Sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa là nền móng của xã hội mới mà chúng ta xây dựng, là mục tiêu của công cuộc lao động sáng tạo của hàng triệu người lao động ở nước ta. Song, chính trên cái khái niệm rất cơ bản ấy vẫn không ít nhận thức mơ hồ. Nhận thức về mục tiêu mà mơ hồ thì chủ trương hành động khó lòng mà sáng tỏ được. Vì vậy, làm rõ khái niệm “sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” chẳng phải đơn thuần chỉ là vấn đề học thuật, mà nó còn có quan hệ trực tiếp đến đường lối, chủ trương và hoạt động thực tiễn của chúng ta.
Sản xuất
Trong kinh tế học, nói sản xuất là nói đến sản xuất vật chất, mà sản xuất thì bao giờ cũng có tính chất xã hội. “Sản xuất do cá nhân riêng lẻ thực hiện ngoài xã hội… là một điều vô lý cũng như sự phát triển ngôn ngữ của những cá nhân không chung sống và nói năng với nhau vậy”.
Sản xuất hay sản xuất xã hội, bao giờ cũng là một ngành sản xuất riêng biệt (hay đặc thù) như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, v.v… hoặc là toàn thể những ngành đó. Khi chúng ta nói đến sản xuất lớn, hay nền sản xuất lớn, hiển nhiên chúng ta nói sản xuất với ý nghĩa thứ hai – “sản xuất coi như một tổng thể toàn bộ“, coi như một cơ thể duy nhất mà mỗi ngành sản xuất đặc thù chỉ là một bộ phận cấu thành.
Sản xuất là một tổng thể, song, bản thân nó lại chỉ là một bộ phận (hay một khâu) của một tổng thể lớn hơn: nền kinh tế quốc dân, hay tái sản xuất xã hội (cũng tức là sản xuất hiểu theo nghĩa rộng). Trong cái tổng thể này, sản xuất, phân phối, trao đổi (lưu thông chỉ là một yếu tố nhất định của trao đổi) và tiêu dùng chỉ là những khâu kế tiếp nhau của một quá trình duy nhất (quá trình tái sản xuất xã hội), là những bộ phận cấu thành của một khối thống nhất (nền kinh tế quốc dân, hay nói gọn hơn: nền kinh tế). Những khâu này, những bộ phận này gắn bó chặt chẽ với nhau, quy định lẫn nhau, song, giữ vai trò quyết định nhất vẫn là sản xuất. “Một nền sản xuất nhất định, quyết định một chế độ tiêu dùng nhất định, một chế độ phân phối nhất định, một chế độ trao đổi nhất định, chế độ sản xuất đó cũng quy định các quan hệ nhất định giữa các yếu tố khác nhau đó. Dĩ nhiên là dưới hình thái riêng của nó, bản thân sản xuất cũng do các yếu tố khác quyết định… Đó là trường hợp của bất cứ một tổng thể hữu cơ nào”.
Mặc dầu tất cả những mối quan hệ chằng chịt nói trên, trong bài này, khi đề cập đến sản xuất, chúng ta không thể không tạm thời gạt sang một bên các yếu tố khác có liên quan với nó và làm điều kiện cho nó. Bởi lẽ – như Mác đã chỉ ra – “Không thể dùng kính hiển vi hay những chất phản ứng của hóa học để phân tích những hình thái kinh tế được; mà chỉ có sự trừu tượng hóa mới là sức mạnh duy nhất có thể dùng để phân tích như thế thôi”.
Cũng chỉ với phương pháp trừu tượng hóa, chúng ta mới có thể nêu lên một số nét đặc trưng nào đó của sản xuất lớn (đối lập với sản xuất nhỏ) cũng như của sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa (đối lập với sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa). Thông thường khi nói về sản xuất thì bao giờ cũng là nói về sản xuất ở một xã hội nhất định, ở một giai đoạn nhất định của sự phát triển xã hội. Nói về sản xuất lớn cũng vậy, bao giờ cũng là nói về sản xuất ở một xã hội nhất định và một thời đại lịch sử nhất định. Sản xuất lớn ở xã hội này không giống sản xuất lớn ở xã hội kia, sản xuất lớn ở thời đại lịch sử này không giống sản xuất lớn ở thời đại lịch sử kia. Song mặt khác lại phải thừa nhận rằng, tất cả mọi thời đại của sản xuất đều có một tính chất chung nào đó, một số tính quy định chung nào đó. Sản xuất lớn cũng vậy, dù ở thời đại lịch sử nào, dù ở bất cứ xã hội nào, cũng đều có một số tính chất chung nào đó, một số đặc trưng chung nào đó. Chỉ bằng phương pháp trừu tượng hóa, chúng ta mới tìm ra được những nét chung ấy. Mác viết: “Sản xuất nói chung là một sự trừu tượng, nhưng là một sự trừu tượng hợp lý, trong chừng mực nó thực sự nêu lên được nét chung, cố định nó lại, và do đó, tránh cho ta khỏi lặp lại”.
Sau khi, bằng phương pháp trừu tượng hóa, tìm ra được những nét chung của sản xuất lớn và của sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, chúng ta sẽ có điều kiện để tiến thêm một bước, tìm ra những nét riêng của sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong sự vật, cái chung và cái riêng bao giờ cũng tồn tại trong một thể thống nhất. Không nắm được cái chung thì không sao phân biệt được cái riêng. Cái chung và cái riêng đã không nắm được, cũng tức là không nắm được bản chất của sự vật, không nắm được quy luật của sự vật, thì tránh sao khỏi mất phương hướng trong hoạt động thực tiễn? Nếu chỉ dừng lại ở cái chung mà không nắm được cái riêng, tức là không nắm được đặc điểm của sự vật, không hiểu được hình thái tồn tại cụ thể của sự vật, cũng tức là không hiểu bản thân sự vật. Mác chỉ ra như sau: “Tuy rằng các ngôn ngữ phát triển có một số định luật và quy định chung với những ngôn ngữ kém phát triển nhất, nhưng chính cái khác với những điểm phổ biến và chung đó là cái cấu thành sự phát triển của những ngôn ngữ ấy. Cần phải phân biệt những quy định có giá trị đối với sản xuất nói chung, chính là để cho sự thống nhất – sự thống nhất này đã bắt nguồn từ chủ thể tức là loài người, và khách thể tức là tự nhiên, là đồng nhất – không làm người ta quên mất sự khác nhau căn bản”.
Sau những nhận xét mào đầu trên đây về sản xuất và về phương pháp nghiên cứu, chúng ta hãy đi vào tìm hiểu sản xuất lớn. Vấn đề đặt ra là: đặc trưng của sản xuất lớn là gì? Đương nhiên, muốn nêu lên đặc trưng của sản xuất lớn thì không thể không so sánh nó với sản xuất nhỏ.
Sản xuất lớn
Trước khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời thì sản xuất ở tất cả các thời đại đều là sản xuất nhỏ, đều được tiến hành theo Phương thức sản xuất nhỏ. Sản xuất lớn chỉ thực sự ra đời với nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nó mau chóng trở thành phương thức đặc thù của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhưng, một khi đã đánh bại được phương thức sản xuất nhỏ trên phạm vi thế giới và trở thành phương thức sản xuất thống trị toàn thế giới, thì sản xuất lớn không còn có thể nằm vừa trong cái vỏ tư bản chủ nghĩa của nó được nữa. Nó đã và đang phá tung cái vỏ này ra để phát triển dưới một hình thái mới, phù hợp với bản chất của nó hơn: hình thái xã hội chủ nghĩa.
Bước chuyển biến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa đã được Ăng-ghen trình bày một cách tóm tắt như sau:
“Trước khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện, tức là trong thời Trung cổ, ở đâu người ta cũng chỉ thấy toàn là nền sản xuất nhỏ, dựa trên cơ sở quyền tư hữu của những người lao động về tư liệu sản xuất của mình, như: nông nghiệp của những người tiểu nông tự do hay nông nô thủ công nghiệp ở thành thị. Các tư liệu lao động – như ruộng đất, nông cụ, xưởng thợ, dụng cụ của người thợ thủ công – đều là những tư liệu lao động của cá nhân, chỉ tính toán cho vừa với việc sử dụng cá nhân, cho nên những tư liệu ấy tất nhiên là vụn vặt, rất nhỏ bé và có hạn. Nhưng chính vì lẽ đó mà những tư liệu ấy thường là của chính ngay người sản xuất. Tập trung lại và mở rộng những tư liệu sản xuất phân tán và nhỏ bé ấy ra, biến nó thành những đòn bẩy mạnh mẽ của nền sản xuất hiện giờ, đó chính là vai trò lịch sử của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và của giai cấp vốn là trụ cột để duy trì phương thức sản xuất ấy, tức là giai cấp tư sản. Trong phần thứ tư của bộ Tư bản, Mác đã tả tỉ mỉ cho ta thấy từ thế kỷ XV, giai cấp tư sản đã hoàn thành được sự nghiệp đó như thế nào, qua ba giai đoạn là: hợp tác giản đơn, công trường thủ công và đại công nghiệp. Nhưng, Mác cũng chứng minh, giai cấp tư sản không thể biến những tư liệu sản xuất có tính chất hạn chế ấy thành những lực lượng sản xuất mạnh mẽ được, nếu không biến những tư liệu sản xuất của cá nhân thành những tư liệu sản xuất có tính chất xã hội mà chỉ một số đông người cùng làm mới có thể sử dụng được”.
Trong đoạn văn trên đây của Ăng-ghen, chúng ta lưu ý hai điểm:
- Đặc trưng của nền sản xuất nhỏ là: các tư liệu lao động đều vụn vặt, nhỏ bé, hiệu lực có hạn, chỉ vừa cho cá nhân sử dụng, tóm lại là những tư liệu lao động của cá nhân. Chính vì thế mà những tư liệu ấy thường là của chính ngay người sản xuất và sản xuất thường chỉ có thể tiến hành theo phương thức cá thể.
- Trong khi ấy, đặc trưng của nền sản xuất lớn (tư bản chủ nghĩa) là: tư liệu lao động (nên hiểu đây là những hệ thống máy móc) có tính chất xã hội, chỉ một số đông người cùng làm mới có thể sử dụng được. Điều đó có nghĩa là: do chính tính chất của tư liệu lao động quy định, sản xuất chỉ có thể tiến hành với điều kiện có sự hợp tác và phân công của nhiều người lao động.
Với một đoạn văn ngắn ngủi như trên, dù súc tích đến đâu chăng nữa, chúng ta cũng chỉ có thể có được một ý niệm rất sơ lược về nền sản xuất lớn. Như Ăng-ghen đã nói, trong bộ Tư bản, Mác đã nghiên cứu tỉ mỉ bước chuyển biến lịch sử từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn (ở đây là sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa) qua ba giai đoạn: hợp tác giản đơn, công trường thủ công và đại công nghiệp. Vậy thì để tìm hiểu kỹ nền sản xuất lớn cũng như đặc trưng của nó, thiết tưởng không phải là dài dòng nếu chúng ta nhắc lại một cách ít nhiều có tính hệ thống những kết quả nghiên cứu chủ yếu của Mác về vấn đề nói trên.
Hợp tác giản đơn
Trước hết, hãy nói về hợp tác (hay hiệp tác) giản đơn. Mác viết:
“Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ thực tế bắt đầu ở nơi mà một người chủ duy nhất bóc lột cùng một lúc nhiều người lao động làm thuê, ở nơi mà quá trình lao động tiến hành trên một quy mô lớn đòi hỏi một thị trường rộng lớn để tiêu thụ sản phẩm của nó. Một số đông công nhân làm việc trong cùng một thời gian dưới sự điều khiển của cùng một tư bản, trong cùng một không gian (hay nếu muốn nói: trên cùng một địa điểm lao động cũng được) để sản xuất ra cùng một loại hàng hóa, đó là xuất phát điểm lịch sử của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chính vì thế nên lúc ban đầu, công trường thủ công thực sự không khác với phường hội thời trung cổ mấy chút, nếu có khác chăng thì chỉ khác ở chỗ số nhiều công nhân bị bóc lột cùng một lúc. Công trường thủ công chỉ là xưởng của người chủ phường hội đem mở rộng ra đó thôi. Sự khác nhau ở đây bắt đầu ở chỗ thuần túy về số lượng”.
Mới thoạt nhìn thì lao động hợp tác chỉ khác lao động riêng lẻ ở chỗ thuần túy về số lượng. Song nhìn kỹ hơn, ta thấy: chính từ mặt số lượng này, đã đẻ ra một sự thay đổi về chất lượng. Mác viết:
“So sánh với một tổng số tương đương về lao động cá nhân và riêng lẻ thì ngày lao động kết hợp tạo ra được nhiều giá trị sử dụng hơn và giảm bớt được thời gian cần thiết để đạt được kết quả mong muốn. Ngày lao động kết hợp mà đạt được năng suất cao bằng cách nâng cao năng lực cơ giới của lao động lên, bằng cách mở rộng phạm vi tác dụng của lao động trong không gian hay bằng cách thu hẹp địa điểm sản xuất so với quy mô sản xuất, bằng cách huy động được những số lượng lao động lớn trong những thời kỳ khẩn cấp, bằng cách phát triển thi đua, kích thích tinh thần động vật, bằng cách làm cho những công việc giống nhau của nhiều công nhân trở nên liên tục hoặc có nhiều mặt, bằng cách tiến hành những công việc khác nhau trong cùng một lúc, bằng cách tiết kiệm được tư liệu sản xuất do chỗ đem dùng chung những tư liệu ấy, hay bằng cách truyền cho những lao động cá thể, tính chất lao động trung bình, thì sức sản xuất đặc biệt của ngày lao động kết hợp là một sức sản xuất xã hội của lao động, hay là một sức sản xuất của lao động xã hội. Sức sản xuất đó sinh ra từ chính ngay sự hiệp tác. Cùng hoạt động chung với nhiều người khác nhằm một mục đích chung và cùng theo một kế hoạch ăn khớp, người lao động sẽ xóa bỏ được những sự hạn chế do cá nhân của mình gây ra, và sẽ phát triển được năng lực cộng thể của mình.
Chẳng phải chủ nghĩa tư bản đã có công phát minh ra sự hợp tác. Ngay trong hình thức săn bắn cổ sơ nhất (nhiều người cùng săn đuổi một con thú), người ta đã thấy sự hợp tác. Có thể nói việc săn bắn là hình thức hợp tác đầu tiên trong lịch sử. Thành tích đặc biệt chói lọi qua hợp tác (ở đây vẫn chỉ nói về hợp tác giản đơn) thể hiện ở một số công trình kiến trúc đồ sộ thời Cổ đại và Trung cổ: Kim tự tháp ở Ai Cập, Vạn lý trường thành ở Trung Quốc, đền Ăng-co ở Căm-pu-chia, v.v… Như vậy thì giữa sự hợp tác giản đơn ở các thời đại có gì khác nhau không? Ít nhất có một điểm khác nhau căn bản: ở các thời đại trước, sự hợp tác chỉ được thực hiện một cách lẻ tẻ, trong một số trường hợp đặc biệt, trong khi đó thì phương thức sản xuất phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, cá thể; còn dưới chủ nghĩa tư bản thì ngược lại, “bản thân hiệp tác lại là hình thức đặc biệt của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa”. Không có hợp tác thì cũng không có cả bản thân nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. “Như vậy là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa biểu hiện ra như là một tất yếu lịch sử để biến lao động riêng lẻ thành lao động xã hội”.
Tương ứng với bước nhảy vọt này của lao động là bước nhảy vọt của sản xuất: “Trong hình thức giản đơn của sự hiệp tác, hình thức duy nhất mà chúng ta nghiên cứu từ trước đến đây, thì sự hiệp tác tương đồng với việc sản xuất đại quy mô”. Một số đông công nhân làm việc trong cùng một thời gian, trên cùng một địa điểm lao động, để sản xuất ra cùng một loại hàng hóa, hiển nhiên là một bước nhảy vọt so với sản xuất riêng lẻ, cá thể, hiển nhiên là sản xuất quy mô lớn.
Mặc dù hợp tác là điều kiện không thể thiếu được của sản xuất lớn là yếu tố cơ bản hay phương thức cơ bản của sản xuất lớn, song bản thân hợp tác dưới hình thức giản đơn của nó, lại không đặc trưng cho một thời kỳ đặc biệt nào của sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa. Nó chỉ điểm xuất phát lịch sử của nền sản xuất này. Đúng là nó có tạo ra được một năng suất lao động cao hơn so với lao động riêng lẻ, song, chỉ riêng hợp tác giản đơn thôi chưa đủ sức làm đảo lộn phương thức sản xuất mới. Phải chờ đến những giai đoạn phát triển sau, khi lao động hợp tác đã được tổ chức lại trên cơ sở phân công, và cuối cùng, được cải tạo hoàn toàn trên cơ sở sử dụng máy móc, thì lúc đó, nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa mới thật sự hình thành. Cũng chỉ từ lúc đó, những hình thái kinh tế cổ truyền dựa trên phương thức sản xuất nhỏ mới dứt khoát chịu rút lui khỏi vũ đài lịch sử, trao lại trận địa cho nền sản xuất lớn, tư bản chủ nghĩa.
Hợp tác trên cơ sở phân công
Với hợp tác giản đơn, một số lượng lớn lao động được tập hợp lại trong cùng một thời gian, trên cùng một địa điểm lao động, để sản xuất ra cùng một loại hàng hóa. Lao động chỉ mới được tập hợp lại về số lượng, một cách đơn giản, chứ chưa chịu một sự cải tạo về chất lượng nào cả. Phải sang giai đoạn công trường thủ công thì sự cải tạo này mới được thực hiện.
Cái cống hiến mới mẻ của công trường thủ công là phân công lao động trong nội bộ công trường thủ công, sự phân công này lấy hợp tác làm tiền đề. Sức mạnh của công trường thủ công, vì vậy, là ở các hiệp tác lẫn phân công. Mác gọi công trường thủ công là “loại hiệp tác mà cơ sở là phân công”. Đặc điểm ấy được miêu tả như sau:
“Nguồn gốc của công trường thủ công, việc nó phát sinh từ nghề thủ công, như vậy là có hai mặt. Một mặt, công trường thủ công xuất phát từ sự kết hợp những nghề thủ công khác nhau và độc lập, mà người ta biến thành phụ thuộc với nhau và làm cho đơn giản đến mức chỉ còn là những công việc bộ phận và bổ sung cho nhau trong việc sản xuất ra cùng một hàng hóa thôi; mặt khác, nó xuất phát từ sự hiệp tác của những người thợ thủ công cùng một nghề, đem chia cũng cái nghề thủ công đó thành những động tác khác nhau, đem tách riêng những động tác đó ra, và làm cho những động tác đó trở thành những động tác độc lập đến mức mỗi động tác đó trở thành một chức năng do một người lao động bộ phận chuyên đảm nhiệm. Như vậy là công trường thủ công, khi thì thực hiện sự phân công trong một nghề thủ công và phát triển thủ công riêng rẽ và biệt lập mà kết hợp lại. Nhưng dù công trường thủ công có xuất phát từ chỗ nào đi nữa thì hình thức cuối cùng của nó cũng vẫn chỉ là một thôi: Một cơ cấu sản xuất mà khí quan là con người”.
Là sự hiệp tác thuộc loại đặc biệt – sự hiệp tác lấy phân công làm cơ sở – công trường thủ công hình thành một cơ cấu sản xuất lớn duy nhất, mà mỗi khí quan là một hoặc nhiều người lao động bộ phận; những người này suốt đời chỉ chuyên môn hóa về một chức năng bộ phận, và vì thế, chỉ tiến hành sản xuất được với điều kiện: gắn chặt với nhau trong một cơ cấu duy nhất. Đến đây, lao động không chỉ tập hợp lại về số lượng một cách đơn giản và ngẫu nhiên nữa. Mỗi một người lao động đều bị xé nhỏ ra từng động tác riêng biệt, thành từng chức năng riêng biệt để rồi ghép tất cả lại thành một guồng máy duy nhất. Trước đây mỗi người thợ thủ công đều làm nhiều loại động tác, nhiều loại công việc để hoàn thành sản phẩm hoàn chỉnh (một hàng hóa). Có thể nói, mỗi người là một đơn vị sản xuất. Với hợp tác giản đơn, nếu họ có bị tập hợp lại trong cùng một xưởng thợ thì cũng là với tư cách mỗi người là một đơn vị sản xuất: mỗi người vẫn tiếp tục làm nhiều loại động tác, nhiều loại công việc để hoàn thành một sản phẩm. Nhưng nay, với phân công lao động trong nội bộ công trường thủ công, mỗi người lao động không còn là một người thợ thủ công hoàn chỉnh nữa, anh ta chỉ còn là một bộ phận của người thợ thủ công thôi, hay – như Mác nói – một người công nhân bộ phận. Anh ta không làm ra sản phẩm hoàn chỉnh nữa, mà chỉ thực hiện một động tác nhất định góp phần làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, hay đúng hơn, để góp phần làm ra một chi tiết của một sản phẩm hoàn chỉnh. Như vậy anh ta không còn là một đơn vị sản xuất nữa. Chỉ có công trường thủ công, xét toàn bộ, mới làm ra một sản phẩm mới hoàn chỉnh, mới là một đơn vị sản xuất. Một người thợ thủ công từ nay chỉ còn là một bộ phận của đơn vị sản xuất đó thôi. Mỗi người đều trở nên què quặt và chỉ khi nào được lắp ráp lại với nhau trong khuôn khổ của công trường thủ công, thì bằng hành động chung đó, họ mới hình thành một người thợ thủ công hoàn chỉnh hay, như Mác nói, một người lao động tập thể. Ở đây, sản xuất sở dĩ trở thành sản xuất lớn chẳng phải vì nó tập hợp một cách giản đơn, ngẫu nhiên, nhiều đơn vị sản xuất giống nhau lại với nhau, mà bởi vì cấu tạo bên trong của sản xuất bắt buộc phải gắn bó nhiều người lao động bộ phận lại với nhau mới hình thành được một người lao động tập thể, một dây chuyền sản xuất, và như vậy, mới tiến hành sản xuất được. Do có phân công lao động mà hợp tác trở thành tất yếu, sản xuất lớn trở thành tất yếu.
Quy mô của sản xuất phải lớn và có thể lớn đến mức nào? Mác viết:
“Vì sản phẩm bộ phận của từng người lao động bộ phận đồng thời chỉ là một giai đoạn phát triển riêng biệt của thành phẩm, nên mỗi công nhân hay mỗi nhóm công nhân này thì cung cấp nguyên liệu cho người công nhân hay nhóm công nhân kia. Kết quả lao động của người này hay nhóm này là khởi điểm lao động của người kia hay nhóm kia…
“Nhưng những việc khác nhau thì đòi hỏi những thời gian lao động dài ngắn khác nhau và do đó, cung cấp, trong những khoảng thời gian bằng nhau, những số lượng sản phẩm bộ phận không bằng nhau. Vậy nếu cũng một công nhân ấy mà ngày nào cũng phải làm chỉ độc một việc thôi, thì để tiến hành những công việc khác nhau, người ta phải dùng công nhân với một tỉ lệ khác nhau: chẳng hạn, trong một công trường thủ công đúc chữ in thì cứ 4 người thợ đúc thì phải dùng 2 người thợ cắt và một người thợ mài; người thợ đúc mỗi giờ đúc 2 nghìn chữ in thì người thợ cắt tách được bốn nghìn và người thợ mài đánh bóng được tám nghìn. Nguyên tắc hiệp tác dưới hình thái đơn giản nhất lại xuất hiện: sử dụng đồng thời một số công nhân nhất định vào những việc cùng một loại; nhưng bây giờ nguyên tắc đó lại biểu hiện một quan hệ hữu cơ. Vậy là sự giản đơn mà đồng thời làm tăng gấp bội không những những khí quan khác nhau về tính chất của người lao động tập thể; mà nó còn sáng tạo thêm một tỉ lệ số học cố định, tỉ lệ này quy định số lượng của những khí quan đó, nghĩa là con số tương đối về công nhân hay lượng tương đối của nhóm công nhân trong mỗi chức năng đặc biệt.
“Một khi con số tỉ lệ thích hợp nhất cho các nhóm những người lao động bộ phận đã được kinh nghiệm xác định cho một quy mô sản xuất nhất định rồi, thì người ta chỉ có thể mở rộng quy mô đó bằng cách nhân đều mỗi nhóm lao động đặc biệt đó lên”.
Mác gọi tính tỉ lệ quy định những số lượng công nhân nhất định phải gánh vác những chức năng nhất định trong công trường thủ công là một luật thép. Nhưng số lượng những công nhân nhất định phải gánh vác những chức năng nhất định thì lại không đứng nguyên một chỗ mà trái lại, không ngừng tăng lên, bởi lẽ phân công lao động không ngừng hoàn thiện.
“Một số khá lớn công nhân làm việc theo mệnh lệnh của cùng một tư bản, đó là điểm xuất phát tự nhiên của công trường thủ công, cũng như của sự hợp tác giản đơn. Nhưng sự phân công theo đúng như yêu cầu của công trường thủ công, thì lại làm cho việc không ngừng tăng số công nhân sử dụng, trở thành một sự tất yếu về kỹ thuật. Bây giờ thì ấn định con số công nhân tối thiểu mà một nhà tư bản phải sử dụng là do sự phân công đã có sẵn”.
Trên đây, chúng ta đã xem phân công lao động làm cho lao động xã hội hóa được cải tạo về chất lượng như thế nào. Chúng ta cũng đã xem phân công lao động làm đảo lộn cấu tạo bên trong của sản xuất quy mô lớn (dựng lên trên cơ sở hợp tác giản đơn) và làm cho sản xuất quy mô lớn và ngày càng lớn trở thành một tất yếu kỹ thuật như thế nào. Bây giờ hãy xem xét vai trò của công trường thủ công trong việc phát triển sản xuất tư bản chủ nghĩa như thế nào.
Hiển nhiên, công trường thủ công là một đòn bẩy hết sức mạnh mẽ đối với chủ nghĩa tư bản, và như vậy là vì, chẳng những nó lợi dụng được tất cả những tính ưu việt của sự hợp tác đã nói ở trên, mà còn lợi dụng được cả những tính ưu việt của sự phân công nữa.
Khi người công nhân bộ phận biến toàn bộ thân thể của anh ta thành hai khí quan chuyên môn của chỉ độc một công việc đơn giản thôi thì đương nhiên, trong công việc ấy, anh ta trở nên thành thạo hơn và chi phí ít thời gian hơn người thợ thủ công làm cả một loạt công việc phức tạp. Cũng do chỗ chuyên môn hóa mà người ta tích lũy được kinh nghiệm, sáng tạo ra được những phương pháp kỹ thuật hiệu nghiệm hơn.
Một người thợ thủ công, khi tiến hành nhiều quá trình bộ phận khác nhau trong việc sản xuất ra một sản phẩm, tất nhiên phải, khi thì đổi chỗ, khi thì đổi dụng cụ, và mỗi lần đổi như vậy là một lần lãng phí thời gian, thậm chí cả sức lực. Người lao động bộ phận suốt ngày chỉ làm một công tác liên tục, đơn điệu, rõ ràng giảm được những khoảng thời gian không sản xuất đó xuống mức thấp nhất.
Tất cả các trường hợp trên đây đều làm cho năng suất lao động của người công nhân bộ phận tăng lên.
Năng suất lao động không phải chỉ do sự thành thạo, sự khéo léo, sự hợp lý hóa các động tác của người công nhân quyết định. Nó còn do tính chất hoàn thiện của công cụ người đó quyết định nữa. Trước đây một công cụ có thể dùng vào nhiều việc khác nhau. Bây giờ khi mỗi một loại động tác trở thành chức năng chuyên môn của một người công nhân bộ phận, thì công cụ của anh ta cũng dần dần được cải biến sao cho thích hợp nhất với chức năng đặc thù của anh ta. Sự phân hóa và chuyên môn hóa người lao động kéo theo nó sự phân hóa và chuyên môn hóa các công cụ lao động. Chuyên môn hóa các công cụ lao động cũng làm cho năng suất lao động tăng lên không kém việc chuyên môn hóa bản thân người lao động.
Chính vì đã tạo ra một năng suất lao động cao hơn nền sản xuất nhỏ, cá thể, cho nên công trường thủ công đã phát triển nhanh chóng, mở ra một thời kỳ chính thức gọi là thời kỳ công trường thủ công (ở châu Âu) kéo dài suốt hai thế kỷ. Nó chèn ép, lấn át phương thức sản xuất nhỏ từ trận địa này sang trận địa khác, nó chiếm lĩnh cho chủ nghĩa tư bản hết lĩnh vực công nghiệp này đến lĩnh vực công nghiệp khác.
Bí quyết thành công của công trường thủ công là sự phân công – phân công đi liền với hợp tác. Song, không phải bất cứ loại phân công nào cũng đều trở thành tài sản riêng của chủ nghĩa tư bản. Trở thành tài sản riêng của chủ nghĩa tư bản chỉ là sự phân công trong nội bộ xưởng thợ, nội bộ công trường thủ công.
“Nếu người ta chỉ xét riêng bản thân lao động thôi thì người ta có thể gọi sự phân công chia nền sản xuất xã hội thành những ngành lớn: công nghiệp, nông nghiệp, v.v… là sự phân công chung; gọi sự phân công chia những ngành sản xuất ấy thành loại và thứ, là phân công đặc thù; và cuối cùng, gọi sự phân công trong xưởng thợ là phân công cá biệt”.
Phân công chung hay phân công đặc thù đều là phân công trong phạm vi toàn xã hội. Nó khác với phân công trong nội bộ công trường thủ công, dẫu rằng vì đều là phân công xã hội về lao động, tất cả các hình thức phân công đều có những cơ sở chung và đặc trưng chung. Ở đây, điều mà chúng ta quan tâm chính là sự khác nhau – khác nhau về bản chất – giữa phân công trong xã hội và phân công trong công trường thủ công.
Nếu tiền đề của sự phân công trong xã hội là sự phân tán những tư liệu sản xuất vào tay nhiều người sản xuất hàng hóa độc lập đối với nhau, thì tiền đề của sự phân công trong công trường thủ công lại chính là sự tập trung một số lượng lớn tư liệu sản xuất vào tay một nhà tư bản.
Trong trường hợp thứ nhất, mỗi người lao động độc lập đều sản xuất ra một loại hàng hóa và quan hệ với nhau thông qua việc trao đổi hàng hóa của họ cho nhau. Còn trong trường hợp thứ hai, mỗi người lao động bộ phận không sản xuất ra một hàng hóa nào cả; chỉ có sản phẩm tập thể của họ mới trở thành hàng hóa mà thôi.
Trong xã hội, chính là tính ngẫu nhiên và tính tùy ý phát sinh tác dụng hỗn loạn trong việc phân phối những người sản xuất và tư liệu sản xuất vào những ngành lao động khác nhau, còn trong công trường thủ công thì ngược lại, chính là cái luật thép về tính tỉ lệ quy định việc phân phối những người sản xuất và tư liệu sản xuất vào những khâu khác nhau của quá trình lao động.
Trong xã hội, sự phân công khiến cho những người sản xuất độc lập sinh ra đối lập với nhau, họ không thừa nhận quyền lực nào khác ngoài quyền lực của cạnh tranh. Trái lại, trong công trường thủ công, tiền đề của sự phân công lại chính là quyền lực tuyệt đối của nhà tư bản đối với người đã bị biến thành những bộ phận đơn giản của một cơ cấu sản xuất duy nhất thuộc về nhà tư bản đó. Cơ cấu sản xuất này được tổ chức theo những quy tắc nghiêm ngặt và chỉ hoạt động như một guồng máy duy nhất, theo một ý chí duy nhất và một kế hoạch thống nhất.
Những đặc trưng trên đây đã chỉ rõ sự phân công trong công trường thủ công gắn liền với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mác viết:
“Chính người lao động tập thể – do sự kết hợp một số lớn công nhân bộ phận tạo thành – là cái bộ máy mà chỉ riêng thời kỳ công trường thủ công mới có“.
“Sự phân công xã hội, có hay không có sự trao đổi hàng hóa, là thuộc những hình thái kinh tế của những xã hội rất khác nhau, còn sự phân công công trường thủ công lại là một vật sáng tạo riêng mà chỉ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mới có”.
Vì phân công công trường thủ công là vật sáng tạo riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cho nên mỗi bước phát triển của nó cũng đồng thời là một bước phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nói phân công công trường thủ công là vật sáng tạo riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, hoàn toàn không có nghĩa nói rằng phân công công trường thủ công là một cái gì thuộc về bản chất của chủ nghĩa tư bản ra đời cùng với chủ nghĩa tư bản và cũng sẽ mất đi cùng với chủ nghĩa tư bản. Phân công lao động xã hội bao giờ cũng gắn liền với sự phát triển của lực lượng sản xuất; “người ta nhận thấy một cách rõ ràng nhất trình độ phát triển mà lực lượng sản xuất của một dân tộc đã đạt được qua trình độ phát triển mà sự phân công lao động đã đạt được”. Phân công lao động trong nội bộ công trường thủ công là một tiến bộ lịch sử, một giai đoạn tất yếu trong sự phát triển của sức sản xuất tập thể của lao động. Nhưng trong những điều kiện lịch sử nhất định, nó không thể không mang hình thái tư bản chủ nghĩa, chính chủ nghĩa tư bản trong quá trình ra đời của nó, đã nắm lấy hợp tác giản đơn, và sau đó nắm lấy phân công, kết hợp cả hai sức mạnh tiềm tàng ấy của lao động làm thành sức mạnh của riêng nó. Dưới chủ nghĩa tư bản, có sự phát triển nào của lực lượng sản xuất xã hội mà không biểu hiện ra như là một sự phát triển của bản thân chủ nghĩa tư bản, nghĩa là một thủ đoạn bóc lột của tư bản đối với lao động?
Tuy nhiên, nếu bằng phương pháp trừu tượng hóa, chúng ta gạt bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa sang một bên thì phân công trong nội bộ công trường thủ công sẽ lập tức hiện nguyên hình là một bước phát triển mới của phương thức sản xuất lớn, tập thể, đối lập với phương thức sản xuất nhỏ, cá thể.
– Tập trung vào một xưởng duy nhất một số lượng lớn người lao động cùng tư liệu sản xuất của họ, chuyên môn hóa mỗi người lao động vào một chức năng bộ phận của quá trình lao động, qua đó, biến mỗi người lao động thành một khí quan đặc thù của người lao động tập thể khổng lồ, làm cho sản xuất tập thể trở thành một tất yếu kỹ thuật.
– Là một người lao động tập thể, một cơ cấu sản xuất duy nhất, do một ý chí duy nhất điều khiển, công trường thủ công, có khả năng bảo đảm những tỉ lệ nghiêm khắc trong việc phân phối người lao động và tư liệu sản xuất vào những chức năng bộ phận khác nhau. Mặt khác, hoạt động của nó, cũng tức là hoạt động của mỗi bộ phận, mỗi thành viên của nó, có thể và cần phải tuân theo một kế hoạch thống nhất, được cân nhắc, tính toán từ trước. Tính theo tỉ lệ, tính kế hoạch trong sản xuất được bảo đảm thì tính hợp lý, tính cân đối của sản xuất – trong khuôn khổ công trường thủ công – cũng được bảo đảm.
Đó là những nét đặc trưng của nền sản xuất lớn nảy sinh ra từ sự phân công trong công trường thủ công. So với giai đoạn hợp tác giản đơn thì đến đây, rõ ràng nền sản xuất lớn đã đạt được một bước nhảy vọt. Nếu hợp tác giản đơn mới chỉ dựng lên cái quy mô lớn của sản xuất một cách ít nhiều có tính chất ngẫu nhiên, tùy tiện, không bền vững, thì với sự phân công, cái quy mô ấy đã trở thành một tất yếu về kỹ thuật. Phân công đã tạo cho nền sản xuất lớn cái cấu trúc này mà sản xuất lớn trở thành tất yếu, trở thành bền vững, và từ nay có thể phát triển với tư cách là một phương thức sản xuất riêng biệt.
