Trên cơ sở những phương hướng chiến lược vừa trình bày, chúng tôi nêu lên những phương hướng, mục tiêu của kế hoạch dài hạn trên từng lĩnh vực. Vì chưa có đủ số liệu và những căn cứ cân đối cần thiết, những điều nêu ra dưới đây chưa vượt qua ý nghĩa những chủ trương, những mục tiêu phấn đấu mà về mặt định lượng còn cần phải xác định tiếp.
I. Nông nghiệp
Tình hình nông nghiệp Căm-pu-chia có những nét đáng chú ý như sau:
a. Là một nước nhiệt đới gió mùa, Căm-pu-chia có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô; lượng mưa phân phối không đều giữa các tháng trong năm và giữa các vùng. Chế độ khí hậu – thủy văn đó ảnh hưởng không thuận lợi đến đất canh tác, khi chưa chủ động điều tiết được nước. Ngay trong mùa mưa, vẫn có những vùng bị hạn. Tuy có ngập lụt, song rất ít nơi giữ lại được nước để canh tác, vì không có đủ công trình thủy lợi.
Hàng năm, ước tính mất gần 100.000 héc ta rừng do nạn cháy rừng và phá rừng làm rẫy.
Căm-pu-chia có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên: Trên hai phần ba diện tích đất đai có tán rừng che phủ; bình quân đất canh tác 0,3 ha/đầu người (thuộc loại khá cao ở Đông Nam Á); dự trữ quỹ đất nông nghiệp còn dồi dào; khoảng một phần ba đất canh tác thuộc loại khá tốt; khả năng thâm canh, tăng vụ còn lớn nhất là ở các tỉnh Kandal, Battamboong, Svayriêng, Takeo, vùng phụ cận Phnôm Pênh. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn lo ngại đến tương lai của hợp thể tự nhiên, “khí hậu – đất – nước – rừng” của Căm-pu-chia, bởi lẽ: một là, trong mùa khô hanh, độ bốc hơi cao làm cho đất đai bị ngập nước, rửa trôi, dễ bị nứt nẻ, la-tê-rít hóa; hai là, do rừng bị giảm diện tích nhanh, lòng sông, lòng hồ bị bồi lắng nhanh, không giữ được vai trò điều tiết nước tự nhiên cần thiết. Khoảng 70-80% lượng dòng chảy tập trung vào mùa lũ, còn trong mùa khô, lượng dòng chảy giảm hẳn, điều đó gây nên các hiện tượng hạn, úng, lũ lụt, nhiễm mặn, nhiễm phèn cho nhiều vùng thuộc hạ lưu sông Mê Công.
Vì vậy, cần đặc biệt chú ý chăm lo tới việc bảo vệ môi trường sinh thái trong khi khai thác tiềm năng nông nghiệp.
b. Nông nghiệp Căm-pu-chia đã có một thời kỳ “hưng thịnh” vào cuối những năm 60, mặc dù lối canh tác vẫn nặng về khai thác và bóc lột tự nhiên. Tuy mức sống của nhân dân chưa thật no đủ, sung túc, song đã cố gắng giành ra được một số lượng đáng kể sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu: khoảng 200.000 tấn gạo (có năm đã xuất tới 400.000 tấn), 40.000 tấn mủ cao su, 100.000 tấn ngô, mấy chục nghìn tấn đậu, lạc, vừng, v.v….
Chế độ diệt chủng Pôn-pốt đã đẩy lùi nền nông nghiệp Căm-pu-chia xuống một cách thảm hại. Diện tích gieo trồng lúa năm 1978 chỉ còn bằng 1/3 so với năm 1967. Hệ thống thủy lợi vốn đã yếu kém thì nay gần như bị phá hủy hoàn toàn. Nhiều cán bộ quản lý và cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp bị giết hại. Phân bố dân cư và lao động ở nông thôn bị đảo lộn.
Từ năm 1979 trở lại đây, nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc làm cho đất nước hồi sinh. Diện tích trồng lúa đạt gần 2 triệu héc ta, sản lượng đạt 2 triệu tấn, bằng 70% mức trước chiến tranh. Các loại cây lương thực, thực phẩm khác như ngô, đỗ, lạc, vừng… đạt mức 30% trước chiến tranh. Đã phục hồi được trên 4 vạn ha cao su và đến năm 1987, đã khai thác được 25.000 tấn mủ; như vậy về mặt diện tích bằng 60%, về mặt sản lượng bằng 47% của năm 1967. Đay, mía, thuốc lá được phục hồi bằng từ 40% đến 70% mức trước chiến tranh. Các loại cây phục hồi chậm là: bông mới đạt 1.763 héc ta, bằng 40% mức của năm 1967 (diện tích trồng bông của Căm-pu-chia có năm đã lên tới 20.000 héc ta); mía bằng 40%, hồ tiêu bằng 13%. Đến nay, nông nghiệp đã cung cấp tạm đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, song chưa có hàng hóa xuất khẩu, chưa có dự trữ tới mức cần thiết.
Cơ sở vật chất – kỹ thuật trong nông nghiệp vẫn còn quá yếu: hệ thống thủy lợi chưa được phục hồi, mới có 7 xí nghiệp chế biến cao su, 13 trạm trại thực nghiệm kỹ thuật nông nghiệp, một xưởng làm thuốc thú y.
Nhìn chung, sau 9 năm phấn đấu, giá trị sản lượng nông nghiệp đã tăng khoảng hai lần so với những năm 1977-1978 dưới chế độ Pôn-pốt. Song hậu quả quá nặng nề do chế độ diệt chủng để lại trong nông nghiệp chưa phải đã được khắc phục. Mục tiêu khôi phục giá trị sản lượng nông nghiệp bằng mức cao nhất trước chiến tranh chưa thể đạt được trong năm 1990. Khôi phục bằng mức bình quân đầu người trước chiến tranh, trong khi dân số tiếp tục tăng, càng đòi hỏi thời gian dài hơn.
Từ sự đánh giá và phân tích trên, kiến nghị về phương hướng và mục tiêu phát triển nông nghiệp đến năm 2005 như sau:
- . Trong kỳ kế hoạch dài hạn này, gắng sử dụng một cách có hiệu quả 3 triệu ha đất nông nghiệp trước đây đã có, bằng cách đầu tư vốn, công sức vào việc phục hóa 770.000 héc ta, làm thủy lợi và chọn giống thích hợp, xen canh, gối vụ, tăng vụ gieo trồng và tăng năng suất. Việc tăng tỷ lệ cây họ đậu để tăng thực phẩm có dinh dưỡng cao, đồng thời bảo vệ, bồi dưỡng đất là công việc nên làm ở bất cứ nơi nào mà điều kiện cho phép. Trong đầu tư vào thủy lợi, chú trọng những công trình nhỏ và vừa là chính. Thâm canh trên 400.000 héc ta ở những vùng đất tốt, có điều kiện tưới tiêu, thuộc các tỉnh Bát-tam-bang, Kan-đan, Svây-riêng, Kong-pong-cham, Ta-keo, Pơ-rây-veng. Hết sức hạn chế việc phá rừng làm rẫy. Ngay những vùng đất ba-zan cần khai phá để trồng cao su thì cũng cần có quy hoạch cụ thể. Đầu tư vào việc phục hóa, tuy cũng rất phức tạp, nhưng nói chung vẫn đỡ tốn kém hơn là đầu tư vào việc mở những vùng đất mới.
- Sử dụng đúng mức những thế mạnh của nền nông nghiệp Căm-pu-chia (có nhiều đất, có nhiều trâu bò cung cấp sức kéo và phân hữu cơ) để trong thời gian sớm nhất, đạt mức sản xuất nông nghiệp trước chiến tranh. Với lao động cần cù, đầu tư thêm lao động sống nhằm khôi phục và phát triển hệ thống bờ vùng, bờ thửa để giữ nước cho mùa khô, tận dụng phân chuồng, phân xanh, sử dụng hợp lý thuốc trừ sâu, sử dụng giống tốt được chọn lọc trong các loại giống sẵn có ở địa phương hoặc trong các loại giống nhập nội đã thích nghi, thì năng suất một số cây trồng có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi hiện nay. Mục tiêu sản xuất 350 kg lương thực mỗi đầu người cần được xem là mục tiêu hàng đầu của kế hoạch 1991-1995 sắp tới. Làm được điều này, sẽ tạo đà thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp toàn diện trong thời gian tiếp theo. Khi mà sản xuất lương thực đạt hoặc vượt mức 400 kg bình quân đầu người thì mới có thể xem là vấn đề lương thực đã được giải quyết một cách vững chắc.
- Từ phương hướng chung nêu trên, có thể gợi ý về những nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2005 như sau:
– Gạo là lương thực chính của nhân dân Căm-pu-chia, cũng là hàng xuất khẩu có triển vọng lớn nhất. Vùng đất thủy thành và bồi tích của Căm-pu-chia gồm 2,7 triệu héc ta, là vùng thích hợp nhất đối với việc trồng lúa, đay, mía, những cây thực phẩm họ đậu và rau quả. Cây trồng ưu tiên số một trên địa bàn này phải là cây lúa. Có thể đưa diện tích trồng lúa đến năm 2005 lên 2,5 triệu héc ta, với năng suất bình quân 2 tấn/ha, để đạt sản lượng 5 triệu tấn thóc.
– Ngô là nguồn lương thực bổ sung cho người, là thức ăn chính để phát triển chăn nuôi và là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Phần lớn các loại đất bãi, đất bồi đều có thể trồng ngô. Phấn đấu đưa diện tích ngô lên khoảng 200.000 héc ta, với năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, để có 300.000 nghìn tấn ngô hạt.
– Về những cây thực phẩm khác, có thể đưa diện tích rau quả lên 120.000 héc ta, các loại đỗ, lạc, vừng 140.000-150.000 héc ta, mía 15.000-20.000 héc ta, dừa 20.000 héc ta. Cây thốt nốt đòi hỏi quá nhiều củi để chế biến thành đường, không nên đặt vấn đề khuyến khích phát triển.
– Một cơ cấu cây lương thực – thực phẩm như trên cộng thêm mấy trăm ngàn héc ta đồng cỏ tự nhiên hoàn toàn cho phép phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, chủ yếu là bò và lợn, bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cho nhân dân, tăng thêm phân hữu cơ cho đồng ruộng và là một nguồn hàng xuất khẩu quan trọng.
– Về những cây làm nguyên liệu cho ngành dệt, Căm-pu-chia có thể phát triển mạnh trồng đay. Mục tiêu trồng 10.000 héc ta đay đến năm 2005 là hoàn toàn có khả năng hiện thực. Việc trồng bông tuy có khó khăn hơn, song cũng phải phấn đấu từng bước đưa diện tích trồng bông lên bằng mức cao nhất đã đạt trước đây: 20.000 héc ta với năng suất 1 tấn bông hạt trên 1 héc ta. Đạt được như vậy vào cuối kỳ kế hoạch dài hạn cũng mới bảo đảm được khoảng một nửa nguyên liệu cho nhu cầu về mặc lúc đó.
– Cao su là cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn của Căm-pu-chia. Đất thích hợp cho việc trồng cao su còn nhiều. Khả năng tranh thủ vốn hợp tác của Liên Xô và một vài nước Đông Âu còn lớn. Song, do vốn trong nước có hạn, hàng năm mới trồng được hai đến ba nghìn héc ta. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2005 đưa tổng diện tích cao su lên 100.000 héc ta hay 150.000 héc ta tùy thuộc chủ yếu vào khả năng tập trung vốn trong nước cho mục tiêu này cũng như khả năng tổ chức và quản lý sản xuất.
– Thuốc lá là loại sản phẩm mà mức tiêu thụ trên thế giới có khuynh hướng ngày càng giảm. Vì vậy, chỉ nên bố trí sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với một vài chủng loại.
– Cây chè hiện nay mới đạt diện tích vài trăm héc ta; hàng năm vẫn phải nhập chè cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nên phấn đấu trồng đủ chè cho nhu cầu của nhân dân. Diện tích trồng chè có thể phải mở rộng tới quy mô vài nghìn héc ta. Diện tích trồng cà phê, hồ tiêu cũng có khả năng đưa lên hàng ngàn héc ta.
Cây sơn là loại cây công nghiệp có điều kiện phát triển và cần được khuyến khích phát triển. Cây thầu dầu rất thích hợp với vùng đất cát ven sông Mê Công; dầu thầu dầu là mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng. Có thể nghĩ tới việc mở rộng diện tích trồng thầu dầu lên nhiều nghìn héc ta.
Những ngành chế biến nông sản tương ứng là: chế biến cao su, rau, quả, da, đay, ép dầu, thức ăn gia súc, đường, dệt, xay xát. Trong công nghiệp chế biến nông sản, nói chung nên chọn quy mô vừa và nhỏ; như vậy việc chọn vùng nguyên liệu dễ dàng hơn. Chú ý củng cố và mở rộng hệ thống kho.
II. Lâm nghiệp
Tình hình lâm nghiệp Căm-pu-chia có những nét đáng chú ý như sau:
a. Diện tích rừng chiếm trên 13 triệu héc ta, với tổng trữ lượng trên 800 triệu m3gỗ, trong đó có một số loại gỗ quý. Đó là chưa nói tới các loại sản phẩm khác của rừng rất có giá trị mà hiện nay chưa có đủ tài liệu để phân tích. Chỉ tính riêng năm 1968, Căm-pu-chia đã xuất khẩu gần 100.000 m3gỗ cây, gần 8.000 m3 gỗ xẻ, 800 m3 gỗ lạng, gần 1.000 tấn nhựa thông, 1.300 tấn dầu trích từ các loại gỗ khác, 35 tấn sơn, trên 1.000 tấn hạt làm dược liệu, 64 tấn gỗ quý đặc biệt.
Qua những năm chiến tranh, rừng bị tàn phá nhiều. Vai trò điều tiết khí hậu, thủy văn của rừng bị hạn chế một phần. Mỗi năm, lòng hồ Tông-lê-sáp bị đất bồi thêm 0,3 mm, làm giảm dần sức chứa nước của hồ. Do đó, cần nhấn mạnh vai trò đặc biệt của rừng Căm-pu-chia trong việc bảo vệ và cải thiện hệ thống sinh thái chung của đất nước.
Theo tính toán của nhiều nhà khoa học lâm sinh, tỷ lệ tăng trưởng tự nhiên về sinh khối thực vật chung của rừng Căm-pu-chia cũng như các loại rừng nhiệt đới khác là từ 1% đến 1,2%, trong đó tỷ lệ tăng trưởng về gỗ từ 0,6% đến 0,8%. Do đó, khả năng tăng tự nhiên về sinh khối gỗ hàng năm của rừng Căm-pu-chia là từ 6 đến 7 triệu m3. Tuy nhiên để lấy được 1 m3 gỗ rừng ra, thì thường làm hại nhiều m3 gỗ khác do cây đổ làm chết các cây khác, do làm đường v.v… Các nhà khoa học lâm sinh nghiên cứu về Căm-pu-chia cho rằng giới hạn khai thác gỗ hàng năm chỉ nên là năm trăm ngàn m3 thì mới bảo đảm cho rừng tái sinh tự nhiên được. Vì sao? Vì trong thực tế, địa bàn khai thác không bao giờ trải rộng đều ra trong toàn lãnh thổ đất nước, mà thường tập trung vào một số địa bàn có sản lượng cao, có đường giao thông thuận lợi. Mức khai thác 500.000 m3/năm đã làm cho rừng mất đi từ 3-4 triệu m3 là mức tối đa mà những địa bàn giành cho khai thác có thể chịu đựng được. Mức khai thác này đã vượt xa mức cao nhất của những năm trước chiến tranh. Đó là chưa tính đến số gỗ củi mà nhân dân tự khai thác, rất khó kiểm soát được.
b. Lâm nghiệp Căm-pu-chia, giống như nông nghiệp, cũng đã qua các thời kỳ phát triển trong những năm 1960, giảm mạnh trong những năm 1970 và từng bước phục hồi lại trong những năm 1980.
Con số xuất khẩu lâm sản năm 1968 nêu ở điểm a đã nói lên tính đa dạng, phong phú của tài nguyên rừng Căm-pu-chia, đồng thời cũng nói lên sự phát triển của kinh tế lâm nghiệp trong thời kỳ đó. Ở thời kỳ đó, hàng năm đã khai thác từ 300.000 đến 400.000 m3 gỗ, trong nước có đến 478 xưởng cưa; xí nghiệp xẻ gỗ Ba-lanh thuộc nhà nước quản lý có công suất 10.000 đến 12.000 m3 gỗ/năm.
Chế độ diệt chủng Pôn-pốt đã phá hủy hầu hết mọi cơ sở vật chất-kỹ thuật của ngành lâm nghiệp. Từ năm 1979 trở đi, ngành lâm nghiệp từng bước được khôi phục, song còn xa mới trở lại được mức trước chiến tranh. Với lao động giản đơn, sản xuất nông nghiệp vẫn có thể tiến hành và đạt được hiệu quả nhất định, nhưng khai thác lâm nghiệp thì lại cần có lao động khỏe, có trình độ tay nghề, có công cụ chuyên dùng, có máy móc hỗ trợ. Những yếu tố này còn thiếu thốn rất nhiều. Hơn nữa, địa bàn hoạt động lâm nghiệp nói chung chưa được bảo đảm về an ninh chính trị. Công tác khai thác chỉ mới triển khai được trên một số địa bàn hẹp.
Trong mấy năm gần đây, hàng năm đã khai thác được 150.000 m3 gỗ; nhưng vì chỉ khai thác tập trung vào một số địa bàn nên đã có dấu hiệu mất từng mảng rừng trên từng vùng nhất định. Đó là một hiện tượng cần sớm khắc phục.
Việc trồng rừng đã bắt đầu được chú ý. Trong ba năm gần đây, đã trồng được trên 1.000 héc ta các loại cây bạch đàn và cây keo, đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, so với diện tích rừng bị phá mỗi năm thì diện tích rừng trồng mới chiếm một tỷ lệ quá nhỏ.
Từ sự phân tích trên, kiến nghị về phương hướng, mục tiêu phát triển lâm nghiệp như sau:
- Trước mắt, khi chưa có điều kiện cung ứng đầy đủ lương thực cho số đồng bào du canh, du cư, thì cần hướng dẫn cho họ cách làm rẫy sao cho đỡ tổn hại nhất đến rừng, để bảo đảm các điều kiện tái sinh tự nhiên của rừng. Tuyệt đối không được cạo trọc các chỏm núi, đỉnh đồi để làm lương thực. Vì số dân làm rẫy ở Căm-pu-chia không đông (khoảng 3 vạn hộ), do đó nên sớm tập trung mọi điều kiện hỗ trợ cho họ định canh, định cư, kinh doanh lâm – nông nghiệp hoặc nông – lâm nghiệp kết hợp; như vậy, vừa giúp họ ổn định được đời sống, vừa bảo vệ được rừng, có lợi lớn trước mắt và lâu dài cho toàn bộ nền kinh tế Căm-pu-chia. Cần chú ý rằng: nếu không làm được như vậy thì hệ số mất rừng làm rẫy sẽ tăng theo cấp số nhân vì họ sẽ chia hộ nhanh, họ có yêu cầu cải thiện đời sống của họ, trong khi năng suất rẫy luân canh có xu hướng giảm dần, họ buộc phải phá rừng nhiều hơn để bảo đảm nhu cầu sống trước mắt.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc trồng rừng trên cơ sở giao đất rừng cho từng gia đình, từng đơn vị sản xuất của lâm trường quốc doanh, từng đơn vị hành chính. Ngành lâm nghiệp hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cung cấp giống, mua lại gỗ của dân theo giá thỏa đáng. Như vậy, sẽ nhanh chóng khôi phục được diện tích rừng bị mất, hạn chế được nạn phá rừng. Trong việc trồng rừng kinh tế, cần tính đến việc trồng rừng nguyên liệu làm bột giấy từ thông, bạch đàn, để đáp ứng nhu cầu về giấy của nhân dân và nếu có dư thì xuất khẩu.
- Giới hạn khai thác 500.000 m3gỗ cần được quan niệm là toàn bộ số gỗ mà Nhà nước và nhân dân có thể lấy ra hàng năm mà không làm tổn hại đến rừng. Số gỗ mà dân cư ở những vùng có rừng lấy ra là bao nhiêu là con số rất khó kiểm soát và khó tính toán đúng được. Do đó, mức khai thác gỗ do các đơn vị được Nhà nước cho phép khai thác là bao nhiêu còn tùy thuộc vào việc dự đoán mức khai thác gỗ củi của nhân dân. Mục tiêu khai thác gỗ củi đến năm 2005 vẫn chỉ nên giới hạn là 500.000 m3gỗ và khoảng 1 triệu xit-te củi, trong đó phần Nhà nước nắm là 300.000 m3 gỗ và 600.000 xit-te củi. Con số này hoàn toàn có tính ước định, cần kiểm tra và cân nhắc thêm.
Nhà nước cần ấn định rõ địa bàn khai thác và quy trình khai thác trên từng địa bàn. Những nơi sẽ biến thành lòng hồ thì có thể khai thác trắng. Những nơi khác, nhất là ở những vùng ven sông, đầu nguồn, thì phải khai thác chọn, đúng quy trình điều chế, tái sinh rừng. Không nên khai thác quá mức trên những địa bàn thuận lợi về giao thông khiến những rừng đó sớm kiệt quệ, buộc phải mở đường vào những địa bàn mới, đồng thời phải đầu tư thêm vào việc trồng lại rừng.
Đi đôi với việc khai thác hợp lý, đúng quy hoạch, đúng quy trình, cần chú ý tăng cường công nghiệp chế biến, nhất là chế biến gỗ nhỏ làm ván sàn xuất khẩu, làm đồ mộc gia dụng v.v… Dù dự trữ gỗ của Căm-pu-chia còn dồi dào, cũng nên có ý thức tiết kiệm trong việc sử dụng gỗ, nhất là gỗ quý, vì đó là một thứ nguyên vật liệu có những công dụng đặc biệt mà không có thứ gì khác có thể thay thể được.
III. Ngư nghiệp
Căm-pu-chia thuộc vùng hạ lưu sông Mê Công, có 435 km bờ biển (nằm trong Vịnh Thái Lan), có nguồn nước mặt dồi dào. Tổng diện tích sông hồ về mùa cạn là 558.000 héc ta. Về mùa mưa, diện tích bị ngập nước lên đến trên 2 triệu héc ta, phân bố trên các thủy vực:
– Thủy vực sông Mê Công gồm hai tỉnh Kratíe và Kom-pong-chàm.
– Thủy vực Tonléctooch và Prekbanam gồm tỉnh Pray-veng và một phần tỉnh Kandal.
– Thủy vực sông Bassắc gồm hai tỉnh Kandal và Ta Keo.
– Thủy vực Biển Hồ.
Về nguồn lợi cá nước ngọt, nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài đều nhận xét thống nhất là “khá phong phú về chủng loại, nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao, có sản lượng lớn”. Song trong nhiều năm lại đây, trữ lượng có xu hướng giảm dần. Nếu việc khai thác không theo đúng một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, hợp lý, và nếu rừng không được bảo vệ thì nguồn lợi này có nguy cơ giảm hơn nữa.
Về nguồn lợi hải sản, dưới thời thuộc Pháp và dưới chính thể Si-ha-núc, một số đợt điều tra đã được tiến hành. Năm 1940, Durand và La Poulain có báo cáo sơ bộ về nguồn lợi cá vùng biển. Năm 1959, Maurice Blane có báo cáo khảo sát về thủy sinh và địa lý biển. Năm 1964, Lagoin và Roby có báo cáo tổng kết nghề cá biển ở Căm-pu-chia. Do điều kiện nghiên cứu có hạn, các báo cáo mới phân tích từng khía cạnh, chưa có kết luận tổng quát về nguồn lợi hải sản vùng biển Căm-pu-chia. Những năm 1969-1971 và 1984-1985, các đoàn điều tra của F.A.O và Liên Xô đã dùng tàu nghiên cứu tiến hành điều tra nguồn lợi hải sản tầng đáy ở vùng biển Căm-pu-chia và có kết luận: “Trữ lượng hải sản tầng đáy chủ yếu là cá, có khoảng từ 3,5 đến 5 vạn tấn, không kể các loài nhuyễn thể, đặc sản và các loại thực vật biển”. Chất lượng và giá trị kinh tế các loài cá đáy không cao; phần lớn là cá tạp, chiếm tỷ lệ 65-70%, chủ yếu dùng để chế biến nước mắm, hoặc bột cá. Số còn lại để ăn tươi, một số dành cho xuất khẩu. Ngư trường cá đáy thường tập trung ở phía Tây đảo Phú Quốc và phía Nam đảo Kô-công, ở vùng nước có độ sâu từ 20 đến 35 mét.
