Nhật đảo chính Pháp

Một đêm, chúng tôi giật mình tỉnh dậy vì những tràng liên thanh ràn rạt trên đầu. Nghe xa xa cũng là những tràng liên thanh. Tiếp theo là những tiếng súng trường lốp đốp, lẻ tẻ. Rồi tất cả đều im bặt. Sáng ra đã thấy lính Nhật, súng lăm lăm trong tay, canh gác tất cả các công sở, các đồn binh, các đồn cảnh sát. Lính Pháp và các quan chức người Pháp thì biến đi đâu mất tăm (chúng bị Nhật nhốt lại một chỗ). Như vậy, Nhật đã hất cẳng Pháp để trực tiếp nắm lấy quyền thống trị, quân Pháp chỉ chống cự một cách yếu ớt rồi đầu hàng. Hệ thống cai trị của Pháp phút chốc biến thành con rắn không đầu. Hệ thống kìm kẹp của cảnh sát, mật thám rệu rã trông thấy. Nhân dân bàn tán về Việt Minh gần như công khai trên đường phố! Tin tức về một thằng mật thám đắc lực của Nhật bị Việt Minh bắn chết ở vùng Cầu Giấy càng làm nức lòng nhân dân.

Vài ngày sau đó, nhà in chúng tôi nhận được bản hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh nhan đề “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của ta”, lời lẽ đanh thép, hừng hực khí thế chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Ba thằng chúng tôi lao vào nhân bản tờ hiệu triệu, chưa hết mẻ đã có giao liên trực sẵn để mang đi.

Với tinh thần phấn khích đến cực độ, chúng tôi cũng tự tổ chức thành một đội tán phát tờ hiệu triệu cho khách qua đường từ Cầu Giấy đến Mai Dịch, vào lúc sáng sớm tinh mơ và lúc nhá nhem tối. Chúng tôi biết đó là vi phạm quy tắc bí mật của cơ quan in, nhưng cả thành phố náo nức tinh thần chuẩn bị tổng khởi nghĩa khiến cho chúng tôi cũng không cưỡng lại được. Hai thằng đi trước và đi sau cảnh giới, thằng đi giữa phát truyền đơn và tờ hiệu triệu cho từng người đi đường, những người này tỏ vẻ ngỡ ngàng nhưng đều dúi ngay tài liệu vào túi áo. Nếu không may mà bắt gặp một thằng phản động thì cả ba thằng chúng tôi sẽ xúm lại đánh tháo đồng thời cho nó một trận đòn để đời. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Ảnh hưởng của Việt Minh vang dội cả một vùng Cầu Giấy – Mai Dịch.

Tôi đang lao vào cơn lốc chuẩn bị tổng khởi nghĩa thì anh Chương đến truyền đạt chỉ thị của Thành ủy: bàn giao công việc cho người khác để đi dự một lớp huấn luyện Đảng viên dự bị do Xứ ủy Bắc Kỳ mở. Vài ngày sau, tôi lên đường, lần theo những dấu hiệu quy định để đến địa điểm hẹn. Lớp được mở tại một làng hẻo lánh, được bao bọc bởi một lũy tre dày đặc, trên đường từ thị xã Hà Đông đi Chương Mỹ. Người dẫn đường cho chúng tôi trạc 40 tuổi, người gày gò, xương xẩu. Anh đội khăn xếp, mặc áo the cộc đến đầu gối, quần cháo lòng ống cao ống thấp, chiếc ô đen vác vai treo lủng lẳng vài cái bánh, trông ra vẻ một thầy phó lý đi chơi tỉnh về. Tốp người đi theo anh mỗi lúc một đông, có tới hơn 10 người, người nọ cách người kia chừng mươi mét. Tới địa điểm thì vừa tối mịt. Tôi để ý thấy người đi trước tôi là một cô gái bịt khăn vuông đen nhưng vẫn lộ ra khuôn mặt trắng nõn nà – một vẻ đẹp thị thành không trộn lẫn vào đâu được. Lớp học của chúng tôi khai giảng ngay tối hôm đó. Hơn chục người ngồi quây quần trên 3 cái chiếu trải trên nền đất, chiếc đèn dầu tù mù đặt trước mặt huấn luyện viên. Huấn luyện viên cũng chính là người đón chúng tôi trên mỗi chặng đường để dẫn chúng tôi đến địa điểm huấn luyện. Anh tên là Lý – một bí danh. Mãi mấy năm sau, tôi mới biết anh là Lê Đức Thọ[1], ủy viên thường vụ trung ương Đảng, phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Nguyên tắc bí mật không cho phép chúng tôi hỏi tên ai là gì, tìm hiểu ai là ai. Mãi mấy năm sau, khi gặp nhau trên bước đường công tác, tôi mới biết cùng dự lớp huấn luyện với tôi có anh Hoàng Hữu Nhân, vừa vượt ngục nhà tù Hỏa Lò ra cùng mấy anh nữa. Còn cô con gái xinh đẹp hiếm thấy là chị Thuận, tức Thanh Thủy, con quan huyện, vợ anh Dương Đức Hiền, lãnh tụ sinh viên nổi tiếng thời bấy giờ.