Tuy nhiên, vẫn chưa thể nói rằng với sự phân công trong công trường thủ công, nền sản xuất lớn đã hình thành hẳn hoi. Là một phương thức sản xuất cao hơn hẳn phương thức sản xuất nhỏ, cá thể, nó vẫn chưa có được cái nền tảng kỹ thuật của chính nó, cái nền tảng kỹ thuật thật sự thích hợp với nó, và chỉ thích hợp với nó. Tạm thời, nó vẫn dựa trên nền tảng kỹ thuật của sản xuất nhỏ, đó là kỹ thuật thủ công. Với kỹ thuật ấy thì nền sản xuất lớn, mặc dầu có những tính ưu việt do hợp tác và phân công đem lại, vẫn chưa thể lấn át hoàn toàn nền thủ công nghiệp cá thể để chiếm lấy toàn bộ trận địa của nền sản xuất xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là, với công trường thủ công, chủ nghĩa tư bản chưa thể xác lập hoàn toàn địa vị thống trị của nó. Chỉ khi nào được đặt trên nền tảng kỹ thuật của chính nó – kỹ thuật máy móc – thì sản xuất lớn mới thực sự trở thành sản xuất lớn, và theo đó, địa vị thống trị của chủ nghĩa tư bản mới được xác lập trên phạm vi toàn xã hội.
Máy móc
Công trường thủ công phát triển đến một trình độ nào đó thì cơ sở kỹ thuật chật hẹp của nó (kỹ thuật thủ công) xung đột với những nhu cầu của sản xuất mà bản thân nó đã tạo ra. Muốn đáp ứng những nhu cầu này thì cơ sở kỹ thuật của công trường thủ công phải được cải tạo về căn bản. Thế là những phát minh về máy móc ra đời. Công trường thủ công đã thúc đẩy và mở đường cho máy móc ra đời, một mặt bằng việc tạo ra những nhu cầu về sản xuất và do đó, những nhu cầu về máy móc; mặt khác do chỗ đã chuyên môn hóa, giản đơn hóa và cải tiến các công cụ lao động, làm cho những công cụ đó thích hợp với những chức năng đặc thù và độc chuyên của từng người công nhân bộ phận, nó đã “tạo ra một trong những điều kiện vật chất cho việc sử dụng máy móc, tức là những thứ do nhiều công cụ giản đơn kết hợp thành”. Đương nhiên, việc phát minh ra máy móc cũng như trình độ tinh xảo của máy móc bao giờ cũng phụ thuộc vào những thành tựu đã đạt được của khoa học. Nhưng, như Ăng-ghen nói, “nếu kỹ thuật… phụ thuộc một phần lớn vào tình trạng của khoa học, thì khoa học còn phụ thuộc nhiều hơn nữa vào tình trạng và những nhu cầu của kỹ thuật. Khi xã hội có những yêu cầu về kỹ thuật, thì xã hội thúc đẩy khoa học hơn mười trường đại học”. Trường hợp của sản xuất công nghiệp những năm cuối của thời kỳ công trường thủ công là như vậy.
Ai nấy đều biết, lao động và tư liệu lao động là những yếu tố cơ bản nhất của quá trình sản xuất. Nếu trong giai đoạn công trường thủ công, cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất đã lấy lao động làm đối tượng chủ yếu thì bây giờ, đến lượt tư liệu lao động trở thành đối tượng chủ yếu. Nội dung cuộc cách mạng là: nó biến tư liệu lao động từ chỗ là những công cụ cầm tay thành những máy móc.
Vậy máy móc là gì?
Trước Mác đã từng có khá nhiều học giả đặt ra câu hỏi ấy, nhưng chưa một câu trả lời nào vạch ra được bản chất của máy móc.
“Những nhà toán học và những nhà lực học, mà kiến giải của họ đã được vài nhà kinh tế học Anh nhắc lại, đã định nghĩa công cụ là một thứ máy móc đơn giản và máy móc là thứ công cụ phức tạp. Theo họ thì không có sự khác nhau gì về bản chất cả và họ gọi những năng lực cơ giới giản đơn, như đòn bẩy, mặt phẳng nghiêng, đinh ốc, cái chốt, v.v… đều là máy móc cả. Thực tế thì mọi thứ máy móc, dù người ta muốn ngụy trang nó hay kết hợp nó như thế nào, đều bao gồm những năng lực giản đơn ấy. Nhưng, về phương diện xã hội thì định nghĩa đó không có giá trị gì cả, vì định nghĩa đó thiếu yếu tố lịch sử.
“Đối với những người khác thì máy móc khác công cụ ở chỗ: nguyên động lực của công cụ là người, còn nguyên động lực của máy móc là loài vật, nước, gió, v.v… Như thế thì một cái cày có bò kéo – tức là một công cụ chung cho những thời kỳ sản xuất rất khác nhau – sẽ là một cái máy, còn như cái máy dệt quay tròn của Cơ-lô-xen do độc một người thợ cho chạy một phút dệt được 96.000 mắt vải dệt kim lại có thể là một công cụ đơn giản. Hơn thế nữa cũng cái máy dệt đó, nếu quay bằng tay thì là công cụ, mà chạy bằng hơi nước thì là máy. Vì việc dùng sức loài động vật là một trong những phát minh đầu tiên của con người, nên việc sản xuất bằng máy móc đã đi trước sản xuất thủ công. Khi Giôn Vi-át năm 1735 báo tin là ông phát minh ra máy kéo sợi và với cái máy đó, đã bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp hồi thế kỷ 18, thì ông ta không hề nói gì đến việc con lừa sẽ thay thế người để làm cho máy đó chạy, và tuy nhiên, công việc đó lại là do con lừa đảm nhiệm. Cứ theo như bản thuyết minh của ông thì máy đó là một máy kéo sợi “không dùng đến ngón tay”.
Như trên ta thấy, coi máy móc chỉ là một thứ công cụ – thứ công cụ phức tạp, hoặc lấy hình thái của động lực làm tiêu chuẩn phân biệt công cụ với máy móc, cả hai định nghĩa đó không những giúp ta phân biệt công cụ với máy móc mà còn dẫn đến nhiều điều phi lý. Cả hai định nghĩa đều không vạch ra được bước nhảy vọt có ý nghĩa lịch sử của tư liệu lao động và do đó, của cả phương thức sản xuất xã hội.
Sau khi làm công việc phê phán như trên, Mác đưa ra sự phân tích của mình về máy móc:
“Mọi máy móc đã phát triển đều gồm 3 bộ phận căn bản khác nhau: động cơ, bộ phận chuyển lực và máy công tác. Động cơ làm cho toàn bộ cơ cấu chuyển động. Nó phát ra sức vận động của chính nó như máy hơi nước, máy điện từ, máy nhiệt lực v.v… hoặc nó nhận được lực đẩy của một sức tự nhiên bên ngoài, như bánh xe chạy bằng sức nước của thác nước, cánh cối xay chạy bằng sức gió.
“Bộ phận chuyển lực gồm có những tay chuyển lực, bánh xe quay tròn, bánh xe khớp, vô lăng, trục chuyển lực, rất nhiều loại dây, dây cua-roa, pu-li, đòn bẩy, mặt phẳng nghiêng, đinh ốc, v.v… nó điều tiết sự vận động, phân phối sự vận động, nếu cần thì thay đổi hình thái của vận động, từ chạy thẳng sang chạy tròn hoặc ngược lại, và chuyển sự vận động đó sang máy công tác.
“Thực ra thì hai bộ phận đầu tiên của máy móc, chỉ là để chuyển sự vận động sang bộ phận thứ ba, làm cho bộ phận này tấn công vào đối tượng lao động và thay đổi hình dạng của đối tượng lao động. Chính máy công tác đã mở đầu cuộc cách mạng công nghiệp hồi thế kỷ 18, nó còn dùng làm điểm xuất phát mỗi khi cần chuyển biến thủ công nghiệp hay công trường thủ công thành kinh doanh bằng máy móc”.
Về tính ưu việt của máy móc so với dụng cụ bằng tay, cũng tức là thực chất của máy móc, Mác viết:
“Vậy máy công tác là một thứ máy, sau khi đã nhận được một sự chuyển động thích đáng thì với những dụng cụ của nó, nó cũng làm những công việc giống như công việc mà người lao động đã làm trước kia với những công cụ tương tự. Máy công tác thay thế công cụ giản đơn, khi mà dụng cụ do bàn tay con người làm ra lại do máy móc sử dụng. Thế là một cuộc cách mạng đã được thực hiện, ngay khi con người vẫn còn là nguyên động lực. Số lượng công cụ mà con người có thể sử dụng trong cùng một lúc, thì bị số lượng những khí quan của bản thân con người hạn chế. Thế kỷ 17, ở Đức, người ta đã thử để một người kéo sợi sử dụng luôn một lúc hai cái sa kéo sợi. Nhưng người ta thấy công việc đó khó nhọc quá, về sau người ta sáng chế ra một cái sa kéo sợi đạp chân có 2 mũi quay, song, những người thợ đại tài có thể se đồng thời một lúc 2 sợi thì cũng hiếm như con bê hai đầu vậy. Trái lại, máy kéo sợi (jenny) ngay lúc mới chế phác ra lần đầu tiên, cũng đã kéo sợi bằng 12 hay 18 mũi quay rồi, máy dệt bít tất dệt với hàng mấy nghìn kim. Như vậy là từ đó, số lượng những dụng cụ mà một máy công tác cho chạy cùng một lúc, bắt đầu vượt khỏi cái giới hạn sinh lý của con người, giới hạn mà công cụ dùng tay không vượt được”.
Khi mà bàn tay con người không trực tiếp nắm lấy dụng cụ nữa, không trực tiếp điều khiển dụng cụ để tác động vào đối tượng lao động nữa, mà chuyển giao công việc này cho cái máy thì đó là cả một cuộc cách mạng: số lượng những dụng cụ đồng thời tác động vào đối tượng lao động, vì không còn phụ thuộc vào khí quan của con người nữa, từ nay có khả năng tăng lên vô hạn. Tính ưu việt của máy móc chính là ở chỗ đó. Bước nhảy vọt vĩ đại của tư liệu lao động, và do đó của phương thức sản xuất của loài người, cũng là ở chỗ đó.
Từ tất cả những sự phân tích nói trên, chúng ta có được định nghĩa sau đây về máy móc:
“Vậy là máy móc, điểm xuất phát của cuộc cách mạng công nghiệp, thay người lao động dùng tay sử dụng một công cụ, bằng một cái máy làm việc cùng một lúc bằng nhiều dụng cụ giống nhau và do một động lực duy nhất làm cho chạy, dù hình thái của động lực đó là như thế nào đi nữa”.
Nắm vững định nghĩa của Mác về máy móc, chúng ta có thể, nhân đây, thanh toán một khái niệm sai lầm. Đó là khái niệm “công cụ nửa cơ khí” (cũng tức là “công cụ nửa máy móc”).
Người ta hiểu như thế nào là một “công cụ nửa cơ khí”? Thông thường, có hai cách hiểu:
Theo cách hiểu thứ nhất thì một cái xe bò được lắp thêm ổ bi, một cái cày được lắp thêm hai bánh xe, một cái cào cỏ có trục quay, một cái bễ lò rèn được lắp thêm tay quay, dây cua-roa, bánh xe khớp, v.v… đều có thể coi là “công cụ nửa cơ khí”. Nó vẫn là công cụ, nhưng ít nhiều đã mang những “yếu tố của máy móc” như ổ bi, bánh xe, trục quay, tay quay, dây cua-roa, bánh xe khớp…
Theo cách hiểu thứ hai thì cái máy thái khoai, một cái máy cấy, một cái máy đột dập, một cái máy in, v.v… chừng nào vẫn còn do sức người (tay hoặc chân) làm cho chạy thì vẫn còn là một “công cụ nửa cơ khí”. Chỉ khi nào được lắp động cơ thì nó mới biến thành “cơ khí” hoàn toàn, cũng tức là “cơ khí” theo ý nghĩa đầy đủ của chữ ấy.
Hai cách hiểu trên đây về “nửa cơ khí” tương ứng một cách kỳ lạ với hai định nghĩa về máy móc mà Mác đã phê phán!
Cách hiểu thứ nhất xuất phát từ một tiền đề sai lầm: nó coi một số năng lực cơ giới giản đơn là yếu tố của máy móc. Thực ra, ổ bi, bánh xe, trục quay, tay quay, dây cua-roa, bánh xe khớp, v.v… không phải là những “yếu tố của máy móc”, mặc dù, như Mác nói, mọi thứ máy móc, dù người ta muốn ngụy trang nó hay kết hợp nó như thế nào, cũng đều bao gồm những năng lực giản đơn ấy.
Nếu coi những năng lực cơ giới giản đơn kể trên là những “yếu tố của máy móc” thì bất cứ công cụ nào, dù thô sơ đến đâu, cũng đều phải coi là những yếu tố của máy móc cả. Và như vậy thì người ta sẽ lại rơi vào cái định nghĩa mơ hồ – định nghĩa mà không định nghĩa gì cả: mọi công cụ đều là một thứ máy móc – thứ máy móc đơn giản, và mọi máy móc đều là một thứ công cụ – thứ công cụ phức tạp!
Từ công cụ sang máy móc, vấn đề không phải ở chỗ có thêm năng lực cơ giới giản đơn này hay có thêm năng lực cơ giới giản đơn kia, mà là ở chỗ: dụng cụ do bàn tay con người trực tiếp nắm và điều khiển thì nay do một cái máy nắm lấy và điều khiển.
Trên quan điểm này mà xét, thì thật ra không có hiện tượng “những yếu tố của máy móc” xâm nhập dần dần vào công cụ, trước tiên biến công cụ thành một thứ trung gian, quá độ, gọi là công cụ “nửa máy móc”, cuối cùng mới dứt khoát biến thành máy móc. Chỉ có hai thứ: hoặc là công cụ, hoặc là máy móc. Máy móc có nhiều trình độ, từ thô sơ đến phức tạp. Công cụ cũng vậy. Xem những công cụ tương đối phức tạp – những công cụ cải tiến như ta vẫn gọi – là những thứ “nửa máy móc”, tức là lẫn lộn bản chất của công cụ và máy móc.
Cách hiểu thứ hai tuy không coi hình thái của động lực là tiêu chuẩn duy nhất phân biệt công cụ với máy móc, song vẫn coi đó là một tiêu chuẩn không thể thiếu được. Chính vì động lực chưa phải là một lực lượng tự nhiên, cho nên cái máy – mặc dù không thể gọi khác thế được – vẫn chưa thể coi hoàn toàn là máy!
Hiển nhiên, cứ theo định nghĩa của Mác thì cái máy thái khoai, máy cấy, máy đột dập, máy in… đều là máy với ý nghĩa đầy đủ của khái niệm ấy rồi. Bởi vì, chúng đều “thay người lao động dùng tay sử dụng một công cụ, bằng một cái máy làm việc cùng một lúc bằng nhiều dụng cụ giống nhau”. Còn động lực thì, như Mác nói, “dù hình thái của động lực đó là như thế nào đi nữa”, dù nó là sức người, sức gia súc, sức gió, sức nước, hay là sức hơi nước, sức điện, v.v… cái máy vẫn cứ là cái máy, một khi nó đáp ứng được yêu cầu nêu ở trên.
Người ta cãi lại rằng: thời Mác khác, thời nay khác. Với trình độ kỹ thuật của thời đại hiện nay thì tiêu chuẩn của một cái máy không còn có thể bỏ qua tiêu chuẩn về động lực như thời Mác được nữa. Ngày nay, một cái máy mà không dùng động cơ điện, động cơ đi-ê-den hoặc một một sức tự nhiên nào khác thì sao gọi được là máy?
Trước hết cần nhận rõ vấn đề không phải ở chỗ xác định xem trình độ kỹ thuật hay trình độ tinh xảo của một cái máy phải đạt tới mức nào mới là tương ứng với trình độ kỹ thuật chung của thời đại, mà là ở chỗ: xác định xem thế nào là một cái máy, bất kể trình độ tinh xảo của nó như thế nào. Xác định như vậy để phân biệt nó với công cụ thủ công, để biết rằng cuộc cách mạng từ thủ công lên cơ khí bắt đầu từ điểm nào. Nếu mục tiêu nghiên cứu đặt ra là như vậy thì lập luận như trên thì rõ ràng là lạc hướng. Trong trường hợp đặt lại mục tiêu nghiên cứu, lấy việc xác định trình độ kỹ thuật của một cái máy sao cho tương ứng với trình độ kỹ thuật của thời đại làm mục tiêu, thì lập luận như trên cũng là không đầy đủ, thậm chí có thể coi là tùy tiện nữa. Ở thời đại điện tử, bán dẫn, tự động hóa, điều khiển từ xa… này thì riêng tiêu chuẩn về động lực sao đủ nói lên trình độ kỹ thuật của một cái máy?
Nhưng, thật không đúng nếu cho rằng ở thời Mác, vấn đề động lực chưa có tầm quan trọng đến mức phải bao gồm nó vào định nghĩa của máy móc. Trong các đoạn trích dẫn trên đây, chúng ta chẳng đã thấy một phái chủ trương lấy động lực làm tiêu chuẩn duy nhất phân biệt công cụ với máy móc đó sao? Còn sự phi lý của lập luận ấy thì thiết tưởng cũng cần nhắc lại:
- Lập luận như thế thì một cái cày có bò kéo sẽ là một cái máy, còn một cái máy dệt kim do một người thợ mộc cho chạy bằng tay thì ngược lại, là một công cụ!
- Cũng cái máy dệt đó, nếu quay bằng tay thì là công cụ, còn chạy bằng hơi nước thì là máy!
- Kết luận lô-gích sẽ là: phải thừa nhận rằng, sản xuất bằng máy đã ra đời trước sản xuất thủ công, và ra đời ngay từ buổi bìnhminh của loài người, vì lẽ việc thuần dưỡng súc vật và dùng chúng làm sức kéo là một trong những phát minh sớm nhất của loài người.
Coi hình thái của động lực là một trong những tiêu chuẩn để phân biệt công cụ với máy móc thì không đến nỗi phi lý như trên, nhưng sự khác nhau chỉ là ở mức độ. Chúng ta hãy so sánh chẳng hạn: một bên là cái máy tính quay tay (không những nó thay bàn tay con người để viết các con số mà thay cả bộ óc người để làm các phép tính rất phức tạp), còn một bên là cái cối xay bột làm bún có lắp động cơ. Thật khó mà tin được rằng cái trên chỉ là công cụ “nửa máy”, trong khi cái dưới là máy hoàn toàn! Cũng khó mà tin được rằng cái trên là không tương ứng với trình độ kỹ thuật của thời đại, còn cái dưới thì lại tương ứng!
Không những phi lý, mà thuyết “động lực” còn làm lu mờ vị trí lịch sử của máy móc. Thực tế lịch sử, như Mác đã chỉ ra, là: “chính máy công tác đã mở đầu cuộc cách mạng công nghiệp hồi thế kỷ 18”. Cái máy công tác đầu tiên là cái máy kéo sợi do Giôn Vi-át phát minh ra năm 1735, chạy bằng lực của một con lừa. Chính cái máy ấy và một loạt máy công tác khác, ra đời theo quy luật phản ứng dây chuyền, đã cách mạng hóa cả nền công nghiệp dệt, và tiếp theo là các ngành công nghiệp khác của nước Anh, đưa nước này lên địa vị nước công nghiệp đầu tiên trên thế giới.
Nhưng, không phải chỉ riêng cho thời ấy. Máy công tác “còn dùng làm điểm xuất phát mỗi khi cần chuyển biến thủ công hay công trường thủ công thành kinh doanh hay công nghiệp thành kinh doanh bằng máy móc”. Điều khẳng định của Mác, đến nay vẫn hoàn toàn đúng, dù trình độ kỹ thuật của các thời đại chênh lệch nhau như thế nào thì nội dung cơ bản của công nghiệp hóa hay cách mạng công nghiệp cũng vẫn là trang bị máy công tác cho người lao động, thay thế cho công cụ bằng tay.
Còn động lực, vị trí của nó trong lịch sử không thể xem thường, song chưa bao giờ nó đóng vai trò quyết định trong cuộc cách mạng về phương thức sản xuất. Mác chỉ ra như sau:
“Có nhiều dụng cụ mà ngay cách chế tạo ra cũng đã làm nổi bật hai nhiệm vụ của người công nhân: vừa là động lực đơn thuần, lại vừa là người thực hiện cái nhân công chính thức. Lấy ví dụ như cái sa kéo sợi chẳng hạn. Trên cái bàn đạp của nó thì chân người công nhân tác dụng như một động cơ, còn những ngón tay thì lại kéo sợi ở cái mũi quay. Chính cái bộ phận nói đó của dụng cụ, cái khí quan công tác bằng tay, là cái mà cách mạng công nghiệp nắm lấy đầu tiên, đồng thời để cho con người đảm nhiệm chức vụ đơn thuần cơ giới của động cơ, bên cạnh công việc mới là trông coi máy và dùng tay sửa chữa những sai hỏng do máy gây ra.
Có một loại dụng cụ khác mà con người luôn chỉ tác động vào như là nguyên động lực đơn thuần thôi, ví dụ như quay ma-ni-ven của cối xay, quay một cái bơm, kéo bễ, giã các chất trong cối đá, v.v… Ở đây cũng vậy, con người bắt đầu được súc vật, gió, nước thế chân để làm nguyên động lực. Rất nhiều những công cụ đó biến thành máy từ lâu trước và trong thời kỳ công trường thủ công, nhưng vẫn không đảo lộn phương thức sản xuất.
… Ngay cái máy hơi nước trong thời kỳ công trường thủ công thì, từ lúc được phát minh ra vào cuối thế kỷ 17 cho đến đầu năm 1780, cũng không dẫn đến một cuộc cách mạng nào trong công nghiệp cả. Trái lại, thì chính việc sáng tạo ra máy công tác lại khiến cho cái máy hơi nước đã được đổi mới trở thành cần thiết”.
Tại sao việc thay thế sức người bằng sức gió, sức nước, v.v…, có thể nói là một cuộc cách mạng trong động lực, lại không gây ra một cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất? Tại sao cuộc cách mạng công nghiệp lại chỉ bắt đầu với cái máy công tác? Tại sao máy hơi nước phải chờ gần một thế kỷ, nghĩa là sau khi máy công tác đã xuất hiện, mới phát huy được sức mạnh mẽ ghê gớm của nó? Mọi câu trả lời đều phải tìm ở cái kỳ diệu của máy công tác: chỉ có nó mới thay được người lao động dùng tay sử dụng một công cụ để tác động vào đối tượng lao động, bằng một cái máy làm việc cùng một lúc bằng nhiều dụng cụ giống nhau. Như vậy, chỉ có nó mới làm cho việc sử dụng được giải thoát khỏi những giới hạn của bản thân con người. Chính vì cái kỳ diệu ấy của máy công tác mà sức nước, sức hơi nước… phải kết hợp với máy công tác và thông qua máy công tác thì mới tác động được vào đối tượng lao động, làm thay đổi hình dạng của đối tượng lao động và như vậy, mới phát huy được sức mạnh của chúng vào việc sản xuất ra sản phẩm. Tách khỏi máy công tác thì nhiều nhất chúng cũng chỉ có thể thay thế được con người trong một số rất ít công việc trong đó con người chỉ có vai trò như một động lực cơ giới đơn thuần: giã gạo, quay bánh xe nước, quay cối xay, v.v…
Như trên ta thấy, đem gộp tiêu chuẩn động lực vào định nghĩa về máy móc chẳng những không làm phong phú thêm khái niệm máy móc mà còn làm lu mờ bản chất và vị trí lịch sử của máy móc.
Về danh từ “nửa cơ khí”, cũng cần nêu thêm một cách hiểu nữa – cách hiểu thứ ba. Người ta đồng ý rằng, danh từ “nửa cơ khí” áp dụng cho một công cụ là không hợp lý, không khoa học, nhưng áp dụng cho một xưởng, một phân xưởng, lại là thỏa đáng. Thế nào là một xưởng “nửa cơ khí”? Người ta hiểu đó là một xưởng mà một bộ phận máy móc chạy bằng động cơ, còn một bộ phận khác vẫn chạy bằng sức người.
Ở lập luận này, người ta tránh được sự phi lý của lập luận thứ nhất, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi sự mơ hồ của lập luận thứ hai. Hình thái của động lực vẫn được coi là tiêu chuẩn phân biệt máy móc và “nửa máy móc”. Cho dù cách xem xét này không áp dụng cho một cỗ máy riêng biệt mà cho cả một xưởng thì những sai lầm cũng không vì thế mà thay đổi.
Vậy thì danh từ “nửa cơ khí”, rút cuộc, có còn được duy trì như một khái niệm khoa học nữa không? Theo chúng tôi nghĩ, có thể được, nhưng với một số điều kiện:
- Phải đổi nó thành “nửa cơ khí hóa”, như vậy để phản ánh một trạng thái đang biến đổi(từ thủ công sang cơ khí).
- Chỉ áp dụng đối với một dây chuyền sản xuất, một phân xưởng, hay một tổng thể lớn hơn, chứ không áp dụng cho một công cụ riêng biệt, một cỗ máy riêng biệt.
- Một xưởng nửa cơ khí hóa là một xưởng trong đó có một số khâu làm bằng máy, còn một số khâu vẫn làm theo lối thủ công (dùng công dụ bằng tay). Vấn đề có động cơ hay không có động cơ không bao hàm trong khái niệm này.
Sau khi đã làm rõ khái niệm máy móc, chúng ta bàn tiếp.
Như trên đã nói, máy hơi nước ra đời rất sớm, nhưng nó không gây ra một ảnh hưởng nào quan trọng đối với phương thức sản xuất. Một khi máy công tác xuất hiện thì tình hình khác hẳn. Được cải tiến nó biến thành nguồn động lực lý tưởng của nền công nghiệp máy móc thời bấy giờ:
“Muốn phát triển những kích thước của máy công tác và số lượng những công cụ của nó thì cần phải một động cơ mạnh hơn, và muốn khắc phục cái quán tính của động cơ thì cần phải một lực đẩy mạnh hơn lực đẩy của con người, đó là chưa kể rằng con người thì rất không hoàn hảo trong việc sản xuất ra một sự vận động đều và liên tục. Khi công cụ đã được thay thế bằng một cái máy do con người làm cho chuyển động thì người ta liền thấy ngay sự cần thiết thay thế con người làm nhiệm vụ động cơ bằng những lực lượng tự nhiên khác.
… Chỉ với cái máy hơi nước có hai tác dụng của Vi-át, người ta mới tìm thấy được cái động cơ đầu tiên có khả năng tự nó tạo ra động lực của chính nó bằng cách tiêu dùng nước và than, còn mức độ công suất của nó thì con người có thể hoàn toàn điều tiết được. Vì có tính cơ động là phương tiện vận chuyển, có tính chất thành thị chứ không có tính chất thôn quê như cái bánh xe nước, cho nên máy hơi nước cho phép tập trung sản xuất ở các thành phố, chứ không đem phân tán rải rác ở nông thôn. Cuối cùng, về mặt ứng dụng kỹ thuật, nó có tính chất toàn năng và việc sử dụng nó tương đối ít phụ thuộc vào những hoàn cảnh có tính chất địa phương”.
Nếu sự xuất hiện và nhu cầu phát triển của máy công tác đã đem lại cho máy hơi nước vị trí xứng đáng của nó thì ngược trở lại, việc áp dụng phổ biến máy hơi nước lại làm cho máy công tác biến đổi sâu sắc:
“Một khi những dụng cụ biến đổi từ những công cụ dùng tay của con người thành máy thì động cơ lại có một hình thức độc lập, hoàn toàn thoát khỏi sự hạn chế do sức người gây ra. Chính do đó mà cái máy công tác riêng biệt, như chúng ta đã nghiên cứu từ trước đến đây, tụt xuống hàng một bộ phận đơn giản của máy công tác. Từ nay, chỉ một động cơ thôi cũng có thể làm chuyển động nhiều máy công tác. Số lượng máy công tác mà máy phát động phải làm cho chạy cùng một lúc tăng lên thì máy phát động cũng lớn lên theo, còn máy chuyển lực thì biến thành một bộ phận vừa rộng lớn, vừa phức tạp.
Lúc đó, toàn thể bộ máy sản xuất có hai hình thức khác nhau rõ rệt: hoặc là sự hiệp tác của nhiều máy đồng loại, hoặc là một hệ thống máy móc.
… Trong công xưởng – và đó chính là hình thức đặc biệt của xưởng thợ lấy việc dùng máy móc làm cơ sở – chúng ta luôn thấy sự hiệp tác giản đơn lại xuất hiện. Trừ công nhân ra thì sự hiệp tác giản đơn trước hết biểu hiện thành sự tập hợp những máy công tác cùng loại và cùng chạy một lúc trong cùng một địa điểm. Chính ở cái hình thức riêng biệt ấy, trong đó sản phẩm do mỗi máy công tác làm ra là đã hoàn bị hẳn, mà máy công tác chỉ là sự mô phỏng đơn giản của một công cụ phức tạp dùng tay, hay là sự kết hợp nhiều dụng cụ, mỗi cái có chức năng đặc biệt của nó.
Ví như một xưởng dệt là do nhiều máy dệt tập hợp lại thành, v.v… Nhưng ở đây có một sự thống nhất thực sự về kỹ thuật, ở chỗ là nhiều máy công tác đều cùng do một động cơ chung thúc đẩy cho chạy đều nhau và cùng một lúc, sự thúc đẩy này được chuyển bằng một bộ máy mà một phần là chung cho các máy công tác đó, vì mỗi máy công tác chỉ nối liền với những nhánh riêng biệt của bộ máy đó thôi. Cũng giống như nhiều công cụ hợp thành những bộ phận của một chiếc máy công tác, bao nhiêu máy công tác là bấy nhiêu bộ phận đồng loại của cùng một máy phát động.
Hệ thống máy móc chính cống chỉ thay thế cái máy độc lập, khi nào đối tượng lao động tuần tự trải qua một loạt nhiều nấc quá trình lao động tiến hành bởi một dây chuyền máy công tác khác nhau nhưng liên kết cái nọ với cái kia. Sự hiệp tác dựa trên sự phân công, đặc điểm của công trường thủ công, lại xuất hiện ra ở đây thành một sự kết hợp của nhiều máy công tác bộ phận. Bao nhiêu công cụ chuyên nghiệp của các công nhân khác nhau, trong một công trường thủ công về len chẳng hạn, của công nhân đập, công nhân chải, công nhân se sợi, công nhân kéo sợi, v.v… đều biến thành bấy nhiêu máy công người thợ…. Khi máy công tác đảm nhiệm được tất cả những chuyển động cần thiết để chế biến nguyên liệu mà không cần đến bàn tay của con người và chỉ cần đến con người khi xong việc rồi, thì lúc ấy ta mới có một hệ thống máy móc tự động thực sự, tuy nhiên hệ thống máy móc tự động ấy vẫn còn có thể cải tiến thường xuyên về chi tiết.
… Hệ thống máy công tác tự động do một máy tự động trung ương chuyển lực làm cho chuyển động là một hình thái phát triển nhất của máy móc sản xuất. Cái máy riêng lẻ đã được thay thế bằng cái máy khổng lồ mà tứ chi to lớn của nó chiếm hoàn toàn cả từng gian xưởng; sức phi thường của nó lúc đầu còn được che giấu dưới sự chuyển động nhịp nhàng và hầu như trịnh trọng của những chân tay to lớn của nó, nhưng rồi sau biểu lộ rõ ra trong sự chuyển động náo nhiệt và quay cuồng của hằng hà sa số những khí quan công tác của nó”.
Một cái máy công tác chỉ là một yếu tố đơn giản của nền sản xuất bằng máy móc. Mỗi máy công tác, thậm chí mỗi hệ thống máy móc (hoặc hệ thống máy móc tự động) chỉ chuyên môn hóa về một chức năng bộ phận nào đó của quá trình sản xuất ra sản phẩm, vì vậy tất yếu phải có sự hợp tác và phân công của nhiều máy công tác hoặc nhiều hệ thống máy móc mới hoàn thành được quá trình sản xuất ra một sản phẩm nhất định; tất yếu phải nhiều máy công tác, hoặc nhiều hệ thống máy móc mới thành một đơn vị sản xuất bằng máy móc (một nhà máy).
Việc sản xuất ra một sản phẩm thường đòi hỏi phải sản xuất ra một loạt sản phẩm khác làm điều kiện cho nó (nguyên liệu, nửa thành phẩm, phụ kiện, v.v…). Nhiều khi, việc sản xuất ra một sản phẩm lại dẫn tới việc sản xuất ra nhiều sản phẩm khác, vì lợi ích của việc lợi dụng tổng hợp nguyên liệu, tận dụng phế liệu, tận dụng công suất thiết bị, v.v… Đó là những nguyên nhân khiến cho sự hợp tác và phân công giữa nhiều nhà máy với nhau trở thành tất yếu, thậm chí khiến cho việc hợp nhất những nhà máy này với nhau thành một nhà máy liên hợp trở thành tất yếu. Có những nhà máy liên hợp, chỉ một mình nó đã là cả một thành phố lớn. Ở đây, sự hợp tác đã đạt tới những quy mô khổng lồ. Sự phân công cũng vậy. Nó tạo ra một cơ cấu sản xuất cực kỳ phức tạp, đa dạng, khâu nọ phụ thuộc khâu kia một cách hết sức chặt chẽ.
Sự hợp tác và phân công, trong phạm vi một nhà máy hay trong phạm vi một nhà máy liên hợp cũng vậy, ngoài ý nghĩa là sự hợp tác và phân công giữa hàng ngàn hàng vạn thành viên của cùng một quá trình lao động sản xuất, còn là sự hợp tác và phân công giữa các khí quan của cùng một cơ cấu vật chất của sản xuất. Sự hợp tác và phân công sau là cơ sở kỹ thuật của sự hợp tác và phân công trước. Cái sau quy định cái trước, Mác viết:
“Trong sự hiệp tác giản đơn và ngay cả trong sự hiệp tác dựa trên sự phân công, việc thay thế người lao động cá thể bằng người lao động tập thể, vẫn còn ít nhiều có tính chất ngẫu nhiên. Trừ một vài ngoại lệ mà chúng ta sẽ nói đến sau này, máy móc chỉ hoạt động được nhờ có một lao động xã hội hóa hay lao động chung. Ở đó, tính chất hiệp tác của lao động trở thành một tất yếu kỹ thuật do chính tính chất của tư liệu lao động quy định”.
Ý nghĩa cách mạng tổng quát của máy móc là ở chỗ đó.
Với máy móc, phương thức sản xuất lớn, cuối cùng đã có được cái nền tảng kỹ thuật thật sự của nó. “Máy móc chỉ hoạt động được là nhờ có một lao động xã hội hóa”. Nếu trước đây, phân công công trường thủ công đã tạo cho sản xuất lớn cái cấu tạo bên trong của nó khiến cho hợp tác và sản xuất quy mô lớn trở thành tất yếu thì bây giờ, đến lượt máy móc tạo cho sự hợp tác dựa trên phân công ấy cái cốt vật chất của nó. Chính nhờ cái cốt vật chất này mà hợp tác và phân công trở thành một tất yếu hoàn toàn có tính chất khách quan, “một tất yếu kỹ thuật do chính tính chất của tư liệu lao động quy định”.