Về nguồn lợi cá nổi, chưa có tài liệu điều tra nghiên cứu. Qua thực tế sản xuất nhiều năm, Lagoin và Roby có nhận xét sơ bộ: “Nguồn lợi cá nổi ở vùng biển Căm-pu-chia thường xuất hiện 3 loại cá chính trong năm: cá Plathú (cá Bạc má), cá Cơm và cá Thu ngừ, trong đó cá Plathú chiếm sản lượng cao nhất, từ 1,3 đến 1,5 vạn tấn; cá cơm từ 2 đến 3 ngàn tấn. Trữ lượng cá nổi có thể khai thác hàng năm từ 1,5 đến 2 vạn tấn. Ngư trường chủ yếu của hai loại cá này thường xuất hiện từ vùng đảo Kapick đến vùng biển Việt Nam.
Vùng biển Căm-pu-chia là một vịnh nông, có xu hướng nông dần do sự bồi lắng của các dòng sông chảy ra biển. Căn cứ vào các tài liệu điều tra nêu trên, nguồn lợi hải sản có thể khai thác hàng năm từ 5 đến 7 vạn tấn, bao gồm cả cá đáy và cá nổi, mật độ tập trung cao thường ở độ sâu từ 15 đến 35 mét. Nếu sản lượng khai thác hàng năm từ 4 đến 5 vạn tấn thì sẽ không gây hại cho nguồn lợi.
Nguồn lợi đặc sản có giá trị kinh tế cao như tôm, mực, các loài nhuyễn thể thường tập trung ở vùng ven bờ, quanh các tuyến đảo, trữ lượng chưa được xác định.
Trước chiến tranh, nghề cá Căm-pu-chia rất phát triển, chiếm khoảng 9% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Từ 1960 đến trước chiến tranh, hàng năm Căm-pu-chia xuất khẩu 3.000 – 4.000 tấn cá khô, cá sấy, có năm (1965) xuất đến 4.500 tấn.
Trong những năm chiến tranh và dưới chế độ diệt chủng Pôn-pốt, nghề cá bị sa sút nghiêm trọng:
Đơn vị: 1.000 tấn
Tổng sản lượng Trong đó cá nước ngọt |
1960 | 1970 | 1980 | 1985 |
178,0 | 67,5 | 18,4 | 68,4 | |
138,0 | 59,0 | 18,4 | 56,4 |
Từ sau ngày giải phóng, nghề cá được phục hồi từng bước, song nhìn chung vẫn còn nhỏ yếu.
Khai thác cá biển chưa được quan tâm đúng mức; năng suất, sản lượng đều thấp. Khai thác cá nước ngọt còn có khuynh hướng chạy theo sản lượng, chưa quan tâm đúng mức tới việc bảo vệ nguồn lợi lâu dài. Việc chế biến thủy hải sản đã được phục hồi, chủ yếu là nhằm cung ứng những sản phẩm truyền thống (cá khô, cá sấy, mắm prohốc v.v…) cho nhu cầu của nhân dân địa phương. Sản phẩm xuất khẩu còn hạn chế, chủ yếu là cá khô.
Với số dân như hiện nay, bình quân nhân khẩu hàng năm mới đạt 9,1 kg cá (1985). Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2005 là 11 kg, cần áp dụng các biện pháp sau đây:
– Đối với nghề cá nước ngọt, cần tái tạo các điều kiện sống của thủy sản trên các thủy vực chính. Riêng ở thủy vực Biển Hồ phải trồng và bảo vệ rừng ngập nước là môi trường sinh sản của nhiều loài cá, khơi thông dòng chảy vào các kênh, bảo vệ đàn cá bố mẹ.
– Quy định những vùng được phép khai thác trong năm và những “lô cá” dự trữ đảm bảo cho đàn cá tái sinh. Trong khai thác, phải tuân thủ các quy định về mùa vụ, về kết cấu mắt lưới.
– Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển nuôi trồng trên các mặt nước nội địa và vùng mặn lợ ven biển. Trong khi nhân dân chưa có tập quán nuôi cá trong ao, hồ, ruộng, cần ưu tiên đầu tư cho nuôi cá lồng, cá bè rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của Căm-pu-chia. Nhân dân Căm-pu-chia đã có tập quán nuôi cá lồng, cá bè từ lâu đời trên các triền sông Mê Công – Bassắc – Tông-lê-sáp. Năm 1970, sản lượng cá lồng, cá bè đã đạt trên 5.000 tấn. Bị tàn phá trong những năm chiến tranh và dưới chế độ diệt chủng Pôn-pốt, nghề này mới được phục hồi trong mấy năm lại đây. Năm 1984 sản lượng đạt 1.062 tấn, năm 1985 đạt 2.237 tấn, 6 tháng đầu năm 1987 đạt 2.080 tấn.
Ở vùng nước lợ ven biển, ưu tiên đầu tư cho nuôi tôm, trồng rau câu và một số đặc sản có giá trị cao như cá bống tượng, cá sấu, các loài nhuyễn thể.
– Nguồn lợi hải sản của Căm-pu-chia cho phép đưa sản lượng khai thác hàng năm lên 4-5 vạn tấn. Do điều kiện vốn, vật tư có hạn, trong một số năm tới cần tận dụng số tàu thuyền hiện có là chủ yếu. Bổ sung một số thuyền máy cỡ nhỏ để khai thác nguồn lợi cá ven bờ. Từng bước nâng cao sản lượng đánh bắt với điều kiện đạt được hiệu quả kinh tế.
– Xúc tiến việc điều tra quy hoạch, tạo điều kiện cho việc mở rộng sản xuất. Từng bước xây dựng các cơ sở hậu cần cho nghề cá như: bến cảng, cơ sở chế biến, cơ khí sửa chữa.
Ưu tiên đầu tư cho vùng có sản lượng lớn, có mặt hàng xuất khẩu. Nhà nước tập trung đầu tư vào việc tạo ra cơ sở hậu cần. Khuyến khích tư nhân, tổ hợp, hợp tác xã bỏ vốn mua sắm tàu thuyền, phát triển đánh bắt.
IV. Công nghiệp
Trong thập kỷ 60, Căm-pu-chia bắt đầu xây dựng công nghiệp với sự giúp đỡ của một số nước bạn bè, cả phương Đông lẫn phương Tây. Trong hoàn cảnh nền kinh tế còn có nhiều hạn chế, công nghiệp mới hình thành ở một số nơi như Thủ đô, cảng Kong-pong-som, một số vùng có nguyên liệu như Kampot (xi-măng), Kong-pong-chàm (bột giấy), Battambang (xay xát gạo, bao tải đay). Quy mô xí nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ do nguyên liệu có hạn. Trong giai đoạn này, sản phẩm công nghiệp làm ra chủ yếu để thay thế nhập khẩu như: vải, giấy, đường, thuốc lá, xi-măng, săm lốp xe đạp, săm lốp ô tô, bao tải, thủy tinh. Các xí nghiệp được xây dựng và trang bị từ nguồn vốn và kỹ thuật của những nước cung cấp viện trợ hoặc cấp tín dụng phát triển cho Căm-pu-chia (khoảng một chục nước). Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện xí nghiệp liên doanh (nhà máy lọc dầu) giữa Công ty nước ngoài với Công ty quốc doanh của Căm-pu-chia. Công nghệ và trang bị kỹ thuật của các xí nghiệp thuộc thế hệ những năm 50 về trước. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, trong thập kỷ 60, công nghiệp Căm-pu-chia phát triển với tốc độ bình quân hàng năm 6,7% và giá trị xuất khẩu của sản phẩm công nghiệp không đáng kể trong tổng giá trị xuất khẩu.
Trong thập kỷ 70, đặc biệt từ năm 1975, đất nước Căm-pu-chia chịu đựng nhiều tổn thất. Từ năm 1979, nền kinh tế bắt đầu hồi sinh, một số xí nghiệp công nghiệp từng bước phục hồi với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa về vốn, trang thiết bị, vật tư và chuyên gia. Đến nay, mới phục hồi được các xí nghiệp ở Thủ đô như: các nhà máy điện, dệt, thuốc lá, giấy, nước ngọt, săm lốp ô tô, cơ khí … Những nhà máy đặt ở các tỉnh, nói chung chưa được phục hồi (nhà máy lọc dầu, nhà máy thủy điện, nhà máy xi-măng, nhà máy bột giấy…). Những nhà máy đã phục hồi vẫn chưa hoạt động bằng mức trước chiến tranh, do thiếu lao động, thiếu điều kiện sản xuất như năng lượng, vật tư, phụ tùng. Nhà máy săm lốp ô tô Takhmau năm 1987 chưa đạt 30% công suất thiết kế ban đầu. Sau 9 năm phục hồi kinh tế, hiện nay điện năng vẫn còn rất thiếu. Trừ Thủ đô ra, chỉ có một số đô thị, khu kinh tế quan trọng (vùng sản xuất cao su) có điện. Thiếu năng lượng nói chung và thiếu điện năng nói riêng là cản trở đầu tiên trong việc phát triển công nghiệp và tiểu công nghiệp. Hiện nay, trên 80% giá trị sản lượng ngành công nghiệp là hàng tiêu dùng, trong đó có 3 ngành chiếm tỷ lệ lớn: công nghiệp thực phẩm chiếm 56%, công nghiệp dệt 10%, công nghiệp nhẹ 2,6% (số liệu năm 1986). Điều đáng lưu ý là thuốc lá và rượu lại là sản phẩm chủ yếu của công nghiệp thực phẩm. Cũng trong năm 1986, giá trị sản lượng công nghiệp là 5,1 tỷ riên, trong đó phần của quốc doanh là 2,7 tỷ riên (53%), phần của tư nhân là 2,4 tỷ riên (47%). Toàn ngành công nghiệp mới chiếm 17,4% tổng sản phẩm xã hội và 10,6% thu nhập quốc dân.
Trong kế hoạch dài hạn sắp tới, việc phát triển công nghiệp của Căm-pu-chia còn có nhiều khó khăn, hạn chế. Tuy nhiên, so với 9 năm khôi phục kinh tế vừa qua, thời gian tới có một số thuận lợi mới cần biết tận dụng để phát triển. Sau đây là gợi ý về phương hướng, mục tiêu phát triển một số lĩnh vực công nghiệp trong kế hoạch dài hạn tới.
- Về điện
Trong thập kỷ 60, điện năng ở Căm-pu-chia đã được sản xuất từ dầu nhập khẩu là chủ yếu, chỉ một phần nhỏ (30 triệu Kwh) là thủy điện. Bình quân hàng năm trong thời kỳ 1965-1968, tốc độ tăng về điện là 10,5%. Sản lượng điện năm 1972 đạt 148 triệu Kwh. Theo số liệu của Bộ kế hoạch Căm-pu-chia, tốc độ tăng hàng năm về điện sau ngày giải phóng là 6,8% (1981-1987). Năm 1987 sản lượng điện đã vượt mức năm 1972. Trong kế hoạch dài hạn đến năm 2005, giả định nhu cầu về điện bình quân hàng năm tăng từ 8-10% thì nhu cầu về điện các năm mốc sẽ như sau: 280-300 triệu Kwh (năm 1995); 400-500 triệu Kwh (năm 2000); 600-800 triệu Kwh (năm 2005).
Do Căm-pu-chia không có than, dầu và khí thiên nhiên (theo tài liệu địa chất đến hôm nay) nên ngoài các nhà máy phát điện từ dầu nhập khẩu, cần phát triển gấp các nhà máy thủy điện cỡ nhỏ và vừa. Trước tiên, trong kế hoạch 1991-1995, cần phục hồi nhà máy thủy điện Kirirom (10MW), tiếp tục xây dựng công trình thủy điện – thủy lợi PrekThnot (18 MW). Đẩy mạnh việc điều tra, nghiên cứu một số công trình thủy điện mà Ủy ban quốc tế sông Mê Công đã sơ bộ nghiên cứu và xếp loại. Để sớm có điện, đặc biệt là thủy điện, khi điều kiện chính trị cho phép, nên đặt vấn đề với Ủy ban quốc tế sông Mê Công giúp lập hồ sơ một số công trình thủy điện cỡ vừa và nhỏ, trên cơ sở đó, tranh thủ vốn đầu tư của nước ngoài.
Từ năm 1996 trở đi, phương án hiện thực là đầu tư vào các công trình thủy điện quy mô vừa và nhỏ như Kamchay (50 MW), Stung Atay (110 MW), Stung Pursat 1 (75 MW). Stung Pursat 2: (17 MW). Ba công trình sau, ngoài sản lượng điện 1 tỷ Kwh, còn cấp nước tưới cho 50.000 héc ta ruộng.
Song song với xây dựng nguồn điện, cần đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện. Tùy thuộc tiến độ xây dựng các nhà máy thủy điện mới, nghiên cứu hình thành lưới truyền tải điện:
– Phnôm Pênh – Prek Thnot – Kirirom – Kam chay – Kong-pong-som
– Phnôm Pênh – Stung Pursat – Stung Atay.
Mặt khác, cần nghiên cứu, quy hoạch các mạng lưới phân phối, sử dụng điện ở Thủ đô Phnôm Pênh, các đô thị lớn, cảng Kong-pong-som.
Việc giải quyết vốn đầu tư cho ngành điện gồm nhà máy và đường dây (truyền tải và phân phối) cần đảm bảo đồng bộ. Sản phẩm ngành điện bán ra chỉ để phục vụ các ngành kinh tế trong nước và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; chưa có cơ sở để tính đến việc trực tiếp xuất khẩu điện ra nước ngoài. Đầu tư cho ngành điện có ý nghĩa như đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Vì vậy, việc vay vốn nước ngoài để phát triển ngành điện trong thời kỳ đến năm 2005 cần được cân nhắc thận trọng. Có thể lựa chọn các hình thức sau đây:
– Vay không có lãi hoặc lãi nhẹ (0,5% đến 2-3% mỗi năm), trả dần trong nhiều năm (từ 15 đến 30 năm) trong đó có thời hạn hoãn trả (từ 5 đến 10 năm).
– Với công trình cần vốn vay không lớn thì dùng vốn vay song phương (một nước). Với công trình cần vốn vay lớn thì nên dùng vốn vay đa phương (nhiều nước).
– Với công trình đã hoặc đang xây dựng dở dang nay phải phục hồi hoặc mở rộng (như các nhà máy nhiệt điện ở Phnôm Pênh, các công trình thủy điện Kirirom và Prek Thnot) nên tiếp tục nhờ những nước đã hợp tác trước đây để tranh thủ thuận lợi về kỹ thuật, thực hiện nhanh gọn hơn so với việc nhờ một nước mới. Cụ thể đối với dự án Prek Thnot nên thông qua Liên hợp quốc nhờ những nước đã giúp trước kia nay tiếp tục giúp. Đối với công trình thủy điện Kirirom, trong trường hợp nước trước đây đã cho vay vốn và cung cấp thiết bị không tiếp tục giúp khôi phục nữa thì nên nghiên cứu khả năng vay một nguồn vốn không trói buộc (tức là không phải mua hàng của nước cho vay) như quỹ OPEC, quỹ Cô oét … rồi sau đó đấu thầu quốc tế để nhập thiết bị, vật tư.
Trong lĩnh vực điện năng, một mặt phải lo đầu tư có đủ điện phục vụ nền kinh tế và đời sống nhân dân, mặt khác phải hết sức quan tâm kinh doanh sao không lỗ, tránh bao cấp, bán điện dưới giá thành, dẫn đến dùng điện không tiết kiệm, vượt khả năng chịu đựng của ngân sách đang còn khó khăn.
- Về công nghiệp cao su
Ngoài việc xuất khẩu cao su nguyên liệu cho các nước, cần dành một phần cao su để sản xuất săm lốp cho ô tô và xe đạp. Nhà máy săm lốp ô tô Takhmau có công suất thiết kế 135.000 bộ/năm. Năm 1987 sản lượng mới đạt 29.000 bộ. Trong những năm tới, cần tiếp tục đổi mới thiết bị, đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, nguyên liệu, đào tạo công nhân và cải tiến chỉ đạo sản xuất để từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng, tiến tới đạt công suất thiết kế, xuất khẩu một phần sản phẩm để nhập vật tư cho sản xuất.
Về săm lốp xe đạp, khả năng sản xuất 500 ngàn cái/năm nhưng do nhu cầu còn ít, mới sản xuất 200 ngàn cái/năm. Trong những năm tới, xuất phát từ nhu cầu của thị trường, cần từng bước phát huy hết năng lực hiện có trước khi mở rộng thêm công suất.
Cao su có sản lượng mỗi năm một tăng, do đó, ngoài việc sản xuất săm lốp, nên nghiên cứu khả năng hợp tác với các nước để làm ra các mặt hàng mới, vừa xuất khẩu vừa đáp ứng nhu cầu trong nước.
- Về vật liệu xây dựng
– Để có vật liệu xây dựng giá rẻ cho nhân dân dùng, ngoài việc phát triển các lò gạch, lò ngói thủ công, nên lập một số cơ sở sản xuất gạch, ngói cỡ vài triệu viên/năm, sử dụng nguyên liệu tại chỗ và tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.
– Trước năm 1970 nhu cầu tiêu thụ về xi-măng đã vượt quá 200 ngàn tấn/năm. Nhà máy xi-măng ChaKrey Ting có công suất thiết kế 150 ngàn tấn/năm (với 3 lò nung) nay bị hỏng, mất mát khá nhiều phụ tùng, chi tiết, thiết bị, song có thể phục hồi được. Riêng khâu khai thác nguyên liệu phải đầu tư mới toàn bộ. Nhà máy này được xây dựng từ thập kỷ 60, công suất lò quá nhỏ, sản xuất theo phương pháp ướt, dùng dầu cặn (F.O) làm nhiên liệu, do đó chi phí về nhiên liệu cao, năng suất thấp, giá thành cao.
Qua tham khảo ý kiến một số chuyên gia về xi-măng thì vốn đầu tư để phục hồi nhà máy này có thể lên đến 15 triệu đô la Mĩ. Khi nhà máy đạt công suất thiết kế sẽ cần đến lượng nhiên liệu lỏng độ 30 ngàn tấn/năm. Nếu tính bằng đô la Mĩ, theo thời giá tháng 9 năm 1988, sơ bộ thấy là chi phí ngoại tệ để sản xuất ra 1 tấn xi-măng tốn độ 40 đô la trong đó tiền nhiên liệu (dầu) trên 20 đô la, vật tư các loại gần 15 đô la, còn lại là chi phí về sửa chữa, khấu hao. Cần tính thêm chi phí khác bằng tiền trong nước để đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sản xuất xi-măng, biết rằng giá nhập khẩu CIF một tấn xi-măng cùng thời gian nói trên vào khoảng 45 đô la.
Việc khôi phục nhà máy xi-măng ChaKrey Ting có ý nghĩa kinh tế quan trọng, song có một số yếu tố kinh tế – kỹ thuật và tài chính cần làm rõ trước khi quyết định khôi phục. Trước mắt, cần điều tra, thu thập tình hình cụ thể về nhà máy, xem xét khả năng đầu tư và khả năng duy trì sản xuất của nhà máy, tính toán kỹ chi phí và hiệu quả kinh tế của mỗi tấn xi-măng làm ra.
- Về nhà máy lọc dầu
Trước năm 1970, một cơ sở lọc dầu đã được xây dựng ở cảng Kong-pong-som dưới hình thức một xí nghiệp liên doanh với 35% vốn của một Công ty Pháp (Công ty UGP-RAP) và 65% vốn Căm-pu-chia (vay tín dụng của Pháp). Công suất đợt I của xí nghiệp là 0,3 triệu tấn/năm, dự kiến đưa vào sản xuất năm 1968 (theo tài liệu Etudes Cambodgiennes tháng 6 năm 1966) và sẽ nâng lên gấp đôi để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu lỏng đến cuối thập kỷ 70 của Căm-pu-chia.
Vì Công ty Pháp nói trên là một bên liên doanh, cùng bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà máy, do đó cần đặt vấn đề với Công ty trên cùng nghiên cứu phương án phục hồi nhà máy. Việc này càng có ý nghĩa khi mà Căm-pu-chia chủ trương mở cửa cho các Công ty tư bản nước ngoài bỏ vốn đầu tư, kinh doanh trên đất nước mình trong thời gian tới. Trước mắt, cần tận dụng các bể chứa dầu của nhà máy để tồn trữ dầu nhập khẩu qua cảng Kong-pong-som.
- Về cơ khí
Công nghiệp cơ khí có vai trò cực kỳ quan trọng đối với tất cả các ngành kinh tế khác. Trong kế hoạch dài hạn này, cần từng bước tăng cường công nghiệp cơ khí nhằm hai mục tiêu chủ yếu sau đây:
a. Bảo đảm việc bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị và phương tiện của các ngành với phụ tùng nhập khẩu là chủ yếu. Chế tạo và phục hồi một số chi tiết, phụ tùng ít phức tạp.
b. Chế tạo để cung cấp cho các ngành những sản phẩm cơ khí có nhu cầu phổ biến, những máy móc cỡ nhỏ với kỹ thuật ít phức tạp, không đòi hỏi chính xác, các loại công cụ lao động phổ thông…trước hết nhằm phục vụ nông lâm ngư nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, giao thông vận tải, sản xuất gạch ngói.
Về cơ khí sữa chữa, nên bố trí một số xí nghiệp đủ mạnh, phục vụ chuyên về một số chủng loại thiết bị, máy móc theo từng vùng, trong đó ưu tiên những nơi có nhu cầu lớn trước, tránh đầu tư phân tán, trùng lắp, phi kinh tế. Từ quan điểm trên, đối với sửa chữa ô tô, cần tăng cường và khai thác cao nhất xí nghiệp hiện có ở Phnôm Pênh (phục vụ cả các tỉnh lân cận), thứ là đến các xí nghiệp ở Kong-pong-som, Bat-tam-bang … Đối với máy kéo, cần lập một xí nghiệp sửa chữa ở địa bàn dùng máy kéo nhiều nhất, các nơi khác thì sửa chữa ghép với sửa chữa ô tô. Đối với phương tiện thủy (kể cả tàu thuyền đánh cá), trước mắt cần hoàn chỉnh xí nghiệp ở Phnôm Pênh, bổ sung trang thiết bị, đường triền, đào tạo công nhân và cán bộ kỹ thuật để sữa chữa và đóng mới các phương tiện thủy cỡ vừa và nhỏ. Khi xét thấy cần thiết sẽ lập cơ sở thứ hai ở Kong-pong-som. Các phương tiện đường sắt, cần tận dụng hai xí nghiệp sữa chữa hiện có trên cơ sở bổ sung trang thiết bị cần thiết.
Nếu đảm bảo phụ tùng, chi tiết thay thế (chủ yếu do nhập khẩu) và có đội ngũ thợ lành nghề thì sẽ sữa chữa được tốt các phương tiện, máy móc, bảo đảm hoạt động bình thường cho các ngành kinh tế quốc dân.
