Ban Tuyên truyền Liên khu ủy IIII
Cuộc bàn giao công việc giữa tôi và Anh Khai, Bí thư Tỉnh ủy, diễn ra chóng vánh. Là Phó bí thư phụ trách vùng địch tạm chiếm, tôi chẳng giữ một tài sản nào, cũng chẳng giữ một hồ sơ nào, vì vậy chẳng có gì để bàn giao. Chỉ nói để anh rõ những chủ trương mà tôi dự định tiến hành và những đánh giá của tôi về số cán bộ chủ chốt của các huyện mà tôi phụ trách. Trước khi chia tay, anh nhân danh Tỉnh ủy tặng tôi một chiếc xe đạp mới coóng nhãn hiệu Sterling (sản xuất tại Pháp) mới mua từ Hà Nội ra. Lịch sử chiếc xe đạp này cũng có điều đáng nói.
Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, toàn dân Việt Nam đã có lời thề “không hợp tác với địch, không tiếp tế cho địch”. Nửa phía Bắc của tỉnh Hưng Yên thuộc vùng địch tạm chiếm. Để thực hiện lời thề “không tiếp tế cho địch”, Tỉnh ủy chúng tôi đã thiết lập một vành đai “bao vây kinh tế địch”, chạy suốt ranh giới vùng địch tạm chiếm từ Đông sang Tây. Dọc vành đai, chúng tôi bố trí các trạm “công an kinh tế” có nhiệm vụ ngăn chặn mọi giao lưu kinh tế giữa vùng tự do và vùng địch tạm chiếm. Ngay sau khi thiết lập vành đai, chúng tôi nhận được phản ánh của nhân dân: tỉnh ta là tỉnh nông nghiệp, sản xuất ra nhiều thóc gạo, lợn gà, nếu không được phép bán vào vùng địch tạm chiếm để đưa đi Hà Nội, Hải Phòng, thì ăn sao hết? Nếu không được phép mua từ vùng địch tạm chiếm thì kiếm đâu ra dầu hỏa thắp sáng, vải mặc, và nhiều mặt hàng công nghiệp khác? Sau nhiều kỳ thảo luận, Tỉnh ủy đi đến kết luận không thể ngăn cấm lưu thông hàng hóa giữa vùng tự do và vùng địch tạm chiếm, nhưng phải kiểm soát. Với mục đích đó, Tỉnh lập ra Ban Kinh – Tài. Tuy nhiên, sự kiểm soát tỏ ra rất kém hiệu quả trước áp lực của thị trường. Cuối cùng, phải dẹp bỏ các trạm “công an kinh tế”. Ban Kinh – Tài chỉ còn lại nhiệm vụ khai thác từ vùng địch tạm chiếm một số sản phẩm cần thiết cho nhân dân vùng tự do như: dầu hỏa thắp sáng, vải mặc, ngoài ra là một số sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các cơ quan tỉnh, huyện như văn phòng phẩm, xe đạp. Chiếc xe đạp mà Tỉnh ủy cấp cho tôi để làm phương tiện công tác ở Liên khu III là trích từ số xe đạp đó.
Từ biệt Văn phòng Tỉnh ủy đóng tại Ân Thi, tôi cưỡi xe đạp đi về hướng thị xã Hưng Yên. Tất cả các con đường liên huyện trong tỉnh đều đã bị băm nát theo hình chữ “chi”, đất đá lổn nhổn, chỉ một quãng đường 30 cây số mà “bò” từ sáng đến nửa buổi chiều mới tới. Thị xã Hưng Yên vắng teo, nhân dân đã tản cư hết về nông thôn, nhà cửa được “tiêu thổ kháng chiến”, trống hơ trống hoác, rêu phong cỏ mọc. Quang cảnh hoang tàn ấy khiến tôi nao lòng nhớ tới biết bao nhiêu lần dân ta đã phải làm vườn không nhà trống trước vó ngựa của quân xâm lược!
Từ thị xã Hưng Yên, tôi qua đò Yên Lệnh, vượt sông Hồng để sang đất Hà Nam. Lúc này, mặt trời đang lặn, không còn lo bắt gặp 2 chiếc Spit-fai của địch thường xuyên bay tuần tra dọc sông Hồng nữa (Anh Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, đã từng bị nạn khi qua con đò này). Sang đến đất Hà Nam, tôi có cảm giác như lọt vào một thế giới khác – yên bình, tĩnh lặng. Không còn tiếng súng nổ lốp đốp. Không còn tiếng rít của xe tăng. Một biển lúa xanh rờn lút tầm mắt. Tôi dựng xe, nằm dài trên vệ đê, tận hưởng cái giây phút an lành mà nhiều năm qua, kể từ cái đêm náo động tiếng tù và ở Gia Viễn, chưa lúc nào tôi được hưởng. Chợt nhớ tới 2 câu thơ Đường:
Túy ngọa sa trường, quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi
(Nếu tôi có say mà nằm trên sa trường thì xin anh đừng cười. Xưa nay đi chinh chiến, mấy ai trở về?).