Trong giai đoạn công trường thủ công, tuy lao động tập thể đã trở thành một tất yếu do sự phân công trong nội bộ công trường thủ công quy định, song, sự thành thạo của người thợ thủ công vẫn còn là cơ sở của công trường thủ công. Với cái cơ sở ấy – cái cơ sở chung cho cả công trường thủ công lẫn thủ công nghiệp cá thể – thì sản xuất quy mô lớn ít nhiều còn mang tính chất bấp bênh, không chắc chắn. Bây giờ, với máy móc là “những tư liệu sản xuất xã hội mà chỉ một số đông người cùng làm mới có thể sử dụng được” thì ngoài phương thức sản xuất lớn ra, người ta không có cái gì tiến hành sản xuất được. Điều đó cũng có nghĩa là: chỉ với việc sử dụng máy móc thì sản xuất lớn mới thật sự hình thành.
Đặc trưng cơ bản của sản xuất lớn
Trên đây, chúng ta đã theo dõi – trên những nét đại thể – kết quả nghiên cứu của Mác về quá trình hình thành nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa. Nói cho đúng thì tính chất tư bản chủ nghĩa của sản xuất chưa phải là điều mà Mác quan tâm nghiên cứu trong những đoạn trích dẫn ở trên. Điều mà Mác quan tâm là: tìm hiểu nội dung và diễn biến của cuộc cách mạng công nghiệp; cũng tức là tìm hiểu xem người lao động và tư liệu lao động đã được biến đổi như thế nào để làm nên cuộc cách mạng về phương thức sản xuất ấy. Đúng như Mác đã viết: “Sức lao động trong công trường thủ công và tư liệu lao động trong nền sản xuất bằng máy móc, đều là những điểm xuất phát của cuộc cách mạng công nghiệp”. Chỉ sau khi đã làm rõ người lao động và tư liệu lao động đã được biến đổi như thế nào, đã chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ, cá thể, sang phương thức sản xuất lớn, tập thể, thì lúc đó, Mác mới đi sâu phân tích tính chất tư bản của chủ nghĩa của phương thức sản xuất ấy. Như bạn đọc đã thấy, công việc trích dẫn của chúng tôi đã dừng lại ở nơi mà Mác bắt đầu đi vào phân tích tính chất tư bản chủ nghĩa của sản xuất. Phương thức trừu tượng hóa đã được sử dụng để chỉ làm nổi bật lên nội dung của cuộc cách mạng về phương thức sản xuất, với hai yếu tố: người lao động và tư liệu lao động.
Từ những kết quả nghiên cứu của Mác đã dẫn ở trên, chẳng những chúng ta có thể thấy được ý nghĩa của mỗi bước đi trong cuộc cách mạng ấy, mà hơn nữa, còn thấy nổi bật lên những đặc trưng cơ bản của nền sản xuất lớn – sản phẩm của cuộc cách mạng ấy; những đặc trưng này cũng hình thành dần dần cùng với bản thân nền sản xuất lớn. Qua sự trình bày của Mác – sự trình bày lấy tiến trình cụ thể của lịch sử làm nền – chúng ta thấy sự xuất hiện của mỗi đặc trưng trùng hợp với một giai đoạn cụ thể của quá trình hình thành nền sản xuất lớn: hợp tác – phân công trong nội bộ công trường thủ công – máy móc.
Tuy nhiên, trình tự lô-gích của một vấn đề không nhất thiết phải trùng hợp với trình tự lịch sử của nó. Vì vậy, để nói lên vị trí của các đặc trưng trong việc cấu thành nền sản xuất lớn cũng như quan hệ biện chứng giữa chúng với nhau, chúng ta có thể trình bày những đặc trưng ấy theo trình tự như sau:
- Tư liệu lao động của sản xuất lớn là máy móc(nói đúng hơn là những hệ thống máy móc), khác với tư liệu lao động sản xuất nhỏ là những công cụ cầm tay.
- Với cơ sở kỹ thuật ấy thì tất yếu phải có sự hợp tác và phân công của nhiều người lao động mới tiến hành sản xuất được, tất yếu phải sản xuất tập thể, quy mô lớn.
Từ hai đặc trưng cơ bản này, đẻ ra một loạt đặc trưng khác mà chúng tôi gọi là đặc trưng phái sinh.
Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ lần lượt nói về từng điểm.
Về đặc trưng cơ bản thứ nhất, chúng ta hãy nhớ lại luận điểm nổi tiếng của Mác về vai trò của tư liệu lao động. Chính tư liệu lao động – kết tinh mọi kiến thức, kỹ năng của người lao động – là yếu tố có vai trò quyết định nhất đối với phương thức sản xuất của con người. Mác viết:
“Chỗ khác nhau giữa một thời đại kinh tế này với một thời đại kinh tế khác là ở chỗ chế tạo như thế nào, là những tư liệu lao động dùng để chế tạo hơn là cái mà người ta chế tạo ra. Những tư liệu lao động là những cái thước để đo sự phát triển của người lao động, và là những chỉ số của những quan hệ xã hội trong đó người lao động làm việc”.
“Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có chủ nghĩa tư bản công nghiệp”.
Cũng với quan điểm và cách nói như trên, chúng ta có công thức: công cụ cầm tay đưa lại nền sản xuất nhỏ, máy móc đưa lại nền sản xuất lớn.
Khi ta nói “sản xuất nhỏ”, “sản xuất lớn”, thì cái gì là nhỏ, là lớn, thế nào là nhỏ, là lớn? – Nói “nhỏ” hay “lớn”, trước hết là nói về quy mô của sản xuất. Quy mô của sản xuất biểu hiện trước hết ở chỗ ít người hay nhiều người cùng tiến hành sản xuất. Sản xuất của người tiểu nông là sản xuất nhỏ. Ở đó, một người có thể là một đơn vị sản xuất độc lập. Nhiều nhất thì số lao động của một đơn vị sản xuất cũng không vượt quá số thành viên của một gia đình. Tùy theo số người lao động của đơn vị sản xuất nhiều hay ít mà số lượng tư liệu sản xuất (ruộng đất, trâu bò, nông cụ) sẽ có quy mô tương ứng. Sản xuất có quy mô nhỏ thì khối lượng sản phẩm sản xuất ra cũng quy mô nhỏ.
Sản xuất lớn, ngược trở lại, là sản xuất do nhiều người cùng tiến hành. Nhiều là bao nhiêu? Tùy thời kỳ lịch sử cụ thể và tùy ngành sản xuất cụ thể mà số lượng lao động tối thiểu của một đơn vị sản xuất lớn là một con số được xác định, con số này bao giờ cũng nhiều lần lớn hơn con số tối đa của một đơn vị sản xuất nhỏ.
Tuy nhiên, nếu sự tập hợp nhiều người lao động vào một tổ chức sản xuất chỉ là sự hợp tác giản đơn thôi thì sản xuất quy mô lớn, như chúng ta đã biết, vẫn chỉ mang tính chất ngẫu nhiên, tùy tiện, không vững chắc. Mười người thợ thủ công (hoặc một trăm người, một ngàn người cũng vậy), mỗi người một bộ dụng cụ như nhau, mỗi người đều làm những động tác giống nhau, mỗi người đều sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh như nhau, thì dù hôm nay có tập hợp lại trong cùng một gian xưởng, ngày mai họ vẫn có thể chia tay nhau mỗi người một ngả: phương thức sản xuất của họ trước sau vẫn không có gì thay đổi. Xem vậy, ta thấy sản xuất ở đây mới chỉ có cái “vỏ” là lớn, còn cái “ruột” thì vẫn là sản xuất riêng lẻ, hệt như thủ công nghiệp cổ truyền vậy. Nói cách khác, mới chỉ có quy mô của sản xuất là lớn, còn phương thức của sản xuất chưa có một mối liên hệ gắn bó nào cả.
Với sự hình thành người lao động tập thể – kết quả của phân công lao động trong nội bộ công trường thủ công, sản xuất lớn bắt đầu phân biệt với sản xuất nhỏ cả về mặt phương thức nữa. Thay thế cho số cộng những người lao động riêng lẻ thì nay là một người lao động tập thể duy nhất, một cơ cấu sản xuất duy nhất mà mỗi khí quan là một người lao động bộ phận hoặc một số lượng nhất định người lao động bộ phận.
Tuy nhiên, chừng nào mà tư liệu lao động của sản xuất lớn vẫn còn là những công cụ cầm tay cũng tức là những tư liệu lao động của sản xuất nhỏ, chừng nào mà sự thành thạo tay nghề của người thợ thủ công vẫn còn là cơ sở chung của cả sản xuất nhỏ lẫn sản xuất lớn, thì như vậy, sản xuất lớn vẫn chưa thể tách hẳn khỏi sản xuất nhỏ để trở thành một phương thức sản xuất độc lập, cao hơn hẳn sản xuất nhỏ, càng chưa thể trở thành phương thức chung của toàn bộ nền sản xuất xã hội.
Phải đợi đến máy móc thì sản xuất lớn mới được dựng lên trên cái nền tảng kỹ thuật của chính nó, và nhờ vậy, mới thật sự trở thành sản xuất lớn. Mặc dầu lao động hợp tác, kể cả lao động hợp tác dựa trên sự phân công đã tồn tại rất lâu trước khi máy móc ra đời, song, chỉ sau khi được đặt trên cơ sở sử dụng máy móc thì lao động hợp tác mới trở thành “một tất yếu kỹ thuật do chính tính chất của tư liệu lao động quy định”. Sản xuất lớn cũng vậy. Chỉ sau khi được đặt trên cơ sở sử dụng máy móc tức là những tư liệu lao động “mà chỉ một số đông người cùng làm mới có thể sử dụng được”, thì quy mô lớn của sản xuất mới trở thành một tất yếu kỹ thuật, do chính tính chất của tư liệu lao động quy định.
Đúng là phân công lao động trong nội bộ công trường thủ công đã làm cho lao động hợp tác trở thành tất yếu, sản xuất quy mô lớn trở thành tất yếu. Song, sự tất yếu đó vẫn là có hạn. Trong tình hình tư liệu lao động vẫn là công cụ cầm tay và sự thành thạo tay nghề của người thợ thủ công vẫn là cơ sở chung của cả sản xuất nhỏ lẫn sản xuất lớn, thì không có gì tuyệt đối ngăn cản người lao động bộ phận trong công trường thủ công rời bỏ lao động hợp tác để trở về với lối làm ăn riêng lẻ cổ truyền của họ. Lao động hợp tác, do đó, vẫn ít nhiều có tính chất bấp bênh, sản xuất quy mô lớn chưa thể trở thành một phương thức sản xuất ổn định. Một khi sự hợp tác và phân công giữa những người lao động đã được cố định lại bằng một hệ thống máy móc, biến thành sự hợp tác và phân công của bản thân máy móc, thì tình hình khác hẳn. Bây giờ, ngoài sản xuất quy mô lớn ra, người ta không có cách nào khác tiến hành sản xuất được nữa. Quy mô lớn của sản xuất trở thành một tất yếu kỹ thuật, do chính máy móc và phương thức sản xuất bằng máy móc quy định.
Đến đây, ta thấy xuất hiện một mối liên hệ nhân quả, một sự gắn bó hữu cơ giữa quy mô lớn của sản xuất và phương thức sản xuất. Từ đó thấy rằng định nghĩa trên kia về sản xuất lớn trở thành không đầy đủ nữa. Định nghĩa đó xem quy mô của sản xuất một cách cô lập, không có liên quan gì với phương thức sản xuất, và chỉ căn cứ vào riêng đặc trưng đó để rút ra định nghĩa đó mới chỉ thấy cái “vỏ” ngoài của sản xuất, mà chưa thấy cái “ruột” bên trong này – phương thức sản xuất bằng máy móc – đã quy định sản xuất phải có cái “vỏ” ngoài như vậy, phải được tiến hành với quy mô như vậy. Qua đó, ta hiểu sản xuất lớn không đơn thuần là vấn đề quy mô nữa, cũng không phải chủ yếu là vấn đề quy mô. Thực chất, đó là vấn đề phương thức sản xuất, mà quy mô chỉ là hệ quả tất yếu.
Xét theo quan điểm này thì ở giai đoạn hợp tác giản đơn, sản xuất lớn chưa phải là sản xuất lớn với ý nghĩa là một phương thức sản xuất, mà chỉ có ý nghĩa là sản xuất quy mô lớn. Giữa nó và sản xuất nhỏ không có sự khác nhau nào về phương thức sản xuất cả. chính vì thế mà trong lịch sử hình thành nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa, nó chỉ có ý nghĩa như là điểm xuất phát. Mác viết:
“Trong hình thức giản đơn của sự hiệp tác… thì sự hiệp tác tương đồng với việc sản xuất đại quy mô. Dưới hình thức ấy, sự hiệp tác không đặc trưng cho một thời kỳ đặc biệt nào phải là những bước đầu của công trường thủ công còn giữ phương pháp thủ công nghiệp và nền nông nghiệp đại quy mô tương ứng với thời kỳ công trường thủ công và khác với nền tiểu nông về mặt quy mô hơn là về mặt phương thức“.
Với sự phân công trong nội bộ công trường thủ công, sản xuất lớn bắt đầu xuất hiện với tư cách là một phương thức sản xuất mới. Song, cái mới ở đây – về mặt phương thức – là rất có hạn. Vẫn những công cụ cầm tay ấy, vẫn những người thợ thủ công ấy, vẫn những quy trình kỹ thuật thủ công cổ truyền ấy! Cái mới chỉ là sự phân công giữa những người thợ. Đành rằng phân công buộc phải sản xuất theo quy mô lớn, song như trên đã nói, tính chất bắt buộc này là rất có hạn. Với kỹ thuật thủ công thì sản xuất nhỏ, cá thể, vẫn là phương thức chung của nền sản xuất xã hội.
Chỉ với máy móc thì sản xuất quy mô lớn mới trở thành một tất yếu thép hoàn toàn có tính chất khách quan. Bây giờ, không phải chủ quan người ta muốn hay không muốn lợi dụng những tính ưu việt của hợp tác và phân công cũng được, không phải chủ quan người ta muốn hay không lợi dụng những tính ưu việt của sản xuất quy mô lớn cũng được. Sự vật buộc phải như thế. Những tư liệu lao động đồ sộ do con người sáng tạo ra bắt buộc con người phải phục tùng quy luật của nó: sản xuất quy mô lớn, nếu không thì không có cách nào sử dụng được những tư liệu lao động ấy, không có cách nào tiến hành sản xuất được.
Máy móc còn làm cho sản xuất lớn trở thành một phương thức sản xuất thật sự. Chính nhờ có máy móc mà sản xuất lớn từ nay phân biệt với sản xuất nhỏ chẳng những ở quy mô, mà quan trọng hơn, ở cả phương thức nữa; phân biệt với sản xuất nhỏ chẳng những ở sự hợp tác lao động và phân công lao động, mà quan trọng hơn, ở chính cái nền tảng vật chất – kỹ thuật quy định tính tất yếu thép của sự hợp tác và phân công ấy.
Cuối cùng, chỉ có máy móc mới làm cho sản xuất lớn tách hẳn ra khỏi sản xuất nhỏ, trở thành một phương thức sản xuất hoàn toàn độc lập, cao hơn hẳn sản xuất nhỏ, đồng thời cũng trở thành phương thức duy nhất thích hợp của nền sản xuất xã hội.
Như vậy, chính máy móc đã đẻ ra sản xuất lớn với ý nghĩa là một phương thức sản xuất mới, chính máy móc đã mở ra thời đại của sản xuất lớn. Kết luận lô-gich: chính máy móc là đặc trưng cơ bản nhất, quyết định nhất của sản xuất lớn, mặc dù về mặt lịch sử, nó xuất hiện chậm hơn các đặc trưng khác.
Nếu đặc trưng cơ bản thứ nhất của sản xuất lớn thuộc tư liệu lao động thì đặc trưng cơ bản thứ hai của nó thuộc về bản thân lao động.
Với những tư liệu lao động “có tính chất xã hội mà chỉ một số đông người cùng làm mới có thể sử dụng được” thì lao động sử dụng máy móc hiển nhiên chỉ có thể là lao động hợp tác. Lao động hợp tác ở đây lại chỉ có thể hợp tác kết hợp với phân công, vì lẽ hệ thống máy móc hình thành một đơn vị sản xuất bằng máy móc bao giờ cũng là sự hợp tác kết hợp với phân công của nhiều cỗ máy có chức năng khác nhau. Cho dù hệ thống máy công tác là sự hợp tác giản đơn của những cỗ máy cùng loại đi nữa (trong một nhà máy dệt chẳng hạn) thì hệ thống này cũng chỉ có thể hoạt động được với nhiều điều kiện có sự hỗ trợ (hợp tác kết hợp với phân công) của nhiều loại máy móc thiết bị khác, mỗi loại có chức năng riêng (như cung cấp điện, nước, hơi nước, quạt gió, vận chuyển, kiểm tra sản phẩm, đóng gói, v.v…). Hơn nữa, để bảo dưỡng và vận hành một hệ thống máy, cho dù hệ thống này gồm toàn là những cỗ máy cùng loại đi nữa, không phải chỉ cần một loại thợ, người nào cũng làm một công việc giống nhau (hợp tác giản đơn), mà bao giờ cũng vậy phải cần nhiều loại thợ, nghề nghiệp khác nhau, chức năng khác nhau (hợp tác kết hợp với phân công). Nói tóm lại, hợp tác và phân công luôn luôn là đặc trưng của lao động và sử dụng máy móc.
Ở lao động sử dụng máy móc, hợp tác luôn luôn đi liền với phân công. Nếu về mặt lịch sử, hoàn toàn có lý khi xem hợp tác và phân công là hai giai đoạn khác nhau, cũng tức là hai đặc trưng riêng rẽ, tương ứng với hai giai đoạn khác nhau của quá trình hình thành nền sản xuất lớn, thì bây giờ, để nêu lên đặc trưng của nền sản xuất này, cách xem xét đó tỏ ra không phù hợp nữa. Ở nền sản xuất lớn đã hình thành hẳn hoi, người ta không thấy hợp tác và phân công tồn tại như hai hiện tượng riêng rẽ, tách biệt trong không gian và thời gian nữa, mà chỉ thấy hợp tác và phân công quyện với nhau thành một đặc trưng duy nhất của lao động sử dụng máy móc.
Cần phải nhấn mạnh rằng ở đây, khi nói đến hợp tác và phân công, chúng ta luôn luôn nói đến hợp tác và phân công trong phạm vi một đơn vị sản xuất, một tế bào của sản xuất. Không nên lẫn lộn sự hợp tác và phân công này với sự hợp tác và phân công trong phạm vi toàn xã hội. Đặc trưng cho nền sản xuất lớn, không phải là sự hợp tác và phân công trong phạm vi xã hội. Chỉ có sự hợp tác và phân công trong nội bộ một đơn vị sản xuất, một xí nghiệp, một doanh nghiệp, mới là hiện tượng riêng của sản xuất lớn, và vì thế, mới là đặc trưng của nền sản xuất này.
Ai cũng biết, không phải đợi đến sản xuất lớn mới xuất hiện sự hợp tác và phân công lao động trong phạm vi xã hội.
Hợp tác trong phạm vi xã hội là thuộc tính bản chất nhất của sản xuất. Sở dĩ như vậy là vì con người – chủ thể của sản xuất – vốn là một động vật có tính chất xã hội, hoạt động sản xuất của nó bao giờ cũng là hoạt động có tính chất xã hội nhất định. Sản xuất do cá nhân riêng lẻ tiến hành ngoài xã hội là một điều vô lý như là sự phát triển ngôn ngữ của những cá nhân không chung sống với nhau vậy.
“Càng đi ngược lại dòng lịch sử, chúng ta càng thấy cá nhân – và do đó cá nhân sản xuất cũng vậy – thể hiện ra trong trạng thái lệ thuộc, là một thành viên của một tổng thể lớn hơn: lúc đầu cá nhân đó gắn liền một cách hết sức tự nhiên với gia đình và với gia đình đã phát triển thành thị tộc; sau đó thì gắn liền với công xã dưới những hình thái khác nhau, sản sinh ra do sự xung đột và hỗn hợp giữa các thị tộc. Chỉ mãi tới thế kỷ 18, trong “xã hội tư sản”, các hình thái khác nhau của mối quan hệ xã hội mới thể hiện đối với cá nhân như là một công cụ để thực hiện những mục đích riêng của cá nhân, như là một tất yếu từ bên ngoài. Nhưng thời đại sản sinh ra quan điểm này – cái quan điểm cá nhân riêng lẻ – lại chính là thời đại của những quan hệ xã hội phát triển nhất.
“… Vậy khi nói về sản xuất thì bao giờ cũng là nói về sản xuất ở một giai đoạn nhất định của sự phát triển xã hội – tức là sản xuất của những cá nhân sống trong xã hội“.
Nói sản xuất bao giờ cũng là sản xuất của những cá nhân sống trong xã hội, bao giờ cũng có tính chất xã hội, cũng tức là nói: hợp tác trong phạm vi xã hội là một thuộc tính vốn có của sản xuất. Ngay cả trong trường hợp sản xuất riêng lẻ (sản xuất nhỏ, cá thể) là hình thái chung của sản xuất xã hội thì hợp tác trong phạm vi xã hội cũng vẫn là nền tảng của sản xuất. Nói cho đúng thì cái riêng lẻ sở dĩ tồn tại được với tư cách là cái riêng lẻ, chỉ vì nó đã có được chính cái đối lập với nó làm chỗ dựa: sự hợp tác trong phạm vi xã hội, không có chỗ dựa này thì không có một cá thể nào, không một hoạt động sản xuất cá thể, riêng lẻ nào tồn tại được.
“Con người – như Mác nhận xét – không những chỉ là một động vật vốn có tính chất hợp quần mà còn là một động vật chỉ có thể tách riêng ra trong xã hội mà thôi“. Hệt như chủ thể của nó vậy, sản xuất muốn tách riêng ra cũng chỉ có thể tách riêng ra trong xã hội mà thôi. Sản xuất cá thể, riêng lẻ, không dựa trên nền tảng hợp tác xã hội, là điều không tưởng được. Nói sản xuất cá thể riêng lẻ, vì vậy, chỉ có nghĩa là nói về một mặt nào đó, một đặc trưng nào đó của sản xuất, tách riêng từng tế bào của nó ra mà xét.
Hợp tác trong phạm vi xã hội đã là thuộc tính của sản xuất, bất kể ở thời đại nào, bất kể là sản xuất lớn hay sản xuất nhỏ, thì đương nhiên, nó không thể là đặc trưng phân biệt sản xuất lớn với sản xuất nhỏ được nữa. Phân biệt sản xuất lớn với sản xuất nhỏ chỉ là sự hợp tác trong nội bộ một đơn vị sản xuất; điều này giả định rằng mỗi đơn vị sản xuất phải có một quy mô tương đối lớn về nhân lực, khác hẳn với sản xuất nhỏ, mà ở đó chỉ một cá thể sản xuất cũng đủ để hình thành một đơn vị sản xuất độc lập. Sự hợp tác mà Mác dành toàn bộ chương 23 của bộ Tư bản (quyển I, tập II) để nghiên cứu một cách tường tận chẳng phải là sự hợp tác nào khác, mà chính là sự hợp tác trong nội bộ một đơn vị sản xuất. Chúng ta hãy nhắc lại vài đoạn:
“Một số đông công nhân làm việc trong cùng một thời gian dưới sự điều khiển của cùng một tư bản, trong cùng một không gian… để sản xuất ra cùng một loại hàng hóa, đó là xuất phát điểm lịch sử của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa”.
“Khi nhiều người lao động cùng làm việc với nhau nhằm mục đích chung, trong cùng một quá trình sản xuất hoặc trong những quá trình khác nhau nhưng có quan hệ với nhau, thì lao động của họ mang hình thức hiệp tác.
Hệt như sức chiến đấu của một đơn vị kỵ binh, hoặc sức đề kháng của một tiểu đoàn bộ binh đều khác về bản chất với tổng số những cá nhân của từng người kỵ binh hay của từng người chiến sĩ riêng lẻ, tổng số những sức cơ giới của từng công nhân riêng lẻ cũng khác với sức cơ giới được tạo ra khi họ làm việc kết hợp và đồng thời với nhau trong cùng một công tác không thể phân chia…; vấn đề là… dùng phương pháp hợp tác để tạo một sức sản xuất mới, chỉ hoạt động như một sức tập thể”.
Rõ ràng, sự hợp tác mà Mác coi như điểm xuất phát lịch sử của nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa và như đặc trưng của nền sản xuất này, chỉ là sự hợp tác trong nội bộ một xí nghiệp, một quá trình sản xuất; sự hợp tác này khiến cho nhiều người làm việc kết hợp và đồng thời với nhau chỉ còn là một sức tập thể duy nhất, hệt như sức tấn công của một đơn vị kỵ binh hoặc sức chống cự của một tiểu đoàn bộ binh. Chính sự hợp tác này đã biến lao động riêng lẻ thành lao động xã hội, biến sản xuất cá thể thành sản xuất tập thể, biến sản xuất nhỏ thành sản xuất lớn, trong khi đó thì sự hợp tác trong phạm vi xã hội chẳng những không phủ định, không bài xích, mà trái lại còn tạo điều kiện cho sự phát triển của lao động riêng lẻ và sản xuất cá thể.
Về phân công, cũng cần phải nói như vậy, phân biệt sản xuất lớn đối với sản xuất nhỏ không phải là sự phân công trong phạm vi toàn xã hội, mà chỉ là sự phân công trong nội bộ một đơn vị sản xuất – sự phân công công trường thủ công. Chính Mác đã nêu bật nhận xét này:
“Sự phân công xã hội, có hay không có sự trao đổi hàng hóa, là thuộc những hình thái kinh tế của những xã hội rất khác nhau, còn sự phân công công trường thủ công lại là một vật sáng tạo riêng mà chỉ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mới có”.
Sản phẩm của sự phân công này – người lao động tập thể, do sự kết hợp một số lớn công nhân bộ phận tạo thành – “là cái bộ máy mà chỉ riêng thời kỳ công trường thủ công mới có”.
Phân công lao động, dù là phân công trong xã hội hay phân công trong một xí nghiệp, bao giờ cũng có nghĩa là biến một lĩnh vực hoạt động nhất định thành nghề nghiệp chuyên môn của một số người. Nhưng, kết quả mà mỗi loại phân công đưa đến thì lại không giống nhau.
Phân công trong xã hội đưa đến kết quả: làm xuất hiện những ngành sản xuất mới. Do phân công mà công nghiệp tách khỏi nông nghiệp, chăn nuôi tách khỏi trồng trọt, mỗi loại gia súc trở thành đối tượng riêng của một ngành chăn nuôi đặc thù, mỗi loại cây trồng (hoặc mấy loại cây có liên quan với nhau) trở thành đối tượng riêng của một ngành trồng trọt đặc thù, mỗi một sản phẩm công nghiệp, thậm chí mỗi một chi tiết của một sản phẩm, mỗi một khâu của quá trình chế tạo trở thành đối tượng riêng của một ngành công nghiệp đặc thù. Sự phân chia sản xuất ra làm nhiều ngành khác nhau đi liền với sự phân chia địa bàn sản xuất ra làm nhiều vùng khác nhau, mỗi vùng tùy theo những điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội thuận lợi nhất của mình mà chuyên môn hóa về một hoặc một số sản phẩm nhất định. Trong khi tạo ra những ngành sản xuất và những vùng sản xuất như vậy thì phân công lao động xã hội không hề quy định sản xuất phải được tiến hành theo phương pháp nào cả, theo phương thức sản xuất lớn hay là theo phương thức sản xuất nhỏ. Kể từ cuộc phân công lớn lần thứ nhất, trải qua mấy chục thế kỷ, phân công lao động xã hội vẫn không ngừng phát sinh tác dụng: hàng ngàn ngành sản xuất độc lập đã lần lượt ra đời. Song, phương thức sản xuất nhỏ, cá thể, vẫn luôn luôn là phương thức chung của sản xuất xã hội.
Tình hình này đã thay đổi với sự xuất hiện của phân công trong xí nghiệp. Phân công trong xí nghiệp không làm nảy sinh ra một ngành sản xuất mới nào cả, nhưng chỉ có nó mới biến được những lao động cá thể – trong một xí nghiệp – thành một người lao động tập thể. Điều này đã đánh dấu một bước ngoặt như thế nào đối với sự hình thành của nền sản xuất lớn, chúng ta đã biết.
Như vậy, chính hợp tác và phân công trong từng đơn vị sản xuất, chứ không phải hợp tác và phân công trong phạm vi toàn xã hội, đã xóa bỏ sản xuất nhỏ, cá thể và làm nên sản xuất lớn. Đặc trưng cho sản xuất lớn, vì vậy chỉ có thể là hợp tác và phân công trong từng đơn vị sản xuất.
Vì không nhận rõ sự phân biệt này, đã có ý kiến cho rằng muốn phân biệt sản xuất lớn với sản xuất nhỏ thì phải đặt nó trong khung cảnh toàn xã hội mà xét, chứ không thể xét nó trong đơn vị hợp tác xã được; sản xuất cho nhu cầu của cả xã hội thì đó là sản xuất lớn, còn sản xuất có tính chất tự cấp tự túc thì đó là sản xuất nhỏ. Một hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nếu vẫn quanh quẩn ở mức tự cấp tự túc, chưa sản xuất được bao nhiêu cho nhu cầu tiêu dùng của xã hội, cho nhu cầu của công nghiệp hay cho xuất khẩu thì chưa thể coi là sản xuất lớn được.
Trước mắt, chúng ta hãy tạm gác việc đánh giá trình độ phát triển của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay: việc này đòi hỏi phải phân tích nhiều mặt hơn, ở đây, chỉ bàn về tiêu chuẩn “sản xuất cho nhu cầu xã hội”. Thực ra, “sản xuất cho nhu cầu cầu xã hội” chỉ là đặc trưng của sản xuất hàng hóa. Mà sản xuất hàng hóa thì gắn liền với phân công lao động trong phạm vi xã hội. Sản xuất hàng hóa có thể là sản xuất lớn, mà cũng rất có thể là sản xuất nhỏ. Nói cho chính xác thì sản xuất hàng hóa đã từng tồn tại suốt mấy chục thế kỷ trên cơ sở sản xuất nhỏ, còn sản xuất lớn thì mới chỉ xuất hiện có vài thế kỷ lại đây thôi.
Đúng là sản xuất có tỉ suất hàng hóa rất cao, khác với sản xuất nhỏ mang nặng tính chất tự cấp tự túc. Nhưng, có phải hễ cứ có tỉ suất hàng hóa cao thì đều là sản xuất lớn cả không? Những người thợ thủ công, không phải chỉ bây giờ mà hàng ngàn năm trước đây cũng vậy, bao giờ cũng sản xuất ra chỉ để bán. Sản phẩm của họ gần như chỉ là hàng hóa. Nhưng tính chất sản xuất nhỏ của họ thì lại không có gì để bàn cãi cả. Trong nông nghiệp, ta cũng thường thấy, tuy không phải là quy luật phổ biến: nước sản xuất nhỏ có tỉ suất hàng hóa (xuất khẩu) cao hơn nước sản xuất lớn, hộ nông dân cá thể có tỉ suất hàng hóa cao hơn hộ nông dân tập thể. Có hiện tượng “ngược đời” như vậy là vì: năng suất lao động cao và tỉ suất hàng hóa cao không phải chỉ gắn liền với sản xuất lớn. Nó còn phụ thuộc vào tự nhiên và nhiều nhân tố khác nữa: mức độ màu mỡ của đất đai, khí hậu, thời tiết ít hay nhiều, diện tích trồng trọt tính theo đầu người rộng hay hẹp, mật độ dân số cao hay thấp, mức sống của người sản xuất và do đó, tỉ lệ sản phẩm do họ tiêu dùng trực tiếp cao hay thấp… Nhiều khi, chính những nhân tố này lại phát sinh tác dụng mạnh hơn là những nhân tố gắn liền với sản xuất lớn. Một hiện tượng mà không phải chỉ riêng sản xuất lớn mới có, hoặc không phải lúc nào cũng đi đôi với sản xuất lớn, hiển nhiên không thể coi là đặc trưng của sản xuất này được.
Một số hiện tượng khác như phân vùng kinh tế, phân công lao động mới… cũng thuộc loại hiện tượng kể trên. Nói chung, không thể xây dựng được bất cứ một nền sản xuất lớn nào ở nước ta nếu không xóa tình trạng lạc hậu hiện tại bằng phân vùng kinh tế, phân công lao động mới, v.v… Song, nếu nghĩ rằng tất cả các hiện tượng ấy đều chỉ gắn liền với sản xuất lớn và đều là đặc trưng của sản xuất lớn thì lại là không thỏa đáng.
Vùng kinh tế (hay “vùng chuyên canh” nếu nói riêng về mặt trồng trọt) chỉ là kết quả của phân công lao động xã hội – xét về mặt lãnh thổ, cũng giống như ngành sản xuất là kết quả của phân công lao động xã hội – xét về mặt nghề nghiệp. Mỗi ngành sản xuất độc lập do phân công lao động xã hội sản sinh ra không thể không cắm ở một hoặc một số địa bàn nhất định, những địa bàn thường là những vùng có điều kiện thiên nhiên và điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi nhất cho sự phát triển của ngành sản xuất ấy. Hiện tượng phân vùng kinh tế quan trọng đầu tiên trong lịch sử – xuất hiện các thành thị, địa bàn tập trung của các nghề thủ công – cũng đồng thời là kết quả của cuộc phân công lao động xã hội đã biến lao động công nghiệp thành những ngành sản xuất độc lập, tách hẳn khỏi nông nghiệp. Hiện tượng phân vùng ấy diễn ra cùng với bước quá độ của loài người từ thời đại dã man lên thời đại văn minh. Kể từ đó, theo đà phát triển chung của phân công lao động xã hội, và đi đôi với những ngành sản xuất mới không ngừng nảy sinh, phân vùng kinh tế cũng không ngừng phát triển. Ở nước ta, sự chuyên môn hóa theo vùng trong thời kỳ Trung cổ, mặc dầu gặp nhiều chướng ngại, vẫn để lại cho chúng ta hàng trăm hàng ngàn địa phương nổi tiếng với sản phẩm công nghiệp hay sản phẩm nông nghiệp của nó: đồ gốm Bát Tràng, Thổ Hà, đồ đồng Cầu Nôm, Ngũ Xã, đồ sắt Đa Hội, Lý Nhân, tơ lụa Vạn Phúc, La Khê, nón Chuông, chiếu Hới, mía đường Chèo, nhãn Hưng Yên, cam Bố Hạ, bưởi Đoan Hùng, thuốc lào Vĩnh Bảo, v.v…Tuy nhiên, với nền sản xuất nhỏ mang nặng tính chất tự sản tự tiêu thì vùng sản xuất chuyên môn hóa không thể vượt ra khỏi một quy mô hạn chế nào đó (thông thường là một làng) và không bao giờ có thể trở thành hiện tượng bao trùm toàn bộ nền sản xuất xã hội. Sản xuất lớn, với quy mô và phương tiện sản xuất đồ sộ của nó, với nhu cầu to lớn của nó về nguyên liệu với tính chất chuyên môn hóa và hợp lý hóa cao độ của nó, với thị trường rộng lớn của nó, chẳng những làm cho quy mô của vùng sản xuất chuyên môn hóa mở rộng ra (mỗi vùng gồm nhiều làng, thậm chí nhiều tỉnh, nhiều thành phố) mà còn biến sự chuyên môn hóa – theo ngành cũng như theo vùng – thành nguyên tắc phổ biến của toàn bộ nền sản xuất xã hội.
