- Đặc điểm về địa lý
Với 4 triệu dân và 236.800 km2, Lào là một nước đất rộng người thưa. 4/5 lãnh thổ là núi và cao nguyên. Đồng bằng chỉ chiếm 1/5 lãnh thổ nhưng tập trung tới 3/4 dân số.
Các hướng núi và sông suối đều đổ về phía Tây, gặp sông Mê Công chảy từ Bắc xuống Nam, vì vậy, các đồng bằng lớn đều nằm dọc sông Mê Công, đoạn từ Viêng Chăn trở xuống. Đây là địa bàn tập trung dân cư từ lâu đời, cũng là vùng kinh tế phát triển nhất, chủ yếu là nông nghiệp lúa nước. Các thành phố quan trọng, trừ cố đô Luông phabang, đều hình thành ở vùng này. Đường 13 chạy ven sông Mê Công trở thành con đường huyết mạch về kinh tế. Sông Mê Công cũng là biên giới phía Tây của Lào. Biên giới này không an toàn về nhiều mặt.
Sự phân bố tự nhiên núi non và đồng bằng đưa đến sự hình thành hai vùng kinh tế rõ rệt: vùng kinh tế tương đối phát triển ven sông Mê Công thuộc địa phận Trung và Nam Lào, và vùng kinh tế lạc hậu hơn, với đặc trưng du canh du cư chiếm ưu thế, gồm Bắc Lào và dải đất phía Đông dọc dãy Trường sơn.
Lào là một nước nội lục. Muốn thông thương với thế giới, phải qua cảng của Thái Lan hoặc Việt Nam, cự ly xa, cước phí vận tải cao. Điều đó khiến cho Lào phải mua đắt khi nhập khẩu và bán rẻ khi xuất khẩu. Khi quan hệ chính trị ngoại giao với Thái Lan gặp rắc rối thì việc vận chuyển hàng qua đường Thái Lan cũng bị cản trở.
Lãnh thổ rộng, bị chia cắt bởi núi non và sông suối dày đặc, mưa lũ lớn, dân cư sống phân tán, là những yếu tố gây khó khăn cho giao thông vận tải.
Lào nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa Nam Á. Mùa khô và mùa mưa chiếm khoảng thời gian gần đều nhau trong một năm. Địa hình cũng có vai trò quyết định đến khí hậu. Bắc Lào là vùng núi cao, chịu ảnh hưởng của không khí lạnh phương Bắc tràn về vào mùa khô, có mùa đông lạnh và khô, khí hậu thích hợp với nhiều loại cây ôn đới và á nhiệt đới. Trung và Nam Lào có mùa mưa kéo dài, lượng mưa rất lớn (trung bình 2.500-3.500 mm/năm, cao nguyên Bôlôven tới 4.000 m), nhiệt độ vào mùa đông không dưới 180C (trừ các cao nguyên và núi cao). Khí hậu ở đây thích hợp với các loại cây nhiệt đới. Riêng vùng đồng bằng dọc sông Mê Công có lượng mưa thấp hơn, độ bốc hơi cao hơn, mùa khô kéo dài, có tháng hoàn toàn không mưa, mùa màng thường bị hạn hán uy hiếp.
Trong cả nước, nguồn nước mặt đặc biệt dồi dào trong mùa mưa, nhưng rất khan hiếm trong mùa khô. Nhiều bản thiếu cả nước ăn. Tỉnh Chămpasắc có 363 bản thiếu nước ăn trong tổng số 852 bản.
Khí hậu và địa hình đặt ra nhiều vấn đề lớn: chống xói mòn đất, bảo vệ và phát triển thảm thực vật, trữ nước để dùng vào mùa khô cho người, gia súc và cây trồng.
- Tài nguyên thiên nhiên
Lào có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt là đất, gỗ, thủy năng và khoáng sản.
Đất trồng ở các vùng đồng bằng và cao nguyên có thể đưa lên 2 triệu héc ta và hơn nữa. Hiện mới sử dụng khoảng 60 vạn héc ta. Trong khi đất bằng còn nhiều, dân cư miền núi vẫn đốt rừng làm rẫy, gây nhiều hậu quả tai hại. Do nhiều nguyên nhân (địa hình, khí hậu, phá rừng, quảng canh), đất nông nghiệp nói chung bị bạc màu. Thuộc loại đất tốt chỉ có trên 10 vạn héc ta đất phù sa mới (được bồi đắp hàng năm) và trên 60 vạn héc ta đất đỏ bazan, chủ yếu ở cao nguyên Bôlôven.
Diện tích chăn thả tự nhiên còn lớn. Tuy nhiên, muốn tận dụng được diện tích này, phải giải quyết vấn đề thiếu nước uống và thức ăn cho gia súc trong mùa khô và vấn đề dịch bệnh gia súc.
Rừng chiếm 12 triệu héc ta, bằng 51% diện tích tự nhiên. Ở nhiều tỉnh Trung và Nam Lào, rừng chiếm tỉ lệ cao: 60-70% diện tích. Bắc Lào là vùng đầu nguồn lại có tỉ lệ rừng thấp nhất: 26%. Tỉnh Luôngphabăng chỉ có 10%.
