Học như thế nào?

Các bạn sinh viên thân mến!

Trường ta tổ chức Lễ khen thưởng học kỳ lần này là lần thứ bảy. Điều đó có nghĩa là các bạn sinh viên đã qua 7 học kì, chỉ còn một học kỳ nữa để giành lấy “tấm vé vào cửa” cho cuộc đời lập nghiệp của các bạn. Sinh viên khóa hai thì còn hai học kì nữa. Các khóa sau thì lần lượt chậm hơn.

Tôi muốn nhân dịp này đưa ra một bản tổng kết ngắn không phải về phía nhà trường, mà về phía các bạn, nhằm giúp các bạn nhìn lại chặng đường đã qua, từ đó định hướng cho mình trong chặng đường còn lại. Nếu chờ đến hết khóa học mới tổng kết, mới nhận ra sai sót, thì không còn thời gian để sửa nữa. Lúc đó hối tiếc thì cũng đã muộn.

Chủ đề mà tôi muốn nêu ra hôm nay là học như thế nào?

  1. Về tinh thần thái độ học tập

Chương trình học của Trường là một chương trình khá nặng, đậm đặc, được thiết kế để truyền thụ một khối lượng kiến thức và kỹ năng của 5 năm chỉ trong 4 năm. Điều đó đã được báo trước cho tất cả các bạn ngay trước khi các bạn đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào trường. Trong “Lời khuyên của Hiệu trưởng”, điều đầu tiên tôi khuyên các bạn là: trước khi quyết định vào học trường này, hãy cân nhắc xem mình có thật quyết tâm dành trọn 4 năm trước mắt để học thành tài không? Nếu bạn ham chơi hơn ham học, nếu bạn muốn kiếm một mảnh bằng mà không cần nhọc sức, thì Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội không phải là địa chỉ bạn cần đến.

Rất tiếc là không ít sinh viên đã chọn nhầm địa chỉ. Họ trúng tuyển vào trường, nhưng thường xuyên bỏ tiết học, bỏ buổi học, hoặc vào lớp thì nói chuyện riêng, đánh cờ, ăn quà vặt, về nhà thì đua đòi ăn chơi nhiều hơn học, kết quả học tập rất kém. Số này chiếm tới 5-7% tổng số sinh viên của mỗi khóa. Chẳng những họ không thu được bao nhiêu lợi ích cho bản thân họ, mà còn làm vẩn đục bầu không khí lớp học, choán chỗ ở trường đại học mà lẽ ra có thể dành cho các bạn khác cần học hơn. Nhà trường đã buộc thôi học mỗi năm mấy chục người, nhưng chưa hết, cần phải thanh lọc nhiều hơn nữa.

Cũng rất đáng tiếc là đa số sinh viên bị số người này quấy rầy lại chỉ biết phản ánh lên nhà trường, mà không hợp sức nhau lại đấu tranh với họ, trực tiếp phê bình, giáo dục họ. Lớp trưởng chi đoàn thanh niên, chi hội sinh viên còn quá mờ nhạt trong vai trò này. Tôi kêu gọi sinh viên hãy phát huy tinh thần làm chủ của công dân, tinh thần tự quản của sinh viên, cùng nhà trường lên án và loại bỏ những hiện tượng càn quấy này.

Ngoài số người lạc hậu nói trên, cũng còn một bộ phận khá lớn sinh viên chưa cố gắng đến mức cần thiết và có thể. Học đại học mà chỉ dành mỗi ngày vài ba tiếng tự học thì làm sao “tiêu hóa” nổi những kiến thức và kỹ năng được truyền thụ qua 4 giờ lên lớp? Lấy môn Tiếng Anh làm ví dụ. Không ai trên thế giới này cho rằng ngoại ngữ là một môn học khó. Nó không đòi hỏi tư duy trừu tượng như triết học, không đòi hỏi tư duy lô-gích sắc sảo như toán học. Chỉ cần tập luyện nhiều, hàng ngày tập luyện, tập luyện thành thói quen thì ngoại ngữ gì cũng sử dụng thành thạo được.

Với 4 giờ lên lớp mỗi ngày, về nhà chỉ tự học vài ba tiếng thì trách gì môn tiếng Anh chẳng thành một môn học khó? Với 4 giờ lên lớp, phải dành thời gian tập luyện ít nhất gấp đôi chừng ấy nữa. Đối với các môn học khác cũng vậy. Điều này tôi đã căn dặn trong “Lời khuyên của hiệu trưởng”. Điều đáng buồn là cách học lớt phớt vài ba tiếng một ngày đã trở thành thói quen của rất đông học sinh, sinh viên nước ta. Hồi tôi đi học trung học cơ sở (ở trường Bưởi, nay là trường Chu Văn An), ngoài bốn tiếng buổi sáng lên lớp nghe giảng, học sinh nội trú phải tự học 6 giờ nữa vào hai buổi chiều và tối dưới sự giám sát của giám thị. Người nào muốn thành học sinh giỏi thì không chỉ dừng lại ở 6 giờ đó.

