IV. Học lý luận ở Trung Quốc

Lớp học của tôi gồm hơn  ba chục người, đều là cán bộ cấp tỉnh ủy viên trở lên, đủ mặt Bắc Trung Nam. Anh Bùi Quỳ, Phó trưởng ban Công vận trung ương, được Ban Bí thư chỉ định làm Bí thư chi bộ. Chúng tôi được xếp vào học ở Phân viện II Học viện Mác Lê-nin, tức Trường Đảng cao cấp, trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc. Phân viện I dành cho cán bộ trong nước, còn Phân viện II dành cho cán bộ các Đảng cộng sản nước ngoài. Vì nhiều Đảng còn hoạt động trong vòng bí mật cho nên học viên nước nào chỉ biết nước ấy, không giao dịch với học viên nước khác. Lớp chúng tôi ở một ngôi nhà riêng biệt, giữa một khu vườn. Nhìn các nhà xung quanh thì thấy có người Thái Lan, người Mã Lai, người Niu-di-lân, vv… Khi xuống nhà ăn, cứ nhìn vào cách ăn và món ăn của họ, nghe tiếng nói của họ thì đoán biết được họ thuộc dân tộc nào.

Hồi ấy, Liên Xô là trung tâm của phong trào cộng sản quốc tế. Còn Trung Quốc, nghe nói, được phân công “phụ trách” phong trào cộng sản châu Á và châu Đại Dương. Ý đồ tranh giành vai trò lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tê mãi mấy năm sau mới bộc lộ.

Các học viên nước ngoài được đãi ngộ theo một chế độ rất đặc biệt. Cơm ăn bữa nào cũng như tiệc, gồm đủ 8 món, sữa tươi thì chứa vào thùng, uống thả sức. Mùa đông thì được cấp quần áo dạ, trong khi cán bộ cao cấp của Trung Quốc chỉ mặc quần áo bông. Chủ nhật nào cũng được mời đi xem đá bóng quốc tế, biểu diễn nghệ thuật quốc tế. Kỳ nghỉ hè nào cũng được dẫn đi thăm các danh lam thắng cảnh khắp Trung Quốc. Tôi thầm nghĩ: Tào Tháo đãi Quan Công có lẽ cũng không hơn cung cách khoản đãi này.

Các giáo sư của chúng tôi hầu hết là giáo sư Liên Xô. Họ giảng cho chúng tôi về Triết học Mác – Lênin, về Chính trị kinh tế học Mác – Lênin, về lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô. Giáo sư Trung Quốc chỉ đóng vai phụ đạo. Chỉ đến môn lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc thì mới đến lượt các giáo sư Trung Quốc giảng dạy.

Chúng tôi nghe giảng qua phiên dịch. Người dịch tiếng Nga là anh Đậu Ngọc Xuân và anh Vũ Xuân Tiên, cả hai anh chẳng những thạo tiếng Nga mà nhiều khi còn diễn giải thêm bài giảng của các giáo sư. Khi làm việc với giáo sư Trung Quốc hoặc giao dịch với người Trung Quốc trong sinh hoạt hàng ngày, chúng tôi được sự giúp đỡ rất tận tình của nhiều cán bộ phiên dịch đã từng là Hoa kiều sống ở Việt Nam. Họ thạo tiếng Việt như người Việt.

Lớp học này đối với tôi là một cơ hội tuyệt vời. Nhiều năm nay, tôi khao khát tìm hiểu về Chủ nghĩa Mác – Lênin, về phong trào cộng sản quốc tế. Năm 1942, tôi đã được đọc cuốn “ABC chủ nghĩa cộng sản” và cuốn “Tư bản” tập I. Thực tình, lúc đó tôi chỉ hiểu lõm bõm, vì sách viết bằng tiếng Pháp, lại lủng củng toàn những khái niệm khó hiểu. Bất cứ khi nào vớ được một cuốn sách, một bài báo nói về các khái niệm này, tôi đều ngấu nghiến đọc. Tiếc rằng những cuốn sách, những bài báo loại đó ở nước ta quá hiếm.