Anh Lý giảng một ngày 3 buổi – sáng, chiều, tối. Anh thuộc lòng những điều anh nói ra, mặc dù trước mặt anh cũng đặt mấy cuốn sách chép tay, nhàu nát, bỏ vừa túi áo. Đến ngày thứ tư, thứ năm, tôi đã thấy anh xuống sức, giọng nói khàn khàn. Nhưng anh vẫn say sưa nói, còn chúng tôi thì say sưa nghe, thấy điều gì anh nói cũng mới mẻ cả, đáng ghi lòng tạc dạ cả. Chỉ đôi chỗ chưa hiểu rõ, chúng tôi mới ngắt lời anh để hỏi. Anh giảng cho chúng tôi về chủ nghĩa Lênin, về cách mạng dân tộc dân chủ, về vấn đề dân cày, về 5 bước công tác – điều tra, tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức, tranh đấu – phải tiến hành như thế nào, về Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của ta…

Trời năm ấy rét căm căm. Mỗi người chỉ có một bộ quần áo, nằm còng queo trên chiếu rải trên nền đất mà ngủ. Đêm nào anh Lý cũng nằm úp thìa với tôi cho đỡ rét. Anh hỏi tôi: Cậu vào Đảng hồi nào? Tôi trả lời: tháng 9 năm 1943, cả Đội Ngô Quyền của tôi đã tuyên thệ trước lá cờ búa liềm. Anh cười bảo: ngày ấy là các cậu kết nạp với nhau, chứ Đảng thì chưa kết nạp các cậu. Cuối lớp học này, mình sẽ thay mặt Đảng kết nạp các cậu. Điều anh hẹn, rất tiếc là không thực hiện được. Cuối ngày thứ bảy, anh triệu tập chúng tôi lại, nói: đáng lẽ lớp chúng ta còn 3 ngày nữa để học về Điều lệ Đảng, về nhiệm vụ người Đảng viên, làm lễ kết nạp các đồng chí vào Đảng và giao công tác cho mỗi đồng chí. Nhưng lớp học của chúng ta đã bị lộ, phải giải tán ngay. Nguyên nhân là vì đám thanh niên ở mấy làng mà chúng tôi đi qua kháo nhau “có một gánh hát đi vào phía trong, không biết hát ở làng nào. Gánh hát có một cô đào xinh ơi là xinh”. Chúng sục sạo đi tìm gánh hát. Bọn lý lịch cũng dỏng tai nghe ngóng.

Sớm ngày hôm sau, anh gọi riêng tôi ra một góc nhà, nói: “Hiện nay, Đảng cần phát động phong trào cách mạng rộng lớn ở nông thôn để chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Cậu có quen vùng nông thôn nào không?”. Tôi đáp: “Vùng nông thôn mà tôi quen nhất chính là quê tôi, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Tôi mới rời quê ra Hà Nội học 3 năm nay thôi”. Anh bóc tờ lịch, xé ra làm đôi, đưa tôi một mảnh, còn mảnh kia thì đút vào túi mình, rồi nói: “Thế thì tốt lắm. Đảng đang cần mở rộng phong trào cách mạng ở vùng ấy. Cậu hãy về quê mở rộng phong trào cách mạng, khi nào có người đến liên lạc thì khớp 2 mảnh lịch này lại để nhận nhau, người đó sẽ nối liên lạc cậu với Đảng”. Chia tay anh, tôi không quay lại cơ quan in báo Hồn nước nữa, mà đi thẳng về Sãi. Tôi quyết định chọn Sãi làm chỗ trú chân của mình để từ đó “tấn công” về làng tôi.

