“Phải tự tạo việc làm cho mình và cho xã hội”

Các bạn sinh viên thân mến!

Hôm nay tôi rất vui mừng thay mặt ban lãnh đạo nhà trường, các Khoa, các Phòng, các thầy cô giáo, và nhân danh cá nhân, nhiệt liệt chúc mừng các bạn sinh viên khóa III đã hoàn thành tốt đẹp khóa học và nhận bằng tốt nghiệp.

Điều làm tôi đặc biệt vui mừng là: số sinh viên khóa III tốt nghiệp đúng hạn chiếm tỷ lệ cao hơn các khóa trước.

  • Tổng số sinh viên khóa III vào thời điểm nhập học là 1.489 sinh viên, nhưng cuối khóa chỉ còn 1.111 sinh viên. Nguyên nhân giảm là vì: một số đã đi học nước ngoài, một số xin bảo lưu vì hoàn cảnh riêng, 186 sinh viên đã thôi học nửa chừng do tự ý bỏ học hoặc do nhà trường cho thôi học vì kết quả học tập quá kém, số này chiếm tỷ lệ 12,5% tổng số sinh viên nhập học. Tỷ lệ này được gọi là tỷ lệ tự đào thải. Cần phải kể thêm 127 sinh viên phải học lùi lại khóa dưới vì nợ quá nhiều đơn vị học trình. Trong số này, có một số sẽ vượt lên được để nhận bằng tốt nghiệp, nhưng có một số sẽ bổ sung vào tỷ lệ tự đào thải. Cả hai con số nêu trên cộng lại là 313 sinh viên, chiếm tỷ lệ 21% tổng số sinh viên nhập học. Tỷ lệ này chưa có gì thay đổi lớn so với tỷ lệ tự đào thải của sinh viên khóa I là 16%, của sinh viên khóa II là 20%.

Trong một cộng đồng gồm trên một ngàn người thì khó tránh khỏi có một số cá thể yếu kém, thiếu ý chí và nghị lực, ham đua đòi ăn chơi hơn ham học. Họ tự đào thải là lẽ đương nhiên.

  • Trong tổng số sinh viên khóa III, hôm nay có 747 sinh viên đã hoàn thành chương trình, chiếm tỷ lệ 67% sinh viên toàn khóa. Nếu kể cả 18 sinh viên được chọn đi học Hà Lan để học tiếp năm thứ 4 và nhận bằng cử nhân ở đó thì số sinh viên khóa III tốt nghiệp là 765 sinh viên, bằng 68% sinh viên toàn khóa.

Trong số sinh viên tốt nghiệp trong nước, có 17 sinh viên đã viết và bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh, 1% đạt hạng Giỏi, 29,5% đạt hạng Khá, 69% đạt hạng Trung bình khá, 0,5% đạt hạng Trung bình.

30,5% sinh viên tốt nghiệp hạng Khá và Giỏi, đó là niềm tự hào của nhà trường. Đưa tỷ lệ này lên cao hơn nữa, đó là mục tiêu quan trọng hàng đầu của nhà trường và của sinh viên các khóa sau.

Tuy nhiên, vẫn còn 364 sinh viên, tức 1/3 tổng số sinh viên toàn khóa, chưa thể hoàn thành khóa học đúng hạn 4 năm, vì còn nợ một số học phần. Họ sẽ phải lao động trong một thời gian dài hơn – 4 năm rưỡi, 5 năm, hoặc hơn. Người nào lao động một cách nhẩn nha, biếng nhác, người đó phải trả giá bằng một thời gian lao động dài hơn để hoàn thành một khối lượng công việc đã được xác định. Lẽ tự nhiên là như vậy.

  • Tỷ lệ 68% sinh viên của khóa III tốt nghiệp đúng hạn, một lần nữa chứng tỏ rằng chương trình đào tạo của Trường ta tuy tương đối nặng, nhưng không quá sức đối với tuyệt đại đa số sinh viên. Phải chấp nhận một chương trình tương đối nặng thì trong 4 năm, ngoài nghề chính là nghề quản lý kinh doanh, mới đạt được trình độ thành thạo về tin học ứng dụng và trình độ tương đối thành thạo về tiếng Anh, hoặc tạm dùng được tiếng Anh trong giao dịch đối ngoại. Theo phản ánh của một số cựu sinh viên khóa I mà nhà trường vừa có cuộc gặp mặt gần đây, thì thành thạo về tin học ứng dụng là một nét trội của sinh viên trường ta. Tuy chỉ là một trong nhiều kỹ năng được đào tạo, kỹ năng này đã tạo thuận lợi rất nhiều cho sinh viên trường ta khi tìm việc làm và khi làm việc. Về tiếng Anh, một số sinh viên chưa gặp được môi trường để sử dụng tiếng Anh, trong khi nhiều sinh viên khác nhờ có kỹ năng tiếng Anh mà được nhận vào các công ty nước ngoài, các công ty liên doanh hoặc được giao những vị trí chuyên giao dịch với khách hàng nước ngoài. Phải thừa nhận rằng có một số khá đông sinh viên chưa đầu tư công sức đủ mức vào việc trau dồi kỹ năng nghe và nói tiếng Anh. Các bạn này đã tỏ ra ân hận khi bước vào thị trường việc làm. Tuy nhiên, bổ khuyết vào thiếu sót này không phải là điều khó. Chỉ cần vài tiếng mỗi ngày là đủ để đạt tới trình độ thành thạo.
  • Trong số sinh viên khóa I đã đi làm, có một hiện tượng đáng chú ý: khá đông sinh viên không được giao việc đúng với chuyên ngành mà mình đã học. Nhiều sinh viên được giao quản lý nhân sự hoặc marketing là những nghề mà các bạn ấy mới chỉ hiểu biết về đại thể qua 45 tiết học. Nghề quản lý kinh doanh là một nghề bao hàm nhiều nghề, chính là nhờ ở điều đó mà sinh viên có thể dễ dàng thích ứng với nhiều vị trí trong doanh nghiệp. Tất nhiên các bạn này đã phải tìm sách chuyên ngành để hiểu sâu hơn, và nhờ đó, đã khắc phục được những bỡ ngỡ ban đầu.

Rút kinh nghiệm từ hiện tượng nêu trên, nhà trường đưa ra lời khuyên đối với các bạn như sau: bạn nào chưa có điều kiện đi làm ngay thì nên tranh thủ học thêm một chuyên ngành thứ hai. Thời gian cần thiết để hoàn thành một chuyên ngành thứ hai là 15 tuần. Nhà trường cũng đang nghiên cứu để mở thêm chuyên ngành đáp ứng nhu cầu của xã hội như marketing, quản lý nguồn nhân lực, ngân hàng – tín dụng, v.v… Đối với những bạn phải đi làm ngay thì nhà trường có lời khuyên: nên tranh thủ nghiên cứu thêm các môn học thuộc chuyên ngành thứ 2, thứ 3, thông qua các giáo trình do nhà trường biên soạn. Trên cái nền kiến thức đa ngành đa nghề của ngành quản lý kinh doanh, càng đi sâu vào nhiều chuyên ngành bao nhiêu thì càng trở nên tinh thông về nghiệp vụ bấy nhiêu, càng tự biến mình thành một nhà kinh tế thực hành đa năng, việc gì cũng tinh thông, việc gì cũng thành thạo.