Rừng thường xanh – loại rừng giàu nhất về trữ lượng gỗ – chiếm 3,4 triệu héc ta, bằng 28% diện tích rừng. Rừng nửa rụng lá và rừng khộp – loại rừng đặc trưng của những vùng khô hạn, tầng đất màu tương đối mỏng – chiếm 7,6 triệu héc ta, bằng gần 2/3 diện tích rừng. Ngoài ra, còn có rừng thông 20 vạn ha, rừng tếch một vạn ha, rừng tre nứa 87 vạn héc ta. Nhiều khu rừng phân bố trên những cao nguyên bằng phẳng, rất thuận tiện cho việc khai thác.
Diện tích savan (lau, bụi) chiếm gần 10 triệu héc ta, bằng 41% diện tích tự nhiên, chủ yếu ở Bắc Lào là nơi mà nương rẫy là nguồn sống chủ yếu của dân cư từ lâu đời.
Lào có trữ lượng gỗ lớn: gần 1 tỉ m3. Rừng đến tuổi khai thác có 4,3 triệu ha với gần 400 triệu m3 gỗ, trong đó có 134 triệu m3 gỗ lớn, đường kính từ 60 cm trở lên. Gỗ tốt chiếm tỉ lệ cao (theo tài liệu điều tra ở Mường Phìn thì tỉ lệ ấy là 55%). Gỗ là nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế lớn của Lào. Tuy nhiên, nếu tiếp tục chặt hạ mà không có biện pháp khôi phục rừng thì diện tích savan sẽ tăng lên.
Lào có nguồn thủy năng lớn, công suất các nhà máy thủy điện có thể đạt 18 triệu KW. Việc khai thác tùy thuộc ở thị trường tiêu thụ (hiện Thái Lan là khách hàng duy nhất).
Khoáng sản có nhiều loại (20 loại, với 150 điểm quặng) nhưng việc thăm dò tìm kiếm còn sơ sài. Hiện mới biết: muối, kali, thạch cao và thiếc có trữ lượng lớn hoặc khá lớn. Trừ thiếc, các thứ kia có giá trị xuất khẩu không cao, cước phí vận chuyển đến cảng lại quá lớn.
- Nông nghiệp
Từ sau ngày cách mạng thành công, nhân dân Lào đã đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt. Năm 1989 so với 1976, giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 3,2 lần, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 4,4 lần, thu nhập quốc dân tăng 3,7 lần. Nhịp độ tăng bình quân hàng năm của nông nghiệp là 9%, của công nghiệp là 12%, của tổng sản phẩm xã hội là 11%, của thu nhập quốc dân là 10,5%. Với dân số tăng 1,4 lần, thu nhập quốc dân bình quân đầu người từ 46 đô la đã lên 120 đô la, sản lượng lúa bình quân đầu người từ 230 kg đã lên 350 kg. Năng suất lúa bình quân từ 1,2 tấn/ha đã lên 2,2 tấn/ ha, năng suất ngô bình quân từ 1 tấn/ha đã lên 1,4 tấn/ha.
Tuy nhiên, do điểm xuất phát quá thấp, cho đến nay Lào vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu.
Nông dân chiếm trên 80% dân số, trong đó 1,5 triệu người sống bằng nương rẫy. Nông nghiệp đóng góp trên 70% thu nhập quốc dân. Diện tích canh tác trên 80 vạn héc ta, trong đó ruộng trên 50 vạn ha, rẫy 25-30 vạn héc ta, vườn cà phê gần 2 vạn héc ta.
Ruộng và rẫy chỉ trồng một vụ – vào mùa mưa. Canh tác chủ yếu dựa vào nước trời và độ phì tự nhiên của đất, không bón phân, kể cả phân chuồng. Một số công trình thủy lợi đã được xây dựng với công suất tưới 6 vạn ha, nhưng mới bảo đảm tưới cho hơn một vạn ha trong mùa khô và tưới bổ sung cho hai vạn ha trong mùa mưa. Các công trình thủy lợi nhỏ mang tính chất dân gian chưa thành tập quán. Năng suất lúa ruộng trên dưới 2,5T/ha, lúa rẫy 1,2T/ha, cà phê nhân 0,4T/ha. Ở nhiều địa phương, có những thửa ruộng đã đạt 3T/ha và hơn nữa, nhờ tưới nước và bón phân vừa phải, cả phân chuồng và phân hóa học. Tuy nhiên, điều này chưa trở thành phương thức canh tác phổ biến.
Nhìn chung, sản xuất lương thực chưa bảo đảm được nhu cầu một cách vững chắc, chủng loại và số lượng thực phẩm đều còn hạn hẹp. Hạn hán vẫn là mối đe dọa lớn nhất. Một số cánh đồng thường bị úng vào mùa mưa lũ.
Đàn trâu bò gần 2 triệu con, bình quân mỗi nông hộ 4 con. Đàn lợn 1,4 triệu con. Phương thức chăn nuôi phổ biến là chăn thả tự nhiên. Có năm, gia súc chết về dịch bệnh tới 30%, gia cầm tới 40%.