Chỉ nhắc qua mấy nét cũng đủ thấy phân vùng kinh tế, tuy gắn liền với sản xuất lớn, song không phải là hiện tượng riêng của sản xuất lớn, càng không phải là đặc trưng của nó. Nhiều nhất thì cũng chỉ có thể xem hiện tượng này như một đặc trưng phái sinh của nền sản xuất lớn, hiểu theo nghĩa: chính nền sản xuất này đã làm cho phân vùng kinh tế, từ chỗ một hiện tượng lẻ tẻ, quy mô nhỏ hẹp, trở thành hiện tượng phổ biến, thậm chí trở thành nguyên tắc của toàn bộ nền sản xuất xã hội.
Giống như phân vùng kinh tế, phân công lao động mới cũng là một hiện tượng tất yếu của quá trình chuyển biến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Phân công lao động mới là gì? Là tạo ra một trạng thái mới về phân công lao động xã hội thay cho trạng thái phân công rất kém phát triển của nền sản xuất nhỏ hiện đang tồn tại, cụ thể là làm cho từ trong lòng lao động nông nghiệp hiện đang chiếm tuyệt đại bộ phận lao động xã hội, nảy sinh ra nhiều nghề độc lập, nhiều ngành sản xuất độc lập. Điều đó cũng có nghĩa là tạo ra một bước phát triển mới của phân công lao động xã hội mà kết quả là xóa bỏ tình trạng tự cấp tự túc của nền nông nghiệp sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, bản thân nền sản xuất nhỏ thì lại không phải là đối tượng mà phân công lao động mới nhằm xóa bỏ hoặc có thể xóa bỏ được. Phân công lao động mới chỉ dẫn đến kết quả: làm xuất hiện nhiều ngành sản xuất độc lập, tách rời khỏi nông nghiệp. Sự phân chia sản xuất ra làm nhiều ngành độc lập, tách rời khỏi nông nghiệp, tất yếu phải được bổ sung bằng việc thiết lập những mối quan hệ phụ thuộc giữa chúng với nhau cũng như giữa chúng với nông nghiệp, thông qua trao đổi hàng hóa. Và thế là tính chất tự cấp tự túc, đóng cửa thu mình của nền nông nghiệp sản xuất nhỏ bị đẩy lùi dần, sản xuất hàng hóa phát triển. Nhưng còn những ngành sản xuất mới tách rời khỏi nông nghiệp kia, và cả bản thân nông nghiệp nữa, chúng sẽ được phát triển theo phương thức nào – theo phương thức sản xuất nhỏ hay là theo phương thức sản xuất lớn – thì đó lại là kết quả của một quá trình khác. Xem vậy thì thấy phân công lao động mới không phải là một đặc trưng của sản xuất lớn, mặc dù một trạng thái mới về phân công lao động xã hội bao giờ cũng đi liền với sự ra đời của nền sản xuất này.
Khi nói hợp tác và phân công lao động là đặc trưng cơ bản của sản xuất lớn, chúng tôi đã chứng minh rằng sự hợp tác và phân công đó không thể là hợp tác và phân công trong phạm vi xã hội, mà chỉ có thể là hợp tác và phân công trong từng đơn vị sản xuất. Sự hợp tác và phân công trong từng đơn vị sản xuất giả định rằng đơn vị sản xuất phải có một quy mô lớn đến mức nào đó về nhân lực. Nhân lực có quy mô lớn thì tư liệu sản xuất cũng phải có quy mô tương ứng. Nói cho đúng thì chính vì tư liệu lao động đã đạt đến một quy mô to lớn mà nhân lực, nếu không có quy mô tương ứng thì không sao sử dụng nổi. Như vậy, nói sản xuất lớn trước hết là nhìn vào quy mô của sản xuất mà nói, mà quy mô ở đây chỉ có thể hiểu là quy mô của từng đơn vị sản xuất, nhìn vào hai yếu tố chủ yếu nhất của sản xuất: nhân lực và tư liệu lao động.
Qua cách nói của một số người thì hình như không thể nhìn vào từng đơn vị sản xuất để đánh giá rằng đó là sản xuất lớn hay sản xuất nhỏ, mà phải nhìn chung cả xã hội, cả nền kinh tế quốc dân mới đánh giá được. Chúng ta hãy thử xem lại cách nhìn ấy xem sao.
Nhìn chung cả xã hội, cả nền kinh tế quốc dân thì phải căn cứ vào những tiêu chuẩn gì, những dấu hiệu gì để đánh giá rằng đó là sản xuất lớn hay sản xuất nhỏ? Căn cứ vào lãnh thổ lớn hay nhỏ, dân cư ít hay nhiều ư? Căn cứ vào khối lượng tuyệt đối của sản phẩm hàng hóa và sản phẩm hàng hóa tính theo đầu người nhiều hay ít ư? Căn cứ vào khối lượng tuyệt đối của thu nhập quốc dân và thu nhập quốc dân tính theo đầu người cao hay thấp ư? Chẳng cần phải chứng minh dài dòng cũng thấy được rằng đấy không phải là dấu hiệu phân biệt sản xuất lớn với sản xuất nhỏ. Ai cũng thấy có những nước khổng lồ cả về mặt lãnh thổ lẫn dân số nhưng sản xuất thì về cơ bản, vẫn là sản xuất nhỏ, trong khi đó thì ở nhiều nước nhỏ hơn hàng trăm lần, sản xuất lại là sản xuất lớn. Nói chung, những nước có nền sản xuất lớn thì đều có tổng sản phẩm xã hội lớn, thu nhập quốc dân cao (tất cả đều tính theo đầu người). Nhưng không phải hễ cứ có những dấu hiệu nguồn tài nguyên giàu có về dầu lửa, nhờ thu được địa tô nên có thu nhập quốc dân rất cao, thậm chí cao hơn cả một số nước có nền sản xuất lớn, song sản xuất của họ vẫn là sản xuất nhỏ thậm chí chưa thoát ra khỏi tình trạng du mục. Nhiều nước xuất khẩu nông sản, tuy có khối lượng và tỉ suất hàng hóa lớn, nhưng sản xuất thì vẫn là sản xuất nhỏ.
Xem vậy thì thấy không thể căn cứ vào quy mô lớn hay nhỏ của cả một nền sản xuất để đánh giá nền sản xuất ấy là “sản xuất lớn” hay là sản xuất nhỏ được. Khái niệm lớn hay nhỏ ở đây thực ra không phải là một khái niệm về khối lượng, mà là một khái niệm về phương thức sản xuất. Quy mô lớn hay nhỏ của từng đơn vị sản xuất chỉ là hình thức biểu hiện của một kiểu phương thức sản xuất nhất định. Phương thức sản xuất bằng máy móc, do chính tính chất của tư liệu lao động quy định, đòi hỏi phải có sự hợp tác và phân công của nhiều người trong cùng một công việc, cùng một quá trình sản xuất. Sự hợp tác và phân công này không thể không biểu hiện ở quy mô của từng đơn vị sản xuất. Vì vậy, người ta đã lấy hình thức biểu hiện này để đặt tên cho chính cái phương thức sản xuất nhỏ mà nó biểu hiện.
Nhưng, lấy hình thức biểu hiện làm tên gọi cho chính cái nội dung mà nó biểu hiện thì không phải bao giờ cũng đem lại những điều hợp lý. Bởi lẽ: hình thức biểu hiện không phải bao giờ cũng phản ánh đúng cái nội dung mà nó biểu hiện. Quy mô lớn của sản xuất, không nghi ngờ gì, là hình thức biểu hiện của một phương thức sản xuất tiên tiến – phương thức sản xuất bằng máy móc. Nhưng không phải hễ cứ có quy mô lớn thì nhất định biểu hiện một phương thức sản xuất tiên tiến hơn. Thường khi, chính một quy mô hạn chế hơn lại là biểu hiện của một phương thức sản xuất tiên tiến hơn.
Chẳng những giữa quy mô lớn của sản xuất và phương thức sản xuất mà nó biểu hiện có sự tách rời nhất định, mà ngay cả bản thân khái niệm “quy mô lớn” nữa, không phải lúc nào cũng là một đại lượng có thể đo lường được một cách chính xác. Thêm vào đó, sự tiến bộ kỹ thuật lại làm cho những tính quy định lúc ban đầu của nó biến dạng đi nhiều. Thành thử một xí nghiệp có số lượng lao động ít hơn, thậm chí ít hơn hàng trăm lần, diện tích hẹp hơn, khối lượng nhà xưởng kém đồ sộ hơn, vậy mà vẫn có thể được coi là “lớn” hơn một xí nghiệp khác cùng loại; một nông trường có diện tích mười lần hẹp hơn một nông trường khác, số lượng lao động cũng ít hơn, vậy mà vẫn có thể được xem là quy mô “lớn” hơn nông trường kia.
Tuy nhiên, dù cho khái niệm “quy mô lớn” có nhiều biến dạng như thế nào chăng nữa thì nội dung cơ bản mà nó phản ánh bao giờ cũng vẫn là lao động kết hợp. Không một sự phát triển nào của khoa học kỹ thuật có thể dẫn đến kết quả thay thế lao động kết hợp bằng lao động cá thể được, càng không thể lấy máy móc để hoàn toàn thay thế con người được. Như vậy, sản xuất lớn bao giờ cũng phân biệt với sản xuất nhỏ ở lao động kết hợp của nó, cũng tức là ở quy mô của mỗi tế bào của nó. Một nền sản xuất lớn là một nền sản xuất mà mỗi tế bào của nó là một xí nghiệp quy mô lớn, bất kể nền sản xuất đó, nhìn toàn bộ, có quy mô lớn hay nhỏ như thế nào.
Đến đây, có người đặt vấn đề: đồng ý rằng không thể căn cứ vào quy mô lớn hay nhỏ của một nền sản xuất để đánh giá nền sản xuất ấy là “sản xuất lớn” hay là “sản xuất nhỏ”, song, không thể vì thế mà bác bỏ hoàn toàn cách nhìn xuất phát từ toàn bộ nền sản xuất. Chính là từ cách nhìn này, thông qua một loạt chỉ tiêu về chất lượng (chứ không phải chỉ tiêu về quy mô), người ta vẫn thường đánh giá một nền sản xuất nào đó là “sản xuất lớn” hay là “sản xuất nhỏ”, hoặc đánh giá trình độ đã đạt được. Những chỉ tiêu đó là: tỉ trọng của công nghiệp hiện đại trong tổng giá trị sản lượng công nông nghiệp, tỉ trọng của công nghiệp nặng nói chung và của công nghiệp cơ khí, công nghiệp hóa chất nói riêng trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp, lượng điện tiêu thụ tính bình quân cho một đầu người lao động, số lượng mã lực cơ giới tính bình quân cho một đơn vị diện tích gieo trồng, v.v… Những chỉ tiêu trên mà càng cao thì trình độ phát triển của sản xuất lớn cũng càng cao. Điều đó có nghĩa là: cách nhìn xuất phát từ tình trạng chung của nền sản xuất vẫn là một cách nhìn đáng tin cậy, và vì thế, để đánh giá một nền sản xuất là “sản xuất lớn” hay là “sản xuất nhỏ”, phải nhìn vào quy mô của từng tế bào của nền sản xuất đã đành, còn phải nhìn vào tình trạng chung của nền sản xuất ấy nữa. Hai cách nhìn này không bài xích lẫn nhau mà bổ sung cho nhau.
Trước tiên, chúng ta khẳng định tính chất đúng đắn của cách đánh giá trình độ phát triển của một nền sản xuất nào đó thông qua một chỉ tiêu tổng hợp về nền sản xuất ấy. Tuy nhiên vấn đề không dừng lại ở chỗ đó. Cần phải biết những chỉ tiêu ấy nói lên cái gì? Với những chỉ tiêu đã nêu ở trên, ai cũng thấy rằng đó là những chỉ tiêu nói lên mức độ sử dụng máy móc (và kỹ thuật hiện đại nói chung) của nền sản xuất. Mà sử dụng máy móc thì tức là đặc trưng cơ bản thứ nhất như đã được trình bày ở phần trên.
Khi chúng ta nói sử dụng máy móc là đặc trưng cơ bản của sản xuất lớn thì với cách nói đó, đặc trưng này mới chỉ tính cách định tính chứ chưa có tính cách định lượng. Phải thông qua những chỉ số đã nêu ở trên, mới làm cho đặc trưng này có được tính cách định lượng. Như vậy, nếu những chỉ tiêu kể trên có giúp ích cho chúng ta trong việc phân biệt sản xuất lớn với sản xuất nhỏ thì cũng chỉ là với ý nghĩa chúng thể hiện mặt lượng của đặc trưng cơ bản thứ nhất: mức độ sử dụng máy móc của nền sản xuất. Rõ ràng, điều này chỉ liên quan đến đặc trưng cơ bản thứ nhất, chứ không giúp ích gì cho chúng ta trong việc phân biệt cái gì là “lớn” trong sản xuất lớn. Nếu có ai nghĩ rằng những chỉ tiêu ấy có thể nói lên cái gì là “lớn” trong sản xuất lớn thì thực ra cũng chỉ là quay về với cái luận điểm phi lý đã nêu ở trên về cái gọi là quy mô lớn của nền sản xuất – nền sản xuất được xem như một tổng thể. Đã không thể lấy quy mô tuyệt đối của tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân để đánh giá một nền sản xuất là “sản xuất lớn” hay là “sản xuất nhỏ”, thì cũng không thể lấy quy mô tương đối của công nghiệp hiện đại, của công nghiệp nặng, của công nghiệp cơ khí hay của công nghiệp hóa chất là những bộ phận đặc thù của một nền sản xuất để rút ra kết luận như vậy. Có ai đã xác định được rằng tỉ trọng của mấy ngành công nghiệp kia phải đạt đến bao nhiêu phần trăm thì toàn bộ nền sản xuất sẽ thành “sản xuất lớn” còn dưới mức đó thì sẽ là “sản xuất nhỏ” hay không?
Trong khi khẳng định ý nghĩa của những chỉ tiêu tổng hợp nói về mức độ cơ giới hóa, hiện đại hóa của nền sản xuất, cũng cần chỉ ra rằng ý nghĩa đó là có giới hạn. Như tất cả các con số bình quân khác, con số bình quân về điện tính theo đầu người lao động hoặc về mã lực cơ giới tính cho mỗi héc ta diện tích gieo trồng, trong khi cho ta một ý niệm đại thể về tình trạng cơ giới hóa của nền sản xuất nói chung thì đồng thời lại xóa nhòa đi những mặt khác biệt có tính cách cụ thể. Nó xóa nhòa ranh giới giữa khu vực sản xuất lớn và khu vực sản xuất nhỏ bằng cách đem số phương tiện cơ giới của khu vực trước san đều cho khu vực sau. Những số liệu về tỉ trọng của công nghiệp hiện đại, của công nghiệp nặng, của công nghiệp cơ khí, của công nghiệp hóa chất, v.v… cũng không giúp ích gì hơn cho chúng ta trong việc phân biệt khu vực sản xuất lớn với khu vực sản xuất nhỏ. Một nền sản xuất trong đó có công nghiệp hiện đại chiếm tỉ trọng rất cao, vẫn có thể giữ trong lòng nó một khu vực sản xuất nhỏ mà nếu chỉ nhìn vào tỉ trọng kia, người ta không sao phân biệt được.
Muốn phân biệt đâu là sản xuất lớn, không có cách nào khác là lần theo những đặc trưng của phương thức sản xuất ấy: lao động kết hợp trên cơ sở sử dụng máy móc. Ở đâu có đặc trưng ấy thì ở đó có sản xuất lớn. Tùy theo mục tiêu cần đạt, người ta có thể sử dụng những số liệu phản ánh những đặc trưng ấy trong phạm vi một đơn vị sản xuất, một khu vực sản xuất hay toàn bộ nền sản xuất. Tuy nhiên điều này không mâu thuẫn chút nào với luận điểm mà chúng ta khẳng định: nói sản xuất lớn hay sản xuất quy mô lớn thì khái niệm “quy mô” ở đây không bao giờ có nghĩa là quy mô của nền sản xuất được xem như một tổng thể toàn bộ. Chỉ có quy mô của từng tế bào hợp thành nền sản xuất mới là cái tạo thành “quy mô lớn” của nền sản xuất ấy. Bất cứ ý định nào lấy quy mô của chính nền sản xuất để đánh giá nền sản xuất ấy là “sản xuất lớn” hay là “sản xuất nhỏ” đều không tránh khỏi dẫn đến sự phi lý.
Nói hợp tác và phân công trong từng đơn vị sản xuất là một đặc trưng cơ bản của sản xuất lớn, có người sẽ bẻ lại: trong nền sản xuất bằng máy móc, thiếu gì trường hợp kinh doanh cá thể? Có trường hợp thậm chí còn cho phép nghĩ rằng: chính máy móc đã tạo điều kiện cho lao động cá thể duy trì được. Dẫn chứng: ở nhiều nước tư bản, chính nhờ có máy móc mà nông dân cá thể nuôi được hàng trăm con lợn. Ngay trong công nghiệp hiện đại, lao động cá thể cũng được sử dụng rộng rãi: lắp ráp các loại máy bán dẫn, máy ảnh, v.v… Như vậy thì phải chăng sản xuất lớn không nhất định gắn liền với lao động kết hợp, lao động kết hợp không nhất định gắn liền với sản xuất bằng máy móc?
Trước hết, cần thừa nhận: bất cứ một quy luật hay quy tắc phổ biến nào cũng đều bao hàm một số ngoại lệ. Sản xuất bằng máy móc cũng vậy. Trong khi lao động kết hợp là điều kiện tồn tại của nó, là nguyên tắc xuất phát từ bản chất của nó thì trong một số trường hợp cụ thể, sản xuất bằng máy móc vẫn không hoàn toàn bài xích lao động cá thể.
Có những máy, ngay từ khâu thiết kế chế tạo, người ta đã nhằm dành riêng cho lao động cá nhân (những máy phục vụ ở gia đình, ở bàn giấy, hoặc dùng trong một số công việc, một số nghề mà do tính chất của nó, chỉ thích hợp với lao động cá nhân – cắt tóc chẳng hạn). Những máy này không bao giờ là phương tiện của lao động kết hợp. Số lượng của chúng đương nhiên chỉ chiếm một tỉ lệ không đáng kể trong nền sản xuất bằng máy móc.
Có những máy, do tính chất công việc mà nó đảm nhiệm, bao giờ cũng phải do cá nhân điều khiển (máy gia công kim loại hạng vừa và hạng nhỏ, v.v…). Nằm trong hệ thống máy móc kết hợp của công xưởng, mỗi chiếc là một khâu của dây chuyền sản xuất được tổ chức theo nguyên tắc hợp tác giản đơn hoặc theo nguyên tắc phân công. Việc tách một chiếc hoặc một số chiếc nào đó ra khỏi dây chuyền sản xuất của công xưởng để làm phương tiện lao động cá thể, vì vậy, là một việc có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật. Điều này càng thuận lợi khi mà điện năng trở thành nguồn động lực phổ biến, các máy công tác không còn bị phụ thuộc – về mặt không gian – vào một máy động lực duy nhất nữa.
Ngoài ra, trong nền sản xuất bằng máy móc, cho đến nay vẫn còn một số khâu phải cần đến sự khéo léo của bàn tay con người, có máy móc trợ lực hoặc không có máy móc trợ lực (như lắp ráp các máy móc tinh vi, gia công một số chi tiết máy tinh vi, v.v…).
Chính là dựa vào đặc tính có thể tách rời ra của một số máy nằm trong hệ thống máy móc kết hợp và tính chất thủ công của một số khâu mà nhà tư bản tổ chức ra một thứ công nghiệp “làm tại nhà”: giao khoán cho cá nhân chế tạo hoặc gia công một số chi tiết máy, lắp ráp một số máy, v.v… với điều kiện là những công việc làm tại nhà này vẫn bảo đảm được kỹ thuật. Nhà tư bản có lợi là: lợi dụng được lao động cho cả phụ nữ, trẻ em và người già với đồng lương rẻ mạt, tiết kiệm được nhà xưởng và các chi phí kèm theo, v.v… Trong trường hợp lợi dụng được những nghề thủ công cổ truyền (nghề làm đồng hồ chẳng hạn) thì họ còn tiết kiệm được cả chi phí đào tạo thợ lành nghề nữa.
Mới thoạt nhìn thì tưởng như lao động của những người nhận việc về làm tại nhà này là lao động cá thể, thậm chí là sản xuất cá thể nữa (sản xuất cá thể mà không sản xuất ra một sản phẩm hàng hóa nào cả), song về thực chất họ chỉ là thành viên của một khâu cá biệt nào đó trong dây chuyền lao động kết hợp của công xưởng. Chỉ có chỗ làm việc của họ là được (hay “bị” thì đúng hơn) di chuyển từ công xưởng về nhà riêng của họ mà thôi. Sự tách rời về không gian này của lao động chỉ che lấp chứ không xóa được tính chất kết hợp của lao động.
Nông nghiệp là ngành mà máy móc và nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa chinh phục muộn hơn cả. Ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa phát triển hiện nay, một bộ phận khá lớn tiểu nông vẫn chưa mất hẳn địa vị của họ. Nói cho đúng thì địa vị ấy đã bị cắt xén đi rất nhiều, nhưng cái vỏ độc lập bề ngoài thì vẫn còn giữ được. Dẫn chứng về người tiểu nông chăn nuôi hàng mấy trăm con lợn nêu ở trên làm thí dụ. Trước đây là tiểu nông, anh ta có đất, có công cụ làm đất, tự mình trồng lấy ngũ cốc (và nhiều thứ khác), ngoài ra, còn dùng một phần ngũ cốc để nuôi gia súc. Nền kinh tế của anh ta tuy vụn vặt, mỗi thứ một tý nhưng đủ bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cơ bản của anh ta và gia đình anh ta, chỉ một bộ phận nhỏ sản phẩm là đem đi trao đổi. Ngày nay đứng trước sự cạnh tranh của nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa, muốn tồn tại, anh ta chỉ có một con đường: tuân theo nguyên tắc chuyên môn hóa của nền sản xuất ấy. Có chuyên môn hóa thì mới áp dụng được kỹ thuật tiến bộ, mới sử dụng được máy móc và nhờ đó, mới hạ được giá thành sản phẩm. Anh ta quyết định chọn hướng chuyên môn hóa nuôi lợn. Nhưng, chuyên môn hóa nuôi lợn là thế nào? Dứt khoát là phải bỏ nghề trồng trọt đi rồi. Các con gia súc khác cũng vậy. Chỉ nuôi một con thôi, đó là con lợn. Thức ăn cho lợn thì từ nay sẽ mua của những nhà máy lớn chế biến sẵn (những nhà máy này lại thu mua ngũ cốc của những trang trại lớn hoặc của những người tiểu nông chuyên môn hóa về sản xuất ngũ cốc, đem về chế biến). Lợn giống thì mua của những trại chọn giống và nhân giống quy mô lớn. Thiết bị chuồng trại thì đã được định hình, thị trường công nghiệp lúc nào cũng sẵn. Không đủ vốn hoặc không có vốn (cả vốn cố định lẫn lưu động) thì đi vay ngân hàng. Chuyên chở mọi thứ đi đã có các công ty vận tải cơ giới sẵn sàng nhận thầu. Bấy nhiêu khâu quan trọng nhất của quá trình làm ra con lợn, trước đây vẫn do người tiểu nông tự mình gánh vác lấy, thì nay, nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa đã đảm nhiệm hết rồi. Rút cục vai trò của người “tiểu nông” ở trại lợn, “của anh ta” còn lại là gì? Khâu duy nhất còn lại là chăm sóc các con vật (cho ăn, cho uống vào những thời gian thích hợp, điều chỉnh nhiệt độ, thông gió, xối nước, rửa chuồng, v.v… tất cả đều dùng máy móc). Thông thường ở các trại nuôi lợn thịt quy mô lớn và cơ giới hóa, người ta ngăn trại ra làm nhiều gian chuồng, mỗi gian chừng 500 con, vừa đủ công việc cho một người công nhân chuyên môn lo việc chăm sóc các con vật. Anh chàng “tiểu nông” của chúng ta cũng chỉ chuyên có một việc đúng như thế. Bởi vậy, không có gì là khó hiểu khi “lao động cá thể” của anh ta (thường là có cả vợ con giúp sức nữa) “nuôi được” những mấy trăm con lợn – một xí nghiệp sản xuất quy mô lớn – chứ không phải là mấy con như trước kia.
Ở đây cũng vậy, ta lại thấy sự tách rời về không gian của lao động đã làm cho tính chất kết hợp của lao động bị che lấp đi. Nó làm cho công việc chăm sóc của các con vật – một khâu cá biệt trong cả dây chuyền sản xuất lợn theo quy mô của chủ nghĩa tư bản – có cái vẻ bề ngoài của một “nền sản xuất cá thể”, còn về công nhân đảm nhiệm chức năng bộ phận đó thì vẫn không mất đi cái ảo giác mình là “chủ trại”.
Qua những thí dụ trên đây, ta thấy lao động cá thể trong nền sản xuất bằng máy móc chỉ là cá biệt, ngoại lệ, không đáng kể. Rất nhiều trường hợp có cái vẻ bề ngoài là lao động cá thể hoặc sản xuất cá thể, thực ra chỉ là khâu cá biệt trong dây chuyền lao động kêt hợp của xí nghiệp lớn tư bản chủ nghĩa. Đứng về phía quan hệ giữa tư bản và lao động mà xét thì cái gọi là lao động cá thể và sản xuất cá thể ấy chỉ là một hình thức đặc biệt của chủ nghĩa tư bản nhằm nô dịch những người tiểu nông, những người sản xuất độc lập, những người lao động nói chung; thu hút lao động của họ vào guồng máy sản xuất lớn của chủ nghĩa tư bản một cách ít tốn kém nhất cho nhà tư bản.
Để xác định cái gì là lớn trong khái niệm “sản xuất lớn” chúng ta đã nêu bật sự khác nhau giữa hợp tác và phân công trong xí nghiệp với hợp tác và phân công trong xã hội. Song giữa hai loại hợp tác và phân công ấy, vốn có quan hệ khăng khít với nhau. Vì phân công bao giờ cũng giả định phải có hợp tác làm tiền đề, cho nên nói phân công cũng tức là bao hàm hợp tác. Mác viết: “Sự phân công công trường thủ công chỉ bắt rễ ở chỗ nào mà sự phân công xã hội đã đạt đến một trình độ phát triển nào đó, sự phân công xã hội này do tác dụng ngược lại, nên được sự phân công trong công trường thủ công làm cho phát triển và tăng thêm. Công cụ lao động mà càng phân hóa thì sự chế tạo ra những công cụ đó sẽ chia thành nhiều ngành nghề thủ công khác nhau”.
Nền sản xuất bằng máy móc lấy việc phân giải quá trình sản xuất ra thành từng giai đoạn cấu thành của nó làm nguyên tắc, và việc phân giải này càng đạt đến mức tỉ mỉ nhất, đơn giản nhất thì càng phù hợp với bản chất của máy móc, càng thuận tiện cho việc cơ giới hóa, tự động hóa. Việc phân giải quá trình sản xuất ra thành từng giai đoạn cấu thành của nó mà càng tỉ mỉ thì sự phân công giữa các máy móc, và do đó sự phân công giữa những con người sử dụng máy móc càng trở nên tỉ mỉ hơn.
Nhưng, nếu các giai đoạn cấu thành quá trình sản xuất có thể tách rời ra trong phạm vi xí nghiệp và thực tế đã được tách rời để biến thành những công đoạn, những phân xưởng trong xí nghiệp, thì cũng không có gì ngăn cản chúng tách rời ra trong phạm vi không gian rộng hơn – trong phạm vi toàn xã hội – và do đó, biến thành những ngành sản xuất độc lập. Điều này càng dễ thực hiện khi mà sự mở rộng phạm vi không gian được bù lại bằng sự phát triển các phương tiện vận chuyển, sự phát triển này chẳng những làm cho thời gian và khoảng cách thu hẹp lại, mà hơn nữa, còn làm cho chi phí vận chuyển hạ thấp xuống. Bởi vậy, ta thấy trong nền sản xuất bằng máy móc đâu đâu cũng có hiện tượng “rập khuôn” giữa sự phân công lao động trong xã hội; trong xí nghiệp có bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu khâu riêng biệt của quá trình chế tạo (đúc, rèn, tiện, mạ, v.v…) thì trong xã hội cũng xuất hiện bấy nhiêu ngành sản xuất tương ứng. Nếu sản xuất của xí nghiệp là do sự kết hợp đơn giản của nhiều sản phẩm bộ phận tạo thành (như xe đạp, ô tô, v.v…) thì mỗi một sản phẩm bộ phận – đối tượng của một khâu cá biệt trong dây chuyền sản xuất của xí nghiệp, thậm chí mỗi một chi tiết nhỏ nhất của sản phẩm (như ốc vít, ổ bi, v.v…) cũng đều trở thành đối tượng của một ngành sản xuất chuyên môn hóa trong xã hội.
Các ngành sản xuất chuyên môn hóa nảy sinh ra từ sự phân công lao động trong xí nghiệp có đặc điểm chung là: chúng đều có quy mô lớn, đều được kinh doanh theo phương thức sản xuất lớn, khác hẳn những ngành sản xuất chuyên môn hóa vẫn nảy sinh ra trên cơ sở sản xuất nhỏ. Có thể nói chúng đã được sinh ra chính là vì lẽ đó. Chính vì để có thể phát triển với quy mô lớn hơn, để được cơ giới hóa và hợp lý hóa một cách hoàn thiện hơn, mà mỗi một khâu trong dây chuyền sản xuất kết hợp của xí nghiệp đã tự tách mình ra khỏi sự phân công của xí nghiệp để biến thành một ngành sản xuất độc lập trong xã hội.
Sản xuất càng được chuyên môn hóa theo ngành thì sự chuyên môn hóa theo vùng cũng theo đó mà phát triển, sản xuất càng được chuyên môn hóa theo ngành, theo vùng thì giữa các ngành cũng như giữa các vùng với nhau, quan hệ hợp tác càng trở nên chằng chịt, những quan hệ này, cuối cùng, biến toàn bộ nền sản xuất xã hội thành một cơ thể mà mỗi thế bào đều phụ thuộc vào tất cả các tế bào còn lại.
Như vậy ta thấy sản xuất lớn không dừng lại ở sự hợp tác và phân công trong từng đơn vị sản xuất. Nó chiếu theo mẫu mực của chính nó mà cải tạo toàn bộ trạng thái hợp tác và phân công của xã hội, làm cho tất cả xã hội phải theo nguyên tắc của xí nghiệp mà tổ chức lại. Sức mạnh của sản xuất lớn, cũng tức là của sự hợp tác và phân công trong từng đơn vị sản xuất là ở chỗ đó.
Nhìn vào sản xuất lớn, ta thấy nó khác sản xuất nhỏ ở rất nhiều điểm. Khác ở tư liệu lao động, ở tính chất kết hợp của lao động, ở năng suất của lao động, ở trạng thái của phân công lao động xã hội, v.v… Khác ở kỹ thuật sản xuất, ở quy mô của sản xuất, ở tính tổ chức của sản xuất, ở cơ cấu của nền sản xuất, v.v…
Đem đối chiếu những điểm khác nhau ấy – chỉ những điểm chủ yếu – ta có sơ đồ sau đây.
Sản xuất lớn | Sản xuất nhỏ | |
1- Tư liệu lao động là những hệ thống máy móc, chỉ có một số đông người cùng làm mới có thể sử dụng được. | 1- Tư liệu lao động là những công cụ cầm tay, chỉ thích hợp với việc sử dụng của cá nhân. | |
2- Lao động sản xuất là lao động kết hợp (hợp tác và phân công). | 2- Lao động sản xuất là lao động cá thể, riêng lẻ. |
|
3- Quy mô của sản xuất (của từng đơn vị sản xuất) to lớn. |
3- Quy mô của sản xuất nhỏ bé, tủn mủn. | |
4- Kỹ thuật sản xuất dựa trên những thành tựu của khoa học, luôn luôn đổi mới, luôn luôn cách mạng. Khoa học ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. | 4- Kỹ thuật sản xuất dựa trên những kinh nghiệm cổ truyền, có tính chất bảo thủ trì trệ. | |
5- Lao động đạt năng suất cao và ngày càng cao. | 5- Năng suất của lao động rất thấp và chỉ được nâng lên một cách cực kỳ chậm chạp. | |
6- Giá trị hàng hóa thấp và ngày càng giảm. | 6- Giá trị hàng hóa cao. | |
7- Tỷ lệ tích lũy cao, tái sản xuất mở rộng với tốc độ lớn. |
7- Tỉ lệ tích lũy rất thấp, tái sản xuất chỉ vượt quá giới hạn của tái sản xuất giản đơn một cách hết sức chật vật. | |
8- Tỷ lệ sản phẩm hàng hóa cao, sản xuất hàng hóa rất phát triển, thị trường bao trùm cả quốc gia dân tộc. | 8- Tỷ lệ sản phẩm hàng hóa rất thấp, sản xuất nặng tính tự cấp tự túc, thị trường chỉ có tính chất địa phương, quy mô nhỏ hẹp. | |
9- Phân công lao động xã hội rất phát triển, sản xuất ngày càng chuyên môn hóa – theo ngành và theo vùng – quan hệ phụ thuộc giữa các ngành và giữa các vùng hết sức chặt chẽ. | 9- Phân công lao động xã hội rất kém phát triển, gần như toàn bộ lao động xã hội chỉ là lao động nông nghiệp. | |
10- Nhìn vào cơ cấu của sản xuất thì công nghiệp (đại công nghiệp cơ khí) chiếm tỉ trọng lớn và ngày càng lớn, tỉ trọng của nông nghiệp ngày càng giảm, giao thông vận tải và thông tin liên lạc rất phát triển. | 10- Nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn nhất; công nghiệp (thủ công nghiệp) rất nhỏ bé, phần lớn còn tồn tại dưới hình thức nghề phụ của nông dân, giao thông liên lạc rất kém phát triển. | |
11- Nhân khẩu công nghiệp và nhân khẩu thành thị chiếm tỉ trọng lớn và ngày càng lớn, nhân khẩu nông thôn ngày càng giảm, nông thôn ngày càng thành thị hóa. | 11- Nhân khẩu nông thôn chiếm tuyệt đại bộ phận dân cư, nhân khẩu thành thị chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ, không đáng kể. | |
12- Lao động phức tạp chiếm tỉ lệ lớn và ngày càng lớn trong lao động xã hội. Dân cư có trình độ văn hóa cao và ngày càng cao. | 12- Lao động giản đơn chiếm tuyệt đại bộ phận lao động xã hội. Trình độ văn hóa của dân cư rất thấp. | |
13- Vốn sản xuất tính bình quân cho một đầu người lao động rất cao và ngày càng cao. | 13- Vốn sản xuất tính bình quân cho một đầu người lao động rất thấp, nhiều khi không đáng kể. | |
14- Sản xuất mang tính tổ chức cao và ngày càng cao (trong phạm vi từng đơn vị sản xuất cũng như trong phạm vi xã hội), quản lý sản xuất trở thành một khoa học. | 14- Sản xuất và quản lý sản xuất là công việc riêng, có tính chất tùy tiện, của từng người sản xuất cá thể. |
Những điểm khác nhau giữa sản xuất lớn và sản xuất nhỏ kể ra ở trên, tuy chưa phải là tất cả, song cũng đủ để nói lên tính chất nhiều vẻ của đối tượng mà chúng ta nghiên cứu. Trong cái mớ hỗn tạp những đặc điểm ấy, cần phải phân biệt cái gì là cái làm nên bản chất của sản xuất lớn, cái gì làm cho sản xuất lớn phân biệt với sản xuất nhỏ về căn bản, tóm lại cái gì là đặc trưng cơ bản của sản xuất lớn. Không nắm được những đặc trưng cơ bản của sự vật cũng tức là không nắm được bản chất của sự vật. Lấy những đặc trưng thứ yếu làm đặc trưng cơ bản cũng làm cho nhận thức về sự mơ hồ không kém. Tuy nhiên, đặc trưng cơ bản – đúng như ý nghĩa của khái niệm ấy – chỉ nói lên được cái cơ bản, cái bản chất của sự vật, chứ chưa thể cho ta một ý niệm đầy đủ, sinh động về sự vật ấy. Vì vậy, sau khi đã làm rõ những đặc trưng cơ bản của sản xuất lớn, cần phải tiến thêm một bước nữa làm rõ những đặc trưng khác của nó, những đặc trưng này thường chỉ phản ánh một mặt riêng biệt nào đó của sản xuất lớn, có khi chỉ phản ánh một nét đặc sắc nào đó mà nền sản xuất này đem vào trong cái chung, chứ không nhất thiết cái nào cũng là cái mà chỉ riêng sản xuất lớn mới có. Những đặc trưng thứ yếu, cục bộ này, nói chung đều chịu tác động chi phối của những đặc trưng cơ bản, có khi trực tiếp nảy sinh ra từ những đặc trưng cơ bản, vì vậy chúng là những đặc trưng phái sinh. Dưới đây, chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu những đặc trưng quan trọng nhất thuộc loại ấy.