Về cơ khí chế tạo, cần sắp xếp, quy hoạch lại, phối hợp hài hòa lực lượng quốc doanh với các cơ sở tiểu, thủ công nghiệp nhằm đảm bảo các loại công cụ lao động, hàng tiêu dùng, thiết bị và máy móc nhỏ có nhu cầu lớn, đỡ phải nhập khẩu. Cần hình thành xí nghiệp cơ khí quốc doanh có nhiệm vụ làm trung tâm cho các xí nghiệp nhỏ và các cơ sở tiểu, thủ công nghiệp (làm vệ tinh cho xí nghiệp lớn). Xí nghiệp lớn đó có trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ra sản phẩm chủ lực, tiến tới là sản phẩm truyền thống của xí nghiệp. Việc sắp xếp sản xuất, phân công các xí nghiệp là công việc phức tạp, tỉ mỉ, xuất phát từ dự đoán nhu cầu và đánh giá khả năng sản xuất của từng xí nghiệp. Qua nghiên cứu sơ bộ về 9 xí nghiệp cơ khí quốc doanh, xin nêu ra gợi ý về bố trí sản xuất ở các xí nghiệp đó như sau: một xí nghiệp chuyên sản xuất dụng cụ gia đình bằng nhôm và sắt tráng men (xí nghiệp số 9); một xí nghiệp sản xuất nông cụ như cuốc bàn, xẻng, mai, thuổng và hàng tiểu ngũ kim (xí nghiệp số 7); một xí nghiệp sản xuất xe đạp và phụ tùng xe đạp (xí nghiệp số 3). Xí nghiệp số 4 sẽ cải tạo mở rộng phân xưởng đúc gang để cung cấp sản phẩm đúc cho các xí nghiệp cơ khí khác. Các xí nghiệp còn lại được phân công tiếp để sản xuất: máy bơm nước cỡ nhỏ, máy tuốt lúa, máy xay xát gạo, máy ép gạch ngói, máy gia công gỗ, máy làm đồ gốm sứ, xe trâu bò, xe kéo tay, v.v…
Vì ngành cơ khí có vai trò then chốt và lâu dài trong việc phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân, do đó nên nhờ Liên Xô giúp quy hoạch và đầu tư xây dựng một hệ thống các xí nghiệp cơ khí đáp ứng nhu cầu cả nước trong kế hoạch 15 năm tới.
- Về công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp
Nhiệm vụ chủ yếu của ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp là thỏa mãn nhu cầu hàng tiêu dùng ngày càng tăng lên theo mức sống của nhân dân và mức tăng dân số. Phát triển công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp có tác dụng kích thích sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp phát triển: nó cung cấp hàng hóa để trao đổi với nông dân và tham gia chế biến sâu các nguyên liệu từ nông, lâm nghiệp, làm tăng giá trị của sản phẩm. Về mặt xã hội, phát triển công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp sẽ tạo thêm công ăn việc làm, thu hút thêm lao động vào sản xuất, tăng đóng góp tích lũy cho Ngân sách quốc gia. Tiến lên trình độ sản xuất cao hơn, công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp còn tham gia xuất khẩu, tạo ra ngoại tệ, trước hết để cân đối phần ngoại tệ cần thiết cho phát triển sản xuất của chính ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp.
Trong những năm tới, khi nông nghiệp đã có những bước phát triển, thị trường nông thôn sẽ yêu cầu rất nhiều hàng tiêu dùng, từ hàng may mặc, đồ dùng trong nhà, phương tiện đi lại, đến các hàng phục vụ cho nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí, v.v… Với dự kiến dân số năm 2005 tăng gấp rưỡi so với năm 1987, nếu đề ra mục tiêu bảo đảm mức sản xuất bình quân đầu người về một số mặt hàng tiêu dùng như mức năm 1968, đã đòi hỏi sản xuất phải tăng lên 4-5 lần so với hiện nay. Đó là chưa kể đến kiểu cách mặt hàng, chủng loại hàng hóa đòi hỏi phải thay đổi và mở rộng thêm nữa, do nhu cầu của cuộc sống. Với cách dự tính giản đơn về nhu cầu như vậy đã đòi hỏi phải đạt nhịp độ sản xuất hàng tiêu dùng tăng bình quân hàng năm từ 11% đến 12% trong suốt 15 năm tới. Đó là một tốc độ khá cao, phải cố gắng lắm mới đạt được.
Để phát triển sản xuất công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp cần có năng lượng, nguyên liệu và thiết bị chế biến. Những điều kiện này hiện nay đều bị hạn chế. Điện năng mới đạt mức cung cấp trên 20 KWh/đầu người, các nguồn nhiên liệu – năng lượng khác đều phải nhập khẩu, trừ củi. Nguồn nguyên liệu do nông nghiệp cung cấp chưa nhiều, do nông nghiệp chưa phát triển. Nguyên vật liệu cung cấp từ các ngành công nghiệp nặng như hóa chất, kim loại,… chưa có triển vọng trong những năm tới. Về năng lực thiết bị sản xuất, tuy còn một số xí nghiệp chưa sử dụng hết công suất thiết bị, nhưng muốn sử dụng được cũng phải có phụ tùng, linh kiện cơ khí. Công nghệ của phần lớn các xí nghiệp này thuộc loại lạc hậu.
Trong những điều kiệu như vậy, phải đặt sự phát triển của ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp trong hướng phát triển chung của nền kinh tế để chọn bước đi, cách đi thích hợp, đặt mục tiêu phù hợp cho từng bước đi. Lấy mục tiêu hiệu quả và chất lượng làm mục tiêu hàng đầu.
Trước hết cần chăm lo phát triển nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu từ nông nghiệp, lâm nghiệp. Đó là tiền đề để phát triển sản xuất công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp. Muốn có nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, cần có chính sách từng bước tạo ra những vùng nguyên liệu chuyên canh. Phát triển công nghiệp chế biến phù hợp với từng bước phát triển của vùng nguyên liệu, đi từ thủ công đến cơ giới, từ quy mô nhỏ đến quy mô vừa. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, do không gắn phát triển nguyên liệu với công nghiệp chế biến trong từng bước đi thích hợp, đã bỏ nhiều vốn đầu tư cho công nghiệp chế biến trong khi chưa tạo được nguồn nguyên liệu tương ứng, kết quả chỉ sử dụng được 50-60% công suất thiết bị, thậm chí thấp hơn, dẫn đến làm ăn thua lỗ, tiền vay nợ nước ngoài để nhập thiết bị không trả được.
Để có năng lực chế biến công nghiệp, trước mắt cần đầu tư khôi phục và cải tạo các cơ sở hiện có. Đầu tư như vậy vừa tốn ít vốn, nhanh đưa thiết bị vào sản xuất, sớm phát huy hiệu quả của vốn đầu tư. Tranh thủ khả năng lựa chọn thiết bị tốt để từng bước cải thiện công nghệ của các cơ sở sản xuất hiện nay. Việc xây mới cần tính toán kỹ các điều kiện để đảm bảo sản xuất có hiệu quả. Nói chung, nên phát triển theo quy mô xí nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi còn thiếu nhiều điều kiện để phát triển mạnh công nghiệp, cần thúc đẩy phát triển mạnh các ngành nghề tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Có chính sách lâu dài khuyến khích tư nhân đi vào phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp dựa vào tiềm năng nguyên liệu và lao động trên từng địa phương. Tiểu thủ công nghiệp có thể sản xuất được nhiều hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất phong phú và đa dạng như: đồ gỗ, đồ sành sứ thủy tinh dân dụng, hàng may mặc, thêu ren, một số mặt hàng dệt truyền thống, các dụng cụ học tập cho học sinh, hàng mây tre đan lát, hàng kim khí tiêu dùng, các dụng cụ cầm tay, nông cụ, xe bò, thuyền, hàng thủ công Mĩ nghệ, các loại vật liệu xây dựng (gạch, ngói, tấm lợp), chế biến lương thực thực phẩm (xay xát nhỏ, làm bún bánh, sản xuất đường mặt, bánh kẹo). Phát triển tiểu thủ công nghiệp không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, lại có thể huy động được các nguồn vốn của tư nhân. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích thỏa đáng như chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách bán cho họ một số vật tư, đặc biệt là năng lượng – nhiên liệu, chính sách giúp họ đào tạo về nghề nghiệp, v.v…
Đương nhiên, chưa thể đặt vấn đề tự sản xuất lấy mọi mặt hàng tiêu dùng. Cần hợp tác sản xuất và trao đổi mậu dịch với các nước những mặt hàng mà xét thấy tổ chức sản xuất trong nước chưa có hiệu quả, những mặt hàng có nhu cầu ít, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng cao cấp.
Từ những phương hướng chung của công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp như trên, chúng tôi nêu gợi ý cụ thể về một số ngành chủ yếu của công nghiệp nhẹ sau đây:
– Chế biến thực phẩm
Phát triển công nghiệp thực phẩm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp. Căn cứ vào khả năng phát triển của nông nghiệp trong thời gian tới, những ngành có triển vọng phát triển là: sản xuất đường mật, chế biến lương thực, ép dầu thực vật, thuốc lá.
Với điều kiện đất đai, khí hậu của Căm-pu-chia, cần phát triển trồng mía để sản xuất đường mật, đáp ứng một trong những nhu cầu thiết yếu của nhân dân, làm đa dạng các mặt hàng công nghiệp thực phẩm khác như các loại bánh kẹo, nước giải khát. Chế biến đường từ quả thốt nốt tốn nhiều năng lượng nên không có triển vọng phát triển (theo L.Tichit, trong cuốn “Nông nghiệp Căm-pu-chia”, trang 161, thì 1 vò 50 lít nước thốt nốt cho 8 kg mật, cần dùng tới 40 kg củi). Phấn đấu nâng mức sản xuất bình quân đầu người lên 4-5 kg đường mía vào năm 2005. Phát triển nhiều cơ sở ép mía nhỏ, phù hợp với vùng nguyên liệu phân tán và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của từng địa phương. Một phần đường mật được thu mua để tinh luyện thành đường trắng dành cho sản xuất bánh kẹo, nước giải khát và một số nhu cầu khác. Khi đã có những vùng mía tập trung từ 500 đến 1.000 héc ta thì nên xây dựng những xí nghiệp có công suất 100 đến 300 tấn mía/ngày.
Khôi phục và phát triển các nhà máy xay xát, đảm bảo yêu cầu xay xát cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Phát triển công nghiệp ép dầu quy mô nhỏ ở các địa phương nhằm tận dụng các nguồn nguyên liệu có dầu như cám, lạc, đậu tương, dừa, thầu dầu, hạt bông, v.v… đồng thời tạo đủ nguyên liệu để sử dụng hết công suất nhà máy tinh luyện dầu đã có. Khôi phục và khai thác hết năng lực các nhà máy sản xuất rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt hiện có… Tùy điều kiện và nhu cầu tiêu thụ, sẽ từng bước mở rộng các nhà máy này hay xây dựng thêm một số cơ sở sản xuất mới.
- Dệt, da, may mặc: Nhu cầu may mặc luôn luôn là nhu cầu thiết yếu. Khi mức thu nhập của nhân dân còn thấp thì phần dành để mua hàng hóa rất có hạn, do phải tập trung cho nhu cầu ăn, nhưng trong phần dùng để mua hàng còn ít ỏi đó thì phần chính vẫn là giành cho may mặc. Ngoài nhu cầu về vải để may quần áo, còn nhiều mặt hàng dệt thông dụng khác cũng là những mặt hàng rất thiết yếu như: vải màn, khăn mặt, chăn mền, chỉ khâu, v.v…
Để giải quyết nhu cầu về hàng dệt, trước hết cần có chủ trương phát triển trồng bông, tạo nguồn nguyên liệu. Ở Căm-pu-chia trước đây đã có năm trồng được 2 vạn ha bông, và một thời kỳ dài đã trồng được hàng năm 4 nghìn ha. Đến năm 2005, dù có đạt được mức trồng 2 vạn ha bông thì vẫn chưa đủ nguyên liệu để giải quyết nhu cầu may mặc và các hàng dệt khác lúc đó. Do những hạn chế ấy, tạm đặt mục tiêu vải mặc đến năm 2005 là 4-5 mét/đầu người/năm, không kể vải màn, khăn mặt, chỉ khâu, v.v… Với mục tiêu đó, cần đầu tư cải tạo và mở rộng các nhà máy dệt hiện có để tăng dần sản lượng vải. Quá trình đầu tư cũng đồng thời là quá trình cải tạo dần kỹ thuật, nâng cao chất lượng mặt hàng. Phát triển tiểu thủ công nghiệp để dệt những mặt hàng đòi hỏi kỹ thuật không cao như vải màn, khăn mặt. Việc xây dựng thêm các nhà máy mới, nhất là các nhà máy kéo sợi, chỉ nên đặt ra khi có căn cứ về nguồn nguyên liệu.
Công nghiệp da là một ngành có triển vọng vì Căm-pu-chia có đàn trâu bò tương đối lớn. Khi chăn nuôi lợn phát triển thì da lợn cũng là một nguồn nguyên liệu quan trọng. Phát triển công nghiệp thuộc da sẽ có nguyên liệu cho nghề may da phát triển, làm ra nhiều loại hàng tiêu dùng có giá trị. Nếu tỷ lệ giết mổ hàng năm là 10-11% đàn trâu bò và thu mua được 30% số da đó cho công nghiệp thuộc da, thì với đàn trâu bò hiện nay ở Căm-pu-chia (theo tài liệu của Bộ Kế hoạch, năm 1988 đàn trâu có 700 nghìn con, đàn bò có 1.830 nghìn con) đã có khả năng cho nguồn da nguyên liệu từ 7 đến 7,5 vạn con da/năm, từ đó, thuộc được 1,5 đến 2 triệu bia da (Theo L.Tichit, trong cuốn sách đã dẫn, trang 315, thì năm 1968, Căm-pu-chia đã xuất 1.057 tấn da muối, gồm 830 tấn da bò và 227 tấn da trâu, tính ra cũng khoảng da của trên 5 vạn con).
Giấy: Sự nghiệp văn hóa giáo dục phát triển thì nhu cầu về giấy viết, giấy in tăng lên rất nhanh. Ngoài ra còn có nhu cầu về nhiều loại giấy khác như giấy bao gói, các tông, v.v… Khó khăn khi xác định mục tiêu sản xuất giấy là chưa xác định được chính xác nguồn nguyên liệu hiện có và khả năng nhập khẩu các loại hóa chất, trước tiên là xút. Tuy nhiên, không thể hoàn toàn nhập khẩu giấy cho tiêu dùng nội địa trong khi điều kiện tự nhiên cho phép phát triển nguồn nguyên liệu để sản xuất giấy. Xuất phát từ mức tiêu dùng tối thiểu, tạm đặt mục tiêu sản xuất cho năm 2005 khoảng 1 kg giấy/đầu người/năm. Để đạt mục tiêu này, cần xây dựng lại cơ sở sản xuất bột giấy 5.000 tấn/năm bị phá hoại trong chiến tranh. Phát triển các cơ sở sản xuất giấy quy mô nhỏ 300 đến 500 tấn/năm, phù hợp với nguồn nguyên liệu ở các địa phương. Trong tương lai, khi đã tạo được vùng nguyên liệu lớn và các ngành công nghiệp khác đã phát triển, mà trước hết là năng lượng, sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng các nhà máy giấy lớn hơn.
V. Giao thông vận tải và bưu điện
A. Giao thông vận tải
Căm-pu-chia hiện đang khai thác 4 dạng vận tải: đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường không.
Về cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành giao thông vận tải, có thể nêu lên những nhận xét chung như sau:
a. Nhìn vào mật độ đường trên 1.000 km2lãnh thổ thì mật độ đường ở Căm-pu-chia còn thấp so với nhiều nước (chỉ có 94 km đường ô tô và 3,5 km đường sắt) nhưng mạng lưới đường (đường bộ, đường sắt, đường thủy) lại phân bố tập trung ở vùng châu thổ hai con sông Mê Công và Tông-lê-sáp là địa bàn sinh sống của 90% dân cư, do đó khá thuận tiện cho sản xuất và đời sống.
Các tuyến đường quan trọng đều được nối liền với Thủ đô, khiến cho Thủ đô trở thành đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.
b. Các tuyến đường đang khai thác đều được xây dựng từ những năm 60 về trước, chẳng những không được duy tu bảo dưỡng trong những năm 70, 80 mà còn bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Sau giải phóng, tuy đã được khôi phục nhưng chất lượng còn thấp, mức độ đảm bảo an toàn thấp, nhất là đường sắt. Khả năng thông qua của các tuyến đường bị hạn chế còn do đặc điểm khí hậu, thời tiết và do năng lực thông qua của các nhà ga, bến cảng, cầu phà.
c. Về phương tiện vận tải, yếu tố quyết định quan trọng để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, tình hình còn khó khăn hơn, chẳng những ít về số lượng mà còn kém về chất lượng. Đa số thuộc những thế hệ sản xuất vào những năm 60 trở về trước, kỹ thuật lạc hậu, đã đến thời điểm đại tu hoặc thanh lý. Ngành cơ khí của Căm-pu-chia chưa phát triển, cơ khí phục vụ sửa chữa các phương tiện vận tải rất có hạn, do đó số phương tiện tốt đưa vào khai thác đạt tỷ lệ không cao.
Giao thông vận tải là ngành phục vụ các ngành kinh tế khác, vì vậy hướng phát triển của nó phải được xác định căn cứ vào hướng phát triển của nền kinh tế nói chung. Dựa trên phương hướng phát triển của nền kinh tế Căm-pu-chia đến năm 2005 như đã nêu ở trên, có thể dự kiến những yêu cầu đặt ra đối với ngành giao thông vận tải như sau:
– Trong kỳ kế hoạch dài hạn này, nền kinh tế Căm-pu-chia về cơ bản vẫn là nền tiểu sản xuất hàng hóa, phân tán, nặng về tự cung tự cấp, do đó những hộ có yêu cầu vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn không nhiều.
Trong cơ cấu của tổng sản phẩm xã hội thì nông nghiệp chiếm khoảng 40%, công nghiệp chiếm khoảng 28% (vào năm 2005). Nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tổng sản phẩm xã hội trong suốt thời gian kế hoạch dài hạn ước đạt 5-6%, do đó dự kiến nhịp độ tăng trưởng của khối lượng hàng hóa cũng tương đương với nhịp độ tăng trưởng của tổng sản phẩm xã hội. Khối lượng hàng hóa vận chuyển này khoảng hơn 1 triệu tấn vào năm 1987, sẽ đạt khoảng 3-3,5 triệu tấn vào những năm đầu của thế kỷ tới.
– Hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống như cao su, gỗ, gạo, ngô. Về khối lượng, có thể đạt khoảng 8-9 vạn tấn cao su, vài trăm ngàn mét khối gỗ, 400-500 ngàn tấn gạo, vài trăm ngàn tấn ngô. Các loại nông sản khác có khối lượng không nhiều. Hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là xăng dầu (có thể lên đến 300-400 ngàn tấn), phân bón, kim loại, máy móc thiết bị.
Trên cơ sở những dự báo như trên, gợi ý về hướng phát triển mấy ngành vận tải chủ yếu từ nay đến 2005 như sau:
a. Về vận tải ô tô
Hiện nay vận tải ô tô hàng năm đảm nhiệm khoảng 200 ngàn tấn hàng, chiếm 50% khối lượng hàng hóa vận chuyển mà Bộ Giao thông vận tải thống kê được. Khoảng cách vận chuyển bình quân là 150-190 km.
Trong thời kỳ từ nay đến năm 2005, vận tải ô tô tiếp tục giữ vị trí chủ yếu trong vận tải nội vùng, vận chuyển khoảng cách ngắn, khối lượng hàng nhỏ, vận chuyển một số hàng xuất nhập khẩu và quốc phòng. Để đáp ứng nhiệm vụ trên, cần tiếp tục khôi phục, sửa chữa và từng bước phục hồi lại cấp cho các tuyến đường rải nhựa, đồng thời tiến hành duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Chi phí cho công tác này rất lớn, cần căn cứ vào số vốn mà ngân sách có thể giành cho vận tải đường bộ để định thứ tự ưu tiên. Trước hết cần ưu tiên khôi phục các tuyến có ý nghĩa kinh tế quan trọng, các trục chính để tạo điều kiện phát triển các nhánh xương cá, gồm các đường số 5, số 6, số 13, số 1 và số 4.
Xây dựng lực lượng thi công cơ giới có năng lực sửa chữa 150-200 km/năm, tiến lên đạt 300 km/năm.
Từng bước bổ sung phương tiện vận tải ô tô tương ứng với khối lượng hàng hóa mà ngành phải đảm nhiệm.
Xây dựng một số xí nghiệp quốc doanh đóng vai trò chủ lực trong việc sửa chữa ô tô, đi đôi với việc tận dụng cơ sở vật chất và lao động kỹ thuật của tất cả các thành phần kinh tế khác để bảo đảm nhiệm vụ sửa chữa.
b. Về vận tải đường thủy
Căm-pu-chia có nhiều sông, nhưng chỉ có hai con sông là Mê Công và Tông-lê-sáp là có ý nghĩa về vận tải. Điều kiện khai thác cả hai con sông này có nhiều hạn chế, chỉ có đoạn sông từ Phnôm Pênh đi Tân Châu (từ đó, qua lãnh thổ Việt Nam ra biển) là thuận tiện quanh năm cho các loại phương tiện có trọng tải đến 3.000 tấn. Tuy nhiên, do kinh tế chưa phát triển, chưa xuất hiện những nguồn hàng lớn dọc theo các tuyến đường thủy. Khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cảng sông Phnôm Pênh cũng chưa nhiều: năm 1985, hàng xuất nhập khẩu qua cảng Kong-pon-som đã chiếm 75% tổng số hàng xuất nhập khẩu của Căm-pu-chia. Vì những lẽ trên, việc phát triển vận tải đường sông chỉ nên đặt ra từng bước, với quy mô thích hợp. Trước mắt, Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân, cá thể, tổ hợp phát triển các loại phương tiện vận tải thủy có trọng tải nhỏ, có động cơ hoặc không có động cơ, làm nhiệm vụ vận tải người và hàng hóa dọc theo các con sông lớn và nhỏ.
Nguồn cao su xuất khẩu tập trung chủ yếu ở khu vực Kon-pon-cham, nguồn gỗ xuất khẩu cũng chủ yếu từ vùng Đông Bắc. Khi hai nguồn này đạt khối lượng lớn, sẽ nghiên cứu mở rộng tuyến vận tải thủy trên đoạn này của sông Mê Công.
Cảng sông Phnôm Pênh vẫn giữ vị trí quan trọng trong việc tiếp nhận một bộ phận hàng xuất nhập khẩu bằng tàu sông và pha sông biển có trọng tải đến 3.000 tấn. Việc phân chia khối lượng hàng xuất nhập khẩu giữa cảng Phnôm Pênh và cảng Kon-pon-som cần được xác định trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế chặt chẽ. Sau khi khối lượng và chủng loại hàng qua cảng đã được xác định mới có căn cứ để đầu tư cũng như bổ sung tàu thuyền chạy tuyến Phnôm Pênh – Sài Gòn.
Cảng Kon-pon-som là cảng biển duy nhất của Căm-pu-chia. Cảng không có liên hệ trực tiếp với vận tải đường sông. Khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cảng phụ thuộc vào việc phân công trách nhiệm giữa cảng này với cảng Phnôm Pênh. Chỉ sau khi khối lượng và chủng loại hàng qua cảng đã được xác định mới có căn cứ để đầu tư mở rộng cảng này.
c. Về vận tải đường sắt
Đường sắt của Căm-pu-chia có hai tuyến: tuyến Phnôm Pênh – Kon-pon-som và tuyến Phnôm Pênh – Poipet, tuyến này được nối liền với tuyến đường sắt quốc gia của Thái Lan. Chiều dài của cả hai tuyến khoảng 625 km, đường đơn, khổ rộng 1 mét, tà vẹt bằng gỗ, có 266 cầu và 79 ga. Đường đã bị xuống cấp, cầu cống cần được sửa chữa, số lượng nhà ga chưa khôi phục còn nhiều, do đó khả năng đảm bảo an toàn cho việc chạy tàu rất thấp. Số lượng đầu máy, toa xe không ít so với yêu cầu, nhưng tình trạng kỹ thuật yếu kém không cho phép khai thác có hiệu quả. Mặt khác, khối lượng hàng hóa yêu cầu vận chuyển không lớn. Hiện nay, bình quân hàng năm đường sắt mới đảm nhiệm vận chuyển khoảng 120 ngàn tấn hàng, với khoảng cách vận chuyển bình quân 200 km. Với khoảng cách vận chuyển như trên thì ngành vận tải đường sắt không có hiệu quả kinh tế cao hơn so với vận tải ô tô, xét về chi phí cho 1 tấn km.
