Ông tổ họ Vũ làng Xuân Đào, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên – dòng họ của tôi – đến sinh cơ lập nghiệp ở làng Xuân Đào cách đây khoảng 300 năm (trước hoặc sau năm 1700). Thời đó, làng Xuân Đào “không có chữ” (không có người biết chữ) phải mời thầy ở nơi khác về dạy. Thầy quê ở làng nào, không sách vở nào ghi chép. Thầy tôi chỉ nghe các cụ truyền lại là thầy quê ở vùng Mộ Trạch. Điều đó có thể hiểu là làng Mộ Trạch hoặc một làng ở gần đó có đông người họ Vũ sinh sống. Làng Mộ Trạch cách làng Xuân Đào chưa đến nửa ngày đường (là làng nổi tiếng có nhiều người đỗ đạt thời phong kiến).
Thầy ngồi dạy học ở làng Xuân Đào, rồi lấy vợ người làng, định cư luôn ở đó. Thầy hẳn là người có học thức rộng vì con thầy và là học trò của thầy đã đỗ Hương cống (tức Cử nhân), làm quan đến chức Tả thị lang (ngày nay tương đương Thứ trưởng thứ nhất) được vua ban tước Hầu. Đó là đời thứ hai.
Cụ tổ đời thứ ba không đỗ đạt gì, nhưng hẳn là người có học thức cao về y dược nên được vời vào Triều làm quan Ngự y, cai quản cả tả hữu y viện của Triều đình, được vua ban tước Bá và được phong tặng một vùng đất cao ở làng làm nơi mộ táng.
Cụ tổ đời thứ tư đỗ Hương cống. Đến đời thứ năm thì chỉ người con thứ đỗ Hương cống. Đời thứ sáu là ông nội tôi, không đỗ đạt gì, chỉ là một thầy lang.
… Thầy tôi – đời thứ bảy – lúc còn trẻ đã từng “ngồi dạy học” ở nhiều làng trong vùng. Thầy tôi dạy cả chữ Nho, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Người ta gọi thầy tôi là ông Khóa vì ông đậu Khóa Sinh. Đã một lần lều chõng đi thi, mong kiếm được cái danh ông Cử, ông Tú. Chưa kịp thi thố tài năng lần thứ hai thì chính quyền Pháp bãi bỏ các kỳ thi bằng chữ Hán. Thế là thầy tôi rơi vào tình trạng hẫng hụt. Sau này tôi mới hiểu được nỗi thất vọng cay đắng của thầy tôi. Ông xuất thân từ một dòng họ trí thức Hán học, lấy tri thức làm nghề sinh sống và con đường tiến thân, từ nhỏ đã lao vào đèn sách, với hy vọng đỗ ông Cử, ông Nghè để ra làm quan. Vậy mà con đường khoa bảng đã bị chặn đứng khi thầy tôi mới kịp bước lên bậc thang đầu tiên là Khóa sinh.
Như vậy, họ Vũ làng Xuân Đào, đến đời thầy tôi là bảy đời, đã có bốn đời đỗ đạt, làm quan, những người không đỗ đạt thì phần lớn làm thầy đồ, thầy lang, thầy khóa – một nghề nghiệp lao động trí óc. Đây phải chăng là dấu hiệu truyền thống của một dòng họ?
…. Từ lâu trước khi nghỉ hưu, tôi đã tính đến chuyện “làm gì khi nghỉ hưu”, nếu sức khỏe chưa đến nỗi tồi? Năm 16 tuổi, khi quyết định dấn thân vào con đường cứu nước, tôi đã chuẩn bị tinh thần là mình sẽ hy sinh trước tuổi 20. Vậy mà ngày nay, khi đã giành được Độc lập và Hòa bình rồi, cớ gì lại không tiếp tục cống hiến cho đất nước? Cống hiến bằng cách gì? Tôi cho rằng nghề dạy học là nghề thích hợp đối với tôi hơn cả. Nghề dạy học là một nghề cho phép tự nhân mình lên nhiều lần. Với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy cả một đời người, nếu truyền thụ cho lớp trẻ thì cống hiến ắt không phải là nhỏ.
Tôi có ấn tượng rất sâu sắc với nghề dạy học vào một dịp rất đặc biệt – ngày lễ tang bố tôi. Hồi trẻ, với tư cách một ông Khóa, bố tôi đã từng “ngồi dạy học” ở nhiều làng trong vùng. “Ngồi dạy học” có nghĩa là làm “gia sư” – nói theo cách bây giờ. Gia chủ có con muốn học thì đón thầy về nhà mình, rủ thêm mấy người nữa cùng góp gạo để nuôi thầy.
Đầu năm 1981, bố tôi mất ở tuổi 93, tại thị xã Hưng Yên. Hôm lễ tang bố tôi, có một ông già xin phép vào viếng. Tất cả chúng tôi không ai biết ông là ai. Vóc người vạm vỡ, da đen sạm vì nắng gió, trông ông đích thực một lão nông, cả đời lam lũ với đồng ruộng.
Ông cụ không cúi đầu mặc niệm, cũng không vái lạy trước quan tài, mà “lên gối, xuống gối” đủ 3 lần, rồi ai oán cất lên 3 tiếng “Ô, hô!”, nước mắt giàn giụa.
Sau lễ viếng, tôi ngồi tiếp ông. Ông cụ nói: “Tôi học thầy tôi từ ngày còn để chỏm. Nhờ ơn thầy mà tôi biết được dăm ba chữ, không tăm tối như những bạn cùng lứa.” Làng ông ở giáp đường xe lửa, phía cực Bắc của tỉnh Hưng Yên. Năm ấy, ông đã ngoài 80 tuổi. Ông phải đi bộ 20 cây số để đến bến xe, bắt xe khách vào Thị xã, nơi cực Nam của tỉnh Hưng Yên. Uống xong chén nước, ông cụ vội vã cáo lui để kịp về đến nhà trước lúc trời tối.
Một người học trò ngoài 80 tuổi vượt một hành trình dài 200 cây số để đến viếng người thầy dạy vỡ lòng cho mình cách đây 70 năm – mà trong 70 năm đầy biến cố khiến người ta dễ quên đi nhiều sự kiện quan trọng – động lực gì đã thúc đẩy một hành vi như thế? Chỉ có thể hiểu đó là ân nghĩa của người thầy, của nghề dạy học!
Năm 1992 là năm mà lớp Phó tiến sĩ đầu tiên của nước ta, được đào tạo ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, lần lượt đến tuổi nghỉ hưu. Trong một phiên họp của Trung ương Hội khoa học kinh tế Việt Nam mà tôi là Chủ tịch, cả trăm người đồng thanh kiến nghị Trung ương Hội sớm phát hành một tờ Tạp chí kinh tế làm diễn đàn của Hội và thành lập một trường đại học kinh tế làm địa bàn hoạt động cho các nhà kinh tế đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước. Ngay năm đó, tờ tập san Thông tin kinh tế, sau này đổi tên là Thời báo Kinh tế Việt Nam, đã ra mắt bạn đọc. Còn trường đại học kinh tế thì quá trình thiết kế và xin phép thành lập đòi hỏi một thời gian dài hơn.
