Thưa các vị đại biểu!
Thưa các đồng chí và các bạn!
Trước tiên, cho phép tôi thay mặt HĐQT, Ban Giám hiệu, toàn thể cổ đông, toàn thể cán bộ nhân viên Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội cám ơn sự có mặt của quý vị trong ngày vui lớn của Trường chúng tôi hôm nay!
Đối với Trường chúng tôi, ngày lễ khởi công xây dựng ngôi trường mới là một ngày vui lớn, một ngày vui được chuẩn bị và được chờ đợi từ 8 năm nay.
Ngay từ ngày thành lập Trường – năm 1996, Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu đã đặt vấn đề tìm nguồn vốn và xin Thành phố cấp đất để xây trường. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên nhiệt tình ủng hộ việc xây trường, đã giới thiệu cho Trường một số khu vực để lựa chọn. Sau nhiều lần khảo sát, Trường đã thỏa thuận với Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thành: Chọn khoảnh ruộng rau muống của hợp tác xã làm địa điểm xây trường. Thỏa thuận này đã được Kiến trúc sư trưởng Thành phố chấp thuận tháng 3 năm 1998. Tháng 2 năm 2000, UBND Thành phố đã ra Quyết định cho phép đầu tư Dự án xây dựng trường và cấp cho Trường 9.073 m2 tại địa điểm mà Trường đã thỏa thuận với HTX Vĩnh Thành. Quá trình đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài hơn 3 năm, đến nay đã hoàn thành về cơ bản, chỉ còn 429 m2 thuộc 11 hộ đang chờ để được tái định cư. Phương án tái định cư đã được UBND phường Vĩnh Tuy và Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Hai Bà Trưng thông qua và trình lên Thành phố. Sau khi được Thành phố phê chuẩn, việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ được hoàn thành toàn bộ. 429 m2 đất chưa giải phóng mặt bằng chỉ là dải đất nằm rìa ngôi trường sẽ xây dựng, không trở ngại gì cho việc khởi công xây dựng ngôi trường.
Tiến trình xây dựng ngôi trường được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I, từ nay đến hết tháng 9: đóng cọc móng. Sau khi hoàn thành việc đóng cọc móng, sẽ tiếp sang giai đoạn II. Trong giai đoạn này, sẽ có 5 đơn vị đồng loạt triển khai thi công 5 gói thầu. Dự tính đến giữa năm 2004 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình.
Sau khi cân nhắc mọi nhẽ, HĐQT và Ban Giám hiệu đã quyết định áp dụng phương thức chỉ định thầu. Những đơn vị thi công được chỉ định thầu đều là những công ty xây dựng có năng lực, có uy tín, một số có quan hệ làm ăn tin cậy với Trường từ mấy năm nay. Đại biểu của các đơn vị thi công đều có mặt hôm nay. Giữa nhà trường và các đơn vị thi công đã đạt được các thỏa thuận sau đây:
1) Chất lượng công trình phải được bảo đảm tuyệt đối. Bất cứ vi phạm nào cũng đều không được chấp nhận.
2) Các vật tư chủ yếu như thép, xi măng, bê tông tươi, gạch lát, ngói lợp do bên A trực tiếp thanh toán theo hóa đơn mua của bên B, để bên A kiểm soát được quy cách chất lượng vật tư, và cũng để bên B khỏi chịu thiệt khi giá cả biến động.
3) Bên A thanh toán kịp thời cho bên B theo khối lượng công việc hoàn thành, không để xảy ra tình trạng thanh toán dây dưa.
4) Dự toán công trình dựa vào hệ thống giá do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành. Lấy dự toán đó làm chuẩn, bên B lùi 5% giá thầu cho bên A, nhằm tiết kiệm kinh phí xây dựng cho nhà trường. Ngoài 5% này, bên B không được phép quà cáp, biếu xén cho bất cứ cá nhân nào của bên A.