Vận tải đường sắt Căm-pu-chia hiện nay và trong tương lai đến năm 2005 chủ yếu đảm nhiệm một phần khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cảng Kon pon som và thực hiện vận chuyển liên vùng. Khối lượng hàng mà ngành đường sắt có thể phải đảm nhiệm vận chuyển trong tương lai vẫn chưa tận dụng hết khả năng thông qua của loại đường sắt khổ 1 mét, đường đơn (khả năng thông qua của loại đường này khoảng 2 triệu tấn/năm).
Trước mắt, cần tiếp tục khôi phục, sửa chữa các tuyến đường bao gồm nền đường, cầu cống, nhà ga, hệ thống thông tin tín hiệu để đảm bảo an toàn chạy tàu. Ưu tiên cho việc tiếp nhận hàng nhập khẩu rồi đến hàng xuất khẩu và vận chuyển liên vùng. Tiếp tục khôi phục, sửa chữa các loại toa xe và đầu máy để đáp ứng yêu cầu vận chuyển trước mắt. Trong tương lai, khi khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng lên, sẽ nghiên cứu việc nhập khẩu đầu máy và toa xe phù hợp với điều kiện của Căm-pu-chia (ví dụ: đầu máy công suất nhỏ, kéo ít, chạy nhanh, v.v…)
B. Bưu điện
Trước chiến tranh, Căm-pu-chia có mạng thông tin bưu điện từ Phnôm Pênh đến các thành phố, tỉnh lỵ: từ huyện có các phu trạm chạy đến các làng. Cơ sở vật chất chủ yếu gồm có: tổng đài điện thoại tự động 4.000 số ở Phnôm Pênh, 1.000 số ở Bat-tam-bong; hệ thống vô tuyến di động 50 số ở Phnôm Pênh; đài phát ngoại; đài phát nội; đường dây trần liên tỉnh và nội tỉnh; các bưu cục tỉnh, thành, huyện. Mạng thông tin bưu điện hoạt động thường xuyên và có chất lượng, đã phục vụ được nhu cầu thông tin tối thiểu của chính quyền và nhân dân.
Mạng thông tin này bị tàn phá trong chiến tranh và bị bọn Pôn-pốt phá huỷ trong khi tháo chạy gần như không còn gì, trừ tổng đài 4.000 số ở Phnôm Pênh là còn có thể sử dụng được.
Từ năm 1979 đến nay, được khôi phục và xây dựng thêm, mạng thông tin đã hoạt động trở lại với cơ sở vật chất như sau:
– Liên lạc điện thoại với Mat-xcơ-va, Hà Nội và liên lạc báo thoại với thành phố Hồ Chí Minh, qua trạm thông tin mặt đất In-ters-pút-nhich ở Phnôm Pênh.
– Liên lạc điện thoại giữa Phnôm Pênh với 16 tỉnh (trừ Stung-treng, Rát-ta-na-ki-ri, Mông-đôn-ki-ri, Crachê) bằng thiết bị vô tuyến ICOM 40W, vi ba băng hẹp R405 và RVG950. Dùng điện thoại đọc điện báo.
– 5 thành phố và tỉnh lỵ có tổng đài điện thoại tự động: Phnôm Pênh (4.000 số khôi phục), Bat tam bong (1.000 số), Kông-Pông-chàm (400 số), Kông-Pông-Xom (100 số), Can-đan (100 số). Các tỉnh lỵ khác có tổng đài điện thoại nhân công (50-200 số).
– Mở đường thư quốc tế đi Hà Nội (1 tuần 2 chuyến thư máy bay), đi thành phố Hồ Chí Minh (1 tuần 3 chuyến thư ô tô), đi Liên Xô (1 tháng 4 chuyến thư máy bay và thêm chuyến thư tàu thủy khi có tàu thủy).
– Đường thư liên tỉnh dùng xe khách để chuyển thư. Chưa có đường thư nội tỉnh (từng tỉnh tự tổ chức việc đưa thư, báo, công văn).
– Phát hành báo chí ở Phnôm Pênh.
Mạng thông tin trên chưa phục vụ được nhu cầu thông tin tối thiểu trong nước và quốc tế vì mạng chưa rộng khắp, không có ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, chất lượng thông tin rất xấu, dịch vụ nghèo nàn.
Gợi ý về phương hướng phát triển thông tin bưu điện đến năm 2005 như sau:
a.Củng cố, cải tạo mạng hiện có, đồng thời xây dựng một số công trình mới, hình thành mạng thông tin bưu điện từ Trung ương đến xã nhằm đáp ứng được nhu cầu thông tin cần thiết của các cơ quan, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nhu cầu của nhân dân. Tranh thủ viện trợ của nước ngoài để lắp đặt thiết bị hiện đại theo kỹ thuật số (digital), chủ yếu cho các đầu mối thông tin quốc tế, phù hợp với thiết bị của các nước có quan hệ viễn thông với Căm-pu-chia.
b. Phát triển dần các dịch vụ bưu điện chủ yếu theo nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và phù hợp với việc mở rộng mạng thông tin:
– Khai thác điện báo, điện thoại với Mat-xcơ-va, Hà Nội,…
– Mở telex quốc tế phục vụ các cơ quan trong nước và nước ngoài đóng tại Phnôm Pênh.
– Phát triển điện thoại đến các huyện, tiếp sau đến các xã.
– Mở telefax cho một số thuê bao điện thoại tự động ở các thành phố quan trọng.
– Truyền đưa số liệu phục vụ mạng tin học: bước đầu phục vụ ngân hàng, thống kê, khí tượng, sau đến các trung tâm máy tính, các máy tính, các thuê bao máy tính, các kho tin.
– Truyền tín hiệu phát thanh, truyền hình theo mức độ phát triển của phát thanh, truyền hình ở từng giai đoạn.
– Mở dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện, thư và điện chuyển tiền, phát hành báo chí đến huyện, rồi đến xã.
c. Tập trung đầu tư cho các công trình chủ yếu sau đây:
– Lắp thiết bị để làm điện báo và tăng kênh thoại cho trạm thông tin mặt đất In-ters-put-nhich.
– Nghiên cứu liên doanh với một số nước xây dựng trạm thông tin mặt đất thuộc hệ Intelsat ở Phnôm Pênh.
– Xây dựng đài duyên hải Kông-pông-som.
– Mở rộng và đặt tổng đài điện thoại tự động ở các tỉnh, thành; đặt các tổng đài nhân công ở các huyện, thị. Bảo đảm đến năm 2005 tổng số máy điện thoại khoảng 120.000 máy, mật độ điện thoại là 0,8-1,0 máy điện thoại/100 dân.
– Xây dựng mạng truyền đưa số liệu tốc độ thấp, sau đưa lên tốc độ cao.
– Mở rộng và xây dựng mới các đường vi ba từ Phnôm Pênh đi các tỉnh, thành; mỗi đường khoảng 10 kênh, sau nâng lên 24-120 kênh; với nơi có truyền tín hiệu truyền hình sẽ đưa lên 960 kênh hoặc 1.920 kênh (truyền bằng vi ba hoặc cáp quang).
– Xây dựng các đường vô tuyến hoặc vi ba băng hẹp hoặc dây trần từ tỉnh đến huyện, thị.
– Ở trạm viễn thông của một số tỉnh, thành, đặt cả máy phát thanh truyền hình có công suất một vài chục KW, ở Phnôm Pênh đặt thêm máy phát sóng trung công suất vài trăm KW.
– Xây dựng các bưu cục tỉnh, thành, huyện, thị.
VI. Ngoại thương
Trong những năm trước chiến tranh (1955-1970), Căm-pu-chia đã phát triển các quan hệ buôn bán và hợp tác với nhiều nước và tổ chức quốc tế.
Kim ngạch xuất khẩu trung bình khoảng 50-80 triệu đô la/năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo và cao su, riêng hai mặt hàng này chiếm 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngô là mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ ba, chiếm trên dưới 10% giá trị hàng xuất khẩu, còn lại là các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ lệ nhỏ như hạt tiêu, đỗ xanh, đay, lâm sản, thủy sản … Vì xuất dựa chủ yếu vào các mặt hàng nông sản nên kim ngạch xuất khẩu tăng giảm thất thường theo mùa màng. Mặt khác, cao su là của các chủ đồn điền người Pháp nên trong thực tế không phải đất nước Căm-pu-chia được sử dụng toàn bộ số kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đó.
Kim ngạch nhập khẩu trung bình từ 80 triệu đến 100 triệu đô la/năm. Hàng nhập khẩu phần lớn là hàng tiêu dùng, chiếm 60-70%, thậm chí 80% tổng giá trị hàng nhập khẩu. Tư liệu sản xuất chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ bé.
Cán cân thương mại thường xuyên thâm hụt. Mức thâm hụt khá lớn, bằng 20-60% kim ngạch xuất khẩu. Chỗ thâm hụt này được trang trải bằng các khoản viện trợ quốc tế (viện trợ không hoàn lại hoặc tín dụng dài hạn), mỗi năm khoảng 20-40 triệu đô la.
Ngoài việc bù đắp khoản nhập siêu về hàng hóa, viện trợ quốc tế được dùng để xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình công nghiệp và văn hóa xã hội. Nhờ viện trợ, trên một chục nhà máy quan trọng đã được xây dựng, trong đó có một số nhà máy, do khi chủ trương xây dựng không tính toán đầy đủ các điều kiện sản xuất và tiêu thụ nên hoạt động không có hiệu quả. Phần viện trợ quốc tế dành cho nông nghiệp không đáng kể.
Từ năm 1979 đến nay, do áp lực của các thế lực quốc tế thù địch với chế độ mới, nước Cộng hòa nhân dân Căm-pu-chia chỉ còn có quan hệ buôn bán và hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và một số rất ít nước khác.
Do hậu quả của chiến tranh và chế độ diệt chủng Pôn-pốt, sản xuất xã hội bị tàn phá nghiêm trọng. Qua 9 năm dưới chính quyền cách mạng, mặc dù nền kinh tế đã được phục hồi về mọi mặt, đến nay tổng sản phẩm xã hội cũng mới chỉ bằng khoảng 65% mức trước chiến tranh, trong khi dân số đã bằng 120%; do đó, nền kinh tế đứng trước một mâu thuẫn rất lớn; khả năng xuất khẩu giảm mạnh, nhưng nhu cầu nhập khẩu để khôi phục và phát triển kinh tế, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thì lại cao. Gạo trước chiến tranh là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mỗi năm 200-300 nghìn tấn, nay không còn là mặt hàng xuất khẩu nữa. Cao su, trước đây mỗi năm xuất khẩu 40 nghìn tấn, có năm tới 50 nghìn tấn, nay mới đạt được 26 nghìn tấn. Nhiều mặt hàng xuất khẩu khác cũng trong tình trạng tương tự. Vì thế, kể từ năm 1982, khi Nhà nước bắt đầu tổ chức việc buôn bán với nước ngoài, cán cân thương mại thâm hụt nghiêm trọng. Từ 1982 đến 1987, Căm-pu-chia xuất được trên 85 triệu rúp sang các nước xã hội chủ nghĩa, trong khi nhập từ các nước này trên 500 triệu, bình quân mỗi năm nhập siêu trên 70 triệu.
Từ 1979 đến 1982, Căm-pu-chia nhận được viện trợ nhân đạo của các tổ chức quốc tế, trung bình mỗi năm khoảng 100 triệu đô la, nhưng sau đó, do áp lực của các thế lực phản động quốc tế, các khoản viện trợ này không còn. Nước Căm-pu-chia chỉ còn nhận được viện trợ chủ yếu từ các nước xã hội chủ nghĩa. Liên Xô là nước viện trợ nhiều nhất cho Căm-pu-chia: theo những hiệp định đã ký kết, từ 1980 đến 1990, Liên Xô cho Căm-pu-chia vay 1.111 triệu rúp và viện trợ không hoàn lại 84 triệu. Các nước anh em khác, ngoài phần viện trợ không hoàn lại, cũng đã ký các hiệp định cho Căm-pu-chia vay 74,5 triệu rúp. Tính đến tháng 6/1987, Căm-pu-chia đã sử dụng gần 500 triệu rúp của Liên Xô và gần 10 triệu rúp của các nước khác.
Ngoài tiền viện trợ và cho vay để nhập khẩu hàng hóa, vật tư, thiết bị, các nước anh em còn cử chuyên gia giúp Căm-pu-chia trong các lĩnh vực kinh tế xã hội và giúp đào tạo cán bộ, công nhân lành nghề tại các nước ấy.
Các quan hệ buôn bán và hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa với Căm-pu-chia đã góp phần quyết định vào những thành tựu khôi phục và phát triển kinh tế xã hội của Căm-pu-chia trong thời gian qua.
Để đưa đất nước tiến lên, Căm-pu-chia cần tiếp tục mở rộng các quan hệ buôn bán và hợp tác với nước ngoài.
Củng cố, tăng cường liên minh và hợp tác với Liên Xô, Việt Nam và các nước khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa là bảo đảm vững chắc cho nhân dân Căm-pu-chia thực hiện thắng lợi sự nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế, đưa đất nước hướng theo con đường phát triển xã hội chủ nghĩa. Kết hợp xây dựng kinh tế với việc phân công lao động giữa Căm-pu-chia với các nước trong cộng đồng thể hiện qua các hiệp định dài hạn về hợp tác và buôn bán là một tiền đề quan trọng cho sự phát triển vững chắc của nền kinh tế Căm-pu-chia.
Mặt khác, cần có kế hoạch mở rộng các quan hệ kinh tế với các nước ngoài cộng đồng xã hội chủ nghĩa và các tổ chức quốc tế khi khả năng này xuất hiện.
Các quan hệ kinh tế với nước ngoài phải được xác định trên cơ sở các yêu cầu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, mọi hoạt động buôn bán với nước ngoài phải được đặt dưới sự quản lý của Nhà nước. Ngoại tệ thu được từ xuất khẩu, không kể của địa phương nào, ngành nào, phải được tập trung vào tay Nhà nước (Trung ương) để sử dụng cho các nhu cầu ưu tiên của đất nước.
Khả năng nhập khẩu tùy thuộc rất nhiều vào khả năng xuất khẩu. Để có thể nhập khẩu ngày một nhiều đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của công cuộc xây dựng đất nước, phải không ngừng tăng cường xuất khẩu. Trong thời gian kế hoạch dài hạn này, chưa thể đòi hỏi cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu, song phải phấn đấu thu hẹp dần chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu.
Muốn mở rộng được xuất khẩu không thể chỉ dựa vào việc sản xuất tự phát trong nhân dân; Nhà nước phải có các chính sách kinh tế kỹ thuật khuyến khích và hỗ trợ việc sản xuất hàng xuất khẩu, phải tổ chức việc sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tạo đủ các điều kiện sản xuất và tiêu thụ cho các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu.
Hiện nay và trong nhiều năm nữa, nguồn hàng xuất khẩu chủ yếu của Căm-pu-chia vẫn là từ nông nghiệp – ngành sản xuất vật chất lớn nhất trong nền kinh tế quốc dân (giá trị sản lượng nông nghiệp, năm 1985, chiếm 50% tổng sản phẩm xã hội). Việc khai thác các tiềm năng của nông nghiệp có thể sớm cho hiệu quả rõ rệt và đòi hỏi tương đối ít vốn đầu tư của Nhà nước. Ở đây đã có sẵn mấy triệu héc ta ruộng đất, một tài sản cố định khổng lồ được tích lũy qua nhiều thế hệ. Trong chi phí cho việc khai thác các tiềm năng của nông nghiệp có sự đóng góp của hàng triệu nông dân, Nhà nước chỉ phải đầu tư một phần. Điều này rất phù hợp với khả năng về vốn của Căm-pu-chia trong những năm trước mắt. Phương thức sản xuất trong nông nghiệp nói chung còn thô sơ, do đó, dự trữ để phát triển còn rất lớn. Chuyển từ sản xuất quảng canh sang thâm canh, dù mới chỉ trên những bước nhỏ, đã có thể đưa lại hiệu quả rõ rệt về năng suất và sản lượng.
Trước đây, trong nửa cuối những năm 50 và những năm 60, Căm-pu-chia đã từng xuất khẩu hàng năm một khối lượng gạo đáng kể, chiếm vị trí hàng đầu trong danh mục các hàng xuất khẩu. Hiện nay, Căm-pu-chia không xuất khẩu được gạo, có năm còn phải nhập khẩu, vì phương thức sản xuất về cơ bản vẫn như cũ, năng suất lúa vẫn xoay quanh mức cũ, nhưng diện tích trồng lúa mới chỉ khôi phục được bằng 70% mức trước chiến tranh, trong khi dân số đã cao hơn trước, điều đó khiến cho sản lượng thóc bình quân đầu người từ 448 kg năm 1968 giảm xuống còn 264 kg năm 1980 và 273 kg năm 1986, chưa bảo đảm nhu cầu tiêu dùng tối thiểu trong nước (ước tính là 300 kg/đầu người). Từ đó có thể thấy khả năng xuất khẩu gạo tùy thuộc vào sản lượng thóc theo đầu người, tức là tùy thuộc vào vấn đề thay đổi phương thức sản xuất để tăng năng suất lúa trên mỗi đơn vị diện tích, vào việc khôi phục và mở rộng diện tích trồng lúa và vào tốc độ tăng dân số trong tương lai. Nếu tăng năng suất lúa từ 1 tấn/ha hiện nay lên 2 tấn, nếu khôi phục hết diện tích trồng lúa trước đây để có 2,5 triệu héc ta trồng lúa và nêu việc kế hoạch hóa sinh đẻ được thực hiện làm cho nhịp độ tăng dân số từ 2,8% hiện nay giảm xuống còn 2-2,2% vào những năm cuối kỳ kế hoạch dài hạn này, bảo đảm đến năm 2005 dân số không quá 12 triệu người thì vào những năm đó, Căm-pu-chia có thể sản xuất được 5 triệu tấn thóc và xuất khẩu được 500.000 tấn gạo hoặc hơn.
Không phải đến những năm cuối kỳ kế hoạch dài hạn này, khi sản lượng thóc đã thực sự dư dật so với nhu cầu tiêu dùng trong nước mới bắt đầu xuất khẩu gạo. Để tăng được sản lượng thóc, không thể thiếu một số vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu… cho nên cần phấn đấu ngay trong thời kỳ kế hoạch 1991-1995 này, hàng năm xuất khẩu một số gạo để có thêm ngoại tệ nhập khẩu những vật tư đó.
Sau gạo, mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn của Căm-pu-chia là cao su. Về mặt hàng này, Căm-pu-chia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Đất nước đã có sẵn một diện tích trồng cao su không nhỏ: 64.000 héc ta, tính đến năm 1967. Diện tích đất thích hợp với cây cao su còn nhiều, gần 300.000 héc ta. Nếu từ nay, hàng năm trồng mới 2.000-3.000 héc ta thì đến những năm cuối của kế hoạch dài hạn này có thể xuất khẩu mỗi năm 70.000-80.000 tấn cao su hoặc hơn.
Một mặt hàng nông sản xuất khẩu khác đáng được quan tâm phát triển là ngô. Đất đai và khí hậu Căm-pu-chia rất thích hợp với sự sinh trưởng của cây ngô. Nhân dân Căm-pu-chia đã từng trồng ngô trên diện tích khá lớn và phần lớn sản phẩm làm ra là để xuất khẩu. Năm 1940 là năm kỷ lục về trồng và xuất khẩu ngô: trồng 260.000 héc ta, sản lượng 400.000 tấn, xuất khẩu 385.000 tấn. Trong các năm 1963-1967, đều trồng trên 100.000 héc ta, sản lượng 150.000-200.000 tấn, xuất khẩu trên dưới 150.000 tấn. Năng suất nói chung thấp, chỉ trên 1 tấn/ha, nhưng ở vùng Koh Thmei nhờ sử dụng một giống ngô có năng suất cao đã đạt trên 3tấn/ha. Qua đó dễ thấy ngô có thể trở thành một mặt hàng xuất khẩu quan trọng: nếu tổ chức trồng ngô trên 150.000-200.000 héc ta, sử dụng giống ngô có năng suất cao, thực hiện thâm canh thì có thể đạt bình quân 2,5 tấn trên một héc ta và sản lượng ngô sẽ là 350.000-500.000 tấn. Trước kia, phần lớn ngô được xuất khẩu, ngày nay cần phải dùng một phần – tạm ước tính – là một nửa để phát triển chăn nuôi, như vậy hàng năm cũng có thể xuất khẩu khoảng 200.000 tấn.
Ngoài các cây kể trên, Căm-pu-chia còn có khả năng phát triển các cây đỗ xanh, đỗ tương, vừng, thầu dầu, hạt tiêu, thuốc lá, v.v… Những cây này đã được trồng tương đối phổ biến, hàng năm đã cung cấp nhiều sản phẩm cho xuất khẩu. Ví dụ:
Cây đỗ xanh: trong những năm 60 diện tích trồng 42.000-48.000 héc ta, sản lượng 17.000-25.000 tấn, xuất khẩu bình quân hàng năm 4.000 tấn, năm cao nhất trên 9.000 tấn.
Cây đỗ tương: diện tích trồng trên 8.000 héc ta, sản lượng gần 10.000 tấn, xuất khẩu trên 5.000 tấn, năm cao nhất 8.500 tấn.
Cây vừng: diện tích trồng 7.000-19.000 héc ta, sản lượng 4.500-12.000 tấn, xuất khẩu 4.500 tấn, năm cao nhất 9.000 tấn.
Cây thầu dầu: đã có năm trồng tới 7.000 ha và xuất khẩu tới 4.000 tấn.
Cây hạt tiêu: năm 1968, diện tích trồng gần 900 héc ta, sản lượng 2.500 tấn. Xuất khẩu năm cao nhất 1.800 tấn.
Cây thuốc lá: 17.500 héc ta, sản lượng đạt trên 10.000 tấn. Đã có năm xuất khẩu gần 3.000 tấn.
Diện tích trồng những cây kể trên tăng giảm thất thường một phần quan trọng do sự biến động của giá cả trên thị trường. Năng suất các cây đều thấp do thiếu sự chăm bón cần thiết. Từ đó có thể thấy nếu có chính sách kinh tế, kỹ thuật tạo những điều kiện thuận lợi cho sản xuất thì sản lượng và khối lượng hàng xuất khẩu về những sản phẩm này chắc chắn sẽ tăng lên nhiều.
Ngoài những nông sản kể trên, cũng cần tính đến việc phát triển chăn nuôi để tăng thêm nguồn hàng xuất khẩu.
Đàn trâu bò, theo số liệu cuối năm 1967, lên tới trên 2,5 triệu con và trong những năm 1967, 1968 mỗi năm xuất khẩu trên dưới 25.000 con. Những năm 1940, đã xuất khẩu bình quân hàng năm 47.000 con và đầu những năm 1950 trung bình 35.000 con. Ngoài ra, trong thời gian 1958-1967, hàng năm còn xuất khẩu khoảng 930 tấn da trâu bò muối và phơi khô. Đó là trong tình hình việc chăn nuôi trâu bò do nông dân tự đảm nhiệm, thiếu sự giúp đỡ, khuyến khích của Nhà nước. Ngày nay, khi có sự giúp đỡ và khuyến khích của Nhà nước về các mặt kinh tế và kỹ thuật thì đàn gia súc sẽ tăng nhanh hơn và khả năng xuất khẩu cũng sẽ lớn hơn. Ngoài ra, để tăng giá trị hàng xuất khẩu, nên tổ chức thuộc da, thay việc xuất khẩu da muối, da phơi khô bằng xuất khẩu da thuộc và những sản phẩm làm bằng da.
Trước đây, trong những năm 1940-1950, trung bình hàng năm Căm-pu-chia cũng xuất khẩu 30.000-40.000 con lợn. Thời bấy giờ, đàn lợn chỉ có trên 1 triệu con, tính ra bình quân mỗi hộ nông dân chỉ nuôi hơn một con lợn, nếu tính theo diện tích trồng cây lương thực thì chưa tới một con lợn trên 2 héc ta. Ngày nay, cần đẩy mạnh việc chăn nuôi lợn để lấy phân bón ruộng, tăng năng suất cây trồng. Nếu mỗi héc-ta gieo trồng cây lương thực có 1 con lợn thì vào cuối kỳ kế hoạch dài hạn này sẽ có đàn lợn 2,5-3 triệu con, khả năng xuất khẩu thịt lợn sẽ tăng lên đáng kể.