Năm 1993, khi đã rảnh việc với cơ quan Nhà nước, tôi bắt đầu suy nghĩ và trao đổi về việc thành lập trường đại học của Hội. Việc định hình các ý tưởng về Trường cũng như việc chọn người cho Hội đồng sáng lập và bộ máy điều hành Trường, phải mất khá nhiều thời gian. Mãi đến giữa năm 1995, Đề án thành lập Trường mới được trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tháng 6 năm 1996, Bộ hoàn toàn ủng hộ. Vì quyết định cho phép thành lập Trường phải do Thủ tướng ký, tôi cử người đến gặp Anh Võ văn Kiệt, lúc đó là Thủ tướng. Anh Kiệt tỏ thái độ hoàn toàn ủng hộ. Chờ mấy tháng chẳng thấy Quyết định của Thủ tướng, tôi hỏi Anh Nguyễn Đình Tứ, lúc đó là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa – Giáo. Anh nói: “Ban Khoa Giáo và bên Chính phủ đều ủng hộ việc thành lập trường đại học của Hội, nhưng còn vướng, vì còn có vị đặt câu hỏi: Trường đại học thì Nhà nước phải lo, sao lại giao cho tư nhân?” Ôi! cái tư tưởng mới cũ kỹ làm sao! “Tư nhân” ở đây là ai? Là những giáo sư đã bạc đầu với nghề dạy học ở các trường công lập! Còn Nhà nước? Từ lâu, Nhà nước đã tỏ ra bất lực trước nhu cầu của người học đang tăng lên từng ngày. Hối thúc mãi thì cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định cho phép thành lập Trường Đại học Kinh tế, lúc đó đặt tên là Trường Đại học Dân lập Quản trị – Kinh doanh. Đó là tháng 6 năm 1996.
Là Chủ tịch Hội, tôi cho rằng mình có thể tác động đến mọi mặt hoạt động của Trường mà không cần phải giữ chức vụ Hiệu trưởng. Nhưng tất cả những người mà tôi đề cử làm Hiệu trưởng đều dứt khoát từ chối, mặc dù họ đã từng kinh qua những chức vụ còn cao hơn cả chức vụ Hiệu trưởng một trường đại học. Họ nói: “Nếu Anh làm Hiệu trưởng thì chúng tôi sẵn sàng làm Hiệu phó. Còn nếu Anh không nhận làm Hiệu trưởng thì chúng tôi không nhận làm gì cả”. Tôi đành nhận làm Hiệu trưởng vậy.
Mô hình tư thục
Năm 1974, tôi đã từng thiết kế và xin phép thành lập “Khoa kinh tế chính trị” đặt trong Trường Đại học Tổng hợp Hà nội, mà nay được nâng cấp thành Trường Đại học Kinh tế – thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Để làm việc ấy, tôi đã đi khảo sát Trường Đại học tổng hợp Lô-mô-nô-xốp, Trường Đại học tài chính Plê-kha-nốp của Liên Xô, và một số trường đại học của Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản. Các trường ấy đều là trường công lập. Hồi đó, trường ngoài công lập chưa phải là mối quan tâm của tôi. Thực ra, trường công lập và trường ngoài công lập chẳng có gì khác biệt lớn về chương trình đào tạo, quy trình đào tạo và phương pháp đào tạo. Chỉ khác ở chỗ: ai là người đứng ra thành lập trường, cấp vốn hoạt động cho trường và quản lý trường? Từ sự khác nhau đó, nảy sinh nhiều sự khác nhau về chi tiết như: áp dụng phương thức quản lý nào để quản lý trường (quản lý hành chính hay quản lý dân chủ tập thể), áp dụng chế độ tài chính và phân phối nào (trả lương theo thang bậc hành chính của Nhà nước hay trả lương theo sản phẩm), áp dụng những biện pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo, để tiết kiệm chi phí đào tạo? v.v…
Trường đại học của Hội – một trường đại học ngoài công lập – phải được thiết kế theo mô hình nào, và mang những nét đặc trưng gì? Một loạt vấn đề được đặt ra.
- Trường công và Trường tư. Vị trí, vai trò của Trường tư. Chỗ mạnh của Trường tư
Xét theo tiêu chí “ai là người đứng ra thành lập trường, cấp vốn hoạt động cho trường và quản lý trường” thì có 2 loại hình cơ bản: trường công và trường tư. Mỗi loại hình có vị trí khác nhau trong quá trình lịch sử.
Trong 10 thế kỷ độc lập tự chủ của nước ta, kể từ thế kỷ thứ 10, chúng ta chỉ thấy duy nhất một trường công. Đó là Quốc Tử Giám do vua Lý Thánh Tông thành lập năm 1070. Trường này chỉ dành cho các vương tôn công tử, còn tất cả các nhà khoa bảng và trí thức của đất nước thì đều được đào tạo từ các trường tư. Nói là trường, thực ra chỉ là những lớp học được tổ chức ngay tại nhà của thầy – thầy đồ, thầy khóa, thầy tú, thầy cử. Ngay cả trường của Thái học sinh (Tiến sĩ) Chu Văn An, của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chỉ là những lớp học được tổ chức ngay tại nhà của thầy. Như vậy, trường tư đã từng có một lịch sử lâu đời ở nước ta. Tất cả các nhà khoa bảng tài danh của đất nước đều được đào tạo từ các trường tư mà ra.
Vì sao Trường tư có được vị trí, vai trò to lớn như thế trong suốt 1.000 năm lịch sử? Chắc hẳn vì đặt lòng tin vào các Trường tư của các thầy đồ, thầy khóa, cho nên các triều đại đã không trực tiếp đứng ra tổ chức các trường học. Tuy không trực tiếp tổ chức các trường học, các triều đại vẫn sẵn sàng công nhận thành quả đào tạo của các trường này bằng cách tổ chức đều đặn các Khoa thi để từ đó chọn ra các Trạng nguyên, Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài, Khóa sinh.
Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa phải lập ra nhiều trường công để đào tạo một lớp người biết tiếng Pháp phục vụ cho chúng. Mỗi huyện có một trường tiểu học dạy bằng tiếng Pháp. Cả xứ Bắc Kỳ có một trường Trung học phổ thông dành cho người bản xứ và một trường Trung học phổ thông dành cho con em người Pháp. Trung Kỳ và Nam Kỳ, mỗi xứ cũng có 2 trường như vậy. Mãi đến năm 1907 mới có một trường đại học nhỏ bé dành cho trí thức cả 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia).
Số trường tư dạy đến trình độ Trung học cơ sở cũng lác đác xuất hiện tại các thành phố lớn.
Cách mạng tháng Tám thắng lợi, sự nghiệp giáo dục và đào tạo được chính quyền nhân dân đặt lên nhiệm vụ hàng đầu. Trường công phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn.
Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Kể từ đây, miền Bắc có 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình nào? Vào thời điểm đó, không có mô hình nào khác ngoài mô hình “chủ nghĩa xã hội Liên Xô” – mô hình mẫu mực của chủ nghĩa xã hội.
Theo mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô thì Nhà nước xã hội chủ nghĩa – Nhà nước của dân và vì dân – có trách nhiệm phải chăm lo cho dân mọi nhu cầu, từ cái ăn, cái mặc, công ăn việc làm, cho đến việc học hành, chữa bệnh. Căn cứ theo mô hình đó thì mọi trường tư đã từng tồn tại trước đó ở miền Bắc đều phải chuyển thành trường công. Trường công trở thành hình thái duy nhất của hệ thống giáo dục quốc dân kể từ năm 1960.
Chỉ qua 3 thập kỷ, hệ tư tưởng bao cấp đã vấp phải sự bất cập về nguồn lực: dù đã dành đến 20% ngân sách Nhà nước cho giáo dục đào tạo, trường công vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân. Đường lối xã hội hóa giáo dục trở thành một tất yếu lịch sử. Hệ thống các trường ngoài công lập trở thành một lực lượng ngày càng quan trọng bên cạnh hệ thống các trường công lập.
Nhìn rộng ra thế giới, ta thấy xã hội hóa giáo dục chẳng phải là một hiện tượng gì mới lạ, nó đã từng tồn tại cả nghìn năm. Ngay ở những nước giàu có, trường tư cũng chiếm một tỷ lệ cao trong tổng số sinh viên. Ở Nhật, trường tư chiếm tới 75-80% tổng số sinh viên Đại học và Cao đẳng. Ở Mỹ và Anh, những trường đại học nổi tiếng nhất, đa số lại là trường tư. Đó là các trường Harvard, Princeton, Yale ở Mỹ, các trường Oxford, Cambridge ở Anh. Điều đó bác bỏ thiên kiến cho rằng chất lượng đào tạo của trường công bao giờ cũng cao hơn trường tư – một thiên kiến không hề có căn cứ lý luận và thực tiễn.