Nghề đánh cá chỉ tiến hành ở các vùng ven sông và hồ Nậm Ngừm.
Nông nghiệp mới đóng vai trò rất hạn hẹp trong xuất khẩu: mỗi năm 4-5 ngàn tấn cà phê, mấy vạn con trâu, bò, mấy ngàn tấn đậu, lạc, vừng. Sản xuất nông nghiệp mang tính chất tự cấp tự túc trong từng nông hộ là chủ yếu. Sản xuất chuyên môn hóa để bán ra thị trường chỉ xuất hiện ở một số vùng gần thành thị và trên một số rất ít sản phẩm. Chưa hình thành một nền nông nghiệp sinh thái có cơ cấu hợp lý trên từng vùng.
Thực ra, nông dân một số vùng có nguyện vọng và khả năng mở rộng sản xuất một số sản phẩm hàng hóa, nhưng tổ chức thu mua và xuất khẩu chưa đóng được vai trò hỗ trợ sản xuất. Cước phí vận tải đến cảng quá cao cũng là yếu tố hạn chế sản xuất để xuất khẩu. Chỉ một số ít nông sản có giá trị cao như cà phê mới chịu đựng được cước phí đó. Xuất khẩu sang Thái Lan thì vấp phải hàng rào bảo vệ, trừ mấy mặt hàng mà nước đó có nhu cầu (như trâu bò tơ để cày kéo).
Vì lưu thông hàng hóa kém phát triển cho nên giá nông sản thấp, không kích thích sản xuất. Thị trường nông thôn nhìn chung rất hạn hẹp.
- Lâm nghiệp
Lào có trữ lượng gỗ lớn, bình quân đầu người vào loại cao trên thế giới, nhưng nghề rừng cho tới nay vẫn chỉ là khai thác gỗ và lâm sản; việc bảo vệ, hồi phục và trồng mới tuy có đặt ra nhưng chưa có ý nghĩa gì đáng kể. Các đặc sản rừng (nhựa thông, cánh kiến trắng, cánh kiến đỏ, song mây, sa nhân, dược liệu) mới được khai thác ở mức thấp, càng chưa được quan tâm phát triển.
Những năm gần đây, gỗ được khai thác ở mức mỗi năm 30 vạn m3, chưa kể số gỗ do nhân dân chặt để làm nhà, làm củi, lấy đất làm rẫy và số rừng bị cháy. Ước tính mỗi năm có tới 15-20 vạn ha rừng bị phá. Con số 10 triệu ha savan là hậu quả của tệ phá rừng. Rừng bị phá đã gây tác hại rõ rệt đến nguồn nước, lũ lụt, hạn hán, khí hậu, tầng đất màu, môi trường sống, nguồn gien thực vật và động vật.
- Công nghiệp
Công nghiệp rất nhỏ bé, chỉ chiếm 2% tổng số lao động và 7% thu nhập quốc dân (nếu sản lượng điện và gỗ được tính theo mặt bằng giá quốc tế thì tỉ trọng này là 15%). Tuyệt đại bộ phận giá trị sản lượng công nghiệp thuộc về 3 ngành: thủy điện, khai thác chế biến gỗ và khai khoáng. Cơ cấu này nói lên việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu cho đến nay vẫn là phương hướng chủ yếu của công nghiệp. Việc đáp ứng các nhu cầu trong nước về hàng công nghiệp gần như hoàn toàn dựa vào nhập khẩu.
Những xí nghiệp ít nhiều quan trọng đều thuộc khu vực quốc doanh (257 xí nghiệp). Khu vực tư nhân và thủ công cá thể chưa có vai trò gì đáng kể.
Trừ một số ít xí nghiệp được trang bị hiện đại, như thủy điện, chế biến gỗ, còn nhìn chung thiết bị cũ kỹ, thiếu phụ tùng và vật tư kỹ thuật, lại thêm công tác quản lý yếu kém, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp. Chính trong bối cảnh đó, đã nảy sinh khuynh hướng tư nhân hóa các xí nghiệp quốc doanh. Hiện đã cho tư nhân Thái Lan thuê 2 xí nghiệp (thuốc lá và tôn tráng kẽm).
- Giao thông vận tải và thông tin liên lạc
Đường bộ đảm nhiệm trên 90% khối lượng vận tải hàng hóa. Mạng đường dài 13.000 km, phần lớn là đường đất hoặc đá, chỉ 1/5 rải nhựa. Chưa bảo đảm thông suốt trong toàn hệ thống. Nhiều tuyến không sử dụng được trong mùa mưa. Cả nước còn 20 huyện lỵ chưa có đường ô tô tới. Cự ly vận tải dài: bình quân 150 km. Đây là yếu tố hạn chế lớn đối với lưu thông hàng hóa, cước vận tải hiện chưa bù đắp đủ chi phí.
