Phần Thứ Ba – PHÁT BIỂU VỚI GIẢNG VIÊN VÀ SINH VIÊN

“Tôn vinh càng cao, thì trách nhiệm càng lớn” 

Thưa các đồng chí và các bạn!

Hôm nay là ngày vui của chúng ta – Ngày nhà giáo Việt Nam, ngày mà xã hội dành để tôn vinh các nhà giáo. Không phải chờ đến ngày Hiến chương các nhà giáo quốc tế thì các nhà giáo Việt Nam mới được tôn vinh, mà từ xa xưa, dân tộc Việt Nam đã có truyền thống tôn vinh các nhà giáo. Câu cửa miệng “Tôn sư, trọng đạo”, hay nôm na là “Không có thầy, đố mày làm nên” chứng tỏ rằng người Việt Nam từ lâu đã biết rõ chân giá trị của những người thầy. Xã hội dành cho nhà giáo địa vị cao quý như vậy không ngoài vai trò truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm, tư duy, đạo đức cho học trò, cũng tức là đào tạo lớp trẻ thành người, thành tài.

Thời xưa, mỗi trường học chỉ có một thầy và một vài chục trò thôi. Ngay cả trường của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ Chu Văn An cũng chỉ có một người thầy và mấy chục học trò. Trong thời đó, người thầy rất uyên bác, thông kim bác cổ. Mặt khác, cũng phải nói thêm là kiến thức ngày xưa hạn hẹp thôi, không rộng như bây giờ. Ngày nay, kiến thức mà người thầy phải truyền thụ cho học trò rộng hơn rất nhiều, bởi vì khoa học kỹ thuật đã rất phát triển. Thử nhìn xem một sinh viên của chúng ta ra trường phải đào tạo bao nhiêu môn học? Khoảng 40-50 môn, tùy từng ngành. Trong số 40-50 môn đó, có những môn dạy cả mấy năm mới hết, mà cũng không phải một thầy có thể dậy được, phải nhiều thầy mới dậy được. Vì thế, cho nên bây giờ không phải một thầy mà phải năm chục thầy, thậm chí cả trăm thầy mới dậy được một sinh viên. Đó là điều khác biệt của thời nay so với các cụ ta ngày xưa.

Nhưng muốn đào tạo một người tài cho đất nước, thì không chỉ những người thầy mà làm nổi. Phải dựa vào cả một hệ thống phân công lao động, Ví dụ, nếu chúng ta có những người thầy tốt rồi, nhưng nếu không có những người bảo vệ tốt, thì an ninh, an toàn sẽ ra sao? Nếu không có những người đảm bảo vệ sinh cho trường lớp thì người thầy có thể tập trung vào việc giảng dạy được không? Nếu không có các kỹ thuật viên để lo máy tăng âm, máy vi tính thì làm sao giảng dạy được? Nếu không có các bác sĩ, y tá, thì khi ốm đau học trò làm sao có thể ngồi học nổi? Cho nên, khái niệm nhà giáo phải hiểu rộng hơn. Đây là cả một hệ thống phân công lao động xã hội, chăm lo cho việc giảng dạy và học tập. Đương nhiên, thầy cô giáo phải là chủ lực, nhưng không thể thiếu công sức của những người quản lý và những người phục vụ cho việc đào tạo.

Nói ví dụ như trường ta. Chúng ta đâu phải chỉ có 1.000 thầy cô giáo mà làm nổi công việc? Trường ta có ít nhất 1.500 người phục vụ cho việc đào tạo, trong đó có gần 1.000 thầy cô giáo. Ngày nhà giáo Việt Nam là ngày mà tất cả những người đóng góp vào công việc giảng dạy đào tạo của nhà trường đều xứng đáng được tôn vinh.

Hôm nay tôi muốn chia sẻ với các đồng chí và các bạn một niềm vui lớn nữa là trong 5 năm vừa qua trường ta đã phát triển mạnh và liên tục. Khi thành lập trường năm đầu tiên, chúng ta chỉ có 800 sinh viên. Sau mười năm, chúng ta mới “bò” lên con số 8.000 sinh viên. Từ đó đến nay, chỉ 5 năm thôi, từ 8.000 sinh viên, chúng ta đã đưa quy mô của trường lên 30.000 sinh viên. Đó là một sự phát triển ngoạn mục. Cho nên, ngày Nhà giáo Việt Nam hôm nay, tôi cho rằng cái tin vui nhất là chúng ta đã đạt quy mô 30.000 sinh viên.