Về kỹ thuật sản xuất
Tư liệu lao động và kỹ thuật sản xuất luôn luôn đi liền với nhau: tư liệu lao động mà thay đổi thì kỹ thuật sản xuất ắt phải thay đổi theo; ngược trở lại, một sự đổi mới ít nhiều sâu sắc về kỹ thuật sản xuất bao giờ cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với tư liệu lao động. Vì thế mà cuộc cách mạng về tư liệu lao động – thay thế công cụ cầm tay bằng máy móc – cũng đồng thời là cuộc cách mạng về kỹ thuật sản xuất.
Trong sản xuất nhỏ, kỹ thuật sản xuất là những phương pháp có tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác một cách máy móc. Đặc điểm của nó là bảo thủ, trì trệ. Trái lại, kỹ thuật sản xuất của nền sản xuất máy móc, giống như bản thân máy móc vậy, bắt nguồn trực tiếp từ những thành tựu mới nhất của khoa học (khoa học tự nhiên). Đặc điểm của nó là luôn luôn đổi mới, luôn luôn cách mạng.
“Công nghiệp cận đại không nhận xét và cũng không bao giờ coi hình thái hiện có của một quá trình là hình thái cuối cùng cả. Cho nên cơ sở của công nghiệp hiện đại là có tính chất cách mạng, còn cơ sở của tất cả những phương thức sản xuất trước kia, về căn bản đều có tính chất bảo thủ. Nhờ dùng máy móc, nhờ các phương pháp hóa học và các phương pháp khác, nên công nghiệp cận đại đảo lộn được, cùng với cơ sở kỹ thuật của sản xuất, những chức năng của người lao động và những sự kết hợp xã hội của lao động, đồng thời công nghiệp lớn cũng không ngừng đảo lộn việc phân công trong xã hội bằng cách không ngớt tung ra những khối lượng tư bản và công nhân từ một ngành sản xuất này sang một ngành sản xuất khác”.
Trong nông nghiệp, máy móc cũng đưa đến một cuộc cách mạng không kém phần sâu sắc về kỹ thuật sản xuất:
“Một trong những kết quả lớn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là nó đã khiến cho nghề nông – từ chỗ là một công việc có tính chất thuần túy kinh nghiệm, truyền lại một cách máy móc từ thế hệ này qua thế hệ khác, do bộ phận lạc hậu nhất của xã hội thực hiện – biến thành một sự ứng dụng nông học một cách khoa học và tự giác, trong chừng mực có thể được dưới điều kiện của chế độ tư hữu”.
Phương pháp kinh doanh cổ hủ nhất và bất hợp lý nhất được thay thế bằng việc ứng dụng kỹ thuật theo lối khoa học. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hoàn toàn cắt đứt mối liên hệ cũ gắn bó nông nghiệp với công trường thủ công, khi hai ngành này còn ở trong hai thời kỳ ấu trĩ; nhưng đồng thời nó lại tạo ra những điều kiện vật chất cho một quá trình tổng hợp mới, cao hơn, nghĩa là một sự kết hợp nông nghiệp với công nghiệp trên cơ sở sự phát triển mà mỗi ngành đã đạt trong thời kỳ hai ngành còn hoàn toàn tách rời nhau. Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa trong khi tập hợp dân cư lại trong các trung tâm lớn, và tạo ra một ưu thế ngày càng lớn cho dân cư thành thị, thì như thế là một mặt nó tích lũy nguyên động lực lịch sử của xã hội; và mặt khác không những nó phá hoại sức khỏe của công nhân thành thị và sinh hoạt tinh thần của những người lao động nông thôn, mà còn phá hoại sự tuần hoàn vật chất giữa người và đất đai, làm cho càng ngày càng khó hoàn lại cho đất đai các yếu tố màu mỡ, các chất hóa học do người ta đã lấy đi và dùng dưới hình thái thức ăn, quần áo, v.v…
Nhưng khi đảo lộn các điều kiện mà trong đó một xã hội lạc hậu tiến hành một cách gần như là tự phát sự tuần hoàn đó, thì nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại buộc phải khôi phục một cách có hệ thống sự tuần hoàn đó, dưới một hình thái thích hợp với sự phát triển toàn vẹn của nhân loại và thành quy luật điều hòa của nền sản xuất xã hội”.
Khoa học và kỹ thuật càng tiến triển (đặc biệt là trong vài chục năm lại đây, nhờ cuộc Cách mạng khoa học và kỹ thuật), thì con người càng khám phá ra được nhiều bí mật của giới tự nhiên, do đó càng có khả năng sáng tạo ra nhiều kỹ thuật sản xuất kỳ diệu. Trong công nghiệp thì không chỉ thay hình đổi dạng do vật liệu tự nhiên cung cấp mà còn sáng tạo ra những vật liệu mới theo cách mà tự nhiên vẫn làm trong công việc sáng tạo của nó. Trong nông nghiệp thì không chỉ tác động vào điều kiện và môi trường diễn ra những quá trình sinh trưởng tự nhiên của động vật và thực vật, mà còn trực tiếp can thiệp vào những quá trình ấy, làm cho chúng đổi hướng đi, hoặc rút ngắn lại, vì những mục đích sản xuất của con người.
Từ khi bước vào thời đại sản xuất bằng máy móc đến nay, mới hơn hai thế kỷ, vậy mà kỹ thuật sản xuất đã đổi mới với nhịp độ mà mấy chục thế kỷ trước đó cộng lại cũng không sánh kịp. Đặc điểm này gắn liền với việc chuyển từ công cụ cầm tay sang máy móc và xét cho cùng, với sự phát triển của khoa học, khoa học ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Mác viết: “Nếu quá trình sản xuất trở thành phạm vi ứng dụng của khoa học thì ngược lại, khoa học trở thành – có thể nói – yếu tố chức năng của quá trình sản xuất”.
Luận điểm trên đây của Mác đã được những thành tựu của nền sản xuất bằng máy móc, đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật gần đây chứng minh một cách rực rỡ. Khoa học đã trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp. Khoa học đã trở thành một yếu tố chức năng của quá trình sản xuất. Điều này có thể xem như một nét đặc sắc của sản xuất lớn ở giai đoạn phát triển cao của nó như chúng ta biết hiện nay.
Về năng suất lao động
So sánh sản xuất lớn với sản xuất nhỏ, ta thấy năng suất lao động cao cũng là một nét đặc trưng nổi bật của sản xuất lớn. Trong một thời gian lao động như nhau, sản xuất lớn tạo ra một khối lượng của cải vật chất lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nhỏ. Điều này bắt nguồn từ những ưu thế rất cơ bản của sản xuất lớn: sử dụng máy móc (so với công cụ cầm tay), lao động kết hợp (so với lao động riêng lẻ), kỹ thuật sản xuất dựa trên những thành tựu mới nhất của khoa học (so với kỹ thuật sản xuất dựa trên những kinh nghiệm cổ truyền), v.v…
Ở phần trên đã nói, năng suất lao động cao là một nét đặc trưng của sản xuất lớn, song, không phải hễ cứ có năng suất lao động cao thì đều là sản xuất lớn cả. Như vậy là vì: “Ngoài phương thức sản xuất xã hội ra không kể, thì năng suất lao động là tùy thuộc vào những điều kiện thiên nhiên trong đó lao động được tiến hành. Tất cả các điều kiện ấy có thể hoặc là quy về bản chất của bản thân con người, dòng giống con người, v.v… hoặc là quy về tự nhiên chung quanh con người”.
Nói một cách cụ thể, năng suất của lao động phụ thuộc vào “trình độ thành thạo trung bình của những người lao động; sự phát triển của khoa học và trình độ áp dụng khoa học về mặt kỹ thuật; các sự kết hợp xã hội của quá trình sản xuất; phạm vi và tác dụng của các tư liệu sản xuất và các điều kiện hoàn toàn tự nhiên. Cùng một số lượng lao động mà năm được mùa thì được biểu hiện chẳng hạn bằng 8 đấu lúa tiểu mạch, còn năm mất mùa lại chỉ được biểu hiện bằng 4 đấu thôi. Cùng một số lượng lao động, nhưng ở những mỏ giàu thì cung cấp được một số kim khí nhiều hơn là những mỏ nghèo, v.v…”
Nếu ta loại trừ các điều kiện hoàn toàn tự nhiên ra thì tất cả các nhân tố còn lại đều gắn liền với phương thức sản xuất. Điều này giải thích vì sao, trong những điều kiện tự nhiên căn bản như nhau, sản xuất lớn (sản xuất bằng máy móc) bao giờ cũng có ưu thế về năng suất lao động so với sản xuất nhỏ.
Ưu thế về năng suất lao động là biểu hiện tổng hợp mọi tính ưu việt của sản xuất lớn. Chính nó làm nên sức mạnh vô địch của sản xuất lớn và đưa sản xuất lớn lên thành phương thức chung của nền sản xuất xã hội.
Năng suất lao động cao, bản thân nó đã là một đặc trưng phái sinh, dẫn đến một loạt đặc trưng phái sinh khác: giá trị hàng hóa thấp, tỉ lệ tích lũy cao, tỉ lệ sản phẩm hàng hóa cao, v.v…
Giá trị hàng hóa, như mọi người đều biết, là lao động kết tinh trong hàng hóa, là thời gian lao động kết tinh trong hàng hóa, là thời gian lao động xã hội tất yếu để sản xuất ra hàng hóa. Giá trị của hàng hóa tỉ lệ nghịch với năng suất lao động. Năng suất của lao động mà càng cao thì khối lượng sản phẩm sản xuất ra trong một thời gian lao động nhất định càng lớn, do đó, giá trị của mỗi sản phẩm hàng hóa, cũng tức là lượng lao động kết tinh trong mỗi sản phẩm hàng hóa, ngược lại càng giảm.
Với một năng suất lao động cao hơn, người ta vẫn có thể bảo đảm cho mình một khối lượng sản phẩm tiêu dùng như cũ, thậm chí một khối lượng sản phẩm tiêu dùng nhiều hơn trước, mà chỉ phải bỏ ra một thời gian lao động ngắn hơn, nhờ đó có thể kéo dài một cách tương ứng phần thời gian lao động để tạo ra sản phẩm thặng dư – giả định độ dài của ngày lao động vẫn như cũ. Khả năng tích lũy của sản xuất lớn, vì vậy lớn hơn khả năng tích lũy của sản xuất nhỏ. Nhờ có tỉ lệ tích lũy cao cho nên sản xuất lớn thực hiện được tái sản xuất mở rộng tốc độ cao. Trong khi đó thì sản xuất nhỏ, với năng suất lao động thấp, tỉ lệ tích lũy rất thấp thường chỉ vượt quá giới hạn của tái sản xuất giản đơn với mức độ không đáng kể, chỉ cần gặp một tai họa nhỏ do thiên nhiên gây ra thì ngay đến tái sản xuất giản đơn cũng không thể thực hiện được.
Năng suất của người lao động còn tác động quyết định đến sản xuất hàng hóa cũng như phân công lao động xã hội là nguồn gốc nảy sinh ra sản xuất hàng hóa.
Ở những ngành sản xuất ra tư liệu tiêu dùng (đặc biệt là những ngành sản xuất ra lương thực thực phẩm là những tư liệu tiêu dùng cần thiết hàng đầu cho sự sống của con người), năng suất của người lao động phải đạt đến một mức nào đó thì mới dành ra được một bộ phận sản phẩm thặng dư, ngoài phần sản phẩm mà người sản xuất ở những ngành này tiêu dùng trực tiếp. Chỉ bộ phận thặng dư này mới được giải phóng ra khỏi những ngành sản xuất tư liệu tiêu dùng và trở thành hàng hóa. Vì vậy, năng suất lao động ở những ngành này mà càng cao thì tỉ suất hàng hóa sản phẩm của chúng càng cao, khối lượng hàng hóa mà chúng cung cấp cho thị trường càng lớn. Ngược lại, nếu năng suất lao động ở những ngành này quá thấp, sản phẩm làm ra vừa đủ cho nhu cầu tiêu dùng trực tiếp người sản xuất thì chẳng những thị trường không có hàng hóa mà ngay phân công lao động xã hội cũng không sao nảy nở được: Mọi người đều phải lao vào việc sản xuất ra cái ăn, và việc sản xuất ra cái ăn trở thành ngành sản xuất duy nhất của xã hội. Như vậy, nếu phân công lao động xã hội là tiền đề của sản xuất hàng hóa thì bản thân phân công lao động xã hội, đến lượt nó lại đòi hỏi một mức năng suất nào đó của lao động xã hội làm tiền đề. Chính cái tiền đề này là cái mà sản xuất nhỏ thường không có một cách đầy đủ, vững chắc.
Ở những ngành sản xuất mà toàn bộ sản phẩm làm ra đều nhằm mục đích đem bán thì năng suất lao động nâng cao, tuy không làm thay đổi tỉ suất sản phẩm hàng hóa (tỷ suất này vẫn là 100%), song vẫn làm cho thị trường mở rộng bằng cách làm cho khối lượng của sản phẩm tỉ lệ thuận với năng suất của lao động.
Tóm lại, năng suất của lao động cao hay thấp có ảnh hưởng quyết định đến tỉ suất sản phẩm hàng hóa, đến khối lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường, đến cả bản thân sự phân công lao động xã hội – nguồn gốc nảy sinh ra sản xuất hàng hóa. Sản xuất lớn chính là nền sản xuất luôn luôn cho một năng suất lao động cao hơn hẳn sản xuất nhỏ (giả định những điều kiện tự nhiên là như nhau). Vì vậy ta thấy nổi bật lên ở sản xuất lớn một loạt đặc trưng: tỉ suất hàng hóa cao, khối lượng hàng hóa lớn, quy mô thị trường lớn, sản xuất hàng hóa rất phát triển, phân công lao động xã hội rất phát triển, khác hẳn với sản xuất nhỏ mang nặng tính chất tự cấp tự túc, thị trường nhỏ hẹp, phân công lao động xã hội kém phát triển đến mức gần như toàn bộ lao động xã hội chỉ là lao động nông nghiệp, thậm chí chỉ là lao động sản xuất lương thực.
Về vốn sản xuất
So sánh sản xuất lớn với sản xuất nhỏ, ta thấy: cũng một người lao động, trong phương thức sản xuất này thì sử dụng những công cụ cầm tay nhỏ bé, vụn vặt, nhưng trong phương thức sản xuất kia thì điều khiển cả một hệ thống máy móc thiết bị đồ sộ. Cùng một lượng lao động như thế mà nay vận dụng được một khối lượng tư liệu lao động lớn hơn trước nhiều lần, để chế biến thành thành phẩm một khối lượng cũng lớn hơn nhiều lần. Đó là biểu hiện của sự tiến bộ kỹ thuật, là bước phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất xã hội, trong đó khoa học đóng vai trò ngày càng quan trọng.
“Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ tiêu cho thấy những tri thức của xã hội – nói chung là khoa học – đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp đến mức nào”.
Về mặt giá trị mà xét thì hiện tượng trên đây có nghĩa là: trong sản xuất lớn, mỗi đầu người lao động phải được trang bị bằng một số vốn sản xuất rất lớn (so với sản xuất nhỏ) và ngày càng lớn. Điều này, dưới hình thái tư bản chủ nghĩa của nó, được Mác gọi là sự nâng cao của cấu thành hữu cơ của tư bản. Sự nâng cao cấu thành hữu cơ của tư bản lại là cơ sở của quy luật cực kỳ quan trọng của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa: quy luật về xu hướng hạ thấp của tỉ suất lợi nhuận trung bình.
“Cấu thành của tư bản – Mác viết – là tỉ số giữa bộ phận năng động và bộ phận bị động của tư bản, giữa tư bản khả biến và tư bản bất biến. Về điểm này, chúng ta phải nghiên cứu hai loại tỉ số…
“Tỷ số thứ nhất dựa trên cơ sở kỹ thuật và phải được coi là tỉ số nhất định đối với một trình độ phát triển nhất định của sức sản xuất. Cần phải có một khối lượng sức lao động nhất định, do một số lượng công nhân nhất định đại biểu, để sản xuất ra một khối lượng sản phẩm nhất định trong một ngày chẳng hạn, và do đó – điều này là tất nhiên – để vận dụng, để tiêu dùng một cách sản xuất một khối lượng tư liệu sản xuất nhất định, máy móc, nguyên liệu, v.v… Với một số lượng tư liệu sản xuất nhất định, thì cần phải có một số công nhân nhất định và do đó, với một số lượng lao động đã được vật chất hóa trong tư liệu sản xuất thì cần có một số lượng lao động nhất định… Tỷ số đó hình thành cấu thành kỹ thuật của tư bản và là cơ sở thật sự của cấu thành hữu cơ của nó… Cấu thành giá trị của tư bản, trong chừng mực nó là do cấu thành kỹ thuật của tư bản quyết định và trong chừng mực nó phản ánh cấu thành hữu cơ của tư bản”.
Sản xuất tư bản chủ nghĩa càng phát triển, kỹ thuật càng tiến bộ thì tỉ số của tư bản bất biến so với tư bản khả biến, cũng tức là cấu thành hữu cơ của tư bản cũng theo đó mà tăng lên. “Sự tăng lên dần dần đó của tư bản bất biến so với tư bản khả biến tất nhiên phải đưa đến kết quả là tỉ suất lợi nhuận chung phải dần dần giảm xuống, tuy tỉ suất giá trị thặng dư hay mức độ bóc lột của tư bản đối với lao động vẫn không thay đổi. Nhưng quy luật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là sản xuất tư bản chủ nghĩa càng phát triển thì tư bản khả biến lại càng giảm xuống một cách tương đối so với tư bản bất biến, và do đó so với tổng tư bản được vận động. Điều đó chỉ có nghĩa là: nhờ sự phát triển của những phương pháp sản xuất mà riêng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa mới có, nên vẫn một số công nhân như thế, vẫn một khối lượng sức lao động như thế do một khối lượng giá trị tư bản khả biến nhất định thuê mướn, cũng trong một khoảng thời gian như thế, lại sẽ vận động được một khối lượng tư liệu lao động, máy móc và các loại tư bản cố định ngày càng lớn, sẽ chế biến và tiêu dùng một cách sản xuất một khối lượng nguyên liệu và vật liệu phụ ngày càng lớn, do đó, sẽ vận động được khối lượng giá trị tư bản bất biến ngày càng không ngừng tăng lên”.
Nếu bằng phương pháp trừu tượng hóa, chúng ta gạt bỏ những dấu ấn của chủ nghĩa tư bản sang một bên thì từ những sự phân tích trên đây của Mác về cấu thành hữu cơ của tư bản, còn lại là tính quy luật chung cho mọi nền sản xuất lớn (sản xuất bằng máy móc): tư liệu sản xuất và do đó, vốn sản xuất trang bị mỗi đầu người lao động rất lớn (so với sản xuất nhỏ) và ngày càng lớn. Hãy lấy một con số làm thí dụ. Chỉ kể vốn cố định (chưa kể vốn lưu động), và trong vốn cố định thì không kể ruộng đất, vốn sản xuất của nông trường quốc doanh ở nước ta, tính bình quân cho một đầu người lao động, năm 1970 là 5.000 đồng. Con số này bằng khoảng 10 lần vốn cố định (không kể ruộng đất) của một người tiểu nông. Vậy mà như ai nấy đều biết, xét về mặt cơ giới hóa và hiện đại hóa thì nông trường quốc doanh ở nước ta còn xa mới đạt tới trình độ tiên tiến trên thế giới (mỗi lao động mới chỉ trồng được 1 héc ta và nuôi được 2 con gia súc – chỉ kể trâu, bò, lợn). Trong công nghiệp tình hình cũng như vậy. Vốn sản xuất (cả vốn lưu động và vốn cố định) của công nghiệp quốc doanh trung ương, tính bình quân cho một đầu người lao động trong khu vực ấy, năm 1964 là 50.000 đồng. Con số này lớn hơn hàng trăm lần so với vốn liếng của người thợ thủ công. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là con số cao nhất đối với nền công nghiệp hiện đại. Như đã biết, xét về mặt cơ giới hóa và hiện đại hóa thì công nghiệp quốc doanh trung ương của nước ta vẫn còn ở trình độ tương đối thấp. Ở các nước có nền công nghiệp tiên tiến, vốn đầu tư trong công nghiệp thông thường là một con số lớn hơn con số kể trên đến hai, ba lần (ở Mĩ cũng trong khoảng thời gian trên, vốn đầu tư trong những ngành phi nông nghiệp, tính bình quân cho một đầu người lao động là 30.000 đô la).
Về người lao động
Muốn tiến hành sản xuất thì ngoài tư liệu sản xuất ra (bao gồm tư liệu lao động và đối tượng lao động), phải có những người lao động có kỹ năng lao động thích hợp. Sản xuất bằng máy móc ắt phải có những người lao động có kỹ năng sử dụng máy móc. Mà muốn có kỹ năng này phải có một trình độ hiểu biết nhất định về văn hóa, khoa học và kỹ thuật; không như sản xuất nhỏ, trong phần lớn trường hợp, chỉ cần có sức khỏe bình thường là đã có thể tiến hành sản xuất được. Những người sử dụng máy móc đã vậy, những người phát minh ra máy móc và kỹ thuật sản xuất tương ứng lại càng phải có trình độ cao hơn. Vì vậy, sản xuất bằng máy móc có đặc trưng là: lao động có kỹ thuật, hay lao động phức tạp, chiếm tỉ lệ lớn và ngày càng lớn trong tổng số lao động xã hội. Trình độ văn hóa của dân cư cũng theo đó mà nâng cao.
Đòi hỏi những người lao động có văn hóa, có kỹ thuật là một đòi hỏi có tính chất khách quan của nền sản xuất bằng máy móc. Ngay giai cấp tư sản dù tham lam, tàn bạo, cũng buộc phải tạo ra một nền giáo dục ít nhiều đáp ứng đòi hỏi ấy. Khởi đầu là Luật công xưởng ban hành ở nước Anh vào giữa thế kỷ trước, trong đó quy định rằng trẻ em bắt buộc phải có trình độ sơ học mới được đi làm. Ngày nay, trình độ văn hóa tối thiểu ấy đã bị vượt xa rồi, ngay ở các nước tư bản chủ nghĩa. Ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã thi hành chế độ giáo dục bắt buộc 9 năm hoặc 10 năm, trong đó giáo dục kỹ thuật giữ một vị trí quan trọng. Hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng kỹ thuật và trung học chuyên nghiệp ngày càng phát triển.
Giáo dục, với ý nghĩa là nguồn cung cấp những người lao động có kỹ năng thích hợp cho nền sản xuất hiện đại, thực tế đã trở thành một trong những đòn bẩy chủ yếu của sản xuất và phát triển trong thời đại ngày nay. Thực tế lịch sử ấy đã chứng minh một cách rực rỡ dự kiến thiên tài của Mác:
“Chỉ cần xem những sách của Rôbe Ôoen cũng đủ thấy rằng chế độ công xưởng là nơi đầu tiên làm nảy nở mầm mống của nền giáo dục của tương lai, nền giáo dục sẽ kết hợp lao động sản xuất với giáo dục và thể dục, đối với hết thảy các trẻ em trên một tuổi nhất định nào đó, và làm như vậy không những chỉ là phương pháp tăng thêm sản xuất xã hội, mà còn là phương pháp độc nhất và duy nhất để đào tạo ra những con người hoàn thiện”.
Đào tạo ra những người lao động có trình độ văn hóa, khoa học và kỹ thuật (cả lý thuyết lẫn thực hành), chẳng những là đáp ứng đòi hỏi của nền sản xuất bằng máy móc về người lao động có kỹ năng thích hợp, mà còn là cần thiết để ứng phó với tính chất luôn luôn đổi mới, luôn luôn cách mạng của kỹ thuật máy móc:
“Nếu chính ngay bản chất của công nghiệp lớn đòi hỏi phải có sự thay đổi trong lao động, sự lưu động của những chức năng, sự di động toàn diện của người lao động, thì mặt khác, dưới hình thức tư bản chủ nghĩa của nó, nó lại tái tạo ra sự phân công cũ có những đặc tính cố định. Chúng ta đã thấy rằng, cái mâu thuẫn tuyệt đối giữa những sự cần thiết về mặt kỹ thuật của công nghiệp lớn với những tính chất xã hội của nó dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, rốt cuộc sẽ tiêu hủy tất cả mọi sự bảo đảm cho đời sống của người lao động – là người luôn luôn thấy mình có thể lâm vào nguy cơ mất thủ đoạn lao động tức là mất luôn cả tư liệu sinh hoạt và trở thành thừa nếu công việc bộ phận của mình bị phế bỏ… Đấy chính là phía tiêu cực.
“Nhưng nếu sự thay đổi trong lao động chỉ có tác dụng như kiểu một quy luật vật lý – tức là quy luật, bất cứ ở đâu mà gặp phải những trở lực, đều đập tan những trở lực đó một cách mù quáng – thì chính ngay những tai biến do công nghiệp lớn sinh ra cũng bắt buộc người ta tất nhiên phải thừa nhận sự thay đổi trong lao động và do đó phải thừa nhận sự phát triển hết sức to lớn của khả năng nhiều mặt của người lao động, coi đó là một quy luật của nền sản xuất cận đại, và bất luận thế nào, các quan hệ cũng phải thích nghi với sự thực hiện bình thường của quy luật đó. Đây là một vấn đề sinh tử. Đúng thế, nền công nghiệp lớn buộc xã hội, nếu muốn khỏi bị tiêu diệt thì phải thay thế người lao động bộ phận tức là kẻ phải chịu đau khổ làm một chức năng sản xuất bộ phận, bằng người lao động phát triển hoàn toàn, tức là kẻ có thể làm được nhiều loại công việc khác nhau, và đối với anh ta những chức năng khác nhau do anh ta đảm nhiệm chỉ làm cho những tài năng muôn vẻ, vốn có hoặc do rèn luyện mà có được của anh ta, được tự do phát triển mà thôi.
“Giai cấp tư sản mà mở ra các trường kỹ thuật bách khoa, nông học, v.v… cho con cái nó, thì tuy vậy cũng chỉ là do nó phải phục tùng những xu hướng nội tại của nền sản xuất cận đại mà thôi, còn đối với những người vô sản, nó chỉ mở một thứ trường giáo dục chuyên nghiệp gọi là mà thôi. Nhưng nếu chỉ mới có luật công xưởng – đây là một nhượng bộ đầu tiên do đấu tranh cao độ mà giành được từ trong tay tư bản – mà người ta đã bắt buộc phải kết hợp giáo dục tiểu học, dù là còn nghèo nàn, với lao động công nghiệp, thì khi giai cấp công nhân giành được chính quyền – mà nhất định là họ giành được chính quyền – chắc chắn là họ sẽ đem giáo dục kỹ thuật, về mặt thực tiễn và lý thuyết, dạy trong các nhà trường của nhân dân”.
Về cơ cấu của sản xuất
Khi nghiên cứu về phân công lao động trong nội bộ xí nghiệp – đặc trưng cơ bản của sản xuất lớn – chúng ta đã có dịp xem xét trạng thái của phân công lao động xã hội trong điều kiện sản xuất lớn. Trạng thái này gắn liền với những đặc trưng cơ bản của sản xuất lớn, vì vậy được xem như một đặc trưng phái sinh. Ở đây, không nhắc lại nữa. Chỉ cần rút ra một nhận xét có liên quan đến một vấn đề mới: vấn đề cơ cấu của sản xuất. Nhận xét đó là: sản xuất nhỏ bao giờ cũng có nghĩa là một trạng thái phân công lao động xã hội rất kém phát triển, khác hẳn với sản xuất lớn luôn luôn là một trạng thái phân công lao động xã hội rất phát triển. Trạng thái của phân công lao động xã hội khác nhau thì cơ cấu của nền sản xuất xã hội cũng khác nhau:
– Trong điều kiện sản xuất nhỏ thì nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng nhất: gần như toàn bộ lao động xã hội chỉ là lao động nông nghiệp; còn công nghiệp (thủ công nghiệp) thì hết sức nhỏ bé, phần rất lớn vẫn chỉ là nghề phụ của nông dân; giao thông liên lạc rất kém phát triển.
Trong sản xuất lớn thì trái lại, giữ vị trí quan trọng nhất không phải là nông nghiệp, mà chính là công nghiệp (đại công nghiệp); bản thân nông nghiệp cũng như tất cả các ngành sản xuất khác đều phụ thuộc vào công nghiệp và đều có xu hướng biến dần thành một ngành đặc thù của công nghiệp. Tương ứng với sự phát triển của công nghiệp và trên cơ sở của sự phát triển ấy là một ngành giao thông vận tải và một ngành thông tin liên lạc rất phát triển.
– Đi sâu vào từng ngành sản xuất – nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, v.v… ta thấy cơ cấu của từng ngành cũng phản ánh rất rõ trạng thái của phân công lao động xã hội: trong sản xuất nhỏ thì nông nghiệp là ngành sản xuất có tính chất “bách khoa”, mỗi một đơn vị sản xuất nông nghiệp chẳng những sản xuất lương thực mà còn sản xuất cả cây công nghiệp, cả rau quả, chẳng những làm trồng trọt mà còn làm cả chăn nuôi, chẳng những làm nông nghiệp mà còn làm công nghiệp, cả vận tải, v.v… Ngược lại, trong sản xuất lớn thì mỗi một sản phẩm đều là đối tượng riêng của một đơn vị sản xuất chuyên môn hóa, của một ngành sản xuất chuyên môn hóa.
Gần như toàn bộ sản xuất xã hội chỉ là sản xuất nông nghiệp, và gần như toàn bộ lao động xã hội chỉ là lao động nông nghiệp – điều đó không có nghĩa là trong sản xuất nhỏ, xã hội chỉ cần có những sản phẩm nông nghiệp là đủ, chẳng cần chế biến những sản phẩm ấy cũng như chế biến những vật liệu khai thác trong tự nhiên. Điều đó chỉ có nghĩa là nông dân tự mình làm lấy tất cả các công việc ấy; những công việc này, thực ra, cũng chỉ được phép chiếm một tỉ lệ nhỏ trong tổng số thời gian lao động của họ mà thôi. Họ buộc phải tự mình làm lấy tất cả bởi vì giữa họ với nhau không có hoặc hầu như không có sự phân công lao động xã hội. Như vậy địa vị ưu thế của nông nghiệp trong nền sản xuất xã hội chẳng qua chỉ là biểu hiện của một trạng thái rất kém phát triển của phân công lao động xã hội.
Nhưng, tại sao phân công lao động xã hội lại kém phát triển đến thế? Phải chăng đó là do con người còn chưa biết đến cái lợi của sự phân công, hoặc do bảo thủ, do tài năng tổ chức kém cỏi, hoặc do bất cứ một nhược điểm chủ quan nào khác? Hoàn toàn không phải như vậy. Dẫn đến tình hình ấy chỉ là trình độ thấp kém của lực lượng sản xuất, mà biểu hiện là năng suất lao động rất thấp. Với những công cụ cầm tay, hiệu lực rất thấp, do đó năng suất lao động rất thấp, con người phải chật vật lắm mới đảm bảo được đủ những tư liệu cần thiết hàng đầu cho sự sống của mình là lương thực và thực phẩm, như vậy thì còn sức đâu mà phát triển các ngành nghề khác ngoài nông nghiệp? Nhiều nhất thì những ngành nghề này cũng chỉ được phép tồn tại như là những công việc phụ của nông dân, thực hiện vào những thời gian nhàn rỗi ngoài thời vụ nông nghiệp. Nhìn vào nền sản xuất ở miền Bắc nước ta trước Cách mạng thì đủ rõ. Nhân dân ta đã phải dành tới 90% lao động và 95% diện tích trồng trọt vào việc trồng cây lương thực mà vẫn không đủ ăn, như vậy thì nói gì đến đa canh hóa nông nghiệp, nói gì đến phát triển công nghiệp, nói gì đến chuyện lên rừng và xuống biển để chinh phục lấy rừng vàng biển bạc!
Vì năng suất của lao động quá thấp cho nên xã hội phải dành gần như toàn bộ lao động của mình vào việc sản xuất ra cái ăn (để có thể tồn tại được như một sinh vật trước đã), chỉ riêng điều ấy đã đủ nói lên địa vị thấp kém của con người trước thiên nhiên, thể hiện qua địa vị ưu thế của nông nghiệp trong nền sản xuất xã hội. Cần nói thêm rằng bản thân nông nghiệp cũng là ngành sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên ở mức độ lớn hơn cả. Nó phụ thuộc vào sự sinh trưởng tự nhiên của cây trồng và gia súc – đối tượng sản xuất của chính nó, đồng thời phụ thuộc vào những điều kiện thiên nhiên có ảnh hưởng quyết định đến sự sinh trưởng tự nhiên của những đối tượng sản xuất ấy. Chừng nào nông nghiệp còn là “thuần túy nông nghiệp”, nghĩa là chưa bị công nghiệp xâm nhập, nói đúng hơn là chưa được cải tạo theo hướng công nghiệp, thì chừng ấy nông nghiệp vẫn mang nặng tính chất phụ thuộc vào thiên nhiên. Một ngành sản xuất mang nặng tính chất phụ thuộc vào thiên nhiên mà chiếm địa vì ưu thế trong nền sản xuất xã hội thì điều đó cũng có nghĩa như là chính nền sản xuất ấy và chính con người trong nền sản xuất ấy phụ thuộc vào thiên nhiên vậy.
Muốn thoát ra khỏi tình trạng nông nghiệp lạc hậu nói trên tiến lên đa canh hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp và các ngành nghề khác, phải tạo ra được một mức tối thiểu về năng suất của lao động nông nghiệp làm tiền đề. Với mức năng suất đó, nền nông nghiệp của chúng ta phải đủ sức bảo đảm một cách vững chắc lương thực và thực phẩm cho toàn dân, đồng thời vẫn giải phóng được một bộ phận lao động và diện tích trồng trọt để dùng vào các mục đích sản xuất khác. Thiếu cái tiền đề cơ bản ấy (ở đây không tính đến nhân tố ngoại thương và viện trợ của nước ngoài) thì không thể đạt được thành tích gì đáng kể trong việc đa canh hóa nông nghiệp, đưa chăn nuôi lên thành một ngành sản xuất chính, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nông sản xuất khẩu, đẩy mạnh việc khai thác vùng trung du và vùng núi, mở mang các ngành nghề mới, tóm lại là đẩy mạnh phân công lao động xã hội chỉ là lao động nông nghiệp thì cái chìa khóa của phân công lao động mới còn có thể tìm ở đâu khác, ngoài năng suất của lao động nông nghiệp? Điều này, chính Mác đã nhiều lần nhấn mạnh:
“Năng suất của lao động nông nghiệp vượt quá nhu cầu cá nhân của người lao động là cơ sở của mọi xã hội, và trước hết là cơ sở của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, là nền sản xuất đã làm cho một bộ phận ngày càng lớn của xã hội thoát ly việc sản xuất các tư liệu sinh hoạt trực tiếp và biến họ, như cách nói của Stiu-át, thành những “cánh tay tự do” khiến họ có thể sẵn sàng bị bóc lột ở những lĩnh vực khác”.