Về lâm sản, lâu nay gỗ vẫn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Tuy trữ lượng gỗ còn nhiều, nhưng để không tổn hại đến vốn rừng, theo tính toán của các nhà chuyên môn, hàng năm không nên khai thác quá 500.000 m3 gỗ. Hiện nay chưa có điều kiện tính toán cụ thể nhu cầu tiêu dùng gỗ ở trong nước. Trong những năm 1960, nhu cầu này bình quân hàng năm khoảng 200.000 mét khối Trong những năm sắp tới, vì công cuộc xây dựng đất nước được đẩy mạnh hơn, nhu cầu này chắc chắn sẽ lớn hơn, tạm ước tính lên tới 300.000 m3 vào những năm cuối kỳ kế hoạch dài hạn này. Như vậy, khả năng xuất khẩu gỗ có thể đạt 200.000 m3/năm. Khả năng này có thể tăng thêm nếu việc sử dụng gỗ tiết kiệm và hợp lý hơn và nếu trong việc xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở nông thôn, gỗ được thay thế bằng những vật liệu xây dựng khác.
Về cá, năm 1966 đã từng xuất khẩu 20.000 tấn. Lúc này sản lượng cá theo đầu người khoảng trên 20 kg. Nhưng từ nhiều năm nay, nguồn lợi cá suy giảm. Ước tính đến cuối kỳ kế hoạch dài hạn này sản lượng cá đánh bắt sẽ vào khoảng 130.000 tấn, bằng sản lượng những năm 60, nhưng do dân số tăng hơn nhiều nên bình quân đầu người chỉ là 11 kg. Với sản lượng cá bình quân đầu người như vậy, việc xuất khẩu cá cần được cân nhắc hết sức chặt chẽ.
Khác với nông nghiệp, ngành công nghiệp Căm-pu-chia gặp nhiều khó khăn trên con đường phát triển vì thiếu nhiên liệu – năng lượng, nguồn khoáng sản nghèo nàn, nguồn nguyên liệu nông sản hạn chế. Do đó, trong việc xây dựng các nhà máy để đáp ứng nhu cầu trong nước hay để có sản phẩm xuất khẩu, cần tính toán đầy đủ các điều kiện sản xuất, khả năng tiêu thụ và hiệu quả. Trong những năm 60, nhiều nhà máy đã được xây dựng, nhưng do không tính toán đầy đủ các mặt, một số nhà máy đã bộc lộ là không có hiệu quả. Sản phẩm của các nhà máy xi-măng và thủy tinh chỉ đủ bù đắp chi phí về xăng dầu nhập về làm nhiên liệu và phát điện. Sản phẩm của nhà máy cao su khó tiêu thụ vì chất lượng sản phẩm đã kém hơn của nước ngoài, giá thành lại không hạ hơn bởi lẽ trừ cao su (chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong giá trị sản phẩm), các nguyên liệu khác đều phải nhập khẩu. Do sản phẩm khó tiêu thụ nên nhà máy cũng không huy động được một nửa công suất.
Ở các nước đang phát triển thường lưu hành một quan niệm cho rằng ở các nước này tiền công hạ hơn ở các nước công nghiệp phát triển, dựa vào “lợi thế” đó, sản phẩm làm ra sẽ rẻ hơn, tiêu thụ được và lãi nhiều. Nhưng thực tiễn đã không hoàn toàn chứng minh sự tính toán đó. Trong nhiều trường hợp, cái lợi do tiền công hạ mang lại không đủ để bù cái bất lợi do phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, do năng suất lao động và chất lượng sản phẩm nói chung thấp. Nhiều nước đang phát triển vay tiền về xây dựng nhà máy với hy vọng sẽ xuất khẩu được sản phẩm, cuối cùng đã không xuất khẩu được, do đó cũng không trả được nợ.
Trong những năm trước mắt, nguồn công nghệ phẩm phục vụ cho xuất khẩu chủ yếu trông vào ngành thủ công mỹ nghệ, ngành công nghiệp khai thác, chế biến đá quý, và ngành công nghiệp chế biến gỗ. Những ngành này sử dụng nguyên liệu có sẵn trong nước, tiền công lại hạ nên hiệu quả có thể cao.
Thực hiện được các phương hướng, mục tiêu sản xuất trên thì kim ngạch xuất khẩu có thể tăng từ 26,8 triệu đô la năm 1987 lên khoảng 300 triệu vào năm 2005, bình quân hàng năm tăng khoảng 16%.
Nếu kim ngạch xuất khẩu đạt được như vậy và nếu các nước anh em vẫn tiếp tục dành cho Căm-pu-chia một khoản nhập siêu khoảng 100 triệu rúp/năm như hiện nay thì vào năm 2005 kim ngạch nhập khẩu sẽ vào khoảng 400 triệu rúp, đô la.
Kim ngạch nhập khẩu phải được ưu tiên sử dụng vào việc nhập khẩu những tư liệu sản xuất để phát triển sản xuất nói chung, phát triển hàng xuất khẩu nói riêng.
Để có thể nhập khẩu được nhiều sản phẩm rất cần thiết mà trong nước chưa có khả năng sản xuất, cần cố gắng tổ chức sản xuất những sản phẩm mà trong nước có điều kiện sản xuất, thay thế dần cho sản phẩm nhập khẩu. Bông là một thí dụ. Hiện nay, sản lượng bông ở trong nước xem như không đáng kể (1985-1986: 320 tấn); việc giải quyết nhu cầu về may mặc hoàn toàn dựa vào nhập khẩu. Nhu cầu nhập khẩu có thể giảm nhiều nếu khả năng sản xuất ở trong nước được quan tâm khai thác. Ở Căm-pu-chia có nhiều vùng có thể phát triển trồng bông. Trong những năm 60, hàng năm trung bình đã trồng 6.000-7.000 ha bông, cá biệt năm 1961-1962 diện tích trồng bông đã tới 18.350 ha. Năng suất trung bình đạt 1 tấn bông hạt trên một héc ta, nhưng nếu thực hiện tốt việc trừ sâu, năng suất có thể đạt ở vùng đất đỏ 2 tấn, ở vùng đất đen 3 tấn. Sản lượng bông năm 1961-1962 đã đạt 27.450 tấn. Trong những năm 60, cùng với nghề trồng bông, trong nhân dân có nghề dệt vải, dệt màn. Trong danh mục hàng xuất khẩu của Căm-pu-chia thời bấy giờ có bông và hạt bông. Ngày nay, dân số Căm-pu-chia đông hơn trước nhiều, khả năng xuất khẩu bông không còn nữa, nhưng khả năng hạn chế nhập khẩu bông là điều có thể thực hiện được.
Việc nhập khẩu đay cũng tương tự. Hiện nay diện tích trồng đay chưa được khôi phục, sản lượng đay mới đạt trên 3.000 tấn, Căm-pu-chia vẫn phải nhập khẩu đay cho nhà máy dệt bao tải ở Bát tam bang. Nếu tổ chức tốt hơn việc trồng đay thì có thể không phải nhập khẩu đay nữa. Năm 1968, ở Căm-pu-chia đã từng trồng 7.500 héc ta đay với sản lượng 6.300 tấn đay.
Về nhiều loại hàng tiêu dùng khác như đường, giấy, bát đĩa, dao, cuốc, v.v… cũng nên khai thác khả năng sản xuất ở trong nước để hạn chế đi đến loại bỏ nhập khẩu những mặt hàng này.
VII. Văn hóa – xã hội
Trong mấy thập kỷ qua, lĩnh vực văn hóa – xã hội ở Căm-pu-chia phát triển chậm. Trừ thủ đô Phnôm Pênh và một số thành phố có trường học, bệnh viện và cơ sở văn hóa, nghệ thuật, còn ở các vùng nông thôn và miền núi rộng lớn của đất nước, tuyệt đại bộ phận nhân dân chưa được hưởng những quyền lợi và phúc lợi thiết yếu đó. Tỷ lệ người mù chữ trong nhân dân khá cao, nam trên 30%, nữ trên 80%. Hệ thống giáo dục, về tổ chức và nội dung, vẫn theo chương trình cổ lỗ của Pháp trước kia. Hệ thống y tế rất kém phát triển, công tác vệ sinh phòng bệnh không tốt nên dịch bệnh và tỷ lệ tử vong trong dân số khá cao (trên 2% hàng năm) và tuổi thọ bình quân thấp (42 tuổi), tuy về mặt lương thực thực phẩm, Căm-pu-chia không đến nỗi quá thiếu hụt như một số nước đang phát triển.
Từ năm 1975 đến năm 1978, bọn diệt chủng Pôn-pốt đã tàn phá sạch những cơ sở giáo dục, y tế và văn hóa, đã tàn sát hầu hết đội ngũ trí thức của đất nước (đến ngày giải phóng chỉ còn sót lại khoảng ba trăm cán bộ khoa học kỹ thuật).
Sau 9 năm hồi sinh, với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp giáo dục, y tế và văn hóa đã được hồi phục và phát triển mạnh mẽ. Năm 1985, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật được đào tạo dưới chế độ mới đã tăng hơn 10 lần so với lúc mới giải phóng, đã có trên ba ngàn cán bộ trình độ đại học và trên đại học, trên hai mươi ngàn cán bộ trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trên chín ngàn công nhân kỹ thuật. Tuy vậy, hiện nay trong các lĩnh vực kinh tế văn hóa, còn thiếu rất nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, nhất là trong hệ thống giáo dục phổ thông, y tế, nông nghiệp và nghiệp vụ kinh tế. Cơ sở vật chất của các ngành giáo dục, y tế, văn hóa còn rất nghèo nàn, lạc hậu, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đòi hỏi phải có thời gian mới khắc phục được.
Dự tính đến hết năm 1990, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật sẽ có trên sáu ngàn người có trình độ đại học và trên đại học (gấp 2 lần năm 1985), trên ba mươi ngàn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp và gần mười bảy ngàn công nhân kỹ thuật. Số lượng bác sỹ và y sỹ cao hơn nhiều lần so với thời kỳ cao nhất trước chiến tranh. Hệ thống giáo dục phổ thông có thể thu hút phần lớn trẻ em trong độ tuổi vào học sơ cấp, số học sinh trung học cấp 1 và trung học cấp 2 cũng tăng lên nhiều. Đây là cố gắng rất lớn của chính quyền cách mạng. Tuy vậy, về giáo dục, chất lượng còn rất yếu, về y tế thì mạng lưới phòng bệnh và chữa bệnh còn quá mỏng vì thiếu cán bộ y tế, thiếu phương tiện, chưa đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho đông đảo nhân dân.
Nói chung, sự nghiệp văn hóa – xã hội phát triển theo quy mô dân số, theo nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và phụ thuộc vào khả năng của nền kinh tế.
Thời kỳ 1991-2005, quy mô dân số của Căm-pu-chia tiếp tục phát triển nên nhu cầu của đông đảo nhân dân về học tập, về chăm sóc y tế và về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật tăng lên rất lớn, trong khi khả năng phát triển của nền kinh tế có hạn (đến năm 2005, các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp tính theo đầu người của Căm-pu-chia mới bằng mức năm 1968). Các trường đại học và các trường trung cấp chuyên nghiệp đã dành phần lớn tỷ lệ tuyển sinh hàng năm cho các ngành sư phạm, y tế để đảm bảo đến năm 2005 có đủ giáo viên cho ngành giáo dục và bác sỹ, y sỹ cho ngành y tế. Chi phí cho giáo dục và y tế chiếm một phần quan trọng trong Ngân sách Nhà nước (phần lớn các nước trên thế giới chi cho giáo dục và y tế lớn hơn quốc phòng và nói chung đều dành cho giáo dục khoảng 10 đến 20% ngân sách). Để đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật cho các ngành giáo dục, y tế và văn hóa, xu thế chung của các nước là huy động hợp lý các nguồn vốn từ Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và sự đóng góp của cá nhân.
Phương hướng phát triển sự nghiệp văn hóa – xã hội ở Căm-pu-chia thời kỳ 1991-2005 là: tích cực củng cố và nâng cấp dần các cơ sở giáo dục, y tế và văn hóa hiện có ở các thành phố, phát triển cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ của các ngành này đến tuyến huyện và xã để cải thiện dần đời sống tinh thần và bảo vệ sức khoẻ cho đông đảo nhân dân lao động. Phấn đấu xóa nạn mù chữ, giảm tỷ lệ chết trong dân số nhất là trong trẻ sơ sinh, tăng dần tuổi thọ bình quân. Mục tiêu của từng ngành như sau:
a. Về giáo dục quốc dân
Tiến hành cải cách giáo dục, xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất từ mẫu giáo đến giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp.
Hệ thống giáo dục phải bảo đảm cho tất cả trẻ em trong độ tuổi được học hết cấp một, thực hiện phổ cập cấp 1.
Quy mô phát triển và sự phân luồng ở mỗi cấp giáo dục phải hợp lý, bảo đảm kế thừa và tiếp tục hoàn chỉnh quá trình giáo dục để cung cấp lực lượng lao động có chất lượng cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian học của các cấp học phải gắn với trình độ phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 1991-2005. Nên xác định hệ giáo dục phổ thông 11 năm, trung cấp chuyên nghiệp 3 năm và đại học 4 năm. Nội dung chương trình học tập cần xác định hợp lý, bảo đảm hướng nghiệp cho giáo dục phổ thông ngay từ trung học cấp 1; giáo dục chuyên nghiệp phải gắn với thực tế sản xuất của các ngành kinh tế và yêu cầu tiến bộ khoa học kỹ thuật.
– Về giáo dục phổ thông
Hoàn thành việc phổ cập giáo dục phổ thông cấp sơ học cho trẻ em trong độ tuổi. Mở rộng hệ thống bổ túc văn hóa cho mọi người đều được học thường xuyên, liên tục để nâng cao trình độ văn hóa. Phát triển hợp lý trung học cấp 1 và trung học cấp 2 phù hợp với sự phân luồng học sinh vào hệ thống dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp và đại học.
– Về đào tạo chuyên nghiệp
Sắp xếp lại mạng lưới trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề hiện có một cách hợp lý để có thể tận dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Trên cơ sở mạng lưới các trường được sắp xếp lại, phân công ngành và cấp đào tạo cho các trường nhằm đáp ứng có hiệu quả nhất yêu cầu về cán bộ khoa học – kỹ thuật và công nhân kỹ thuật cho các ngành kinh tế trên các vùng lãnh thổ. Tập trung sức đào tạo cán bộ các ngành có nhu cầu số lượng lớn (dự tính ngành sư phạm chiếm 40% tổng số cán bộ đại học, ngành y tế trên 12%, ngành nông nghiệp trên 14% và ngành kinh tế trên 13%) nhưng lại không đòi hỏi điều kiện trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật quá cao, chi phí đào tạo tốn kém. Còn lại các ngành khoa học kỹ thuật khác chỉ chiếm tỷ trọng thấp, nhưng đòi hỏi điều kiện trang bị kỹ thuật cao, chi phí đào tạo tốn kém, có thể tranh thủ nhờ các nước bạn đào tạo giúp trong một thời gian nhất định. Nên ưu tiên phát triển hệ thống đào tạo trung cấp chuyên nghiệp để sớm có cán bộ bổ sung cho những vùng nông thôn rộng lớn đang quá thiếu cán bộ.
b. Về y tế
Tích cực củng cố và nâng cấp các cơ sở y tế hiện có ở các tỉnh, thành phố. Tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế để mở rộng cơ sở y tế ở tuyến huyện và xã. Đảm bảo mỗi huyện đều có bệnh viện huyện và đội vệ sinh phòng dịch, có bác sỹ điều trị; mỗi xã có trạm y tế xã, có y sĩ phụ trách và y sĩ sản nhi, có tủ thuốc chữa bệnh và có vườn thuốc dân tộc.
Tranh thủ viện trợ của OMS (Tổ chức y tế thế giới) để trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho các bệnh viện huyện và các trạm y tế xã, tạo điều kiện triển khai công tác phòng bệnh và chữa bệnh cho đông đảo nhân dân.
Dựa vào các bệnh viện Trung ương, bệnh viện tỉnh và bệnh viện huyện để tổ chức, hướng dẫn nhân dân về vệ sinh ăn uống, bảo vệ môi trường sống và phòng bệnh. Tích cực đào tạo và bố trí hợp lý lực lượng bác sỹ, y sĩ, y tá từ Trung ương đến tỉnh, huyện và xã. Đến năm 2005, số bác sỹ tính trên 1 vạn dân và số giường bệnh ở các cơ sở y tế còn rất thấp (trên 2 bác sỹ cho 1 vạn dân), vì vậy cần có tổ chức khám bệnh và chữa bệnh thật hợp lý, linh hoạt mới có thể chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân lao động một cách có hiệu quả.
c. Về văn hóa
Củng cố và nâng cấp dần các cơ sở văn hóa hiện có như Viện bảo tàng, nhà triển lãm, rạp hát, rạp chiếu phim, mạng lưới phát thanh, truyền hình. Chú trọng tổ chức các đội văn hóa lưu động (chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và bán sách, báo,…) đến các vùng nông thôn và miền núi. Đây là công cụ có hiệu lực để tuyên truyền cho lối sống mới lành mạnh, phục hồi những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tổ chức tốt mạng lưới truyền thanh và phát hành báo chí đến tận các vùng xa xôi nhất để nhân dân được thường xuyên biết tình hình đất nước và các nội dung văn hóa, nghệ thuật.
d. Về các vấn đề xã hội
Cũng như tình hình chung ở các nước đang phát triển, từ nay đến năm 2005, dân số Căm-pu-chia tiếp tục tăng, số người lao động cũng tăng tương ứng. Một trong các vấn đề xã hội lớn nhất là tạo ra việc làm cho mọi người đến tuổi lao động. Từ nay đến năm 2005, khu vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vẫn là nơi thu hút phần lớn lao động xã hội để đảm bảo vừa mở rộng diện tích vừa thâm canh tăng năng suất. Lao động xã hội tăng từ ba triệu lên sáu triệu người. Với mức huy động lao động xã hội là 80% thì sẽ phải bố trí 4,8 triệu lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Riêng các ngành nông, lâm, ngư nghiệp đã cần tới 4 triệu lao động. Khu vực kinh tế quốc doanh quan trọng như công nghiệp, giao thông – bưu điện, xây dựng và quản lý Nhà nước, các ngành giáo dục và y tế tổng cộng chiếm khoảng ba mươi vạn lao động. Các ngành tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ xã hội chiếm khoảng năm mươi vạn lao động.
Như vậy trong thời kỳ 1991-2005 vấn đề bố trí sử dụng lao động xã hội ở Căm-pu-chia tương đối thuận lợi. Vấn đề xã hội còn lại là: lao động nữ trong lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, phải có biện pháp cải tiến công cụ vận chuyển, làm đất, thu hoạch và sơ chế sản phẩm để giảm nhẹ cường độ lao động cho phụ nữ.
Lớp trẻ ra đời sau ngày giải phóng sẽ là lực lượng lao động chủ lực vào thời kỳ 2000-2005; cần được hướng nghiệp ngay trong quá trình học phổ thông và được huấn luyện nghề nghiệp để tham gia có hiệu quả vào quá trình sản xuất xã hội. Đây là tiềm lực của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội nhưng nếu không giải quyết tốt thì đây cũng là nguyên nhân đưa đến sự mất ổn định xã hội.
Vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho số thương binh, những người bị thương tật trong chiến tranh cũng là nhiệm vụ rất nặng nề và lâu dài đối với một nước lâm vào cảnh chiến tranh kéo dài mấy thập kỷ.
VIII. Khoa học – kỹ thuật
Trong thời kỳ phát triển kinh tế trước chiến tranh, Căm-pu-chia đã xây dựng và phát triển một số cơ sở đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, bên cạnh đó còn gửi đào tạo tại một số nước Tây Âu, Mĩ, Liên Xô và Đông Âu. Hướng đào tạo tập trung nhiều cho các môn luật, xã hội, y dược và một số ngành kinh tế, chỉ một số ít đi vào các ngành kỹ thuật công nghệ. Trong thời gian này, Căm-pu-chia nhận được viện trợ của một số nước và tổ chức quốc tế, xây dựng được một số công trình công nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi và dịch vụ. Công tác điều tra đánh giá tài nguyên mới làm được ở mức sơ lược, chưa đủ số liệu và căn cứ cho định hướng sử dụng, đặc biệt đối với tài nguyên khoáng sản.
Sau giải phóng, nguồn viện trợ chỉ còn từ phía Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, tập trung cho phục hồi các cơ sở đã có. Công tác đào tạo được mở rộng, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật phát triển nhanh về số lượng, được sử dụng chủ yếu vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và quản lý Nhà nước.
Cho đến nay, công tác khoa học kỹ thuật chưa được định hướng rõ phục vụ phát triển kinh tế, chưa có hệ thống các cơ sở nghiên cứu và triển khai, chưa có hệ thống quản lý khoa học kỹ thuật, một số cơ sở đào tạo chưa có bộ phận nghiên cứu thực nghiệm, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật còn nhỏ bé.
Từ tình hình trên, chúng tôi gợi ý phương hướng phát triển khoa học kỹ thuật của Căm-pu-chia trong thời gian tới nên là: đẩy mạnh phần nghiên cứu ứng dụng và triển khai, nhanh chóng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật của các nước vào sản xuất, hướng vào giải quyết trước tiên các nhiệm vụ của nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và sử dụng tốt các tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và con người; xây dựng tiềm lực khoa học kỹ thuật về tổ chức, đào tạo đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật…
Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt mà hoạt động thiếu hiệu quả như nhiều nước đang phát triển đã gặp phải, việc xây dựng các đơn vị nghiên cứu triển khai cần được xác định rất rõ ràng về nhiệm vụ, được đầu tư để đủ năng lực xác định công nghệ, quy trình kỹ thuật, có khả năng thử nghiệm làm cơ sở chắc chắn cho sản xuất đại trà. Có thể tổ chức các trung tâm hoặc Viện nghiên cứu triển khai thuộc các Bộ, ngành hoặc thuộc các trường đại học. Những vùng sản xuất chuyên môn hóa có quy mô tập trung (như cao su, ngô, cá ở Biển Hồ) nên có trung tâm (Viện) gắn liền với đơn vị sản xuất.
Nên tập trung vào một số hoạt động sau:
1. Hình thành một số trung tâm nghiên cứu triển khai trong trường Đại học Nông nghiệp nhằm:
– Nghiên cứu để tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật về các giống cây lượng thực thực phẩm đã phổ biến trong sản xuất ở Việt Nam hoặc đã thí nghiệm ở Viện lúa quốc tế (IRRI) để có các giống có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, phèn, mặn, úng, thích nghi với điều kiện của Căm-pu-chia. Nghiên cứu để có bộ giống thích hợp theo cơ cấu mùa vụ cho các vùng, nhằm đưa hệ số sử dụng đất trước mắt lên 1,2 lần.
– Nghiên cứu việc phân vùng nông nghiệp, định hướng sử dụng đất, kết hợp với việc bố trí kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, theo hướng sử dụng tối đa các yếu tố thuận, hạn chế tối đa các yếu tố hại trong khi khai thác. Hết sức lưu ý việc chống xói mòn, thoái hóa đất.
– Nên xem xét gắn liền với những định hướng của Ủy ban Quốc tế sông Mê Công để khai thác nông nghiệp vùng Biển Hồ và lưu vực sông Mê Công.
2. Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội, hình thành các trạm trại thực nghiệm (hoặc trung tâm) theo sản phẩm, theo cây con, theo vùng chuyên canh,…Cụ thể là:
– Trung tâm nghiên cứu về lúa đặt ở vùng lúa chuyên canh cao sản.
– Trung tâm nghiên cứu về ngô đặt ở vùng ngô chuyên canh.
– Trung tâm nghiên cứu về cây cao su.