Trường tư có những điểm mạnh mà trường công không có:
a– Quyền tự chủ về nội dung đào tạo cho phép trường tư đưa ra những chương trình đào tạo vượt Khung chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục – Đào tạo (Khung này chỉ được coi như mức tối thiểu), miễn là đạt được chất lượng đào tạo cao và được sinh viên chấp nhận.
b– Quyền tự chủ về tài chính cho phép trường tư mở rộng quy mô đào tạo mà không phụ thuộc vào sự bao cấp về tài chính của Nhà nước.
c– Quyền tự chủ về tổ chức cho phép trường tư, bằng sự đãi ngộ thỏa đáng, tuyển chọn được những cán bộ quản lý giỏi và những giảng viên giỏi – kể cả người nước ngoài, người đã nghỉ hưu.
d– Quyền tự chủ cho phép trường tư lựa chọn những ngành nghề đào tạo nào đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của thị trường lao động xã hội, mà không bị cơ quan Nhà nước áp đặt về mục tiêu đào tạo. Quyền tự chủ cũng cho phép trường tư lựa chọn phương thức quản lý nào hiệu quả nhất như: quy chế quản lý dân chủ – tập thể, tự động hóa các quá trình quản lý trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của Công nghệ Thông tin, chế độ làm việc linh hoạt, chế độ thù lao linh hoạt, chế độ học tập linh hoạt (học chế độ tín chỉ có xuất xứ từ Trường Harvard), chế độ tự quản của sinh viên, quyền chọn ngành nghề của sinh viên, v.v…
Nhận thức được những điểm mạnh của trường tư, tôi đã có lần phát biểu với các thành viên của Hội đồng sáng lập Trường: “Nếu chúng ta – lớp nhà kinh tế đầu đàn của đất nước – đứng ra thành lập trường đại học thì trường ấy phải trở thành Harvard của Việt Nam”. Huênh hoang chăng? Không hẳn như vậy. Làm việc gì cũng phải có hoài bão. Trường Harvard đã phải trải qua gần 400 năm mới đạt đến đỉnh cao danh vọng mang tầm quốc tế. Trường của chúng tôi không có tham vọng đạt đến đỉnh cao mang tầm quốc tế, mà chỉ có tham vọng đạt đến đỉnh cao mang tầm quốc gia. Thời gian để đạt đến đỉnh cao ấy chắc hẳn không cần đến 400 năm!
- Vì mục tiêu lợi nhuận hay là phi lợi nhuận?
Giữa 2 loại hình cơ bản – trường công và trường tư – Trường của Hội đương nhiên thuộc loại hình trường tư. Nhưng trường tư cũng có năm bảy loại.
Xét theo tiêu chí “ai là người đứng ra thành lập trường, cấp vốn hoạt động cho trường và quản lý trường” thì các trường này gồm hai loại:
- Loại thứ nhấtlà các trường do các tổ chức xã hội nghề nghiệp thành lập và cấp vốn hoạt động. Các trường này không phải là trường công lập, cũng không phải là trường của tư nhân. Nó được gọi là trường dân lập.
- Loại thứ hai là các trường do một người hoặc một nhóm người bỏ vốn thành lập. Đó là trường tư thục.Loại này hiện chiếm phần lớn nhất trong số các trường ngoài công lập.
Đến lượt các trường tư thục, lại có thể phân thành hai loại, xét theo tiêu chí lợi nhuận và phi lợi nhuận:
- Loại thứ nhất là những trường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận.Loại trường này có thể do một người hoặc một gia đình thành lập và thu lợi, nó giống như một doanh nghiệp tư nhân.
Loại trường này cũng có thể do một nhóm người thành lập và thu lợi. Trong trường hợp này, nó giống như một công ty trách nhiệm hữu hạn.
Theo chính sách Nhà nước thì loại trường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trước khi chia lãi cho nhà đầu tư. Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các trường này được quy định bằng 10% lợi nhuận, nghĩa là đã có phần ưu đãi so với mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho các doanh nghiệp nói chung là 25% lợi nhuận.
- Loại thứ hai là loại trường phi lợi nhuận. Loại trường này nếu có “lợi nhuận” thì không đem chia cho người góp vốn, mà được sử dụng để tái đầu tư vào sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Theo chính sách Nhà nước thì loại trường này không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khi đứng ra thành lập trường đại học của Hội, cá nhân tôi cũng như các thành viên sáng lập khác, không ai nghĩ đến chuyện làm giàu bằng hoạt động giáo dục. Vì vậy, mục tiêu vì lợi nhuận đương nhiên bị bác bỏ.
Không nhằm mục tiêu lợi nhuận, mà lấy sự nghiệp “trồng người” làm mục tiêu cao cả, nhằm góp phần xây dựng đất nước, chủ trương ấy dễ dàng nhận được sự đồng thuận của mọi người. Tuy nhiên, từ chủ trương ấy, một vướng mắc lập tức nảy sinh: Nếu không kiếm được lợi nhuận thì ai là người chịu bỏ tiền ra làm vốn hoạt động cho Trường?
Một người bạn gặp tôi, gợi ý: tôi sẵn sàng góp hai tỷ đồng (một số tiền rất lớn vào thời điểm đó) làm vốn hoạt động cho trường, chỉ yêu cầu có chân trong Hội đồng quản trị. Một người bạn khác gợi ý: tôi có 6.000 m2 đất sạch, sẵn sàng giao cho Trường làm đất xây dựng trường sở, chỉ yêu cầu có chân trong Hội đồng quản trị. Cả 2 ông bạn đều không nói ra mong muốn tìm kiếm lợi nhuận của mình. Nhưng, ai chịu bỏ ra một số vốn lớn như thế mà không tìm kiếm một lợi ích nào? Ngầm hiểu ý định ấy, tôi đành tìm lời thoái thác.
Về phía Hội khoa học kinh tế, Hội chẳng có một đồng nào để cấp vốn hoạt động cho Trường. Sở dĩ Hội phải đứng ra xin phép thành lập Trường vì vào thời điểm đó, Nhà nước chỉ chấp nhận đơn xin phép thành lập trường đại học của một tổ chức, không chấp nhận đơn xin phép của một nhóm cá nhân, mặc dù nhóm cá nhân ấy gồm toàn những giáo sư nổi tiếng.
Như vậy, tính chất phi lợi nhuận của Trường đã gạt bỏ những nhà đầu tư ra bên lề. Muốn có vốn hoạt động, chỉ còn một con đường: góp gió thành bão. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Trường quy định:
– Mỗi cổ phần được ấn định là một triệu đồng Việt Nam. Để trở thành cổ đông của Trường, phải có mức góp tối thiểu là 10 cổ phần. Không hạn định mức góp tối đa.
– Những người sau đây có thể được nhận làm cổ đông của Trường: các sáng lập viên, các cán bộ nhân viên và giảng viên cơ hữu của Trường, các giảng viên thỉnh giảng và các cộng tác viên có đóng góp vào việc xây dựng Trường.
– Mỗi cổ đông có 01 phiếu biểu quyết tại Đại hội cổ đông, không phụ thuộc vào số vốn góp nhiều hay ít.
– Vốn góp cổ phần không được chia lợi nhuận, chỉ được hưởng một lãi suất cố định hàng năm bằng lãi suất của tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thương mại. (Từ năm 2013, theo quy định của Luật giáo dục Đại học, để được công nhận là trường phi lợi nhuận thì lãi suất của vốn góp cổ phần không được vượt quá lãi suất của trái phiếu Chính phủ).