“Rõ ràng là số lượng những người lao động trong ngành công nghiệp chế biến, v.v… và hoàn toàn tách rời khỏi nông nghiệp… được quyết định bởi khối lượng sản phẩm nông nghiệp mà những người lao động nông nghiệp đã sản xuất thẳng ra ngoài sự tiêu dùng cá nhân của họ.
“… Như vậy, lao động nông nghiệp là cái cơ sở tự nhiên… không phải chỉ riêng cho lao động thặng dư trong lĩnh vực của bản thân ngành nông nghiệp, mà nó còn cái cơ sở tự nhiên để biến tất cả các ngành lao động khác thành những ngành độc lập”.
Đối với sản xuất lớn thì các mức tối thiểu về năng suất của lao động nông nghiệp nói trên đã bị vượt xa rồi. Lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm một tỉ lệ tương đối nhỏ trong lao động xã hội: thông thường là 1/3, 1/4, có khi chỉ 1/10, 1/20. Điều đó có nghĩa là lao động nông nghiệp đã đạt được năng suất rất cao nhờ sử dụng máy móc và các thành tựu khác của khoa học kỹ thuật. Nó cũng có nghĩa là một số công việc hoặc một số khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp đã được chuyển giao cho công nghiệp đảm nhiệm (chế tạo tư liệu sản xuất dùng cho nông nghiệp, chế biến nông sản, v.v…). Lao động nông nghiệp chiếm tỉ lệ càng nhỏ trong tổng số lao động xã hội thì các ngành sản xuất khác, trước nhất là công nghiệp, càng có địa bàn rộng lớn để phát triển.
Kỹ thuật sản xuất bằng máy móc cũng là một đòn bẩy mạnh mẽ đối với phân công lao động xã hội. Sản xuất bằng máy móc đòi hỏi phải phân tích quá trình sản xuất ra thành từng sự vận động cấu thành đơn giản nhất. “Chỉ có phân chia quá trình sản xuất ra thành một chuỗi những thao tác thuần túy có tính chất máy móc và rất đơn giản thì mới đưa được máy móc vào sản xuất, trước tiên là sử dụng vào những thao tác đơn giản nhất, dần dần mới áp dụng được vào những thao tác phức tạp hơn”.
Sự phân công của máy móc quy định sự phân công của lao động sử dụng máy móc. Phân công lao động trong xí nghiệp, đến lượt nó, lại tác động mạnh mẽ đến phân công lao động trong xã hội. Kết quả là: cơ cấu của nền sản xuất bằng máy móc bao giờ cũng là một hệ thống những ngành sản xuất chuyên môn hóa tinh vi nhất, hệ thống này chằng chịt những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, khác hẳn với cơ cấu của nền sản xuất nhỏ, gần như chỉ gồm có một ngành sản xuất duy nhất là nông nghiệp, mà ngành này lại chỉ gồm toàn là những đơn vị sản xuất giống nhau, tự cấp tự túc trong từng đơn vị sản xuất và do đó, không bị ràng buộc lại với nhau mà lại tách rời nhau. Với cơ cấu như vậy, sản xuất nhỏ “đại khái cũng giống như một cái bao tải đựng đầy khoai tây thì thành một bao tải khoai tây vậy”.
Trên đây, chúng ta đã nói đến cơ cấu của nền sản xuất xã hội như là phản ánh của trạng thái phân công lao động xã hội. Nhưng, tác động đến cơ cấu của nền sản xuất xã hội không phải chỉ có sự phân công lao động xã hội, cũng không phải chủ yếu là nhân tố đó. Chính việc sản xuất bằng máy móc mới là nhân tố có tác động quyết định nhất đến cơ cấu của nền sản xuất. Cả trạng thái (hay trình độ phát triển) của phân công lao động xã hội, cả những nhân tố tác động đến trạng thái đó như là năng suất lao động, phân công lao động trong xí nghiệp, v.v… cũng đều bị chi phối bởi đặc trưng cơ bản ấy.
Ngoài tác động chi phối của nó thông qua trạng thái phân công lao động xã hội đã nói ở trên, việc sản xuất bằng máy móc còn trực tiếp tác động đến cơ cấu của nền sản xuất: nó nâng cao vị trí của công nghiệp là ngành sản xuất tiêu biểu cho chính nó. Sản xuất bằng máy móc càng phát triển thì công nghiệp càng chiếm tỉ trọng lớn hơn trong nền sản xuất xã hội, và càng tiến gần đến chỗ biến tất cả các ngành sản xuất xã hội thành những đặc thù của công nghiệp.
Công nghiệp chiếm địa vị ưu thế trong nền sản xuất xã hội, đó là dấu hiệu của một thời đại mới: thời đại con người chế ngự thiên nhiên và làm chủ thiên nhiên, khác hẳn với thời đại nông nghiệp chiếm địa vị ưu thế trong nền sản xuất xã hội là thời đại con người phụ thuộc rất nặng nề vào thiên nhiên.
“Chính sự cần thiết phải làm cho xã hội khống chế lực lượng tự nhiên, phải sử dụng lực lượng đó, phải tiết chế nó, phải thuần phục nó một cách quy mô bằng những công việc của bàn tay con người, nói tóm lại là phải chế ngự nó, chính sự cần thiết ấy có một tác dụng quyết định trong lịch sử của công nghiệp”.
Việc sản xuất bằng máy móc chẳng những in dấu ấn của nó lên cơ cấu chung của nền sản xuất xã hội bằng cách đưa công nghiệp lên giữ địa vị ưu thế thay cho nông nghiệp, mà còn in dấu ấn của nó lên cơ cấu của từng ngành sản xuất đặc thù: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, v.v… Chẳng hạn, với sự tiến triển của nền sản xuất bằng máy móc thì công nghiệp nặng tiến lên chiếm ưu thế so với công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến tiến lên chiếm ưu thế so với công nghiệp khai thác, công nghiệp cơ khí tiến lên chiếm vị trí hàng đầu trong công nghiệp, v.v… (trong điều kiện sản xuất nhỏ thì ngay sự phân biệt thành những công nghiệp như thế cũng đã không xuất hiện rồi). Tiêu biểu cho trình độ phát triển công nghiệp trong thế kỷ trước là than và thép, thì bây giờ là điện, cơ khí, hóa chất, v.v…
Vị trí của công nghiệp trong nền sản xuất xã hội càng lớn (và cùng với nó là ngành giao thông vận tải và các ngành kinh tế khác có liên quan) thì nhân khẩu thành thị, trong đó nhân khẩu công nghiệp là thành phần chủ yếu, cũng tăng lên tương ứng. Ngay trong nông nghiệp, vai trò của công nghiệp cũng ngày càng tăng. Nhân khẩu công nghiệp ở nông thôn, do đó ngày càng tăng. Bản thân nông thôn cũng ngày càng thành thị hóa, giống như nông nghiệp ngày càng công nghiệp hóa vậy.
Về tính tổ chức của sản xuất
Muốn tiến hành sản xuất, phải có đủ những yếu tố của sản xuất (người lao động, tư liệu lao động và đối tượng lao động) và phải kết hợp những yếu tố đó theo một phương thức nhất định. Trong sản xuất nhỏ, việc kết hợp những yếu tố đó tương đối đơn giản. Nhiều nhất thì mỗi đơn vị sản xuất cũng chỉ có vài ba người lao động, mấy thứ công cụ thô sơ; kỹ thuật sản xuất thì đơn giản và hầu như không hề thay đổi từ đời nọ sang đời kia. Mỗi vụ sản xuất thứ gì, mỗi ngày làm những công việc gì, điều đó dường như tự nó đã rõ; chẳng cần phải tính toán gì nhiều mới quyết định được.
Xét trong phạm vi rộng hơn thì tình hình cũng như vậy. Sản xuất nhỏ với những đơn vị sản xuất hoàn toàn giống nhau, và vì thế giống nhau cả về tính chất tự cấp, tự túc, hầu như không đặt ra vấn đề kết hợp những yếu tố của sản xuất trong phạm vi xã hội. Những mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau trong phạm vi xã hội, nếu có, cũng là không quan trọng và rất lỏng lẻo. Sản xuất chỉ là công việc riêng của từng người sản xuất nhỏ. Nó chỉ tùy thuộc nhu cầu và ý muốn của người sản xuất nhỏ. Anh ta có thể tùy tiện thay đổi ý muốn, cũng tức là thay đổi nhu cầu, mà không gây đảo lộn gì cho nền sản xuất chung cả.
Đối với sản xuất lớn thì tình hình khác hẳn.
“Bất cứ lao động xã hội hay lao động chung nào mà tiến hành trên một quy mô khá lớn đều yêu cầu phải có một sự chỉ đạo để điều hòa những hoạt động cá nhân. Sự chỉ đạo đó phải làm những chức năng chung, tức là những chức năng phát sinh từ sự khác nhau giữa sự vận động chung của cơ thể sản xuất với những vận động cá nhân của những khí quan độc lập hợp thành cơ thể sản xuất đó. Một nhạc sĩ độc tấu thì tự điều khiển lấy mình, nhưng một dàn nhạc thì cần phải có một nhạc trưởng”.
Quy mô lớn của sản xuất đặt ra hàng loạt vấn đề phức tạp: phân công những người lao động theo những tỉ lệ nhất định và phối hợp hoạt động của họ theo một thời gian biểu nghiêm khắc, bảo đảm cho máy móc thiết bị hoạt động đúng yêu cầu và đồng bộ, cung ứng vật tư kịp thời, đúng quy cách, v.v… Bất cứ một sự mất cân đối nào đều ảnh hưởng đến hoạt động của guồng máy sản xuất, thậm chí làm cho guồng máy sản xuất phải ngừng hoạt động. Bản thân máy móc và kỹ thuật sản xuất bằng máy móc cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc về vận hành và bảo dưỡng, về quy trình kỹ thuật, về quy cách nguyên liệu, v.v… Bất cứ một sự tùy tiện nào cũng đều tác hại đến sản xuất, thậm chí gây tai họa. Xem vậy thì thấy sản xuất lớn mang tính tổ chức rất cao, khác hẳn sản xuất nhỏ. Đó là nói về từng đơn vị sản xuất.
Xét trong phạm vi rộng hơn – trong phạm vi xã hội – ta thấy sản xuất lớn, với tính chất chuyên môn hóa cao độ của nó – theo ngành cũng như theo vùng – tất yếu phải là một hệ thống những mối liên hệ phụ thuộc hết sức chặt chẽ giữa các đơn vị sản xuất với nhau, giữa các ngành với nhau, giữa các vùng với nhau, thậm chí giữa các nước với nhau. Với những mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau này, nền sản xuất xã hội biến thành một guồng máy duy nhất, có tính tổ chức rất cao. Tính tổ chức này có thể là kết quả của một quá trình tự phát (dưới chế độ tư bản chủ nghĩa) mà cũng có thể hình thành một cách tự giác (dưới chế độ xã hội chủ nghĩa), song, bao giờ nó cũng gắn liền với sản xuất lớn như là hệ quả tất yếu của đặc tính chuyên môn hóa cao độ của nền sản xuất này.
Sản xuất có tính tổ chức cao – xét trong phạm vi từng đơn vị sản xuất cũng như xét trong phạm vi xã hội – thì quản lý sản xuất cũng phải là một công việc tổ chức ở trình độ tương ứng. Thực tế, nó đã trở thành một khoa học.
Quản lý sản xuất là một khoa học bởi vì đối tượng của quản lý, dù là sản xuất trong một xí nghiệp hay là sản xuất tro ng phạm vi xã hội, bao giờ cũng là một quá trình vận động theo quy luật – quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Nhận thức và vận dụng được các quy luật ấy thì sẽ làm cho sản xuất tiến triển một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao.
Vì sản xuất là một quá trình vận động theo quy luật – quy luật tự nhiên và quy luật xã hội – cho nên không phải bất cứ chế độ xã hội nào cũng có khả năng nhận thức và vận dụng các quy luật ấy với một mức độ như nhau. Đối với chế độ xã hội chủ nghĩa thì không có trở ngại nào do bản chất của chế độ đó gây ra cả. Xã hội xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có khả năng nhận thức và vận dụng các quy luật tự nhiên và quy luật xã hội chi phối sản xuất, trong phạm vi từng đơn vị sản xuất cũng như trong phạm vi toàn xã hội. Khoa học quản lý của chủ nghĩa xã hội hình thành và phát triển chính là trên cơ sở ấy. Đối với chế độ tư bản chủ nghĩa thì trở ngại lại chính là do chế độ sở hữu của bản thân nó gây ra. Chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa đối lập nhà tư bản này với nhà tư bản kia, đối lập xí nghiệp này với xí nghiệp kia, do đó không cho phép vận dụng bất cứ một quy luật nào trong phạm vi xã hội cả. Khoa học quản lý của nó, vì vậy không thể không đóng khung trong phạm vi xí nghiệp là chủ yếu. Nếu đôi khi nó có tham vọng vượt ra ngoài khuôn khổ ấy thì chẳng qua cũng chỉ là nhằm vào một số biện pháp tác động gián tiếp vào quá trình sản xuất xã hội thông qua một số đòn bẩy như thuế khóa, tín dụng, phân phối ngân sách nhà nước, v.v… tóm lại là những biện pháp can thiệp của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Trong khi đó thì tính tổ chức của sản xuất trong phạm vi xã hội, vì không được xã hội chính thức thừa nhận và tôn trọng, bắt buộc phải tự tìm lấy con đường đi của nó thông qua cạnh tranh và sản xuất vô chính phủ.
Quản lý sản xuất chẳng những là một khoa học, mà đồng thời còn là một nghệ thuật nữa. Bởi lẽ: sản xuất tuy là một quá trình vận động theo quy luật, song vận động theo quy luật không có nghĩa là một sự vận động lặp đi lặp lại một cách máy móc, đơn điệu; trái lại các nhân tố của sản xuất luôn luôn biến động, đòi hỏi phải được xử lý kịp thời, phải được phối trí một cách thông minh nhất, hợp quy luật nhất. Thực tiễn sản xuất cũng luôn luôn đứng trước những điều kiện mới, những khả năng mới (tốt và xấu), đòi hỏi người quản lý phải biết phán đoán và lựa chọn, dự đoán và phòng bị. Trong công việc này, khoa học và nghệ thuật phải được kết hợp với nhau, bổ sung cho nhau, mới mong vạch ra được con đường đi lên thuận lợi nhất cho sản xuất.
Sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa và sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa
Trên đây, chúng ta đã nghiên cứu sản xuất lớn trên những đặc trưng quan trọng nhất của nó. Sản xuất lớn như đã trình bày, thực ra chỉ là một sự trừu tượng: Mọi hình thái cụ thể của nó tạm thời đều bị gạt bỏ. Nhưng, như mọi người đều biết, sản xuất lớn luôn luôn gắn liền với những chế độ xã hội cụ thể: chế độ tư bản chủ nghĩa và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng ta hãy so sánh hai nền sản xuất lớn này.
Sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa và sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa có những điểm gì giống nhau? Khi nêu lên những đặc trưng cơ bản và đặc trưng phát sinh của sản xuất lớn, chúng ta đã nói lên sự giống nhau giữa mọi nền sản xuất lớn.
Còn giữa chúng, có những điểm gì khác nhau? Sự khác nhau căn bản là ở quan hệ sản xuất của chúng.
Sản xuất lớn chỉ xuất hiện khi nào một số lượng lớn người lao động được tập hợp lại trong cùng một xí nghiệp để cùng sử dụng một hệ thống máy móc thiết bị nhằm sản xuất ra sản phẩm. Hội đủ những điều kiện này có thể là một nhà tư bản, mà cũng có thể là những người lao động hợp tác lại trên cơ sở công hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Đều là sản xuất lớn, nhưng quan hệ sở hữu khác nhau, do đó, vị trí của các tập đoàn người trong quá trình sản xuất sẽ khác nhau, phương thức phân phối những thành quả của sản xuất cũng khác nhau. Chung quy lại, mục đích của sản xuất khác nhau: một đằng thì vì lợi nhuận của nhà tư bản, một đằng thì vì lợi ích chung của mọi người lao động.
Vì tính chất của quan hệ sản xuất căn bản khác nhau cho nên tác động của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất cũng khác nhau. Đã là sản xuất lớn thì bản thân tư liệu lao động đã mang tính chất xã hội rồi, lao động cũng vậy, tóm lại, lực lượng sản xuất là có tính chất xã hội. Nhưng, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa thì lại mang tính chất tư nhân. Vì vậy, giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất luôn luôn có mâu thuẫn đối kháng, mâu thuẫn này là nguồn gốc sinh ra mọi tai họa dưới chế độ tư bản chủ nghĩa: sản xuất vô chính phủ, mất cân đối thường xuyên giữa các ngành sản xuất, khủng hoảng sản xuất thừa, thất nghiệp, tiến bộ kỹ thuật bị kìm hãm, tốc độ phát triển sản xuất bị kìm hãm, v.v…
Đối với lực lượng sản xuất của nền sản xuất lớn thì quan hệ sản xuất phù hợp nhất là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa là điều kiện cơ bản cho phép sản xuất phát triển liên tục với tốc độ cao.
Sản xuất bao giờ cũng phát triển theo những quy luật của nó – những quy luật có tính chất khách quan, độc lập đối với ý chí của con người. Con người, nếu nhận thức được những quy luật ấy thì có thể lợi dụng chúng để mưu lợi ích cho mình. Khả năng này dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, là rất hạn chế. Tuy mỗi nhà tư bản đều làm chủ xí nghiệp của mình, và do đó, đều có thể tổ chức tốt công việc trong xí nghiệp của mình, song vượt ra ngoài phạm vi ấy thì họ lại hoàn toàn bất lực. Chính quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã làm cho họ quay lưng lại với nhau, đối lập nhau, do đó làm cho họ hoàn toàn mất khả năng làm chủ những quan hệ xã hội giữa họ với nhau. Chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa, trái lại, liên kết những người sản xuất lại thành một khối thống nhất và biến họ thành người chủ tập thể của xã hội. Với tư cách này họ làm chủ xã hội, làm chủ sản xuất, đồng thời làm chủ cả những quan hệ xã hội giữa họ với nhau nữa. Những quy luật chi phối những quan hệ xã hội này, đối với họ không còn là một cái gì thần bí nữa, mà hoàn toàn có thể nhận thức được, vận dụng được. Nhờ nhận thức và vận dụng được các quy luật chi phối sản xuất cho nên chủ nghĩa xã hội có được khả năng phát triển sản xuất nhanh nhất, hợp lý nhất.
Qua những sự phân tích trên đây, chúng ta đã làm rõ – về mặt khái niệm – thế nào là sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Lần theo sự chỉ dẫn về lý luận ấy, giờ đây hãy thử đi vào thực tế Việt Nam, làm rõ một số vấn đề của nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Thông qua thực tế Việt Nam cũng là một dịp để chúng ta kiểm tra lại khái niệm, xem nó đã thật sự phản ánh được thực tế hay chưa.
Sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, như đã được phản ánh trong khái niệm, là nền sản xuất xã hội chủ nghĩa đã đạt đến độ trưởng thành. Những đặc trưng của nó, vì vậy là những đặc trưng của một cơ thể đã đạt đến độ trưởng thành. Ở nước ta hiện nay, nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa chỉ mới đang trong bước đầu của quá trình hình thành. Đem nó đối chiếu, so sánh với nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa đã đạt đến độ trưởng thành, chẳng những chúng ta có thể dễ dàng xác định được trạng thái và trình độ phát triển thực tại của nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở nước ta, mà còn có thể thấy được bước đường tất yếu mà nó sẽ phải trải qua để tiến lên thành một nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa theo ý nghĩa đầy đủ của khái niệm ấy.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây chưa phải là bàn đến công việc xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở nước ta – chuyên đề rộng lớn này đòi hỏi một công trình nghiên cứu công phu hơn – mà mới chỉ hạn chế ở chỗ: làm rõ sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa với ý nghĩa là một khái niệm. Vì vậy, nếu có đi vào thực tế Việt Nam thì cũng mới chỉ là để làm rõ thêm khái niệm, và nhân tố đó, trong chừng mực có thể, góp phần uốn nắn lại một vài quan niệm chưa đầy đủ về sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Với mục tiêu hạn chế như trên, chúng tôi sẽ chỉ lựa chọn một lĩnh vực sản xuất đặc thù làm đối tượng nghiên cứu – lĩnh vực sản xuất nông nghiệp – chứ không đi vào toàn bộ nền sản xuất bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, v.v…
Như chúng ta đã biết, sản xuất lớn chính là nền sản xuất bằng máy móc và vì là sản xuất bằng máy móc cho nên lao động sản xuất phải là lao động kết hợp. Sản xuất bằng máy móc do lao động kết hợp tiến hành, như vậy thì mỗi tế bào của nền sản xuất phải là một xí nghiệp quy mô lớn, điều này tự nó đã rõ ràng. Nhưng, quy mô lớn đến đâu là vừa? Dựa vào những căn cứ nào để xác định quy mô của một xí nghiệp nông nghiệp?
Trong bước đầu của quá trình tiến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ngay trong điều kiện chưa có máy móc, hoặc chưa có máy móc bao nhiêu, chúng ta cũng đã thành lập những xí nghiệp nông nghiệp (quốc doanh và hợp tác xã) quy mô lớn, nhằm khai thác những tính ưu việt của lao động kết hợp để đưa sản xuất tiến lên một bước, đồng thời mở đường cho việc đưa máy móc vào nông nghiệp. Việc làm này đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Nhưng, phải chăng quy mô càng lớn thì càng có lợi cho sản xuất? Phải chăng quy mô xã thì nhất định là tốt hơn quy mô thôn?
Cách trả lời vấn đề này đã dẫn đến không ít cuộc tranh luận. Không ít người đã coi sản xuất lớn là đồng nhất với quy mô lớn, vì thế, hễ nói đến xây dựng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa là chỉ nghĩ đến làm sao quy mô cho lớn, bất kể điều kiện thực tế của sản xuất lớn như thế nào. Song, nếu không có quy mô lớn thích đáng, nếu cứ dẫm chân tại chỗ mãi với những hợp tác xã năm bảy chục héc ta, với những trại chăn nuôi năm bảy chục con lợn, thì làm sao kinh doanh phát triển lên được, làm sao cơ giới hóa, hiện đại hóa được nông nghiệp?
Chung quy lại, vấn đề ở chỗ: quy mô như thế nào là thích đáng? Dựa vào những căn cứ nào để nói rằng quy mô như thế là thích đáng? Trả lời vấn đề này tức là đề cập đến mặt lượng của sản xuất lớn. Đáp số của bài toán tùy thuộc ở những số liệu cho trước, cũng tức là tùy thuộc ở những điều kiện cụ thể của sản xuất ở từng nơi, từng lúc. Vì vậy, chỉ có mặt phương pháp luận của vấn đề là có thể xét đến ở đây mà thôi.
Ngoài vấn đề quy mô ra, tính ưu việt của sản xuất lớn cũng là vấn đề thường được nêu ra bàn cãi. Nói sản xuất lớn là ưu việt hơn sản xuất nhỏ, vậy mà không ít hợp tác xã làm ăn còn kém hơn cả kinh tế cá thể! Tại sao lại như vậy? Nói sản xuất lớn là năng suất lao động cao, giá thành sản phẩm hạ, vậy mà giá thành lúa và lợn là hai sản phẩm chính của hợp tác xã thì phổ biến lại là cao hơn khi còn làm ăn cá thể, rất ít trại chăn nuôi lợn của hợp tác xã là không bị lỗ, chi phí sản xuất thì chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị sản lượng của hợp tác xã! Như vậy thì giải thích như thế nào về một loạt đặc trưng của sản xuất lớn? Phải chăng đi lên sản xuất lớn thì chi phí sản xuất nhất định phải tăng lên?
Làm rõ những vấn đề trên đây cũng tức là tiến thêm một bước làm rõ bản chất và đặc trưng của sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Về quy mô của sản xuất lớn
Ở trên chúng ta đã nói về hai đặc trưng cơ bản của sản xuất lớn: Lao động kết hợp trên cơ sở sử dụng máy móc. Một khi quá trình lao động đã là sự hợp tác và phân công của một số đông người lao động thì xí nghiệp sản xuất ắt phải là xí nghiệp quy mô lớn. Như vậy, quy mô lớn của xí nghiệp chẳng qua là hình thức biểu hiện của lao động kết hợp trên cơ sở sử dụng máy móc.
Nhưng, máy móc có cái lớn, cái nhỏ, dây chuyền sản xuất bằng máy móc có cái cần nhiều máy, có cái cần ít máy. Vì vậy, quy mô của sự hợp tác và phân công, và do đó, quy mô của xí nghiệp, cũng lớn nhỏ khác nhau.
Trong sản xuất, người ta dùng máy gì, dùng nhiều máy hay ít máy, trước tiên là tùy ở đối tượng lao động và quy trình kỹ thuật thích hợp với đối tượng lao động ấy. Cán thép, nghiền xi măng thì nhất định phải dùng máy lớn. Làm kim xe chỉ thì máy nhỏ lại thích hợp. Trong nông nghiệp thì trồng cây gì, nuôi con gì, theo quy trình kỹ thuật như thế nào, điều đó có ảnh hưởng quyết định đến hệ thống tư liệu lao động và quy mô của sự hợp tác và phân công lao động. Chúng ta hãy so sánh một xí nghiệp trồng rau với một xí nghiệp trồng lúa mì, một xí nghiệp trồng lúa mì với một xí nghiệp trồng lúa nước (ở nước ta hiện nay, chưa có một xí nghiệp nông nghiệp nào – dù là nông trường hay hợp tác xã – đạt tới trình độ cơ giới hóa toàn bộ cả, vì vậy hãy tạm mượn kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa anh em để làm rõ vấn đề này).
Xí nghiệp trồng rau thường chỉ đạt tới quy mô mấy chục héc ta hoặc mấy trăm héc ta là cùng, chứ chưa bao giờ đạt tới quy mô hàng ngàn héc ta cả. Nếu là trồng rau trong nhà kính thì đạt tới quy mô một héc ta cũng đã là lớn. Sở dĩ như vậy là vì: rau là loại cây trồng đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ, quy trình kỹ thuật trồng trọt rất phức tạp, nhiều khâu lao động chưa thể cơ giới hóa được (trồng thu hoạch…), vì vậy, trên một diện tích tương đối nhỏ, phải chi phí một lượng lao động rất lớn.
Trong khi đó thì cây lúa mì “dễ tính” hơn nhiều: chẳng cần phải ươm, phải trồng, mà chỉ cần vùi hạt dưới đất là cây sẽ tự mọc lên. Là loại cây trồng cạn (trồng cạn không có nghĩa là không cần một độ ẩm nào đó), nó không đòi hỏi phải đắp bờ giữ nước như cây lúa nước, thậm chí không được tưới nước cũng được. Điều này rất thuận tiện cho việc đưa máy móc vào đồng ruộng. Cho đến nay toàn bộ quá trình sản xuất lúa mì, từ khâu làm đất, bón phân, gieo hạt, đến khâu gặt, đập, vận chuyển, phơi sấy… tất cả đều đã được tiến hành bằng máy – và bằng những máy có công suất lớn. Vì vậy trên một diện tích lớn, người ta chỉ phải sử dụng một khối lượng lao động tương đối nhỏ.
Chẳng những xí nghiệp trồng lúa mì có quy mô lớn – từ mấy ngàn héc ta đến mấy vạn héc ta – mà ngay đến mỗi thửa ruộng trồng lúa mì cũng vậy. Ngày nay, khi người ta đã đưa vào việc trồng lúa mì những máy kéo có công suất lớn, những máy liên hợp gặt đập, những ô tô vận tải cỡ lớn thì những thửa ruộng có quy mô vài trăm héc ta đã bị coi là “nhỏ” rồi. Khi địa hình cho phép, người ta bố trí những thửa ruộng có quy mô 500 héc ta, thậm chí một ngàn héc ta. Như vậy để cho máy có thể chạy với tốc độ cao hơn, đều hơn, giảm được lần quay vòng ở đầu bờ, vừa đỡ tốn nhiên liệu, đỡ hại máy, lại tăng thêm được năng suất lao động. Với những thửa ruộng lớn như vậy, người ta có thể bố trí cả một cụm máy cho mỗi thửa ruộng chứ không phải mỗi thửa một máy như trước, điều này cho phép phối trí các loại máy một cách hợp lý hơn, và do đó, tận dụng được công suất của các loại máy (chạy một máy liên hợp gặt đập cũng phải bố trí một ô tô vận tải đi kèm, chạy 3 máy liên hợp gặt đập cũng chỉ cần một ô tô vận tải thôi; một máy cày làm việc ở một xứ đồng cũng phải một chuyến ô tô tiếp tế xăng dầu, cơm nước, mà một cụm 4-5 máy cày cùng làm việc ở xứ đồng ấy cũng chỉ cần một chuyến ô tô tiếp tế thôi, v.v…).
Nếu cây lúa mì (có thể kể thêm cây ngô nữa) là thứ cây lương thực thích hợp nhất với phương thức sản xuất lớn (canh tác hoàn toàn bằng máy và trên quy mô lớn) thì cây lúa nước lại là thứ cây lương thực ít thích hợp nhất với phương thức đó. Là thứ cây của vùng nhiệt đới, thích hợp với điều kiện nắng nhiều, mưa nhiều, độ ẩm cao, đời sống của cây lúa gắn bó khăng khít với nước (diện tích trồng cạn chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ và đó là lối trồng cạn nguyên thủy trên nương rẫy, năng suất rất thấp). Trong cả cuộc đời của nó, từ lúc nảy mầm đến khi thu hoạch, chỉ có khoảng 20% thời gian là nó không đòi hỏi “ngâm chân” trong nước. Toàn bộ số nước mà nó cần đến gộp lại sẽ thành một làn nước có chiều cao tới một mét trên mặt ruộng. Lượng nước này phải được phân phối thành nhiều đợt, để cho không lúc nào bùn bị khô cứng lại, mà cũng không không lúc nào nước được phép ngập quá 15-20 cm.
Để đáp ứng đặc tính sinh lý trên đây của cây lúa, người ta phải đắp bờ giữ nước. Hình thành những thửa ruộng có đặc điểm là; trong khuôn khổ của một thửa, mặt phẳng của đất không được phép chênh nhau quá mấy xăng-ti-met, nếu không thì sẽ xảy ra tình trạng úng ở đầu này mà hạn ở đầu kia. Nhưng, bề mặt của đất thì vốn ra lại không bằng phẳng. Ngay ở đồng bằng trong phạm vi một tỉnh thôi, bình độ ở nơi này so với nơi kia cũng chênh nhau tới 4-5 mét. Với kỹ thuật thủ công đã từng tồn tại hàng ngàn năm nay, người ta không thể san một khối lượng đất quá lớn để làm thành những thửa ruộng lớn được. Vì vậy mà tình trạng manh mún của ruộng đất là hiện tượng phổ biến – chẳng những ở nước ta mà ở tất cả các nước trồng lúa trên thế giới. Chỉ tính riêng mấy tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ, với 68 triệu thửa ruộng, trừ bờ đi, bình quân mỗi thửa ruộng chỉ rộng 400 mét vuông! Thửa ruộng lớn nhất không tới một mẫu bắc bộ. Vùng nào mà mặt đất càng ít bằng phẳng, độ dốc càng lớn (như trung du, miền núi) thì quy mô của mỗi thửa ruộng càng bị thu nhỏ lại. Không ít thửa chỉ rộng mấy chục mét vuông. Thửa ruộng càng nhỏ thì sự lãng phí đất vào các thửa ruộng càng lớn (bờ ruộng chiếm khoảng 8-10% diện tích đất canh tác toàn miền Bắc).
Đối với kinh tế tiểu nông thì tình trạng manh mún của ruộng đất không gây trở ngại gì cho việc kinh doanh sản xuất, thậm chí lại là thích hợp nữa. Song, đối với phương thức sản xuất bằng máy móc, quy mô lớn, thì đó là một trở ngại không thể không vượt qua. Người ta không có cách gì cho chạy một máy kéo 50 sức ngựa trong khuôn khổ một thửa ruộng 400 mét vuông hoặc thậm chí 1.000 mét vuông! Vì vậy, việc đầu tiên khi đưa máy vào đồng ruộng là phải phá bờ. Phá bờ không có nghĩa là trở ngại đã được khắc phục. Nó mới làm cho trở ngại bộc lộ ra mà thôi. Trở ngại thật sự cần phải khắc phục là mặt phẳng không đều của đất. Khắc phục trở ngại này không đơn giản. Trước khi san bằng mặt ruộng người ta phải gạt lớp đất màu sang một bên, để rồi sau khi đã san bằng mặt ruộng, bấy giờ mới trải đều lớp đất màu ra. Quy mô của thửa ruộng càng lớn thì thì khối lượng đất phải san trên một đơn vị diện tích và do đó, vốn đầu tư bỏ ra trên một đơn vị diện tích càng lớn. Vì vậy mà ngay với sức mạnh của máy móc, ở các nước tiên tiến, người ta cũng chỉ tạo ra được những thửa ruộng có quy mô trên dưới một héc ta, lớn nhất cũng chỉ vài ba héc ta. Hoạt động trên thửa ruộng như thế, mà thường lại là ruộng nước, rõ ràng máy móc không thể phát huy được đầy đủ sức mạnh của nó.
Trước tình trạng manh mún của ruộng đất, người ta còn một cách xử trí nữa: chế tạo ra những máy móc có công suất nhỏ, thích hợp với những thửa ruộng nhỏ, và nhờ đó, trong chừng mực nhất định, lẩn tránh được việc tạo ra những thửa ruộng lớn. Đó là con đường mà người Nhật đã đi. Máy móc nhỏ chẳng những thích hợp với những thửa ruộng nhỏ mà còn thích hợp cả với nền kinh tế tiểu nông tồn tại phổ biến ở Nhật nữa (quy mô bình quân của mỗi nông hộ chỉ là một héc ta). Rõ ràng là với máy móc nhỏ, người Nhật đã hoàn thành được công việc cơ giới hóa nền nông nghiệp của họ. Nhưng mặt khác, cũng rất rõ ràng là chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm của nền nông nghiệp này cao hơn nhiều so với nền nông nghiệp đã được cơ giới hóa bằng máy móc lớn của các nước phương Tây. Để nâng đỡ ngành trồng lúa, chính quyền ở Nhật đã phải thi hành một chính sách trợ cấp giá; thu mua lúa với giá đắt gấp đôi, gấp ba so với giá trên thị trường quốc tế (quy định chính sách giá cả này ngoài nhân tố giá thành cao, có thể còn có những nhân tố khác nữa).
Liệu người Nhật có chấp nhận tình trạng lạc hậu của ngành trồng lúa mãi hay không? Liệu nền đại công nghiệp cơ khí có uốn mình theo nền sản xuất nhỏ trong nông nghiệp mãi hay không? Và liệu chủ nghĩa tư bản Nhật có cho phép nền kinh tế tiểu nông tồn tại mãi hay không? Đó là những vấn đề mà lịch sử đã đặt ra.