Một số sinh viên kiến nghị với nhà trường tăng thêm thời lượng cho đào tạo chuyên ngành. Đó là một nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ: phân phối thời lượng của 4 năm học như thế nào cho những mục tiêu cần đạt?

Trước tiên, cần hiểu thế nào là nhà quản lý kinh doanh? Nhà quản lý kinh doanh không phải là một loại chuyên gia có chuyên môn hẹp, mà là một loại chuyên gia có chuyên môn rộng, nghĩa là có chuyên môn bao quát cả một doanh nghiệp, nhờ đó, có khả năng xử lý những vấn đề mấu chốt và những mối quan hệ liên ngành trong phạm vi một doanh nghiệp, cũng tức là có khả năng quản lý cả một doanh nghiệp. Muốn thế, nhà quản lý kinh doanh trước tiên phải là một nhà kinh tế. Sau đó, phải là một nhà thương mại, một nhà tài chính, một nhà kế toán, một nhà quản lý. Tất cả các “nhà” ấy phải nắm vững luật kinh tế, phải sử dụng được công cụ toán kinh tế, phải sử dụng được công cụ tin học, và phải sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ làm công cụ giao dịch. Chỉ trên cơ sở đó mới đi sâu vào một chuyên ngành để khi ra trường là làm việc được ngay. Tóm lại, nhà quản lý kinh doanh phải là một chuyên gia biết nhiều nghề và tinh thông một nghề (các nghề ấy, đương nhiên chỉ trong khuôn khổ một doanh nghiệp). Nếu dành nhiều thời gian hơn để đào tạo thật tinh thông một nghề hoặc tinh thông vài nghề thì thế tất phải lấn vào thời gian đào tạo đa ngành, đa nghề, và như vậy thì nhà quản lý kinh doanh sẽ không còn là nhà quản lý kinh doanh nữa, mà biến thành một chuyên gia có chuyên môn hẹp.

Chấp nhận mục tiêu nêu trên – mục tiêu đa ngành đa nghề – thì cũng có nghĩa là chấp nhận tính hạn chế của mục tiêu tinh thông một nghề. Những gì mà nhà trường đào tạo các bạn về chuyên ngành thực ra chỉ là tạm đủ để hành nghề. Trong quá trình hành nghề, các bạn phải tự mình trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng về cái nghề mà mình được giao. Nếu học thêm được chuyên ngành thứ hai, thứ ba, thì càng tinh thông hơn về nghiệp vụ, càng dễ chuyển dịch nghề nghiệp, và khi được giao vai trò quản lý cả một doanh nghiệp thì càng sành sỏi hơn trên cương vị mới.

  • Sau cuộc gặp gỡ với các cựu sinh viên khóa I, có một nữ sinh viên tìm tôi, nói: “Em cám ơn thầy vì một lời dặn của thầy hôm phát bằng cho sinh viên khóa I ở Nhà hát lớn. Thầy dặn: không nên quên một hướng là tự tạo việc làm cho mình. Theo hướng đó, em đã dựng cho mình một doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh công nghệ thông tin, và em đã thành công. Em đã phải vay vốn nhiều đợt, tổng số đến gần 100 triệu đồng, nhưng đến nay, em đã trả được quá nửa số vốn vay”.

Đúng vậy, trong lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên Khóa 1, tôi đã có một lời dặn dò như sau:

“Mối quan tâm trước mắt của các bạn là tìm việc làm. Song, đừng coi đó là hướng duy nhất. Còn một hướng nữa không nên bỏ qua, đó là tự mình tạo ra việc làm cho mình – qua những hoạt động kinh doanh nhỏ, những tổ chức hợp tác nhỏ. Để khai phá con đường này, phải năng động, nhạy bén, quan sát nghiên cứu thị trường để tìm ra kẽ hở của thị trường, lấy đó làm chỗ đứng cho mình, phải có tinh thần mạnh dạn, quyết đoán, đi liền với thận trọng, kiên trì.”

Hôm nay, tôi muốn nhắc lại ý tưởng này một lần nữa.

Với những thông tin lẻ tẻ mà nhà trường nắm được, không phải chỉ một sinh viên, mà hàng chục sinh viên Khóa 1, Khóa 2 và cả Khóa 3 đã tự mình tạo ra được việc làm cho mình.

Cứ nhìn vào tình trạng thất nghiệp và thị trường việc làm ở nước ta hiện nay, càng thấy rõ tính bức xúc của việc tự tạo ra việc làm cho mình.

Theo thống kê gần đây thì tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị là trên 6%, ở nông thôn là trên 25%, tính chung cả nước là trên 20%. Trong 10 năm 1990-2000, tổng số lao động làm việc tăng được 7.300 ngàn, bình quân mỗi năm tăng 730 ngàn. Tính riêng số lao động làm việc trong khu vực Nhà nước thì tăng được 85 ngàn, bình quân mỗi năm tăng 8.500 người. Như vậy, khu vực Nhà nước chỉ đóng góp được 1,16% trong số việc làm tăng thêm của xã hội – một tỉ lệ gần như vô nghĩa. Trong khi số người đến tuổi lao động, nghĩa là số người có yêu cầu việc làm, mỗi năm tăng thêm 1,4 triệu người thì nền kinh tế mới chỉ tạo ra được 1/2 số việc làm cho họ. Đó là một thực trạng nhức nhối.

Bất cứ một nước chậm phát triển nào cũng đều vấp phải một trạng thái mâu thuẫn: một mặt thì lao động thiếu việc làm, một mặt thì hàng hóa và dịch vụ rất nghèo nàn thiếu thốn. Tìm cách tạo ra hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng tức là tạo ra việc làm cho người lao động, cho dù người lao động đó chỉ là chính mình, đó là biện pháp cơ bản để thoát ra khỏi tình trạng chậm phát triển. Các nhà quản lí kinh doanh mà Trường ta đào tạo ra không có trách nhiệm gì trước nghĩa vụ xã hội đó hay sao?

Mỗi lần phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên ra trường, tôi lại tự hỏi: phải chăng Trường mình lại ném thêm một quả tạ nữa vào bàn cân yêu cầu việc làm vốn đã nặng trĩu? Còn các bạn, hẳn mỗi bạn đều cảm thấy mức độ căng thẳng ngày càng tăng của cuộc chạy đua tìm việc làm đang bày ra trước mắt các bạn? Thay vì ném thêm một quả cân vào bàn cân yêu cầu việc làm (nói theo danh từ kinh tế là cầu về lao động) hãy ném quả cân của các bạn vào bàn cân bên kia – bàn cân cung, như vậy thì bản thân mình yên ổn, mà xã hội cũng nhẹ gánh trên con đường phát triển.