Về đến Sãi, tôi nhắn vợ tôi và em gái tôi đến Sãi để giao việc. Tôi chỉ vẽ cách lựa chọn người thích hợp để đưa vào đội ngũ Việt Minh, cách tuyên truyền giác ngộ đối với từng loại người, khi nào đối tượng đã được giác ngộ thì tôi sẽ trực tiếp về làng để tuyên bố kết nạp họ vào Việt Minh và giao việc. Thông qua vợ tôi và em gái tôi, chị lớn của tôi – chị Nghĩa – cũng trở thành cán bộ Việt Minh đầu tiên ở làng. Chị hơn tôi 10 tuổi, biết rõ gốc tích, lai lịch từng người trong làng và các làng bên. Chị cũng là nhà tuyên truyền Việt Minh rất được tín nhiệm. Chưa đầy một tháng, ba chục nông dân nghèo đã được kết nạp vào Việt Minh. Có lực lượng bảo vệ vững chắc, tôi chuyển hẳn về làng để chỉ đạo phong trào. Lực lượng nòng cốt cách mạng được mở rộng, bao gồm cả anh tôi từ Ninh Bình về và một số công nhân từ Hải Phòng về. Họ bỏ sở làm việc ở thành phố từ ngày Nhật đảo chính Pháp. Tôi cho dán áp phích vào cổng nhà lão lý trưởng, cảnh cáo lão không được thu thóc tạ nộp cho Nhật, không được báo tin cho tri huyện về phong trào Việt Minh, nếu trái lệnh sẽ bị cách mạng trị tội, mà “trị tội” hồi đó có nghĩa là bị bắn. Lão sợ lắm, không dám ngo ngoe. Phong trào cách mạng trong làng hoạt động gần như công khai. Sau bao năm bị áp bức bóc lột, nhất là bị kiệt quệ vì chế độ “thóc tạ”, bị nạn đói “năm Ất Dậu” dồn vào chỗ chết, nông dân giống như một lớp củi khô, chỉ cần bắt lửa cách mạng là cháy bùng lên. Làng tôi có trên một trăm nóc nhà thì gần như nhà nào cũng có người tham gia Việt Minh. Hai làng bên có trên hai trăm nóc nhà cũng vậy. Những người tham gia sớm nhất nay đã thành những cán bộ cốt cán. Chỉ qua một hai ngày huấn luyện, họ đã thành cán bộ chỉ đạo phong trào. Họ phát triển phong trào ra hàng chục làng lân cận. Tôi trở thành người đại diện của Việt Minh trong vùng, quần chúng cách mạng tìm đến tôi để yêu cầu tổ chức họ lại và giao việc cách mạng cho họ. Những điều mà anh Lý dạy tôi qua 7 ngày huấn luyện quả thực đã trở thành “bảo bối” của tôi, giúp tôi triển khai hoạt động một cách bài bản. Tôi tổ chức ra các đoàn thể cách mạng: Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thiếu niên cứu quốc, Tự vệ chiến đấu… và cử cán bộ cốt cán đứng đầu các tổ chức đó. Nhiều xã trong vùng đã lập được Ủy ban Việt Minh xã. Nhiều người mang súng đến tặng hoặc bán cho chúng tôi. Đó là những khẩu súng trường của lính khố đỏ bỏ ngũ, là những khẩu súng ăn cắp được từ các kho của lính Nhật. Trung đội tự vệ chiến đấu của làng Đệu được trang bị trên một chục khẩu súng trường đủ kiểu, đêm đêm tập luyện quân sự rộn rịp. Cán bộ quân sự thì chúng tôi không thiếu. Họ đã từng là lính khố đỏ, là cai đội trong quân đội của Pháp, nay gia nhập hàng ngũ cách mạng.