Từ những qui định trên đây, có thể đưa ra một số nhận xét như sau:
a– Ấn định mức góp tối thiểu của một cổ đông bằng 10 triệu đồng là vừa tầm với của đại đa số cán bộ nhân viên. Vì vậy số cổ đông tăng nhanh, tổng số vốn hoạt động của Trường cũng tăng nhanh: Năm 1996 Trường có 37 cổ đông, vốn góp là 495 triệu đồng; năm 2005 số cổ đông tăng lên tới 653 người, góp 41, 306 tỷ đồng; còn đến năm 2013 đã có 850 người, góp 115,108 tỷ đồng.
Chủ trương “góp gió thành bão” chẳng những bảo đảm được vốn hoạt động cho Trường, mà quan trọng hơn, còn khiến cho Trường tránh được sự chi phối của các “đại gia”.
b- Qui định “mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết” xuất phát từ quan điểm: Thành công của một trường đại học không phụ thuộc vào người có nhiều tiến, mà phụ thuộc vào người có tâm và có tài. Nhiều giáo sư chỉ có vốn góp ở mức tối thiểu vẫn được bầu vào các vị trí lãnh đạo của Trường. Thành công của Trường không tách rời quy định này. Cần lưu ý đến sự khác biệt rằng: Quy chế trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2005 vẫn áp dụng nguyên xi nguyên tắc của các công ty kinh doanh: biểu quyết theo trọng lượng của vốn góp.
c- Nếu người góp vốn được chia lợi nhuận cuối năm thì việc góp vốn đương nhiên là có sức hấp dẫn cao. Tuy nhiên, điều bất lợi cũng rất lớn. Trong tình hình mặt bằng học phí của nước ta rất thấp, tỷ suất lợi nhuận rất thấp, nếu phải chia lợi nhuận cho người góp vốn thì chẳng còn lại bao nhiêu cho việc nâng cao chất lượng đào tạo!
Nếu là trường phi lợi nhuận thì những người góp vốn có được lợi ích gì? Họ nhận được một lãi suất cố định giống như lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thương mại. Con số trên 100 tỷ đồng vốn góp đủ nói lên tính hấp dẫn của việc góp vốn theo điều kiện đó. Lãi suất trả cho người góp vốn không phải là phân phối lợi nhuận sau một năm kinh doanh. Nó được hạch toán vào chi phí, giống như lãi suất trả cho ngân hàng khi phải vay vốn của ngân hàng.
Đối với một trường phi lợi nhuận thì thực ra không có khái niệm lợi nhuận, chỉ có khái niệm “chênh lệch thu chi”. Chênh lệch thu chi, nếu dương, thì được sử dụng vào các mục tiêu sau:
- Nâng cao chất lượng đào tạo;
- Cải thiện điều kiện học tập cho sinh viên;
- Cải thiện điều kiện làm việc và thù lao cho cán bộ nhân viên và giảng viên;
- Dành một phần tích lũy để từng bước hình thành quỹ phát triển của Trường, quỹ này chủ yếu dùng để xây dựng trường sở.
Như vậy, nguyên tắc phi lợi nhuận bảo đảm được sự hài hòa của 4 lợi ích: Lợi ích của người góp vốn, lợi ích của sinh viên, lợi ích của cán bộ nhân viên và giảng viên, lợi ích lâu dài của Trường.
Nếu chỉ một chiều bảo đảm lợi ích của người góp vốn (chia lợi nhuận) thì khó lòng bảo đảm được một cách thỏa đáng các lợi ích khác.
- Xung đột giữa các khoản vốn góp
Vốn góp cổ phần đương nhiên phải tính bằng Đồng Việt Nam. Nhưng Đồng Việt Nam thì lại thường xuyên giảm giá vì lạm phát. Suốt mấy thập kỷ nay, chỉ số giá cả năm nào cũng tăng 5-7%, có năm tăng tới 23% (2008). Đồng tiền giảm giá làm nảy sinh xung đột giữa các khoản vốn góp năm trước với các khoản vốn góp năm sau. Không thể xem là ngang bằng về giá trị (sức mua) giữa 10 triệu đồng vốn góp năm 1996 với 10 triệu đồng vốn góp 10 năm sau đó. Trong khi ấy thì 10 triệu đồng nào cũng được hưởng một khoản lợi tức như nhau. Xử lý xung đột này bằng cách nào?
Hội đồng quản trị của Trường đã từng đưa ra giải pháp: người góp vốn năm sau phải nộp nhiều hơn 10 triệu đồng (tương ứng với chỉ số giá cả) để có được vốn góp danh nghĩa là 10 triệu đồng. Giải pháp này đã không được những người góp vốn hưởng ứng. Vậy chỉ còn giải pháp “ngược lại”: xác định lại giá trị (sức mua) của các khoản vốn góp theo chỉ số giá cả. Chẳng hạn: chỉ số giá cả năm 2010 đã tăng 40% so với năm 2007. Vậy, giá trị các khoản vốn góp năm 2007 sẽ được tăng thêm 40%. Để tránh phải điều chỉnh hàng năm, Đại hội cổ đông đã chấp thuận đề nghị của Hội đồng quản trị: khi nào chỉ số giá cả vượt quá 30% thì mới tiến hành một đợt điều chỉnh giá trị của các khoản vốn góp. Bằng cách này, nhà trường đã lập lại được sự ngang bằng về giá trị giữa các khoản vốn góp vào các thời điểm khác nhau, bảo đảm sự công bằng về lợi ích giữa các khoản vốn góp.
Nhà trường lấy đâu ra tiền để nâng các khoản vốn góp lên hàng tỷ đồng? Chẳng có một đồng tiền thật nào được chi ra cả. Bí mật nằm ở chỗ: vốn góp của các cổ đông từ lâu đã được sử dụng làm vốn đầu tư, mà không hề được sử dụng làm quỹ tiêu dùng. Đầu tư vào đâu? Vào việc xây dựng các khối nhà giảng đường. Khi chỉ số giá cả tăng lên thì chi phí xây dựng cũng tăng lên, khiến cho giá trị các khối nhà giảng đường tăng lên theo. Trong giá trị các khối nhà giảng đường, có một bộ phận là vốn góp của các cổ đông. Như vậy, tăng vốn góp của các cổ đông chỉ là xác nhận giá trị các khoản đầu tư của các cổ đông đã tăng lên.
- Là trường có chủ hay là trường vô chủ?
Từ kinh nghiệm quản lý các cơ sở kinh tế quốc doanh – về danh nghĩa thì có chủ mà trên thực tế thì dường như là vô chủ – những người sáng lập Trường khẳng định một nguyên tắc: Trường phải có chủ.
Dựa vào tiêu chí nào đề xác lập vị thế người chủ của Trường? Có ý kiến cho rằng cả vốn góp và lao động đều là tiêu chí để xác lập vị thế người chủ. Về lý thuyết thì đúng là như vậy. Nhưng đi vào thực hành thì thấy rằng lao động là tiêu chí rất khó lượng định. Một giáo sư và một kỹ thuật viên sơ cấp thì lượng định lao động đóng góp của mỗi người như thế nào? Mỗi người phải lao động không lương cho trường bao nhiêu thời gian thì được xem là góp vốn bằng lao động? Do tính chất phức tạp của việc góp vốn bằng lao động, ý tưởng này đã bị gạt bỏ. Chỉ còn lại tiêu chí góp vốn bằng tiền. Mức góp tối thiểu để trở thành “cổ đông” được ấn định là 10 triệu đồng, tương đương 1.000 USD vào thời điểm năm 1996.
Sau 5 năm hoạt động, nguồn thu học phí của Trường đã đủ để trang trải các chi phí thường xuyên. Lúc này, nảy sinh ý kiến nên trả lại vốn góp cho các cổ đông. Ý kiến này không được chấp nhận, bởi 2 lẽ: (1) Nếu mọi cổ đông đều rút vốn thì còn ai là chủ của Trường? Một trường vô chủ thì nguy cơ rối loạn là khó tránh khỏi. (2) Mặt khác, nhu cầu về vốn đầu tư vẫn rất lớn, nếu Trường muốn tạo dựng cơ nghiệp của riêng mình, đặc biệt là về trường sở.