Để khai phá một hướng đi mới, bao giờ cũng phải rũ bỏ những thiên kiến cũ đã bám rễ vào chính mình và những người xung quanh. Phải chăng lọt được vào khu vực Nhà nước mới là danh giá? Phải chăng lập doanh nghiệp tư nhân là “kém thớ”? Từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, do hiểu sai chủ nghĩa Mác, chúng ta (bao gồm cả tôi) đã phổ biến quan niệm cho rằng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì mọi việc phải trút lên vai Nhà nước, cái gì do Nhà nước làm mới là chính thống chủ nghĩa xã hội. Sinh viên vào đại học phải do Nhà nước chu cấp, sinh viên ra trường phải do Nhà nước xếp việc làm. Phải làm việc trong khu vực Nhà nước thì mới xem là phục vụ đất nước, phục vụ chủ nghĩa xã hội. Đã gần 20 năm nay, đất nước đã bác bỏ đường lối sai lầm đó rồi, nhưng ý thức tư tưởng của con người thì vẫn phảng phất quan niệm cũ. Cần phải xác định lại rằng: đối với một đất nước chậm phát triển thì mọi công dân, mọi nhà kinh tế phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, tìm mọi cách tạo ra việc làm cho mình và cho người khác, tìm mọi cách tạo ra hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội, thế mới là yêu nước, thế mới là góp phần tạo ra một xã hội phát triển làm tiền đề cho chủ nghĩa xã hội. Những kẻ ỷ lại vào Nhà nước, bám vào Nhà nước mà sống, bám vào Nhà nước mà đục khoét, những kẻ ấy mới đáng phải khinh bỉ.

Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân mà là yêu nước, mà là xây dựng chủ nghĩa xã hội ư? Nói vậy có phải là nghịch lí không? Không! Đó là lô-gích của lịch sử, là tiến trình tất yếu của lịch sử. Quy luật của lịch sử đòi hỏi phải qua nhiều giai đoạn quá độ mới đến được nấc thang cao nhất mà con người mơ ước. Ai không hiểu điều đó thì hãy đọc lại Ang-ghen. Chính ông đã viết trong cuốn sách nổi tiếng “Chống Duy rinh”: “Không có chế độ nô lệ cổ đại thì không có chủ nghĩa xã hội hiện đại”. Theo cách nói của Ang-ghen, ngày nay chúng ta có quyền nói: không phát triển kinh tế tư nhân thì không có chủ nghĩa xã hội hiện đại.

Các bạn sinh viên thân mến!

Các bạn được đào tạo để trở thành những nhà kinh tế thực hành, những nhà quản lí kinh doanh. Với tư cách ấy, các bạn không thể trở thành gánh nặng việc làm cho xã hội, mà ngược lại, các bạn phải là tác nhân tạo ra việc làm cho xã hội, tạo ra hàng hóa và dịch vụ cho xã hội, và bằng cách đó, góp phần đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng chậm phát triển, hướng tới chủ nghĩa xã hội.

Với hành trang kiến thức và kĩ năng mà trường đại học đã trang bị cho các bạn, các bạn hãy bước vào giai đoạn mới của cuộc đời – giai đoạn lập thân, lập nghiệp và lập công – với lòng tự tin, hoài bão nghị lực của tuổi trẻ. Chúc các bạn thành công!

“Hãy cân nhắc kỹ lưỡng về sự lựa chọn tương lai 
của mình và quyết tâm thực hiện nó” 

Thưa các đồng chí lãnh đạo Nhà trường, các Khoa, các Phòng!

Thưa các thầy cô giáo, các em sinh viên thân mến!

Như vậy là sau hơn 3 tháng kể từ ngày mà Bộ tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, thì đến nay trường ta mới kết thúc được giai đoạn tuyển chọn, kết thúc ở nguyện vọng 2. Tôi nghĩ rằng trong cả thời gian hơn 3 tháng qua thì cán bộ nhà trường làm việc rất vất vả và càng vất vả hơn là các em sinh viên nguyện vọng 2, sau khi thi và chờ đợi rất nhiều bây giờ các em mới ổn định chỗ ngồi ở trường đại học. Thay mặt nhà trường, tôi nhiệt liệt hoan nghênh các tân sinh viên nguyện vọng 2 Khóa 14.

Các em sinh viên thân mến, các em nhập học ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội theo tiêu chí nguyện vọng 2, điều đó ý nghĩa là các em đã từng theo đuổi trường mà các em ưu tiên lựa chọn như nguyện vọng 1. Khi người ta không chọn được cái mà người ta muốn thì phần lớn hẳn là có một sự thất vọng nào đó, một sự hẫng hụt nào đó có đúng không? Theo tôi chưa hẳn đâu, là bởi vì tôi xem những trường đại học nguyện vọng 1 các em lựa chọn chưa hẳn tốt với các em, các trường đó giảng dạy một số môn chuyên ngành không cao, đặc biệt một số trường có tiếng về kỹ thuật lại không có tiếng về kinh doanh, kinh tế. Các em chọn trường thi vào nguyện vọng 1 thiếu thông tin, không hiểu các trường đó như thế nào, chỉ nghe tiếng hoặc nghe bạn bè mà chọn thôi. Cho nên khi trượt nguyện vọng 1 thì chưa hẳn đã nên thất vọng. Một tiêu chí nữa cũng thường được lựa chọn thì phải: đó là chọn trường công lập thường có học phí thấp vì đã được nhà nước bao cấp. Khi các em nộp học phí 240.000đ/1 tháng thì nhà nước hỗ trợ thêm 540.000đ/1 tháng; tức là Nhà nước phụ cấp cho các em mỗi năm 5 triệu, có trường lên đến 7 triệu. Trường công lập học phí thấp, nhưng chất lượng đào tạo có tốt hơn trường dân lập hay không điều đó chưa chắc chắn.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ chúng tôi có chủ trương lâu nay không quảng cáo về trường của mình trên phương tiện thông tin đại chúng. Quảng cáo về trường thì thực ra không có gì quảng cáo cả, bởi vì anh nói anh dạy cho sinh viên mình giỏi nhưng chưa chắc anh dạy giỏi! Cho nên khi người ta đưa lên quảng cáo thì không có gì để nói, tốt nhất là không quảng cáo.

Khi các em đến trường này các em cần nhận rõ một số điểm của Trường. Hôm nay tôi muốn nói với các em những đặc điểm đó.

Trường này đào tạo sinh viên với khối lượng kiến thức lớn hơn các trường khác nếu theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thì một trường đại học chỉ cần giảng dạy 210 đơn vị học trình (ĐVHT) là đủ, có trường lại chưa đạt được 210. Trường này trước đây dạy 280 ĐVHT nhưng từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi 3 chung tức là chung đề, chung điểm sàn, thì thời gian tuyển sinh rất nhiều, thường thì là 3 tháng; cho nên nửa học kỳ đầu thời gian học phải rút xuống còn 240 ĐVHT. Nhưng so với tiêu chuẩn 210 ĐVHT thì 240 ĐVHT vẫn nhiều hơn khoảng 15%. Như vậy khối lượng giảng dạy nhiều hơn các trường khác, kể cả các trường công lập lẫn ngoài công lập. Nếu không cố gắng, không tiếp nhận được chương trình đó, thì hiệu quả học tập sẽ không cao.