Bây giờ học đại học, so về khối lượng kiến thức và kỹ năng phải chinh phục thì trung học cơ sở nào bõ bèn gì? Vậy mà thời gian tự học của đại học lại ít hơn! Đó phải chăng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chất lượng đại học thấp? Tôi đề nghị các bạn hãy đưa ra nhóm, ra lớp thảo luận câu hỏi này và tìm ra lời giải.

Tháng 9 năm ngoái, trường ta đã cử 15 sinh viên Khóa I sang học tiếp năm thứ tư ở Trường Đại học Kinh doanh Deventer, Hà Lan. Thực ra các bạn đó chưa học được đủ chương trình 3 năm của trường ta, mới học đủ chương trình của 5 học kỳ, còn học kỳ 6 thì phải học cấp tốc trong dịp nghỉ hè. Vậy mà khi ra đi, các bạn đó đã đạt trên dưới 500 điểm TOEFL về tiếng Anh và khi trở về (tháng 6 năm nay) đã mang về 14 bằng cử nhân, chỉ có một sinh viên phải trở lại Hà Lan để làm tiếp luận văn tốt nghiệp (Thực ra bạn này cố ý trở lại Hà Lan vì người yêu đang ở bên đó).

Số sinh viên đi học Hà Lan không phải là sinh viên giỏi của Khóa I, vì muốn đi Hà Lan thì ngoài học lực, còn phải có tiền, nhưng họ đều từ nhóm sinh viên “không nợ học phần nào”. Năm nay trường ta lại có thêm 10 sinh viên khóa 2 sang học tiếp năm thứ tư ở Hà Lan. Con số này đáng lẽ là 24, nhưng do trục trặc về thủ tục chỉ kịp gửi đi 10.

Năm ngoái, trường ta cũng đã cử sang Trường Đại học Tôn Trung Sơn (Đài Loan) 2 sinh viên khóa 1 và năm nay vừa mới cử đi tiếp 2 sinh viên khóa 2. Số sinh viên này được miễn học phí để dự một khóa học đặc biệt dành cho sinh viên quốc tế, tất nhiên là học qua tiếng Anh.

Số sinh viên trường ta cử đi học tiếp chương trình đại học ở nước ngoài tuy chưa nhiều, nhưng cũng đủ nói lên một điều: học tốt chương trình của trường ta thì không có gì phải tự ti khi bước vào các trường đại học kinh doanh có tiếng của nước ngoài. Nó cũng nói lên một điều: sinh viên Việt Nam không kém cạnh sinh viên nước nào, chỉ cần họ học hành “tử tế”, không nợ học phần nào.

Nhìn vào tỉ lệ thì 16,5% là một tỷ lệ tương đối nhỏ, nhưng nhìn vào con số tuyệt đối – 666 sinh viên “không nợ học phần nào” – thì không thể nói rằng đây chỉ là trường hợp cá biệt của những con người “xuất chúng” mà đa số sinh viên không thể theo kịp. Học để đạt mức không nợ học phần nào, theo tôi, chỉ đòi hỏi trí thông minh ở trình độ trung bình, hoặc trí thông minh từ trình độ trung bình trở lên. Trí thông minh từ trình độ trung bình trở lên của sinh viên ta, không ai dám nói rằng nó chỉ dừng lại ở tỉ lệ 18-20%. Chưa ai đo, nhưng chắc chắn tỷ lệ đó cao hơn nhiều, có thể cao đến 3-4 lần so với tỷ lệ nói trên. Vậy tại sao số sinh viên không nợ học phần nào chỉ chiếm tỉ lệ thấp như vậy? Vấn đề ở đây, theo tôi, chỉ là ở sự chuyên cần – chuyên cần chưa đủ mức. Nếu phần đông sinh viên ta tự học 8 tiếng mỗi ngày chứ không phải hai ba tiếng mỗi ngày thì tỉ lệ đó có thể tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi và hơn thế. Được không? Tôi tin là được. Tôi đề nghị mỗi bạn sinh viên nên tự hỏi: Vì lẽ gì mình không đứng trong số sinh viên không nợ học phần nào? Mình kém cỏi ở điểm nào? Có phải bẩm sinh mình đã kém thông minh hơn người hay không? Nếu không phải vậy thì làm cách nào để không tụt hậu so với họ?

Con người ta, nếu không có mục tiêu, lý tưởng, thì cả đời sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Hãy cảnh giác với sức ỳ của chính mình! Hãy tận dụng cơ hội mà trường đại học dành cho mình để bước vào cuộc đời lập nghiệp với tư thế của một người có bản lĩnh vững vàng!