Trời nhập nhoạng tối. Tôi định tìm một làng ven đường, xin ngủ nhờ. Vừa lúc ấy, có một thanh niên lững thững đi về phía tôi. Chắc hẳn anh ta đi hóng mát. Anh ta dừng lại hỏi: “Trời tối rồi mà anh đi đâu?”. Tôi chỉ tay về dãy núi phía Tây. Anh gật đầu tỏ vẻ hiểu ý. Dãy núi ấy chính là nơi đặt đại bản doanh của các cơ quan Liên khu III. Anh mời tôi vào nhà anh tại một xóm nhỏ ở chân đê. Một ngôi nhà tranh xinh xắn lọt thỏm giữa một vườn cây ăn quả xinh xắn. Gia đình anh thết tôi bữa cơm tối, chẳng thịt cá nhưng ấm cúng. Anh tên là Đào Văn Tập, đang công tác tại Phòng Thông tin huyện Duy Tiên. Tôi không ngờ buổi gặp gỡ tình cờ ấy lại là khởi đầu cho một quá trình hợp tác kéo dài cả một đời người. Hơn 10 năm sau, anh được điều động về Viện Kinh tế mà tôi là Viện trưởng, và sau 15 năm cộng tác, chính anh cũng là người thay tôi làm Viện trưởng khi tôi chuyển sang công tác khác[1].
Người tiếp tôi tại Liên khu ủy III là Anh Nguyễn Văn Trân, Bí thư Liên khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Liên khu. Hồi đó, Ban tuyên huấn của Liên khu ủy được tách thành 2 Ban: Ban Tuyên truyền và Ban Huấn học. Tôi được giao làm Trưởng ban Tuyên truyền dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Liên khu ủy. Anh Lê Quang Đạo, người Trưởng ban tiền nhiệm của tôi, mới chỉ kịp lập ra tờ Tập san của Đảng bộ Liên khu III, có tên là “Kinh nghiệm”. Ban biên tập mới chỉ tập hợp được dăm người. Tôi trực tiếp đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban biên tập và trở thành một trong những cây bút chủ chốt của Tập san. Hồi đi học, tôi có năng lực khá tốt về Văn. Hồi làm Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hưng Yên, tôi đã cho ra mắt tờ Tập san của Tỉnh đảng bộ, lấy tên là “Tiến lên”. Vì vậy, nghề viết văn chính luận đối với tôi không có gì xa lạ. Ngoài việc trực tiếp lo tờ Tập san, Trưởng ban Tuyên truyền còn có trách nhiệm giúp Liên khu ủy theo dõi, chỉ đạo Sở Thông tin Liên khu III và Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán (thực chất là rút vào hoạt động bí mật), Đảng lập ra Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác để công khai tuyên truyền chủ nghĩa Mác và tập hợp các nhà trí thức có cảm tình với Đảng.
Tháng 9 năm 1949, tôi được giao kiêm luôn chức Giám đốc Sở thông tin Liên khu III, thay thế đồng chí Giám đốc cũ được điều lên Trung ương. Sở Thông tin Liên khu III là cơ quan lớn nhất của ngành tuyên truyền và cũng là Sở lớn nhất của Liên khu. Sở có một bộ phận nhận tin từ Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh nước ngoài (giống như Thông tấn xã bây giờ). Đó là nguồn tin tức duy nhất của các cơ quan thuộc Liên khu. Sở cũng có nhà in riêng – nhà in duy nhất của Liên khu. Ngoài mấy chục công nhân nhà in, Sở Thông tin là nơi tụ hội các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ ca nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, và cán bộ chỉ đạo các Ty thông tin của các tỉnh. Thâm nhập được vào các bộ môn nghiệp vụ này để từ đó chỉ đạo nó, phát triển nó, là một nhiệm vụ mới mẻ đối với tôi. Chỉ với bầu nhiệt huyết cách mạng thì chưa đủ. Còn phải có sức làm việc không dưới 16 tiếng mỗi ngày và phương pháp tư duy phân tích, nghiên cứu mới giúp được tôi vươn lên ngang tầm nhiệm vụ.
Công việc chỉ đạo hoạt động của các Ty thông tin các tỉnh, thành phố thuộc Liên khu là một nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Từ ngày “về lại làng quê” để gây dựng phong trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa đến lúc bấy giờ, hiểu biết của tôi chỉ bó hẹp trong phạm vi tỉnh Hưng Yên. Nay phải tìm hiểu 11 tỉnh thành thuộc Liên khu mà nhiều tỉnh tôi chưa đặt chân đến bao giờ, nắm bắt cho được đặc điểm và nhu cầu của mỗi tỉnh, đối với tôi chẳng khác nào từ ngòi ra biển.