5) Bên A thuê tư vấn giám sát để đại diện cho mình trong quá trình thi công. Bên B có trách nhiệm hợp tác, phối hợp chặt chẽ với tư vấn giám sát để bảo đảm đúng quy trình thi công và chất lượng công trình theo các quy định mà các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã ban hành.
Với các thỏa thuận nêu trên thì bên B không phải là “chùm khế ngọt cho A trèo hái suốt ngày”. Bên B cũng không thể kiếm lãi bất chính bằng cách bớt xén vật tư, làm giảm chất lượng công trình. Quan hệ giữa bên A và bên B, dù mang hình thái hợp đồng kinh tế, vẫn phải là mối quan hệ trong sáng, có tính nguyên tắc, vì lợi ích chung của xã hội – ở đây là lợi ích “trăm năm trồng người”, lợi ích của một ngôi trường có sứ mệnh đào tạo nhân tài cho nền kinh tế của đất nước.
Để xây dựng ngôi trường với 18.000 m2 xây dựng, nhà trường đã chuẩn bị một nguồn vốn 30 tỷ đồng. Chúng tôi không chủ trương đi vay, mặc dù có cơ quan tài trợ nước ngoài sẵn sàng cho vay với lãi suất ưu đãi. Vay nước ngoài dù lãi suất thấp thì tiền lãi vẫn chảy ra nước ngoài. Chúng tôi chủ trương huy động vốn của cổ đông, dù lãi suất cao hơn, nhưng tiền lãi thì vẫn lưu lại trong nước, nhất là lưu lại trong tay các cổ đông thì cũng chẳng khác nào “lọt sàng xuống nia”.
Ở đây, gọi là cổ đông thực ra chỉ đúng một phần. Đã là cổ đông thì phải góp vốn và được chia lợi nhuận. Ở Trường chúng tôi, người góp vốn không được chia lợi nhuận, chỉ được nhận một lãi suất cố định, giống như lãi suất tiết kiệm gửi vào ngân hàng, tuy có cao hơn lãi suất tiết kiệm. Trường chúng tôi có 370 cổ đông, hầu hết là cán bộ nhân viên của Trường, ngoài ra là giảng viên thỉnh giảng, cộng tác viên. Mức góp tối thiểu của một cổ đông là 10 triệu đồng. Tổng số vốn góp của cổ đông đạt trên 20 tỷ đồng. Phần còn lại thì huy động từ quỹ dự phòng của Trường. Trường không phải là tổ chức kinh doanh, không có trách nhiệm làm ra lợi nhuận, nhưng trong quá trình điều hành về tài chính, vẫn phải dành dụm ít nhiều làm quỹ dự phòng. Quỹ dự phòng dành dụm 8 năm qua, nay huy động vào việc xây dựng ngôi trường mới, xem như quỹ tích lũy. Các nhà thầu thi công có thể yên tâm: nhà trường đủ sức thanh toán sòng phẳng, chỉ với điều kiện khối lượng công trình được hoàn thành đúng chất lượng quy định.
Xây xong ngôi nhà chưa phải đã thành ngôi trường. Phải có thiết bị dạy và học lắp đặt vào thì ngôi nhà mới thành ngôi trường. Những thiết bị ấy đã có sẵn trị giá trên 10 tỷ đồng, đang được sử dụng tại ngôi trường cũ. Chỉ cần ngôi trường mới được xây xong, sẽ tháo dỡ các thiết bị từ ngôi trường cũ, lắp đặt vào ngôi trường mới. Thời gian thích hợp nhất để thực hiện việc tháo dỡ và lắp đặt này là 2 tháng nghỉ hè của sinh viên, bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 hàng năm. Đó là thời điểm mà chúng tôi sẽ đặt ra trước các đơn vị thi công giai đoạn II: các bạn có thể hoàn thành công việc của các bạn trong 9 tháng, trước ngày 1 tháng 7 năm 2004 được không? Tôi tin rằng được.
Thưa các vị đại biểu!