Tiếp sau mảng sáng là mảng màu xám – tôi muốn chỉ nhóm sinh viên nợ từ 1 đến 18 đơn vị học trình. Nhóm này chiếm tới 47% sinh viên cả 4 khóa – một tỷ lệ đáng tiếc là quá lớn! Tôi gọi mảng đó là mảng màu xám vì nó giáp ranh giữa mảng sáng và mảng tối, pha trộn vừa sáng vừa tối. Số sinh viên này tuy được học tiếp chương trình như nhóm trên, nhưng nguy cơ tụt xuống mảng dưới – nhóm sinh viên phải dừng học là điều rất có thể xảy ra. Vừa học chương trình của năm học mới gồm 72 đơn vị học trình, lại vừa phải trả nợ cũ đến 18 đơn vị học trình, đó là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với những người vốn đã đuối sức học hoặc biếng học. Phải có một cố gắng vượt bực thì mới mong vượt lên được. Chỉ cần tích thêm nợ một đơn vị học trình thì sẽ rơi ngay xuống nhóm phải dừng học. Nói lên điều này, tôi muốn cảnh báo với các bạn sinh viên này: Đừng vội chủ quan khi được học tiếp chương trình. Hãy chuẩn bị nghị lực để vượt lên thách thức đang chờ bạn!

Cả ba nhóm sinh viên còn lại, tôi gộp chung lại, gọi là mảng tối của bảng thống kê. Họ có chung một đặc điểm là phải dừng học theo tiến độ chung, vì học kém, nợ quá nhiều đơn vị học trình.

Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã định ra một ranh giới: sinh viên nào không đủ điểm để vượt qua giai đoạn đại cương thì chưa được học tiếp giai đoạn chuyên nghiệp. Ranh giới đó đã được hủy bỏ năm 1998. Thay vào đó, năm 1999, Bộ đã ra quy chế mới: Sinh viên nào qua một năm học, nợ từ 25% tổng số đơn vị học trình trở xuống thì được học tiếp chương trình của năm sau, nhưng phải vừa học chương trình mới vừa trả nợ cũ. Sinh viên nào nợ quá 25% tổng số đơn vị học trình thì phải dừng học theo tiến độ chung để trả nợ; trả nợ xong mới được học tiếp chương trình.

Đối với trường ta, 25% ứng với 18 đơn vị học trình; vượt 25% ứng với 19 đơn vị học trình.

Kể từ năm học 2000-2001, trường ta bắt đầu thực hiện quy chế của Bộ. Số sinh viên dừng học được chia thành 3 loại:

– Nợ từ 19 đến 36 đơn vị học trình thì dừng học một học kỳ;

– Nợ từ 37 đến 72 đơn vị học trình thì dừng học hai học kì; nếu học tốt, trả nợ sớm, thì có thể rút xuống một học kỳ;

– Nợ từ 73 đơn vị học trình trở lên thì phải lưu ban, học cùng với khóa dưới hoặc một khóa dưới thích hợp. Ngoài những học phần đã đạt từ 5 điểm trở lên được bảo lưu, các học phần khác phải học lại từ đầu.

Trong tổng số 4.054, sinh viên của 4 khóa có 1.392 sinh viên thuộc diện phải dừng học chiếm 34%. Trong đó 834 sinh viên nợ 19-36 đơn vị học trình, 490 sinh viên nợ 37-72 đơn vị học trình, 68 sinh viên nợ 73-123 đơn vị học trình.

Khi công bố danh sách sinh viên du học, Ban giám hiệu nhận được khá nhiều thư của sinh viên. Cả đều nói lên sự lo lắng: Biết nói sao đây với gia đình? Hổ thẹn với bạn bè cùng lớp! Thời gian học kéo dài thì chi phí tốn kém, biết làm sao đây? Với tâm trạng đó, các bạn này đề nghị Ban Giám hiệu cho phép họ được học tiếp chương trình và hứa sẽ cố gắng trả nợ.

Rất tiếc là sự lo lắng đến với các bạn này quá muộn! Nợ một khối lượng đơn vị học trình bằng cả một học kỳ, cả một năm học, vậy mà trước đây sao không lo lắng?

Dẫu sao thì lo lắng cũng vẫn là một điểm tích cực trong con người. Nó thức tỉnh con người, nó thúc đẩy con người tạo ra bước ngoặt của cuộc đời. Một con người mà chai sạn đến mức không còn biết hổ thẹn về lỗi lầm của mình trước bố mẹ, trước bạn bè thì trong họ còn gì là con người?

Tôi và các đồng chí lãnh đạo nhà trường hoàn toàn thông cảm với nỗi lo của các bạn đó. Nhưng làm cách nào để vừa học chương trình mới, vừa trả nợ cũ bằng cả một năm học? Chấp nhận một lời hứa không có cơ sở để thực hiện, không có tính khả thi, thì rốt cuộc lại là làm hỏng chính các bạn đó. Cái gì cũng có giới hạn của nó, sự khoan dung cũng vậy. Hãy dành cho các bạn ấy cơ hội trả giá những lỗi lầm của họ để từ đó mà đi lên.

  1. Về phương pháp học tập

Học bao giờ cũng được tự học. Không ai học thay được chính mình. Học tức là biến kiến thức khoa học tích lũy từ nhiều thế hệ của nhân loại thành kiến thức của chính mình. Nếu trước đó bản thân mình mang sẵn những kiến thức nông cạn, sai lầm thì học chính là quá trình tự tranh luận với mình, tự cải tạo tư duy của mình. Đối với các kỹ năng – như kỹ năng nói và nghe tiếng Anh, sử dụng máy vi tính – thì học tức là rèn luyện cho mình có được những kỹ năng mà trước đó mình chưa có.