Từ ngày nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp, địa bàn nước ta bị chia cắt thành nhiều vùng. Ở Bắc bộ, giặc Pháp chiếm đóng Hà Nội, Hải Phòng và cả vùng nông thôn nối liền 2 thành phố đó cho tới tận miền duyên hải. Các cơ quan trung ương thì đóng tại Việt Bắc, muốn liên hệ với Trung ương phải vượt qua vùng địch tạm chiếm. Vì vậy, việc chỉ đạo các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ được Trung ương giao cho Liên khu III. Liên khu III gồm 11 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh thuộc Hữu ngạn sông Hồng (Sơn Tây, Hà Đông, Hoà Bình, Hà Nam, Ninh Bình) và 6 tỉnh thuộc Tả ngạn sông Hồng (Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Nam Định). Các tỉnh thuộc Liên khu gồm nhiều vùng khác nhau, có vùng tạm chiếm sâu, có vùng du kíchBa
, có vùng căn cứ du kích, có vùng tự do, mỗi vùng có nhiệm vụ khác nhau. Công tác thông tin, tuyên truyền, văn nghệ phải đáp ứng nhiệm vụ của từng vùng và phải có những phương thức thích hợp với từng vùng. Đó là những thách thức lớn đối với tôi.
Từ ngày tôi được cử kiêm chức Giám đốc Sở Thông tin Liên khu III, Anh Nguyễn Văn Trân giao cho tôi nhiệm vụ báo cáo về tình hình thế giới và trong nước trước các kỳ họp hàng tháng của Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Liên khu với các Giám đốc Sở. Là một thanh niên 22 tuổi, dáng vẻ thư sinh (thậm chí chừng nào có vẻ “nhóc con”), đứng trước một dàn cử tọa gồm toàn những vị cán bộ cao cấp của Liên khu, có cả những vị được xem là đại trí thức, đối với tôi quả là một thử thách, phần nào cảm thấy bị “ngợp”. Tôi phải “bò ra” nghiên cứu các điểm nóng của thế giới và toàn cảnh cuộc kháng chiến trong nước để có được những bản thuyết trình có chiều sâu. Nhận được sự hài lòng của cử tọa đã lấy làm mừng lắm rồi!
Cuối năm 1949, đồng chí Xuân Thủy, Chủ nhiệm Báo Cứu quốc, quyết định thành lập một chi nhánh tại Liên khu III, lấy tên là Báo Cứu quốc Liên khu III. Tôi được Liên khu ủy cử làm Chủ nhiệm (ngày nay gọi là Tổng biên tập). Như vậy, với chức danh Trưởng ban Tuyên truyền của Liên khu ủy, tôi phải trực tiếp đứng đầu cả 3 đơn vị trực thuộc: Trưởng Ban biên tập của Tập san Đảng bộ Liên khu III, Giám đốc Sở thông tin và Chủ nhiệm Báo Cứu quốc. Một khối lượng công việc khổng lồ! Khối lượng công việc ấy đã thôi thúc tôi phải vươn lên không ngừng cho ngang tầm nhiệm vụ.
Cuối năm 1950, Đại hội đại biểu của Đảng bộ Liên khu III được triệu tập (Đại hội này diễn ra trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng họp vào đầu năm 1951). Tôi được Liên khu ủy giới thiệu vào danh sách ứng cử vào Ban chấp hành mới, và được cử vào Chủ tịch đoàn của Đại hội. Thực tình tôi chưa bao giờ quan tâm đến chức vụ của mình cao hay thấp, vì từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tôi luôn được đặt vào những chức vụ cao hơn tầm với của mình. Với chức vụ Trưởng ban Tuyên truyền của Liên khu ủy càng như vậy. Nhưng, được Liên khu ủy giới thiệu ra ứng cử mà lại không trúng cử, điều đó khiến cho một số đồng nghiệp trong khối tuyên truyền của tôi băn khoăn. Đối với tôi thì đó là chuyện dễ hiểu, vì phần lớn đại biểu của Đại hội là từ các tỉnh, các huyện cử lên, ai biết mình là ai mà bầu? Nhưng khi các bạn tôi cho biết có đại biểu từ khối tuyên truyền không bầu cho tôi thì tôi giật mình. Người ta cho rằng họ nể phục tôi về công việc, nhưng lại chê tôi là nghiệt ngã. Kiểm điểm lại, tôi cho nhận xét ấy là đúng. Đứng trước một núi công việc, tôi luôn luôn làm việc bằng hai người, nhưng tôi cũng đòi hỏi cán bộ dưới quyền phải làm việc như tôi. Điều đó hiển nhiên là chủ quan, áp đặt. Cuộc bầu cử đã cho tôi một bài học quý giá. Kể từ đó, tôi rất quan tâm sửa chữa tác phong lãnh đạo của mình.