Khi người ta nói về một trường đại học thì không phải chỉ nhìn khối lượng giảng dạy của Trường đó, mà điều quan trọng hơn người ta nhìn thiết kế chương trình đào tạo như thế nào? Tức là trong chương trình đào tạo ấy người ta chọn chương trình nào cho sinh viên học tập – đó mới là quan trọng nhất. Trên thế giới các trường nổi tiếng hay không nổi tiếng đều phụ thuộc vào chương trình đào tạo của trường ấy. Ví dụ như những trường ở Mỹ chẳng hạn, có rất nhiều trường giỏi về marketing, giỏi về tài chính, và không phải trường nào cũng giỏi đủ các thứ nghề; đó là phụ thuộc vào chương trình đào tạo của trường ấy. Chính vì ý nghĩa đó nhà trường đã phát cho các em một quyển sách nhỏ công bố tất cả các chương trình đào tạo của trường này. Thường thì các em ít chú ý, nhưng tôi khuyên các em phải chú ý vì chính Chương trình đào tạo đó là những tinh túy về kiến thức, về kỹ năng mà Trường này chủ trương chuyển giao cho các em. Trong đó có mấy điểm cần lưu ý.

Thứ nhất là kỹ năng máy tính. Theo quy định của Bộ thường dạy về kỹ năng máy tính là 7-8 ĐVHT nhưng nhà trường dạy 24 ĐVHT tức là 360 tiết. Tại sao lại 360 tiết, là bởi vì theo các chuyên gia về máy tính thì phải mất từng ấy thời gian. Nên mấy em xuất thân ở trường này ra thì thành thạo máy tính cả về lý thuyết và thực hành. Các giảng viên giảng ở trên lớp thế nào thì thực hành ngay trên máy vi tính, sau khi học xong các em thành thạo sử dụng máy vi tính. Trong thời buổi ngày nay nếu không sử dụng thành thạo máy vi tính, người ta cho mình là “người nhà quê”. Một sinh viên tốt nghiệp đại học dứt khoát không được như một “anh nhà quê” trước người nước ngoài, trước xã hội. Vì thế mà trường này đã chủ trương dạy máy tính một cách nghiêm túc và bảo đảm thỏa mãn để các em có thể thành thạo được. Các em nên nhớ rằng để làm được việc đó thì tốn rất nhiều tiền, nếu mà dạy ít về máy tính thì nhà trường tốn ít hơn. Các em thử tưởng tượng là mỗi máy tính 7 triệu mà chúng ta có 1.000 máy tính thì riêng các phòng máy tính đã là 7 tỷ rồi; mà đúng hơn là hơn 7 tỷ.

Điểm thứ hai là nội dung của chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tiếng Anh chỉ dạy 20 ĐVHT tiếng Anh thôi, tức là hơn 300 tiết. Nhưng chúng tôi hỏi chuyên gia tiếng Anh: “Bao nhiêu tiết thì nói được tiếng Anh?”, các chuyên gia nói là tối thiểu phải 1.080 tiết tức là 72 ĐVHT. Vì thế trường này chủ trương là các em học 72 ĐVHT và sau khi học 72 ĐVHT thì nhiều em đã đạt 550 điểm TOEFL, thậm chí 650 điểm để đi học nước ngoài. Những em kém nhất cũng đạt 450-480 (mà đấy là những em lười, những em rất dốt mới đạt trình độ đó), còn nói chung với hơn 1.000 tiết tiếng Anh thì đều đạt 550 điểm TOEFL trở lên. Đó là kỹ năng thứ 2 mà các em phải học, bởi lẽ đơn giản là thời buổi này người ta gọi là thời buổi hội nhập quốc tế; mà ngôn ngữ toàn thế giới đang sử dụng là tiếng Anh. Nếu sinh viên của ta mà không sử dụng được tiếng Anh thì cũng là một “anh nhà quê”.

Điểm thứ ba trong chương trình đào tạo là chuyên môn – tất cả các kiến thức về chuyên môn mà các em cần có phải được đào tạo. Trường này đào tạo rất kỹ về kiến thức đó. Tôi nói ví dụ một cử nhân kinh tế thì bất cứ hệ kinh tế nào cũng phải thông thạo, chứ không như một số trường đào tạo cử nhân kinh tế chỉ đào tạo cử nhân kinh tế thương mại không thôi, còn kinh tế khác thì không dạy. Trường này không chủ trương như thế. Đã gọi là Cử nhân kinh tế thì bất kỳ hệ kinh tế nào cùng phải thông thạo, có thể xử lý được. Hay tôi ví dụ như cử nhân thương mại. Thực chất chương trình này ghi rõ là chương trình này chính để tạo ra những giám đốc công ty và nếu em nào muốn đi các nơi trên thế giới, hay làm giám đốc một công ty thương mại, hoặc làm trợ lý giám đốc, hoặc làm chuyên viên cho một công ty thương mại thì nên vào ngành này. Nhớ là tài chính ngân hàng không vào được ngành này, không làm được chức vụ này. Hay ngành du lịch hiện nay là nghề phát triển khắp đất nước; muốn làm kinh doanh du lịch phải học cử nhân du lịch chứ tài chính ngân hàng không làm được cái nghề này bởi vì ngành này không đào tạo để làm nghề du lịch. Còn nếu học ngành tài chính ngân hàng chính là để làm chuyên viên tài chính ngân hàng, chứ không đào tạo để làm nghề giám đốc ngân hàng. Muốn làm giám đốc ngân hàng thì phải làm chuyên viên nhiều năm thì mới làm giám đốc được, v.v… Cho nên tôi lưu ý các em là xem lại cái chương trình đào tạo của nhà trường, trong đó nó xác định rõ ngành nào thì đạt mục tiêu gì và cơ cấu kiến thức của nó gồm những gì, từ đó hãy chọn nghề.

Nhà trường cho phép các em chuyển nghề, tuy nhiên, tốt nhất chuyển nghề sớm thì tốt, trong phạm vi học kỳ I, bởi vì các em đã học sâu rồi thì hơi khó. Tức là những môn mình đã học khi chuyển sang các ngành khác nó lại không cần nữa, thế là mình lại phải học lại môn khác.