Trở lại với cây lúa nước, ta thấy đặc tính sinh lý của thứ cây này có khuynh hướng trói buộc con người vào những thửa ruộng nhỏ. Máy móc, tuy là công cụ mạnh mẽ nhất của con người, cũng mới chỉ đủ sức nới lỏng sự trói buộc ấy. Mặc dầu đã được mở rộng ra tới mấy chục lần, một trăm lần, những thửa ruộng có quy mô vài ba héc ta vẫn là những giới hạn chật hẹp đối với máy kéo 50 sức ngựạ và máy liên hợp gặt đập.
Ngoài yêu cầu về mặt bằng của ruộng, đặc tính sinh lý của cây lúa nước còn đòi hỏi một hệ thống thủy lợi có quy mô to lớn hơn bất cứ thứ cây trồng nào khác. Hệ thống thủy lợi này chẳng những phải đủ sức cung cấp một lượng nước rất lớn, mà còn phải đủ sức tiêu nước và tưới nước một cách chủ động, đối với từng khoảnh ruộng, và theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa.
Cũng chính đặc tính sinh lý của cây lúa nước đã quy định một quy trình kỹ thuật trồng trọt khá phức tạp: ngâm thóc giống, gieo trên dược mạ, cấy, làm cỏ (nhiều lần), tưới nước và tiêu nước (nhiều lần), v.v… trong đó, phức tạp nhất là khâu cấy. Tại sao người ta không gieo thẳng mà lại phải cấy? Có mấy lẽ chủ yếu sau đây:
- Lúc hạt lúa nảy mầm, lên mạ, đất thích hợp nhất với nó không phải là đất khô, cũng không phải là đất ngập nước, mà là đất bùn sột sệt, mịn. Như vậy, nếu gieo thẳng thì phải rút kiệt nước ở ruộng, để sau đó cứ mấy ngày một lần lại phải tát nước vào vừa ướt mặt ruộng. Đó là điều rất khó thực hiện trên diện tích rộng, nhất là trong điều kiện kỹ thuật thô sơ. Gieo và chăm sóc ở dược mạ – một diện tích chỉ bằng 1/20 hoặc 1/30 diện tích cấy lúa– người ta mới đủ sức bảo đảm yêu cầu về nước nói trên (cả tưới và tiêu) cũng như về các mặt chăm sóc khác.
- Đối với sự sinh trưởng của cây lúa, một nhân tố có ý nghĩa quyết định nữa là gieo trồng đúng thời vụ. Nếu gieo thẳng thì chỉ trong vòng nửa tháng, phải gieo xong trên toàn bộ diện tích lúa. Nhưng như vậy thì việc làm đất, trong điều kiện kỹ thuật thô sơ, rất khó mà theo kịp được. Khi thì người ta phải chờ mưa, có nước mới cày bừa được, khi thì phải chờ ruộng chưa thu hoạch xong vụ trước… Đất chưa làm kịp, mà thời vụ gieo trồng thì đã bắt đầu rồi, mâu thuẫn này có thể được giải quyết bằng cách gieo giống trên dược mạ. Với cách làm này, thời gian làm đất sẽ được kéo dài ra tương ứng với thời gian mạ sinh trưởng trên dược mạ, nghĩa là từ 30 đến 50 ngày (tùy theo giống lúa và vụ lúa).
- Muốn gieo thẳng thì phải rút kiệt nước ở ruộng. Nhưng rút kiệt nước ở ruộng cũng có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi cho cỏ mọc. Cả hai cây cùng mọc thì nhất định là cỏ sẽ mọc nhanh hơn lúa. Trong khi ấy thì vì gieo thẳng (không có hàng lối), người ta không thể đặt chân vào ruộng để nhổ cỏ được. Dùng phương pháp cấy thì tránh được cả hai điều bất lợi ấy. (Tất nhiên khi mà kỹ thuật đã cho phép dùng thuốc diệt cỏ thay thế cho việc nhổ cỏ thì cũng không còn vấn đề cỏ dại gắn liền với việc gieo thẳng nữa).
Như trên ta thấy, đặc tính sinh lý của cây lúa nước đặt ra một loại yêu cầu về kỹ thuật trồng trọt buộc con người, trong điều kiện kỹ thuật nhất định, không thể gieo thẳng như lúa mì hay ngô, mà phải đi theo một quy trình kỹ thuật phức tạp hơn: ngâm giống, gieo mạ, chăm sóc mạ, nhổ mạ, cấy. Xét về mặt kinh tế thì quy trình kỹ thuật này có hai điều bất lợi. Một là, nó đòi hỏi công sức rất nhiều. Điều này khiến cho giá thành của lúa bao giờ cũng cao hơn giá thành của lúa mì hay ngô. Hai là, nó rất khó cơ giới hóa, nhất là cơ giới bằng máy lớn. Người ta đã thí nghiệm khá nhiều kiểu máy, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thực hiện được việc cơ giới hóa toàn bộ các khâu từ mạ đến cấy là những khâu cần đến sự mềm mại và sự khéo léo của bàn tay con người. Những máy cấy tốt nhất vẫn chưa đạt được sự mềm mại và sự khéo léo cần thiết. Ngoài ra, năng suất của lao động sử dụng máy cấy vẫn chưa cao hơn nhiều so với năng suất lao động cấy tay. (Ở Nhật Bản, một lao động sử dụng máy cấy mới chỉ đạt năng suất bằng từ 4 đến 6 lần năng suất của lao động cấy tay. Nếu tính đến cả khâu nhổ mạ và chuẩn bị mạ đưa vào máy cấy – khâu này đòi hỏi phải tốn công nhiều hơn là nhổ mạ cho cấy tay – thì năng suất của lao động sử dụng máy cấy thực tế còn thấp hơn).
Để khắc phục việc cấy lúa bằng tay, ngoài việc nghiên cứu hoàn thiện các máy cấy, người ta còn đi theo một phương hướng khác: chuyển hẳn sang quy trình kỹ thuật gieo thẳng. Gieo thẳng thì dễ dàng cơ giới hóa hơn, nhưng nó cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc hơn về nước (phải hoàn chủ động tưới và tiêu), về làm đất đồng thời đòi hỏi phải thay thế hoàn toàn việc nhổ cỏ bằng các thứ thuốc diệt cỏ. Nhiều nước công nghiệp phát triển đã chuyển hẳn sang phương pháp này. Tuy nhiên, dù cấy hay gieo thẳng thì quy trình kỹ thuật của việc trồng lúa nước vẫn phức tạp hơn nhiều so với quy trình kỹ thuật của các cây lương thực trồng cạn, hiệu suất của máy móc sử dụng trong việc trồng lúa nước cũng thấp hơn nhiều so với hiệu suất của máy móc sử dụng trong việc trồng các cây lương thực kia.
Tất cả những đặc điểm trên đây của kỹ thuật trồng lúa không thể không ảnh hưởng đến quy mô của các xí nghiệp trồng lúa. Ở các nước đã cơ giới hóa việc trồng lúa – và cơ giới hóa bằng máy lớn – quy mô diện tích trồng lúa trong mỗi xí nghiệp nông nghiệp (thông thường, diện tích trồng lúa chỉ là một bộ phận có tầm quan trọng thứ yếu của các xí nghiệp này) chỉ là một vài chục héc ta (Pháp, Ý), trên dưới một trăm héc ta (Mĩ) hoặc mấy trăm héc ta (một số nước xã hội chủ nghĩa châu Âu). Đạt tới quy mô hàng ngàn héc ta chỉ là một số rất ít trường hợp.
Qua những thí dụ trên đây, ta thấy đặc tính của cây trồng có ảnh hưởng như thế nào đến phương thức trồng trọt của con người, đến phương thức áp dụng máy móc vào việc trồng trọt, và do đó đến quy mô của xí nghiệp nông nghiệp.
Một xí nghiệp nông nghiệp, dù đã đạt đến trình độ chuyên môn hóa cao độ, cũng ít khi trồng độc một thứ cây (trừ một vài thứ cây lâu năm có thể khai thác quanh năm). Do tính chất thời vụ của lao động trồng trọt, do tính chất đa dạng của địa hình, thổ nhưỡng, do công suất khác nhau của các loại máy móc và tư liệu lao động, người ta phải kết hợp một số cây trồng trong phạm vi một xí nghiệp thì mới lợi dụng được một cách hợp lý sức lao động, đất đai, và các tư liệu sản xuất khác.
Trồng những cây gì, đương nhiên, không thể lựa chọn một cách tùy tiện. Cây trồng bao giờ cũng nằm trong một thể thống nhất với thiên nhiên, nó là một bộ phận hữu cơ của thiên nhiên. Khí hậu, thời tiết, địa hình, thổ nhưỡng… đều là những nhân tố có vai trò quyết định đối với cây trồng, vai trò này nhiều khi chỉ có thông qua khảo nghiệm trong một thời gian dài mới nhận thức được.
Một khi những thứ cây trồng thích hợp với các điều kiện thiên nhiên đã được xác định rồi thì sự lựa chọn những cây trồng nào, với quy mô bao nhiêu, chỉ còn tùy thuộc ở nhu cầu tiêu dùng về những loại cây này về hiệu quả kinh tế do chúng mang lại.
Người ta có thể lựa chọn được một cơ cấu cây trồng hợp lý một diện tích đã được xác định, nhưng trong nhiều trường hợp, tình hình lại là ngược lại: một cơ cấu cây trồng, muốn được coi là hợp lý phải vượt ra khỏi những địa giới đã có sẵn.
Giữa cây trồng và gia súc thường có những tác động qua lại với nhau, hỗ trợ lẫn nhau hoặc bổ sung cho nhau trong việc khai thác tự nhiên. Trồng lúa thường đi đôi với nuôi lợn, nuôi vịt, nuôi cá. Trồng chè thường đi đôi với chăn trâu bò. Nuôi lợn để tận dụng những phụ phẩm của gạo, tận dụng khả năng đất đai để trồng khoai và rau xanh, đồng thời tạo nguồn phân bón – nguồn phân bón quan trọng nhất – cho lúa. Nuôi vịt để tận dụng số thóc rơi rụng. Số này có thể lên tới hàng trăm ki-lô-gam trên một héc ta. Nuôi cá để tận dụng mặt nước: ruộng nước, ao chuôm, mương máng. Nuôi trâu bò để tận dụng những thảm cỏ trên các quả đồi không thích hợp với việc trồng chè, đồng thời tạo nguồn phân bón cho chè. Vì vậy, cơ cấu sản xuất của một xí nghiệp nông nghiệp thường bao gồm cả trồng trọt lẫn chăn nuôi, hay đúng hơn: đòi hỏi một sự cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi.
Diện tích của mỗi một thứ cây trồng, số lượng của mỗi một thứ gia súc phải đạt đến một quy mô nào đó thì việc kinh doanh mới đem lại hiệu quả kinh tế. Nhưng, quy mô của những cây trồng này, của những gia súc này lại quy định lẫn nhau, chế ước lẫn nhau, trong đó, vai trò quyết định nhất thuộc về những cây trồng và gia súc nào đó có vị trí quyết định phương hướng chuyên môn hóa của địa phương. Từ những quan hệ quy định lẫn nhau, chế ước lẫn nhau ấy, cuối cùng, hình thành nên cơ cấu sản xuất chung hợp lý nhất mà quy mô của xí nghiệp chỉ là hình thức biểu hiện.
Nói đến cây trồng (gia súc cũng vậy), chúng ta đã nói đến kỹ thuật trồng trọt và quy trình kỹ thuật trồng trọt thích hợp với cây trồng ấy. Kỹ thuật và quy trình kỹ thuật này quy định phương thức cơ giới hóa. Nó quy định cả những kiểu máy, những cỡ máy và những hệ thống máy thích hợp. Nhưng từ đó không nên hiểu rằng máy móc bao giờ cũng chỉ có vai trò thụ động, bao giờ cũng chỉ uốn mình theo những yêu cầu của kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Nó có vai trò chủ động, tích cực của nó. Nói cho đúng thì nó chính là lực lượng đã cách mạng hóa cả kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Chỉ sau khi đã xuất hiện những máy ủi có công suất lớn, người ta mới có được những thửa ruộng rộng nhiều héc ta và do đó mới được đưa máy lớn vào nghề trồng lúa. Cũng chỉ với máy kéo, máy nông nghiệp đủ loại, máy bơm, thuốc diệt cỏ… người ta mới chuyển được từ kỹ thuật cấy sang kỹ thuật gieo thẳng – không phải gieo thẳng theo lối nguyên thủy, năng suất rất thấp, của những người làm nương mà là gieo thẳng bằng kỹ thuật hiện đại, năng suất cao. Trong nghề chăn nuôi cũng vậy, chỉ với máy móc thiết bị tự động, người ta mới nuôi được hàng ngàn con trong một trại bò, hàng vạn con trong một trại lợn, và hàng chục vạn con trong một trại gà. Khi áp dụng máy móc vào việc trồng trọt hay chăn nuôi, đương nhiên người ta phải lựa theo yêu cầu của kỹ thuật trồng trọt hay chăn nuôi. Song, mặt khác người ta cũng cải biến luôn cả kỹ thuật trồng trọt hay chăn nuôi theo những tính năng của máy móc.
Ngoài việc đáp ứng những yêu cầu của kỹ thuật trồng trọt hay chăn nuôi, máy móc còn phải đáp ứng những yêu cầu kinh tế nữa. Yêu cầu cơ bản là phải làm giảm được hao phí lao động (cả lao động sống và lao động vật hóa gộp lại) để sản xuất ra mỗi một đơn vị sản phẩm. Máy móc không thể đáp ứng được yêu cầu này nếu nó chỉ được sử dụng, chẳng hạn, một tháng trong một năm. Chính vì cần bảo đảm hiệu quả kinh tế của một cái máy hoặc một hệ thống máy nào đó mà nhiều khi người ta phải điều chỉnh lại quy mô sản xuất của một số cây trồng và gia súc, thậm chí điều chỉnh cả quy mô của bản thân xí nghiệp. Một hợp tác xã 100 héc ta thì không thể nào sử dụng được một cách có lợi một máy nghiền thức ăn gia súc, dù là loại nhỏ nhất, hoặc một máy xay xát cũng thuộc loại nhỏ nhất. Điều đó cũng giống như trường hợp của một hộ bần nông không sao sử dụng hết một cẳng trâu!
Máy móc, một khi được sử dụng, thường không thể sử dụng một cách đơn độc. Bản chất của máy móc đòi hỏi giữa chúng với nhau phải có sự hợp tác và phân công. Đã dùng máy để cày, thì phải có cả một cụm máy, gồm mấy đầu máy, mấy cỡ máy, mấy loại máy, như vậy mới có thể làm được nhiều loại công việc khác nhau và mới bảo đảm được công việc một cách liên tục. Nhưng đã là một cụm máy thì không thể chỉ dùng cho vài chục héc ta, thậm chí vài trăm héc ta, mà phải là một diện tích lớn hơn.
Việc cày đã làm bằng máy rồi thì việc bừa không thể tiến hành bằng trâu được. Cày và bừa đã làm bằng máy thì các khâu lao động khác sớm muộn cũng phải tiến hành bằng máy, nếu không sẽ sinh ra mất cân đối giữa các khâu lao động mà hậu quả là lãng phí công sức và tiền của.
Sử dụng máy móc tất phải có xưởng sửa chữa máymóc. Nhưng người ta không bao giờ xây dựng một xưởng sửa chữa dù nhỏ nhất, chỉ để phục vụ một cụm máy.
Nông sản có nhiều loại nếu không chế biến hoặc sơ chế thì không thể bảo quản được, hoặc không thể đưa vào tiêu dùng được (khoai, sắn, dong riềng, chè, thuốc lá, hoa quả, v.v…). Nhiều loại nếu không được vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ và vận chuyển bằng những phương tiện đặc biệt thì sẽ bị hủy hoại rất nhanh (sữa tươi, quả tươi, rau, v.v…). Vì vậy, sản xuất phải gắn liền với chế biến, vận tải. Nhưng người ta không thể xây dựng một nhà máy chè chỉ để phục vụ cho một vài chục hoặc một vài trăm héc ta chè, không thể xây dựng một nhà máy sữa chỉ để chế biến sữa của một vài chục hoặc một vài trăm con bò, không thể mở một con đường và lập một đội vận tải chuyên dùng chỉ để khai thác một vài chục hoặc một vài trăm héc ta chuối, dứa.
Như vậy là giữa các loại máy với nhau, cũng như giữa máy với quy mô của cây trồng và gia súc, vốn ra có những tỉ lệ cân đối cần thiết. Chính những tỉ lệ cân đối này quy định quy mô hợp lý của sản xuất và quy mô hợp lý của xí nghiệp. Thoát ly những tỉ lệ cân đối này để định quy mô của sản xuất và quy mô của xí nghiệp thì không sao bảo đảm được hiệu quả kinh tế của sản xuất, thậm chí có thể đưa xí nghiệp đến chỗ phá sản.
Nói máy móc chỉ là nói những tư liệu lao động cơ bản nhất, quan trọng nhất của sản xuất lớn mà thôi. Ngoài máy móc ra sản xuất còn cần một loạt tư liệu lao động khác mà khi xác định quy mô của sản xuất và quy mô của xí nghiệp, người ta không thể không tính đến.
Nói về đồng ruộng chẳng hạn. Đồng ruộng mà chia cắt tủn mủn, ruộng khô ruộng nước xen kẽ nhau, ao chuôm gò đống nham nhở, đồng ruộng của hợp tác xã này cài răng lược vào đồng ruộng của hợp tác xã kia thì không thể bố trí được một mạng lưới thủy lợi hợp lý, không thể xây dựng được một hệ thống đường sá hợp lý, không thể trồng bất cứ cây gì theo quy mô tương đối lớn được, càng không thể tiến hành cơ giới hóa được. Nhưng, nếu cần biến một cánh đồng cao thành một thửa ruộng chuyên trồng cạn để đưa máy vào, thực hiện cơ giới hóa một cách đồng bộ, nếu cần biến một cánh đồng trũng thành một vùng nuôi cá, chẳng những tránh được tai họa do mưa lũ gây ra cho cây trồng mà còn biến được tai họa thiên nhiên đó thành một nguồn lợi nữa, nếu cần trồng một dải rừng phòng hộ cho cả cánh đồng cỏ làm nơi chăn thả trâu, bò, v.v… nhiều khi người ta không thể giải quyết được vấn đề nếu không sát nhập nhiều hợp tác xã nhỏ lại thành một hợp tác xã lớn, hay ít ra cũng phải có một hình thức hợp tác xã nào đó – liên doanh chẳng hạn – giữa mấy hợp tác xã. Dù sáp nhập hay liên doanh thì quy mô của sản xuất cũng vẫn vượt ra khỏi khuôn khổ của một hợp tác xã nhỏ.
Một hệ thống mương máng, nếu chỉ tính toán cho nhu cầu của một hợp tác xã quy mô thôn thì nhiều khi sinh ra bất hợp lý: đường máng phải đi vòng đi vèo, thôn trên lấy nước thì thôn dưới bị úng, sinh ra tranh chấp nhau, mâu thuẫn nhau.
Hệ thống đường bộ, đường thủy, đường điện cao thế, sân phơi và nhà kho cũng vậy. Nếu chỉ quy hoạch cho nhu cầu một hợp tác xã quy mô nhỏ, hoặc cho nhiều đội sản xuất quy mô nhỏ, thì chi phí xây dựng tốn kém, mà công suất của các phương tiện thì sử dụng chẳng bao nhiêu. Đáng tiếc là tình hình này lại không phải là hiếm. Người ta chi ra nhiều vạn đồng để đưa điện vào sân kho chỉ để chạy vài cái máy nhỏ xíu và mỗi năm chỉ chạy vài tháng! Người ta đào hàng vạn mét khối đất (vừa tốn công, vừa tốn đất trồng trọt) để cho thuyền cập bến tận sân kho, nhưng vì quy mô của đội sản xuất quá nhỏ, chẳng có bao nhiêu thóc lúa để mà vận chuyển cả. Còn về đường bộ nếu cứ duy trì mãi tình trạng ruộng đất manh mún và cấy trồng tủn mủn như hiện nay thì không bao giờ chúng ta có đủ công sức và đất đai để tạo nên một hệ thống đường sá đủ để cho xe cải tiến (chưa nói đến máy kéo) đến được mọi xứ đồng. Nếu có đắp được một đoạn đường nào đó thì cũng chẳng có bao nhiêu xe qua lại trong một năm.
Tình trạng dân cư sống quá phân tán – vài chục nhà một chòm, một xóm – cũng làm cho tổ chức sản xuất (đội sản xuất) phải phân tán theo, từ đó đẻ ra nhiều sự bất hợp lý và lãng phí về công sức, tiền của và đất đai trong việc xây dựng đường sá, cầu cống, sân phơi, nhà kho, v.v… Đó là chưa nói đến những phúc lợi công cộng, những tiện nghi của đời sống văn minh (nhà trẻ, trường học, bãi chiếu bóng, thư viện, bãi bóng đá, bóng chuyền, cửa hàng, điện, nước, phương tiện giao thông công cộng, phương tiện thông tin liên lạc…) mà chỉ có những địa điểm tập trung hàng ngàn, thậm chí hàng vạn dân cư mới sử dụng nổi. Những công trình này tuy không mang tính chất sản xuất, song vẫn gắn liền với sản xuất quy mô lớn, và tuy chưa phải là những vấn đề cấp thiết trước mắt, song, tiến lên sản xuất quy mô lớn thì trong một thời gian không xa nữa, nhất định sẽ phải giải quyết.
Tất cả những yếu tố có liên quan đến quy mô của sản xuất và quy mô của xí nghiệp kể ra trên đây chỉ là những yếu tố vật chất của sản xuất. Những mối quan hệ giữa chúng với quy mô của sản xuất và quy mô của xí nghiệp được vạch ra trên cơ sở giả định rằng con người luôn luôn có khả năng thích ứng với những quan hệ đó. Nhưng thực tế không phải bao giờ cũng có như vậy?
Sản xuất muốn tiến hành được, chẳng những cần phải có đủ những yếu tố vật chất cần thiết, mà còn cần phải có đủ những yếu tố con người cần thiết nữa. Giữa những yếu tố khách quan và những yếu tố chủ quan của sản xuất, tất yếu phải có những quan hệ nhất định, những tỉ lệ nhất định. Vì vậy, tính đến quy mô sản xuất, phải tính đến yếu tố con người.
Con người, với tính cách là yếu tố của lực lượng sản xuất, cần được xét về hai mặt: mặt số lượng và mặt chất lượng, cả hai mặt đều mật thiết liên quan với các yếu tố vật chất của sản xuất.
Muốn tổ chức sự hợp tác lao động và phân công lao động, trước tiên phải có những “nhân liệu” cho sự hợp tác và phân công đã. Những “nhân liệu” này phải đạt tới một số lượng nhất định nào đó thì sự hợp tác và sau đó là sự hợp tác trên cơ sở phân công mới có thể thực hiện được. Đối tượng sản xuất càng lớn và càng bao gồm nhiều ngành – trong tình hình mọi điều kiện khác không thay đổi – thì số lượng người lao động cần thiết để tổ chức sự hợp tác và phân công cũng càng lớn. Nếu chỉ đơn thuần trồng lúa, và trồng theo kỹ thuật thô sơ, trên những mảnh ruộng nhỏ hẹp thì chỉ cần mấy chục người là đủ để hình thành một cơ cấu hợp lý và phân công rồi. Tất cả các khâu cày, bừa, cấy, gặt và làm cỏ, bón phân nằm trong dây chuyền sản xuất lúa đều không lúc nào đòi hỏi một quy mô hợp tác trên cơ sở phân công tới hàng trăm người. Ghép một số lượng người lao động lớn như vậy vào cùng một dây chuyền sản xuất chẳng những là không cần thiết mà còn làm cho tổ chức hiệp đồng thêm khó khăn, lủng củng. Nhưng, nếu cần đào tạo một hệ thống mương máng để chống úng, chống hạn cho cả cánh đồng thì rõ ràng mấy chục người lại là không đủ, kết quả là: công việc đáng lẽ phải hoàn thành trong một vụ thì lại phải kéo dài ra nhiều năm. Nếu muốn tổ chức thêm một trại lợn để có thịt, có phân bón, để tạo nên một thế cân đối mới giữa trồng trọt và chăn nuôi thì cũng khó mà rút được người ra làm. Riêng trại lợn đã là một cơ cấu hợp tác và phân công rồi. Trồng khoai và rau xanh, thu hoạch và vận chuyển, băm thái rau bèo, ủ chua, nấu chín, cho lợn ăn, chăm sóc nái đẻ, chăm lo về thú y, làm vệ sinh chuồng trại, ghi sổ sách kế toán, giữ kho, quản lý chung, v.v… – mỗi khâu đều phải có người chuyên lo, mà số lượng người ở khâu này lại có tỉ lệ nhất định với số lượng người ở khâu kia. Không phân công chuyên môn hóa thì không thể có năng suất lao động cao được. Nhưng nếu phân công chuyên môn hóa thì phải có một số lượng người có năng suất lao động tối thiểu nào đó mới thực hiện được. Số lượng người lao động tối thiểu này phải tương ứng với khối lượng công việc, cũng tức là tương ứng với quy mô của đàn lợn. Một trại lợn chỉ nuôi dăm chục con, một trăm con thì không thể có đủ số người lao động tối thiểu cần thiết để tiến hành phân công lao động hợp lý được. Nhưng, để có được đàn lợn năm bảy trăm con hoặc hơn nữa, thì quy mô của hợp tác xã không thể chỉ gồm có mấy chục người trồng lúa nói trên. Nó phải lớn đến mức nào đó mới có đủ lao động để tách ra chuyên lo ngành sản xuất mới này, mới có đủ ruộng đất để dành riêng cho việc trồng cây thức ăn gia súc, và cũng mới có đủ vốn liếng để xây dựng chuồng trại, mua lợn giống, v.v…
Gắn liền với việc trồng lúa và đời sống của những người trồng lúa, ngoài việc chăn nuôi lợn ra còn có nghề nuôi vịt, thả cá, trồng cây, làm gạch ngói, nung vôi bón ruộng, v.v… Mỗi ngành sản xuất này đều đòi hỏi một số lượng tối thiểu người lao động để hình thành cơ cấu hợp tác và phân công lao động của nó. Cơ cấu hợp tác và phân công lao động của mỗi ngành phải tương ứng với một quy mô sản xuất nhất định của ngành đó. Nhưng để có được quy mô sản xuất này thì bản thân xí nghiệp nông nghiệp phải đạt tới một quy mô nhất định mới có đủ ruộng đất, lao động và vốn liếng cần thiết. Một hợp tác xã có quy mô 200 lao động và 100 héc ta thì không thể có đủ vốn liếng, ruộng đất nguồn thức ăn và lao động để tạo ra trại chăn nuôi có quy mô cần thiết để tiến hành phân công lao động. Ở đây, người trồng rau xanh cũng là người băm bèo, thái khoai, nấu cám, cho lợn ăn, chăm sóc nái đẻ, quét dọn chuồng trại thậm chí kiêm luôn cả vai trò bác sỹ thú y nữa. Không có phân công mà cũng chẳng có hợp tác. Tóm lại là không khác gì sản xuất nhỏ cả.
Nhưng, trồng lúa không phải chỉ gắn liền với nuôi lợn để có được một đội nuôi lợn, một đội nuôi vịt, một đội nuôi cá, một đội làm gạch ngói, một đội khai thác đá và nung vôi, v.v… tất cả đều lấy nguyên tắc của sản xuất lớn – hợp tác và phân công lao động – làm cơ sở, thì hợp tác xã trồng lúa phải có quy mô tương đối lớn: 1.000 lao động và 500 héc ta chẳng hạn. Trong số 1.000 lao động này thì các ngành nghề nói trên thu hút được một nửa. Nửa còn lại chuyên về trồng lúa. Nhưng dây chuyền sản xuất lúa thì lại không thể thu hút hết cả 500 người được. Chỉ mấy chục người là đủ, vì vậy mà những người trồng lúa phải phân ra làm nhiều dây chuyền sản xuất, mỗi dây chuyền sản xuất thành một đội.
Xem vậy thì thấy, quy mô của hợp tác xã phụ thuộc vào những cơ cấu hợp tác và phân công lao động mà nó bao gồm trong lòng nó. Chỉ đơn thuần trồng lúa thì mấy chục người cũng đủ. Một hợp tác xã có quy mô 100 người lao động thì chỉ vừa đủ để tổ chức vài ba dây chuyền trồng lúa cũng tức là vài ba đội trồng lúa. Muốn kinh doanh một vài ngành nghề nào khác – trước nhất là ngành nuôi lợn là ngành sinh tử đối với nghề trồng lúa – tất phải có quy mô lớn. Lĩnh vực kinh doanh càng nhiều thì quy mô hợp tác xã xét về mặt nhân lực, cũng phải tăng lên tương ứng.
Trong thí dụ trên đây, chúng ta luôn luôn giả định rằng nguồn nhân lực bao giờ cũng dồi dào, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô của hợp tác xã về mặt nhân lực. Song điều này còn phụ thuộc vào mật độ dân số.
Mật độ dân số là khái niệm nói lên mối quan hệ về số lượng giữa người và đất đai – ở đây, điều mà chúng ta quan tâm là quan hệ về số lượng giữa lao động nông nghiệp và đất đai nông nghiệp.
Mật độ dân số đóng vai trò quyết định đối với phương hướng sản xuất và cơ cấu sản xuất của mỗi vùng. Trồng rau tất phải có mật độ dân số cao hơn trồng cây lương thực. Người ta không thể chọn phương hướng chuyên về trồng rau, nếu chỉ có một mật độ dân số rất thấp. Ngược lại, với một mật độ dân số rất cao thì chuyên về trồng rau hoặc những cây trồng và gia súc nào khác cần đến nhiều lao động (trồng dâu nuôi tằm, trồng thuốc lá, trồng gai…) thì đó lại là phương hướng thích hợp nhất và có lợi nhất. Điều này chẳng những đúng với một xí nghiệp, một vùng mà đúng với cả một nước. Ngay dù phần lớn công việc trồng trọt đã được cơ giới hóa thì những cây nói trên vẫn là những cây đòi hỏi tương đối nhiều lao động trên một đơn vị diện tích.
Trong trường hợp ngược lại, mật độ dân số rất thấp không thể không lựa chọn những cây trồng và gia súc đòi hỏi ít hoặc rất ít lao động như trồng rừng, thả cá, nuôi trâu bò chăn thả, v.v…
Lựa chọn phương hướng sản xuất như trên tức là làm cho phương hướng sản xuất thích ứng với mật độ dân số, phụ thuộc vào mật độ dân số. Nhưng trong nhiều trường hợp người ta có thể hoặc buộc phải lật ngược hai vế của phương trình lại: Làm cho mật độ dân số thích ứng với phương hướng sản xuất. Ở những trung tâm công nghiệp mới mở ra ở những vùng rừng núi hẻo lánh, không thể không xây dựng tại chỗ những vành đai nông nghiệp làm nhiệm vụ cung cấp rau và các thực phẩm khác cho công nhân. Để thực hiện việc đó chỉ có cách là di dân từ nơi khác đến, trước tiên là nhằm vào vợ con, gia đình của những người lao động công nghiệp mà phần lớn vẫn còn đọng lại ở nông thôn đồng bằng.
Đồng bằng là nơi thích hợp nhất với việc trồng lúa. Mặc dầu nơi đó có thể trồng nhiều thứ cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, song địa hình nước ta không cho phép di chuyển cây lúa đi nơi khác, trong khi đó thì cung cầu về lúa cũng rất căng thẳng. Vì vậy sản xuất lúa ở đồng bằng là phương hướng không thể lay chuyển được. Nhưng với phương hướng sản xuất lúa là chủ yếu thì đồng bằng hiện nay đã thừa lao động rồi, dù chưa cơ giới hóa là bao. Ở Thái Bình, Nam Hà, Hải Hưng, Hà Tây, Hải Phòng là những tỉnh có mật độ dân số cao hơn cả (Thái Bình: 1.005 người/km2, Nam Hà: 807 người/km2, Hải Hưng: 716người/km2 so với mật độ chung của miền Bắc là 136 người/km2) thì mỗi một người lao động ở nông thôn chỉ có 0,24 héc ta đất nông nghiệp, hoặc 0,37 héc ta đất gieo trồng (số liệu cuối năm 1972). Nếu đạt được mục tiêu mỗi lao động nông nghiệp làm 1 héc ta gieo trồng là mục tiêu có ý nghĩa hiện thực trong điều kiện kỹ thuật hiện nay thì chỉ riêng 5 tỉnh này, sau khi đã dành đủ lao động cho trồng trọt – gần một triệu người – sẽ còn thừa có 1 triệu 60 vạn lao động ở nông thôn.
Trong khi đó thì ở miền núi, mật độ dân số lại thấp: 5 tỉnh Việt Bắc chỉ có 57 người/1km2, còn 3 tỉnh Tây Bắc chỉ có 20 người/1km2. Với mật độ dân số như thế, ngay dù lựa chọn phương hướng sản xuất đòi hỏi ít lao động nhất như trồng rừng, cũng không có cách nào tận dụng đất đai bao la. Vì vậy nhanh chóng nâng cao mật độ dân số ở đây bằng cách di chuyển hàng triệu người ở đồng bằng lên miền núi, là một nhiệm vụ cấp bách nhằm tạo ra thế cân đối giữa người và đất đai, giữa mật độ dân số và phương hướng sản xuất – chẳng những ở miền núi và cả ở đồng bằng nữa. Từ năm 1960 đến nay, theo chủ trương khai hoang của Đảng và Nhà nước, 75 vạn người ở đồng bằng đã chuyển lên miền núi (ở đây không tính những người đã chuyển lên miền núi sau đó lại trở về quê cũ), bước đầu đã khai thác được trên 10 vạn héc ta đất trồng trọt. Đó là một thành tích đáng kể. Tuy nhiên để tạo ra thế cân đối mới giữa người và đất đai trong phạm vi cả nước – điều kiện cơ bản để xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở cả đồng bằng lẫn miền núi, nhất là ở miền núi – thì thành tích đã đạt được mới chỉ là bước đầu.
Nhìn trong phạm vi hẹp hơn – trong phạm vi từng xí nghiệp nông nghiệp – thì việc điều chỉnh mật độ dân số như trên cũng là một điều kiện cơ bản để hình thành nên những xí nghiệp có quy mô lớn. Người ta không có cách gì xây dựng những xí nghiệp có quy mô lớn ở miền núi nếu mỗi một sườn núi chỉ có dăm ba nhà, vài chục nhà. Không có những “nhân liệu” cho sự hợp tác và phân công thì không thể tổ chức sự hợp tác và phân công được. Sự cách trở của núi đèo, sông suối, tình trạng kém mở mang về mặt giao thông vận tải càng làm tăng thêm tình trạng cô lập của những nhóm người sống tản mạn giữa núi rừng bao la, và do đó càng gây trở ngại cho sự hợp tác trên quy mô lớn. Giao thông vận tải – đúng như Mác đã chỉ ra – là một nhân tố có ảnh hưởng lớn đến mật độ dân số. “Mật độ này là một cái gì đó có tính chất tương đối. Một nước mà dân số tương đối thưa thớt, nhưng nếu đường giao thông phát triển thì vẫn có một mật độ dân số cao hơn là một nước mà dân số đông hơn nhưng đường giao thông thì khó khăn hơn”.
Bởi thế, để nâng cao mật độ dân số của miền núi, mở đường cho những xí nghiệp nông nghiệp quy mô lớn ở miền núi ra đời, chẳng những phải tổ chức di dân ở đồng bằng lên, còn phải ra sức mở mang giao thông vận tải nối liền các điểm dân cư ở miền núi lại với nhau nữa.
