Tổng khởi nghĩa

Ngày 15 tháng Tám, có tin Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.

Ngày 17 tháng Tám, nhằm lúc lính huyện canh gác sơ hở, anh Duy huy động một tốp tự vệ chiến đấu đột nhập vào huyện đường, tước súng của lính, bắt trói tên tri huyện tay sai đắc lực của Nhật, đem ra cổng huyện xử bắn. Viên huấn đạo mật thám đắc lực của Nhật cũng thuộc diện phải “khử”, ngay ngày hôm đó trốn biệt tăm. Chính quyền của địch trong toàn huyện như rắn không đầu.

Đập tan chính quyền huyện xong, chúng tôi cũng không biết phải làm tiếp việc gì nữa, vì không thể lập ngay chính quyền cách mạng tại một địa điểm mà quân đội Nhật qua lại hàng ngày.

Sự lúng túng của chúng tôi không kéo dài. Chiều ngày 18, chúng tôi nhận được lệnh phá sập 2 chiếc cầu trên đường Hà Nội Hải Phòng – Cầu Bần và Cầu Lường – để ngăn quân tiếp viện của Nhật từ Hải Phòng lên, bảo vệ cho Hà Nội nổi dậy cướp chính quyền vào ngày hôm sau.

Phối hợp với cuộc nổi dậy ở Hà Nội, Tỉnh bộ Việt Minh Hưng Yên cũng quyết định tổ chức cướp chính quyền Tỉnh vào ngày hôm sau. Huyện Mỹ Hào được giao nhiệm vụ huy động quần chúng vũ trang kéo về tỉnh lỵ để hợp sức với quần chúng các huyện khác.

Tôi được phân công chỉ huy phá cầu Lường từ Hải Phòng lên, còn anh Cừ được phân công chỉ huy phá cầu Bần từ Hà Nội xuống. Hàng nghìn quần chúng cách mạng được huy động lên đường số 5 từ chập tối, làm việc đến gần sáng. Chỉ với xẻng, cuốc, búa, cuốc chim, họ đã phá sập một mố cầu, làm cho tấm bê tông dầm cầu chúc xuống một bên.

Sớm tinh mơ ngày 19, tôi đạp xe từ nhà lên huyện để cùng anh Duy, anh Cừ dẫn đoàn biểu tình của huyện lên tỉnh. Vừa ra đến chợ Bạc thì đội tự vệ gác cầu Lường báo cáo: có một chiếc ô tô con, màu đen, đi từ phía Hải Phòng lên. Khám xe thì thấy một viên sĩ quan Nhật, đeo gươm. Không thể bỏ việc dẫn “đoàn quân” của mình vào tỉnh cướp chính quyền, tôi ra lệnh: hãy khám xét vũ khí của viên sĩ quan, tước lấy cái kiếm của nó, tạm giữ nó ở một gian nhà gạch của một cửa hàng bách hóa ở chợ Bạc, giao cho một tự vệ canh gác, chờ tôi đi cướp chính quyền tỉnh về, sẽ hỏi cấp trên cách xử lý ra sao. Mọi việc diễn ra chóng vánh. Tôi đạp xe lên huyện, vứt xe một chỗ, rồi nhập vào đoàn biểu tình của huyện đã đông nghịt, súng ống chỉnh tề, giáo mác, mã tấu sáng loáng. Cả một dòng thác người dài gần một cây số, sát khí đằng đằng, kéo về đường 39 hướng tới tỉnh lỵ. Đoàn biểu tình đến đầu huyện Yên Mỹ thì thấy súng nổ dữ dội phía đường số 5, quãng chợ Bạc. Anh Duy và anh Cừ tìm tôi, vẻ lo lắng. Cả ba chúng tôi đều chẳng hiểu việc gì đang xảy ra. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất: anh Duy và anh Cừ tiếp tục dẫn đoàn biểu tình vào tỉnh cướp chính quyền, còn tôi quay lại xem việc gì đã xảy ra và tìm cách xử lý. Tôi hớt hải chạy bộ một quãng rồi vớ được một chiếc xe đạp, cắm cổ đạp về phía chợ Bạc. Đến nơi thì tiếng súng đã im, bọn Nhật đã đi về phía Hải Phòng. Tôi chỉ còn kịp huy động tự vệ và dân mấy làng xung quanh để hợp sức với làng Bạc chữa cháy và khiêng người chết đi chôn. Hiện tượng mà mọi người nhìn thấy được thuật lại như sau: Khi đoàn biểu tình của Huyện đã rẽ vào đường 39 một lúc lâu thì một đoàn ô tô tải – khoảng chục chiếc – chở đầy lính Nhật đi từ phía Hà Nội xuống. (Sau này được biết chúng đã vượt qua được cầu Bần một cách dễ dàng vì cầu chỉ bị đánh gục xuống một phía). Khi đoàn xe đến chợ Bạc thì viên sĩ quan Nhật chạy ào từ trong nhà ra. Chúng nói với nhau cái gì chẳng hiểu, nhưng ngay sau đó, viên sĩ quan cầm đầu bọn lính Nhật rút súng bắn chết ngay đồng chí tự vệ canh gác. Rồi chúng ùa vào làng Bạc bắt dân ra lấp đoạn cầu Lường bị đánh sập. Trước khi lên xe đi về phía Hải Phòng, chúng xả súng bắn bừa bãi vào làng Bạc làm nhiều nhà bị cháy, 16 người bị chết. Hiện tượng thì như thế, nhưng tôi không hiểu: tại sao bọn Nhật lại đi được trót lọt từ Hà Nội về đây – một đoạn đường dài 30 cây số, trong khi Tổng bộ Việt Minh đã ra lệnh cắt đứt đoạn đường này? Đoàn lính Nhật từ Hà Nội xuống có phải vì mục đích giải cứu viên sĩ quan Nhật bị chúng tôi bắt giữ, hay là chỉ tình cờ gặp viên sĩ quan này trên đường đi Hải Phòng? Chúng tôi chỉ tước vũ khí và tạm giữ viên sĩ quan Nhật, có hành động đối xử nào tàn bạo với hắn đâu? Vậy thì vì lẽ gì bọn lính Nhật có thái độ trả thù dã man như vậy?