Còn một ý rất quan trọng là cũng nên chọn học các ngành công nghệ. Lâu nay nước ta không có vốn nên mở nhà máy rất ít, nhưng bây giờ đầu tư nước ngoài vào rất nhiều, họ mở nhà máy gang thép, nhà máy cơ khí hạng nặng, nhà máy chế tạo điện tử, v.v… Ngay như quanh Hà Nội này, có hãng Canon mở 3 nhà máy và họ cử người đến đây yêu cầu trường cho chọn sinh viên tốt nghiệp. Tôi bảo họ rằng tha hồ chọn, nhưng cuối cùng họ chỉ chọn được vài chục người thôi, bởi vì không có kỹ sư. Kỹ sư, kỹ sư cơ – điện tử họ rất cần, nhưng mình không có người vì lúc đó trường chưa đào tạo. Lúc đấy trường mình chỉ đào tạo quản lý kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, v.v… thì họ lại không cần nhiều. Nếu bây giờ các em học ngành kỹ thuật – như nhà trường mở ra điện – điện tử, cơ – điện tử – thì bất cứ ngành kỹ thuật khối nào cũng phải dùng đến. Rồi các em chọn học ngành xây dựng là cái đất nước mình đang xây dựng, khắp nước là công trường, khắp nước cần kiến trúc, nào là thiết kế từ cái nhà của tư nhân cho đến những trụ sở lớn đều cần kiến trúc sư, đều cần đến kỹ sư xây dựng. Hay công nghệ thông tin – các em biết rồi cả thế giới người ta phát triển công nghệ thông tin, v.v… Thế thì chính các nghề công nghệ bây giờ mới gọi là thời đại. Nếu các em cứ lao vào ngành tài chính ngân hàng và kế toán, thì thực ra đến lúc nào đó các em sẽ không kiếm được công việc tốt đâu. Trong khi đó thì những nghề khác kia thì đầy triển vọng. Tôi chỉ lưu ý thế thôi, còn nhà trường tôn trọng nguyện vọng của các em, tôn trọng quyền quyết định của sinh viên, các em muốn chọn nghề gì thì đều đáp ứng, không cản trở.

Một điều khuyên nữa là tôi khuyên các em học hai bằng cử nhân, nhất là các em nào khá, bởi vì nhà trường đã dậy các em, bất cứ ngành học gì cũng học 72 ĐVHT tiếng Anh, tức là 2/3 cái bằng cử nhân tiếng Anh rồi đó. Bây giờ chỉ cần học thêm 50 ĐVHT nữa là nhà trường cấp bằng thứ hai là bằng cử nhân tiếng Anh. Tốt nhất các em học thêm một bằng nữa là bằng cử nhân tiếng Anh, vì tiếng Anh như là một môn học của bất kỳ cái nghề gì của mình, chỉ thêm 50 ĐVHT nữa là nhà trường cấp cái bằng thứ hai.

Về chuyên môn, Trường này dạy khoảng 110-120 ĐVHT, bao gồm những kiến thức cơ sở, kiến thức ngành, kiến thức chuyên ngành, kể cả việc thực tập và làm luận văn tốt nghiệp cũng thông qua kiến thức đó. Chương trình đào tạo của Trường được thiết kế bởi các chuyên gia, cứ hai năm một lần thì các chuyên gia của Trường lại xem xét thiết kế chương trình học của Trường có thật tốt chưa. Cho đến nay, Trường đã trải qua 6 lần điều chỉnh chương trình đào tạo như vậy để loại bỏ phần nào không cần thiết đưa vào chương trình đào tạo, và bổ sung thêm những bộ phận kiến thức và kỹ năng thật cần thiết, để khi ra đời các em có thể đối phó với cuộc sống một cách tốt nhất.

Tôi nói về học phí luôn. Học phí trường này là 7 triệu đồng/năm. Trong khi chương trình học của trường này cao hơn trường khác 15% thì điều đó có nghĩa là nếu quy ra 210 ĐVHT thì các e chỉ phải nộp 6 triệu/năm, chứ không phải 7 triệu đâu; vì 7 triệu đồng/1 năm trừ 15% còn 6 triệu đồng/năm. Làm thế nào để có thể đào tạo chương trình như thế với học phí như thế. Cái đó cả một bí quyết về quản lý đấy, không dễ gì! Một tuần có 6 ngày làm việc, chúng ta đã bố trí sử dụng những phòng học, nhất là những phòng học máy tính, là hơn 95%, mà nói đúng hơn là 97%. Đó là bí quyết là có thể chi ít tiền thôi, nhưng mà làm được nhiều việc.

Đó là đặc điểm thứ nhất mà các bạn đã chọn trường mình như là nguyện vọng 2.

Đặc điểm thứ hai tôi muốn nói với các bạn là đội ngũ giảng dạy của trường. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ là trường của những trí thức về hưu lập ra và lực lượng nòng cốt của nó là trí thức về hưu; nên đội ngũ giảng dạy của nó gồm những nhà trí thức đã giảng dạy ở trường công lập khoảng 30-40 năm đến khi về hưu tập hợp lại ở trường này. Do đó Trường có đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ chiếm một tỷ lệ rất cao, có lẽ hình như không có trường nào ở nước này so bì kịp: cả giáo viên cơ hữu và thỉnh giảng khoảng 600 người thì 40% có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, 70% có trình độ thạc sĩ trở lên; còn lại là cử nhân thì thường dạy các môn ngoại ngữ, quốc phòng, thể chất. Những ngành này thực ra có khi tiến sĩ cũng không giỏi bằng cử nhân đâu. Nói ví dụ như là giáo viên tiếng Anh thì rõ ràng là những người mới ra trường phát âm tốt hơn; dạy quốc phòng thì không cần tiến sĩ mà cần những đại tá, thượng tá là người có trình độ, lâu năm ở trong quân đội, giỏi chuyên môn quốc phòng. Cho nên tôi rất tự hào về đội ngũ giảng dạy ở trường này – nơi tập hợp, quy tụ của đội ngũ trí thức đã từng giảng dạy 30-40 năm ở tất cả các trường đại học ở trong nước. Hơi đáng tiếc là nhiều khi sinh viên không biết lợi dụng kiến thức của những người thầy đó; muốn “khai thác” kiến thức của những ông giáo sư giàu kinh nghiệm đó, thì các em sinh viên phải biết đặt câu hỏi khi lên lớp, mà muốn vậy phải chuẩn bị tốt nhất bài vở cho các tiết học.

Đặc điểm thứ ba của trường là trường theo một triết lý: “Dạy cho học trò những điều, những nghề mà học trò muốn; đừng dạy cho học trò những nghề mà người thầy có sẵn”. Điều đó cũng giống như trong lý luận marketing người ta nói: “không bán những gì mà doanh nghiệp có, mà bán những gì mà người tiêu dùng cần”. Trường này theo triết lý như thế.

Điều này khác là Trường không bắt các em có một số điểm nhất định nào đó thì mới được chọn vào ngành nghề mà các em thích để học, mà là vào trường này các em được học ngành nghề nào mà các em thích tùy các em. Bởi vì nhà trường chịu trách nhiệm dạy các em thành nghề, còn khi ra trường các em có kiếm được việc làm hay không, có sống được bằng nghề các em học hay không – đó là tùy thuộc ở các em chứ, vì trường có chi phối được các em đâu! Nên trường không bắt buộc các em phải vào học nghề này, nghề kia. Như các trường đại học khác có sẵn các thầy cô giáo dạy học môn nào đó, và họ cứ bắt học trò nếu ít điểm thì phải vào đấy. Trường này đã từng giải thể những khoa mà học trò không muốn học, nhà trường giải thể thì các thầy giáo đi làm việc khác, chứ không bắt học trò phải học nếu các em không thích. Đó là thể hiện tinh thần dân chủ của trường này, sự tôn trọng học trò của trường, bởi vì các em bây giờ đến 18 tuổi rồi đã là công dân rồi, nhà trường không bắt ép các em. Nhiều khi các em chọn không hay lắm đâu, nhưng các em chịu trách nhiệm còn nhà trường vẫn tôn trọng sự lựa chọn của các em.