Khi số lượng cổ đông của Trường lên đến hàng trăm, lại nảy sinh ý kiến cần hạn chế bớt số lượng cổ đông làm cho việc điều hành gọn nhẹ hơn. Ý kiến này không nhận được sự đồng tình của nhiều cổ đông. Mặt khác, một trường đại học muốn trường tồn thì phải gồm nhiều thế hệ cổ đông, thế hệ này qua đi thì phải có thế hệ khác tiếp nối. Tính đến cuối năm 2013, số lượng cổ đông của Trường đã lên đến 850 người, số vốn góp đã lên đến 115 tỷ đồng.
Tuy lấy vốn góp bằng tiền làm tiêu chí duy nhất cho vị thế người chủ của Trường, chúng tôi vẫn không bao giờ quên sự đóng góp bằng công sức của những người đã đặt những viên đá đầu tiên cho Trường – các sáng lập viên. Sáng lập viên được hiểu là: các thành viên của Hội đồng sáng lập và một số người tuy không nằm trong danh sách Hội đồng sáng lập nhưng có nhiều đóng góp bằng công sức trong những năm đầu thành lập Trường. Theo đề nghị của Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông đã nhất trí quyết định: tặng một số cổ phần cho các sáng lập viên. Tùy theo công lao của mỗi người, mức tặng được ấn định bằng 10, 20, 30… đến 100 cổ phần. Số cổ phần đem tặng được trích từ Quỹ tích lũy của Trường. Sau quyết định này, một cổ đông cao tuổi đã phát biểu bằng một giọng pha chất kiếm hiệp: “Như vậy là mọi ân oán giang hồ đã được thanh toán sòng phẳng.”
- Lựa chọn mục tiêu đào tạo
Đối với trường công lập thì mục tiêu đào tạo đã được cơ quan Nhà nước lập ra trường quy định. Đối với trường ngoài công lập thì vai trò đó thuộc quyền của những người sáng lập trường.
Là trường đại học của Hội Khoa học Kinh tế thì mục tiêu đào tạo đương nhiên phải là đào tạo ra các nhà kinh tế. Nhưng nhà kinh tế thì có nhiều loại: có loại nhà kinh tế lý luận, và có loại nhà kinh tế thực hành. Nhìn vào học vị và điểm mạnh của các thành viên Hội Khoa học Kinh tế thì đào tạo các nhà kinh tế lý luận có nhiều thuận lợi hơn cả. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường lao động thì lại không đòi hỏi nhiều nhà kinh tế lý luận. Trong khi đó thì các nhà kinh tế thực hành – nhà kinh doanh và nhà quản lý kinh doanh – lại đang là nhu cầu rất lớn của xã hội đang chuyển mình sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Vì vậy, chúng tôi đã chọn các nhà kinh tế thực hành làm mục tiêu đào tạo. Tên trường cũng được chọn theo mục tiêu ấy: Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà nội.
Sau 10 năm hoạt động, chất lượng đào tạo các nhà kinh tế thực hành đã được xã hội đánh giá cao: hầu như toàn bộ sinh viên tốt nghiệp của Trường đã được các cơ quan/doanh nghiệp – kể cả các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước – tiếp nhận; nhiều sinh viên đã giành được những vị trí cao trong các cơ quan/doanh nghiệp. Đã đến lúc mở rộng vai trò và quy mô đào tạo của Trường. Mục tiêu đào tạo của Trường được mở rộng sang các ngành kỹ thuật – công nghệ là những ngành trực tiếp cung cấp chuyên gia cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để phản ánh cả 2 lĩnh vực đào tạo – kinh doanh và công nghệ – Trường được đổi tên thành Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kể từ năm 2006. Quy mô đào tạo từ 8.000 sinh viên/năm 2006 đã phát triển thành 40.000 sinh viên/năm 2013. Số sinh viên này được đào tạo theo 20 ngành học. Số sinh viên tốt nghiệp nhận bằng Kĩ sư, Cử nhân, Thạc sĩtính đến năm 2013, đã đạt trên 40.000 – một cống hiến không nhỏ đối với đất nước. Sự phát triển của Trường hẳn không dừng lại ở đó.
- Phương thức quản lý
Khi số lượng người chủ của Trường (cổ đông) lên tới hàng trăm người thì vấn đề tổ chức quản lý nổi lên hàng đầu. Tổ chức quản lý như thế nào để mọi người thấy được vị thế làm chủ của mình, tránh được tình trạng thâu tóm quyền lực vào tay một người hoặc một nhóm người, hoặc ngược lại, tình trạng “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”. Để giải quyết vấn đề này, phải thực thi nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ là 2 nguyên tắc đã trở thành thành quả chung của loài người.
Dân chủ là nguyên tắc cao nhất. Ai có quyền quyết định công việc của nhà trường? Nhiều trường ngoài công lập chủ trương trao quyền quyết định vào tay những người có số vốn góp lớn nhất. Ý kiếný của chúng tôi thì lại cho rằng: thành công của một trường đại học không phụ thuộc vào những người có số vốn góp lớn, mà phụ thuộc vào trí tuệ. Một số người có vốn góp lớn nhưng trí tuệ thì lại không cao. Trong khi đó thì một số người chỉ có vốn góp ở mức tối thiểu, nhưng năng lực trí tuệ thì lại có thể đóng góp nhiều vào sự thành công của Trường. Lựa chọn của chúng tôi đã được ghi vào Điều lệ tổ chức và hoạt động của Trường: “mỗi cổ đông – một phiếu biểu quyết” (không phụ thuộc vào số vốn góp).
Nguyên tắc dân chủ phải được thực thi ở mọi cấp độ tổ chức của Trường: Tổ bộ môn, Khoa, Phòng, Ban Giám hiệu, Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông. Mọi vấn đề phải được bàn bạc dân chủ trước khi đi đến quyết định. Quyết định trên cơ sở đồng thuận bao giờ cũng là những quyết định tốt nhất. Nó bảo đảm sự đoàn kết nhất trí cao của tổ chức, sự đoàn kết nhất trí cao lại chính là nguồn gốc của hiệu suất cao. Đối với những vấn đề có liên quan đến lợi ích của nhiều người thì nhất thiết phải tìm đến sự đồng thuận. Muốn đạt đến sự đồng thuận thì nhiều khi phải biết chờ đợi nhau, thuyết phục nhau cho đến lúc chín muồi. Mọi sự vội vàng hấp tấp đều dẫn đến chia rẽ, bè phái, hỏng việc. Quyết định bằng đa số hay bằng thẩm quyền của người có chức vụ cao nhất chỉ nên áp dụng trong những trường hợp sự vụ hoặc những trường hợp cấp bách. Trong thời gian làm trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Duẩn, tôi đã có lần hỏi Anh: “Chưa bao giờ tôi thấy Anh đưa ra biểu quyết trong Bộ Chính trị hay Ban chấp hành Trung ương Đảng, vì sao?” Anh đáp: “Đưa ra biểu quyết thì dễ dẫn đến chia rẽ, bè phái. Chờ đợi thì vẫn hơn”. Tôi học được ở Anh cách ứng xử đó.
Đối với những ý kiến thiểu số thì phải cho phép bảo lưu, vì lúc này không được chấp nhận nhưng lúc khác có thể được chấp nhận.
Không khí dân chủ phải bao trùm mọi hoạt động của Trường, mọi tổ chức của Trường, để mọi người đều cảm nhận được mình là thành viên của tập thể chủ nhân của Trường. Những hiện tượng độc đoán, trù úm phải được kịp thời xử lý.