Tôi không cắt nghĩa được thì dân làng Bạc càng không cắt nghĩa được. Họ chỉ nhìn vào hiện tượng để kết luận: tại vì cán bộ Việt Minh ra lệnh phá cầu Lường và bắt giữ viên sĩ quan Nhật cho nên chúng mới trả thù. Vụ kiện được đưa lên Tổng bộ Việt Minh. Phải mấy tháng sau, Tổng bộ Việt Minh mới cử một đoàn điều tra về làm rõ. Đoàn đã triệu tập dân lại, tuyên bố:

Việc phá cầu Bần và cầu Lường là theo lệnh của Tổng bộ Việt Minh.

Việc tước vũ khí và tạm giữ viên sĩ quan Nhật là làm theo đúng chính sách của Tổng bộ Việt Minh.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc là: Ngày 18, Tổng bộ Việt Minh chưa biết thái độ của quân đội Nhật đối với cuộc nổi dậy của nhân dân Hà Nội ra sao, vì vậy đã ra lệnh cắt đứt mọi con đường dẫn về Hà Nội. Sáng ngày 19, Bộ tư lệnh quân đội Nhật mới tỏ thái độ “không can thiệp vào cuộc nổi dậy của nhân dân Hà Nội”, còn phía ta thì cũng thỏa thuận không can thiệp vào việc đi lại của quân đội Nhật. Nhưng Tổng bộ đã không kịp báo cho huyện Mỹ Hào dỡ bỏ rào cản trên đường Hà Nội – Hải Phòng. Vì thế mà xảy ra hiểu lầm về phía Nhật. Cũng có thể còn do bản chất dã man tàn bạo của quân đội Nhật là một đội quân xâm lược, nhất là trong lúc chúng đang cay cú vì phải đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.

Buổi chiều ngày 19, đoàn biểu tình từ tỉnh về hớn hở khoe: Đội tự vệ chiến đấu của làng ta luôn luôn trong tư thế sẵn sàng nổ súng. Tự vệ của tất cả các huyện tập hợp lại đông tới hàng vạn người, giáo mác như rừng, vây chặt các công sở vòng trong vòng ngoài. Bọn quan lại đầu tỉnh khiếp vía phải ra lệnh cho lính khố xanh nộp súng đầu hàng, không dám bắn một viên đạn.

Sáng ngày 20, chúng tôi họp Ủy ban Việt Minh huyện để thành lập chính quyền cách mạng huyện. Theo chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh thì cần chọn “thân hào”, trí thức đưa vào Ủy ban cách mạng lâm thời huyện, còn cán bộ Việt Minh giữ vai trò lãnh đạo, nhưng về mặt công khai, chỉ nên giữ chức vụ thứ yếu. Chúng tôi chọn viên chánh hội làng Bần – làng lớn nhất trong huyện – làm chủ tịch, còn các ủy viên thì toàn là các nhà trí thức có trình độ cao nhất huyện hồi bấy giờ: hiệu trưởng trường tiểu học của huyện, viên chức địa chính của huyện, y tá trưởng của trạm y tế huyện, một viên chức ngân hàng ở Hà Nội xuất thân từ một gia đình tư sản – địa chủ lớn trong huyện, một viên chức xuất thân từ trường kỹ nghệ thực hành, tất cả đều là hội viên Việt Minh hoặc là cảm tình của Việt Minh. Tôi cũng chỉ giữ chức vụ ủy viên trong Ủy ban cách mạng lâm thời huyện, nhưng là bí thư Việt Minh đoàn. Từ chủ tịch đến các ủy viên trong Ủy ban huyện đều là thành viên Việt Minh đoàn, do tôi làm bí thư, điều đó có nghĩa là mọi việc của Ủy ban đều phải do tôi sắp đặt. Ủy ban cách mạng lâm thời huyện lấy ngay công đường của viên tri huyện làm trụ sở.

Những ngày tiếp theo là những ngày vô cùng sôi động. Từng đoàn “đại diện của Ủy ban cách mạng lâm thời huyện” do tôi hoặc anh Cừ dẫn đầu được cử về các xã, trống dong cờ mở, triệu tập nhân dân lại chứng kiến việc giải thể chính quyền cấp xã của Pháp – Nhật. Bọn lý dịch lâu nay hống hách là thế, nay khúm núm đem nộp triện bạ cho chính quyền cách mạng. Danh sách những người được cử vào các chức vụ của chính quyền cách mạng cấp xã được trịnh trọng công bố. Các đoàn thể Việt Minh ra mắt công khai trước dân làng. Đội tự vệ chiến đấu, súng ống giáo mác chỉnh tề, phô diễn lực lượng. Các đội thiếu niên nhi đồng hát vang những bài ca cách mạng. Một không khí ngày hội tưng bừng bao trùm lên toàn huyện. Có sống dưới chế độ nghẹt thở của Pháp – Nhật mới cảm nhận thấy hết giá trị của bầu không khí “giải phóng dân tộc” những ngày tháng Tám này!