Giáo dục đại học và hội nhập quốc tế

Hiện nay ở Việt Nam còn quá ít sự quan tâm đến một lĩnh vực sẽ bị tác động mạnh khi Việt Nam gia nhập WTO. Đó là lĩnh vực giáo dục. Báo Đầu tư đã có dịp trao đổi về vấn đề này với GS Trần Phương, nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và hiện là Hiệu trưởng Trường đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội.

PV – Nước ta sắp vào WTO. Điều đó sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực giáo dục đại học? Giáo sư đánh giá như thế nào về độ mở của Chính phủ hiện nay đối với giáo dục đại học? Nếu Chính phủ có những chính sách mở hơn nữa đối với giáo dục đại học thì mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực này ở Việt Nam sẽ như thế nào? Liệu có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này không?

GS Trần Phương – Khi nước ta gia nhập WTO thì giáo dục được coi là một dịch vụ sẽ phải theo nguyên tắc đối xử quốc gia. Lúc đó sẽ có những trường đại học có danh tiếng vào nước ta kinh doanh dịch vụ giáo dục đào tạo. Nhà nước ta hiện vẫn chưa mở lắm đối với giáo dục đại học. Nhưng chắc chắn là nay mai sẽ phải mở hơn, nghĩa là phải dỡ bỏ nhiều rào cản còn sót lại của một thời kế hoạch hóa tập trung quan liêu. Muốn hội nhập quốc tế thì buộc phải làm như vậy.

Tuy nhiên, theo tôi, để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này không phải là dễ. Vì để đào tạo con người, cần rất nhiều yếu tố, không phải cứ có tiền là mở được trường đại học. Yếu tố chủ yếu là đội ngũ giáo sư. Một chương trình đào tạo đại học phải cần đến giáo sư, giảng viên thuộc 30-40 môn học, cũng tức là 30-40 nghề chuyên môn khác nhau. Không có được đội ngũ thầy giáo này thì có tiền cũng không làm được gì. Điều này đặt ra vấn đề hợp tác giữa các nhà đầu tư và các nhà trí thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Những ai hội đủ được các điều kiện này thì sẽ thành công.

PV – Thưa Giáo sư, nếu các trường đại học nước ngoài vào Việt Nam thì có gây khó khăn cho các trường đại học trong nước, nhất là các trường dân lập không?

GS Trần Phương – Tôi không cho là chúng ta sẽ gặp khó khăn. Thứ nhất, vì họ không thể cạnh tranh với ta về học phí. Tôi lấy ví dụ như trường tôi là trường có học phí cao nhất nước hiện nay, cũng chỉ thu 4 triệu đồng/năm, tức là chưa đến 300 USD/năm. Còn các trường đại học nước ngoài, họ thu học phí ít nhất cũng cao hơn ta 10 lần, phổ biến là cao hơn ta 30-40 lần. Học phí cao không đồng nghĩa với chất lượng đào tạo cao. Chất lượng đào tạo của họ chưa chắc đã cao hơn trường tôi 10%, chứ chưa nói đến 10 lần. Mức học phí của họ chỉ phù hợp với mức sống của nhân dân nước họ. Đem mức học phí ấy mà áp đặt vào mức sống của người Việt Nam thì họ cạnh tranh sao nổi với các trường đại học của ta?

Cái khó thứ hai của các trường đại học nước ngoài là “bức tường ngôn ngữ”. Chỉ một số ít sinh viên Việt Nam là có đủ trình độ tiếng Anh để xin vào học ở các trường đại học nước ngoài. Tất nhiên, ngoài trình độ ngoại ngữ, số sinh viên này còn phải có nhiều tiền nữa. Người có nhiều tiền thì chẳng bao nhiêu.

Chỉ nhìn vào 2 yếu tố trên, tôi thấy các trường đại học của người Việt Nam chẳng có gì đáng phải lo ngại trước sự cạnh tranh của các trường đại học nước ngoài ngay trên thị trường dịch vụ giáo dục của nước mình. Chẳng những không đáng ngại, mà còn đáng hoan nghênh: nó đặt các trường đại học của ta vào một vị thế cạnh tranh lành mạnh, mà sự cạnh tranh lành mạnh thì bao giờ cũng là một động lực thúc đẩy sự tiến bộ.