Với ba đặc điểm đó thì tôi nghĩ rằng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ hơn nhiều trường khác đấy, cho nên các em có nên luyến tiếc nguyện vọng 1 của mình hay không thì sau khi xem xét những đặc điểm của trường tự các em kết luận. Nhưng chọn được 1 trường tốt rồi hoặc tương đương tốt rồi đã chắc là thành công ư? Không phải, trong nghề giáo dục – đào tạo, bao giờ người ta cũng nói về hai mặt: phải chọn trường dạy tốt, nhưng đồng thời học trò cũng phải học tốt. Nếu trường dạy tốt mà học trò không học thì làm sao mà học giỏi được. Nếu học trò học tốt, chăm chỉ mà Trường lại dạy tồi thì làm sao hiệu quả cao được cho nên có Trường tốt có thầy tốt rồi thì bản thân mình phải học tốt. Đó là điều thứ hai tôi muốn nói với các bạn.

Muốn học tốt trước tiên phải xác định thái độ của mình như thế nào. Tôi muốn gợi ý với các bạn, các bạn phải tự hỏi: có thật mình muốn học đại học không? Có thật rằng mình quyết tâm học đại học không? Hay là mình còn có nhu cầu khác nữa, những mối quan tâm khác nữa. Tôi nói ví dụ những quan tâm khác nữa là gì? Rất nhiều em sinh viên khi vào trường thì đạt điểm thi tuyển sinh rất cao nhưng đến khi học thì lại học không ra sao, bởi vì sao vì các em ham đi xem nhiều quá, bởi vì ở nông thôn lên thấy thành phố cái gì cũng đáng xem, thế là hết ngày này đến ngày kia đi xem, bạn rủ đi đâu cũng đi tới đó, không có thời giờ học. Đặc biệt có một số em lại thích đi xem game, đi chơi game trên máy tính, xem tối ngày thì có thì giờ đâu mà học. Có em đến lớp quen được bạn trai, bạn gái; thế là theo đuổi mối tình của mình quên cả học. Tôi nói ví dụ có em học đến 3 năm rồi mà nợ hơn 100 ĐVHT, đến khi trường sắp đuổi rồi thì người nhà lên nói rằng đúng là cháu tồi quá, bởi vì 3 năm vừa rồi cháu theo đuổi tình yêu nhiều quá. Tôi mới bàn lại là: em phải học lại từ đầu, nếu học lại từ đầu em mới học được vì không học thì làm sao thi nổi, cuối cùng em đó phải thôi học.

Vậy thì đến trường để học đại học hay là tìm người yêu đây? Hai điều đó phải phân biệt cho rõ chứ. Đến trường để học đại học hay là chơi game, thậm chí có những em lại chơi hẳn với đám lưu manh, mâu thuẫn nhau, rồi kéo vào đây đâm chém nhau. Mỗi năm có vài trường hợp đấy, không nhiều lắm nhưng điều đó đáng cảnh giác.

Nên nhớ rằng, với một chương trình học nặng như vậy, thì chỉ cần một học kỳ các em lơ là thôi thì các em có kết quả nợ thi. Mà nợ nhiều quá, các em chán đến học kỳ 2 chán tiếp thế là thôi. Kinh nghiệm của trường này những khóa trước đây đều có tới 15-20% các em tự bỏ học; đặc biệt có khóa có 1.000 em vào học thì rớt 250 em. Nhà trường không đuổi, bởi vì nếu đuổi các em thì các em không làm lại cuộc đời đại học của mình. Các em tự bỏ học vì mối quan tâm của các em đó không phải học đại học mà là quan tâm cái khác.

Khi tôi đặt vấn đề là: mỗi em phải tự hỏi mình rằng “có thật là em muốn học đại học không?” – thì đó không phải là câu hỏi đùa đâu. Thật tình tôi ngại rằng trong số các em ngồi đây thì có thể 10% chưa nghiêm túc trả lời câu hỏi đó, vì có tới 10-15% các em tự bỏ học hoặc lui xuống khóa dưới. Khóa nào cũng có tình trạng đó, đó là điều cực kỳ đáng tiếc. Tôi nghĩ các em đó là những người có thái độ chưa xác định được khi vào trường đại học. Họ chưa hiểu được rằng khóa đào tạo đại học này đối với họ có ý nghĩa như thế nào và họ phải phấn đấu như thế nào? Cho nên điều đầu tiên tôi nhắc các em là: xác định cho mình thái độ thật muốn học hay không, còn nếu không muốn học thì cứ rút lại sớm đi đỡ tốn công, đỡ tốn tiền và đỡ tốn cả thời gian nữa. Nên nhớ rằng một ngày chỉ có 24 tiếng thôi, một năm chỉ có 365 ngày thôi, bởi vì thời gian của chúng ta do quả đất quay quanh mặt trời anh không giữ được nó, nó cứ thế nó quay, còn anh muốn gì thì tùy anh. Vậy thì 4 năm học đại học qua đi mà anh không thu được cái kết quả đích đáng thì đúng là lãng phí quá đáng. Đấy là điều tôi cảnh báo các em trước.

Tôi nghĩ đối với toàn thể các em không đến nỗi, nhưng ít nhất đối với 10-15% sinh viên ngồi đây điều đó có ý nghĩa. Mỗi em phải khẳng định riêng mình. Có nhiều em nghĩ là bố mẹ mình có nhiều tiền rồi, có chức vụ rồi, có học tồi thì vẫn kiếm được việc làm; thậm chí không học, không đỗ đại học cũng không chết đói. Nhưng con người ta có ỷ lại vào bố mẹ mãi không, mỗi người phải tự hỏi có phải tự lập thân lập nghiệp không hay phải ỷ lại nhờ bố mẹ? – Đó là một ý thức rất tồi. Những em nào có ý thức như vậy thì cuộc sống sẽ không ra gì đâu. Con người phải biết tự lập, phải biết tự trọng, bây giờ có điều kiện học đại học phải học thành tài. Đó là điều quan trọng nhất.

Điều nữa là có những em là trụ cột gia đình, gia đình hy sinh cho các em đi học để các em có lương, có thu nhập cao giúp đỡ lại bố mẹ, giúp đỡ lại các em, vậy thì cái trách nhiệm đó nặng lắm chứ?

Và đối với đất nước, tôi hỏi rằng các em có trách nhiệm gì đối với đất nước hay không? Đất nước cần những người tài, những người có kiến thức; vậy những người học phải học cho tốt, phải trau dồi kiến thức, phải trau dồi phẩm chất để sau này đi ra giúp nước.