– Trung tâm nghiên cứu về bông.
– Trung tâm nghiên cứu về nuôi cá nước ngọt và sử dụng Biển Hồ, có kèm theo các trạm quan trắc biến đổi môi trường.
– Trung tâm nghiên cứu về rừng và sản phẩm của rừng, có kèm theo các vườn ươm, trạm thực nghiệm (về các cây đặc sản, cây thuốc, cây làm bột giấy), các rừng cấm, rừng bảo vệ.
3. Sớm xây dựng trung tâm tài nguyên và môi trường để tập trung làm nhanh việc điều tra đánh giá các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Trước tiên cần giải quyết một số nhiệm vụ cụ thể:
– Xây dựng cơ sở vật chất và lực lượng cán bộ chuyên môn để nhanh chóng lập và hiệu đính bộ bản đồ địa hình thống nhất cả nước phục vụ cho việc lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
– Lập bộ bản đồ tài nguyên thiên nhiên về đất, nước, rừng, khí hậu, địa chất khoáng sản. Ứng dụng nhanh kỹ thuật viễn thám, ảnh máy bay để có thể làm nhanh sản phẩm, đặc biệt trong điều kiện an ninh mặt đất chưa bảo đảm. Tốt nhất là được Liên Xô giúp đỡ cung cấp ảnh chụp từ vệ tinh, chụp ảnh máy bay, trang bị phương tiện thiết bị phân tích và xử lý, đào tạo cán bộ; mặt khác, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.
– Nên sớm hình thành bộ phận nghiên cứu, thăm dò, khai thác và gia công ngọc, đá quý, để sớm tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao.
4. Hình thành cơ quan quản lý khoa học kỹ thuật vừa làm đầu mối liên hệ quốc tế và hợp tác quốc tế, vừa nghiên cứu các hướng đầu tư hợp tác với nước ngoài về khai thác và chế biến gỗ, khai thác du lịch, khai thác Biển Hồ và lưu vực sông Mê Công, tham gia một số tổ chức quốc tế về khoa học kỹ thuật và về kinh tế xã hội.
5. Sớm tổ chức điều tra dân số toàn quốc để có tư liệu cần thiết cho bố trí kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Việc này nên tranh thủ sự giúp đỡ của Tổ chức Dân số thế giới để có phương tiện xử lý nhanh các kết quả.
Về mặt vốn nước ngoài, nên dành cho khoa học kỹ thuật những khoản viện trợ nhân đạo và viện trợ không hoàn lại, không nên dùng vốn tín dụng dài hạn (trừ trường hợp mua công nghệ hoặc lit-xăng cho sản xuất).
IX. Phân bố lực lượng sản xuất
1. Do các yếu tố lịch sử, phân bố dân cư và lao động ở Căm-pu-chia rất không đồng đều giữa các vùng. Hiện nay ở khu vực đồng bằng và ven Biển Hồ, chỉ chiếm 33% diện tích tự nhiên, tập trung tới 90% dân số. Trong những thập kỷ qua, nhờ vào nguồn của cải thiên nhiên tương đối phong phú, mà chỉ bằng phương thức canh tác cổ truyền nặng về bóc lột tự nhiên, vẫn đảm bảo nuôi sống được dân số đã tăng lên nhiều lần. Song, thời gian tới, khi dân số tăng lên đến mức cao, có thể đạt tới 12-13 triệu người thì vùng đất nhỏ bé tập trung dân cư này sẽ không còn đủ sức chứa, mất đất nông nghiệp rất nhanh cho xây dựng nhà ở và các công trình công cộng, sẽ tạo ra sức ép rất lớn trong quá trình giải quyết lương thực thực phẩm, tạo việc làm, nâng cao mức sống dân cư trong khu vực. Trong khi đó, phần đất rộng lớn ở vùng đồi núi biên giới và ven biển, dân cư thưa thớt không đủ khả năng khai thác tiềm năng nông nghiệp, lâm nghiệp và khoáng sản.
Từ đặc điểm trên cho thấy, trong quá trình phát triển kinh tế, một mặt phải đẩy mạnh thâm canh, đưa khoa học kỹ thuật nông nghiệp vào vùng dân cư tập trung nhằm tăng năng suất cây trồng, bù lại phần đất nông nghiệp đã mất, mặt khác phải từng bước phân bố lại dân cư và lao động trong cả nước. Đây là vấn đề cơ bản và cấp thiết do lịch sử để lại phải giải quyết.
2. Căm-pu-chia có thuận lợi cơ bản về quỹ đất. Trong thời gian qua cũng đã hình thành một cách tự nhiên những vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống như vùng cao su tập trung 6 vạn héc ta, các vùng trồng bông (năm cao đạt 1,9 vạn héc ta), đay (năm cao đạt 5.000 héc ta), thuốc lá (đạt 8.000 héc ta). Những khu vực này có khả năng hình thành những vùng sản xuất chuyên môn hóa gắn với công nghiệp chế biến quy mô vừa, còn lại phần lớn phân bố manh mún, khó có khả năng tạo vùng sản xuất tập trung cao độ cung cấp sản phẩm cho xuất khẩu và nguyên liệu cho công nghiệp. Từ đặc điểm phân bố tài nguyên nông nghiệp và tập quán canh tác cho thấy hướng phân bố sản xuất nông nghiệp, một mặt hình thành những vùng sản xuất tương đối tập trung quy mô vừa gắn với công nghiệp chế biến, mặt khác phải đi theo một cơ cấu lãnh thổ đa dạng trong nông – lâm nghiệp, phát triển hình thức phân bố công nghiệp chế biến quy mô nhỏ, thích hợp với phân bố sản xuất nguyên liệu nhỏ, phân tán.
3. Với một nền công nghiệp hết sức nhỏ bé, mới chỉ được bắt đầu xây dựng từ những năm 1960, song sự phân bố công nghiệp Căm-pu-chia đã phản ánh một nền công nghiệp phụ thuộc vào nước ngoài về nhiên liệu, năng lượng, nguyên vật liệu. Phần lớn công nghiệp được phân bố tập trung vào các thành phố lớn, tiện giao thông cho nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu như Phnôm Pênh, Kông-pông-som, Bát-tam-bang…Công nghiệp phân bố ở đây có những đặc điểm:
a. Phần lớn không gắn với nguồn nhiên liệu, năng lượng và tài nguyên khoáng sản trong nước. Đến nay Căm-pu-chia chưa có nguồn than có giá trị công nghiệp, chưa tìm thấy dầu và khí. Nhiên liệu trong nước chủ yếu dựa vào nguồn gỗ, song gỗ ở những vùng tập trung dân cư như các thành phố nói trên đã khai thác cạn kiệt, nguồn gỗ bị đẩy ra xa các thành phố, vận chuyển khó khăn, giá thành cao. Khoáng sản đến nay chưa được thăm dò đầy đủ, những khu vực có khoáng sản thì rất xa nơi phân bố công nghiệp (trừ nhà máy xi măng ở Cam Pốt), giao thông vận tải không thuận tiện.
b. Công nghiệp vốn rất nhỏ bé, lại do nhiều nước khác nhau giúp xây dựng, nên các xí nghiệp này được bố trí rời rạc, không có khả năng bổ sung chonhau, hỗ trợ lẫn nhau trong từng khu vực.
c. Cũng do tình trạng công nghiệp còn nhỏ bé, đến nay chưa nảy sinh những mâu thuẫn lớn do phân bổ công nghiệp quá tập trung gây ra như ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Có thể nói, điều kiện để phân bố hợp lý công nghiệp ở Căm-pu-chia còn hết sức rộng rãi. Mặt khác, cũng phải thấy sự bố trí các xí nghiệp công nghiệp riêng lẻ, rời rạc; với công nghệ lạc hậu, xen vào những khu dân cư đông đúc ở các thành phố, đặc biệt ở Phnôm Pênh, đã gây ra những cản trở nhất định đến khả năng mở rộng xí nghiệp và không đảm bảo vệ sinh thành phố. Trong hướng phân bố công nghiệp sắp tới, không thể duy trì tình trạng phân bố riêng lẻ từng xí nghiệp mà phải trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của mỗi thành phố.
4. Với đặc điểm địa hình, cùng với việc chú trọng phát triển giao thông trước đây, Căm-pu-chia đã hình thành được một mạng lưới giao thông tương đối tốt, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và hàng không. Điều này tạo thuận lợi cho việc tập trung phát triển kinh tế vào những thành phố có sẵn cấu trúc hạ tầng và lao động, là đầu mối giao thông, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo cung cấp thuận tiện nguyên liệu và cung cấp sản phẩm đến nơi tiêu thụ.
Từ thực trạng phân bố lực lượng sản xuất như trên, hướng phân bố lực lượng sản xuất sắp tới chưa có khả năng phát triển sản xuất một cách đồng đều trên toàn lãnh thổ, cũng chưa có khả năng phân bố tập trung dày đặc ở một số khu vực nhất định. Với điều kiện tài nguyên thiên nhiên và đặc điểm kinh tế – xã hội Căm-pu-chia, hướng phân bố lực lượng sản xuất trong thời gian tới có thể là:
- Trong kế hoạch phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, hết sức chú ý xây dựng những vùng sản xuất lương thực tập trung, có năng suất cao, trong đó xây dựng vùng lúa thâm canh 40 vạn héc ta trên các vùng đất tốt, có khả năng chủ động tưới tiêu thuộc các tỉnh Bát-tam-bang, Kan Đan, Svây Riêng, Kông-pông-chàm, Takeo, Pơrâyveng.
Đặc biệt chú trọng phát triển vùng lúa hạ lưu sông Mê Công là nơi có mật độ dân cư cao, gần thủ đô là nơi tập trung công nghiệp của cả nước. Vùng này đảm nhận cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho thủ đô, đồng thời có thuận lợi là được sự hỗ trợ mạnh của thủ đô về điện, công cụ, máy móc thiết bị nông nghiệp.
Đối với vùng ven Biển Hồ là vùng còn 20 vạn héc ta lúa nổi, có liên quan chặt chẽ đến nguồn cá nước ngọt, có phù sa bồi hàng năm, hướng sản xuất lúa ở đây nên đi bằng tăng vụ do chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có tính sinh học, khỏi ảnh hưởng đến nuôi cá và động vật khác.
- . Hình thành một số vùng chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp ổn định, có năng suất tương đối cao, gắn chặt chẽ với chế biến quy mô vừa như: vùng cao su Kông-pông-chàm; vùng đay ở Bát-tam-bang, còn ở Phnôm Pênh không nên bố trí trồng đay, mà dành cho vùng thực phẩm cung cấp cho thành phố; vùng trồng bông ở Kông-pông-chàm và Bát-tam-bang; vùng mía tập trung ở Kông-pông-chàm và Kan Đan; vùng thuốc lá ven sông Mê Công, tập trung ở Kông-pông-chàm. Đồng thời tiến hành phân bổ công nghiệp chế biến nông lâm sản, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp theo hình thức phân tán ở các địa phương gắn với các vùng nguyên liệu nhỏ.
- Ở những thành phố sẵn có cấu trúc hạ tầng, có lao động và điều kiện cung cấp nhiên liệu, năng lượng như Phnôm Pênh, Bát-tam-bang, Kông-pông-chàm, cần tiếp tục khôi phục và cải tạo những xí nghiệp đã có, mở rộng những xí nghiệp có khả năng tạo nguồn nguyên liệu vững chắc trong nước. Đồng thời tiến hành quy hoạch các khu vực tập trung công nghiệp ở những nơi tiện giao thông, có mặt bằng thuận tiện, có khả năng cấp điện nước, v.v…để thu hút công nghiệp mới sẽ xây dựng, tránh ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư tập trung, từng bước hình thành các trung tâm công nghiệp gắn với hệ thống dân cư đô thị.
Đối với thành phố Phnôm Pênh, đây là trung tâm lớn nhất của cả nước, đã tập trung 70% giá trị sản lượng công nghiệp, thủ công nghiệp và 40% tài sản cố định, cần từng bước hoàn thiện chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, công nghiệp, khoa học kỹ thuật và văn hóa của cả nước. Trong những năm trước mắt, Phnôm Pênh cần bảo đảm cung cấp một phần quan trọng hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghiệp khác cho cả nước. Ngoài ra, Phnôm Pênh còn là đầu mối du lịch nối liền với Kong-pong-som và Xiêm Riệp.
Để thực hiện chức năng nhiệm vụ trên của Phnôm Pênh, cần tận dụng cấu trúc hạ tầng sẵn có, đảm bảo tăng lực lượng sản xuất công nghiệp trên cơ sở đảm bảo nhiên liệu, năng lượng, nguyên liệu, sử dụng tối đa công suất các xí nghiệp hiện có, tăng năng suất lao động trong các ngành công nghiệp. Về phát triển nông nghiệp của thành phố, cần ổn định diện tích gieo trồng ở mức 2,6 vạn ha, xây dựng vành đai thực phẩm kết hợp chăn nuôi, đưa năng suất lúa lên 4-5 tấn/ha cung cấp một phần lương thực, thực phẩm cho thành phố, phần còn lại được cung cấp từ Prây veng, Takeo, Bát-tam-bang.
Về quy mô dân số Phnôm Pênh, cần hết sức chú ý hạn chế việc tăng quá nhanh dân số. Từ sau ngày giải phóng dân số thành phố Phnôm Pênh đã lên tới 60 vạn người. Trong những năm tới, các yếu tố tác động đến tăng quy mô dân số chưa có khả năng phát triển nhiều: công nghiệp chưa có khả năng đóng vai trò lớn trong việc giải quyết việc làm, các cơ sở dịch vụ chưa có khả năng thu hút nhiều lao động. Các trường đào tạo bao gồm trường đại học, trung cấp và dạy nghề chưa có khả năng mở thêm ngoài việc tận dụng và củng cố cơ sở đã có, nên không thu hút thêm nhiều học sinh. Các cơ quan quản lý hành chính cũng đã quá đông, vượt quá mức cần thiết, không thể tăng thêm cán bộ. Trong khi đó kết cấu hạ tầng của thành phố còn quá kém, mới chỉ khôi phục được một phần. Nếu tiếp tục tăng dân số sẽ tạo thành một sức ép lớn về lương thực, thực phẩm, tạo việc làm, nhà ở, dịch vụ công cộng… Vì vậy trong 15 năm tới cần hạn chế mức tăng cơ học, giảm mức tăng tự nhiên thấp hơn mức trung bình của cả nước, giữ mức khoảng 70 vạn người, để có thể đưa tỷ trọng nguồn lao động lên 50-55% và thu hút tối đa lao động của thành phố vào các ngành kinh tế, văn hóa tại chỗ.
- Đi đôi với phát triển sản xuất nhằm thu hút lực lượng ở vùng đông dân ven Biển Hồ và hạ lưu sông Mê Công, đặc biệt là thu hút tối đa lực lượng lao động ở các thành phố lớn trong vùng, cần từng bước đầu tư vào việc phân bố lại dân cư và lao động, chuyển một cách thận trọng và có trọng điểm một bộ phận dân cư lao động ở vùng đông dân đến các cao nguyên, trước hết đến các vùng trồng cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Ưu tiên đưa lao động đến vùng cao su ở Mondulkiri và Rattanakiri. Đồng thời có thể đưa lao động đến khai thác đá quý, sét, đá vôi, phốt pho rít, gỗ quý,…ở vùng ven biển và vùng cao nguyên.
Phụ lục 1
So sánh mức sản xuất những sản phẩm chủ yếu qua các thời điểm
Các chỉ tiêu | Đơn vị | 1968 | 1980 | 1986 | % so với 1968 | |
1980 | 1986 | |||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
Nông nghiệp | ||||||
– Đất trồng lúa | nghìn ha | 2.510 | 1.441 | 1.618 | 57,4 | 64,5 |
– Đất trồng ngô | “ | 101 | 101 | 42 | 99,0 | 41,2 |
– Cao su (cạo mủ) | ha | 39.1471 | 5.000 | 36.000 | 12,8 | 92,0 |
– Lúa | nghìn tấn | 3.251 | 1.715 | 2.093 | 52,8 | 64,4 |
– Ngô | “ | 154 | 101 | 41 | 65,6 | 26,6 |
– Đậu các loại | “ | 25,2 | 9,6 | 22,2 | 38,1 | 88,1 |
– Vừng | “ | 4,9 | 1,5 | 6,9 | 30,6 | 140,8 |
– Lạc vỏ | “ | 26 | 2,4 | 4,7 | 9,2 | 18,1 |
– Mía | “ | 44,8 | 23,1 | 166 | 51,6 | 370,5 |
– Thuốc lá | “ | 13,7 | 5,3 | 6,1 | 38,7 | 44,5 |
– Bông | “ | 2,5 | 0,1 | 1,2 | 5,6 | 48,0 |
– Cao su (mủ) | “ | 51,3 | 1,3 | 24,5 | 2,5 | 47,8 |
– Bò | nghìn con | 1.7951 | 722 | 1.705 | 43,0 | 95,0 |
– Trâu | “ | 6841 | 375 | 635 | 54,8 | 92,8 |
– Lợn | “ | 1.152 | 131 | 1.160 | 11,4 | 100,7 |
– Gỗ tròn | nghìn m3 | 327,9 | 20,7 | 126,2 | 6,3 | 38,5 |
– Gỗ xẻ | “ | 140 | 12,5 | 13,3 | 8,9 | 9,5 |
– Củi | nghìn ster | 307,9 | 26 | 103,3 | 8,4 | 33,5 |
– Cá | nghìn tấn | 171 | 51,6 | 69,1 | 30,2 | 40,4 |
Công nghiệp | ||||||
– Điện | triệu KWh | 108 | 104 | 151 | 96,3 | 139,8 |
– Vải các loại | triệu m | 24,2 | 2,4 | 6,4 | 10,0 | 26,6 |
– Xà phòng | nghìn tấn | 2,8 | 0,1 | 1 | 3,6 | 34,5 |
– Rượu | triệu lit | 10 | 0,14 | 2,5 | 1,4 | 25,0 |
– Thuốc lá | triệu bao | 271,5(1) | 3,6 | 84 | 1,3 | 30,9 |
Một số chỉ tiêu bình quân đầu người
Các chỉ tiêu | Đơn vị | Số tuyệt đối | %so với 1968 | |||
1968 | 1980 | 1986 | 1980 | 1986 | ||
– Lúa | kg | 448 | 264 | 273 | 58,9 | 60,9 |
– Ngô | nt | 23 | 15,5 | 5,3 | 67,4 | 23,0 |
– Đậu | nt | 3,8 | 1,5 | 2,9 | 39,5 | 76,3 |
– Cao su (mủ) | nt | 7,7 | 0,2 | 3,2 | 2,6 | 41,5 |
– Gỗ tròn | m3 | 0,049 | 0,003 | 0,016 | 6,1 | 32,6 |
– Cá | kg | 25,7 | 7,9 | 9,0 | 30,7 | 35,0 |
– Điện | KWh | 16,2 | 16 | 19,7 | 98,8 | 121,8 |
– Vải | m | 3,6 | 0,37 | 0,8 | 10,3 | 22,2 |
– Xà phòng | kg | 0,42 | 0,015 | 0,13 | 3,5 | 30,9 |
– Rượu | lít | 1,5 | 0,02 | 0,33 | 1,33 | 21,8 |
– Thuốc lá | bao | 41,8 | 0,55 | 11 | 1,3 | 26,3 |
Phụ lục 2
Tài nguyên thiên nhiên
- Đặc điểm địa lý – địa chất
Căm-pu-chia nằm trên bán đảo Đông Dương, bên bờ vịnh Thái Lan, có tọa độ địa lý 10,50-14,50 độ vĩ Bắc và 102-108 độ kinh Đông. Diện tích lục địa là 181.035 km2. Đường biên giới lục địa dài 2.100 km, bờ biển dài 435 km. Chiều dài từ Bắc xuống Nam là 440 km, từ Tây sang Đông là 560 km.
Theo Fromaget thì hai lục địa cổ Gondvana và Âu Á tiến lại gần nhau đã xóa bỏ biển Têtít cổ, tạo nên máng biển ở bán đảo Đông Dương. Các lãnh thổ mà nay thuộc Inđônêxia, Philipin, Malaysia, Singgapore, Nam bộ Việt Nam, Căm-pu-chia, Thái Lan, Miến Điện lúc đó đều chìm sâu dưới máng biển. Các hoạt động tạo núi tiếp theo đã làm mất dần máng biển và tạo thành lục địa ở khu vực này. Sau hoạt động tạo núi Anpi thì hình thể bán đảo Đông Dương đã gần như ngày nay. Sự có mặt của các sinh vật biển hóa đá ở các núi cao của Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia; các mỏ muối ở Bắc Lào, Thái Lan; các bồn chứa dầu mỏ ở thềm lục địa Việt Nam, ở trũng Korạt (thuộc Thái Lan và Lào)… là bằng chứng của các vận động địa chất đã nêu trên.
Căm-pu-chia có địa hình như một lòng chảo lớn mà đáy là Biển Hồ. Dãy núi đá vôi Con Voi thuộc hệ thống núi Krovanh chạy men theo bờ biển ngăn cách vịnh Thái Lan với lục địa Căm-pu-chia. Độ cao bình quân của hệ thống núi Krovanh là trên 1.000 m. Đây là hệ thống núi cổ nhất ở Căm-pu-chia. Hệ thống núi trẻ hơn là Đăng rếch, có độ cao trung bình 800 m, kéo dài 300 km, ngăn cách cao nguyên Korạt của Thái Lan với Căm-pu-chia. Tiếp theo là các cao nguyên Ratanakiri và Slonga gắn liền với khối nền cổ Kontum của Việt Nam. Đó là các cao nguyên xếp tầng có nguồn gốc giống các cao nguyên thuộc vùng Tây Nguyên của Việt Nam. Các cao nguyên này được phủ một lớp phun trào của đá bazan, nhiều nơi đã phong hóa thành loại đất đỏ đặc trưng. Ở đây cũng đã phát hiện được những mỏ bốc-xít có quy mô công nghiệp.
Ở Căm-pu-chia, núi và cao nguyên bao quanh đồng bằng trung tâm. Sau thời kỳ tạo núi, biển đã rút ra xa như hiện nay, kèm theo là sự bồi lắng, đổi dòng của các sông trong lục địa. Đồng bằng Căm-pu-chia có tầng phía dưới là trầm tích biển, tầng phía trên là lớp phù sa sông khá dày. Những vùng phù sa mới là những vùng đất màu mỡ, những vùng phù sa cổ là các thềm sông cổ, không được bồi đắp thêm, lại bị xói mòn và thiếu nước cho nên đất bạc màu.
Biển Hồ nằm giữa đồng bằng trung tâm có chiều dài 150 km, chiều rộng 35 km ở nơi rộng nhất. Mùa khô (từ tháng 11 đến đầu tháng 5) diện tích mặt nước là 270.000 héc ta, độ sâu cột nước là 0,80 đến 2,00 m. Mùa nước, diện tích mặt nước lên tới 1 triệu héc ta, độ sâu cột nước tới 12 m.
Trên vùng núi cao và cao nguyên của Căm-pu-chia có nhiều loại khoáng sản và nhiều diện tích rừng quan trọng của đất nước. Đây là vùng dân cư thưa thớt, cấu trúc hạ tầng còn sơ sài, giao lưu có nhiều khó khăn.
Đồng bằng trung tâm là địa bàn sản xuất chính về nông nghiệp của đất nước với hai ngành phát triển là trồng trọt và đánh cá. Canh tác chủ yếu vào mùa mưa, dựa vào nước tự nhiên. Mùa khô phổ biến là thiếu nước, ngay cả các thềm phù sa cổ cũng khó khai thác nếu không có các công trình thủy lợi.
- Khí hậu
Đất nước Căm-pu-chia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhận một lượng bức xạ mặt trời lớn. Hàng năm có khoảng 220 ngày nắng với nền nhiệt độ trung bình năm cao tới 270C, và biên độ năm khá lớn. Trong tháng 4, nhiệt độ có thể tới 40,50C, nhưng cuối tháng 12 hạ xuống tới 160C. Do hoạt động của gió mùa (gió Tây Nam và gió Đông Bắc) khí hậu ở Căm-pu-chia bị phân hóa khá rõ rệt theo thời gian, đặc biệt là chế độ ẩm, hình thành 2 mùa tương phản như là kết quả các tác động của gió thịnh hành.