Trong mạng đường bộ thì đường 13 là đường trục chính và là con đường huyết mạch về kinh tế. Tuy vậy, đường này vẫn còn nhiều đoạn là đường đất, nhiều đoạn bị hỏng, nhiều đoạn bị ngập trong mùa mưa, nhiều cầu chưa đạt tiêu chuẩn. Phần lớn đường này chạy sát biên giới với Thái Lan, dễ bị uy hiếp khi quan hệ Lào – Thái gặp rắc rối. Tình hình này đặt ra sự cần thiết phải hoàn chỉnh con đường trục thứ hai nằm sâu trong nội địa, chẳng những vì ý nghĩa an ninh quốc phòng, mà còn vì ý nghĩa lâu dài về kinh tế: nó tạo điều kiện mở ra những vùng kinh tế mới, những điểm tập trung dân cư ở những thung lũng và cao nguyên hầu như chưa được khai thác. Con đường ruột này đã hình thành nhiều đoạn, chỉ cần mở thông một số đoạn và nâng cấp cầu, đường.
Muốn thông thương với thế giới, Lào phải sử dụng cảng Băng Cốc của Thái Lan hoặc một số cảng của Việt Nam. Một số tuyến đường bộ nối với các cảng của Việt Nam đã được xây dựng, quan trọng nhất là đường 9 và đường 8. Tuy nhiên, các con đường dẫn đến cảng của Thái Lan hoặc Việt Nam đều có cự ly dài, vận chuyển toàn bằng ô tô, cước phí lên đến 50-60 đô la cho mỗi tấn hàng. Nếu không tạo được đường ra biển gần hơn, cước phí rẻ hơn, thì rất khó phát triển ngoại thương, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước.
Sông Mê Công trên đất Lào và các sông nhánh có chiều dài gần 5.000 km, nhưng mới được khai thác từng đoạn, dựa vào các luồng lạch tự nhiên, chưa có đầu tư để nạo vét, phá ghềnh. Vận tải đường sông mới đảm nhiệm được 5% khối lượng vận tải hàng hóa. Đường sông ít được sử dụng còn do tổ chức phối hợp giữa vận tải đường sông và vận tải đường bộ chưa tốt. Điển hình là đoạn sông Mê Công từ Viêng Chăn đến Kengkebao dài 460 km. Đoạn này rất thuận tiện cho vận tải thủy (tàu 100 tấn có thể đi lại trong mùa khô và 200 tấn có thể đi lại trong mùa mưa), lại được nối với đường 9 bằng cảng Kengkabao, nhưng hàng hóa vẫn chạy suốt bằng ô tô từ Đà Nẵng về Viêng Chăn và ngược lại, trong khi cảng Kengkabao mới được sử dụng chưa đầy 10% công suất.
Trong tình hình đường bộ có nhiều trở ngại, vận tải hàng không trở thành phương tiện quan trọng nhất bảo đảm đi lại giữa các thành phố và các vùng trong nước. Do chi phí cao, đường hàng không mới chỉ được thiết lập giữa thủ đô với mấy thành phố và tỉnh lỵ lớn.
Nhu cầu xăng dầu của Lào được đáp ứng bằng nhập khẩu một phần quá cảnh Thái Lan, một phần quá cảnh Việt Nam. Từ Nghệ Tĩnh có đường ống (dài 300 km) theo đường 8 về hướng Viêng Chăn. Đường ống nhỏ, đã sử dụng lâu ngày, cần được thay thế bằng đường ống mới, có công suất lớn hơn.
Về thông tin liên lạc; đã xây dựng trạm thông tin vệ tinh nối Viêng Chăn với Hà Nội và Mat-xcơ-va. Liên lạc giữa các thành phố và tỉnh lỵ chỉ thực hiện được bằng điện tín. Riêng mấy thành phố lớn có điện thoại nội hạt.
- Nguồn vốn bên ngoài
Lào nhận được một nguồn vốn bên ngoài tương đối lớn: khoảng 2 tỉ đô la trong 15 năm 1976-1990, phần lớn từ các nước xã hội chủ nghĩa (Liên Xô trên 1.000 triệu, Việt Nam trên 400 triệu). Trong số vốn nói trên, gần 1/2 là viện trợ không hoàn lại, còn lại là cho vay lãi nhẹ hoặc không lãi.
Tính riêng trong 5 năm 1986-1990, đã nhận được 323 triệu đô la viện trợ và vay nợ dành cho các dự án đầu tư, trong đó 70% đầu tư vào kết cấu hạ tầng (giao thông vận tải – bưu điện 145 triệu, điện 60 triệu, thủy lợi 22 triệu), 10% vào giáo dục, y tế, văn hóa. Ngoài ra, mỗi năm còn nhận được viện trợ và vay nợ để nhập siêu hàng hóa và viện trợ dành cho các dự án trợ giúp kỹ thuật. Tổng số viện trợ và vay nợ lên đến 200 triệu đô la mỗi năm.
Trong những năm gần đây, viện trợ và vay nợ bằng 30% thu nhập quốc dân sử dụng (tỉ lệ này lên đến 40% nếu tính bằng đồng kíp). Toàn bộ quỹ tích lũy và 10% quỹ tiêu dùng dựa vào nguồn ngoài nước. Điều đó nói lên sự phụ thuộc nặng nề vào bên ngoài về kinh tế và tài chính.
