp nhận vào các cơ quan Nhà nước, các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức nước ngoài, điều đó chứng tỏ rằng chương trình đào tạo của nhà trường đã tạo cho sinh viên khả năng thích ứng khá rộng với nhu cầu việc làm đa dạng của xã hội.

Các bạn sinh viên thân mến,

Với các số liệu nêu trên, tôi thay mặt Ban Giám hiệu và các Ban Chủ nhiệm Khoa tuyên dương thành tích của các sinh viên tốt nghiệp đợt đầu của Trường. Các bạn xứng đáng là những con chim đầu đàn bay khỏi tổ, nêu tấm gương sáng “có chí học thành tài” cho các lớp đàn em bước tiếp.

Trước khi chia tay các bạn, tôi có mấy điều dặn dò:

Một là: Chương trình đào tạo mà các bạn tiếp nhận ở Trường mới chỉ là những điều cơ bản nhất, cốt lõi nhất của các môn học. Ngay cả những điều cơ bản nhất, cốt lõi nhất ấy, không phải điều nào các bạn cũng đã hiểu hết, nhớ hết và vận dụng được hết. Vì vậy chỉ nên coi thành tích học tập của mình là lượt “cày vỡ”. Phải qua nhiều lần “bừa đi bừa lại” mới thật sự nhuần nhuyễn, mới biến được những kiến thức của tiền nhân và của người khác thành kiến thức và tư duy của chính mình. Còn kỹ năng, muốn đạt đến mức thành thạo, phải tập luyện nhiều hơn nữa, thực hành nhiều hơn nữa.

Hai là: Tri thức của nhân loại luôn luôn phát triển, đi sâu hơn, mở rộng hơn. Thỏa mãn ở những điều mình đã học khác nào tự mình bịt con đường tiến bộ của chính mình. Phải thường xuyên tự học, không ngừng tự học, tự học suốt đời. Phải cập nhật kiến thức và kỹ năng của mình theo kịp thời đại. Hãy coi những gì bạn đã học chỉ là cái bàn đạp để nhảy cao hơn, nhảy xa hơn.

Ba là: “Một vấn đề mà nhà trường rất quan tâm, nhưng chưa thể nói là đã yên tâm, đó là: làm thế nào giúp đỡ các nhà quản lý tương lai rèn luyện đạo đức, phẩm chất, tác phong, lối sống – những thứ mà ở cương vị quản lý, nhiều khi còn quan trọng hơn cả kiến thức và tài năng?”. Trong diễn văn khai giảng Khóa I cách đây 4 năm, tôi đã nói với các bạn như vậy.

Quả thực về mặt này, quá trình đào tạo ở nhà trường chưa làm được gì nhiều. Vả chăng, loại việc này là loại việc phải làm suốt đời. Phải qua thực tiễn hoạt động thì mỗi con người mới hiểu được chính mình để tự hoàn thiện mình. Nghề quản lý kinh doanh là một nghề “sóng gió”, đầy thách thức, một nghề mà sự thành đạt chỉ dành cho những người dám chấp nhận thách thức và có đủ tài trí, nghị lực vượt lên thách thức. Một nhà quản lý kinh doanh xứng đáng với chức trách của mình, xứng đáng với trọng trách của mình trước nhân dân, trước Tổ quốc, phải là một con người có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Kiến thức và tài năng chưa đủ. Còn phải có lý tưởng, hoài bão, có ý chí, nghị lực, có tư cách đạo đức.

Có hòai bão, nhưng phải biết bắt đầu từ những công việc nhỏ. Từng trải qua nhiều việc nhỏ, qua nhiều nghiệp vụ của doanh nghiệp thì càng chóng trưởng thành, càng vững vàng khi cờ đến tay.

Biết thiết lập các quan hệ xã hội, các quan hệ đồng đội, các quan hệ bạn hàng cũng là một phẩm chất có ảnh hưởng đến sự thành bại của nhà quản lý kinh doanh, đặc biệt là lúc mới bước vào nghề. “Biết người, biết ta”, khiêm tốn, trung thực, bao giờ cũng là những phẩm chất được mọi người nể trọng, quý mến.

Mối quan tâm trước mắt của các bạn là tìm việc làm. Song, đừng coi đó là hướng duy nhất. Còn một hướng nữa không nên bỏ qua, đó là tự mình tạo ra việc làm cho mình – qua những hoạt động kinh doanh nhỏ, những tổ chức hợp tác nhỏ. Để khai phá con đường này, phải năng động, nhạy bén, quan sát nghiên cứu thị trường để tìm ra kẽ hở của thị trường, lấy đó làm chỗ đứng cho mình, phải có tinh thần mạnh dạn, quyết đoán đi liền với thận trọng, kiên trì.

“Không ai sinh ra đã có đủ phẩm chất cần thiết cho sự thành đạt của mình. Rất nhiều phẩm chất là do rèn luyện mà có”. Đó là điều tôi đã nói với các bạn khi chọn nghề. Nay đã đến lúc các bạn phải thể hiện và không ngừng hoàn thiện phẩm chất của mình để thành đạt trong nghề nghiệp mà các bạn đã chọn.

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta đã bước sang thế kỷ 21 – thế kỷ của công nghệ thông tin, của kinh tế tri thức, của cách mạng khoa học và công nghệ ngày càng mạnh mẽ, của quốc tế hóa và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Đó là những cơ hội, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với những nước nghèo và lạc hậu về kinh tế – kỹ thuật như nước ta. Nhưng không có gì để ngã lòng. Một dân tộc đã có bốn ngàn năm văn hiến – kể từ thời đại đồ đồng với đỉnh cao là nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, một dân tộc, bằng trí tuệ, chí quật cường và sức mạnh hợp quần của mình, đã đánh thắng xâm lược của những đế quốc hùng mạnh nhất của các thời đại, kể từ đế quốc Nguyên – Mông đến đế quốc Mỹ, dân tộc đó có đủ tài trí, nghị lực để từng bước đẩy lùi và chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu trong thời đại mới.

Các bạn thuộc thế hệ có trách nhiệm thực thi sứ mệnh lịch sử ấy của dân tộc. Hãy ngẩng cao đầu với đầy lòng tự tin mà tiến vào trận chiến đấu mới của dân tộc – chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu.

Nhà trường luôn luôn theo dõi bước tiến của các bạn, sẵn sàng bổ sung hành trang cho các bạn, sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm và trí tuệ cho các bạn.

Chúc các bạn thành công!