Nguyên tắc dân chủ phải được thực thi ngay cả đối với sinh viên: Trường chúng tôi tôn trọng quyền chọn ngành học của sinh viên, miễn là sinh viên đủ điểm vào đại học hay cao đẳng theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Thường kỳ 2 tháng/một lần, nhà trường triệu tập các lớp sinh viên họp lại, góp ý kiến về mọi mặt hoạt động của Trường. Các lớp sinh viên được quyền bầu ra Lớp trưởng, Lớp phó để điều hành các hoạt động tự quản của họ. Như vậy, sinh viên được đào tạo về Dân chủ ngay tại Trường.
Một tổ chức có nhiều người làm chủ, muốn tránh rối loạn, phải thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ – tập trung trên cơ sở dân chủ của các cổ đông: Đại hội cổ đông bầu ra Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, Hội đồng quản trị cử ra Ban Giám hiệu để điều hành các hoạt động hàng ngày của Trường. Ban Giám hiệu cũng là cơ quan chuẩn bị các đề án trình ra Hội đồng quản trị, và với chức năng đó, nó đóng vai trò như cơ quan thường trực của Hội đồng quản trị. Mọi quyết định quan trọng của Trường, kể cả những quyết định về nhân sự chủ chốt, đều phải thông qua Hội đồng Quản trị.
Trong Quy chế trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2005, không thấy có “Hội đồng trường” trong cơ cấu tổ chức của trường đại học tư thục, chỉ quy định Hội đồng quản trị gồm tối đa 11 người. Với số lượng 11 người thì không đủ đại diện cho các ngành học, các Khoa, các Phòng của Trường. Điều này không thuận lợi cho việc quyết định của Hội đồng quản trị khi đề cập đến những vấn đề chiến lược phát triển của Trường cũng như những vấn đề tài chính phân phối liên quan đến lợi ích của mọi người trong Trường. Vì vậy, Trường chúng tôi đã mở rộng thành phần của Hội đồng quản trị để Hội đồng này (gồm 30 người) kiêm luôn cả chức năng “Hội đồng trường”. Những thành viên vượt con số 11 người được gọi là ủy viên dự khuyết. Ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết thực ra không có gì khác nhau, vì Hội đồng quản trị không bao giờ đặt vấn đề biểu quyết, chỉ quyết định khi đã đạt được sự đồng thuận. Mở rộng thành phần của Hội đồng quản trị như vậy cũng có nghĩa là mở rộng dân chủ trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của Trường.
- Tổ chức và cán bộ
Một tổ chức lớn, muốn có sức mạnh thì phải được tổ chức như một bộ máy đồng hồ cơ khí. Mỗi khoa, mỗi phòng, mỗi chức vụ đều phải được xác định rõ ràng: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ dọc và ngang. Mọi sự mơ hồ đều dẫn đến rối loạn, kỷ cương không nghiêm, hiệu suất giảm sút. Những quy chế nêu trên phải được thiết kế thành văn bản và phải được soát xét thường xuyên để điều chỉnh kịp thời những sai sót, bất cập. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Hiệu trưởng và của Ban Giám hiệu là thiết kế ra một hệ thống quy chế hoàn chỉnh làm nền tảng cho mọi hoạt động của Trường. Hội nghị hàng tuần của Ban Giám hiệu phải kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy chế đã ban hành, kịp thời điều chỉnh các sai sót.
Một tổ chức lớn, muốn có sức mạnh thì phải có một đội ngũ cán bộ cốt cán có tâm và có tầm. Ngay khi thành lập, Trường chúng tôi đã sẵn có trong tay một đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học và Tiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước. Đội ngũ này được bổ sung thường xuyên bởi những người mới về hưu mà sức khỏe chưa đến nỗi nào. Nhiều người đã tiếp tục làm việc thêm 10-15 năm nữa cho Trường mới “về hưu lần thứ hai”.
Năm 1999, Anh Phạm Văn Đồng nhắn tôi đến chơi. Câu đầu tiên Anh hỏi tôi: “Anh mở trường dân lập thì lấy đâu ra thầy giáo?” Tôi trả lời: “Rất may là Đảng và Nhà nước ta đã cho trí thức về hưu ở tuổi 60. Tôi chỉ cần nhắn họ: khi nào nghỉ hưu thì về Trường dạy học trò. Tôi chẳng cần đào tạo một ngày nào mà vẫn có hàng chục giáo sư, tiến sĩ”. Như nuối tiếc một điều gì, Anh nói: “Tôi đã bảo rồi mà! Trí thức thì 65 tuổi mới chín. Có những nghề như nghề thầy thuốc thì 70 tuổi mới chín”.
Để sử dụng được khả năng lao động của các trí thức về hưu, phải có chế độ làm việc linh hoạt phù hợp với điều kiện sức khỏe của họ, phải thường xuyên chăm lo sức khỏe của họ ngay cả tại Phòng y tế của trường, phải trọng dụng cả năng lực quản lý cũng như năng lực giảng dạy của họ, phải dành cho họ quyền chủ động trong công việc đúng với vị thế thành viên của tập thể chủ nhân của Trường. Chính sách “trải chiếu hoa đón các nhà trí thức nghỉ hưu về Trường làm việc và làm chủ” đã tạo cho Trường một đội ngũ nòng cốt gồm trên 100 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và tiến sĩ có bề dày kiến thức và kinh nghiệm. Trong khi lớp trí thức đầu tiên đã “về hưu lần thứ hai” thì nhiều trí thức mới về hưu tiếp tục bổ sung vào đội ngũ nòng cốt của Trường. Xu hướng đó làm cho Trường ngày càng vững mạnh.
Ở các nước phát triển, giảng viên đại học hầu hết là giáo sư tiến sĩ, còn ở nước ta, phần lớn giảng viên đại học mới đạt đến trình độ thạc sĩ. Trong đội ngũ trên 1.000 giảng viên cơ hữu của Trường, ngoài đội ngũ cốt cán trên 100 tiến sĩ, giáo sư, phần lớn mới đạt đến trình độ thạc sĩ, một bộ phận còn đang được đào tạo để trở thành thạc sĩ. Các thạc sĩ trẻ có ưu điểm: thành thạo hoặc tương đối thành thạo tiếng Anh, thành thạo kỹ năng công nghệ thông tin, có khả năng chịu được áp lực cao của nghề nghiệp.
Ngay từ ngày đầu thành lập, nhà trường đã quan tâm đào tạo thạc sĩ trẻ. Đã hợp tác với nhiều trường đại học nước ngoài, gửi đi những cử nhân tốt nghiệp hạng Khá và Giỏi để đào tạo lên trình độ thạc sĩ, một số lên trình độ tiến sĩ. Có chính sách cho vay tiền để nộp học phí, cho vay tiền để mua máy tính xách tay. Nhiều thạc sĩ và tiến sĩ đã trở lại Trường làm công tác giảng dạy, một số được bổ sung vào đội ngũ cốt cán của Trường.
- Tài chính và phân phối
Tài chính và phân phối là yếu tố dễ gây mất đoàn kết nhất trong một tổ chức. Trường đại học tư thục càng phải quan tâm xử lý đúng vấn đề này.
Trường đại học có nhiều ngành học, nhiều bậc học, nhiều hình thức đào tạo, mỗi thứ có nguồn thu khác nhau, nhu cầu chi khác nhau, do đó mà “tỷ suất doanh lợi” khác nhau. Những ngành học, bậc học, hình thức đào tạo có tỷ suất doanh lợi tương đối cao thì thường có khuynh hướng “ăn chia” riêng. Điều này sẽ dẫn đến sự suy tỵ giữa các bộ phận, đó là mầm mống làm cho tổ chức tan rã. Cần nhận thức rằng sức mạnh của trường đại học, sự thành công của trường đại học nằm ở hệ thống phân công lao động hợp lý và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Khoa, các Phòng. Tách rời giữa các Khoa, các Phòng thì không thành được trường đại học, không đào tạo nổi một sinh viên.