Nhờ có nguồn vốn ngoài nước nên đã bảo đảm được quỹ tích lũy ở mức 20% thu nhập quốc dân sử dụng, và do đó duy trì nhịp độ tăng trưởng của tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân ở mức khá cao: bình quân hàng năm hơn 10% trong thời gian 1976-1989. Nhịp độ này còn có thể cao hơn nếu một bộ phận quan trọng nguồn vốn ngoài nước không bị sử dụng để bổ sung quỹ tiêu dùng.
Nợ nước ngoài hiện đã đến trên 1 tỉ đô la, bằng hơn 20 lần kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Số tiền phải trả hàng năm đã bằng 15-20% kim ngạch xuất khẩu. Tỉ lệ này những năm tới có thể còn cao hơn.
Trong 5 năm tới, Lào có thể còn nhận được một số vốn tương đối lớn từ bên ngoài, trong đó, phần từ Liên Xô có thể không còn như trước. Cần tính đến một tương lai xa hơn, khi nguồn tài trợ từ bên ngoài không còn hoặc không còn như hiện nay, mà nợ thì đến hạn phải thanh toán. Tính đến tình hình đó để có giải pháp thích hợp, trong đó có những giải pháp cần bắt tay thực hiện ngay từ bây giờ.
- Ngoại thương
Dựa vào nguồn viện trợ và vay nợ, ngoại thương của Lào luôn luôn nhập siêu. Trong 10 năm qua (1981-1990), bình quân mỗi năm nhập siêu 130 triệu đô la.
Trong thời gian này, xuất khẩu đạt bình quân mỗi năm 50 triệu đô la, trong đó, xuất sang khu vực đồng rúp chiếm 40%. Trên dưới 95% tổng kim ngạch dựa vào 5 mặt hàng: điện, gỗ, cà phê, thiếc và thạch cao. Riêng cà phê chiếm 15-20% kim ngạch. Đây là sản phẩm xuất khẩu đáng kể nhất của nông nghiệp. 4 mặt hàng kia thực chất là xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này biến động lớn qua từng năm, do yếu tố giá cả, yếu tố thời tiết (đối với thủy điện) hoặc do chính sách bảo vệ rừng (đối với gỗ). Nhịp độ tăng chậm và không ổn định của kim ngạch xuất khẩu cũng như tính đơn điệu của cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu nói lên trình độ phát triển thấp của sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực sản xuất khác.
Trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm Lào nhập khẩu 180 triệu đô la, trong đó, nhập từ khu vực đồng rúp chiếm 60%. Toàn bộ nhu cầu về xăng dầu, máy móc thiết bị, vật tư kỹ thuật, và phần lớn nhu cầu về hàng công nghiệp tiêu dùng được đáp ứng bằng nhập khẩu. Trong một số năm, nhập khẩu lương thực thực phẩm chiếm tỉ lệ đáng kể.
Trong quan hệ ngoại thương của Lào, Thái Lan giữ vị trí nổi bật. 60% khối lượng hàng nhập khẩu của Lào phải quá cảnh cảng Băng Cốc. Hầu hết nhu cầu của Lào về hàng công nghiệp tiêu dùng được đáp ứng từ thị trường Thái Lan. Từ khi Thái Lan bãi bỏ phong tỏa biên giới thì trao đổi biên giới giữa hai nước tăng nhanh. Năm 1988 đạt 104 triệu đô la, năm 1989 lên 145 triệu. Phần xuất khẩu của Lào từ 48 triệu lên 57 triệu, phần nhập khẩu từ 45 triệu lên 88 triệu. Đó là chưa kể số hàng mà Nhà nước không kiểm soát được trên một chiều dài biên giới hơn 1.700 km chỉ ngăn cách bằng một con sông hoặc một cánh đồng.
- Nội thương
Từ năm 1987 chuyển sang cơ chế mua bán theo giá thị trường, lưu thông hàng hóa có bước phát triển. Phong phú hơn cả là thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng nhập khẩu. Đối với vùng nông thôn rộng lớn, nhất là nông thôn miền núi, thị trường vẫn rất nghèo nàn, kinh tế tự nhiên vẫn chiếm ưu thế. Nhiều vùng không có cả chợ. Sản phẩm dư của nông dân (không nhiều) bán ra với giá rẻ mạt, không kích thích sản xuất, trong khi những nhu yếu phẩm hàng đầu của nông dân như muối, dầu hỏa, không được cung ứng đủ. Thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán từ khi chuyển sang cơ chế kinh doanh, đã buộc phải thu hẹp mạng lưới kinh doanh, do không bù đắp đủ chi phí. Thương nghiệp bán buôn gần như tê liệt. Trong khi đó thì thương nghiệp tư nhân cũng không phát triển, trừ ở các thành phố và các cửa khẩu biên giới. Trong lĩnh vực lưu thông, nổi lên một mâu thuẫn lớn: nông sản thặng dư quá ít ỏi không tạo địa bàn cho thương nghiệp phát triển, nhưng nếu thương nghiệp không phát triển thì lại không hỗ trợ và kích thích nông dân tạo ra nhiều nông sản hàng hóa.
