Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ qua 20 năm xây dựng và phát triển (1996-2016)

Kính thưa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Thưa các đồng chí và các bạn.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, do Trung ương Hội Khoa học kinh tế Việt Nam thành lập và xây dựng theo mô hình tư thục, chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường là một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp sức, góp vốn vì sự nghiệp “trồng người”, không vì mục tiêu lợi nhuận. Những người góp tiền làm vốn hoạt động cho Trường (“cổ đông”) góp tối thiểu số vốn là 10 triệu đồng (một mức đóng góp vừa sức đối với hầu hết cán bộ, nhân viên của trường. Người góp vốn không được chia lợi nhuận, chỉ được nhận lợi tức cổ phần bằng lãi suất tiền tiết kiệm gửi ngân hàng (từ năm 2013, theo Luật Giáo dục đại học, chuyển sang nhận lợi tức cổ phần bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ). Trường hiện có 823 cổ đông với số vốn góp là 118 tỷ đồng. Tập thể các cổ đông là chủ của Trường.

Trường được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ. Mỗi cổ đông có một phiếu biểu quyết tại Đại hội cổ đông, không phân biệt số vốn góp nhiều hay ít. Quy định này xuất phát từ ý tưởng cho rằng sự thành công của một trường đại học không phụ thuộc vào những người có nhiều tiền, mà phụ thuộc vào những người có tâm và có tài. Đại hội cổ đông bầu ra Hội đồng Quản trị. Hội đồng Quản trị cử ra Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng, các Trưởng phòng, các Chủ nhiệm khoa. Về nguyên tắc, Hội đồng Quản trị quyết định theo đa số, song trên thực tế, mọi chủ trương từ trước đến nay đều được quyết định trên cơ sở đồng thuận mà không gặp trở ngại gì.

Ngoài quyết định về nhân sự chủ chốt, Hội đồng Quản trị còn giữ quyền quyết định về Chiến lược phát triển của trường, về nội dung các Chương trình đào tạo, về quy chế thu, chi, phân phối thống nhất trong toàn trường và các chủ trương quan trọng khác.

Về sở hữu, trường có hai thành phần sở hữu:

Một là, sở hữu của cá nhân. Vốn góp của cổ đông là sở hữu của cá nhân. Cổ đông có quyền hưởng lợi tức từ vốn góp, có quyền rút vốn, chuyển nhượng vốn. Cổ đông được ưu tiên bố trí việc làm tại trường nếu đáp ứng được nhiệm vụ và khi trường có nhu cầu.

Hai là, sở hữu của tập thể – tập thể các cổ đông. Đó là quỹ tích lũy tập trung không chia. Quỹ này là cơ sở cho sự hoạt động lâu dài của Trường. Tổng giá trị của Quỹ tích lũy tập trung không chia hiện đã đạt trên 1.000 tỷ đồng, bằng 10 lần sở hữu của cá nhân.

Về quản lý, trường được tổ chức theo hai cấp:

Một là, Cấp trường: do Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu (cùng các phòng, ban trực thuộc) đảm nhiệm. Cấp này chịu trách nhiệm về những vấn đề chung của Trường.

Hai là, Cấp khoa: do các Ban Chủ nhiệm khoa đảm nhiệm. Cấp này chịu trách nhiệm về đào tạo các ngành học theo Chương trình đào tạo đã được duyệt.

Mô hình tổ chức với các đặc trưng nêu trên đã đảm bảo cho trường phát triển ổn định từ khi thành lập đến nay, không có tranh chấp về quyền sở hữu, không xảy ra mâu thuẫn về lợi ích, không xảy ra tham ô, tham nhũng. Trường là một tổ chức đoàn kết thống nhất, một lòng vì sự nghiệp trồng người.