Để đảm bảo tính thống nhất của tổ chức, Trường chúng tôi thực thi nguyên tắc thống nhất thu chi tài chính trong toàn Trường, thống nhất tiêu chuẩn phân phối trong toàn Trường, không chấp nhận hạch toán độc lập theo từng ngành học, từng bậc học, từng hình thức đào tạo.
Nhiệm vụ quan trọng của Ban Giám hiệu và Hội đồng quản trị là xác định các chuẩn mực thu, các chuẩn mực chi, các tiêu chuẩn phân phối, bao gồm hệ thống lương và thù lao giảng dạy, nội dung thưởng và mức thưởng. Mặt khác, cũng phải dành một tỷ lệ thỏa đáng (nhỏ thôi) nhằm khuyến khích vật chất đối với những công việc đòi hỏi tính năng động sáng tạo của một số bộ phận.
Nguyên tắc phân phối phải là “phân phối theo lao động”, tức là phân phối căn cứ vào chất lượng và số lượng lao động thực tế cống hiến của mỗi người, không máy móc căn cứ vào chức vụ hoặc học hàm học vị.
Về tài chính, tuy là một trường phi lợi nhuận, vẫn phải quản lý như một doanh nghiệp. Phải cân nhắc từng khoản thu, từng khoản chi, bảo đảm ít nhất cân bằng thu chi trong từng thời kỳ, nếu chưa có tích lũy thì cũng phải có dự phòng. Trường tư thục mà lỗ vốn thì chỉ có việc phá sản, chẳng ai cứu được mình.
Trong những năm đầu thành lập, tài chính của Trường luôn luôn căng thẳng là điều dễ hiểu, vì nguồn thu học phí còn hạn hẹp mà nhu cầu đầu tư nhằm chỉnh trang phòng học, mua sắm thiết bị dạy và học thì lớn. Khả năng tích lũy chỉ từng bước xuất hiện sau 7-8 năm. Phải tùy khả năng tích lũy mà đáp ứng từng bước các nhu cầu.
Nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo có thể xem là vô hạn. Chỉ có thể đáp ứng từng bước, tùy theo khả năng tích lũy của Trường.
Nhu cầu cải thiện điều kiện học tập cho sinh viên, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ nhân viên và giảng viên, cải thiện chế độ tiền lương và thù lao giảng dạy cũng có thể xem là vô hạn. Phải căn cứ vào khả năng tích lũy của Trường mà đáp ứng từng bước.
Việc xây dựng trường sở là một nhu cầu lớn và là một mục tiêu dài hạn. Nguồn vốn để thực hiện mục tiêu này, một phần dựa vào vốn góp của cổ đông, một phần dựa vào tích lũy của Trường. Ngay trong Hội nghị lần thứ nhất của Đại hội cổ đông (năm 1997), tôi đã từng đưa ra nhận định:
“Trong điều kiện mặt bằng học phí rất thấp của nước ta (học phí chỉ đủ trang trải chi phí đào tạo ở mức rất hạn hẹp) thì không thể coi giáo dục là một lĩnh vực kinh doanh. Nếu tìm kiếm lợi nhuận từ giáo dục thì không tránh khỏi phải hạ thấp chất lượng giáo dục xuống. Tuy nhiên, trong giáo dục cũng tồn tại một “ngách” nhỏ cho kinh doanh. Đó là “kinh doanh bất động sản”. Trong học phí của sinh viên, bao giờ cũng có một bộ phận dành cho chi phí về trường sở (thuê hoặc khấu hao), bộ phận đó bằng khoảng 20% học phí. Nếu cổ đông góp phần xây dựng được trường sở bằng vốn góp của mình để phục vụ sinh viên thì một bộ phận học phí đó đương nhiên thuộc vê cổ đông”. Trường chúng tôi trả lãi vốn góp của cổ đông chính là bằng một bộ phận học phí đó. Tiền lãi trả cho vốn góp của cổ dông về thực chất là tiền cho thuê trường sở mà cổ đông đã bỏ vốn để góp phần xây dựng lên.
Về phía sinh viên, nếu gọi đó là tiền thuê trường sở thì tiền thuê này được tính với giá tương đối rẻ, thấp hơn nhiều so với giá thuê từ những người kinh doanh bất động sản. Từ khi Trường chúng tôi xây được trường sở khang trang, thoáng mát, thì khoản chi phí về trường sở hạ xuống, chỉ còn bằng khoảng 15% học phí, so với 20% khi phải đi thuê.
Tài chính của Trường đã phải trải qua một quá trình phấn đấu gian khổ trước khi đạt đến tình trạng ổn định và phát triển.
Trong mấy năm đầu, vốn hoạt động của Trường chỉ dựa vào một nguồn duy nhất là vốn góp của các cổ đông. Vốn góp của các cổ đông chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu đầu tư ban đầu gồm tiền ứng trước cho việc thuê trường sở (thường phải ứng trước tiền thuê cả năm), chỉnh trang phòng học, mua sắm các phòng máy và thiết bị dạy học. Trong điều kiện đó, biện pháp cơ bản là vận động cán bộ nhân viên chấp nhận một mức lương rất thấp so với mặt bằng lương lúc bấy giờ. Mãi đến năm 2005, khi đã hình thành được Quỹ tích lũy, mới tính đến việc đền bù lại những thiệt thòi cho cán bộ nhân viên. Đền bù bằng cách trích Quỹ tích lũy để trao cho họ một số cổ phần.
Vốn đầu tư ban đầu đương nhiên được thu hồi qua khấu hao. Góp nhặt qua 7-8 năm, quỹ khấu hao trở thành một nguồn vốn lớn. Vì là trường phi lợi nhuận, không phải nộp lợi nhuận cho ai, mỗi năm cũng cóp nhặt được một số dư nho nhỏ từ cán cân thu chi để lập quỹ dự phòng. Cả 2 nguồn đó – quỹ khấu hao và quỹ dự phòng – nhập chung lại thành Quỹ phát triển. Quỹ này chỉ hình thành sau 7-8 năm hoạt động. Nó được sử dụng vào việc đầu tư xây dựng 2 khối nhà giảng đường đầu tiên, bảo đảm đủ chỗ học cho một vạn sinh viên (2 ca). Từ 2 khối nhà giảng đường đầu tiên này, hình thành dần một quỹ khấu hao mới, có quy mô lớn hơn. Cộng với quỹ dự phòng cũng có quy mô ngày càng lớn, nhà trường có được một nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng tiếp 3 khối nhà giảng đường, 2 khối nhà Ký túc xá, một cơ sở dạy lái xe cho sinh viên. Cộng chung lại, cơ sở vật chất của Trường đủ bảo đảm chỗ học cho 4 vạn sinh viên và chỗ ở cho 2.000 sinh viên.
Sau 17 năm hoạt động, tài chính của Trường đã tạo dựng được một cơ nghiệp đàng hoàng – đàng hoàng theo cách nói của Bác Hồ – làm cơ sở vật chất cho hoạt động ổn định và sự trường tồn của Trường. Cơ nghiệp đó cũng là niềm tự hào của cán bộ nhân viên và giảng viên toàn Trường.
Từ 10 triệu đồng/mỗi suất vốn góp của 40 sáng lập viên, qua 17 năm, nhà trường đã sở hữu một tài sản cố định trị giá trên 800 tỷ đồng (tương đương khoảng 40 triệu USD), chưa kể 22 héc ta đất do Nhà nước cấp, nhà trường chỉ phải trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng (không dưới 100 tỷ đồng).
Số tài sản của Trường (cả tài sản cố định và tài sản lưu động) gồm 2 thành phần:
Thành phần thứ nhất là vốn góp của các cổ đông. Vốn này thuộc sở hữu cá nhân của các cổ đông. Cổ đông có quyền hưởng lợi tức từ vốn góp của mình, có quyền chuyển nhượng, thừa kế hay rút vốn khi có nhu cầu.