Tôi kể một kỷ niệm để các bạn hiểu hơn. Tôi sinh ra trong thời kỳ đất nước còn nô lệ cho Pháp. Tôi học 6 năm tiểu học xong, không có trường trung học là bởi vì thời Pháp trước năm 1945 cả xứ Bắc kỳ chỉ có một trường trung học thôi, trường đó là trường Bưởi tức là trường Chu Văn An bây giờ ở Hà Nội. Muốn học trường trung học đó thì phải thi vào, mà thi thì tôi không lo, mà lo tiền đâu để sống ở Hà Nội. Tôi là con một ông đồ, mà ông đồ chẳng có gì cả, chỉ có chữ mà học thôi, tiền đâu mà có cho con sống ở Hà Nội được? Thế là tôi phải ở nhà. Nằm ở nhà đến năm thứ hai thì có người mách: Này, trường Bưởi mỗi năm có học bổng cho 3 người thi giỏi nhất. Nghe thông tin đó, tôi tự học một năm. Sau 3 năm nằm khoèo ở nhà và tôi đi thi, đúng là tôi được nhận học bổng. Tôi không nhớ là xếp thứ mấy, nhưng là 1 trong 3 người được nhận học bổng toàn phần, có nghĩa là được nuôi cơm trong trường, không mất tiền. Lúc đó, tôi chỉ có một đôi guốc mộc và một bộ quần áo chùng như bộ bà ba vào trường. Điều đó có nghĩa là có học bổng mới đi học được. Thế đấy các em ạ.

Bây giờ các em học trung học rồi đại học, thoải mái vậy mà không tận dụng được thời gian đó thì rất tiếc.

Các em nên nhớ rằng các em được học đại học như ngày nay là do xương máu của bao nhiêu thế hệ đấy, chứ không phải là trời cho đâu. Đó là xương máu của bao nhiêu thế hệ chúng ta mới có độc lập này và chúng ta mới có trường đại học mở mang như thế này, và các em là người thừa hưởng cái thành quả đó. Vậy phải trả cho đất nước cái gì chứ, đền đáp lại đất nước cái gì chứ? Điều đó đơn giản thôi, chỉ bằng cách học tập cho tốt, phải học trở thành người có tài để giúp cho bản thân mình và giúp cho đất nước. Tôi cho rằng ý thức của thanh niên ngày nay phải hiểu được điều đó và phải học thế nào cho xứng đáng.

Nhân đây tôi nói cho các em biết là nước Việt Nam ta vì vướng vào cuộc chiến tranh mấy chục năm cho nên trình độ kiến thức của chúng ta rất thấp so với các nước bên cạnh. Tôi nói ví dụ như người ta thống kê năm 2004 tỷ lệ sinh viên học đại học trong độ tuổi 20-24 Việt Nam chỉ có 10% thôi, nhưng Thái Lan là 41%. Một nước Thái Lan bên cạnh chúng ta mà các bạn đều biết rồi: thực dân Anh đến thì vua cũng quỳ gối để mời Anh vào, phát xít Nhật đến cũng quỳ gối để mời Nhật vào, đế quốc Mỹ đến cũng biến đất nước mình thành căn cứ quân sự cho Mỹ. Nhưng mà nó có hòa bình, cho nên bây giờ tỷ lệ đại học của nó gấp 4 lần mình. Các em có cảm thấy tủi hổ không? Là một người Việt Nam, tôi cảm thấy xấu hổ, bởi chúng ta thua một anh như Thái Lan. Dứt khoát chúng ta phải vươn lên. Còn nếu so với Hàn Quốc, thì chúng ta còn kém hơn nhiều nữa: tỷ lệ học đại học trong độ tuổi 20-24 ở Hàn Quốc là 89%, có nghĩa là nước đó có bao nhiêu thanh niên thì gần như có tới 90% có học đại học, có kỹ sư. Một nước cách đây 50 năm cũng lạc hậu như Việt Nam thôi, nhưng bây giờ nó hơn hẳn mình!

Tiền đồ của đất nước ta tùy thuộc vào các em và lớp trẻ này. Trong vài chục năm phải đuổi kịp các nước xung quanh – đó là vấn đề. Theo tôi đó là nghĩa vụ của các em đối với đất nước chứ không phải rằng học đại học chỉ là liên quan tới cá nhân mình và gia đình mình thôi đâu. Việc đó liên quan đến đất nước nữa.

Vì những lẽ đó, tôi muốn nhấn mạnh: các bạn phải xác định thái độ của mình trước Khóa học 4 năm. Trước mắt phải có đủ quyết tâm, phải có đủ nghị lực, phải có đủ giác ngộ để biết rằng chính 4 năm học đại học này là cái cầu bắc vào tương lai. Còn nếu bây giờ các em dừng lại, không tốt nghiệp đại học thì tôi hỏi các em có nghề gì ? Chưa có nghề gì, sau lớp 12 phải học đại học, học cao đẳng hoặc là học nghề thì mình mới có nghề, mà các em bây giờ ngồi ghế đại học rồi thì tức là chuẩn bị học cái nghề mà trường đại học dậy các em. Đó là điểm mà tôi muốn nhắc lại với các em, chắc là nhiều em thì thừa, nhưng đối với 10-15% các em thì là cần thiết lắm đấy.

Điều thứ ba tôi muốn nói, các em sẽ phải cần học như thế nào, học đại học nó khác với học phổ thông nhiều điểm nhưng trước hết là ở khâu kiến thức. Ở bậc học phổ thông thì người ta chỉ quy định cho các em có một kiến thức nhất định và nếu các em thuộc hiểu và thi đạt thế là xong. Thế còn kiến thức đại học là kiến thức mới, không nhất định dừng ở chỗ nào cả cho nên người nào học tốt thì kiến thức rất cao, người nào học tồi thì chỉ có cái bằng, thế thôi. Phải nói thật rằng trong 100 em tốt nghiệp ra trường thì 100 em đó xếp bậc thang thì có 10 bậc thang, có em ở bậc thang cao nhất có thể dạy được những em ở bậc thấp nhất. Cho nên kiến thức dạy ở trường đại học nó không phải là kiến thức đóng kín được xác định rõ ràng, nó chỉ có mức tối thiểu, còn mức tối đa không có; đòi hỏi các em phải tự nghiên cứu rất nhiều. Đó là đặc điểm của đại học.

