“Tôi thực sự vui mừng khi chứng kiến sự lớn mạnh của Trường Đại học Kinh tế”

Tôi xuất thân là một học sinh trường Bưởi tham gia cách mạng. Hết kháng chiến, tôi được cử đi học ở Trung Quốc về lý luận. Năm 1957, tôi về trường Nguyễn Ái Quốc, làm công tác giảng dạy, đồng thời dự một lớp bồi dưỡng cán bộ lên trình độ phó tiến sĩ, do giáo sư Liên Xô giảng dạy. Đến năm 1959, tôi được chuyển về Ủy ban Khoa học Nhà nước, cùng anh Bùi Công Trừng thành lập Viện Nghiên cứu Kinh tế. Có lẽ tôi “bén duyên” với nghiên cứu kinh tế Việt Nam từ đó.

Những ngày đầu thành lập, Viện chỉ có mấy chục cán bộ. Ở thời điểm đó chưa có ai nghiên cứu về kinh tế. Các trường đại học đào tạo về kinh tế thì chỉ đào tạo theo chuyên ngành hẹp như kinh tế kế hoạch, kinh tế nông nghiệp, lao động, vật tư… Nhưng nghiên cứu khoa học về kinh tế thì lại đòi hỏi kiến thức rộng về kinh tế. Tôi phát hiện ra rằng đào tạo đại học về kinh tế theo chuyên ngành hẹp không thích hợp với việc cung cấp cán bộ cho nghề nghiên cứu khoa học về kinh tế. Tôi đã dành thời gian đi tham quan, nghiên cứu hai trường đại học có tiếng ở Liên Xô là Đại học Lômônôxôp và Đại học Plêkhanôp. Khi đến Đại học Lômônôxôp, tôi thấy ở đây họ có một ngành học dạy về kinh tế học nói chung, gọi là ngành “chính trị kinh tế học”. Khái niệm “chính trị kinh tế học” được một nhà khoa học Pháp sử dụng năm 1615, sau đó được Adam Smith và Karl Marx sử dụng cho môn khoa học của mình, sau này được gọi là kinh tế học.

Từ kinh nghiệm của Đại học Lômônôxôp, tôi cho rằng Việt Nam cũng phải có một ngành học “chính trị kinh tế học” thì mới tạo ra được nguồn cán bộ cho nghề nghiên cứu khoa học về kinh tế.

Sau khi soạn thảo bản Đề án thành lập Khoa Chính trị Kinh tế học, tôi tìm gặp anh Tạ Quang Bửu – Bộ trưởng và anh Trần Tống – lúc đó là Bí thư Đảng đoàn của Bộ Đại học. Cả hai anh đều ủng hộ Đề án của tôi. Đề án được trình lên Ban Bí thư, Bộ Chính trị và được phê duyệt. Tôi được phép mở Khoa Kinh tế Chính trị tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thời đó do anh Nguyễn Đình Tứ làm Hiệu trưởng. Năm 1974, Khoa tuyển sinh khóa đầu tiên. Vì chương trình đào tạo rất “nặng”, tôi được Bộ Đại học cho phép Khoa được lựa chọn những sinh viên đạt điểm đầu vào cao nhất của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tôi đặt điều kiện phải lấy những học sinh giỏi nhất của khối A, và có thể cả khối B, C. Khóa đầu tiên chọn được 45 sinh viên, khóa thứ hai được 100. Không ít sinh viên rất ngạc nhiên vì khi họ thi vào trường để học toán, lý lại bị chuyển sang học kinh tế học. Tôi đã trực tiếp thuyết phục các em, giảng giải cho các em về tầm quan trọng và những điều lý thú của kinh tế học. Tôi trực tiếp giảng dạy cho sinh viên nhiều môn học, truyền cảm hứng và tình yêu đối với kinh tế học cho các em.

Viện Kinh tế của tôi lúc đó đã có 30 cán bộ tốt nghiệp đại học và được bồi dưỡng đạt trình độ phó tiến sĩ, do giáo sư Liên Xô giảng dạy (thời đó, nước ta chưa có chế độ cấp bằng phó tiến sĩ). Họ là những người đã cùng tôi giảng dạy lớp sinh viên này.

Tôi không chỉ trực tiếp giảng dạy mà còn đưa các em đến các nhà máy và hợp tác xã để học hỏi, thực tập, nghiên cứu, để các em được tiếp xúc với thực tế kinh tế Việt Nam. Tôi cũng mời nhiều chuyên gia kinh tế đến giảng dạy và báo cáo chuyên đề, để các em nắm bắt được những vấn đề kinh tế nóng hổi của đất nước. Thời đó được đăng bài trên những tạp chí chuyên về kinh tế là điều mơ ước của không ít người, điều đáng tự hào là sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị đã làm được. Về sau, nhiều khoa của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội còn “tị” với tôi vì sao tôi lại được phép lựa chọn những sinh viên tốt nhất vào Khoa của mình.

Ở nước ta thời bấy giờ, các trường đại học chỉ đào tạo theo chuyên ngành hẹp. Tôi là người đầu tiên mở lớp đào tạo ra những nhà kinh tế có kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực về kinh tế, có thể giúp các cơ quan Trung ương thiết kế chính sách mà nay ta gọi là chính sách kinh tế vĩ mô. Bởi thế sinh viên có nhiều cơ hội để được tuyển vào các cơ quan tham mưu của các Bộ ngành Trung ương, từ đó mà họ trưởng thành. Từ những khóa học đầu tiên đã có không ít người thành đạt, giữ những vị trí cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước và trong xã hội. Tôi nghĩ mình cũng “có duyên” với nghề nhà giáo khi những học trò của tôi đền đáp công lao của tôi bằng chính sự thành công của họ.

Khi tôi thành lập Khoa Kinh tế Chính trị thì xã hội đang thiếu các nhà kinh tế học có kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề kinh tế vĩ mô. Vì vậy, mô hình đào tạo như vậy là phù hợp. Ngày nay, khi nhu cầu xã hội đa dạng hơn thì việc Trường Đại học Kinh tế chuyển đổi thành cơ sở đào tạo đa ngành, mở thêm các ngành, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh… là điều cần thiết. Tôi thực sự vui mừng được chứng kiến sự lớn mạnh của Trường Đại học Kinh tế. Từ mốc ban đầu là Khoa Kinh tế Chính trị của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay đã phát triển thành một trường đại học có uy tín về đào tạo đa dạng ngành nghề và gắn giảng dạy với nghiên cứu khoa học. Đó là một hướng đi đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự phát triển, lớn mạnh hơn nữa của Trường trong những chặng đường tiếp theo.

Chúc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiếp tục thành công, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển đất nước./.