Về giáo dục đại học ngoài công lập tại Việt Nam

   I.Về giáo dục đại học nói chung

Chủ đề cuộc Hội thảo của chúng ta như Hiệp hội nêu ra là “Củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập”. Nhưng củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập không tách rời phát triển giáo dục đại học nói chung phải đặt trong giáo dục đại học nói chung (Giáo dục đại học hiểu theo nghĩa bao gồm cả đại học và cao đẳng). Vì vậy, trước tiên tôi xin nói đôi lời về giáo dục đại học nói chung.

  1. Lâu nay, báo chí nói nhiều về hiện tượng 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa kiếm được việc làm, coi đó như cái họa mà ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, đó là một quan niệm không đúng. Đã chuyển sang cơ chế thị trường thì không thể mong muốn cung và cầu về lao động phải ăn khớp với nhau như hồi kế hoạch hóa tập trung!

Đúng là xã hội hướng dẫn sinh viên chọn nghề để học còn nhiều thiếu sót, nhưng dù có hướng dẫn tốt đến mấy chăng nữa cũng không thể bảo đảm cung và cầu về lao động hoàn toàn ăn khớp với nhau.

Nhiều sinh viên chọn nghề chỉ căn cứ vào sở thích của mình, chứ không căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Họ sẽ phải tìm nghề khác mà học lại. Chuyển nghề là một hiện tượng phổ biến trên thế giới. Không chỉ chuyển một lần, mà chuyển nhiều lần.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp chỉ muốn tìm việc ở các thành phố lớn. Tìm mãi mà không được, tất họ phải tìm về những vùng cần đến họ.

Cũng có một số sinh viên được đào tạo kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu công việc. Họ sẽ phải tự đào tạo lại.

Đó chính là tác dụng của cơ chế thị trường.

Nhìn rộng ra thế giới, ta thấy hiện tượng sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm, nước nào cũng có. Ở Trung Quốc, năm 2011, có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm. Mỗi năm lại bổ sung thêm 2 triệu người nữa.

  1. Trước hiện tượng sinh viên tốt nghiệp chưa kiếm được việc làm, đã có ý kiến cho rằng Giáo dục đại học của nước ta đã phát triển quá thừa, cần phải hạn chế lại. Theo tôi, đây là một vấn đề đáng bàn.

 Đúng là có một số ngành đào tạo vượt nhu cầu cần phải điều chỉnh, như sư phạm chẳng hạn, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp lại không kiếm được đủ kỹ sư. Số thanh niên đăng ký học các ngành kỹ thuật công nghệ ở nước ta chiếm tỷ lệ quá thấp. Nguyên nhân vì đâu? Cần phải xem xét lại.

Nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa. Nhìn vào những nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, họ đã phải trải qua 20-30 năm phát triển rất mạnh đại học, cao đẳng mới vươn lên được trình độ công nghiệp hóa. Nước ta cũng không thể thoát khỏi lộ trình đó.

Hãy nhìn vào tỷ lệ người có trình độ đại học – cao đẳng trong dân số nước ta. So với các nước nói trên thì còn quá thấp. Chuyển sang thời đại tri thức thì sự bất cập càng nổi rõ hơn nữa.

Một người chinh phục kiến thức đại học – cao đẳng không phải là để dùng trong vài ba năm, mà là để dùng trong 30-40 năm. Nếu vài năm chưa kiếm được việc làm thích hợp thì chưa lo gì lãng phí.

Nêu ra những điều trên đây, tôi muốn đi đến kết luận: giáo dục đại học của nước ta chưa có gì là quá thừa, trái lại, còn phải phát triển mạnh hơn nữa, nhất là các ngành kỹ thuật – công nghệ.

Lâu nay, việc hướng dẫn thanh niên chọn nghề để học chưa được chú trọng. Xã hội đang cần loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Đang thừa loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Các Bộ cần có cơ quan nghiên cứu, hướng dẫn cho thanh niên.

   II.Về giáo dục Đại học ngoài công lập

Để phát triển giáo dục đại học, thế giới đã từng có 3 con đường:

Thứ nhất, ưu tiên phát triển các trường công lập, kinh phí đào tạo chủ yếu do Ngân sách nhà nước gánh chịu. Tiêu biểu cho con đường này là Đức và Pháp.

Thứ hai, ưu tiên phát triển các trường ngoài công lập, kinh phí đào tạo chủ yếu do người học gánh chịu. Tiêu biểu cho con đường này là Nhật Bản. 80-85% sinh viên đại học – cao đẳng ở Nhật Bản là được đào tạo từ các trường tư.

Thứ ba, phát triển cả trường công và trường tư. Tất cả các nước đều theo con đường này.