Đầu năm 1950, giặc Pháp mở rộng vùng chiếm đóng ra toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cuộc chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Nhiều cán bộ hy sinh.
Tháng 6 năm đó, tôi nhận được một tin dữ: Em gái tôi Vũ Thị Kính (bí danh hoạt động là Trần Thị Khang) hoạt động ở vùng địch hậu Huyện Phù Cừ đã sa vào tay giặc, bị chúng tra tấn bằng đủ mọi cực hình, cuối cùng, bị chúng giết, vứt xác xuống sông Luộc. Làm cách mạng thì phải chấp nhận hy sinh, tôi luôn xác định như vậy. Nhưng tôi vô cùng xót thương em tôi là phận gái mà phải chịu những cực hình của giặc!
Một năm sau, tháng 6 năm 1951, lại đến tin anh tôi Vũ Văn Nhung (tức Vũ Sơn) tử trận trong chiến dịch Hà – Nam – Ninh (chiến dịch triển khai trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình). Là Trưởng ban Tuyên giáo của Đại đoàn 320, anh tôi trực tiếp bám sát một tiểu đoàn chủ công. Một quả bom na-pan đã ném trúng sở chỉ huy của tiểu đoàn, 2 cán bộ cấp tiểu đoàn trưởng hy sinh, trong đó có anh tôi. Đây là một tổn thất lớn của quân đội ta trong chiến dịch. Nỗi đau xót của tôi nhân lên gấp bội khi tôi nghĩ đến mẹ tôi. Thường ngày mẹ tôi vẫn nói: “Súng nổ đằng Đông, tôi lo đằng Đông, súng nổ đằng Tây, tôi lo đằng Tây. Phương trời nào cũng có con tôi”. Chỉ trong vòng một năm mà nhận được tin 2 con hy sinh, không biết mẹ tôi có chịu đựng nổi không?
Cuối năm 1951, tôi được điều động về Hải Phòng, làm Phó bí thư Thành ủy kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến – Hành chính thành phố. Hải Phòng là tỉnh quan trọng nhất trong số các tỉnh của Liên khu III, vì vị trí chiến lược của nó đối với cả chiến trường Bắc Bộ. Vào thời điểm này, lực lượng cách mạng trong nội thành đã bị tổn thất nặng nề sau những hoạt động “chuẩn bị Tổng phản công” được phát động từ năm 1949. Do bộc lộ lực lượng, nhiều cán bộ cốt cán đã bị giặc bắt, trong đó có anh Đoàn Duy Thành, một bí thư Quận ủy. Gây dựng lại cơ sở cách mạng trong nội thành là nhiệm vụ quan trọng nhất của Thành ủy. Điều khó khăn là ở chỗ hầu hết cán bộ lãnh đạo của Thành phố và các quận nội thành đều bị bật khỏi địa bàn, đang tạm lánh tại “hậu cứ” Hổ Lao. Hổ Lao là một xóm nhỏ núp dưới tán rừng rậm rạp của tỉnh Quảng Yên, cách một con sông nhỏ thì sang đất Thủy Nguyên – một huyện ngoại thành của Hải Phòng. Trong số các Thành ủy viên, chỉ còn một đồng chí còn trụ lại được trong nội thành, đó là anh Phan Hiền, một nhà báo nổi tiếng dưới bút danh “Giết giặc”. Anh trụ lại được là nhờ cái ô che chở của ông bố vợ làm Quận trưởng chính quyền ngụy. Các thành ủy viên khác chỉ có thể ra vào nội thành trong chốc lát, vì hầu hết các cơ sở đã bị lộ, bị bắt. Trước tình hình đó, tôi quyết định phải tìm cách sống hợp pháp ở Hà Nội, để từ đó xuống Hải Phòng, chắp nối các đầu mối nhằm chỉ đạo phong trào.
Để thực hiện ý định đó, tôi nhắn vợ tôi đến Hổ Lao. Hồi đó, vợ tôi đang nuôi con nhỏ mới 13 tháng tuổi tại Thanh Hóa. Vợ tôi gửi con cho ông bà nội, đi bộ nửa tháng, từ Thanh Hóa vòng qua Hòa Bình, Bắc Giang để tới Hổ Lao. Anh vợ tôi là một công chức ở Hà Nội. Tôi giao nhiệm vụ cho vợ tôi vào Hà Nội, gặp anh để thăm dò xem anh có thể giúp tôi giấy tờ hợp pháp ở Hà Nội không. Một giao thông viên dẫn vợ tôi bơi qua sông sang đất Thủy Nguyên, rồi với vai một dân buôn, giấy thông hành giả trong người, vẫy xe khách lên Hà Nội. Sau một thời gian thăm thú tình hình, vợ tôi cho biết: Anh vợ tôi chỉ là một kỹ thuật viên sơ cấp của ngành lục lộ, không có thế lực gì để lo được giấy tờ hợp pháp cho tôi. Và điều quan trọng hơn là: Dân Mỹ Hào ra Hà Nội làm ăn rất đông, chạm trán với họ là chuyện thường ngày. Ai chẳng biết tôi là Việt Minh cỡ “bự”, giấu sao nổi tung tích của mình trong cái thành phố nhỏ hẹp ấy?