Đến lớp học này, tôi được thả sức đọc, chủ yếu là sách của Mác và Ăng-ghen, một số của Lênin và Stalin. Hết giờ học trên lớp, tôi về phòng, đọc cho đến khuya. Tôi phải thỏa thuận với hai anh bạn cùng phòng: họ cứ ngủ, còn tôi dùng ngọn đèn đầu giường để đọc.

Có một chuyện khá buồn cười là có một số đồng chí cùng lớp đưa tôi ra phê bình trước kỳ họp chi bộ. Phê bình là đọc quá nhiều, kể cả ban đêm và các ngày chủ nhật. Anh Bùi Quỳ cũng đồng tình. Anh nói: “Đảng bạn đã tạo mọi điều kiện cho ta nghỉ ngơi, giải trí, đi xem đá bóng quốc tế, biểu diễn nghệ thuật quốc tế. Nếu ta không hưởng ứng thì có nghĩa là phụ lòng Đảng bạn”. Một thứ triết lý bình quân chủ nghĩa, bình quân chủ nghĩa ngay cả trong việc vươn lên chinh phục kiến thức, ngay cả trong cách hưởng thụ! Tôi chỉ im lặng, nhưng vẫn không từ bỏ mục tiêu của mình.

Hồi đó, đọc những cuốn sách của Mao Trạch Đông như Thực tiễn luận, Tân dân chủ, Luận trì cửu chiến (sách đã dịch ra tiếng Việt) tôi mê vô cùng. Tôi quyết định phải học tiếng Trung Quốc để đọc trực tiếp nhiều tác phẩm nữa bằng tiếng Trung Quốc. Chữ Hán thì tôi đã biết võ vẽ khi học nghề thuốc do thầy tôi dạy, hoặc qua những bài thơ Đường mà tôi đã học thuộc lòng. Chỉ qua 6 tháng học, tôi đã sử dụng được tiếng Trung Quốc để đọc trực tiếp cả 3 tập Mao tuyển, vừa đọc vừa ghi bút ký. Sau này mới biết những cuốn sách ấy là do những nhà trí thức hàng đầu của Đảng cộng sản Trung Quốc viết ra, nhưng tên tác giả thì “nhường” cho Mao Trạch Đông.

Sau khi học xong tiếng Trung Quốc, tôi quyết định học thêm tiếng Nga. Tôi không đặt mục tiêu tham vọng là học đến mức sử dụng thành thạo tiếng Nga, mà chỉ cần đọc được sách tiếng Nga với sự trợ giúp của từ điển. Tôi học theo cuốn sách dạy tiếng Nga qua tiếng Pháp của tác giả Nina Pôtapôva. Mãi đến khi kết thúc khóa học, tôi mới học xong cuốn sách giáo khoa này.

Để học tiếng Trung Quốc và tiếng Nga, tôi dùng hệ thống thẻ. Mỗi thẻ chỉ nhỏ bằng một ngón tay, đủ viết một từ cần nhớ trên đó, nhiều thẻ cột lại bằng nịt cao su, đút vào túi, bất cứ lúc nào cần ôn lại thì giở ra xem. Đó là một cách học ngoại ngữ rất hiệu quả, sau này tôi thường khuyên sinh viên dùng cách đó.

Sau các môn học lý luận, đến mục cuối cùng của khóa học là “kiểm điểm tư tưởng”, người Trung Quốc gọi là “chỉnh phong”, khi du nhập vào Việt Nam thì gọi là “chỉnh huấn”. Tôi đã từng dự lớp chỉnh huấn cuối năm 1951 tại Việt Bắc.

