Tháng 5 năm 1947, tôi được Đại hội đại biểu Tỉnh đảng bộ bầu vào Tỉnh ủy. Ngay sau đó, tôi phải từ biệt huyện Yên Mỹ để đi Tiên Lữ và Phù Cừ, phụ trách hai huyện đó. Hồi ấy, Tỉnh ủy Hưng Yên coi việc cử Tỉnh ủy viên phụ trách một hai huyện là một cách tăng cường lãnh đạo cho các huyện được coi là “yếu”. Ở Tiên Lữ, tôi gặp lại anh Cừ, anh không thành công lắm trên cương vị bí thư huyện ủy kể từ khi rời khỏi huyện Mỹ Hào cuối năm 1945. Anh được điều động về Tỉnh đội và từ đó, chuyển sang nghề “binh nghiệp”.
Là tỉnh ủy viên phụ trách, tôi xác định vị trí của mình không phải là bí thư huyện ủy, vì vậy, không được bao biện làm thay bí thư. Phải ân cần giúp đỡ bí thư nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ những việc khó mới trực tiếp nhúng tay vào. Cách làm việc đó đã khiến tôi hòa nhập rất nhanh với các huyện ủy mà một số đồng chí chủ chốt lâu nay được xem là “khó tính”.
Vấn đề lớn nhất của phong trào cách mạng huyện Tiên Lữ là ở chỗ Việt Minh chưa “chinh phục” được một bộ phận khá lớn giới trí thức, thương gia, địa chủ, phú nông và trung nông cứng, nói chung là tầng lớp trên, họ chiếm khoảng 20% số hộ trong huyện. Tiên Lữ lại là một huyện có nhiều trung tâm buôn bán tương đối lớn như Suôi (buôn bè), Hới (làm quạt giấy nổi tiếng cả miền Bắc), một số xã ven thị xã Hưng Yên. Huyện Phù Cừ cũng có vấn đề như Tiên Lữ, nhưng ở một mức độ thấp hơn. Sau khi điều tra, phân tích thì thấy: các tầng lớp này thực ra không có mâu thuẫn đối kháng với Việt Minh, chỉ có một số thắc mắc, nghi ngờ về đường lối chính sách, đôi khi có một số vướng mắc với chính quyền xã và huyện mà trong nhiều trường hợp lại là do cách xử lý không thỏa đáng của cán bộ chính quyền. Kinh nghiệm thành công ở Yên Mỹ giúp tôi từng bước tháo gỡ các khó khăn. Các hoạt động chống đối Việt Minh giảm dần. Thân hào thân sĩ tham gia công tác ở xã và ở huyện ngày càng đông. Nhiều trí thức và con em các tầng lớp trên trở thành cán bộ, đảng viên.
Một vấn đề nổi cộm ở Phù Cừ là vấn đề công giáo. Cả Tiên Lữ và Phù Cừ đều có một số làng có đồng bào theo đạo, hầu hết là “xôi đỗ”, không xảy ra bất cứ mâu thuẫn gì giữa lương và giáo. Duy chỉ có một làng Cao Xá giáp huyện lỵ Phù Cừ là công giáo toàn tòng, có một viên cha đạo cai quản. Giữa Việt Minh và dân theo đạo, không có bất cứ một vấn đề gì. Giữa Việt Minh và các tôn giáo tín ngưỡng cũng không có bất cứ một vấn đề gì. Vấn đề chỉ là ở lập trường phản động thân Pháp của viên cha đạo. Hắn lợi dụng diễn đàn của nhà thờ để tung ra các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ như “Chính phủ Việt Minh là cộng sản, cộng sản là phá đạo”, cản trở dân theo đạo tham gia các hoạt động kháng chiến. Hắn có một hệ thống tay chân trung thành len lỏi vào khắp các gia đình, ngõ xóm, ngày đêm phun ra đủ thứ nọc độc làm u mê giáo dân, dò la, do thám và kìm kẹp họ trong một cộng đồng gần như khép kín, lấy tín ngưỡng và thần quyền làm vỏ bọc, nhưng thực chất chính trị là tách hẳn cộng đồng giáo dân ra khỏi trào lưu cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị địa bàn cho quân Pháp trở lại. Những sự kiện sau này đã chứng minh cho nhận định đó.