Với những thông tin trên, tôi đành từ bỏ ý định sắm vai hợp pháp ở Hà Nội – Hải Phòng.
Từ khi chuyển phương hướng hoạt động ở nội thành, lấy thu gom, bảo vệ và khôi phục lực lượng làm mục tiêu chính, tránh phô trương lực lượng, các cơ sở ở nội thành dần dần hồi phục và phát triển.
Từ “hậu cứ”, tôi cùng các cán bộ công đoàn của Thành phố chỉ đạo cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng đòi tăng lương, cải thiện điều kiện lao động. Về mặt công khai thì nhằm mục đích dân sinh, nhưng ý đồ bên trong là nhằm hạn chế khả năng cung cấp xi măng cho các công trình quân sự của địch. Cuộc đấu tranh kéo dài mấy tháng, cuối cùng giới chủ (người Pháp) phải nhượng bộ.
Đầu năm 1952, một sự kiện phát sinh làm tôi sửng sốt. Anh Trịnh Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Yên, gặp tôi thông báo: Quảng Yên vừa phát hiện một tổ chức nội gián gồm toàn cán bộ kế cận của Tỉnh ủy. Khi thẩm vấn, họ khai ra mạng lưới của họ gồm cả một số cán bộ của Hải Phòng. Anh cung cấp cho tôi danh sách đồng bọn ở Hải Phòng. Lúc này, Anh Khai, Bí thư Thành ủy, đang dự lớp chỉnh huấn ở Việt Bắc. Tôi triệu tập Ban Thường vụ Thành ủy cùng các đồng chí Thành ủy viên, Trưởng Ty Công an, họp bàn. Điểm mặt các nghi phạm thì quả thực có nhiều điều đáng ngờ. Có người đáng ngờ vì liên quan đến các vụ vỡ cơ sở vừa qua, có người đáng ngờ vì có điểm chưa rõ trong lý lịch. Anh Minh, Trưởng Ty Công an, sau khi lắng nghe tất cả các thông tin, phát biểu:
“Không thể xem lời khai của các nghi phạm ở Quảng Yên là chứng cứ. Những điều nghi ngờ của chúng ta cũng chưa có gì gọi là chứng cứ. Mà chứng cứ mới là căn cứ quan trọng nhất để tra xét một vụ án.”
Trước thái độ thận trọng của đồng chí Trưởng Ty Công an, tôi phản bác lại:
“Đây không phải là một vụ án thường, mà là một vụ án nội gián. Nếu chờ cho đủ chứng cứ thì cán bộ ta ở nội thành đã bị bắt hết rồi. Chẳng lẽ cứ phải chờ cho cán bộ ta bị bắt hết rồi mới xem đó là chứng cứ hay sao?”
Anh Minh cũng không có giải pháp nào cho tình thế khó khăn của chúng tôi. Cuối cùng, tôi ký lệnh bắt tạm giam một nghi phạm để khai thác. Đó là đồng chí Chánh văn phòng của Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Thành phố, một đầu mối nắm nhiều thông tin quan trọng và là người nguy hiểm nhất nếu là nội gián. Qua một tuần bị giam giữ, đồng chí này chỉ một mực kêu oan. Chúng tôi bắt tạm giam thêm một nghi phạm thứ hai, đó là đồng chí Bí thư Thành đoàn thanh niên, người nắm nhiều cơ sở trong nội thành. Cũng không nhận được một lời khai nhận nào cả. Tôi hỏi đồng chí Trưởng Ty Công an:
“Anh không có biện pháp nào làm cho họ phải khai nhận hay sao? Thử nhốt họ vào buồng tối, xem họ lỳ lợm được bao lâu”.
Anh Minh đáp: “Nhốt vào buồng tối cũng là một hình thức tra tấn, mà tra tấn là điều mà luật pháp không cho phép”.
Tuy biết vậy, nhưng cuối cùng, anh cũng phải tiếp nhận gợi ý của tôi, vì chính anh cũng cảm thấy bế tắc.
Chỉ mấy ngày sau khi bị giam vào buồng tối, cả 2 người đều khai nhận, mới đầu là vài trang, rồi sau cả trăm trang. Dựa vào lời khai của họ, tôi ký lệnh bắt tạm giam thêm 5 nghi phạm nữa. Tất cả đều khai nhận, từ động cơ bất mãn đến móc nối với nhau như thế nào.