Từ tháng 10-11 tới tháng 3-4 là thời kỳ hoạt động của gió mùa Đông Bắc (mang tính lục địa), thời tiết khô hanh, độ ẩm không khí trung bình 67-68%, có ngày dưới 30%. Lượng mưa trung bình 300 mm. Cán cân ẩm nghiêng hẳn về phía lượng bốc hơi (tới 700 mm).
Từ tháng 5 tới tháng 9, gió mùa Tây Nam thổi từ Ấn Độ Dương tới sườn Tây Nam dãy Krôvanh trên bờ vịnh Thái Lan tạo ra mưa lớn. Lượng mưa trung bình ở đây từ 2.000 đến 4.000 mm, vào lòng chảo trung tâm giảm xuống còn 1.500-2.500 mm, tới vùng núi cao phía Bắc và Đông Bắc lượng mưa tăng lên đến 2.500-3.200 mm. Độ ẩm không khí trung bình 87-88%.
Mặc dù 85% tổng lượng mưa phân bố trong các tháng mùa mưa nhưng trong thời gian này vẫn có thể hạn hán. Vì vậy, vẫn phải chủ động áp dụng các biện pháp thủy lợi thích hợp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Nhìn chung ở Căm-pu-chia, ngoài vùng ven biển và vùng núi cao phía Bắc có khí hậu tương đối ôn hòa, với các yếu tố khí hậu khá ổn định (do tác dụng điều hòa của rừng), vùng đồng bằng lòng chảo trung tâm đặc trưng bởi chế độ khí hậu khắc nghiệt. Ở đây, lượng mưa và số ngày mưa thấp nhất trong cả nước, mùa mưa lại trùng với mùa nước dâng. Nước từ sông Mê Công và các sông nhánh từ các núi cao đổ dồn về Biển Hồ, tạo nên diện tích ngập nước rất lớn. Có năm lũ cao làm mất trắng hàng trăm ngàn héc-ta mùa màng. Vào mùa khô, những nơi đất cao ven lòng chảo lại thiếu nước trầm trọng. Vì vậy, để khắc phục những mặt không thuận lợi của khí hậu, mở ra triển vọng thâm canh nông nghiệp, song song với việc bảo vệ rừng và trồng rừng, thủy lợi phải được xem là biện pháp cơ bản, lâu dài.
- Đất
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Căm-pu-chia thì trong 18.103.500 héc ta đất tự nhiên, có 6.685.000 héc ta đất nông nghiệp, trong đó 6.000.000 héc ta ở đồng bằng và bình nguyên thấp, 675.000 héc ta đất bazan ở phía Đông Bắc, 10.000 héc ta đất bazan ở hệ thống núi Krovanh. Trong số đất nông nghiệp nói trên, đã khai thác được 3 triệu héc ta, gồm 2,5 triệu héc ta trồng lúa và 0,5 triệu héc ta trồng các cây khác.
Cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch Căm-pu-chia thì diện tích rừng là 13.227.100 héc ta. Nếu diện tích rừng là 13,2 triệu héc ta thì diện tích đất nông nghiệp (6,685 triệu héc ta) đã được tính lấn vào đất rừng khoảng 1,8 triệu héc ta. Điều đó có nghĩa là: nếu dựa vào con số 6,685 triệu héc ta đất nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp thì sẽ phải khai phá làm đất nông nghiệp khoảng 1,8 triệu héc ta hiện đang được coi là rừng.
Số liệu về diện tích rừng nêu trên, thực ra có thể tin cậy được, vì nó phù hợp với số liệu Atlat tài nguyên thiên nhiên của Căm-pu-chia 1968, phù hợp với cả số liệu phân tích ảnh Landsat 1983-1986.
Cũng theo Atlat tài nguyên của Căm-pu-chia 1968 thì ngoài đất rừng và đất đã trồng trọt, còn một số loại đất khác:
– Diện tích hồ đầm sông suối: | 730.000 ha |
– Diện tích thổ cư: | 90.000 ha |
– Diện tích đồng cỏ tự nhiên và vùng ngập nước: | 950.000 ha |
Những diện tích này tổng cộng lên tới 1,77 triệu héc ta.
Trong việc khai phá đất mới để làm nông nghiệp, cần lưu ý đến những lời khuyên của một số chuyên gia như Ellis G.Knox và Trần Kim Thạch: ưu tiên khai thác các vùng đất thuận ven sông, suối, tránh những diện tích thiếu nước về mùa khô và ngập lụt vào mùa nước, chú trọng các yếu tố thâm canh hơn quảng canh. Bên cạnh đó, cần tính đến năng lực đầu tư cho thủy lợi phù hợp với quy mô mở rộng diện tích, cũng như năng lực đầu tư cho những cơ sở hạ tầng sản xuất và đời sống.
Căm-pu-chia có địa hình lòng chảo dốc thoải xuống Biển Hồ. Trên cùng là các dãy núi cao. Dưới chân núi cao là vùng đồi gò và cao nguyên. Ở đây, rừng bị tàn phá, đất bị xói mòn mạnh. Tiếp theo vùng đồi, gò là vùng thềm phù sa cổ ở độ cao thấp hơn. Đây là vùng thiếu nước, khô cằn, chỉ có thể canh tác về mùa mưa. Dưới nữa là vùng phù sa mới, được bồi đắp hàng năm. Đây là vùng đất màu mỡ nhất và thường bị ngập vào mùa mưa. Vùng đất phù sa cổ và vùng đất phù sa mới là những vùng đất tốt nhất của Căm-pu-chia. Đó cũng là địa bàn canh tác chủ yếu của nhân dân Căm-pu-chia.
- Rừng
Số liệu thống kê về tài nguyên rừng của Căm-pu-chia năm 1960 cho biết diện tích các loại rừng và độ che phủ của rừng như sau:
Các loại rừng | Diện tích (1.000 ha) | Tỷ lệ trong tổng diện tích | Độ che phủ của rừng (%) |
– Rừng ngập nước | 681,4 | 5,15 | – |
– Rừng đước và tràm | 95,8 | 0,72 | – |
– Rừng thưa | 5.296,7 | 40,04 | – |
– Rừng rậm | 3.955,3 | 29,90 | – |
– Rừng nửa rậm | 2.504,0 | 18,93 | – |
– Rừng núi | 288,7 | 2,18 | – |
– Rừng thông | 17,8 | 0,13 | – |
– Rừng tre | 387,4 | 2,95 | – |
Tổng cộng | 13.227,1 | 100 | 73 |
Cũng theo tài liệu trên, trữ lượng của rừng như sau:
Các loại gỗ | Trữ lượng (1.000 m3) | Tỷ lệ trong tổng trữ lượng | Trữ lượng gỗ
kinh tế * (1.000 m3) |
– Gỗ quý | 18.373 | 2,22 | 10.233 |
– Gỗ loại 1 | 250.429 | 30,32 | 188.476 |
– Gỗ loại 2 | 224.653 | 27,21 | 176.794 |
– Gỗ loại 3 và các loại khác | 332.388 | 40,25 | 188.645 |
Tổng cộng | 825.842 | 100 | 564.148 |
- Gỗ kinh tế được tính trên cơ sở những cây có đường kính từ 30 cm trở lên.
Tài liệu gần đây dựa trên sự phân tích ảnh vệ tinh LANDSAT năm 1983-1986 cho biết về tài nguyên rừng của Căm-pu-chia như sau:
Các loại rừng | Diện tích (1.000 ha) | Tỷ lệ trong tổng diện tích |
Trữ lượng (1.000 m3) | Tỷ lệ trông tổng trữ lượng |
Trữ lượng bình quân (m3/ha) | Độ che phủ của rừng (%) |
– Rừng ngập nước | 1.127,9 | 8,30 | 4.286,0 | 0,53 | 3,80 | – |
– Rừng ngập mặn | 153,5 | 1,13 | 2.609,0 | 0,32 | 17,00 | – |
– Rừng khộp | 5.806,6 | 42,71 | 189.585,7 | 23,34 | 32,65 | – |
– Rừng nửa rụng lá | 2.147,1 | 15,79 | 179.087,3 | 22,05 | 83,41 | – |
– Rừng thường xanh | 4.359,1 | 32,07 | 436.724,9 | 53,76 | 100,19 | – |
Tổng cộng | 13.594,2 | 100,0 | 812.293,4 | 100,0 | 59,75 | 75,2 |
Hai nguồn tài liệu trên cho thấy tài nguyên rừng ở Căm-pu-chia khá phong phú, độ che phủ của rừng tương đối cao (trên 70% diện tích tự nhiên toàn quốc).
Các loại rừng ở Căm-pu-chia có tổng trữ lượng gỗ hơn 800 triệu m3, bình quân mỗi héc ta 60 m3. Ba loại rừng: rừng khộp, rừng nửa rụng lá và rừng thường xanh, chiếm đại bộ phận diện tích và trữ lượng gỗ.
Về mặt diện tích, rừng khộp hoặc rừng thưa, chiếm phần lớn nhất (trên 5 triệu héc ta), tiếp đó là rừng thường xanh hoặc rừng rậm và rừng núi (trên 4 triệu héc ta), sau đến rừng rụng lá hoặc rừng nửa rậm (trên 2 triệu héc ta).
Về mặt trữ lượng gỗ thì rừng thường xanh chiếm phần lớn nhất (trên 400 triệu m3), trữ lượng gỗ bình quân trên mỗi ha cũng cao nhất (100 m3). Rừng khộp và rừng nửa rụng lá có trữ lượng gỗ ngang nhau (100 triệu m3 gỗ mỗi loại), nhưng trữ lượng gỗ bình quân trên mỗi ha của rừng nửa rụng lá cao hơn rừng khộp 2,5 lần.
Về mặt chất lượng gỗ thì theo phân loại của Rolt: gỗ tạp chiếm 46,5%, gỗ loại nhì và loại ba chiếm 49,8%, gỗ loại nhất và gỗ quý chiếm 3,7%. Như vậy, chất lượng gỗ của rừng Căm-pu-chia vào loại cao.
Các loại rừng được phân bố trên lãnh thổ như sau:
Rừng thường xanh tập trung ở các tỉnh Cocong (970.000 héc ta), Pusat (570.000 héc ta), Kon pong thom (430.000 héc ta), Xiêm riệp (370.000 héc ta), Kratie (400.000 héc ta), Ratanakiri (330.00 héc ta).
Rừng nửa rụng lá tập trung ở các tỉnh Ratanakiri (400.000 héc ta), Bat-tam-bang (380.000 héc ta), Xiêm riệp (320.000 héc ta), Kon-pong-cham (300.000 héc ta).
Rừng khộp tập trung ở tỉnh Modunkiri (1 triệu héc ta), Pretvi-hia (2 triệu héc ta), Bat-tam-bang (0,75 triệu héc ta). Rừng khộp có khả năng cho gỗ thấp. Cần rất thận trọng khi khai thác rừng khộp, vì rừng này gồm tập đoàn cây họ dầu sống trên vùng khô hạn, nếu chặt đi sẽ rất khó phục hồi.
Đối với rừng ngập nước (ngọt và mặn) phải rất chú trọng bảo vệ, đặc biệt là rừng ngập nước ngọt quanh Biển Hồ, vì đây là nơi quần tụ của cá giống và cá sinh đẻ, lại có tác dụng chống xói mòn, chống lấp đầy lòng hồ. Nguồn lợi về cá do rừng mang lại lớn hơn nhiều so với nguồn lợi về gỗ củi.
Trữ lượng gỗ cây đứng của rừng được xác định khoảng 812 triệu m3. Phần gỗ cành ngọn khoảng 195,5 triệu m3. Như vậy, tổng trữ lượng gỗ và củi khoảng 1 tỷ m3.
Nếu tính lượng tăng trưởng bình quân hàng năm của các loại rừng ở Căm-pu-chia là 0,5% thì có thể khai thác được 4 triệu m3 gỗ/năm. Nhưng phải loại trừ rừng đầu nguồn, rừng quốc gia, rừng bảo vệ nguồn cá, rừng bảo vệ sản xuất… còn lại mới là rừng kinh tế. Loại rừng này ở Căm-pu-chia chiếm khoảng 50% trữ lượng gỗ. Trên thực tế, không phải bất cứ khu rừng kinh tế nào cũng thuận tiện cho việc khai thác. Vì thế, lượng gỗ có thể khai thác hàng năm phải được tính toán rất cụ thể và thận trọng. Năm 1960, Căm-pu-chia đã khai thác 400.000 m3 gỗ. Nhưng đó mới là số gỗ khai thác mà Nhà nước kiểm soát được. Kinh nghiệm cho biết lượng củi và gỗ do dân cư những nơi có rừng khai thác có thể gấp mấy lần số gỗ khai thác mà Nhà nước kiểm soát được.
Để bảo vệ tài nguyên rừng, ngoài việc khai thác một cách hợp lý, cần ngăn chặn tệ phá rừng làm rẫy và nạn cháy rừng. Theo Nari Iva, năm 1960 có 100.000 héc ta rừng bị đốt để làm rẫy và 700.000 héc ta rừng bị cháy. Đốt rừng và cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về gỗ mà còn tác hại đến nguồn nước, khí hậu, mùa màng, xua đuổi chim thú đi nơi khác, làm mất nhiều sản vật quý dưới tán rừng, làm mất những gien quý và hiếm khó có khả năng tái sinh.
- Nước
Sông lớn nhất ở Căm-pu-chia là sông Mê Công, bắt nguồn từ độ cao 5.000 m trên cao nguyên Tây Tạng quanh năm tuyết phủ. Dòng Mê Công tại thác Khôn trên đất Lào chảy từ độ cao 80 m xuống độ cao 49 m (so với mặt biển) để đổ vào Căm-pu-chia. Tại Stung-Treng, lưu lượng nước lại qua một thác cao 13 m (từ độ cao 49 m đổ xuống độ cao 36 m) để chảy về Kratié. Lượng nước từ nguồn chảy về đến Kratié, là 425-500 tỷ m3/năm, chiếm 80% lượng dòng chảy. Lượng nước từ Kratié ra đến biển chỉ chiếm 20%. Mùa mưa, lượng nước chảy về đến Kratié chiếm 95% lượng dòng chảy. Như vậy, Căm-pu-chia chịu sự tác động mạnh của nguồn nước lớn từ xa đổ về. Khi mực nước sông lên quá 7 m (so với mặt biển) thì nước tràn bờ, chỉ còn 1/3 lượng nước chảy trên dòng chính. Mùa nước kiệt, lưu lượng nước ở Kratié bình quân là 1.764 m3/S, mùa lũ lên đến 52.000 m3/S, bình quân năm là 14.116 m3/S. Nước sông mang theo một lượng lớn bùn cát. Tại Kratié, tính được lượng bình quân năm là 134 triệu tấn, chiếm 0,07% lượng dòng chảy. Đối với Căm-pu-chia, sông Mê Công đã mang lại một khối lượng lớn nước mặt, một khối lượng lớn phù sa và có tiềm năng lớn về thủy điện.
Sông lớn thứ hai của Căm-pu-chia là sông Tông-lê-sáp, có chiều dài 420 km, bắt nguồn từ dãy núi cao thuộc cao nguyên Thái Lan. Sông chảy qua đồng bằng lòng chảo trung tâm của Căm-pu-chia và gặp sông Mê Công ở Phnôm Pênh. Ở đoạn trung lưu, sông Tônglêsáp phình ra, chỗ rộng nhất tới 35 km, hình thành Biển Hồ, dài 150 km. Tả ngạn Biển Hồ có 7 sông nhỏ bắt nguồn từ dãy núi Đăng-Rếch chảy vào, hữu ngạn có 6 sông nhỏ bắt nguồn từ dãy núi KroVanh và mấy sông khác từ dãy núi PhnômSaiKhao của Thái Lan chảy tới. Trong mùa nước, sông Tông-lê-sáp phải chứa thêm một lượng nước rất lớn từ sông Mê Công dồn sang. Biển Hồ trở thành một hồ chứa nước tự nhiên trong lục địa, mỗi năm có tới 100-120 ngày chứa 80 tỷ m3 nước. Biển Hồ giữ một vị trí quan trọng trong việc điều tiết nước. Sau mùa lũ, lượng nước chảy trở lại sông Mê Công là 34 tỷ m3. Khối lượng nước dồn vào và thoát ra rất lớn, nhưng lại diễn ra rất từ từ. Nhân dân Căm-pu-chia từ lâu đời đã biết lợi dụng quy luật này để bố trí mùa vụ và cây trồng thích hợp. Trong mùa mưa, nước sông Mê Công dồn qua Biển Hồ làm mực nước Biển Hồ từ độ sâu 2 m dâng lên 12 m. Nước dồn lên nguồn sông Tông-lê-sáp đến tận gần biên giới Thái Lan, làm ngập một diện tích rất lớn. Ngược lại, vào mùa khô lại thiếu nước trầm trọng, vì những biện pháp giữ nước lại để sử dụng còn rất hạn chế.
Mùa nước là mùa thuận lợi cho các phương tiện vận tải thủy từ Phnôm Pênh vào sâu các tỉnh nội địa qua Biển Hồ và sông Tông-lê-sáp.
Tiềm năng thủy điện và thủy lợi trên các dòng sông của Căm-pu-chia rất lớn. Trước mắt, làm thủy điện và thủy lợi quy mô vừa và nhỏ là thích hợp và có ý nghĩa thiết thực.
Biển Hồ còn là nguồn cá quan trọng nhất của Căm-pu-chia, hàng năm đánh bắt được 5-6 vạn tấn (số liệu 1981-1982).
Sông Tông-lê-sáp là một sông đã ổn định, độ dốc lòng sông từ thượng nguồn đến hạ lưu (nơi gặp sông Mê Công) rất nhỏ. Đoạn giữa của sông mở rộng thành Biển Hồ. Toàn bộ sông Tông-lê-sáp, trong đó chủ yếu là Biển Hồ, thực hiện chức năng của một hồ chứa tự nhiên trong mùa nước lớn và điều hòa nước sau mùa lũ đối với đồng bằng trung tâm Căm-pu-chia cũng như đối với vùng hạ lưu sông Mê Công.
- Biển
Căm-pu-chia có vùng biển không lớn (chỉ bằng 1/4 diện tích lục địa) với chiều dài bờ biển 435 km. Vùng biển Căm-pu-chia là một phần thềm lục địa nông của Vịnh Thái Lan, có độ sâu trung bình 40-50 m. Đáy biển khá bằng phẳng với chất đáy chủ yếu là bùn và bùn cát, thuận lợi cho việc khai thác hải sản.
Các công trình nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và tài nguyên vùng biển Căm-pu-chia hiện còn ít ỏi. Qua một số tài liệu cho thấy nguồn lợi hải sản ở đây không lớn: hàng năm có thể khai thác khoảng 50-70 ngàn tấn, chủ yếu ở vùng gần bờ, nơi có độ sâu từ 15 đến 35 m.
Vùng biển Căm-pu-chia kín gió và hầu như không bị ảnh hưởng của bão, rất thuận lợi cho các hoạt động trên biển. Bờ biển có một số vũng vịnh lớn kín gió, có thể xây dựng hải cảng và các công trình ven biển như: Vịnh Kong-pong-som, vịnh Lem Đăk, vịnh Viêm Rênh,… Cảng Kong-pong-som trước năm 1970 đã đạt công suất trên nửa triệu tấn/năm, trong tương lai có thể cải tạo và mở rộng lên hàng triệu tấn/năm.
Việc khai thác cảnh quan tự nhiên của bờ biển và của các hải đảo để phát triển du lịch kết hợp với các tuyến du lịch trên đất liền có nhiều triển vọng.
Cho đến nay, chưa có một tài liệu điều tra nghiên cứu cụ thể nào về tài nguyên khoáng sản và sa khoáng biển ở vùng biển Căm-pu-chia. Tuy nhiên, với triển vọng dầu khí ở Vịnh Thái Lan, với tiềm năng to lớn về thiếc sa khoáng biển của vành đai Đông Nam Á mà chủ yếu là ở một số nước lân cận của Căm-pu-chia như Malaysia, Thái Lan,… thì việc điều tra nghiên cứu nguồn lợi khoáng sản và sa khoáng biển ở vùng biển Căm-pu-chia là một vấn đề đáng được quan tâm.
- Khoáng sản
Các tài liệu về địa chất khoáng sản có được hiện nay chủ yếu do người Pháp công bố trước năm 1954. Những năm 1957-1968, Trung Quốc đã giúp điều tra tìm kiếm sắt, than, đá vôi làm xi-măng, măng-gan; Ba Lan và Pháp đã giúp nghiên cứu dầu khí. Pháp đã khảo sát sắt, đồng, chì, măng-gan, thiếc, molipđen, kẽm, vàng, phôt-pho-rít vào những năm 1961-1966. Những năm 1961-1968, Uỷ ban Quốc tế sông Mê Công đã nghiên cứu bốc-xít, cao lanh, sét, thạch cao, đá vôi,… Đã thành lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200.000 trên cơ sở tổng hợp các tài liệu đã có được và sử dụng số liệu do xử lý ảnh vệ tinh LANDSAT, nhưng chưa được kiểm tra mặt đất.
Theo các tài liệu có được đến hôm nay, chúng ta biết trên lãnh thổ Căm-pu-chia có trên 60 mỏ và điểm quặng, trong đó số mỏ có trữ lượng quy mô công nghiệp không nhiều.
– Khoáng sản năng lượng:
Than đá phân bổ rải rác, chưa tìm thấy điểm nào có giá trị khai thác công nghiệp. Phần lớn vỉa mỏng, phân bố hẹp. Theo tài liệu địa chất, trong những trầm tích tuổi T3n-r, khó có khả năng chứa than có quy mô công nghiệp.
Than bùn phục vụ dân sinh và làm phân bón có triển vọng ở một số vùng trũng ở quy mô công nghiệp địa phương.
Dầu khí chưa có đủ tài liệu để kết luận. Cần xem xét ở thềm lục địa trên vịnh Thái Lan, hướng vào trầm tích có tuổi đệ tam, đệ tứ. Vùng Biển Hồ cần được xem xét hướng cả vào trầm tích màu đỏ có tuổi J-K theo kiểu trũng Korạt trên lãnh thổ Thái Lan và Lào.
– Kim loại đen
Gặp chủ yếu ở phía Đông – Bắc. Quặng sắt có ở Phnôm Dek trữ lượng 5-6 triệu tấn. Mỏ rất nhỏ, điều kiện giao thông khó khăn, không có giá trị công nghiệp.
Măng-gan ở Cheep, kiểu phong hóa laterit, có trữ lượng 18-20 vạn tấn.
Cho đến nay, nguyên liệu khoáng cho luyện kim đen chưa thấy có triển vọng.
– Kim loại màu
Điểm quặng đồng Phnômker chưa được đánh giá.
Cụm điểm quặng chì – kẽm gần Sam Rông, tỉnh Kong Pongspư là loại hình có triển vọng.
Biểu hiện bốc-xít ở Phnôm Krepen, Phnôm Dong và cao nguyên Hautchlong có nhiều triển vọng, cần đánh giá chất lượng.
Các điểm quặng thiếc – Vonfram gốc; thiếc trong chì – kẽm, molipden ở Phnôm bacsac Phnôm Thong chưa được đánh giá.
Antimoan gặp ở Srepeang.
Về kim loại màu, căn cứ vào loại hình thành tạo của các điểm quặng đã biết thì thấy rất đáng lưu ý quặng đồng và thiếc – molipđen đi với đá phun trào và các xâm nhập nông có thành phần trung tính.
– Vàng và đá quý
Trữ lượng chung ước tính cho vàng chưa có cơ sở để đánh giá. Mỏ Bosuptrup có trữ lượng 440.000 tấn quặng, lấy ra được 6,6 tấn vàng kim loại.
Đá quý ở Căm-pu-chia có nhiều loại: rubi, saphia, Ziacon, granat, picotit. Mỏ Pailin đã được khai thác, có năm đạt 2.000-2.500 cara, chủ yếu là saphia và rubi. Ngọc phải được gia công mài chạm tinh vi mới có giá trị cao. Công việc này rất thích hợp với sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Các mỏ huyền được khai thác ở Danton và Anlengchau. Mỏ đá tạc tượng Pagodit ở Trassey Kong-pong-chnang cần được đánh giá, khai thác và gia công chế biến.