Về sự nghiệp đào tạo:

Từ khóa học đầu tiên với 3 ngành học gồm 850 sinh viên, qua 20 năm phát triển, Trường đã đạt đến quy mô 30.000 sinh viên, với 20 ngành đào tạo Đại học, 5 ngành đào tạo Thạc sĩ, 1 ngành đào tạo Tiến sĩ.

Về đào tạo đại học, Trường đào tạo 20 ngành thuộc 4 khối:

 Khối Kinh tế, Kinh doanh, Quản lý: 7 ngành (Quản lý kinh doanh, Kinh doanh thương mại, Kinh doanh du lịch, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán, Luật kinh tế, Quản lý Nhà nước);

Khối Kỹ Thuật – Công nghệ: 9 ngành (Công nghệ thông tin, Điện – Điện tử, Cơ – Điện tử, Công nghệ ô tô, Xây dựng, Kiến trúc, Thiết kế sản phẩm, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất).

Khối bảo vệ sức khỏe: 2 ngành (Y đa khoa, Dược học);

Khối ngoại ngữ: 2 ngành (tiếng Anh, tiếng Trung). Ngoài ra còn đào tạo tiếng Nga và tiếng Nhật ở trình độ trung cấp.

Quy mô đào tạo: 30.000-35.000 sinh viên (trong đó 30.000 thuộc Hệ đào tạo chính quy).

Qua 20 năm, Trường đã tiếp nhận 110.000 sinh viên, trong số đó có 1.000 sinh viên Lào và Campuchia.

Đã cấp bằng tốt nghiệp cho:

– 52.541 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư

– 1.875 thạc sĩ.

Hầu hết các em đều nhận được việc làm ngay khi ra trường, với mức lương tương đối cao. Nhiều sinh viên tự tạo được việc làm. Nhiều sinh viên đã đạt được vị trí cao trong xã hội.

Số sinh viên tốt nghiệp xếp hạng khá, giỏi ngày càng tăng, hiện đã đạt tỷ lệ 80%, trong khi số tốt nghiệp xếp hạng trung bình khá chỉ còn chiếm tỷ lệ 20%.

Nhiều sinh viên của trường đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế (42 giải về công nghệ thông tin, 2 giải về cơ – điện tử, 13 giải về kiến trúc).

Về đội ngũ quản lý và giảng dạy:

Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy cơ hữu của trường gồm 1.217 người, trong đó có:

– 182 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ (hầu hết đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước tại các trường đại học công lập hoặc các cơ quan Nhà nước);

– 665 thạc sĩ, bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II;

– 370 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ.

Số giảng viên cơ hữu có trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm 70% tổng số giảng viên cơ hữu (nếu quy đổi theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tổng số giảng viên cơ hữu là 1.352 người).

Số giảng viên cơ hữu của trường đạt và vượt tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tỷ lệ giảng viên tính trên đầu sinh viên.

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, các giảng viên đều tập trung công sức vào công tác nghiên cứu khoa học mà trọng tâm là nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo.

– Đã nghiên cứu, thiết kế được 47 chương trình đào tạo đại học, 6 chương trình đào tạo thạc sĩ, 1 chương trình đào tạo tiến sĩ.

– Đã biên soạn được 1.031 giáo trình và bài giảng về các môn học thuộc Chương trình đào tạo đại học, 40 tập tài liệu nghiên cứu cho học viên cao học, 242.168 đề thi cho các môn học đại học và cao học.

– Đã thiết kế được 12 phần mềm phục vụ giảng dạy và quản lý.

– Về hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, có 18 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen, 73 đề tài được nghiệm thu cấp trường.

– Kinh phí nghiên cứu khoa học mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng.

Về cơ sở vật chất kỹ thuật:

Trường có 3 cơ sở: Cơ sở I tại Vĩnh Tuy – Hà Nội, Cơ sở II tại Từ Sơn – Bắc Ninh, Cơ sở III tại Lương Sơn – Hòa Bình, cả 3 cơ sở được xây dựng trên diện tích 22 héc ta.