Anh Khai đi dự lớp chỉnh huấn về, đọc những lời khai này, cũng vô cùng sửng sốt. Anh là đảng viên thế hệ 1930, đã công tác lâu năm ở Hải Phòng. Xem xong những bản khai, anh thú nhận: “Té ra lâu nay mình mất cảnh giác quá!”.
Chúng tôi tập hợp hồ sơ vụ án, báo cáo lên Trung ương. Lúc này, Trung ương cũng đang tra xét một vụ án nội gián lớn tại khu căn cứ địa Việt Bắc, có mật danh là “Hát Xăng vanh đơ” (H.122 – phát âm theo tiếng Pháp). Theo chỉ thị của Trung ương, vụ án nội gián của Quảng Yên – Hải Phòng được chuyển giao lên Trung ương. Từ đó, tôi không có điều kiện theo dõi vụ án nữa. Sang năm 1953, tôi được điều động lên Khu Tả Ngạn, rồi năm 1954 được cử đi học ở Trung Quốc, mãi cuối năm 1956 mới về nước. Tôi về thăm lại Hải Phòng thì được biết cả vụ “Hát xăng vanh đơ” lẫn vụ Quảng Yên – Hải Phòng đều được xác minh là nghi oan. Tôi gặp lại các anh em bị bắt, xin lỗi họ. Tôi hỏi: “Các anh không có tội, tại sao lại thú nhận?” Họ trả lời: “Khi bị nhốt vào buồng tối, chúng tôi nghĩ rằng nếu không khai nhận thì sẽ bị nhốt mãi vào buồng tối. Thà khai nhận đi để được đưa ra xét xử, lúc đó sẽ chứng minh là mình vô tội”. Tôi lại hỏi: “Lời khai của các anh dài cả trăm trang, kể rõ cả động cơ ra sao, móc nối với nhau như thế nào, cả tôi và anh Khai đều tin là thật, điều đó phải hiểu như thế nào?” Họ trả lời: “Mới đầu chúng tôi cũng chỉ khai vài trang cho qua chuyện, nhưng anh em Công an họ không chịu, họ đòi phải viết cho rõ ngọn ngành. Viết cho rõ ngọn ngành mà bịa đặt hoàn toàn thì viết sao nổi? Chúng tôi phải dựa vào kinh nghiệm vận động cách mạng của mình mà thêm bớt vào, thành thử chuyện bịa mà như thật”. Lúc này tôi mới thấm thía cái nguyên tắc “chứng cứ” của Anh Minh, Trưởng ty Công an: “Có tội hay không có tội, phải dựa vào chứng cứ. Lời khai không thể xem là chứng cứ”. Vì dựa vào lời khai, không phải một lần mà hai lần (lần đầu là từ anh em Quảng Yên, lần sau là từ anh em Hải Phòng) chúng tôi đã phạm sai lầm.
Đầu năm 1953, Khu Tả Ngạn được thành lập, tách khỏi Liên khu III. Lập ra Khu Tả Ngạn là để chỉ đạo sát phong trào vùng địch tạm chiếm. Đồng chí Đỗ Mười được cử làm Bí thư khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Khu. Tôi được rút từ Hải phòng lên Khu, làm Phó trưởng ban Tuyên huấn của Khu ủy (Trưởng ban do Bí thư khu ủy trực tiếp đảm nhiệm) kiêm Giám đốc Sở Tuyên truyền – Văn nghệ và Chủ nhiệm Báo Cứu quốc Khu Tả Ngạn.
Khu Tả Ngạn gồm 6 tỉnh, thành phố nằm ở tả ngạn sông Hồng. Cả 6 tỉnh nằm gọn trong vùng địch tạm chiếm. Giữa vùng này, lực lượng vũ trang của ta đã lập được một khu căn cứ du kích rộng lớn gồm phía Nam tỉnh Hưng Yên, phía Nam tỉnh Hải Dương và phía Bắc tỉnh Thái Bình. Khu căn cứ du kích này là địa bàn trú quân của các trung đoàn chủ lực, đồng thời là “đại bản doanh” của các cơ quan Khu. Ban Tuyên huấn của tôi, kể cả nhà in, đặt căn cứ tại Khu Tiên – Duyên – Hưng (tên gọi tắt của 3 huyện: Tiên Hưng, Duyên Hà và Hưng Nhân, phía Bắc tỉnh Thái Bình). Giặc Pháp liên tục tổ chức các chiến dịch càn quét, đánh phá khu căn cứ du kích, có những chiến dịch huy động tới 7-8 binh đoàn cơ động, bao vây cả một vùng rộng lớn. Chúng tôi phải liên tục di chuyển cơ quan từ làng này sang làng khác, làng nào cũng phải chuẩn bị sẵn hầm bí mật để cất giấu tài liệu, máy móc, cả hầm bí mật cho người ẩn nấp khi giặc tràn qua. Tuy hoạt động trong vòng vây của địch, ngành tuyên huấn của chúng tôi vẫn triển khai hoạt động ngày càng sôi nổi. Ngay sau khi giặc tràn qua, các lớp bình dân học vụ ban đêm lại sáng đèn như những đàn đom đóm, các chòi phát thanh lại rộn ràng khắp các thôn xóm, các đội chèo lại tưng bừng kèn trống, tờ Báo Cứu quốc lại tiếp tục len lỏi khắp các thôn xóm của vùng căn cứ du kích và các vùng du kích khác. Nền văn hóa tinh thần của nước Việt Nam độc lập tự do chẳng những trụ vững mà ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong vùng địch tạm chiếm.