Tự học càng chuyên cần, càng công phu bao nhiêu, thì càng cải biến, cải tạo được mình sâu sắc bấy nhiêu. Trên kia, tôi đã nói về thời gian tự học, cũng tức là công phu tự học. Dưới sự chỉ đạo của phó Hiệu trưởng GS Phạm Như Cương, nhà trường đã cho in một tập sách nhỏ “Phương pháp học tập”. Tập sách tuy mỏng nhưng có nhiều điều thiết thực, bổ ích, do các giảng viên và sinh viên viết ra. Các bạn nên tìm cuốn sách đó mà đọc. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một số điểm.

Nhiều sinh viên có thói quen mang một cái đầu rỗng đến lớp nghe giảng, thấy giảng viên nói gì cũng cho là mới, cắm cúi ghi chép. Về nhà “giải mã” được bài ghi ghép đó cũng đã gần hết thời gian tự học. Không ít sinh viên chỉ xoay quanh bài ghi chép đó mà học (điều này vẫn được gọi là “học chay”). Rất ít đọc tài liệu tham khảo, rất ít làm bài tập, rất ít thực hành, tập luyện. Học như vậy trách nào chẳng dốt? Học như vậy không những sai về phương pháp, mà sai cả về mục đích.

Trước tiên cần phải nói rõ: một giáo sư đại học, dù giỏi đến mấy cũng không thể và không có nhiệm vụ trình bày tất cả những điều mà sinh viên cần học. Trong khoảng thời gian lên lớp dành cho họ, họ chỉ có thể và chỉ có nhiệm vụ giúp sinh viên tìm hiểu, khám phá những điều khó hiểu nhất của môn học, nhấn mạnh những điều cốt yếu và hệ thống những điều cốt yếu, đưa ra một số ví dụ (kinh nghiệm, tình huống, bài tập) nhằm gợi mở cho sinh viên vận dụng môn học đó vào cuộc sống, giải đáp thắc mắc cho sinh viên. Lớp lớp các nhà khoa học bậc thầy đã viết sách, viết báo, phân tích về khía cạnh này hay khía cạnh kia của môn học. Người giáo sư học rộng biết nhiều chỉ có thể đóng vai trò chỉ dẫn cho sinh viên tìm đến các tài liệu đó mà đọc, đỡ mất công sục dạo, chọn lọc trong cả cái “rừng” sách báo. Tóm lại, vai trò của giáo sư chỉ là dẫn dắt sinh viên đi vào tự nghiên cứu môn học, chứ không phải là trình bày toàn bộ nội dung môn học.

Còn giáo trình (hay sách giáo khoa) nhiều nhất thì cũng chỉ có thể là bản tóm tắt những điều cốt yếu và hệ thống những điều cốt yếu, giúp sinh viên dễ dàng nắm được cái cốt lõi của môn học, dựa vào đó như một bản đồ dẫn đường để đi sâu vào từng ngõ ngách của môn học. Khi ôn tập, giáo trình cũng đóng vai trò như một đề cương, một bản đồ dẫn đường, dựa vào đó sinh viên lần lượt tái hiện lại cả cánh rừng khoa học mà mình đã đi sâu tìm hiểu, tái hiện lại theo từng bộ phận cấu thành của nó, từng ngõ ngách của nó, từng trạng thái trong tính chất đa dạng của nó, từng giai đoạn trong quá trình phát triển của nó.

Xem vậy thì thấy: chỉ học theo giáo trình và bài giảng của giáo sư thì đơn sơ, nông cạn biết nhường nào! Đó là cách học đã được mệnh danh là “học phổ thông cấp 4”, chứ không phải cách học của đại học.

Ở bậc đại học kiến thức không hạn định ở những điều đã viết trong sách giáo khoa, mà là kiến thức của cả một môn khoa học, càng hiểu rộng và hiểu sâu bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Một điều khác biệt lớn nữa là: học đại học là học nghề – một nghề ở trình độ cao. Sinh viên trường ta ra đời với những nghề như: nhà quản trị kinh doanh, chuyên gia tin học về phần mềm ứng dụng trong quản lý và kinh doanh, chuyên gia đối ngoại của doanh nghiệp – vừa hiểu kinh doanh vừa sử dụng được thành thạo tiếng Anh kinh doanh… Từ một học sinh phổ thông chưa hướng vào một nghề gì, trở thành chuyên gia về một nghề đó phải là một quá trình tự cải biến, tự cải tạo mình, tự đổi mới mình, tự rèn luyện được mình về cả kiến thức và kỹ năng, về tư duy và tay nghề, về đạo đức và phẩm chất. Học là để nhằm mục đích đó. Quá trình tự cải biến này phải diễn ra bên trong mỗi con người, thông qua tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện. Tác động ở bên ngoài chỉ có ý nghĩa hỗ trợ.