Việt Nam là nước nghèo, ngân sách Nhà nước đã dành tới 20% cho giáo dục, chắc hẳn không có khả năng tăng thêm. Muốn phát triển giáo dục, kể cả giáo dục đại học, phải nhấn mạnh xã hội hóa, đó là điều tất yếu.

  III. Về mô hình Đại học tư thục

Trường đại học – cao đẳng tư thục ở nước ta chưa nhiều. Hiện có hai mô hình:

  1. Mô hình thứ nhất là Trường của các nhà đầu tư.Một số nhà đầu tư bỏ vốn ra lập trường, xây dựng trường sở, thuê cán bộ nhân viên, tuyển sinh, thu học phí, lời ăn, lỗ chịu. Đây là loại hình theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Tùy theo số người góp vốn mà Trường có hình dạng như doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp tư nhân, hay công ty trách nhiệm hữu hạn.
  2. Mô hình thứ hai là Trường phi lợi nhuận.Mô hình này đã được xác định tại Nghị định 141/2013/NĐ-CP ngày 24-10-2013 như sau:

“1. Cơ sở giáo dục đại học tư thục được xác định hoạt động không vì lợi nhuận khi đảm bảo các điều kiện sau đây:

  1. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức, hoặc nhận lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ quy định trong cùng thời kỳ;
  2. Chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng năm của nhà trường là tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia, dùng để đầu tư phát triển cơ sở vật chất; phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học; đào tạo cán bộ quản lý; hoạt động nghiên cứu khoa học; cấp học bổng cho người học và sử dụng cho các mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng khác;
  3. Có cam kết hoạt động không vì lợi nhuận bằng văn bản với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đại học đặt trụ sở chính.”

Nhận xét:

Loại hình “Trường lợi nhuận” do các nhà đầu tư lập ra. Vì có sẵn vốn, họ sớm xây dựng được trường sở khang trang. Đó là thế mạnh của loại hình này. Tuy nhiên, loại hình trường này có hai nhược điểm:

  1. Vì người có nhiều vốn giữ quyền chi phối trường cho nên giữa nhà đầu tư và các nhà giáo luôn tiềm ẩn mâu thuẫn. Nhà đầu tư thì muốn tiết giảm kinh phí đào tạo để tăng lợi nhuận, còn các nhà giáo thì muốn nâng cao chất lượng đào tạo, dù phải tăng kinh phí đào tạo.
  2. Vì người có nhiều vốn giữ quyền chi phối trường cho nên hễ có sự biến động về vốn thì có sự biến động về quyền sở hữu trường. Phát sinh hiện tượng chuyển nhượng, mua bán trường, ảnh hưởng đến sự ổn định của hoạt động giáo dục.

Loại hình “Trường phi lợi nhuận” có nhược điểm: Không thu hút được nhà đầu tư, do đó không có nguồn vốn lớn ngay từ đầu. Trường chúng tôi – Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – phải tập hợp vốn góp của trên 800 cán bộ giảng viên mới có được trên 100 tỷ đồng, nhờ đó, xây dựng được trường sở khang trang ban đầu. Tuy nhiên, “Trường phi lợi nhuận” lại có 2 thế mạnh:

  1. Vì không phải chia lợi nhuận cho ai và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho nên Quỹ tích lũy tập trung không chia được tích tụ hàng năm, qua 20 năm đã đạt giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Quỹ này thuộc sở hữu tập thể của các cổ đông. Nó là cơ sở vật chất cho sự trường tồn của Trường.

Một trường “tư thục” mà tài sản tập thể lớn gấp 10 lần vốn của tư nhân góp lại! Tài sản tập thể càng lớn thì tính chất “tư thục” càng thu hẹp lại, trường tư thục biến thành trường của xã hội.

  1. Vì không phải là trường của các nhà đầu tư cho nên không có mâu thuẫn giữa các nhà giáo và các nhà đầu tư. Trường chúng tôi là một tổ chức hợp tác của các nhà giáo, các nhà giáo cũng đồng thời là những người góp tiền làm vốn hoạt động cho trường. Ngay từ ngày đầu thành lập, đã xác định mục đích tối thượng của mình là “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Chúng tôi nhận thức: sự thành công của một trường đại học không phụ thuộc vào những người có nhiều vốn góp, mà phụ thuộc vào những người có tâm và có tài. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn nguyên tắc “mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết”, không phân biệt vốn góp nhiều hay ít. Nguyên tắc này cho phép bầu vào cơ quan lãnh đạo của Trường những người có tâm và có tài. Sự phát triển ổn định của Trường nhờ đó mà được bảo đảm.

Nêu lên hai thế mạnh của Trường tư thục phi lợi nhuận, tôi muốn đưa ra khuyến nghị: nên khuyến khích mô hình tư thục phi lợi nhuận.