Cánh kéo giá cả giữa công nghệ phẩm và nông phẩm cũng là một yếu tố hạn chế sản xuất hàng hóa. Hầu hết công nghệ phẩm phải nhập khẩu từ Thái Lan và bán ra theo tỉ giá đồng kíp thả nổi. Trong khi đó thì nông phẩm vấp phải hàng rào thuế quan của Thái Lan, buộc phải tiêu thụ ở trong nước với giá rẻ mạt. Điều này cũng giải thích vì sao thị trường nông thôn rất hạn hẹp.
- Tài chính
Nền tài chính của Lào phản ánh sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn tài trợ bên ngoài và sự yếu kém của nền sản xuất trong nước.
Năm 1989, trong tổng thu của ngân sách Nhà nước là 128 tỉ kíp thì thu ngoài nước là 94 tỉ, tức 73%. Trong 94 tỉ thu ngoài nước thì 68 tỉ, tức 72%, là thiết bị máy móc theo công trình, số còn lại là hàng hóa và tiền mặt ngoại tệ.
Trong 34 tỉ kíp thu trong nước thì thu từ kinh tế quốc doanh chiếm 24 tỉ (chủ yếu là thu từ điện và gỗ); thu từ kinh tế tập thể, cá thể, tư nhân và các đóng góp khác của nhân dân chỉ được 10 tỉ. Điều này phản ánh một nhược điểm cơ bản của nền kinh tế: thu nhập và mức sống của đông đảo nhân dân quá thấp. Chỉ khi thu nhập và mức sống của nhân dân vượt quá một giới hạn nhất định, lúc ấy mới xuất hiện khả năng đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Tỉ lệ huy động vào ngân sách tùy thuộc ở quy mô và nhịp độ tăng của thu nhập quốc dân bình quân đầu người. Để tạo nguồn thu cho ngân sách, không có con đường nào khác là không ngừng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và mức sống của nhân dân.
Tổng chi năm 1989 là 123 tỉ kíp, trong đó chi cho bộ máy Nhà nước 51 tỉ, trả nợ nước ngoài 8 tỉ, chi xây dựng cơ bản 60 tỉ. Như vậy, toàn bộ nguồn thu trong nước chỉ bảo đảm được 2/3 nhu cầu chi cho bộ máy Nhà nước. Phần còn thiếu cũng như toàn bộ số tiền trả nợ nước ngoài và toàn bộ số vốn xây dựng cơ bản phải dựa vào viện trợ và vay nợ. Sự mất cân đối quá lớn giữa nguồn thu trong nước và nhu cầu chi cho bộ máy Nhà nước cần được xử lý từ hai mặt: một mặt tìm cách tăng thu, mặt khác phải kiên quyết giảm chi, kể cả bằng cách tinh giản bộ máy Nhà nước.
Về vốn xây dựng cơ bản, điều đáng lưu ý là sự không ăn khớp giữa số máy móc thiết bị nhập khẩu theo công trình (trị giá 68 tỉ kíp) và khả năng cấp phát vốn của ngân sách (60 tỉ kíp). Số vốn cấp phát rõ ràng không đủ để đưa số máy móc thiết bị vào hoạt động.
- Cơ chế kinh tế
Từ giữa những năm 80, đặc biệt từ sau Đại hội lần thứ 4 của Đảng, cơ chế kinh tế đã có những thay đổi sâu sắc theo hướng xóa bỏ cơ chế hành chính, tập trung quan liêu, bao cấp, giao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho các xí nghiệp quốc doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích lưu thông hàng hóa, áp dụng phổ biến cơ chế thị trường trên lĩnh vực giá cả và tỉ giá hối đoái của đồng kíp.
Với những thay đổi này, hoạt động kinh tế đã có một số chuyển biến tích cực. Nhờ tổ chức hợp lý các hoạt động sản xuất kinh doanh, một số xí nghiệp quốc doanh đã làm ăn có lãi. Kinh tế tư nhân bung ra hoạt động, nhất là trong lĩnh vực thương nghiệp, dịch vụ ở đô thị. Việc khuyến khích lưu thông hàng hóa và áp dụng giá thị trường trong quan hệ với nông dân đã có tác dụng kích thích nông dân sản xuất. Trao đổi biên giới phát triển đã có tác dụng bổ sung hàng tiêu dùng cho thị trường nội địa, làm cho cung cầu bớt căng thẳng.
Tuy nhiên, cơ chế kinh tế mới hình thành chưa đồng bộ, nhiều vấn đề cụ thể còn cần được tiếp tục nghiên cứu giải quyết, nhiều vướng mắc mới phát sinh cần được tiếp tục xử lý. Có cả một số vấn đề về quan điểm cần được xem xét, xác định cho đúng.
