Trường đại học – cao đẳng công lập và ngoài công lập, muốn thành lập, đều phải có vốn hoạt động, vốn này khá lớn. Vốn hoạt động của trường công lập là do ngân sách Nhà nước chu cấp. Vốn hoạt động của trường ngoài công lập phải huy động từ các cá nhân, các tổ chức ngoài Nhà nước.
Khi thành lập trường ngoài công lập, người ta có hai lựa chọn: hoặc là trường lợi nhuận (trường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận), hoặc là trường phi lợi nhuận (trường hoạt động không vì lợi nhuận).
Trường lợi nhuận là do các nhà đầu tư lập ra. Khi bỏ vốn đầu tư, họ mong muốn tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động giáo dục. Các nhà đầu tư sẵn có vốn lớn, vì vậy sớm xây dựng được trường sở khang trang.
Trường phi lợi nhuận, theo định nghĩa của Luật Giáo dục đại học năm 2013 (Điều 4, khoản 7), được nhận biết bởi hai đặc trưng cơ bản:
Một là, các thành viên góp vốn (hay cổ đông) không hưởng lợi tức từ vốn góp, hoặc chỉ hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.
Hai là, phần lợi nhuận tích lũy hàng năm được biến thành tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển trường.
Trường chúng tôi – Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – ngay từ ngày đầu thành lập, đã xác định mục đích tối thượng của mình là “Vì lợi ích trăm năm, trồng người”, không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy, chúng tôi đã từ chối những khoản vốn góp lớn của các nhà đầu tư. Từ chối các khoản vốn góp lớn của các nhà đầu tư thì chỉ còn cách “góp gió thành bão”: dựa vào những khoản vốn góp nhỏ bé của các sáng lập viên, các cán bộ nhân viên và cộng tác viên của Trường. Họ đều là các nhà trí thức rất nhiệt tình với sự nghiệp trồng người, nhưng phần đông chẳng có nhiều tiền. Khó khăn ban đầu của Trường chúng tôi là ở chỗ đó. Năm đầu tiên thành lập Trường, tổng vốn góp chỉ đạt 500 triệu đồng, 5 năm sau mới đạt 9 tỷ đồng, 10 năm sau mới đạt 20 tỷ đồng. Với số vốn góp này, cộng với quỹ tích lũy không chia tích cóp được qua 5-10 năm, lúc đó mới xây dựng được trường sở khang trang, đủ chỗ học cho 10.000 sinh viên.
Để bảo đảm tính chất phi lợi nhuận của Trường, Hội đồng sáng lập đã thống nhất xác định 2 nguyên tắc sau đây:
Một là, vốn góp vào Trường không được chia lợi nhuận, chỉ được hưởng lãi suất hàng năm bằng lãi suất của tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng. Đối với người góp vốn, họ không cảm thấy thiệt thòi gì so với việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Đối với nhà trường thì cũng chẳng khác nào vay tiền tiết kiệm của ngân hàng mà không phải chịu phụ phí của ngân hàng. Vốn góp vào Trường vì vậy mà tăng lên hàng năm.
Từ năm 2013 trở đi, theo Luật Giáo dục đại học, lãi suất vốn góp vào Trường được điều chỉnh bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ. Thỏa mãn được điều kiện này thì tính chất phi lợi nhuận của Trường được pháp luật thừa nhận.
Hai là, mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết. Để trở thành cổ đông, phải có mức góp tổi thiểu là 10 triệu đồng. Mức góp này phù hợp tầm với của đại đa số cán bộ nhân viên của Trường. Không hạn định mức góp tối đa. Đã là cổ đông thì không phân biệt số vốn góp nhiều hay ít, đều là thành viên của Tập thể chủ nhân của Trường. Trường chúng tôi không chấp nhận nguyên tắc biểu quyết theo trọng lượng của vốn. Lý lẽ ở chỗ: người có vốn góp ở mức cao không nhất định là người có tâm và có tài ở mức cao, người có vốn góp ở mức thấp không nhất định là người có tâm và có tài ở mức thấp. Nguyên tắc “mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết” cho phép thực thi dân chủ đối với toàn thể cổ đông, từ đó bầu ra được những người có tâm và có tài vào các vị trí lãnh đạo của Trường. Sự thành công của một trường đại học không phụ thuộc vào những người có nhiều vốn góp, mà phụ thuộc vào những người có tâm và có tài.
Trong Quy chế trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2005 có quy định một nguyên tắc “biểu quyết theo trọng lượng của vốn”. Theo tôi, nguyên tắc này chỉ thích hợp với những trường do các nhà đầu tư lập ra, không thể là nguyên tắc áp dụng nhất loạt cho tất cả các trường tư thục.
Từ 2 nguyên tắc cơ bản nêu trên, chúng tôi đưa ra một nguyên tắc thứ ba: giấy chứng nhận vốn góp phải là giấy chứng nhận ghi danh, không cho phép tự do chuyển nhượng như cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Người sở hữu vốn góp của Trường có quyền chuyển nhượng vốn góp của mình, với điều kiện việc chuyển nhượng phải được Hội đồng Quản trị chấp nhận. Sự chấp nhận của Hội đồng Quản trị được xem là cần thiết để bảo đảm rằng người nhận chuyển nhượng vốn góp là người có đủ tư cách để trở thành cổ đông của trường.
Vì vốn hoạt động của trường là do các cá nhân cổ đông góp lại mà thành cho nên tài sản của Trường gồm hai thành phần rõ rệt:
– Thành phần thứ nhất là vốn góp của các cổ đông. Vốn này thuộc sở hữu cá nhân của các cổ đông. Cổ đông có quyền hưởng lợi tức từ vốn góp của họ, có quyền rút vốn, chuyển nhượng vốn theo quy định của Trường. Tổng vốn góp của 820 cổ đông hiện nay là 120 tỷ đồng.
