Lời khuyên của Hiệu trưởng

Bạn có ý định trở thành sinh viên của Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội ư? Ý tưởng hay đấy. Nhưng trước khi quyết định, bạn hãy cân nhắc ba điều.

Một: bạn có thật quyết tâm học thành tài không?

Câu hỏi có vẻ thừa, thậm chí ngớ ngẩn. Nhưng không. Nếu bạn ham chơi hơn ham học, nếu bạn muốn kiếm một mảnh bằng mà không cần phải nhọc sức, thì Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội không phải là địa chỉ bạn cần đến.

Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội chỉ cần cho những ai quyết tâm dành trọn 4 năm trước mắt để học thành tài mà thôi. Sở dĩ như vậy, vì chương trình học khá nặng. Thông thường nước ta, chương trình đào tạo đại học 4 năm chỉ gồm khoảng 3.200 tiết lên lớp, cộng thêm chừng ấy giờ tự học. Còn ở Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội, thời gian lên lớp là 4.500 tiết, thời gian tự học bằng gấp đôi chừng ấy nữa. Nói một cách cụ thể, hàng ngày bạn phải lên lớp 5 tiết và tự học 7-8 giờ nữa, mỗi tuần lên lớp 6 ngày, cả năm lên lớp 40 tuần.

Bạn sẽ hỏi: một lịch học tập như vậy có gì là quá sức? Đúng vậy. Nhưng chỉ đúng với người có chí học thành tài, không đúng với người ham chơi hơn ham học.

Tại sao Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội lại bố trí một chương trình đào tạo “căng” như vậy? Đơn giản thôi, vì ngoài những kiến thức thuộc phần giáo dục đại cương cho trình độ đại học, khối lượng kiến thức và kỹ năng cần cho một nhà quản lý kinh doanh là rất lớn.

  1. Bạn phải có kiến thức kinh tế đủ rộng để xét đoán và định hướng trong môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.
  2. Bạn phải làm chủ được – cả lý thuyết lẫn thực hành các nghiệp vụ kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp. Phải nắm vững cả những luật lệ điều chỉnh các hoạt động đó nữa – cả luật lệ Việt Nam và luật lệ quốc tế.
  3. Bạn phải nắm được khoa học và nghệ thuật quản lý, các quy tắc và phương pháp quản lý doanh nghiệp.
  4. Bạn phải biết lập và giải các bài toán thường gặp trong quản lý kinh doanh và sử dụng được máy vi tính một cách thành thạo.
  5. Bạn phải sử dụng được tương đối thành thạo tiếng Anh để giao dịch với các bạn hàng nước ngoài.
  6. Bạn phải thành thạo một chuyên ngành mà mình lựa chọn, thành thạo đến mức rời ghế nhà trường là thực hành được ngay.

Thiếu một trong các kiến thức và kỹ năng trên thì chỉ là một nhà quản lý kinh doanh què quặt. Không một doanh nghiệp nào lại muốn nhận vào đội ngũ của mình một nhà quản lý kinh doanh què quặt. Trường đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội cũng không muốn cho ra lò những sản phẩm dở dang như thế.

Với khối lượng kiến thức và kỹ năng to lớn như vậy, sao không kéo dài khóa học thành 5 năm? Một phương án như thế đã từng được tính đến. Điểm bất lợi là ở chỗ: sinh viên sẽ phải tốn thêm một năm học nữa – điều mà không phải ai cũng mong muốn. Trong khi đó thì hoàn toàn có khả năng hoàn thành chương trình đào tạo chỉ trong 4 năm, nếu dạy tốt và học tốt. Chấp nhận hai điều kiện này để tiết kiệm một năm học, đó chẳng phải là một sự lựa chọn hấp dẫn sao?

Để có một chương trình đào tạo bớt “căng“ hơn, cũng có thể tạm gác yêu cầu cao về sử dụng tiếng Anh sang một bên. Nhưng như thế thì bạn sẽ phải tự xoay sở lấy, bằng cách theo đuổi các lớp học ban đêm hoặc dành hẳn một, hai năm cho môn ngoại ngữ đó.

Để truyền thụ một khối lượng kiến thức và kỹ năng đồ sộ chỉ trong 4 năm, Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội đã dành cho bạn một đội ngũ giáo sư, giảng viên, báo cáo viên, hướng dẫn viên có trình độ và kinh nghiệm. Họ sẽ chọn cho bạn những “thức ăn tinh” và hướng dẫn bạn cách hấp thụ. Song, không ai có thể học thay bạn. Hấp thụ và biến những thức ăn ấy thành máu thịt của bạn, điều đó chỉ tùy thuộc vào chính bạn.

Bạn có sẵn sàng chấp nhận một chương trình đào tạo như vậy không? Bạn có quyết tâm dành trọn 4 năm trước mắt để học thành tài không? Chỉ trong trường hợp bạn quyết tâm thì Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội mới có ích cho bạn.

Hai: Bạn có đủ nguồn tài chính cho bốn năm học không?

Đối với các trường công lập, hàng năm ngân sách Nhà nước phải chi cho mỗi đầu sinh viên nhiều triệu đồng. Học phí mà sinh viên phải nộp chỉ là một nguồn bổ sung tương đối nhỏ. Với các trường dân lập thì khác. Mọi khoản chi về đào tạo của nhà trường, sinh viên phải hoàn lại dưới dạng học phí. Chỉ riêng tiền thuê phòng học đã chiếm đến 20% học phí.

Muốn dạy tốt, học tốt, thì chi phí phải tương đối nhiều, học phí phải tương đối cao. Lên lớp 4.500 tiết thì chi phí phải nhiều hơn là 3.200 tiết. Mời giảng viên trình độ cao thì tiền thù lao phải tương đối cao. Muốn dạy và học ngoại ngữ cho tốt, phải có thiết bị âm thanh. Muốn dạy và học tin học cho tốt, phải có máy vi tính (mỗi sinh viên phải có một máy vi tính trong giờ thực hành). Học phí bao gồm cả các khoản khấu hao thiết bị ấy.