Khi áp dụng cơ chế thị trường thì cơ chế kế hoạch hóa còn vai trò gì trong nền kinh tế của Lào, Nhà nước dân chủ nhân dân còn những chức năng gì ngoài việc quản lý hành chính và điều tiết vĩ mô thông qua các chính sách đòn bẩy, điều này chưa được làm rõ. Đã xuất hiện quan điểm cho rằng từ nay Nhà nước sẽ không làm kinh tế, do đó, khu vực quốc doanh sẽ thu hẹp lại. Cũng đã xuất hiện khuynh hướng thả nổi tất cả cho thị trường điều tiết, từ số phận của các xí nghiệp quốc doanh đến sản xuất và đời sống của nông dân: mạng lưới bán lẻ ở nông thôn của thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã teo lại, thương nghiệp bán buôn tê liệt, nhiều mặt hàng thiết yếu không ai lo cung ứng cho nông dân, một số sản phẩm dư của nông dân không ai lo thu gom, tìm nơi tiêu thụ. Ngay nhà máy gỗ đầu đàn của công nghiệp quốc doanh cũng trong dự kiến đấu thầu cho tư nhân.
Chủ trương xóa bao cấp nhằm cả vào đối tượng giáo dục, y tế, văn hóa, làm cho hoạt động của các ngành này khó khăn, sa sút.
Chủ trương phân cấp tài chính cho địa phương có nhiều sai sót: một số tỉnh không có tiền trả lương cho giáo viên trong nhiều tháng, một số tỉnh tìm nguồn thu cho ngân sách địa phương bằng cách phá rừng lấy gỗ xuất khẩu.
Việc kiểm soát biên giới với Thái Lan còn rất lỏng lẻo: hàng xa xỉ tràn ngập thị trường nội địa.
- Giáo dục, y tế, văn hóa
Từ sau ngày cách mạng thành công, được Đảng và chính quyền nhân dân quan tâm, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa phát triển mạnh.
Số trường phổ thông cơ sở và số giáo viên tăng gần gấp đôi. Đã thành lập 25 trường dạy nghề, 28 trường trung cấp, 10 trường cao đẳng và đại học. Kể cả số gửi đi học ở nước ngoài, đã đào tạo được 1 vạn người có trình độ đại học và trên đại học, gần 3 vạn có trình độ trung cấp và trên 3 vạn có trình độ sơ cấp.
Số giường bệnh đã tăng gấp rưỡi, số bác sĩ tăng 12 lần, số y sĩ tăng 3 lần, số y tá tăng 2 lần.
Đã xây dựng được 9 đài phát thanh, 2 đài tuyền hình, gần 200 đội chiếu bóng lưu động, nhiều đoàn văn công chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Đó là những cố gắng rất lớn của chế độ mới. Tuy nhiên, tình hình văn hóa xã hội còn nhiều khó khăn, lạc hậu cần khắc phục.
Trên 40% số dân trên 5 tuổi còn mù chữ. Chỉ có 33% số dân có trình độ phổ thông cơ sở, 2% có trình độ phổ thông trung học và cao hơn.
Mạng lưới y tế còn rất hẹp. Nhiều huyện lỵ và tỉnh lỵ chưa có bệnh viện, nhiều bản chưa có trạm xá và nhà hộ sinh. Thuốc men thiếu nghiêm trọng. Tỉ lệ tử vong còn rất cao: 1,7-1,8%, riêng trong trẻ sơ sinh là 15%. Nhiều dịch bệnh, đặc biệt sốt rét, là căn nguyên gây tử vong. Thiếu nguồn nước sạch cũng là một nguồn gốc gây bệnh. Số người được dùng nguồn nước sạch mới chiếm 1/5 dân số.
Chất lượng giáo dục, đào tạo và dịch vụ y tế còn thấp. Nội dung phát thanh và truyền hình nghèo nàn, trong khi các chương trình truyền hình của Thái Lan chiếm lĩnh gần như toàn bộ trận địa. Mức hưởng thụ văn hóa, giáo dục, y tế ở các vùng nông thôn miền núi đặc biệt thấp.
- Xã hội, đời sống
Nhân dân Lào gồm nhiều sắc tộc, bộ tộc, trong đó, nhóm ngôn ngữ Lào – Thái chiếm 2/3. Phật giáo từng giữ địa vị quốc giáo trong nhiều thế kỷ, là tôn giáo phổ biến và có ảnh hưởng rõ nét trong việc hình thành tính cách của người Lào.
Thiên nhiên hào phóng là điều kiện hình thành và duy trì cho đến ngày nay một phương thức sản xuất nặng về tận thu những tặng vật của thiên nhiên: quảng canh, đốt rừng làm rẫy, chăn thả tự nhiên, thu lượm lâm sản. Phương thức sản xuất này cho phép con người duy trì cuộc sống một cách không khó khăn lắm, nhưng không cho phép tạo lập một cuộc sống phong phú, đáp ứng những nhu cầu đa dạng của con người trong thời đại ngày nay. Kéo dài phương thức sản xuất này còn làm cho môi trường sinh thái bị hủy hoại ngày càng nghiêm trọng mà hậu quả thì không lường hết được.
Một phương thức sản xuất ỷ lại vào thiên nhiên không có khả năng tạo ra một năng suất lao động cao cho phép có nhiều sản phẩm hàng hóa, cũng không thúc đẩy phân công lao động xã hội phát triển. Nội dung của nền kinh tế tự nhiên này chỉ bó hẹp trong phạm vi tự cấp tự túc về lương thực là chủ yếu. Với kỹ thuật thô sơ, mỗi lao động nông nghiệp chỉ có khả năng khai thác một diện tích nhất định (khoảng 1/2 ha), với năng suất nhất định, mặc dù quỹ đất còn lớn. Lao động nông nghiệp chỉ làm một vụ vào mùa mưa, vì vậy mỗi năm không làm quá 100 ngày công. Đây lại là một nguyên nhân nữa khiến cho thu nhập của nông dân hết sức hạn hẹp.