Đầu năm 1954, tôi được Trung ương quyết định bổ sung vào Khu ủy Tả Ngạn. Quyết định này có thể coi là sự ghi nhận một bước trưởng thành của tôi. So với hồi 1949-1951, khi phụ trách ngành tuyên truyền của Liên khu III, với những công việc na ná như bây giờ, tôi thấy mình thành thạo hơn, năng động sáng tạo hơn, mặc dù hoàn cảnh ác liệt hơn. Đặc biệt về tác phong lãnh đạo, từ một thủ trưởng nghiệt ngã đến mức độc đoán, tôi đã sửa mình thành một nhà lãnh đạo biết lắng nghe, bao dung, gần gũi với mọi người. Điều này có liên quan với một bí danh của tôi.
Nói một chút về cách tôi dùng bí danh.
Từ ngày hoạt động cách mạng, tôi mang nhiều bí danh. Hoạt động ở trường Bưởi và ở quê nhà thì không thể không dùng “tên củ” của mình. Khi chuyển vào hoạt động bí mật, tôi dùng nhiều bí danh mang dáng dấp phụ nữ để đánh lạc hướng theo dõi của mật thám. Khi chuyển khỏi huyện Mỹ Hào, tôi lấy bí danh là Phương. Điều này có liên quan đến một sự kiện. Tôi vốn có tính hài hước, nhiều khi hài hước đến mức châm chọc. Trong Huyện ủy Mỹ Hào, có một nữ đồng chí có tính nói dai, nói dài, giọng dậy đời. Hôm ấy tôi là chủ tọa, tôi nghiêm sắc mặt mà nói: “đề nghị đồng chí không nên cười cợt khi phát biểu”. Đồng chí ấy thanh minh: “Tôi đâu có cười cợt, chẳng qua là vì tôi vổ răng cho nên đồng chí hiểu lầm đó thôi”. Nói rồi bật khóc. Lúc ấy, tôi thấy mình “ác” quá, châm chọc vào đúng cái khuyết tật bẩm sinh của người ta! Tôi quyết định phải sửa cái tính hài hước, châm chọc của mình. Cái bí danh “Phương” ra đời từ đó. Theo phát âm chữ Hán thì Phương có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là “vuông vức”, nghĩa này chỉ tôi mới hiểu. Mỗi lần người ta gọi tôi theo cái bí danh ấy là một lần nhắc tôi phải “vuông vức”: nghiêm chỉnh. Tính hài hước, châm biếm của tôi chỉ còn duy nhất một chỗ để phát huy, đó là chuyên mục “Mũi chông nhọn” mà tôi lập ra sau này trên Báo Cứu quốc Khu Tả Ngạn.
Năm 1951, sau khi biết tin một số cán bộ trong khối tuyên truyền không bầu cho tôi trong Đại hội đại biểu của Đảng bộ Liên khu III, tôi quyết định phải sửa cái tác phong cứng nhắc ấy của mình. Khi chuyển về Hải phòng, tôi lấy bí danh là “Lượng”. Cái tên ấy mỗi khi được nhắc đến là một lần nhắc tôi phải bao dung, độ lượng, chấp nhận tính đa dạng của con người, không được khắt khe, áp đặt. Các cơ quan mà tôi phụ trách ở Liên khu III và Khu Tả Ngạn đều là nơi tụ hội của nhiều văn nghệ sỹ, trí thức, như nhạc sỹ Trần Hoàn, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, nhà báo Hồng Hà, nhà văn Chu Văn. Đã là trí thức văn nghệ sỹ thì đều có đặc tính là phóng khoáng, tự do về tư tưởng, không dung hợp với một tác phong lãnh đạo nghiệt ngã, áp đặt. Sửa được cái tác phong lãnh đạo ấy là một tiến bộ đã giúp tôi đạt được nhiều thành công.