Từ cách nhìn như trên và từ mục đích học tập như trên, chúng ta dễ dàng xác định mục tiêu của học tập. Nói một cách ngắn gọn, có ba mục tiêu:

  1. Phải hiểu(hiểu cũng có nghĩa là đối lập với “học vẹt”) – hiểu tất cả những môn khoa học có liên quan đến nghề của mình, hiểu càng sâu càng rộng thì càng tốt; hiểu đến mức tự thuyết phục mình tin ở những điều mình hiểu, mình học (Nếu chính mình không tin thì chẳng hóa ra mình chỉ là một con vẹt hay sao?); hi vọng và hành động theo những điều mình hiểu, mình học; hiểu đến mức có thể thuyết phục người khác theo những điều mình hiểu, mình học. Hiểu như vậy cũng có nghĩa là cải biến tư duy và vốn hiểu biết của chính mình, cũng có nghĩa là cải tạo chính mình.

Muốn hiểu thì trong quá trình học tập phải luôn luôn đặt ra câu hỏi: tại sao thế này mà không phải thế kia? Giữa sách vở (tức khoa học) với cuộc sống có gì không ăn khớp? Giữa hiểu biết trước đây của mình với hiểu với bây giờ có gì sai lệch?

  1. Phải nhớ–nhớ ngay trong quá trình nghe giảng và tự học (ngoài hai khoảng thời gian này, có còn thời gian nào để nhớ nữa đâu?). Có hiểu mới nhớ được. Không ai nhớ được hết tất cả những gì mình đã học. Nhưng tất cả những gì cần cho sự suy luận, lập luận, tranh luận, lý giải, thuyết phục, đàm phán, quyết định của chính mình thì đều phải nhớ, không cần giở sách ra vẫn nhớ. Điều đó có nghĩa là biến tất cả những điều cần cho mình (những điều này vốn là của nhiều người khác) thành vốn hiểu biết của mình, mình thành tài sản riêng của mình, thành bản lĩnh riêng của mình. Mỗi một sinh viên đều có diễm phúc đứng lên vai các vị tiền nhân khổng lồ để vươn lên cao hơn, đều có cơ hội thu hút những tinh hoa trí tuệ của mấy chục môn khoa học để nhào nặn mình thành một con người khác hẳn trước, có tri thức, tư duy, kỹ năng và bản lĩnh khác trước. Thành đạt được theo mục đích này đến mức nào là tùy ở khả năng hiểu và nhớ của mỗi người.
  1. Phải vận dụng. Mục đích của học tập suy cho cùng là để vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã học cuộc sống. Hoặc là để hành. Nếu học mà không hành thì học trở thành vô nghĩa, không có mục đích.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên chưa có điều kiện vận dụng kiến thức và kỹ năng vào cuộc sống thực muôn hình muôn vẻ. Tuy nhiên, vẫn có những phương thức vận dụng thích hợp, không sai lệch với cuộc sống thực bao nhiêu. Tập suy luận và phân tích theo phương pháp lô-gích biện chứng, tập giải các bài toán kinh tế và tài chính, tập viết luận văn, tập thuyết trình, tập xử lý các tình huống, tập phân tích các hiện tượng kinh tế – xã hội, tập nói và nghe tiếng Anh, thực tập trên máy vi tính, giải các bài tập in sẵn về thống kê, kế toán, tài chính, ngoại thương, quản lý, v.v… – đó chính là bắt đầu vận dụng các kiến thức và kỹ năng vào cuộc sống.

Cần đạt được các mục tiêu học tập như trên không thể “tốc chiến tốc thắng” mà được; phải đi theo con đường “mưa dầm thấm lâu”. Tất cả các trường đại học trên thế giới đều phải đi theo con đường này, không khác được. Quá trình “ngấm sâu” này chia ra làm nhiều bước, đi từ đơn giản đến phức tạp, đi từ hẹp đến rộng, đi từ nông đến sâu, đi từ sách vở đến cuộc sống, đi từ những kiến thức kỹ năng của người khác qua “tiêu hóa” và tập luyện lâu ngày mà thành những kiến thức kỹ năng của chính mình.

Quá trình đó về đại thể có 5 bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị lên lớp.

Nhất thiết phải đọc giáo trình trước khi lên lớp nghe giảng. Đọc giáo trình mà chưa hiểu nhiều thì phải đọc cả tài liệu tham khảo chính. Bước này không chỉ là chuẩn bị lên lớp, mà đúng hơn là bước đầu nghiên môn học, bước đầu khai phá “vỡ vạc” môn học. Không phải là đọc lướt, đọc qua mà là đọc có suy nghĩ, vừa đọc vừa tìm hiểu, vừa chất vấn tại sao? Mục tiêu nhằm tìm hiểu đối tượng, mục đích, yêu cầu của môn học (hay bài học), kết cấu hệ thống của môn học, những khái niệm chính, những luận điểm chính, những nguyên lý, nguyên tắc chính, những ứng dụng chính. Tìm hiểu sơ bộ rồi, cần xem các câu hỏi ôn tập để đo xem mình đã hiểu được đến đâu, còn điều gì chưa rõ thì ghi ra giấy để hỏi giảng viên.

Bước 2: Nghe giảng.