Hoàn toàn có thể chuyển từ trường lợi nhuận sang trường phi lợi nhuận thông qua các bước như sau:

  1. Các nhà đầu tư chấp thuận nhận lợi tức cổ phần không cao hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ.
  2. Mở rộng thành phần góp vốn cho đông đảo các nhà giáo (mức góp nên hạ xuống 10 triệu đồng/cổ đông).
  3. Chuyển từ nguyên tắc “biểu quyết theo trọng lượng vốn góp” sang nguyên tắc “mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết”.

   IV.Kiến nghị chính sách:

  1. Chính sách thuế
  2. Đối với trường “lợi nhuận”: trước khi chia lợi nhuận, phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 10% lợi nhuận.
  3. Đối với trường “phi lợi nhuận”: được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chính sách thuế như vậy là thỏa đáng, nên giữ nguyên.

  1. Chính sách đất đai

Nghị định 141/2013 ghi: Chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận: “Ưu tiên giao hoặc cho thuê đất; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất”.

Kiến nghị sửa là: “Đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học tư thục, Nhà nước giao đất để xây trường, không thu tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất”.

Lý lẽ:

  1. Khi trường đại học nhận đất để xây dựng trường đã phải trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng, số tiền này đã lên đến nhiều tỷ đồng cho một héc ta. Nếu phải nộp thêm tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất thì tiền này lại đè nặng lên sinh viên.
  2. Khi trường giải thể, không cần đến đất nữa, thì trường trả lại đất cho Nhà nước, chứ đâu có quyền bán?
  3. Chính sách tuyển sinh

Nên áp dụng như tất cả các nước: có bằng Trung học phổ thông thì có quyền đăng ký học Đại học.

Bỏ “điểm sàn” vì điểm sàn bất lợi cho thanh niên các dân tộc thiểu số và thanh niên các vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long.

Các trường phải thu hút sinh viên bằng chất lượng đào tạo của mình và mức học phí thỏa đáng.

Các Bộ (Lao động, Giáo dục – Đào tạo…) và các ngành cần nâng cao vai trò của mình trong việc hướng dẫn thanh niên chọn nghề để học.

Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào quá trình đào tạo và việc kiểm soát chặt “đầu ra” (30-40 kỳ thi cho một khóa đào tạo đại học).

  1. Nâng cao chất lượng đào tạo
  2. Về nội dung của chương trình đào tạo

Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nội dung đào tạo và thời lượng đào tạo. Hầu hết các nước đều áp dụng khung kiến thức 130 tín chỉ cho 4 năm đào tạo đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định khung kiến thức 120 tín chỉ. Nhưng nội dung của khung kiến thức thì lại không giống nhau.

130 tín chỉ của các nước chỉ hướng vào kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp.

120 tín chỉ của ta, ngoài kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, còn bao gồm nhiều thứ “toàn diện” nữa:

  • Giáo dục thể chất
  • Giáo dục quốc phòng – an ninh
  • Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh
  • Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngoài ra, còn Ngoại ngữ – một gánh nặng quá lớn nữa! Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: sinh viên không chuyên ngữ phải đạt trình độ B1 về tiếng Anh khi ra trường. Sinh viên các nước quanh ta khi bước vào trường đại học đã đạt được trình độ tiếng Anh đó rồi. Còn sinh viên ta, khi bước vào trường đại học, hầu hết đều phải học từ đầu. Phải qua 36 tín chỉ (nghĩa là 1 năm học) mới đạt được trình độ B1.

Cùng thời lượng 130 tín chỉ, nhưng nội dung chương trình đào tạo của ta nhồi nhét nhiều môn học “toàn diện” như thế thì trách nào sinh viên của ta chẳng kém “chuyên nghiệp”!

Đề nghị Bộ cho phép thiết kế lại chương trình đào tạo đại học.

  1. Một số Quy định của Bộcũng làm hạ thấp chất lượng đào tạo, đề nghị điều chỉnh:

– Bộ quy định: Mỗi môn học, nếu được 5 điểm thì coi là đạt. Như vậy là quá thấp, không đòi hỏi sinh viên phải học nghiêm túc. Đề nghị nâng lên 7 điểm.

– Bộ quy định: Điểm trung bình chung toàn khóa, nếu đạt 6 điểm thì được cấp bằng tốt nghiệp đại học. Như vậy cũng là quá thấp. Đề nghị nâng lên 7 điểm.

– Bộ quy định: Chỉ sinh viên Khá mới phải viết luận văn tốt nghiệp, còn lại chỉ cần thi 3 môn tốt nghiệp. Đề nghị: mọi sinh viên đại học phải bảo vệ luận văn tốt nghiệp mới được cấp bằng tốt nghiệp./.