Bản kiểm điểm phải trình bày động cơ tư tưởng của mình trước khi tham gia cách mạng, khi tham gia cách mạng, và trong suốt quá trình hoạt động cách mạng. Tôi viết bản kiểm điểm theo đúng yêu cầu, trong đó, tôi nhận mình không có hành vi hay động cơ tư tưởng nào là trái với lý tưởng cách mạng cả. Vị giáo sư Trung Quốc không chấp nhận. Ông ta phán: “Con người ta ai cũng có khuyết điểm, không có khuyết điểm là vô lý. Chẳng lẽ đồng chí không một lần nào sử dụng của công vì lợi ích riêng ư?” Tôi thuật lại câu chuyện nhận chiếc xe đạp từ Tỉnh ủy Hưng yên. Ông ta vồ ngay lấy để phân tích: “Đồng chí bí thư Tỉnh ủy tặng đồng chí chiếc xe đạp công là vô nguyên tắc. Còn đồng chí nhận chiếc xe đạp công cũng là tham ô. Đây là một vụ tham ô tập thể.” Tôi cãi lại: “Tôi nhận chiếc xe đạp là để đi công tác phục vụ cách mạng. Khi chuyển về Hải Phòng, tôi đã tặng lại chiếc xe đạp cho chú liên lạc của Sở thông tin, cũng là để đi công tác phục vụ cách mạng, đâu có vì lợi ích riêng?” Tranh luận cò cưa mãi, cuối cùng tôi đành nhận là “tham ô tập thể”. Nếu không nhận thì mình sẽ bị quy chụp là “thiếu thành khẩn” – một tội được xem là rất nghiêm trọng. Nhận mà trong lòng vẫn không “tâm phục”. Mãi sau này, khi được xem bức thư của Anh Lê Duẩn viết từ miền Nam ra cho Trung ương, trong đó Anh tỏ ý không đồng tình với chủ trương chỉnh huấn, tôi mới giải tỏa được những thắc mắc của mình. Chỉnh huấn hay chỉnh phong chỉ là thủ đoạn áp đặt tư tưởng, truy bức tư tưởng của Mao Trạch Đông.

Hồi công tác ở Liên khu III, tôi được bạn bè cho mượn đọc một số sách văn học Xô Viết viết về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, tôi rất mê. Sang Bắc Kinh, tôi phát hiện cả một kho sách văn học Xô Viết tại các hiệu sách, mà là sách đã được dịch ra tiếng Pháp. Mỗi tháng, chúng tôi được cấp 5 nhân dân tệ để tiêu vặt, tôi dùng toàn bộ số tiền đó để mua sách văn học Xô Viết. Những cuốn sách này đã gieo trong tôi ý tưởng trở thành nhà văn. Khi về nước, tôi khuân lên tàu một hòm nặng toàn loại sách đó.

Ngoài thời gian chinh phục kiến thức, tôi rất quan tâm rèn luyện thân thể. Không có một cơ thể cường tráng thì không thể có sức làm việc. Tôi tập tạ, tập xà đơn, xà kép. Khi mới sang Trung Quốc, tôi chỉ cân nặng 47 kilô, nhưng khi về nước, tôi đã cân nặng 56 kilô, với một bộ ngực lực sỹ. Sau này tôi mới nhận ra rằng mình đã tập lệch. Tôi ít tập chạy, vì vậy, khi về già, đôi chân tôi khổ vì bệnh khớp. Lúc rút ra được kinh nghiệm thì đã muộn!

Năm 1955, tôi nhận được thư vợ tôi báo tin đứa con thứ ba của tôi đã chết vì sưng phổi. Khi tôi từ biệt cháu ở Thanh Hóa, nó mới được 4 tháng tuổi, và rất kháu khỉnh. Tôi day dứt mãi: Giá như tôi không đi Trung Quốc thì khả năng con tôi bị chết vì sưng phổi có thể đã không xảy ra. Vợ tôi, một nách 3 con nhỏ, cơm ăn còn không đủ, lấy đâu ra thuốc cho con? Song nghĩ lại, đặt vấn đề “giá như thế này, giá như thế kia” trong trường hợp con tôi, thật chẳng có ý nghĩa gì. Suy cho cùng, con tôi cũng chỉ là một trong những nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược. Đây là cái tang thứ ba của tôi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, những vết thương không bao giờ lành trong trái tim tôi.