Sang đầu tháng Chín, công việc bận rộn của những ngày Tổng khởi nghĩa lắng dịu dần, anh Duy mời tôi sang trụ sở Huyện bộ Việt Minh. Huyện bộ Việt Minh đóng tại trụ sở của viên Huấn đạo mật thám đã trốn thoát. Trên tường phòng họp đã treo sẵn lá cờ búa liềm bên cạnh lá cờ đỏ sao vàng. Chỉ có anh Duy và tôi. Với vẻ trịnh trọng khác thường, anh nói:
“Xứ ủy Bắc Kỳ đã có giấy giới thiệu đồng chí vào Đảng từ lâu. Nhưng công việc tổng khởi nghĩa bận rộn, hôm nay chúng ta mới có điều kiện tiến hành thủ tục kết nạp. Tôi được phép thay mặt Tỉnh ủy tuyên bố kết nạp đồng chí vào Đảng theo giấy giới thiệu của Xứ ủy Bắc Kỳ”.
Anh nói thêm một số điều về nhiệm vụ Đảng viên. Rồi cả 2 người quay mặt vào cờ Đảng, giơ tay chào theo kiểu cộng sản. Tôi tuyên thệ: suốt đời trung thành với lý tưởng của Đảng.
Sau phần thủ tục, chúng tôi bàn tiếp việc phát triển đảng viên mới. Trong vùng tôi phụ trách, có tới vài chục phần tử cốt cán đã được thử thách qua phong trào tổng khởi nghĩa. Chúng tôi thống nhất bước đầu hãy chọn 4 người để lập một chi bộ ghép của 3 xã Xuân Đào, Xuân Bản, Xuân Nhân (sau này hợp nhất thành xã Xuân Dục) do tôi làm bí thư chi bộ. Ngay ngày hôm sau, tôi triệu tập những đồng chí được chọn để tuyên bố kết nạp họ vào Đảng và thành lập chi bộ.
Anh Duy cũng nhân danh Tỉnh ủy kết nạp đảng viên mới và thành lập chi bộ ở vùng Bần và vùng Trung tâm huyện.
Sang tháng 11, Đại hội Đảng bộ huyện được triệu tập. Tổng số đảng viên của Đảng bộ huyện lúc này đã lên đến trên 20 người. Đó chính là những phần tử trung kiên nhất đã cùng Ủy ban Việt Minh huyện lãnh đạo cuộc cách mạng tháng Tám ở huyện Mỹ Hào.
Đại hội Đảng bộ bầu ra Ủy ban chấp hành Đảng bộ huyện, gọi tắt là Huyện ủy, gồm 7 người. Huyện ủy bầu anh Duy làm bí thư, anh Cừ và tôi làm ủy viên thường vụ. Ngay sau Đại hội Đảng bộ Huyện, anh Duy biến đi đâu cả chục ngày. Khi anh trở về thì chỉ là để từ biệt chúng tôi, vì anh đã được Hội nghị cán bộ của Xứ ủy Bắc Kỳ bổ sung vào Xứ ủy, và được Xứ ủy phân công phụ trách hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Theo quyết định của Tỉnh ủy, anh bàn giao chức vụ bí thư Huyện ủy cho anh Cừ. Chưa ngồi ấm chỗ, chỉ vài tuần sau, đến lượt anh Cừ tìm tôi để từ biệt. Anh được điều đi Tiên Lữ làm bí thư Huyện ủy. Tỉnh ủy quyết định cử tôi thay anh Cừ làm bí thư Huyện ủy. Một loạt cán bộ khác của huyện Mỹ Hào cũng được điều đi tăng cường cho các huyện khác, bởi Mỹ Hào là một trong 3 huyện ở phía Bắc tỉnh, gọi là “khu Bãi Sậy”, có phong trào cách mạng mạnh, do đó, trở thành nguồn cung cấp cán bộ cho Tỉnh.
Hồi đó, Đảng Cộng sản chưa ra công khai. Đảng nhân danh Việt Minh để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đảm nhiệm chức vụ Bí thư Huyện ủy thì về mặt công khai có nghĩa là đảm nhiệm chức vụ Bí thư Huyện bộ Việt Minh. Đã đảm nhiệm chức vụ có quyền lực cao nhất trong huyện rồi thì có nên giữ cả chức vụ “bí thư Việt Minh đoàn” trong chính quyền huyện hay không? Tôi cân nhắc mãi, cuối cùng quyết định kiêm cả 2 chức, vì trước mắt, thấy khối lượng công việc của chính quyền rất lớn, không chỉ đạo sát sao thì có thể xảy ra sơ xuất, bất lợi cho cách mạng. Sau này mới vỡ lẽ ra rằng: sau khi giành được chính quyền thì củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng lại là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ mà người lãnh đạo không được phép lơi lỏng một phút nào.