Đối với các trường dân lập thì việc thuê nhà làm giảng đường, phòng học, phòng làm việc chiếm một tỷ lệ lớn trong kinh phí đào tạo. Ở trường chúng tôi, trong nhiều năm, khoản tiền đó chiếm 20% học phí, cá biệt có năm lên tới 30%. Chúng tôi hi vọng rằng khi ngôi trường mới được đưa vào sử dụng, tỷ lệ ấy sẽ hạ xuống mức 10-12%. Ai sẽ có lợi trong việc này? Trước tiên là sinh viên – trên 6.000 sinh viên. Kinh phí dành cho trường sở rút xuống thì nhà trường có thể dành nhiều kinh phí hơn cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện môi trường sống, môi trường học tập của sinh viên. Chẳng hạn, trường chúng tôi hiện nay có 20 phòng máy vi tính, với 600 máy. Mức trang bị 1 máy vi tính cho 10 sinh viên là một mức trang bị khá cao. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo, vẫn cần trang bị thêm mấy phòng máy nữa. Vì không còn phòng để đặt máy cho nên yêu cầu này đành phải dẹp bỏ. Nhu cầu bữa ăn tại bếp ăn của trường cũng là một nhu cầu thiết yếu của khá đông sinh viên. Nhu cầu ấy tạm thời phải dẹp bỏ vì không có diện tích để lập bếp ăn. Nhà trường đã sắm một số bàn đánh bóng bàn để cho sinh viên chơi trong giờ giải lao, nhưng vì thiếu diện tích, số bàn này đành phải tạm thời xếp xó. Với ngôi trường mới thì những nhu cầu trên đây và nhiều nhu cầu khác có thể thỏa mãn được.
Sau sinh viên thì người hưởng lợi là giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường. Tuy số lượng không nhiều – chỉ 300 người, nhưng họ phải chấp nhận làm việc trong những điều kiện chật chội, nhường diện tích cho các phòng học, phòng máy. Với ngôi trường mới, tình cảnh này sẽ được cải thiện. Khi chi phí về nhà cửa giảm xuống thì chi lương, chi thưởng, chi phúc lợi có đất để mở rộng hơn.
Thưa các đồng chí và các bạn!
Nhiều nhu cầu, nguyện vọng của thầy và trò chúng tôi được gửi gắm vào ngôi trường mới. Nhưng, ngôi trường mới mãi mãi sẽ chỉ là niềm mơ ước nếu không có một quá trình lao động vất vả, mà lễ khởi công hôm nay là điểm khởi đầu. Gánh nặng của quá trình này được đặt lên vai các đơn vị thi công, các kỹ sư và công nhân xây dựng. Hàng ngàn, hàng vạn con người chăm chú theo dõi thành quả lao động của các bạn. Các bạn hãy xứng đáng với sự tin cậy của bên A, thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình và bảo đảm an toàn lao động! Thay mặt bên A, tôi hứa sẽ có phần thưởng xúng đáng đối với những thành tích vượt trội của các bạn. Và đương nhiên, có thưởng thì phải có phạt, mặc dù bên A không mong muốn tình huống này xẩy ra.
Cho phép tôi thay mặt HĐQT, Ban Giám hiệu, toàn thể cổ đông, toàn thể cán bộ nhân viên của Trường, cám ơn UBND Thành phố, UBND quận Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì, UBND phường Vĩnh Tuy và xã Vĩnh Tuy, các Sở, Ban, Ngành của Thành phố, của Quận, của Phường, đã hết lòng giúp đỡ Trường chúng tôi để có ngày lễ khởi công hôm nay.
Chúng tôi đặc biệt cám ơn bà con xã viên HTX nông nghiệp Vĩnh Thành và Chủ nhiệm HTX Dương Văn Sức đã vì sự nghiệp giáo dục đào tạo con em chúng ta mà nhường đất trồng trọt của mình cho ngôi trường mới mọc lên, làm mái ấm cho hàng ngàn, hàng vạn thanh niên từ mọi miền đất nước hội tụ về đây để học tập và rèn luyện, trở thành các nhà kinh tế thực hành – các nhà quản lý kinh doanh, góp phần “làm cho dân giầu, nước mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước./.