Ngoài học phí ra, sinh viên còn phải chi tiền mua sách và tài liệu học tập. Một khoản tiền không nhỏ. Một giờ lên lớp nghe giảng phải kèm theo ít nhất hai giờ tự học ở nhà. Không có đủ sách và tài liệu tham khảo trong tay thì làm sao tự học, tự nghiên cứu cứu? Muốn giải phóng sinh viên khỏi việc cắm cúi chép bài giảng trên lớp, để sinh viên được rảnh rang đầu óc nghe giảng, suy nghĩ, nêu câu hỏi, thảo luận, thì phải có bài giảng in sẵn.

Hạ thấp mức học phí và chi phí để rồi học chay, học vẹt, hay là chấp nhận mức học phí và chi phí thỏa đáng để bảo đảm chất lượng đào tạo? Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội chọn giải pháp thứ hai – xuất phát từ quan điểm lấy chất lượng đào tạo làm trọng. Nhưng, như vậy thì vấn đề tài chính lại trở thành một điều cần phải cân nhắc đối với sinh viên và các bậc phụ huynh.

Ba: Bạn biết nghề quản lý kinh doanh là nghề như thế nào? Bạn có hợp với nghề ấy không?

Trên đời có nhiều nghề, mỗi nghề đòi hỏi ở con người những tính cách, phẩm chất, năng khiếu riêng. Nghề quản lý kinh doanh thuộc loại nghề ”sóng gió’ – môi trường kinh doanh đầy thách thức, biến động. Vì vậy, nó đòi hỏi ở con người tính năng động, nhạy bén, tỉnh táo, thận trọng, quyết đoán, bền gan vững chí. Đó là chưa nói đến những phẩm chất đạo đức mà một nhà quản lý – một người lãnh đạo – phải có. Nếu bạn là người ưa cuộc sống an nhàn, phẳng lặng, “sớm vác ô đi tối vác về”, hoặc bạn là người “yếu bóng vía”, dễ dao động, thì tốt hơn, bạn nên chọn cho mình một nghề khác thích hợp. Đương nhiên, không ai sinh ra đã có đủ phẩm chất cần thiết cho sự thành đạt của mình. Rất nhiều phẩm chất là do rèn luyện mà có. Nhưng, có được nghị lực rèn luyện cho mình những phẩm chất cần thiết cũng chính là một phẩm chất.

Bạn sẽ hỏi: Tôi học để ra làm cho một công ty, có phải đứng mũi chịu sào đâu mà cần đến những phẩm chất như thế? Lập luận này chỉ đúng một phần. Khi giám đốc công ty tả xung hữu đột, cả công ty chạy ngược chạy xuôi vì một cơ hội làm ăn, chẳng lẽ bạn có thể tìm cho mình một xó xỉnh nào đó ư? Có thể một vài năm đầu, bạn chưa được giao một vị trí đứng mũi chịu sào nào cả, nhưng khi được giao thì sao? Vả chăng, cái nghề mà bạn học ở Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội không phải là để trở thành một nhân viên “chạy hiệu” hay một nhân viên “cạo giấy”, mà là để trở thành một nhà quản lý kinh doanh. Với kiến thức và kỹ năng được đào tạo, bạn có thể phụ trách bất cứ một bộ phận công tác nào của một công ty, hoặc nếu các điều kiện khác cho phép – trực tiếp điều hành mọi hoạt động của một công ty.

Quản lý kinh doanh tuy gọi chung là một nghề, có chung mục tiêu và môi trường hoạt động, có nền tảng kiến thức chung, nhưng do sự phân công chi tiết trong phạm vi một doanh nghiệp, cho nên nó bao hàm nhiều hướng chuyên sâu khác nhau. Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội chủ trương đào tạo ra một giàn cán bộ chủ chốt cho các doanh nghiệp với những hướng chuyên sâu như: quản lý doanh nghiệp, tài chính – kế toán, thương mại, hành chính doanh nghiệp, tiếng Anh thương mại, tin học quản lý, v.v… Mỗi hướng chuyên sâu đòi hỏi ở con người một số tính cách, phẩm chất, năng khiếu riêng. Bạn hãy chọn cho mình một hướng chuyên sâu hợp với tính cách của mình để bước vào nghề quản lý kinh doanh một cách thuận lợi. Tuy nhiên, ít ai gắn bó cả cuộc đời vào một hướng chuyên sâu. Hoàn cảnh hay cơ hội có thể đưa bạn vào những vị trí khác nhau trong doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là bạn phải thích ứng với nghề quản lý kinh doanh nói chung – một nghề mà sự thành đạt chỉ dành cho những người dám chấp nhận thách thức và có đủ tài trí, nghị lực để vượt lên thách thức.

Điều cân nhắc thứ ba này là điều có ý nghĩa quyết định nhất: nó định hướng cả cuộc đời của bạn. Đừng chọn nhầm cửa khi bước vào đời. Ngay cả khi đạt được điểm thi tuyển khá cao, bạn vẫn cần phải cân nhắc. Nghề quản lý kinh doanh đòi hỏi sự thông minh, đúng vậy. Nhưng ngoài cái đó ra, nó còn đòi hỏi nhiều phẩm chất khác nữa. bạn có những phẩm chất đó không? Bạn có sẵn sàng rèn luyện cho mình những phẩm chất đó không?

Sau khi cân nhắc, nếu cả ba điều đều thuận, bạn có thể yên tâm thực hiện ý định của mình.

Chúc bạn may mắn!