Công tác “công giáo vận” của chúng tôi không động chạm gì đến vấn đề tín ngưỡng tôn giáo, chỉ tập trung vào việc đập tan những luận điệu chính trị phản động của viên cha xứ, “giải độc” cho giáo dân, nâng cao lòng yêu nước của họ và thuyết phục họ tham gia các hoạt động kháng chiến cứu nước. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, phụ lão đều có cán bộ chuyên trách vận động giáo dân. Một số giáo dân giác ngộ được bố trí vào những vị trí hoạt động không lộ mặt đã phát huy vai trò quan trọng trong giáo dân. Kết quả là đã ngăn chặn được một số âm mưu gây rối của viên cha xứ phản động, phá vỡ từng mảng cộng đồng khép kín của hắn, lôi kéo giáo dân về với phong trào kháng chiến cứu nước.
Trong năm 1947 và vài năm sau đó, Tiên Lữ và Phù Cừ vẫn nằm trong vùng tự do rộng lớn của tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, trọng tâm công tác do Tỉnh ủy xác định vẫn là tích cực chuẩn bị lực lượng để đối phó với quân Pháp khi chúng mở rộng vùng chiến sự: củng cố và phát triển các đoàn thể cứu quốc, tăng cường chỉ đạo các thôn xóm mà phong trào còn non yếu, củng cố và phát triển lực lượng dân quân tự vệ, tăng cường lực lượng bộ đội địa phương và du kích xã, luân phiên đưa bộ đội địa phương và du kích xã lên các huyện miền Bắc có chiến sự để tập dượt đồng thời hỗ trợ bộ đội chủ lực. Về các chuyến đi này, anh chị em du kích gọi vui là những chuyến đi “tập nghe tiếng súng”.
Tháng 1 năm 1948, tôi được bổ sung vào Thường vụ Tỉnh ủy và được phân công phụ trách Tuyên huấn. Tôi từ biệt Tiên Lữ và Phù Cừ để về Ban Tuyên huấn tỉnh đóng tại Ân Thi.
Qua hơn một năm đẩy mạnh phong trào phát triển Đảng theo chỉ thị của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã lên tới vài ngàn đảng viên. Hầu hết đều là đoàn viên tích cực của các đoàn thể cứu quốc, đã từng tham gia cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Tuy nhiên, giác ngộ về Đảng thì còn yếu, nhận thức về chính trị còn nông cạn, khả năng tiến hành các công tác cách mạng còn hạn chế. Bộ máy lãnh đạo của Đảng ở cơ sở mà đầu não là các chi ủy còn nhiều bất cập. Tỉnh ủy chủ trương tiến hành một đợt huấn luyện cơ bản cho tất cả các đảng viên mới và các chi ủy viên.
Đã từng là học viên một lớp huấn luyện Đảng viên dự bị trong 7 ngày hồi tháng 3-1945, và một lớp huấn luyện Huyện ủy viên trong 15 ngày hồi tháng 3-1946, tôi có dịp kiểm nghiệm hiệu quả của những điều được truyền thụ qua các lớp đó. Bây giờ lại có dịp ngồi nghiền ngẫm các bài giảng, các tài liệu lý luận mà chúng tôi có trong tay, gạn lọc lấy những gì có sức thuyết phục nhất đối với các đảng viên và những gì bổ ích nhất đối với các mặt hoạt động thực tiễn của họ. Tôi và các cộng sự trong Ban Tuyên huấn thiết kế ra hai chương trình huấn luyện: một chương trình huấn luyện đảng viên mới trong 5 ngày và một chương trình huấn luyện chi ủy viên trong 7 ngày. Ban Tuyên huấn là nơi tập hợp những cán bộ có trình độ học thức cao nhất trong tỉnh hồi bấy giờ (đíp lôm hoặc tú tài) hình thành một đội ngũ huấn luyện viên có sức thuyết phục. Chỉ trong năm 1948 đã có trên 1.000 đảng viên mới và 20 lớp chi ủy viên được huấn luyện cơ bản. Điều này đã nâng cao rõ rệt trình độ chính trị và năng lực công tác của họ, chuẩn bị cho Đảng bộ tỉnh bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt với địch kể từ năm 1950, khi địch mở rộng vùng kiểm soát ra toàn tỉnh.