Cái đặc biệt của đại học là gì? Là học không phải để thi, những em nào nghĩ rằng mình chỉ cần điểm tốt thôi thì không đúng đâu. Điểm là thứ bắt buộc các trường đại học phải dùng để xác định học trò của mình học có tốt không, học trò của mình học đến đâu, chứ còn học để đánh giá bằng điểm là một sự đánh giá què quặt không đúng lắm đâu. Có nhiều em đạt điểm rất cao nhưng ra đời rất kém. Có nhiều em điểm bình thường thôi nhưng ra đời rất giỏi, bởi vì em đó đã rèn luyện được nhiều thứ khác hơn là điểm. Mà kiến thức khác đó là gì – là tư duy, tư duy học đại học, là mình cải tiến tư duy của mình, mình trau dồi những phương pháp suy luận để xử lý tất cả các vấn đề cần xử lý trong đời mình. Cho nên học đại học thực chất là cải tạo lại mình, không chỉ thu nhận những kiến thức thôi mà rèn luyện kỹ năng tư duy của mình, chuyển cái tư duy của mình sang một phương pháp tư duy tốt. Mà tư duy tốt là như thế nào rồi các em sẽ học. Đừng nghĩ rằng lấy điểm là cái quan trọng nhất đâu. Xin lỗi, nhà nước bắt buộc kiểm tra các em về điểm, nhưng đấy không phải là phương pháp đánh giá tốt đâu. Cái tốt nhất là các em phải có suy nghĩ bất cứ vấn đề gì học đại học phải hỏi: tại sao lại như vậy, tại sao không tới gốc. Khi các em đã rèn luyện cho mình một phương pháp suy nghĩ, một phương pháp xử lý vấn đề để nay mai đây ra đời mình tiếp tục sử dụng. Chính vì nhu cầu của đại học không chỉ trau dồi kiến thức mà chuyển hóa các em bằng tư duy, cho nên quy trình đại học đưa ra rất nhiều bước: Trước khi đến lớp anh phải tự đọc, anh phải hiểu trước, đến lớp anh phải tranh luận với thầy giáo, chứ đến lớp mang cái đầu rỗng thì tranh luận gì, hỏi gì? Cho nên bắt buộc học đại học là trước khi đến lớp học nghe giảng bài nào thì phải đọc giáo trình. Giáo trình chẳng qua là cốt lõi kiến thức mà người ta bắt anh đọc trước để biết được, chứ không phải tất cả, nhưng mà cái cốt lõi anh phải biết thì đến lớp anh mới tranh luận được với thầy, mới đặt câu hỏi được với thầy. Đó là bước thứ 2. Sau khi nghe giảng, tranh luận với thầy rồi về đọc lại tất cả các tài liệu, nào giáo trình, nào tài liệu tham khảo rồi có thể lên thư viện truy cập mạng. Nhà trường có 100 máy tính ở thư viện tùy các em lúc nào muốn đến sử dụng tùy ý, không mất tiền. Nhưng tôi rất tiếc là số em đến truy cập mạng không mất tiền còn quá ít; như thế chứng tỏ rằng các em quá lười! Người ta cung cấp cho các em phương tiện để nâng cao trình độ, các em cũng không biết dùng. Sau quá trình đó thì các em phải chuẩn bị seminar. Chuẩn bị seminar tức là thảo luận tổ: người ta đưa ra cho các em một số chủ đề, muốn phát biểu được phát biểu, muốn tranh luận được tranh luận và v.v… Nói một cách khác, chương trình đào tạo đại học rất nhiều lần được chà đi xát lại để cho các em thu nhận được kiến thức, sửa được cho các em phương pháp tư duy của mình và từ đó mà lớn lên. Không phải là vấn đề chỉ học thuộc bài, thi lấy điểm là xong. Không phải đâu! Em nào nghĩ vậy là sai hoàn toàn. Thậm chí có em còn nghĩ rằng chẳng cần học chỉ cần quay cóp để có điểm. Nếu như thế thì học vô nghĩa, những em đó là người quá lạc hậu, không đáng ngồi ghế đại học đâu.

Nhưng trong học đại học có một số môn phải học thuộc lòng đấy. Tôi nói như học tiếng Anh chẳng hạn thì phải học thuộc lòng chứ, sử dụng máy vi tính phải học thuộc lòng chứ, người ta bảo bấm 7 nốt thì mới ra được cái kết quả của 7 nốt, người ta bảo table là cái bàn thì phải biết ngay cái bàn là table. Cho nên có những môn phải học thuộc lòng, học đi học lại. Mình là người Việt Nam làm sao biết tiếng Anh thạo như người Anh được, phải qua nhiều lần, qua hàng trăm lần chà đi xát lại mình mới thuộc được những từ tiếng Anh. Có nhiều em nói với tôi rằng: em kém về tiếng Anh quá, tiếng Anh khó quá! Tôi nói: không phải đâu, em lười quá, tiếng Anh có gì mà khó. Nó bảo “the dog là con chó” thì cứ việc “the dog là con chó”, ngoại ngữ nước ngoài đều là học thuộc lòng mà người nào không học được thuộc lòng thì không biết ngoại ngữ. Có thế thôi.

Cuối cùng tôi muốn nhắc các em một điều nữa là nhà trường này quyết liệt chống tiêu cực. Tôi nói để các em cảnh giác, đừng bao giờ phạm vào những điều tiêu cực. Ở trường phổ thông, các em có thể vi phạm, nhưng nếu vào trường này mà các em phạm phải cái đó thì không ai cứu được các em đâu. Nói ví dụ nhà trường này cấm học trò tặng quà cho cán bộ giảng viên từ Hiệu trưởng trở đi. Ngay như ngày Nhà giáo cũng quyết định là cấm tặng hoa, cử một em lên chúc mừng thế là được rồi. Nếu hoa rẻ thì tặng một bó không nguy hại gì, nhưng mà mỗi ngày Nhà giáo các phòng học của nhà trường chất đầy hoa, tôi nói đó là sự lãng phí vô cùng, không nên. Như vậy tức là cấm tặng quà cho thầy cô, thậm chí cả những giáo viên chấm luận văn tốt nghiệp, không được, không cần!

Cấm ngặt việc mang phao vào phòng thi, các em nên nhớ các em vào phòng thi là có một mắt camera nó quay các em rồi và trong phòng trung tâm thì 34 phòng thi là Chủ tịch hội đồng thi nhìn thấy bất cứ em học sinh nào, đều nhìn rõ, cho nên đừng giở trò phao, hoặc viết ra tay v.v… Những cái đó nếu phát hiện thì hủy kết quả kỳ thi đó, nếu có vi phạm, thì cho ra khỏi trường.

Cho nên việc gian lận thi cử, phao là điều cấm ngặt. Em nào có ý định đó phải từ bỏ ngay từ bây giờ, bởi vì không lẽ rằng chúng ta đào tạo ra những nhà quản lý, kỹ sư mà ngay trong quá trình đào tạo đã gian lận, đã lừa dối thầy giáo rồi, thế thì đào tạo làm gì? Vậy ra khỏi trường là tốt nhất. Và nhà trường cũng quy định triết lý của nhà trường là gì: là tất cả công nhân viên nhà trường từ Hiệu trưởng đến nhân viên bảo vệ đều lấy việc hết lòng phục vụ lớp trẻ là triết lý, là mục tiêu đào tạo. Cho nên các em vào môi trường giáo dục này với tinh thần tự chủ, tự quản, thân thiện để mong rằng trong không khí đó các em lớn lên từng ngày, từng ngày để 4 năm nữa các em ra trường vững vàng như một nhà quản lý, một kỹ sư.

Tôi chúc các em thành đạt./.