– Thành phần thứ hai là quỹ tích lũy không chia của Trường. Quỹ này hình thành từ quỹ dự phòng, quỹ phát triển, và từ mọi hoạt động có hiệu quả của Trường, tích tụ qua nhiều năm, đến nay đã đạt trên 800 tỷ đồng. Quỹ này là tài sản của tập thể các cổ đông.
Có ý kiến cho rằng quỹ này là tài sản xã hội. Ý kiến đó không đúng. Không có xã hội nào tạo ra nó cả. Nó do hoạt động có hiệu quả của tập thể các cổ đông tạo ra, vì vậy nó phải thuộc sở hữu của tập thể các cổ đông. Vì là tài sản của tập thể các cổ đông cho nên không một cá nhân nào được phép động chạm đến. Nó được sử dụng làm cơ sở vật chất cho sự trường tồn của trường.
Giả dụ trong tương lai, khi trường giải thể (điều này có thể không bao giờ xảy ra như trường hợp của Trường Oxford, Cambridge ở Anh, Harvard ở Mỹ) thì quỹ tích lũy tập trung này là nguồn vốn duy nhất để trang trải các khoản nợ của trường, giải quyết quyền lợi của người học, của cán bộ nhân viên và giảng viên của trường, thanh toán các chi phí phát sinh khi giải thể, hoàn trả các khoản vốn góp của cổ đông, và cuối cùng, nếu còn dư thì khoản dư này sẽ được phân chia cho các cổ đông theo tỷ lệ vốn góp.
Qua trình bày vắn tắt như trên, tôi muốn rút ra một số kết luận như sau:
- Về trường lợi nhuận:
Vì là trường do các nhà đầu tư lập ra cho nên ngay từ ngày đầu thành lập, loại trường này đã sẵn có một nguồn vốn lớn, cho phép xây dựng trường sở khang trang.
Bên cạnh điểm mạnh ấy, loại trường này có nhiều điểm yếu:
– Vì quyền quyết định phụ thuộc vào những người có vốn lớn, khó tránh khỏi sự tranh chấp quyền lực thông qua việc góp vốn và chuyển nhượng vốn. Điều này khiến cho nội bộ trường thiếu ổn định.
– Vì quyền lực nằm trong tay các nhà đầu tư, khó tránh khỏi mâu thuẫn giữa các nhà đầu tư với các nhà giáo dục.
– Nhằm bảo đảm lợi nhuận cho các nhà đầu tư, khó tránh khỏi cắt xén vào kinh phí đào tạo, điều này có ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng đào tạo, đến quyền lợi của học viên và cán bộ nhân viên của trường. Quỹ tích lũy tập trung của trường cũng vì thế mà khó lớn mạnh.
Về trường phi lợi nhuận:
Chỗ yếu của loại trường này là: vốn hoạt động trong những năm đầu tương đối hạn chế. Phải 5-10 năm sau mới đủ vốn để xây dựng trường sở khang trang.
Tuy nhiên, loại trường này có nhiều điểm mạnh:
– Không có tranh giành quyền lực giữa các nhà đầu tư. Quan hệ giữa các cổ đông là quan hệ dân chủ và tập trung dân chủ. Nhờ chế độ dân chủ và tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất giữa các cổ đông, giữa các cơ quan lãnh đạo của trường với các cổ đông, với cán bộ nhân viên của trường được đảm bảo, quyền lực và kỷ cương trong quản lý được đảm bảo.
– Nguyên tắc phi lợi nhuận bảo đảm được sự hài hòa của các lợi ích: lợi ích của người góp vốn, lợi ích của học viên, lợi ích của cán bộ nhân viên và giảng viên làm việc cho trường và lợi ích lâu dài của trường. Nếu chỉ một chiều bảo đảm lợi ích của những người góp vốn (những nhà đầu tư) thì các lợi ích khác khó lòng bảo đảm được một cách thỏa đáng.
– Vì không phải nộp lợi nhuận cho ai và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước cho nên quỹ tích lũy không chia của trường ngày càng lớn mạnh, cho phép tái đầu tư vào sự nghiệp giáo dục đào tạo, qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện điều kiện học tập cho học viên, cải thiện điều kiện làm việc và thù lao cho cán bộ nhân viên.
Một số kiến nghị:
Điều kiện để được pháp luật thừa nhận là “trường phi lợi nhuận” như định nghĩa của Luật Giáo dục đại học tại Điều 4, khoản 7 là thỏa đáng. Ngoài 2 đặc trưng cơ bản này, trường phi lợi nhuận không có gì khác biệt lớn với các trường công lập và ngoài công lập khác.
Tuy nhiên, trong Quy chế cụ thể của trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, nên điều chỉnh lại 2 điểm:
- Nguyên tắc biểu quyết theo trọng lượng vốn chỉ nên áp dụng đối với loại trường do các nhà đầu tư lập ra.
Đối với loại trường phi lợi nhuận như trường chúng tôi thì nguyên tắc “mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết” mới là thích hợp.
- Hội đồng Quản trị của trường đại học tư thục, ngoài chức năng Hội đồng Quản trị, còn phải đảm nhiệm vai trò của Hội đồng trường. Vì vậy, không nên khống chế số thành viên của nó trong phạm vi 11 người như đã ghi trong Quy chế trường đại học tư thục. Số thành viên của Hội đồng Quản trị là bao nhiêu, nên dành cho Đại hội cổ đông của trường quyết định./.