Bỏ thói quen cắm cúi ghi chép bài giảng. Tập trung tư tưởng theo dõi cách diễn giải, lập luận, chứng minh, ứng dụng của giáo viên. Khi thấy có điểm gì “sáng” hơn, mở rộng hơn, sinh động hơn, đáng lưu ý hơn so với những điều đã biết trong giáo trình, thì ghi vắn tắt vào bên lề giáo trình, đúng chỗ chương mục của nó để sau này dễ nhớ theo hệ thống. Như vậy, nghe giảng không phải là một quá trình thụ động. Đó là một quá trình “động não” căng thẳng nhằm tiếp cận chân lý, nhằm tự thuyết phục mình. Đó là một quá trình tiếp thụ có phê phán, có suy xét, một quá trình rất quan trọng để hiểu và nhớ.

Bước 3: Tự nghiên cứu.

Bước này, ta vẫn gọi là tự học, thực ra phải gọi là tự nghiên cứu.

Bước này có thuận lợi hơn bước 1 nhờ có sự diễn giải, chỉ dẫn của giảng viên trên lớp, vì vậy có điều kiện mở rộng hơn, đi sâu hơn.

Đọc lại giáo trình kết hợp với những điều đã nghe trên lớp. Tiếp đó đọc các tài liệu tham khảo đã được quy định. Đọc chậm, có suy nghĩ, với đầu óc phê phán, với những câu hỏi luôn luôn xuất hiện trong đầu: tại sao lại thế này mà không phải thế kia? Giữa sách vở và cuộc sống có gì không ăn khớp? Giữa hiểu biết trước đây của mình với hiểu biết bây giờ có gì sai lệch?

Gặp những điều chưa thật sáng tỏ, chưa thật sự thuyết phục, thì tìm thêm tài liệu tham khảo mà đọc (như từ điển từ điển bách khoa, từ điển bách khoa chuyên ngành, sách giáo khoa các loại, sách của các tác giả kinh điển về môn học đó, tạp chí khoa học chuyên ngành, v.v… Chỉ cần có tinh thần say mê tìm tòi, còn tài liệu tham khảo thì không thiếu.

Nếu tồn tại những điều chưa thật thông hiểu, chưa thật thuyết phục, chưa biết cách ứng dụng thế nào, thì ghi lại để tra cứu thêm, hoặc đưa ra hỏi bạn bè, hỏi giáo viên.

Sau khi đã đọc và tra cứu khá nhiều tài liệu, có thể trong đầu xuất hiện sự hỗn độn nào đó. Tôi mách các bạn một kinh nghiệm: lúc đó hãy lấy tập giấy nháp viết lại thành hệ thống (hay sơ đồ) tất cả những gì cần hiểu và cần nhớ (viết rất vắn tắt). Khoa học bao giờ cũng là những kiến thức đã được chứng minh, kiểm nghiệm, được sắp xếp thành hệ thống. Hãy nhớ lấy hệ thống ấy theo cách riêng của mình ghi trên tờ giấy nháp. Khi nào nhập tâm rồi thì có thể xé đi. Không nên dùng quá nhiều công phu cho việc viết bút ký về những điều đã học (điều này chính tôi đã trải qua), bởi vì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thời gian để xem hàng chồng bút ký đó – những kiến thức mới sẽ luôn luôn chóan hết thời gian của chúng ta.

Sau khi đã nắm vững môn học, thì chuyển sang làm bài tập. Điều cốt yếu là nắm vững phương pháp, quy tắc, hay quy trình giải bài tập. Nắm vững cái này thì dù bài tập ra dưới dạng nào vẫn giải được.

Tiếp đó, kiểm tra lại kiến thức của mình (đến lúc này thì không còn là kiến thức của sách vở nữa, mà là kiến thức của mình) bằng việc trả lời các câu hỏi ôn tập.Trả lời từng câu với nội dung đầy đủ nhất mà sự hiểu và nhớ của mình cho phép. Câu nào cảm thấy chưa ổn thì phải tra cứu lại.

Nếu có bộ câu hỏi thi (tự luận hay trắc nghiệm) thì dùng sự hiểu và nhớ của mình mà trả lời từ câu đầu đến câu cuối. Câu nào cảm thấy ngờ ngợ thì phải tra cứu lại.

Làm đủ các thao tác trên đây thì có thể tạm yên tâm với việc tự học của mình.

Nhân đây, tôi muốn nhắc lại câu hỏi: với 2-3 tiếng tự học mỗi ngày, các bạn làm cách nào để thực hiện đủ các thao tác đó? Lại còn cả thời gian dành cho Bước 1 nữa – cũng gói gọn trong 2-3 tiếng này?

Bước 4: Thảo luận nhóm, tổ.

Có cọ sát ý kiến với nhiều người thì kiến thức của mình mới vững, mới tránh được phiến diện. Tranh luận với người khác, thuyết phục người khác cũng chính là tự thuyết phục mình sâu sắc hơn, hiểu và nhớ chắc hơn.

Nhóm học tập 4-5 người hoặc 5-7 người do sinh viên tự tổ chức ra, phù hợp với điều kiện của mình; còn thảo luận tổ (seminar) thì do khoa tổ chức, có giảng viên hướng dẫn. Ở các trường đại học nước ngoài thì kể cả thảo luận nhóm cũng do khoa tổ chức và có giảng viên hướng dẫn. Còn ở ta, không một trường đại học nào có đủ kinh phí để làm việc đó. Vì vậy sinh viên cần phải tự tổ chức thành nhóm mà thảo luận.

