Thưa các vị khách quý,
Thưa các bạn nam nữ sinh viên,
Sau gần ba năm chuẩn bị, Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội trực thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam hôm nay khai giảng khóa đào tạo đại học đầu tiên.
Trường Quản lý và Kinh doanh Hà Nội thuộc một loại hình trường đại học còn mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng trên thế giới, loại hình này đã có bề dày lịch sử nửa thế kỷ và đã có những cống hiến nổi bật đối với sự phát triển kinh tế của nhiều nước. Loại hình này mang nhiều tên gọi khác nhau: đại học quản lý, đại học kinh doanh, đại học quản lý và kinh doanh, đại học quản lý kinh doanh (mà có người dịch là quản trị kinh doanh), nhưng dù tên gọi khác nhau như thế nào, mục tiêu đào tạo chỉ là một – đào tạo ra một loại người mà ở Mỹ người ta gọi là manager, có thể dịch là nhà quản lý, hay nhà quản lý doanh nghiệp, hay nhà quản lý kinh doanh. Nhà quản lý nói ở đây không có ý nói đến quản lý ở tầm vĩ mô (như quản lý một ngành, một bộ, một đất nước), mà chỉ có ý nói đến quản lý một doanh nghiệp – một công ty, một tổng công ty, một tập đoàn xuyên quốc gia, một bệnh viện, một trường học, một xí nghiệp công ích, v.v…, tóm lại là một tổ chức mà ở đó người ta phải luôn luôn tính toán làm sao để đạt các mục tiêu đề ra với mức cao nhất mà chi phí về nhân, tài, vật lực thấp nhất. Chức năng và tài năng của nhà quản lý là ở chỗ tổ chức, điều phối các nguồn lực của tổ chức đó – bao gồm nguồn lực vật chất, kỹ thuật, công nghệ, tài chính, con người – nhằm đạt được các mục tiêu đề ra với hiệu quả kinh tế cao nhất. Xuất phát từ mục tiêu đào tạo này, người ta thiết kế ra nội dung đào tạo, xác định cơ cấu kiến thức và kỹ năng mà một nhà quản lý phải có.
Với một trường đại học kinh tế mà mục tiêu là đào tạo ra các giảng sư, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà tham mưu về chính sách kinh tế, thì nội dung đào tạo đương nhiên phải thiên về khoa học cơ bản và phải bao gồm nhiều lĩnh vực có liên quan.
Với một trường đại học kinh tế mà mục tiêu là đào tạo ra các chuyên gia cho từng ngành kinh tế cụ thể, như kế toán, tài chính, ngân hàng, ngoại thương… thì nội dung đào tạo đương nhiên phải nhằm vào một chuyên ngành hẹp và phải chú trọng nhiều đến nghiệp vụ thực hành.
Trường quản lý (hay quản lý kinh doanh) không hướng vào một chuyên ngành hẹp, bởi lẽ kinh doanh và quản lý kinh doanh đòi hỏi kiến thức đa ngành. Trường quản lý không thiên về tính chất “hàn lâm viện”, bởi lẽ kinh doanh và quản lý doanh nghiệp đòi hỏi phải thông thạo các nghiệp vụ và kỹ năng thực hành. Song, không vì thế mà trường quản lý coi nhẹ những kiến thức cơ bản về khoa học kinh tế và các khoa học có liên quan. Những kiến thức này được xem là nền tảng kiến thức của nhà kinh tế thực hành, là cơ sở phương pháp luận để xét đoán và định hướng trong môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.
Với những đặc điểm trên, trường quản lý có điểm giống và có điểm khác các loại hình trường kinh tế khác. Tuy nhiên, điều làm nên đặc trưng rõ nét nhất của trường quản lý là ở chỗ nó coi việc bồi dưỡng năng lực quản lý cho sinh viên như một nhiệm vụ chính yếu, nó đặt khoa học, nghệ thuật và kỹ năng quản lý thành một nội dung chính yếu trong chương trình đào tạo. Nhờ ở hướng đào tạo này, những sinh viên xuất sắc của nhiều trường quản lý đã sớm trở thành những nhà doanh nghiệp tài năng, thành đạt, làm vẻ vang cho chính nơi đã đào tạo ra họ. Sự nổi tiếng của nhiều trường đại học quản lý như Harvard (Mỹ), Insead (Pháp), Oxford (Anh),… bắt nguồn từ đó.
Loại hình trường đại học quản lý (hay đại học kinh doanh) có xuất xứ từ nước Mỹ, khai hoa kết quả ở Mỹ, và từ đó mà phổ biến rộng ra toàn thế giới, vì vậy từ manager, management, với ý nghĩa xác định của nó, đã được đưa thẳng vào ngôn ngữ của nhiều nước.