Dù ở miền núi hay ở miền xuôi thì quy mô của sự hợp tác bao giờ cũng phụ thuộc vào những phương tiện giao thông vận tải và thông tin liên lạc, nhờ đó người ta rút ngắn được khoảng cách giữa người với người. Thật khó mà tổ chức được sự hiệp đồng trong hoạt động sản xuất, nếu thiếu những phương tiện thông tin liên lạc từ trung tâm đến cơ sở và từ cơ sở này đến cơ sở kia. Chừng nào việc thông tin liên lạc còn được thực hiện bằng cách duy nhất hiện nay là người này chạy tới tìm người kia thì địa bàn hoạt động và do đó, quy mô của xí nghiệp không thể quá lớn được. Địa bàn hoạt động mà quá rộng thì việc thông tin liên lạc và do đó, việc phối hợp hành động, sẽ gặp khó khăn, thời gian đi lại giữa nơi cư trú và địa điểm lao động cũng sẽ choán mất một phần quan trọng của thời gian hoạt động trong ngày. Một địa bàn hoạt động được coi là thích hợp trong điều kiện đi bộ, đương nhiên sẽ được coi là quá hẹp nếu việc đi lại của những người lao động được thực hiện bằng phương tiện cơ giới và hệ thống thông tin bằng điện thoại được áp dụng.
Đối với những đồng bằng, mật độ dân số quá cao chẳng những gây ra lãng phí nghiêm trọng nguồn lao động của đất nước (thực chất là “nhân khẩu thừa tiềm tàng”), mà còn là một trở ngại nghiêm trọng đối với việc xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa: nó cản trở việc đưa máy móc vào nông nghiệp, cũng tức là cản trở sự ra đời của chính nền sản xuất bằng máy móc.
Cho đến nay, chúng ta đã trang bị cho nông nghiệp 5.471 máy kéo lớn và 1.659 máy kéo nhỏ (tính ra máy tiêu chuẩn 15 sức ngựa là 11.763 máy), trong số đó thì 3.953 máy kéo lớn và 1.500 máy kéo nhỏ phục vụ riêng cho khu vực nông nghiệp hợp tác hóa. So với khả năng phục vụ máy thì diện tích cày bừa bằng máy hiện còn quá thấp. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là mật độ dân số quá cao. Vì mật độ dân số quá cao cho nên người sẽ ngồi chơi nếu giao ruộng cho máy làm. Người ngồi chơi mà giao ruộng cho máy làm rồi trả tiền chi phí cho máy thì rõ ràng là “máy tranh cơm của người”. Vì vậy mà ở nhiều nơi trạm máy thiếu việc làm mà ngay cạnh đó, nông dân xã viên vẫn cày bằng trâu. Nếu vì một lý do gì đó mà phải thuê máy cày thì bừa vẫn làm bằng trâu. Nếu máy được ưa chuộng thì thường là vì một trong những lẽ sau đây:
– Ruộng đất tương đối nhiều, thường là 4-5 sào bình quân đầu người trở lên.
– Ruộng tuy ít nhưng người còn bận làm nghề thủ công, hoặc nghề khác kiếm ra tiền khá hơn.
– Đất pha sét, trâu khó làm (đất nào dễ làm thì khỏi cần thuê máy).
– Ít mưa đất rắn, trâu khó làm (năm nào mưa thuận đất mềm thì lại cày bằng trâu).
– Thời tiết không thuận, cày bằng trâu thì không kịp thời vụ.
– Số lượng trâu không đủ làm, v.v…
Tóm lại, và đây là lẽ tự nhiên, chỉ khi nào người không đủ sức làm hoặc trâu không đủ sức làm thì người ta mới cầu cứu đến máy. Nhưng đồng bằng thì lại không phải là nơi thiếu sức người. Sức kéo trâu bò cũng không thiếu lắm. Như vậy thì làm sao đẩy nhanh cơ giới hóa lên được?
Có thể thông qua việc phân công lại lao động, phát triển nhiều ngành, nhiều nghề, để thu hút lao động thừa ở đồng bằng hay không? Đương nhiên đây là một phương hướng quan trọng. Khả năng thu hút lao động thừa theo hướng đó còn rất lớn, tuy nhiên không phải là vô hạn vì hai lẽ:
Thứ nhất, ở vùng chuyên môn hóa về trồng lúa – một thứ sản phẩm không đòi hỏi phải chế biến nhiều – khả năng phát triển các ngành nghề khác là có hạn.
Thứ hai, máy móc một khi được đưa vào nông nghiệp thì nó làm cho nhu cầu về lao động nông nghiệp trực tiếp giảm đi nhiều lần, chỉ những ngành nghề tại chỗ thì không sử dụng hết số lượng lao động đó được.
Vì vậy, đi đôi với việc đẩy mạnh phân công lao động mới, phát triển các ngành nghề, cần phải tìm một lối thoát căn bản nữa: tổ chức một cách có hệ thống việc di dân từ đồng bằng lên miền núi, giảm bớt mật độ dân số ở đồng bằng. Thực hiện điều này phải trên cơ sở nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp ở đồng bằng, từng bước mở rộng địa bàn cơ giới hóa. Thực hiện được điều này cũng tức là mở đường cho máy móc chiếm lĩnh trận địa sản xuất lương thực là trận địa quan trọng nhất của nền nông nghiệp nước ta hiện nay, tạo điều kiện củng cố và phát triển những xí nghiệp nông nghiệp quy mô lớn ở đồng bằng, đồng thời cung cấp được nhân lực cần thiết cho việc khai thác nguồn tài nguyên phong phú ở miền núi, cung cấp được “nhân liệu” cần thiết cho việc xây dựng những xí nghiệp quy mô lớn ở miền núi.
Số lượng người lao động chẳng những cần thiết cho những xí nghiệp sản xuất quy mô lớn với ý nghĩa là những yếu tố chủ quan của sản xuất, mà còn cần thiết để tạo ra chính cái cơ sở vật chất kỹ thuật cho những xí nghiệp đó nữa.
Bất cứ nền sản xuất nào, muốn đứng vững và phát triển được, đều phải tạo ra cái cơ sở vật chất kỹ thuật của chính nó. Sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa cũng vậy. Chừng nào những xí nghiệp nông nghiệp quy mô lớn vẫn chỉ là sự hợp tác của những người lao động nông nghiệp – hợp tác giản đơn hay là hợp tác trên cơ sở phân công – thì chừng đó, chúng vẫn chưa thể phát triển một cách thật sự vững vàng, với tư cách là những tế bào của nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Nhưng, cơ sở vật chất kỹ thuật của nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa thì lại chỉ có thể ra đời qua một quá trình xây dựng lâu dài, bằng vốn tích lũy của chính nền sản xuất đó. Ở đây, quy mô của vốn tích lũy càng lớn thì cơ sở vật chất kỹ thuật càng lớn, thời gian xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật càng nhanh.
Quy mô của vốn tích lũy phụ thuộc vào hai yếu tố: tỉ lệ tích lũy mà mỗi người lao động có thể trích ra từ sản phẩm thuần túy của mình, và số lượng của chính những người lao động ấy. Thông thường, tỉ lệ tích lũy là một đại lượng được xác định: trong một khoảng thời gian nhất định, với những điều kiện vật chất nhất định của lao động thì năng suất của lao động và do đó, khối lượng của cải có thể sản xuất ra, là những đại lượng được xác định. Tỷ lệ tích lũy đã được xác định thì quy mô của tích lũy có thể thay đổi, nếu thay đổi số lượng của những người lao động. Điều này mới xem chỉ là một con tính đơn giản. Song, chính trong con tính đơn giản ấy, chứa đựng những điều kỳ diệu.
Nhìn vào các hợp tác xã nông nghiệp ở nước ta, ta thấy không ít hợp tác xã, chỉ sau mấy năm thành lập, đã tạo được cơ nghiệp khá vững vàng; đồng ruộng được xây dựng lại, có bờ vùng bờ thửa, có mương tưới máng tiêu, úng không lo, hạn không sợ, thay thế cho gầu, guồng, có máy bơm điện, máy bơm dầu; thay thế cho cối xay cối giã, có máy xay xát, máy thái, máy nghiền; giải phóng đôi vai có xe cải tiến, có thuyền nan, thuyền gỗ; bước đến đầu làng là thấy nhà kho, sân phơi hợp tác; nhìn vào chuồng trại thì lợn nái hàng trăm, vịt đẻ hàng ngàn, v.v… vốn liếng này đành rằng chưa có gì là “ghê gớm”, song, không có hợp tác xã thì bao giờ tạo ra nổi?
Trong điều kiện lao động thủ công hiện nay, tỉ lệ tích lũy mà mỗi người lao động nông nghiệp có thể trích ra từ sản phẩm thuần túy của mình thường chỉ là trên dưới 10%, tính thành tiền khoảng 20 đồng (ở đây chỉ tính thu nhập từ kinh tế tập thể, không tính thu nhập từ kinh tế phụ gia đình). Nếu mỗi hộ nông dân có hai lao động thì mỗi năm tích lũy được khoảng 40 đồng. Với số tiền này tách riêng từng hộ ra, phải 5-6 năm cóp nhặt mới tậu nổi một con trâu. Nhưng nếu 400-500 hộ góp lại, cộng với số ngày công lao động ngoài thời vụ nông nghiệp được huy động vào việc xây dựng cơ sở vật chất cho nông nghiệp – một hình thức tích lũy không kém phần quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả hình thức tích lũy từ sản phẩm nông nghiệp – thì mỗi năm đều có thể thực hiện được một bước nhảy vọt trong một lĩnh vực sản xuất nào đó. Nhiều bước nhảy vọt cục bộ cộng lại sẽ thành một bước nhảy vọt có tính chất toàn cục. Chính cái cơ nghiệp mà nhiều hợp tác xã ngày nay có được, là nhờ ở sự kỳ diệu của phép toán cộng này.
Chẳng riêng gì ở nước ta mà ở nước xã hội chủ nghĩa nào cũng vậy, những bước nhảy vọt đầu tiên từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn bao giờ cũng được thực hiện bằng con đường tập hợp nhiều dòng suối nhỏ lại thành một dòng sông lớn của tích lũy. Người ta bắt đầu bằng việc lập ra những hợp tác xã chỉ gồm mấy chục hộ. Khi những hợp tác xã này đã đứng vững rồi, để có được một nguồn tích lũy lớn hơn, người ta sáp nhập nhiều hợp tác xã nhỏ lại thành một hợp tác xã lớn mấy trăm hộ. Tiến lên một bước nữa là những hợp tác xã có quy mô hàng ngàn hộ; quy mô này ở nhiều nước được coi là thích hợp với sản xuất lớn trong một thời kỳ dài xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở một vài nước, người ta còn đưa quy mô của xí nghiệp nông nghiệp lên một mức cao hơn nữa: hàng vạn hộ và hàng vạn héc ta. Ở đây, chúng ta không nói đến tất cả các mặt hợp lý và bất hợp lý (nếu có) của quy mô “cực lớn”này. Điều duy nhất mà chúng ta quan tâm là tác dụng tập trung vốn tích lũy. Về mặt này mà nói, rõ ràng là những xí nghiệp có quy mô “cực lớn” đã đóng một vai trò nổi bật. Ngay trong điều kiện lao động thủ công và với tỉ lệ tích lũy chỉ 10-12% thu nhập thôi, vốn tích lũy tập trung của các xí nghiệp này đã đủ sức tạo ra – chỉ trong mấy năm – những cơ sở sản xuất hiện đại, quy mô lớn: trại bò sữa hàng mấy ngàn con, kéo theo là một xưởng chế biến thức ăn gia súc đủ sức cung cấp thức ăn chẳng những cho đàn bò sữa mà cho hàng vạn gia súc của cả xí nghiệp nữa, những vườn nho và vườn cây ăn quả có quy mô hàng trăm máy kéo và hàng chục xe vận tải, những đường dây điện cao thế dài hàng chục ki-lô-mét, v.v… Trong điều kiện lao động nông nghiệp đã được cơ giới hóa hoàn toàn rồi thì vốn tích lũy tập trung của xí nghiệp càng có quy mô to lớn hơn. Với số vốn đó, chỉ trong vòng vài năm, người ta đã có thể xây dựng được một trại lợn hoàn toàn cơ giới hóa, mỗi năm xuất chuồng được vài ba vạn con, hoặc một trại gà mấy chục vạn con, hoặc một vườn cây ăn quả có quy mô 1.000 héc ta, chẳng những thuận tiện cho sự hoạt động của máy kéo và các máy móc nông nghiệp khác mà còn thuận tiện cho cả việc sử dụng máy bay để phun thuốc trừ sâu nữa. Tập trung vốn tích lũy lại trong phạm vi một xí nghiệp “cực lớn” và dồn phần lớn số vốn đó vào một số công trình trọng điểm, thì tất phải hạn chế bớt những công trình đầu tư phân tán ở hạ tầng. Song hiệu quả của nó trong việc mau chóng tạo ra một số cơ sở sản xuất hiện đại làm đòn bẩy cho toàn cục thì đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa.
Qua những thí dụ trên đây, ta thấy số lượng của những người lao động, biểu hiện ở quy mô của xí nghiệp, có vai trò quyết định như thế nào đối với việc tạo ra vốn tích lũy tập trung quy mô lớn và do đó, đối với việc tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền sản xuất bằng máy móc, quy mô lớn. Để tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền sản xuất ấy, cũng tức là tạo chính nền sản xuất ấy, người ta phải bắt đầu bằng việc tập hợp những người sản xuất nhỏ lại, làm thành những xí nghiệp quy mô lớn, cho dù quy mô này chưa được đặt trên chính cái nền tảng kỹ thuật của nó – sản xuất bằng máy móc. Như vậy, nếu quy mô lớn là hình thức biểu hiện của sản xuất bằng máy móc, là kết quả của sản xuất bằng máy móc, thì ở đây lúc khởi đầu, nó lại là thủ đoạn để tạo ra chính cái nền sản xuất ấy.
Với một tỉ lệ tích lũy tương đối thấp gắn liền với lao động thủ công, người ta không có cách nào khác để tạo ra nguồn vốn tích lũy nhỏ lại. Ở đây cũng như trong tự nhiên, những sự biến đổi thuần túy về tự nhiên đạt đến một mức độ nhất định thì thành sự biến đổi về chất lượng. Như vậy, quy mô của xí nghiệp chẳng phải là một cái gì thụ động, chết cứng, mà là một động lực có tính chất cách mạng. Phải hiểu được điều đó thì mới biết lợi dụng nó, phát huy sức mạnh của nó. Sức mạnh này chẳng phải ở đâu xa lạ. Nó chính là sức mạnh của sự hợp tác mà quy mô lớn của xí nghiệp chỉ là hình thức biểu hiện.
Trên đây chúng ta đã xem xét yếu tố con người về mặt số lượng. Bây giờ, hãy xét về mặt chất lượng. Con người, với tính cách là yếu tố chủ quan của sản xuất, phải là những người lao động có kỹ năng thích hợp.
Sản xuất quy mô lớn bao giờ cũng là sản xuất tập trung hóa và chuyên môn hóa. Người ta lập ra những xí nghiệp quy mô lớn không ngoài mục đích tập trung hóa và chuyên môn hóa sản xuất trên cơ sở sử dụng máy móc và kỹ thuật tiên tiến, nhằm đạt được sản lượng cao, năng suất lao động cao. Trình độ cơ giới hóa càng cao thì trình độ tập trung hóa và chuyên môn hóa sản xuất càng được nâng lên tương ứng. Song, dù đã được cơ giới hóa hay còn tạm thời dựa trên kỹ thuật thủ công thì sản xuất quy mô lớn bao giờ cũng là sản xuất tập trung hóa thì mới có kỹ thuật cao, năng suất lao động cao. Nhưng muốn chuyên môn hóa thì phải tập trung hóa. Tập trung hóa là để chuyên môn hóa. Ngược trở lại, cần có chuyên môn hóa để tập trung hóa. Và có tập trung hóa thì mới có kỹ thuật cao, tổ chức sản xuất hợp lý. Tập trung hóa và chuyên môn hóa sản xuất luôn luôn đi liền với nhau, cái nọ làm điều kiện cho cái kia, và cả hai đều nhằm mục tiêu kỹ thuật cao, năng suất lao động cao.
Sản xuất đã tập trung hóa và chuyên môn hóa thì nói đòi hỏi kỹ năng lao động và kỹ thuật sản xuất của người lao động phải được nâng lên tương ứng. Khi mỗi nhà nuôi một con lợn, nếu vì sự vụng về hay dốt nát của người nuôi mà lợn còi, lợn ốm thì chỉ riêng người đó chịu thiệt. Nhưng khi đã tập trung 1.000 con vào trại lợn thì sự vụng về hay dốt nát sẽ dẫn đến một sự trừng phạt nặng hơn 1.000 lần. Nói cho đúng thì người ta tập trung 1.000 con lợn vào một trại lợn không phải để nuôi theo sự vụng về và dốt nát như cũ, mà chính là để nuôi theo một kỹ thuật thông minh hơn. Nếu không như vậy thì việc tạo ra quy mô lớn trở thành vô nghĩa.
Sản xuất quy mô lớn chẳng những buộc người ta phải có kỹ năng tiên tiến mà còn cho phép người ta sử dụng kỹ năng tiên tiến. Mỗi nhà nuôi một con lợn thì không thể sử dụng một bác sĩ thú y hay một kỹ sư chăn nuôi. Mỗi nhà đều trồng nhiều thứ cây mà mỗi cây chỉ trồng trên một diện tích vụn vặt thì không thể sử dụng được một chuyên gia cho mỗi thứ cây. Ngay một xí nghiệp gọi là quy mô lớn, nếu trồng nhiều thứ cây, mỗi thứ chỉ chiếm một diện tích vài chục héc ta thì cũng không thể sử dụng nổi một chuyên gia cho mỗi thứ cây. Nói sản xuất quy mô lớn, trước hết là nói quy mô sản xuất của từng cây, từng con. Mỗi cây, mỗi con phải đạt đến quy mô nhất định nào đó thì mới áp dụng được kỹ thuật tiên tiến và mới sử dụng được kỹ năng tiên tiến. Một trại chăn nuôi của hợp tác xã với dăm chục con lợn, tuy cũng gọi là quy mô lớn (so với chăn nuôi của gia đình xã viên), song làm sao đủ việc làm và đủ điều kiện làm việc cho một kỹ sư chăn nuôi hay một bác sĩ thú y? Như vậy, nếu sản xuất quy mô lớn đòi hỏi phải sử dụng chuyên gia về từng loại cây, từng loại con để nâng cao trình độ kỹ thuật và kỹ năng lao động của xí nghiệp lên một cách tương ứng thì ngược trở lại, việc sử dụng chuyên gia về từng loại cây, từng loại con cũng đòi hỏi mỗi cây, mỗi con phải đạt tới một quy mô nào đó thì việc sử dụng kia mới là có lợi. Nếu mỗi cây, mỗi con, mỗi lĩnh vực sản xuất, mỗi khâu lao động, mỗi chức năng quản lý trong xí nghiệp đều có đủ những người có kỹ năng lao động thích hợp thì chỉ riêng số cốt cán có trình độ đại học hay trung cấp chuyên nghiệp thôi, tối thiểu đã cần tới mấy chục người rồi. Một xí nghiệp quy mô quá nhỏ không những không đủ kinh phí để đài thọ số kỹ thuật viên như vậy, mà cũng không đủ việc làm cho họ nữa (dùng họ vào những công việc lao động đơn giản là chủ yếu như hiện nay một số hợp tác xã đang làm chính là biểu hiện của tình trạng này). Nhưng nếu không có số kỹ thuật viên như vậy thì không thể nâng cao trình độ kỹ thuật và kỹ thuật lao động chung của cả xí nghiệp lên theo kịp yêu cầu của việc tập trung hóa và chuyên môn hóa sản xuất, càng không thể theo kịp yêu cầu của việc cơ giới hóa. Giải quyết mâu thuẫn này có nghĩa là phải tìm được quy mô hợp lý của xí nghiệp.
Ngoài kỹ năng lao động ra, sản xuất lớn còn đòi hỏi ở những người lao động một năng lực quản lý tương ứng. Về mặt này mà nói, xí nghiệp quy mô lớn không chỉ khác sản xuất nhỏ ở số lượng những đối tượng cần phải quản lý mà hơn thế nữa nó còn đặt ra hàng loạt vấn đề mới mẻ về chất lượng: Phương hướng sản xuất, cơ cấu sản xuất, phân vùng, quy hoạch, cách mạng kỹ thuật, tổ chức sự hợp tác và phân công, đẩy mạnh phân công lao động mới, quản lý kỹ thuật tài vụ và kế toán, tổ chức bộ máy quản lý, đào tạo cán bộ cách mạng tư tưởng và văn hóa, v.v… Giải quyết những vấn đề này là cả một khoa học đồng thời là một nghệ thuật. Không có những cán bộ quản lý vững vàng, nắm được kinh tế và kỹ thuật, biết tính toán, biết tổ chức, chí công vô tư thì không những không phát huy được những tính ưu việt của sản xuất lớn mà ngay đến những quan hệ phức tạp do quy mô lớn đặt ra cũng không sao làm chủ nổi. Thực tế cho thấy: trong rất nhiều trường hợp, hợp tác xã làm ăn kém cỏi chỉ là vì quản lý tồi. Nhiều khi chỉ cần thay đổi số cán bộ cốt cán về quản lý, thậm chí chỉ thay đổi một vài người quản lý chủ chốt thì tình hình đã chuyển biến ngay theo chiều hướng tốt rồi. Cũng không ít trường hợp, khi còn là hợp tác xã quy mô nhỏ thì làm ăn trôi chảy, nền nếp, nhưng khi đã sáp nhập thành hợp tác xã quy mô lớn rồi thì phát sinh nhiều mâu thuẫn, rắc rối. Điều đó không hề chứng minh rằng quy mô nhỏ là tốt hơn quy mô lớn mà chỉ nói lên rằng năng lực quản lý của những người lao động không được nâng lên tương ứng để làm chủ được quy mô lớn.
Thật là một thiếu sót khi đã tổ chức ra những xí nghiệp nông nghiệp quy mô lớn mà không chăm lo đầy đủ và kịp thời đến việc nâng cao kỹ năng lao động và năng lực quản lý của những người lao động. Người ta quản lý những xí nghiệp quy mô lớn theo những hiểu biết ít ỏi và những kinh nghiệm cổ truyền của những người sản xuất nhỏ. Nhiều nơi khi đã đưa máy móc vào nông nghiệp rồi, vẫn không kiếm được đủ số công nhân tối thiểu biết vận hành và bảo dưỡng đúng quy cách các máy móc đó.
Nói cho đúng thì việc đào tạo ra những con người có kỹ năng lao động và năng lực quản lý thích hợp phải được tiến hành trước khi tổ chức ra những xí nghiệp quy mô lớn, đón trước sự ra đời của những xí nghiệp quy mô lớn. Cách làm này từ lâu đã trở thành quy tắc trong công nghiệp. Nó cũng phải trở thành quy tắc trong nông nghiệp, khi mà nông nghiệp đã bắt đầu quá trình “lột xác” theo công nghiệp.
Từ tất cả những sự phân tích trên đây, chúng ta không đi tới một định nghĩa mới nào về quy mô lớn của sản xuất, song, từ đó, có thể hiểu khái niệm với một nội dung cụ thể hơn, sinh động hơn.
Sản xuất là sự kết hợp rất nhiều yếu tố với nhau – yếu tố vật chất cũng như yếu tố con người – và kết hợp theo một phương thức nhất định, nhằm những mục tiêu sản xuất nhất định. Sản xuất lớn có phương thức kết hợp riêng của nó. Phương thức này bị quy định trước hết bởi những tư liệu lao động có kích thước lớn, hiệu lực lớn – máy móc. Mọi yếu tố khác của sản xuất, kể cả yếu tố con người, đều phải thích ứng với những tư liệu lao động ấy – về mặt chất lượng cũng như về mặt số lượng – đồng thời tác động trở lại những tư liệu lao động ấy. Nhìn kỹ hơn, ta thấy tất cả các yếu tố của sản xuất đều tác động qua lại lẫn nhau, quy định lẫn nhau và chế ước lẫn nhau – về mặt chất lượng cũng như về mặt số lượng. Tổng hòa những mối quan hệ ấy, những tỉ lệ cân đối ấy thì thành cơ cấu sản xuất quy mô lớn, xí nghiệp sản xuất quy mô lớn.
Đương nhiên, không phải tổng hòa những mối quan hệ ấy, những tỉ lệ cân đối ấy bao giờ cũng dẫn đến một đáp số duy nhất hợp lý. Trường hợp có nhiều đáp số lại là phổ biến hơn. Sản xuất là sự kết hợp và hòa hợp của rất nhiều nhân tố. Nhưng những nhân tố này nhiều khi lại xung khắc nhau, bài xích lẫn nhau. Đối với một cây trồng nào đó, thổ nhưỡng, địa hình, thời tiết có thể thuận lợi để trồng trên quy mô lớn, nhưng vận tải, chế biến, v.v… thì lại không thuận lợi. Có khi tất cả các điều kiện trên đều thuận lợi, nhưng mật độ dân số thì lại không thuận lợi. Một cây đã vậy, nhiều cây, nhiều con, nhiều lĩnh vực sản xuất thì quan hệ và tỉ lệ lại càng phức tạp hơn.
Trong cái mớ chằng chịt những mối quan hệ và tỉ lệ quy định lẫn nhau, chế ước lẫn nhau ấy, phải tìm ra được những quan hệ và tỉ lệ có ý nghĩa quyết định nhất đối với hoạt động bình thường của sản xuất và do đó đối với hiệu quả sản xuất. Phải thỏa mãn được những quan hệ và tỉ lệ này thì quy mô của sản xuất hay quy mô của xí nghiệp mới được xem là hợp lý. Chẳng hạn, muốn trồng mía thì phải có nhà máy đường. Nhưng muốn lập một nhà máy đường có quy mô hợp lý thì diện tích trồng mía xung quanh nhà máy đường, với một năng suất đã được xác định, phải đạt đến quy mô 3.000 – 4.000 héc ta. Quy mô này là không thể thay đổi được, nếu không muốn gây ra rối loạn trong ngành sản xuất đường tất phải dẫn đến rối loạn trong ngành sản xuất mía. Tuy nhiên, kỹ thuật thủ công và nhiều điều kiện khác thì lại không cho phép hình thành một xí nghiệp duy nhất có quy mô trồng mía lớn như vậy. Trong trường hợp này, người ta có thể phân công cho một số hợp tác xã chuyên trồng mía (chuyên môn hóa về trồng mía không có nghĩa là chỉ trồng độc một thứ cây ấy) để cung cấp cho nhà máy đường thông qua quan hệ hợp đồng. Như vậy, quy mô của sản xuất mía được bảo đảm, tương ứng với quy mô của sản xuất đường, nhưng quy mô của xí nghiệp trồng mía thì lại không đồng nhất với quy mô của sản xuất mía. Đối với nhiều cây trồng và gia súc khác mà sản phẩm đòi hỏi phải được chế biến bằng kỹ thuật hiện đại (chè, quả, sữa, cá, v.v…) thì tình hình cũng như vậy.
Nhưng, đối với một số cây trồng và gia súc mà quá trình sản xuất ra chúng, trong điều kiện kỹ thuật hiện tại, quan hệ mật thiết với nhau đến gần như hình thành một chu trình khép kín (trong đó đương nhiên có một hoặc một số cây trồng hay gia súc nào đó đóng vai trò chủ đạo) thì thông thường, quy mô của xí nghiệp lại là đồng nhất với quy mô của tất cả các ngành sản xuất đó cộng lại. Đó là trường hợp của lúa, lang (khoai), lạc, lợn ở một số vùng trung du; của lúa, lang (khoai), lợn, cá, vịt ở một số vùng đồng bằng, v.v… Muốn trồng lúa với năng suất cao thì không thể không nuôi lợn. Nhưng nếu chỉ nuôi dăm bảy chục, một trăm con lợn thì không thể có dây chuyền chăn nuôi hợp lý được, không thể sử dụng kỹ thuật tiên tiến được. Mà muốn có đàn lợn với quy mô 1.000 con chẳng hạn thì không thể không dành diện tích trồng khoai và rau màu, không thể bó hẹp trong khuôn khổ một xí nghiệp có quy mô một vài trăm héc ta lúa mà thực hiện được.
Trong khi đó thì có những ngành sản xuất như nung vôi, làm gạch ngói, nghiền thức ăn gia súc chẳng hạn, nếu kinh doanh theo lối sản xuất lớn thì quy mô của nó phải vượt xa khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ của một hợp tác xã trồng lúa có quy mô tương đối lớn rồi. Nếu tiếp tục mở rộng quy mô của hợp tác xã để đủ sức bao gồm trong lòng nó những ngành sản xuất này thì chẳng những không cần thiết mà còn gây ra những sự bất hợp lý cho ngành trồng lúa. Vì vậy người ta có thể thông qua hình thức liên doanh giữa nhiều hợp tác xã để bảo đảm quy mô hợp lý của những ngành sản xuất này mà không làm đảo lộn quy mô vốn đã hợp lý của ngành trồng lúa. Đương nhiên khi mà mỗi ngành sản xuất riêng rẽ đều đã đạt đến trình độ tập trung hóa và chuyên môn hóa cao độ trên cơ sở cơ giới hóa thì lúc đó, việc tách riêng mỗi ngành sản xuất ra thành một xí nghiệp độc lập sẽ được đặt ra như một tất yếu kỹ thuật.
Trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển biến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, máy móc trong nông nghiệp chưa có bao nhiêu, do đó, vai trò quyết định của máy móc đối với quy mô của sản xuất cũng chưa rõ. Tình hình này dễ làm nảy sinh ra ý nghĩ cho rằng quy mô lớn của sản xuất chỉ là một vấn đề tùy tiện.
Đúng là ngay trong điều kiện chưa có máy móc, người ta vẫn có thể tiến hành sản xuất theo quy mô lớn nhằm khai thác những tính ưu việt của lao động kết hợp. Song, không thể không thừa nhận rằng lao động kết hợp trên cơ sở kỹ thuật thủ công và lao động kết hợp trên cơ sở sử dụng máy móc không thể có quy mô như nhau được, kể từ quy mô của cả một xí nghiệp, quy mô của một đội sản xuất, quy mô của một thứ cây trồng đến quy mô của một thửa ruộng cũng vậy. Không nhận thức được sự khác biệt này thì rất dễ bảo thủ, dẫm chân tại chỗ: vùng có máy cày hoạt động cũng giữ nguyên những quy mô tủn mủn như là vùng chưa có máy. Mặt khác, cũng rất dễ phiêu lưu, nóng vội: mình còn đang cày bừa bằng trâu, mà lại muốn áp dụng ngay những hình thức quy mô lớn của những nước đã làm hoàn toàn bằng máy.
Ngay trong điều kiện kỹ thuật thủ công, quy mô của sản xuất cũng không thể nhất loạt như nhau. Như vậy là vì: những yếu tố sản xuất – yếu tố vật chất và yếu tố con người – của nơi này không giống những yếu tố sản xuất của nơi kia. Về số lượng, chất lượng cũng như về chủng loại, do đó cơ cấu của sản xuất và quy mô của sản xuất không thể giống nhau. Trình độ chín muồi của các vấn đề kinh tế do sự phát triển của lực lượng sản xuất đặt ra cũng không giống nhau.
Quy mô của một hợp tác xã ở miền núi không thể giống quy mô của một hợp tác xã ở đồng bằng, xét về mặt nhân lực, đất đai nông nghiệp cũng như về số lượng đàn gia súc. Một hợp tác xã trồng rau so với một hợp tác xã trồng lúa cũng vậy.
Nếu cần thiết và có thể lợi dụng một cánh đồng trũng làm vùng nuôi cá, hoặc biến một cánh đồng cao thành vùng chuyên trồng cạn, hoặc xây dựng một màng lưới thủy lợi hợp lý hơn, hoặc mở ra một ngành khai thác đá và nung vôi, hoặc xây dựng một trại chăn nuôi lớn hơn để có hiệu quả kinh tế cao hơn, v.v… – tóm lại, nếu cần thiết và có thể tạo ra một cơ sở sản xuất mới, một lực lượng sản xuất mới, một hiệu quả kinh tế mới mà chỉ có vượt qua giới hạn của xí nghiệp quy mô nhỏ mới giải quyết nổi thì việc chuyển lên quy mô lớn hơn có thể coi là tất yếu. Trong trường hợp ngược lại nếu sáp nhập nhiều hợp tác xã nhỏ lại thành một hợp tác xã lớn chỉ đơn thuần làm cho số đội trồng lúa tăng lên một cách tương ứng, chứ không tạo ra một lực lượng sản xuất nào mới cả, thì việc sáp nhập này rõ ràng là quá sớm hoặc là vô nghĩa. Chẳng những nó không mang lại một lợi ích kinh tế nào, mà còn làm cho việc quản lý thêm rối, hệ thống quản lý thêm cồng kềnh.
Tính đến tất cả những sự khác biệt nói trên, người ta sẽ không áp đặt một khuôn mẫu duy nhất cho quy mô của hợp tác xã trong một nước, mà hợp lý hơn là phác hoạ một số kiểu mẫu cho một số loại hình sản xuất ở từng vùng nhất định. Dựa theo những sự chỉ dẫn đó, các hợp tác xã sẽ căn cứ những điều kiện sản xuất cụ thể của mình mà quyết định mở rộng quy mô đến đâu và mở rộng vào thời gian nào là thích hợp. Mở rộng quy mô đến đâu điều này chỉ có những lợi ích kinh tế mới nói lên được tiếng nói quyết định. Quy mô lớn hơn không nhất định là quy mô xã. Nó có thể chỉ là mấy thôn trong một xã, có thể là một xã và cũng rất có thể vượt quá địa giới một xã. Lý do rất dễ hiểu: cách đây 20-30 năm, khi người ta quy định địa giới của những đơn vị hành chính mang tên là xã, những lợi ích kinh tế của xí nghiệp nông nghiệp quy mô lớn chưa xuất hiện, trong trường hợp không kết hợp được quy mô của xí nghiệp với địa giới hành chính của xã thì phải chăng là nên đặt quy mô của xí nghiệp phụ thuộc vào địa giới hành chính của xã hay là ngược lại? Chính là cái sau phải phụ thuộc vào cái trước thì hợp lý hơn.
Đến đây, ta thấy thật là ít căn cứ biết bao khi khẳng định như một định lý rằng hợp tác xã quy mô xã nhất định là tốt hơn hợp tác xã quy mô thôn. Cứ theo cái lo-gích ấy thì người ta ắt phải đi đến kết luận rằng quy mô càng lớn thì càng tốt, bất kể điều kiện kinh tế cụ thể như thế nào. Song, thực tế thì lại không chứng minh như vậy. Một quy mô nhất định chỉ có nghĩa tích cực đối với sản xuất khi nó là hình thức biểu hiện tất yếu và do đó, là hình thức phát triển thích hợp nhất của những lực lượng sản xuất đang vận động trong lòng nó. Đã không phải là hình thức biểu hiện của những lực lượng sản xuất đang vận động trong nó thì dù là quy mô xã hay quy mô thôn cũng đều là quá lớn. Trường hợp ngược lại đã là hình thức biểu hiện tất yếu của những lực lượng sản xuất đồ sộ đang vận động trong lòng nó dưới bàn tay của lao động kết hợp thì dù là rất lớn, quy mô ấy cũng vẫn là vừa. Con đường dẫn từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, vì vậy, là một quá trình liên tục phát triển lực lượng sản xuất, liên tục tạo ra những lực lượng sản xuất mới trên cơ sở sử dụng máy móc và lao động kết hợp, đồng thời từng bước mở rộng quy mô của sản xuất và quy mô của xí nghiệp tương ứng với những lực lượng sản xuất ấy và mở đường cho những lực lượng sản xuất ấy./.