Tác dụng của thảo luận nhóm, dù trong điều kiện thiếu giảng viên hướng dẫn, vẫn rất quan trọng, vì nhóm gồm ít người, ai cũng có cơ hội để hỏi, để diễn giải, để tranh luận, như vậy thì hiểu, nhớ và vận dụng sẽ chắc hơn, đồng đều hơn. Vấn đề gì mà nhóm không xử lý được thì đưa ra tổ thảo luận tiếp.

Thảo luận tổ là cơ hội tập viết luận văn tập, thuyết trình, tranh luận, mài sắc tư duy lô-gích, kiểm tra sự hiểu biết và trí nhớ của mình, vận dụng kiến thức của mình để lý giải những vấn đề lý luận và thực tiễn do các bạn nêu ra. Trong thảo luận tổ, có mặt giảng viên, đây lại là một cơ hội nữa để đưa ra hỏi giảng viên về những thắc mắc còn tồn tại.

Bước 5: Ôn tập.

Khi đã học một cách chu đáo qua 4 bước nêu trên thì ôn tập – nói một cách hình ảnh – chỉ là “tái hiện trên màn hình những điều đã ghi trong bộ nhớ”. Tất nhiên không phải ý nào, đoạn nào cũng có được trí nhớ tốt như máy vi tính. Vì vậy, trong quá trình ôn tập cần khôi phục lại những điều đã bị phai mờ trong trí nhớ, củng cố lại trí nhớ, làm cho trí nhớ về những điều cần nhớ trở lại tình trạng sắc sảo khi mới học. Trong quá trình ôn tập, cũng thường nảy sinh những hiểu biết mới, những thu hoạch mới cần ghi nhận, thậm chí cả những vấn đề mới cần tra cứu thêm.

Một số sinh viên đề nghị nhà trường dành cho một vài tuần ôn tập trước khi thi kết thúc một học phần. Đề nghị này chỉ cần thiết đối với những sinh viên học “lớt phớt” qua 4 bước nêu trên, chỉ đến khi đối mặt với kỳ thi mới nháo nhào vớ đến sách, may ra nhớ được đôi điều hòng gỡ điểm. Trên kia, tôi đã nói muốn trở thành chuyên gia về một nghề, có tri thức, tư duy, kỹ năng và bản lĩnh của một chuyên gia, thì trên cơ sở hiểu, phải nhớ tất cả những gì cần cho sự suy luận, lập luận, tranh luận, lý giải, thuyết phục, đàm phán, quyết định của chính mình. Điều đó có nghĩa là không phải chỉ cần nhớ để thi lấy điểm, mà phải nhớ để làm việc suốt đời, cũng tức là nhớ suốt đời. Đã nhớ đến mức ấy thì dành một vài tuần ôn tập cho mỗi học phần là quá thừa, không cần thiết. Vả chăng, sử dụng thời gian một cách nhẩn nha như thế thì các bạn định hoàn thành khóa học trong 4 năm hay kéo dài ra 5 năm, 6 năm?

Trên cơ sở hiểu nhớ và vận dụng đã đạt được qua 4 bước nêu trên, hãy sử dụng đề cương giáo trình như một bản đồ dẫn đường để tái hiện lại trong đầu những điều đã ghi vào trí nhớ, thỉnh thoảng tra cứu lại những điểm mà mình cảm thấy còn chưa chắc, chưa đủ. Không cần và không nên đọc lại tất cả, vừa không cần thiết, vừa rối. Tiếp đó, điểm qua các bài tập đã giải, các câu hỏi ôn tập đã trả lời, bộ đề thi đã tìm ra đáp án, tra cứu lại những điều có thể đã quên.

Ôn tập là cuộc “tổng diễn tập” những gì bạn đã hiểu, nhớ và vận dụng qua các bước của quá trình học tập. Ngoài tác dụng mài sắc trí nhớ để thi lấy điểm cao, nó còn có vai trò rất quan trọng: củng cố những gì cần nhớ cho cuộc đời hoạt động của bạn.

Trên đây, tôi đã trình bày về phương pháp học tập: từ mục đích của học tập mà xác định các mục tiêu cần đạt, các bước cần tiến hành. Đó là những điều cần áp dụng đối với tất cả các môn khoa học. Riêng các môn thiên về kỹ năng, hoặc về nghiệp vụ thì có khác đôi chút: các bước nghiên cứu có thể giản lược hơn, nhưng các bước tập luyện, thực hành thì phải dành công phu nhiều hơn. Mỗi môn học còn có một số cách học đặc thù giúp cho người học đạt được kết quả mau hơn. Dùng thẻ đút túi để nhớ vốn từ ngoại ngữ, các bạn nên trao đổi kinh nghiệm với nhau để có được những cách học ấy.

Về gian lận trong thi cử.