PV – Nhưng hiện trong nước, nhiều người cho rằng lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, vẫn đang được coi là lĩnh vực đầu tư có thể thu được siêu lợi nhuận. Bằng chứng là theo thông tin chúng tôi có được, hiện có đến cả trăm hồ sơ thành lập đại học dân lập đang nằm trên bàn của Bộ Giáo dục – Đào tạo.

GS Trần Phương – Để trả lời câu hỏi này, có hai ý cần làm rõ.

Thứ nhất, về 100 hồ sơ xin thành lập trường đại học dân lập (hay tư thục). Nếu nước ta có thêm 100 trường đại học nữa thì đó là một hạnh phúc lớn cho đất nước. Cộng với 200 trường hiện có (cả công lập và dân lập), mới chỉ đạt 300 trường. Còn xa mới đáp ứng được nhu cầu nhân lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không có một nền giáo dục đại học mang tính “đại chúng”, thu hút chừng 20-30% thanh niên trong độ tuổi (hiện mới chỉ đạt dưới 10%) thì nói công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ là nói suông.

Tuy nhiên, để hình thành được 100 trường này, thật không dễ dàng chút nào. Phải huy động được một đội ngũ giảng viên có chất lượng và đủ thành phần chuyên môn. Phải huy động được một nguồn vốn đủ để tạo lập trường sở và trang thiết bị dạy học. Phải có sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, từ Chính phủ, đến các Bộ, các địa phương. Hội đủ được các điều kiện này thì 5-7 năm sau mới hình thành được một trường đại học.

Ai đó nghĩ rằng người ta xin mở trường đại học là nhằm thu được “siêu lợi nhuận” thì hãy thử làm xem!

Thứ hai, về vấn đề lợi nhuận.

Theo nghĩa thông thường, lợi nhuận là khoản dôi ra từ doanh thu sau khi đã trừ các khoản chi phí. Lợi nhuận của một trường đại học có thể hình thành từ ba nguồn:

Giảm chi phí về tiền thù lao trả cho các giáo sư và tiền lương trả cho cán bộ nhân viên nhà trường.

Giảm chi phí về cơ sở vật chất, bao gồm trường sở, trang thiết bị dạy và học.

Ấn định mức học phí cao hơn chi phí cần thiết.

Cả ba khoản này đều có giới hạn của nó. Không thể trả tiền thù lao thấp mà thu hút được các thầy giáo giỏi. Không thể tiết kiệm chi phí về trường sở và về trang thiết bị dạy học đến mức làm ảnh hưởng xấu đến môi trường học tập của sinh viên và hạ thấp chất lượng đào tạo. Hai khoản chi này, theo kinh nghiệm của trường tôi, chiếm trên 90% nguồn thu về học phí! Nếu chúng tôi có lãi một chút nào đó thì chỉ là nhờ ở chỗ đã triệt tiêu được các kẽ hở gây lãng phí như: biên chế có chỗ nào còn cồng kềnh, phòng học và phòng máy còn có chỗ nào chưa tận dụng hết công suất, chi phí văn phòng còn có chỗ nào chưa được siết chặt. Chỉ cần quản lý lỏng lẻo một chút là nguy cơ thu không đủ chi gõ cửa ngay.

Còn việc tăng học phí? Với thu nhập và mức sống của dân ta hiện nay thì 3-4 triệu đồng/năm học được xem là cao rồi. Đưa lên nữa thì phần lớn công nhân và nông dân khó với tới. Chúng ta mong muốn xây dựng một nền giáo dục đại học cho phần lớn thanh niên đến tuổi, một nền giáo dục đại học mang tính “đại chúng”, chứ không phải một nền giáo dục đại học chỉ dành cho số ít thanh niên con nhà khá giả.

Với một cái “trần” học phí đã được khống chế, và với 2 khoản chi phí khó bề hạ thấp hơn nữa thì “siêu lợi nhuận” kiếm ở đâu ra?

PV – Giáo sư vừa nói trường của giáo sư có mức học phí cao hơn tất cả các trường dân lập khác. Với mức học phí ấy mà còn lo thu không đủ chi thì các trường có mức học phí thấp hơn làm sao mà tồn tại được?