Sang tháng Năm, có người đến tìm tôi. Chúng tôi khớp hai mảnh tờ lịch lại để nhận nhau. Anh dẫn tôi đến gặp anh Duy, sau này lấy tên là Nguyễn Chương, người được Tỉnh ủy Hưng Yên giao phụ trách phong trào huyện Mỹ Hào. Anh cũng mới vượt ngục từ nhà tù Hỏa Lò ra hôm Nhật đảo chính Pháp. Anh Duy triệu tập tôi và anh Cừ để thành lập Ủy ban Việt Minh huyện do anh đứng đầu. Ba người phân công nhau phụ trách mỗi người một vùng. Anh Cừ quê ở Bần, lâu nay gây dựng phong trào ở Bần, thì phụ trách các xã quanh vùng Bần. Anh Duy phụ trách các xã trung tâm Huyện, trong đó có Huyện lỵ. Còn tôi thì phụ trách vùng đông nam Huyện, trong đó có làng tôi. Mỗi vùng đều có một số làng có phong trào mạnh, đó là những nguồn cán bộ cốt cán để mở rộng phong trào ra toàn vùng. Ủy ban Việt Minh huyện đã có một số quyết định quan trọng:

  • Mở rộng phong trào Việt Minh ra tất cả các xã, thanh toán tình trạng xôi đỗ. Mạnh dạn đề bạt cán bộ để lãnh đạo phong trào. Chỉ hơn một tháng sau, đội ngũ “cán sự Việt Minh huyện” tức là lớp cán bộ kế cận Ủy ban Việt Minh huyện, đã lên tới gần trăm người.
  • Tổ chức ở mỗi vùng một cuộc mít tinh lớn (vào ban đêm) để gây thanh thế.
  • Giành giật quần chúng với Đảng Đại Việt thân Nhật, đánh bật chúng ra khỏi huyện. Trấn áp bọn tay sai đắc lực cho Nhật. Trừng trị 2 tên để làm gương.
  • Tổ chức một số cuộc phá kho thóc của Nhật, phát cho dân để cứu đói.
  • Trang bị súng và giáo mác cho Tự vệ. Ráo riết tập luyện quân sự. Tổ chức một trận phục kích nhằm vào một tốp lính huyện về làng đốc nộp thóc tạ, tước súng của chúng để võ trang cho Tự vệ.

Những hoạt động nêu trên tác động dây chuyền với nhau, làm cho thanh thế của Việt Minh “nổi như cồn”, hệ thống chính quyền cấp xã của địch trong toàn huyện co rúm lại.

[1]  Lê Đức Thọ (1911-1990) tên thật là Phan Đình Khải sinh tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông hoạt động cách mạng từ năm 1926, được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng năm 1929. Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo. Năm 1936-1939, ông ra tù tiếp tục hoạt động ở Nam Định.Từ năm 1939-1944, ông lại bị địch bắt và bị tù tại các nhà tù Hà Nội, Sơn La và Hòa Bình. Tháng 9-1944, ông ra tù, được Trung ương Đảng giao phụ trách công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ. được chỉ định là ủy viên Trung ương Đảng và trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 8-1945, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, ông được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Từ năm 1948, ông vào miền Nam làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Những năm 1949-1954, ông giữ chức vụ Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam. Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, được bổ sung vào Bộ Chính trj, làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương; từ tháng 11-1956 đến năm 1961 kiêm Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương.

Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, ông được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đến tháng 5-1968, được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pari bàn về lập lại hòa bình ở Việt Nam và trực tiếp đàm phán riêng với đại diện của Chính phủ Mỹ. Đối đầu trực diện với những người cầm đầu chính sách ngoại giao – chính trị – quân sự của Mỹ, ông được thế giới biết đến là nhà chính trị cương quyết, nhà ngoại giao tài ba – người có vai trò đặc biệt to lớn đối với kết quả thắng lợi của Việt Nam tại bàn đàm phán ở Hội nghị Pari.

Cuối tháng 3-1975, ông vào chiến trường trực tiếp cùng Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng.

Tại Đại hội Đảng lần thứ IV (12-1976) và thứ V (3-1982), ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Ông mất ngày 13-10-1990 tại Hà Nội.

Ông Lê Đức Thọ là một trong những học trò xuất sắc và cộng sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu có nhiều cống hiến vô cùng to lớn cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tổ chức phát triển và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.