Thành phần thứ hai là quỹ tích lũy không chia. Quỹ này thuộc sở hữu tập thể của các cổ đông. Là sở hữu tập thể thì không ai được quyền xâm phạm đến. Nó được sử dụng làm vốn hoạt động lâu dài cho Trường. Các thế hệ cổ đông kế tiếp nhau có trách nhiệm bổ sung, phát triển quỹ tích lũy không chia, khiến cho Trường ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Một câu hỏi được đặt ra: có khi nào “quỹ tích lũy không chia” sẽ được chia không? Câu trả lời là: Có! Chỉ duy nhất một trường hợp. Đó là khi nào Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chấm dứt sự tồn tại của nó (điều này chắc không bao giờ xảy ra). Khi ấy, toàn bộ tài sản của Trường – đương nhiên bao gồm cả Quỹ tích lũy không chia – sẽ được thanh lý theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Hoàn trả Nhà nước những gì Nhà nước đã cấp.
- Thanh toán các khoản nợ.
- Giải quyết quyền lợi của người học, của cán bộ nhân viên và giảng viên của Trường.
- Trả lại vốn góp của các cổ đông.
- Sau khi thanh toán tất cả các khoản nêu trên, nếu còn dư thì số dư sẽ được chia cho các cổ đông theo tỷ lệ vốn góp.
Điều này đã được ghi vào Điều lệ tổ chức và hoạt động của Trường.
- Văn hóa và Kỷ cương
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một tổ chức lớn, bao gồm trên 1.500 cán bộ nhân viên và trên 4 vạn sinh viên. Cán bộ nhân viên xuất xứ từ nhiều nguồn, họ mang theo những tập quán khác nhau và những động cơ khác nhau vào Trường. Làm cách nào để gắn kết họ với Trường, biến họ thành một tập thể thống nhất, sử dụng lực lượng của tập thể thống nhất ấy để phục vụ cho 4 vạn sinh viên? Đó là một câu hỏi lớn đặt ra cho những người lãnh đạo Trường.
Kinh nghiệm chỉ ra rằng phải đồng thời vận dụng cả 2 biện pháp: biện pháp về tinh thần, hay Văn hóa, và biện pháp về tổ chức, hay Kỷ cương.
- Văn hóa của một tổ chức là một hệ thống các giá trị, các niềm tin chủ đạo được mọi thành viên của tổ chức tin theo và tự giác chấp hành. Trường phải xây dựng cho mình một nền văn hóa, một bản sắc văn hóa, làm chất keo gắn kết mọi cán bộ nhân viên với Trường, gắn kết cán bộ nhân viên của Trường với sinh viên.
Là một tổ chức phi lợi nhuận, theo đuổi một sứ mệnh duy nhất là “trồng người”, ngoài ra không có một lợi ích nào khác, tư tưởng chủ đạo của Trường phải là “Hết lòng vì sinh viên”, nói cụ thể hơn là “hết lòng vì sự thành đạt của sinh viên”. Tư tưởng chủ đạo ấy phải được quán triệt đến mọi cán bộ nhân viên, kể từ các giáo sư đứng trên bục giảng đến người gác cổng trường. Bất cứ lời nói hoặc hành vi nào vi phạm tinh thần ấy đều phải bị lên án, đều phải bị loại bỏ.
Sinh viên vào trường đại học là để được đào tạo thành tài và thành người.
Để đào tạo sinh viên thành tài thì Chương trình đào tạo phải chọn lọc những kiến thức thật sự bổ ích, kiến thức phải gắn kết với thực hành và phải cập nhật với thời đại. Điều này đòi hỏi lực lượng giảng dạy của Trường phải luôn luôn năng động, sáng tạo, không chấp nhận thái độ thỏa mãn, ngưng trệ. Về phía sinh viên, phải hướng dẫn sinh viên tự tìm kiến thức mà chinh phục; chống thái độ học tập hời hợt, học chỉ cốt để lấy điểm, lấy bằng; phải tranh thủ mọi thời gian để trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, biến kiến thức và kỹ năng thành thực tài của mình, thành bản lĩnh của mình.
Để đào tạo sinh viên thành người, tức là thành những công dân có trách nhiệm, thành những trí thức có đức và có tài, trường đại học phải là một môi trường trong đó mọi quy phạm ứng xử phải có tác dụng giáo dục con người, uốn nắn con người. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm phải đóng vai trò nòng cốt trong việc giáo dục và quản lý sinh viên tuân thủ Điều lệ sinh viên, Quy chế rèn luyện sinh viên, Văn hóa học đường và Kỷ luật học đường.
Tinh thần “hết lòng vì sinh viên” phải tạo ra một bầu không khí thân thiện, tin cậy giữa sinh viên với cán bộ nhân viên nhà trường, một bầu không khí đầm ấm như trong gia đình, bảo ban nhau làm điều tốt, sửa điều xấu, không quan liêu hách dịch, không thô bạo, thiếu văn minh, lịch sự.
- Văn hóa là một sản phẩm tinh thần, hình thành chủ yếu bằng giáo dục, động viên. Trong một tập thể lớn, khó tránh khỏi có những phẩn tử lạc hậu, thiếu tinh thần tự giác, khó tránh khỏi có những cá nhân làm việc chỉ vì đồng lương, không phải lúc nào cũng hết lòng vì sinh viên. Vì vậy, đi đôi với việc tạo dựng nền văn hóa tinh thần, phải đồng thời thiết lập kỷ cương về mặt tổ chức. Kỷ cương được hình thành bằng một hệ thống các thể chế, qua đó, mỗi cá nhân, mỗi tập thể biết mình phải thực hiện những chức năng, nhiệm vụ gì, có quyền hạn đến đâu, phải xử lý các mối quan hệ dọc và ngang như thế nào. Trong không gian pháp lý đó, bất cứ sự chệch choạc nào đều phải bị phát hiện ngay, đều phải bị điều chỉnh. Những vi phạm nặng phải bị xử lý bằng kỷ luật.
Một tổ chức được gắn kết bằng một nền tảng tinh thần – một bản sắc văn hóa – không những thế, còn được gắn kết về mặt tổ chức, bằng một hệ thống thể chế, kỷ cương, kỷ luật, tổ chức ấy nhất định có sức mạnh.
- Mô hình gì?
Với những đặc trưng nêu trên, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phải là một công ty trách nhiệm hữu hạn, cũng không phải là một công ty cổ phần, mà là một tổ chức hợp tác (hay hợp tác xã) của những người lao động (nòng cốt là những người lao động trí óc), tự nguyện góp vốn, góp sức để xây dựng và phát triển Trường bền vững, vì sứ mệnh trồng người, không vì mục tiêu lợi nhuận.
- Trường của chúng tôi là một trường có chủ.Những người chủ của Trường được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ, vừa bảo đảm được tính dân chủ rộng rãi, vừa bảo đảm được quyền lực và kỷ cương trong quản lý. Sự đoàn kết thống nhất của các cổ đông, của các cán bộ nhân viên và giảng viên toàn trường nhờ đó mà được bảo đảm.
- Với đặc trưng “hợp tác xã” và phi lợi nhuận, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không thuộc phạm trù “kinh tế tư nhân”, mà thuộc phạm trù “kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa”. Tiền đồ phát triển của nó gắn liền với định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.
- Khác với các cơ sở kinh doanh – nay thịnh mai suy, nay hợp mai tan – các trường tư thục phi lợi nhuận có khả năng trường tồn và phát triển cùng xã hội. Đó là điều đã thấy ở châu Âu và Mỹ. Có những trường thành lập cách đây 7-8 trăm năm mà nay vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Kinh nghiệm thành công của họ đáng kể cho chúng ta suy ngẫm./.