Nếu tất cả mọi sinh viên đều học tập chuyên cần, chu đáo qua các bước nêu trên, thì quay cóp sẽ trở thành thừa. Quay cóp cũng không bằng cái vốn hiểu biết có sống ở trong đầu mình. Tiếc rằng lại không phải như vậy: quay cóp đã trở thành một tệ nạn trong học sinh sinh viên nước ta; chủ yếu là trong số học sinh, sinh viên không chịu học mà lại muốn có điểm cao. Xét từ góc độ đạo đức và pháp lý, quay cóp là một quá trình, là một hành vi lừa dối, gian lận. Nói về đạo đức phẩm chất của một con người, một sinh viên, một nhà quản lý tương lai, thì điều cần nhất là phải loại trừ hoàn toàn hành vi lừa dối gian lận đó.

Cuộc đấu tranh chống quay cóp, gian lận của trường ta bắt đầu ngay từ những kỳ thi đầu tiên của trường. Nhiều biện pháp đã được áp dụng. Đại bộ phận các mưu toan quay cóp đã bị chặn lại. Tuy nhiên, trong năm học vừa qua, nhà trường vẫn còn phải xử lý kỷ luật đối với 848 trường hợp, trong đó nặng nhất định là đình chỉ học tập một học kỳ đối với 26 sinh viên thi hộ và nhờ người khác thi hộ.

Để xóa bỏ triệt để tệ nạn quay cóp, gian lận, kể từ năm học 2000-2001, nhà trường sẽ áp dụng nhất loạt phương thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính đối với tất cả hoặc hầu như tất cả các học phần. (Tôi nói “hầu như” là vì có một số ít học phần chưa kịp soạn bộ câu hỏi thi trắc nghiệm và một số ít học phần sẽ áp dụng phương thức thi vấn đáp).

Mỗi đơn vị học trình sẽ có ít nhất 30 câu hỏi (kể cả bài tập). Một học phần gồm 6 đơn vị học trình sẽ có ít nhất 180 câu hỏi, bao quát toàn bộ nội dung của học phần. Trong kỳ thi, mỗi sinh viên sẽ phải trả lời 1/3 số câu hỏi.

– Phần mềm máy tính được thiết kế theo nguyên tắc đảo đề thi, đảo đáp án. Những thí sinh ngồi cạnh nhau không thể giúp nhau làm bài. Mỗi thí sinh đều nhận được câu hỏi thuộc đủ các chương của học phần, trong đó có câu dễ có câu khó. Câu dễ thì điểm thấp, câu khó thì điểm cao.

Bộ câu hỏi thi trắc nghiệm không ghi đáp án sẽ được xuất bản công khai để sinh viên nghiên cứu trước; sinh viên nào giải được toàn bộ các câu hỏi trước khi bước vào phòng thi, thì việc nhận được điểm cao đối với họ là điều hoàn toàn xứng đáng.

Khi công bố chủ trương này, tôi muốn nhắn nhủ:

  1. Đối với những sinh viên lâu nay vẫn trông cậy vào “phao”, hãy từ bỏ ý định đó, vì không còn “đất dụng võ” nữa. Hãy học tập chuyên cần, chu đáo qua 5 bước và nhằm 3 mục tiêu như nhà trường hướng dẫn.
  2. Đối với tất cả sinh viên trong trường, từ nay các bạn có thể yên tâm học tập trong bầu không khí lành mạnh, lương thiện, công bằng, ai “gieo gì thì sẽ gặt nấy”.

Các bạn sinh viên thân mến!

Chúng ta đang hoàn thành học kỳ cuối của thế kỷ 20 và chẳng mấy nỗi nữa sẽ bước sang thế kỷ mới. Các bạn nghĩ gì khi cuộc đời lập nghiệp của các bạn sẽ bắt đầu cùng với thế kỷ mới, khi trọng trách của thế kỷ mới sẽ đặt lên vai bạn?

Qua bản tổng kết ngắn hôm nay, tôi muốn chuyển đến các bạn mấy lời khuyên của nhà trường, của các thầy cô giáo:

  1. Hãy học với tinh thần quyết chí học thành tài. Bạn nào chưa học với tinh thần đó, hãy thức tỉnh, hãy xác định lại thái độ để vươn lên.
  2. Hãy học nhằm mục đích tự cải biến mình, tự đào luyện mình thành một chuyên gia có bản lĩnh. Con đường đến mục đích ấy phải qua 5 chặng, mỗi chặng đều đòi hỏi khá nhiều công phu để hiểu, để nhớ và để vận dụng ngày càng nhuần nhuyễn hơn, thành thạo hơn.
  3. Hãy lấy thực tài làm trọng, lấy đạo đức làm trọng, triệt bỏ trong mình ý tưởng quay cóp, gian lận, vì nó hạ thấp nhân cách của bạn, làm suy đồi đạo đức và suy giảm tài năng của một bộ phận trí thức nước ta.

Tương lai của mỗi bạn tùy thuộc vào ý chí hôm nay của mỗi bạn. Hãy xứng đáng với kỳ vọng của cha mẹ các bạn khi dành cho các bạn cơ hội bốn năm học đại học. Hãy xứng đáng là những người chuyên gia tương lai của dân tộc Việt Nam!

Chúc các bạn thành công!