Tại sao chúng ta có thể đạt được con số đó? Trước tiên là nhờ chất lượng đào tạo. Nếu không có chất lượng đào tạo, xã hội không tìm đến trường ta nhiều như thế. Ví dụ như năm ngoái, chúng ta tuyển nguyện vọng 2 từ điểm sàn trở lên. Đã có 4.200 em đăng ký. Chúng ta tuyển không hết. Năm nay, chúng ta cũng cho phép đăng ký từ điểm sàn trở lên – 4.600 em đăng ký. Chúng ta cũng tuyển không hết. Không hết vì chúng ta bị khống chế bởi chỉ tiêu tuyển sinh mà đã có lần tôi viết trên báo rằng đó là dấu tích của một cơ chế “xin – cho” được duy trì quá lâu. Sinh viên tìm đến trường ta nhiều là vì trường ta đào tạo tốt. Chúng ta chưa thống kê được đầy đủ, nhưng biết chắc rằng hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm. Chỉ cá biệt một số, vì lý do nào đó, chưa muốn đi làm, hoặc chưa tìm được việc làm thích hợp.

Xã hội tôn vinh nhà giáo bao nhiêu thì trách nhiệm của nhà giáo phải được nâng lên bấy nhiêu. Đó là nhận thức cơ bản mà tôi đề nghị tất cả mọi người chúng ta nhận thức cho đúng. Đặc biệt đối với trường ta, được xã hội tín nhiệm, mỗi năm số sinh viên vào trường đều tăng, thì trách nhiệm càng lớn.

Khi xã hội đã đặt niềm tin vào chúng ta, thực tình mà nói, tôi lo. Lo là vì sao? Vì người ta đã đặt niềm tin vào anh, thì anh phải đáp ứng niềm tin đó, đừng phản bội niềm tin đó. Điều đó đặt lên vai chúng ta những trách nhiệm rất nặng nề. Tôi nói trách nhiệm là trách nhiệm trên mọi lĩnh vực hoạt động. Bất cứ người nào trong hệ thống phân công lao động của trường ta đều phải thấy trách nhiệm của mình. Tôi nói ví dụ như người bảo vệ, nếu anh không văn minh, lịch sự với sinh viên vào trường, tức là anh đã phản bội lại sự tin cậy của xã hội đối với trường ta đấy, đối với cái trường mà anh là người đại diện. Tất cả các giảng viên đều phải có trách nhiệm hơn. Một tiết học chỉ có 45 phút, nếu có nhà giáo nào bỏ mất 15 phút không dạy thì điều đó có nghĩa là anh đã ăn cắp 15 phút của sinh viên. Tôi dùng chữ “ăn cắp” không tiện cho lắm trong ngày hôm nay là Ngày nhà giáo. Nhưng đó là sự thật. Nhà giáo chúng ta, ngoài địa vị tôn quý ra, chúng ta đang làm dịch vụ đối với xã hội. Xét về mặt kinh tế thì đào tạo cũng là một dịch vụ xã hội. Phụ huynh sinh viên một nắng hai sương để trả học phí cho con em họ. Nếu chúng ta dạy dỗ con em họ không tận tâm, thì phải nói là chúng ta có lỗi đối với người trả phí dịch vụ cho chúng ta. Nhân ngày Nhà giáo hôm nay, mỗi người trong hệ thống của chúng ta đều phải suy nghĩ xem mỗi việc của mình làm đã tận tụy chưa, đã hết lòng vì sự tiến bộ của sinh viên chưa? Đó là điều mà ngày Nhà giáo Việt Nam nhắc nhở chúng ta.

Điều thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là sở dĩ xã hội tin cậy chúng ta, coi trọng chúng ta, tôi cho rằng, ngoài chất lượng đào tạo, còn vì một lý do nữa: đó là văn hóa học đường. Trường chúng ta ngay từ ngày đầu thành lập, đã xác định cấm chuyện đút lót, cấm chuyện tiêu cực, cấm gian lận. Chúng ta đã phát hiện khoảng một chục vụ vi phạm và đã xử lý nghiêm khắc. Tất cả cán bộ giảng viên, nhân viên của trường ta đều phải nêu cao văn hóa học đường của trường mình là một trường hết lòng vì sự tiến bộ của sinh viên; là một trường có kỷ cương kỷ luật; là một trường có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự; là một trường tuyệt đối bài trừ tiêu cực, bài trừ đút lót, bài trừ gian lận.

Điều thứ ba tôi muốn nhấn mạnh là trường ta là một hệ thống phân công lao động xã hội. Một người không thể dựng nổi một trường đại học. Một thầy giáo không thể đào tạo nổi một sinh viên. Sự nghiệp của chúng ta đòi hỏi sự hợp tác của rất nhiều người. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, kể cả cán bộ, nhân viên, giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng. Rất tiếc là người Việt Nam chúng ta có một cái dở: mình thì không làm được bằng người ta, nhưng nếu người ta làm được hơn mình, thì lại không vui, thậm chí gieo rắc tin thất thiệt; nói cách khác là đố kỵ. Chính sự đố kỵ đó làm hại sự đoàn kết thống nhất của chúng ta. Tôi mong rằng ai có tật xấu đó thì dứt khoát phải sửa.

Mỗi lần xã hội tôn vinh các nhà giáo, cái quan trọng nhất của mỗi người chúng ta là xác định trách nhiệm của mình. Là làm tốt hơn phận sự của mình, để cho trường ta ngày càng rạng danh là một trường đại học có chất lượng, xứng đáng với sự tin cậy của xã hội./.