GS Trần Phương – Chúng ta nói học phí là nói học phí cho một năm học, chưa nói đến khối lượng kiến thức của năm học đó. Trường tôi thu học phí cao hơn các trường khác 30-40%, nhưng khối lượng kiến thức mà chúng tôi dạy cho sinh viên cũng lớn hơn 30-40%. Thành thử, nếu tính học phí trên một tiết giảng thì cũng chỉ bằng các trường khác. Chúng tôi chủ trương trau dồi cho sinh viên nhiều kiến thức hơn về ngoại ngữ và tin học để sinh viên ra trường có năng lực làm việc tốt hơn, nhờ đó, dễ kiếm được việc làm hơn, mà mức lương cũng cao hơn. Đương nhiên, học nhiều thì vất vả hơn, nhưng khi được đền đáp thì cũng xứng đáng.

PV – Thưa Giáo sư, giáo dục là một lĩnh vực nhạy cảm, vậy để đưa giáo dục đại học tiếp cận với cơ chế thị trường như một dịch vụ thì cần phải có những biện pháp gì? Làm thế nào để có thể quản lý chất lượng giáo dục đại học ngoài Nhà nước?

GS Trần Phương – Theo tôi, điều đó phụ thuộc vào vai trò của Nhà nước. Tôi lấy thí dụ: nếu anh trồng chuối trong vườn nhà anh, rồi anh đem chuối bán ngoài chợ, việc này anh cứ làm, Nhà nước chẳng thấy có điều gì cần can thiệp. Nhưng nếu anh sản xuất thuốc nổ và đem thuốc nổ đi bán thì đó lại là chuyện khác. Nhà nước nhất định phải can thiệp. Vậy là tùy thuộc vào từng loại hình kinh doanh mà Nhà nước phải can thiệp hay không can thiệp, can thiệp ít hay can thiệp nhiều. Trường đại học là “lò” đào tạo ra những con người sẽ nắm giữ những vị trí quan trọng trong sản xuất và trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, Nhà nước phải quy định một “hành lang pháp lý” thống nhất. Bất cứ ai mở trường đại học – công lập hay dân lập – đều phải tuân thủ.

Hành lang pháp lý ấy đã có và đang được thực thi trong cuộc sống. Nội dung của nó gồm một số điểm chủ yếu sau:

  • Chuẩn mực của một chương trình đào tạo đại học. Khối lượng kiến thức phải đạt. Cơ cấu của khối kiến thức ấy.
  • Tiêu chuẩn của người đứng đầu trường đại học, và của đội ngũ giảng viên đại học.
  • Quy chế thi, kiểm tra và cấp bằng.
  • Những điều kiện phải đáp ứng khi thành lập trường đại học.
  • Chính sách Nhà nước đối với trường đại học. Nếu trường là một tổ chức phi lợi nhuận? Nếu trường là một tổ chức vì lợi nhuận?

Ngoài quy chế đào tạo đại học thống nhất nêu trên, cũng cần lưu ý rằng: những người đứng ra mở trường đại học dân lập (hay tư thục) đều là những giáo sư đã qua nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và quản lý các trường đại học công lập, nay được nghỉ hưu thì tập hợp nhau lại để mở trường, vì sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, chứ không phải vì mục đích lợi nhuận. (Có lợi nhuận đâu mà theo đuổi?)

Với quy chế đào tạo thống nhất và với đội ngũ giáo sư như trên thì có gì là đáng lo ngại về chất lượng đào tạo của các trường đại học ngoài công lập? Công lập hay ngoài công lập chỉ khác nhau ở một điểm: công lập thì được ngân sách Nhà nước trợ cấp một phần kinh phí đào tạo, còn dân lập thì sinh viên phải thanh toán toàn bộ kinh phí đào tạo. Còn chất lượng đào tạo thì … ”chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”. Trên thế giới, những trường đại học danh tiếng nhất lại là những trường ngoài công lập.

Mối lo ngại về chất lượng đào tạo của trường đại học ngoài công lập thực ra chỉ là di sản tâm lý của một thời bao cấp. Thời đó, người ta nghĩ rằng: quốc doanh thì nhất định ưu việt hơn tập thể, tập thể thì nhất định ưu việt hơn cá thể. Thiên kiến này đã sụp đổ sau 20 năm đổi mới kinh tế. Bây giờ đến lượt đổi mới giáo dục đại học. Hãy để cho thực tiễn trả lời.

PV – Xin cảm ơn Giáo sư.