– Diện tích phòng học là: 41.731 m2 x 2 ca = 83.462 m2, đủ đáp ứng cho 30.000 sinh viên Hệ chính quy học tại trường.

– Thư viện trường được trang bị máy tính để sinh viên truy cập trên mạng.

– Ký túc xá bảo đảm chỗ ở cho 2.000 sinh viên, hiện đang dành cho 1.000 sinh viên Lào và Campuchia;

– Sân vận động ngoài trời và nhà tập có mái che bảo đảm điều kiện cho sinh viên phát triển thể lực.  

Về trang thiết bị, trường có trên 4.000 máy vi tính nối mạng internet, đủ bảo đảm cho mỗi sinh viên một máy khi học và thực hành. Có 274 máy chiếu (projector) phục vụ giảng dạy bằng giáo án điện tử. 250 phòng học được lắp thiết bị vân tay để đảm bảo kỷ luật lên lớp đúng giờ. Các khối nhà cao tầng đều được lưu thông bằng thang máy. Các ngành Kỹ thuật – Công nghệ và Bảo vệ sức khỏe có đủ phòng thực hành, thực tập hoặc thí nghiệm.

Tổng tài sản cố định đạt giá trị trên 1.000 tỷ đồng.

Về tài chính:

Trường có nền tài chính vững vàng. Nguồn thu chủ yếu là học phí, đủ để chi cho công tác đào tạo. Cân bằng thu chi luôn được bảo đảm.

Cơ sở vật chất của trường được xây dựng bằng nguồn vốn góp của cổ đông và phần học phí dành cho trường sở (phần học phí dành cho trường sở chiếm khoảng 15% tổng học phí).

Trường có quy chế tài chính minh bạch, do Hội đồng Quản trị quy định và công bố công khai cho cán bộ nhân viên và sinh viên toàn trường.

Về Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể:

Đảng bộ trường gồm 345 đảng viên (không kể nhiều đảng viên sinh hoạt ở các khu phố và các Đảng bộ khác, nhiều năm được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Đảng bộ có trách nhiệm lãnh đạo toàn thể đảng viên và các tổ chức đoàn thể trong trường (Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Công đoàn) thực hiện tốt mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các tổ chức đoàn thể trong trường đã nhận được nhiều bằng khen của các tổ chức cấp trên.

Giữa Đảng bộ và Hội đồng Quản trị, Ban Giám hiệu có sự phối hợp chặt chẽ trên mọi lĩnh vực công tác.

Kết luận:

  1. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong mấy trường đại học ngoài công lập đầu tiên ở nước ta. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, trường đã trở thành một cơ sở đào tạo đại học vững mạnh, cung cấp cho đất nước một nguồn nhân lực trình độ cao, có chất lượng. Với những thành tích đã đạt được, Trường đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (nhân kỷ niệm 10 năm thành lập), Huân chương Lao động hạng Nhì (nhân kỷ niệm 15 năm thành lập) và Huân chương Lao động hạng Nhất (nhân kỷ niệm 20 năm thành lập). Sự thành công của trường là một minh chứng cho sự thành công của đường lối xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Đường lối ấy không những đã huy động được nguồn lực to lớn của nhân dân vào việc đào tạo con em họ trở thành những người lao động có tri thức và kỹ năng ở trình độ cao, mà còn huy động được tài năng, công sức của một lực lượng đông đảo các nhà trí thức (kể cả những nhà trí thức đã làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước) vào sự nghiệp trồng người, vì mục đích “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

  1. Sự thành công của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng chứng minh sức sống của mô hình tổ chức của trường – một tổ chức hợp tác phi lợi nhuận.Nếu trường đại học ngoài công lập được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, vì mục đích lợi nhuận thì khó tránh khỏi sự tranh chấp về lợi ích, về sở hữu, gây mất ổn định, khả năng phục vụ sự nghiệp đào tạo cũng hạn chế./.