Ở nước ta, với việc chuyển sang cơ chế thị trường và chính sách kinh tế nhiều thành phần, vị trí và vai trò của các doanh nghiệp đã có sự thay đổi căn bản. Nếu trước đây, trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, mỗi doanh nghiệp chỉ là một bộ phận, một chi tiết của một cỗ máy lớn, vận hành bởi một động cơ trung tâm, thì ngày nay, mỗi doanh nghiệp tự mình là một cỗ máy, vận hành bởi chính động cơ của mình. Bối cảnh ấy đã nâng cao địa vị, vai trò của các nhà quản lý doanh nghiệp, và vì thế, tạo điều kiện cho loại hình trường đại học quản lý ra đời và phát huy tác dụng. Chính trong bối cảnh ấy, Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội đã được thành lập.
Nếu tất cả các cỗ máy doanh nghiệp của đất nước đều hoạt động tốt, đạt công suất cao, mà tiêu hao năng lượng ở mức tiết kiệm nhất, thì nền kinh tế của đất nước và cuộc sống của nhân dân sẽ được lợi biết bao!
Nhà quản lý chính là chiếc động cơ của mỗi cỗ máy doanh nghiệp. Trang bị cho mỗi cỗ máy doanh nghiệp một động cơ chính và một số động cơ phụ, đó là kỳ vọng của Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là ở số lượng động cơ. Nói đến động cơ thì chất lượng của nó mới là điều quan trọng. Một chiếc động cơ tồi thì chẳng hơn gì một cục sắt. Mỗi chiếc động cơ xuất xưởng từ Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội phải là một chiếc động cơ có chất lượng, đó mới thực sự là kỳ vọng của Trường.
Để đảm bảo mục tiêu và kỳ vọng như trên, Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội đã thiết kế một chương trình đào tạo cập nhật với tiến bộ của thời đại, và sẽ còn được tiếp tục bổ sung, đổi mới – nhằm bảo đảm cho sinh viên ra trường vào đầu năm 2001 có đủ hành trang bước vào thế kỷ mới. Chương trình đào tạo này được thiết kế và thi công bởi mấy trăm giáo sư, giảng viên, nhà khoa học thuộc hơn 20 ngành học khác nhau: kinh tế học, thống kê học, triết học, lô-gích học, luật học, tâm lý học, toán học, tin học, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, môi trường, kế toán, tài chính, ngân hàng, thương mại, hành chính, lao động, tổ chức, quản lý, v.v…
Một chương trình đào tạo như vậy đương nhiên là khá nặng. Nói cho đúng thì đây là một chương trình đào tạo 5 năm được thực hiện trong 4 năm. Chỉ riêng về tiếng Anh cho những sinh viên không phải là chuyên ngữ, nhằm bảo đảm cho sinh viên ra trường sử dụng được tương đối thành thạo tiếng Anh – thứ tiếng đã trở thành công cụ giao dịch quốc tế – chương trình đào tạo đã bố trí một số tiết lên lớp bằng 7/10 số tiết lên lớp của các trường đại học ngoại ngữ. Về tin học, chương trình đào tạo đã bố trí một số tiết lên lớp bằng 4 lần quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều môn học khác cũng được dành một số tiết lên lớp nhiều hơn mức quy định. Cộng chung lại,thời gian lên lớp của toàn khóa học là 4.500 tiết, trong khi mức quy định cho chương trình đào tạo đại học 4 năm là 3.200 tiết.
Tuy nhiên, chỉ nói đến thời gian lên lớp thì chưa phản ánh hết khối lượng lao động học tập đòi hỏi ở sinh viên. Để tiếp thu khối lượng kiến thức và kỹ năng đồ sộ như vừa trình bày thì việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên phải là yếu tố quyết định nhất. Thời gian dành cho việc tự học, tự nghiên cứu nói chung phải bằng hai lần thời gian lên lớp.
Điều đáng buồn là không ít sinh viên của nước ta hiện nay – theo những thông tin mà chúng tôi được biết – mới chỉ dành mỗi ngày vài ba giờ cho việc tự học. Nếu các bạn sinh viên của Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội cũng tự buông thả theo cái đà của lối học tài tử đó thì làm sao các bạn có thể đọc được sách tham khảo, chưa nói đến tiêu hóa? Làm sao các bạn có thể nắm được trên 20 môn học, dù chỉ trên những điều chính yếu? Làm sao các bạn có thể sử dụng được tương đối thành thạo tiếng Anh khi ra trường? Học như thế thì chỉ có quyền tự trách mình khi thi trượt, và thi trượt là điều chắc chắn. Xin báo trước để các bạn biết: Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội chủ trương kiểm soát rất chặt “đầu ra”; sản phẩm xuất xưởng của Trường sẽ được kiểm tra chất lượng đến từng chi tiết, bắt đầu từ cuối học kỳ 1. Chỉ chính phẩm mới được dán nhãn hiệu của Trường.