Trong điều kiện đất rộng người thưa, quỹ đất nông nghiệp dồi dào, nguồn lâm sản phong phú, người Lào trong quá trình phát triển lịch sử của mình chưa từng phải chen cạnh nhau trong việc mưu tìm cuộc sống hàng ngày. Hoàn cảnh ấy đã đóng một vai trò quyết định trong việc hình thành tính hiền hòa được xem như bản sắc của người Lào. Nhưng, cũng chính hoàn cảnh ấy đã có ảnh hưởng đến tính tháo vát, năng động trong sản xuất kinh doanh, khả năng tổ chức và tính kỷ luật trong công việc.
Khi quỹ đất nông nghiệp luôn luôn có đủ cho mọi người thì đất không thể trở thành phương tiện bóc lột. Vì vậy, nông thôn Lào không có địa chủ, phú nông, chỉ có những hộ tiểu nông, tuy trình độ phát triển rất chênh lệch nhau: trong khi các vùng đồng bằng ít nhiều đã đạt đến trình độ tiểu sản xuất hàng hóa thì các vùng miền núi vẫn đang còn ở trạng thái du canh dư cư. Mặc dù vẫn có sự chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các hộ tiểu nông và giữa các vùng, song, sự phân hóa giai cấp trong nông thôn thì chưa xuất hiện hoặc chưa rõ nét. Các quan hệ bộ tộc, huyết thống, vẫn có cơ sở vững chắc trong nền kinh tế tự nhiên, đặc biệt ở nông thôn miền núi.
Gần một thể kỷ thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mĩ có đưa đến một số biến đổi trong xã hội Lào, nhưng những biến đổi ấy diễn ra rất chậm chạp và với phạm vi hẹp, chủ yếu ở thành thị. Đi đôi với việc mở mang giao thông vận tải, xây dựng, và một số nhà máy, hầm mỏ, giai cấp công nhân Lào dần dần hình thành với đội ngũ vài vạn người, chủ yếu là lao động không chuyên nghiệp. Một đội ngũ trí thức cũng dần dần hình thành với số lượng ít ỏi. Ở thành thị, hình thành một tầng lớp tiểu chủ và tư sản kinh doanh công thương nghiệp, trong đó, kinh doanh thương nghiệp là chủ yếu, tiểu chủ và tư sản nhỏ là chủ yếu, phần lớn lại là người ngoại kiều (Hoa và Việt) sinh sống ở Lào.
Từ sau ngày cách mạng thành công, đi đôi với việc phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế văn hóa, đội ngũ giai cấp công nhân và tầng lớp trí thức tăng nhanh. Tuy nhiên, những thành tựu ấy chưa đủ để đem lại những biến đổi căn bản đối với xã hội, trong đó nông dân vẫn chiếm tuyệt đại đa số, nền kinh tế tự nhiên của nông dân vẫn giữ vai trò quyết định đối với toàn bộ đời sống của đất nước.
Về mức sống cũng như về trình độ phát triển kinh tế xã hội, Lào thuộc loại nước ở trình độ thấp nhất trong số các nước chậm phát triển.
Tính theo giá quốc tế, thu nhập quốc dân bình quân đầu người hiện nay khoảng 120 đô la (nếu tính bằng đồng kíp rồi quy đổi ra đô la theo tỉ giá hiện hành thì chỉ tiêu ấy là 75 đô la), GDP bình quân đầu người khoảng 150 đô la.
Chỉ tiêu bình quân đầu người ẩn giấu trong nó những chênh lệch rất lớn về thu nhập và mức sống giữa các vùng và giữa các tầng lớp xã hội. Mức sống ở nông thôn thấp nhiều so với thành thị, ở nông thôn miền núi thấp nhiều so với nông thôn đồng bằng. Trong các tầng lớp dân cư thì số người kinh doanh thương nghiệp và dịch vụ ở thành thị có thu nhập và mức sống cao hơn cả. Công nhân viên chức Nhà nước thì mức lương thấp do biên chế đông, nguồn thu của ngân sách Nhà nước hạn hẹp. Nông dân, với phương thức sản xuất cổ sơ, chỉ có khả năng bảo đảm nhu cầu về lương thực là chủ yếu, các nhu cầu khác đều phải giới hạn ở mức rất thấp. Nhịp độ tăng dân số cao – gần 3% hàng năm – làm cho mức sống của nhân dân nói chung chậm được cải thiện.
Tình hình kinh tế xã hội nêu trên cho thấy cả những thuận lợi và những khó khăn, cả những thế mạnh và những chỗ yếu, cả những thành tựu đã đạt được và những tồn tại cần tiếp tục giải quyết. Khi xác định mục tiêu, phương hướng và các giải pháp của chiến lược phát triển, cần cân nhắc toàn diện tất cả các mặt.