Điều làm tôi dần dần giác ngộ ra chân lý đó là sự ngóc đầu dậy của bọn cường hào lý dịch, và tiếp sau là hoạt động tranh giành chính quyền của các đảng phái phản động.
Bọn cường hào lý dịch là một lực lượng xã hội rất ngoan cố, rất gian ngoan, xảo quyệt, đã có kinh nghiệm lâu đời thống trị, kìm kẹp nhân dân. Chúng không dễ gì từ bỏ địa vị xã hội “ăn trên ngồi trốc” của chúng. Khi cao trào khởi nghĩa dâng lên thì chúng khôn khéo co lại, thậm chí khúm núm phục tùng, nhưng chỉ một vài tháng sau, chúng bắt đầu ngóc đầu dậy: tung tin thất thiệt gây hoang mang trong nhân dân, vu cáo đả kích cán bộ cách mạng, “đâm bị thóc chọc bị gạo”, kéo bè kéo cánh họ tộc này, thôn xóm kia, mục đích cuối cùng là nhằm cô lập, lật đổ những cốt cán cách mạng mà hầu hết là thanh niên xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo. Hiện tượng này rõ ràng mang màu sắc đấu tranh giai cấp ở nông thôn. Ở bất cứ xã nào sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng xuất hiện tình hình đó. Nếu Huyện bộ Việt Minh thiếu tỉnh táo, thiếu đi sát quần chúng thì rất dễ mắc mưu bọn cường hào, cầm roi mà quất vào chính mình.
Khi quân “Tàu Tưởng” vào Việt Nam rồi tiếp đến, quân Pháp vào Hải Phòng và Hà Nội thì trong đám cường hào lý dịch thấy bộc lộ rõ thái độ hí hửng, có kẻ còn bóng gió đe nẹt cán bộ Việt Minh. Đối với chúng thì địa vị thống trị của chúng còn quan trọng hơn cả vận mệnh của Tổ quốc.
Đầu năm 1946, đảng “Việt Cách” của Nguyễn Hải Thần và đảng “Việt Quốc” của Nguyễn Tường Tam theo chân quân “Tàu Tưởng” dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào nước ta tước vũ khí quân đội Nhật. Bọn chúng âm mưu dựa vào ngoại bang để tranh giành chính quyền với Việt Minh. Chúng cho tay chân lập trụ sở ở Bần, hàng ngày phát loa vu cáo Việt Minh, len lỏi vào một số làng câu kết với bọn cường hào chống phá chính quyền cách mạng. Một cuộc đấu tranh quyết liệt với các đảng phái phản cách mạng đã diễn ra. Hai cuộc mít tinh khổng lồ đã được triệu tập tại Bần và huyện lỵ Mỹ Hào. Trước hàng vạn quần chúng cách mạng hừng hực khí thế của cuộc Tổng khởi nghĩa, tôi đã nhân danh Việt Minh vạch trần chân tướng và những luận điệu bịp bợm của bọn chúng. Sau hai cuộc biểu dương lực lượng này, bọn đảng phái phản động lẳng lặng cuốn cờ, chạy bán sới khỏi đất Mỹ Hào.
Về phía nhân dân, rất nhiều mâu thuẫn, tranh chấp được đưa lên chính quyền huyện. Phần lớn các vụ kiện đều liên quan đến hành vi ức hiếp, cướp bóc của bọn cường hào trước ngày cách mạng thành công, điển hình là những mâu thuẫn liên quan đến việc phân phối sử dụng ruộng đất công. Hầu như làng nào cũng có ruộng công và đất công. Việc phân phối ruộng đất công trước đây do cánh cường hào lý dịch chi phối. Sau ngày cách mạng thành công, nông dân ý thức được quyền bình đẳng của mình, đã moi ra những vụ hà lạm và đòi xem xét lại việc phân phối ruộng đất công. Thường thì chính quyền xã không đủ năng lực giải quyết những vụ việc lớn như vậy, mà đưa lên chính quyền huyện.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thì đã thành công, nhưng cuộc cách mạng thì vẫn tiếp tục ăn sâu, lan rộng. Các đoàn thể cứu quốc tiếp tục thu hút hội viên, nâng cao ý thức giác ngộ cho hội viên, đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho hội viên. Các đội tự vệ chiến đấu thì tiếp tục tăng cường lực lượng, bổ sung trang bị, đêm đêm say sưa tập luyện quân sự. Các bà, các cô í ới gọi nhau đến các lớp bình dân học vụ, tay cầm đèn như những đàn đom đóm. Thiếu niên nhi đồng thì thỏa thích ca hát cả ngày lẫn đêm. Tất cả các hoạt động đó đã “Việt Minh hóa”, cách mạng hóa nông dân từng ngày. Bầu không khí “được cởi trói” tràn ngập nông thôn. Một cuộc cách mạng thật sự đã làm cho đất nước trẻ lại.