Mấy tháng đầu năm 1954, chiến sự diễn ra ác liệt trên địa bàn Khu Tả Ngạn. Để chia lửa với mặt trận Điện Biên Phủ, lực lượng vũ trang của ta tổ chức nhiều trận đánh, phá vỡ từng mảng đồn bốt của địch, mở rộng vùng tự do giữa lòng địch. Trong không khí tưng bừng của chiến thắng, tôi nhận được lệnh phải tập trung gấp tại trạm liên lạc của Trung ương để đi học ở Trung Quốc. Để chuẩn bị cho việc xây dựng đất nước, Trung ương quyết định đào tạo một lớp cán bộ lý luận có tầm nhìn vĩ mô.
Tôi vượt phòng tuyến sông Hồng vào đúng dịp quân Pháp rút khỏi Thành phố Nam Định để co cụm về Hà Nội. Hàng đoàn xe tải quân sự, xe tăng, xe bọc thép rầm rập chạy trên đê sông Hồng. Phải đợi đến nửa đêm, trạm giao liên mới đưa được tôi qua sông Hồng. Chúng tôi len lỏi tiếp qua vùng địch tạm chiếm trên đất Hà Nam để đến vùng tự do. Sau khi tạm biệt vợ con đang tản cư ở Thanh Hóa, tôi đến trạm liên lạc của Trung ương đóng tại Thái Nguyên. Đến trạm vừa đúng lúc đón nhận tin đại thắng Điện Biên Phủ. Không sao tả xiết nỗi vui mừng của tôi và của những người xung quanh.
Tôi từ biệt chú bộ đội bảo vệ để lên đường sang Trung Quốc. Hơn một năm qua, chú không rời tôi một bước chân, khẩu tiểu liên lúc nào cũng kè kè bên mình, gặp nguy hiểm thì trườn lên trước, vì mạng sống của tôi mà sẵn sàng hy sinh thân mình. Lúc này, tôi thì đi về hướng hòa bình, yên ổn, còn chú thì trở lại với bom rơi đạn nổ. Cả hai đều biết là không thể hẹn ngày gặp lại. Tôi nắm chặt tay chú, trong lòng trào dâng yêu thương, xúc động.
Mãi 30 năm sau, tôi mới tìm lại được chú. Khi sống bên nhau, tôi chỉ biết chú là một thanh niên ít nói nhưng gan lỳ, tên là Chiến, quê ở Kiến Thụy, tỉnh Kiến An. Nhưng “Chiến” chỉ là một bí danh. Còn Kiến Thụy chỉ là tên một huyện. Chú ở xã nào, tôi không để ý. Nhiều lần về Hải Phòng (lúc này Kiến An đã được sáp nhập vào Hải Phòng), tôi dò hỏi về chú nhưng không ai biết. Cuối cùng, tôi đến Công an huyện Đồ Sơn, chỉ vẽ cho họ cách tìm: soát lại danh sách tất cả các thanh niên của huyện Kiến Thụy đã đi bộ đội Khu Tả Ngạn vào thời gian đó, xem ai có bí danh là Chiến. Chỉ một thời gian ngắn, họ đã tìm thấy chú. Khi tôi đến thăm chú ở một xóm nghèo cách Đồ Sơn chừng 20 cây số, chú rất ngỡ ngàng. Hai thầy trò gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Đến bây giờ tôi vẫn còn ân hận vì không có gì để tặng chú, ngoài một bao chè và một phong kẹo lạc. Làm đến chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà không có được một món tiền nho nhỏ giúp chú làm vốn để thoát nghèo!
[1] Đào Văn Tập sinh năm 1927 tại thôn Tường Thụy, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tháng 8-1958, tốt nghiệp Đại học Kinh tế ở Trung Quốc, ông về làm việc tại Văn phòng Chính phủ. Tháng 5-1959, ông chuyển về Viện Kinh tế học. Năm 1960, ông làm Trưởng ban Kinh tế thế giới, thuộc Viện Kinh tế học. Năm 1969, ông được cử làm Phó Viện trưởng Viện Kinh tế học, năm 1976 là quyền Viện trưởng, thay cho ông Trần Phương chuyển công tác. Từ năm 1977 ông là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế học. Ông được phong học hàm Giáo sư kinh tế năm 1980. Từ năm 1982 đến 1985, ông là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Trong thời gian này, ông được cử giữ chức Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Từ năm 1975, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội trong ba khóa 5, 6, 7 và là Ủy viên thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa V và khóa VII; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Kế hoạch và Ngân sách Quốc hội khóa VII.
Ông mất năm 1989 tại Hà Nội. Năm 2016, một đường phố ở khu đô thị mới phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam được mang biển gắn tên ông. Năm 2020, một đường phố mới ở quận Long Biên, Thành phố Hà Nội đã được mang tên Đào Văn Tập.