Để dạy tốt và học tốt thì phương pháp dạy và học cũng phải được cải tiến. Người dạy phải chuyển giao cho sinh viên những gì là cốt lõi, tinh chất của môn học. Giảng viên chỉ thuyết trình những vấn đề cốt yếu, dành thì giờ để giúp sinh viên giải đáp thắc mắc, cùng sinh viên trao đổi thảo luận và xử lý các tình huống có thật trong đời sống doanh nghiệp. Sinh viên phải có đủ sách tham khảo và bài giảng in sẵn (đương nhiên sinh viên phải mua), phải nghiên cứu bài giảng trước khi lên lớp. Sẽ không còn lối “học chay, học vẹt” mà những điều kiện thiếu thốn của nhiều năm đã tạo thành thói quen. Trau dồi kiến thức phải đi đôi với rèn luyện kỹ năng thực hành, bao gồm cả thực hành trên máy vi tính và máy luyện âm. Vào những học kỳ cuối khóa, sinh viên sẽ được thực tập trong các doanh nghiệp, để khi ra trường có thể bắt tay ngay vào nghề nghiệp mà không bỡ ngỡ. Với những sinh viên có trình độ khá về tiếng Anh, nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy một số môn học trực tiếp bằng tiếng Anh, có thể bắt đầu từ năm thứ ba hoặc năm thứ tư.
Một số vấn đề mà nhà trường quan tâm, nhưng chưa thể nói là đã yên tâm, đó là: làm thế nào giúp đỡ có hiệu quả các nhà quản lý tương lai rèn luyện đạo đức, phẩm chất, tác phong, lối sống – những thứ mà ở cương vị quản lý, nhiều khi thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức và tài năng.
Chưa yên tâm, vì lẽ thời gian mà sinh viên có mặt ở trường chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng số thời gian của sinh viên, mà khi có mặt ở trường thì lại chỉ tập trung vào việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng. Đạo đức, phẩm chất, tác phong, lối sống của một sinh viên được biểu lộ và hình thành thông qua nhiều mối quan hệ – ở trường, ở nhà và ngoài xã hội. Vì vậy, chỉ có kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội thì mới có thể có được sự giúp đỡ có hiệu quả đối với sinh viên.
Về phía nhà trường, một số nhà sư phạm đã được cử làm giáo viên chủ nhiệm lớp để hướng dẫn, chỉ đạo sinh viên thực hiện tốt mọi quy chế của trường, động viên giúp đỡ sinh viên học tập tốt, rèn luyện tốt, và làm cầu nối giữa nhà trường với gia đình và các tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, dù cho sự giúp đỡ của nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội có tích cực đến mức nào thì đó vẫn chỉ là sự tác động từ bên ngoài. Sự hình thành nhân cách của một con người chủ yếu là do ý chí, nghị lực của chính người đó quyết định.
Các bạn sinh viên thân mến,
Đứng trước hai câu hỏi thì cả hai câu hỏi đều thuộc về mỗi người trong các bạn. Không ai có thể trả lời thay mỗi bạn:
– Học tập như thế nào để biến những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của các thế hệ tiền bối và của các thầy cô giáo, thành kiến thức, kỹ năng, sự khôn ngoan của chính mình? – điều đó chỉ tùy thuộc vào chính bạn.
– Rèn luyện như thế nào để biến những lời khuyên của các bậc hiền tài, của nhà trường, của gia đình, của xã hội, thành đạo đức, phẩm chất, tác phong, lối sống, nhân cách của chính mình? – cả điều đó nữa cũng chỉ tùy thuộc vào chính bạn.
Giống như người chiến sĩ, nếu chịu đổ mồ hôi trên thao trường thì sẽ bớt được đổ máu trên chiến trường; các bạn sinh viên cũng vậy, nếu các bạn chịu khổ công học tập và rèn luyện trong thời gian ở trường, thì các bạn sẽ bớt được vấp váp, thất bại khi đối mặt với thị trường. Nhà trường, về phần mình, sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ bạn, nhưng cả kiến thức, kỹ năng lẫn phẩm chất, nhân cách đều thuộc về bản lĩnh của chính bạn, cũng tức là chính bạn. Có được những thứ ấy hay không, chỉ phụ thuộc vào ý chí và nghị lực của chính bạn./.