Vàng và đá quý ở Căm-pu-chia là các khoáng sản có giá trị công nghiệp, cần được đánh giá, khai thác và chế biến để tạo nguồn ngoại tệ cho đất nước.
– Phôtphorit
Gặp trong các hang đá vôi ở phía Tây và Nam Căm-pu-chia. Mỏ Tukmeat và mỏ Phnôm Saper có trữ lượng 360.000 tấn, hàm lượng P2O5 từ 10-37%, có thể khai thác thủ công và chế biến thành các loại phân lân.
Muối mỏ ở hồ Phnôm Poi và Phnôm Srek chưa được đánh giá.
– Vật liệu xây dựng
Sét xi măng ở Phnôm San có trữ lượng 6 triệu tấn. Sét gốm, sét gạch ngói ở Phnôm Trek, Andousray có triển vọng. Cao lanh ở Trassey, Kong-pong-chnăng chưa được đánh giá.
Cát thủy tinh (hàm lượng SiO2-99%) ở Tuksap và Ochrau, Kong-pong-som có khả năng cho trữ lượng công nghiệp.
Dolomit làm vật liệu chịu lửa ở Theria Barivoat có trữ lượng 1 triệu tấn.
– Có một số biểu hiện nước khoáng nhưng chưa được đánh giá.
Nhìn chung, tài nguyên khoáng sản có quy mô nhỏ và vừa, chất lượng quặng không thật tốt, đòi hỏi công nghệ chế biến phức tạp.
Như trên đã thấy, sự hiểu biết về các nguồn tài nguyên thiên của Căm-pu-chia còn nhiều hạn chế. Để sớm khắc phục tình hình này, tạo cơ sở vững chắc cho việc bố trí chiến lược và kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cần tổ chức một cách có hệ thống việc điều tra nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên. Một số việc cần làm trước mắt là :
– Sử dụng kỹ thuật viễn thám để đánh giá chắc chắn về tài nguyên đất và rừng, từ đó có căn cứ để sử dụng hợp lý và có hiệu quả.
Về rừng, cần tách riêng rừng kinh tế với các loại rừng cần bảo vệ như rừng đầu nguồn, rừng quốc gia, rừng bảo vệ nguồn cá, v.v… Điều tra nghiên cứu các tài nguyên dưới tán rừng (cả thực vật và động vật), các loại cây có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển công nghiệp như cây làm bột giấy, cây có dầu, v.v…
– Khi có điều kiện, cần tranh thủ sự hợp tác của Ủy ban Quốc tế sông Mê Công trong việc nghiên cứu tìm biện pháp sử dụng có lợi nhất nguồn nước của sông Mê Công và Biển Hồ, vì lợi ích phát triển sản xuất không những của Căm-pu-chia mà của cả Lào, Thái Lan, Việt Nam; làm rõ tính khả thi của một số công trình thủy điện và thủy lợi nhỏ và vừa đã từng được Ủy ban nghiên cứu trong những năm trước chiến tranh.
– Tổ chức việc điều tra và đánh giá có hệ thống về mặt địa chất – khoáng sản. Cần sử dụng phương pháp viễn thám, chụp ảnh máy bay và đo địa vật lý máy bay ở những vùng trọng điểm. Xây dựng lực lượng cán bộ và cơ sở vật chất để có thể sớm xem xét các đối tượng quan trọng như muối mỏ, thạch cao, bốc-xít, thiếc, molipđen, đồng.
Vàng và đá quý thích hợp với khai thác thủ công, nên sớm tổ chức sản xuất, vừa điều tra thăm dò, vừa khai thác và chế biến đến sản phẩm cuối cùng.
Đối với các khoáng sản khác có trữ lượng nhỏ, cũng nên áp dụng phương thức vừa khai thác chế biến (công nghiệp địa phương, tiểu thủ công nghiệp) vừa tiếp tục điều tra thăm dò./.
Phụ lục 3
Dự báo dân số và lao động
Sự diễn biến của các quá trình dân số và lao động ở Căm-pu-chia khá phức tạp, đồng thời những tài liệu hiện có lại không đầy đủ và có độ chính xác không cao. Bởi vậy, những phân tích và dự báo trong phụ lục này chỉ được xem là phương án sơ bộ.
Phân tích động thái dân số và lao động Căm-pu-chia có thể chia ra ba thời kỳ:
- Thời kỳ trước 17-4-1975.
- Thời kỳ chế độ diệt chủng Pôn-pốt (1975- 978).
- Thời kỳ sau 7-1-1979.
Sự phát triển dân số Căm-pu-chia trong thời kỳ trước 17-4-1975 và sau 7-1-1979 mang đặc trưng chung của các nước kém phát triển là tỷ lệ sinh rất cao (ở mức 45-47‰) và tỷ lệ chết rất cao (ở mức 15-20‰) do mức sống và điều kiện y tế thấp kém. Tỷ lệ tăng tự nhiên ở Căm-pu-chia cao nhất Đông Nam Á:
Nước | Thời kỳ | Tỷ lệ sinh | Tỷ lệ chết | Tỷ lệ tăng tự nhiên |
Căm-pu-chia | 1965-1970 | 44,6 | 15,6 | 29,0 |
1970-1975 | 46,7 | 19,0 | 27,7 | |
1980-1985 | 46,0 | 20,0 | 26,0 | |
Philippin | 1980-1985 | 33,0 | 8,0 | 24,0 |
Malaysia | 1980-1985 | 31,0 | 7,0 | 24,0 |
Lào | 1980-1985 | 41,0 | 16,0 | 22,0 |
Việt Nam | 1980-1985 | 31,0 | 10,0 | 21,0 |
Thái Lan | 1980-1985 | 28,0 | 8,0 | 20,0 |
Indonesia | 1980-1985 | 32,0 | 13,0 | 19,0 |
Singapore | 1980-1985 | 17,0 | 5,0 | 12,0 |
Bình quân
Đông Nam Á |
1980-1985 | 32,0 | 11,0 | 21,0 |
Trong thời kỳ chế độ diệt chủng Pôn-pốt, quy mô va cơ cấu dân số đã thay đổi rất nhiều. Trong điều kiện phát triển bình thường, mỗi năm dân số Căm-pu-chia tăng thêm hơn 200 nghìn người, hay là với khoảng 8 triệu người đầu năm 1975, dân số Căm-pu-chia đầu năm 1979 phải tăng lên 8,8 triệu người. Nhưng cuộc kiểm kê dân số cuối năm 1980 cho thấy dân số đầu năm 1979 khoảng 6,3 triệu. Điều đó cho thấy dưới chế độ Pôn-pốt, hai triệu rưỡi người đã bị giết hại, hoặc bị chết đói, chết bệnh trong điều kiện sinh sống cực kỳ khắc nghiệt. Riêng đội ngũ trí thức thì đã bị tàn sát hầu như toàn bộ.
Dưới chế độ diệt chủng Pôn-pốt, cơ cấu dân số theo độ tuổi và giới tính bị thay đổi rất nhiều. Từ cuộc điều tra 17-4-1962 đến cuộc điều tra 31-12-1980, tỷ lệ lao động trong dân số đã giảm từ 48,8% xuống 47,2%, hay là “hệ số nuôi dưỡng” đã tăng từ 1,05 lên 1,12. Hơn nữa, tỷ lệ nam giới trong dân số đã giảm từ 49,9% xuống 46,3% và tỷ lệ lao động nam đã giảm từ 50,8% xuống còn 43,2%. Với một cơ cấu dân số như vậy, Căm-pu-chia sẽ gặp không ít khó khăn trong việc khôi phục và từng bước phát triển nền kinh tế.
Sau 9 năm dưới chính quyền nhân dân, số dân Căm-pu-chia đã tăng lên đều đặn và đến cuối năm 1987 đã khôi phục bằng mức cao nhất trong lịch sử (1975). Đội ngũ trí thức đã tăng lên nhanh chóng, vượt xa mức cao nhất trước đây. Trong điều kiện kinh tế đang khôi phục, cơ cấu dân số và lao động theo lãnh thổ và ngành nghề chưa có sự biến đổi gì đáng kể. Tám mươi phần trăm lao động làm việc trong nông nghiệp và 90% dân số sống trên vùng đất thấp quanh vùng Biển Hồ và châu thổ sông Mê Công chỉ chiếm 33% diện tích đất nước. Như vậy, so với vùng đông dân nói trên, mật độ dân số trong phần lãnh thổ ven biển, vùng núi và cao nguyên nhỏ hơn gần 20 lần. Điều này cần được tính đến khi phân bố lực lượng sản xuất trên các vùng.
Mặc dù các số liệu điều tra dân số năm 1980 chưa đủ mức chi tiết và có độ chính xác chưa cao, nhưng đó là căn cứ điều tra trực tiếp và gần nhất, được tiến hành sau thời kỳ có biến động lớn trong quy mô và cơ cấu dân số. Hơn nữa, tài liệu tổng hợp số dân từ các địa phương vào cuối năm 1987 cho thấy các dự tính dân số của Bộ Kế hoạch Căm-pu-chia dựa trên các tài liệu năm 1980 có sai số rất thấp. Điều đó cho phép có thể tạm thời sử dụng tài liệu điều tra dân số năm 1980 làm căn cứ để dự báo dân số năm 2005. Khi có thêm số liệu của cuộc tổng điều tra dân số mới, sẽ có cơ sở để tiến hành dự báo với độ chính xác cao hơn.
Để tiến hành dự báo dân số và lao động, cần phân tích những khả năng biến động về sinh, chết và di dân.
Tỷ lệ chết phụ thuộc nhiều nhân tố và khác nhau theo độ tuổi và giới tính. Ở Căm-pu-chia có tỷ lệ chết 15-20‰, vào mức cao nhất Đông Nam Á hiện nay, chủ yếu do mức sống và điều kiện y tế thấp kém. Mức sống đang được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt được mức cao nhất đã đạt trước đây. Điều kiện y tế đã được cải thiện nhiều, nhưng chủ yếu là ở các thành thị. Tỷ lệ chết cao trước hết là do nạn tử vong của trẻ sơ sinh, hiện gấp 2 lần mức chung ở Đông Nam Á và gần như chưa có cải thiện gì so với thập kỷ 1960. Tỷ lệ chết theo các lứa tuổi cũng cao làm cho tuổi thọ bình quân hiện nay cũng như trong thập kỷ 1960 chỉ là 43-44 tuổi, trong khi mức chung của Đông Nam Á là 57 tuổi. Trong tương lai, để giảm tỷ lệ chết, cần tập trung sức để trước hết giảm tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, tăng cường điều kiện vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh và từng bước cải thiện điều kiện chữa bệnh và chăm sóc người già. Đây là một khả năng hiện thực, bởi lẽ dưới chính quyền nhân dân, số cán bộ y tế năm 1985 đã tăng gấp 2 lần năm 1968. Nếu trên cơ sở này triển khai mạng lưới y tế rộng khắp, nhất là ở nông thôn, thì có thể giảm mạnh tỷ lệ chết. Kinh nghiệm của Inđonesia cho thấy trong thời hạn 15 năm có thể hạ tỷ lệ chết từ 19,4‰ (1965-1970) xuống 13‰ (1980-1985).
Cần nhận xét rằng kết quả dự báo số lao động năm 2005 chỉ phụ thuộc vào đánh giá số trẻ em sinh ra trong thập kỷ 80 và tỷ lệ chết theo các độ tuổi và giới tính. Bởi vậy dù các phương án dân số năm 2005 có thể khác nhau nhiều, nhưng số lao động lại có thể dự báo với độ chính xác cao hơn và có sự khác biệt rất ít giữa các phương án.
Số trẻ sơ sinh phụ thuộc vào số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) và số lần đẻ bình quân (thuật ngữ khoa học gọi là tổng tỷ suất sinh – Total fertility rate). Cũng như dự báo số lao động, có thể dự báo tương đối chính xác số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ qua các thời kỳ đến năm 2005. Vì vậy, cần đánh giá khả năng tiết giảm số lần sinh của phụ nữ (cũng tức là đánh giá về động thái tổng tỷ suất sinh TFR). Trong thập kỷ 50 và 60, chỉ tiêu TFR ở Căm-pu-chia ổn định ở mức 6,3, tức là bình quân mỗi phụ nữ có 6,3 lần sinh. Từ số liệu điều tra số dân 1980 tính được TFR thời kỳ 1980-1985 là trên 6 tức là về cơ bản không có sự hạ thấp chỉ tiêu này so với thập kỷ 50-60. Kinh nghiệm các nước Đông Nam Á cho thấy, mặc dù đã thi hành ráo riết các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, sau 20 năm cũng chỉ có thể giảm TFR từ trên dưới 6 xuống 4,3-4,4 (1980-1985). Điều đó cho thấy, nếu ở Căm-pu-chia không sớm đặt vấn đề kế hoạch hóa gia đình thì rất khó giảm TFR xuống dưới 5 vào cuối kỳ kế hoạch dài hạn. Có thể xem mức các nước Đông Nam Á đã đạt được về giảm TFR trong 20 năm (1960-1965 đến 1980-1985) như là mức giới hạn để tiến hành dự báo dân số Căm-pu-chia đến năm 2005. Trong những năm trước mắt, khi cần giảm số lần sinh quá nhiều của phụ nữ, công tác kế hoạch hóa gia đình có thể tác động vào số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở mọi lứa tuổi với khẩu hiệu vận động như “đẻ thưa, đẻ ít”. Về sau, trọng tâm cần hướng mạnh vào số phụ nữ ở lứa tuổi mắn đẻ 20-30 tuổi. Khẩu hiệu vận động “mỗi gia đình có 2 con” chỉ có thể nêu ra sau kỳ kế hoạch dài hạn này.
Để tiến hành kế hoạch hóa gia đình, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, cần phải có những khoản đầu tư thích đáng. Chi phí cho kế hoạch hóa gia đình ở Ấn Độ là 0,6%, ở Indonesia là 0,7% toàn bộ ngân sách, còn ở Trung Quốc là 1 đô la bình quân đầu người.
Trong dự báo dân số đến năm 2005 cũng cần tính đến yếu tố di dân do hàng trăm nghìn người “tị nạn” sẽ trở về nước sau khi “vấn đề Căm-pu-chia” đã được giải quyết. Sự phát triển dân số của nhóm người hồi hương này có thể làm tăng số dân thêm khoảng 0,5 triệu người so với các phương án dự báo chưa tính đến yếu tố di dân này.
Dự báo dân số đến năm 2005 được xây dựng theo 2 phương án đã có điều khiển tiết giảm dân số ít hoặc nhiều (dân số giữa năm, triệu người).
Phương án 1 | Phương án 2 | |||
Dân số | Lao động | Dân số | Lao động | |
1980 | 6,50 | 3,08 | 6,50 | 3,08 |
1985 | 7,51 | 3,70 | 7,51 | 3,70 |
1990 | 8,63 | 4,29 | 8,52 | 4,29 |
1995 | 9,69 | 4,75 | 9,56 | 4,75 |
2000 | 10,82 | 5,43 | 10,59 | 5,42 |
2005 | 12,00 | 6,22 | 11,61 | 6,16 |
(Nếu tính đến yếu tố di dân, phải cộng thêm 0,5 triệu người vào dân số và 0,25 triệu người vào lao động năm 2005).
Có thể có những nhận xét sau đây về kết quả dự báo dân số và lao động:
- Để đạt được mức dân số 12 triệu người vào năm 2005, cần tiến hành ngay từ bây giờ những biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Nếu triển khai chậm kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ sinh giảm không đáng kể trong khi tỷ lệ chết có khả năng giảm mạnh, làm cho tỷ lệ tăng tự nhiên không những không giảm đi, mà còn có thể lên đến trên 3%. Trong trường hợp đó, dân số Căm-pu-chia năm 2005 sẽ lên đến hơn 13 triệu người.
- Dân số vẫn còn là một vấn đề lớn sau năm 2005 bởi lẽ số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng. Lúc đó, phải thi hành ráo riết các biện pháp kế hoạch hóa gia đình để giảm liên tục TFR trong 2-3 thập kỷ sau năm 2005 xuống còn khoảng 2,0. Chỉ bằng cách như vậy mới có thể đạt tới mức dân số “dừng” vào thời kỳ sau năm 2050.
- Trong khi số dân tăng hàng năm tương đối đều đặn trước và sau năm 1995 thì số người trong độ tuổi lao động lại tăng tương đối nhanh sau năm 1995: nếu trong 10 năm 1986-1995 nguồn lao động chỉ tăng 1 triệu người, thì trong 10 năm 1996-2005 lại tăng 1,4-1,5 triệu người. Vấn đề đào tạo nghề nghiệp và giải quyết công ăn việc làm được đặt ra với quy mô lớn hơn.
Phụ lục 4
Dự báo tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân
Để làm cơ sở cho việc phân tích động thái và cơ cấu kinh tế của Căm-pu-chia cũng như cho việc dự báo dài hạn, chúng tôi đã thử tiến hành tính toán các chỉ tiêu tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân theo đồng riên (giá cố định 1984) và theo đồng đô la (thời giá 1985). Những tính toán này dựa vào sản lượng và đơn giá những sản phẩm chủ yếu của nông nghiệp (bao gồm cả lâm và ngư nghiệp) và của công nghiệp. Tính toán đã bao quát được 70% giá trị sản lượng nông nghiệp và 44% giá trị sản lượng công nghiệp, tính chung lại, đã bao quát gần 2/3 giá trị sản lượng nông công nghiệp. Để làm căn cứ so sánh, đã tiến hành tính toán các chỉ tiêu giá trị cho những năm 1980-1986 dưới chính quyền nhân dân, và cho năm 1968 là năm đạt trình độ phát triển kinh tế cao nhất trước chiến tranh. Kết quả như sau (tính bằng đô la, theo thời giá 1985):
Năm | Đơn vị: triệu đô la | Bình quân đầu người (đô la) | |||||||
Tổng SPXH | Nông nghiệp | Công nghiệp | Thu nhập
QDSX |
GDP | Tổng SPXH | Thu nhập QDSX | GDP | ||
1968 | 1939 | 948 | 365 | 1.246 | 1.400 | 298 | 192 | 215 | |
1980 | 713 | 402 | 81 | 534 | 600 | 110 | 82 | 92 | |
1981 | 716 | 396 | 89 | 531 | 597 | 107 | 79 | 89 | |
1982 | 787 | 521 | 90 | 681 | 766 | 114 | 99 | 111 | |
1983 | 994 | 544 | 129 | 734 | 825 | 134 | 104 | 117 | |
1984 | 883 | 419 | 179 | 612 | 688 | 122 | 84 | 95 | |
1985 | 1.136 | 564 | 205 | 805 | 904 | 152 | 108 | 121 | |
1986 | 1.267 | 632 | 226 | 898 | 1.010 | 165 | 117 | 132 |
Như vậy, mức sản xuất năm 1986 ở Căm-pu-chia so với năm 1968 là (%):
Mức sản xuất | Bình quân đầu người | |
– Tổng sản phẩm xã hội | 65 | 55 |
– Tổng sản lượng nông nghiệp | 67 | 57 |
– Tổng sản lượng công nghiệp | 62 | 52 |
– Thu nhập quốc dân sản xuất | 72 | 61 |
– Tổng sản phẩm nội địa (GDP) | 72 | 61 |
Mục tiêu của kế hoạch dài hạn trước hết là khôi phục sản xuất và thu nhập quốc dân bằng mức cao nhất trước chiến tranh (năm 1968). Để đạt mục tiều này, phải tăng sản xuất lên 1,39 lần so với năm 1986. Điều này có thể đạt được trước năm 1995.
Mục tiêu tiếp theo là đạt mức thu nhập quốc dân bình quân đầu người bằng mức cao nhất trước chiến tranh (năm 1968). Những dự báo dưới đây cho thấy mục tiêu này có thể đạt được vào năm 2005, khi sản xuất thu nhập quốc dân bằng 2,6 lần năm 1986, hay 1,8 lần năm 1968 (để tương ứng với mức dân số sẽ tăng lên 12 triệu người, so với 6,5 triệu người năm 1968).
Cơ sở để tiến hành những dự báo dài hạn là kết quả dự báo sản lượng những sản phẩm chủ yếu của nông nghiệp và công nghiệp, còn về giá trị bằng đô la theo thời giá 1985. Kết quả tính toán như sau :
(Đơn vị: triệu đô la)
1985 | 1990 | 1995 | 2000 | 2005 | |
TSL nông nghiệp | 564 | 659-683 | 828-887 | 1.013-1.096 | 1.240-1.354 |
TSL công nghiệp | 205 | 301-350 | 442-600 | 625-852 | 884-1.211 |
TSP xã hội | 1.136 | 1.418-1.526 | 1.876-2.196 | 2.419-2.887 | 3.137-3.789 |
Thu nhập quốc dân | 805 | 960-1.018 | 1.226-1.388 | 1.525-1.814 | 1.885-2.370 |
GDP | 904 | 1.080-1.145 | 1.378-1.560 | 1.714-2.038 | 2.134-2.664 |
Dân số (triệu người) | 7,51 | 8,52-8,63 | 9,56-9,69 | 10,59-10,82 | 11,61-12,00 |
Bình quân đầu người (đô la) | |||||
TSP xã hội | 151 | 166-177 | 196-227 | 228-267 | 270-316 |
Thu nhập quốc dân | 107 | 113-118 | 128-143 | 144-168 | 162-198 |
GDP | 120 | 127-133 | 144-161 | 162-188 | 184-222 |
Nhịp tăng bình quân | 1986-1990 | 1991-1995 | 1996-2000 | 2001-2005 | |
TSL nông nghiệp | 3,15-3,9 | 4,65-5,35 | 4,10-4,30 | 4,10-4,30 | |
TSL công nghiệp | 8,00-11,3 | 8,00-11,4 | 7,15-7,30 | 7,15-7,30 | |
TSP xã hội | 4,55-6,05 | 5,75-7,55 | 5,20-5,55 | 5,35-5,65 | |
Thu nhập quốc dân và GDP | 3,60-4,80 | 5,00-6,40 | 4,45-5,50 | 4,35-5,50 |
Tính chung lại, trong kế hoạch dài hạn, nhịp độ tăng trưởng vào khoảng 4,6 – 5,8% bình quân hàng năm. Nhịp độ tăng trưởng trên đây, thoạt nhìn có thể xem là thấp, thực ra là một nhịp độ khá cao trong điều kiện nông nghiệp vẫn là ngành then chốt của nền kinh tế. Mặt khác, cần lưu ý tình hình hiện nay là: thu nhập quốc dân sản xuất còn chưa bảo đảm đủ quỹ tiêu dùng, trong khi dân số vẫn tiếp tục tăng với mức trên 2% mỗi năm, như vậy, vấn đề tích lũy và việc giải quyết quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng còn là một nhiệm vụ khó khăn trong suốt thời kỳ kế hoạch.
Để bảo đảm cân đối trong sử dụng thu nhập quốc dân, cần dự kiến có thêm nguồn ngoài nước (bao gồm viện trợ, vay nợ và vốn hợp tác), về quy mô sẽ tăng lên trong một thời gian nhất định, nhưng về mức bình quân đầu người thì chưa có cơ sở để dự kiến một sự thay đổi đáng kể.
Kinh nghiệm các nước cho thấy chỉ có thể sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngoài nước khi trong nước đã tạo ra được tích lũy từ nội bộ nền kinh tế. Vì vậy, cần điều tiết đúng đắn mối quan hệ sản xuất – dân số – tiêu dùng – tích lũy để từ 1995 trở đi, khi sản xuất đã đạt được mức phát triển trước chiến tranh thì đồng thời cũng là lúc bắt đầu tạo ra được tích lũy từ nội bộ nền kinh tế. Đến cuối kỳ kế hoạch dài hạn, khi mức sản xuất thu nhập quốc dân bình quân đầu người đã đạt được mức trước chiến tranh, thì phải dành được cho tích lũy 15-20% thu nhập quốc dân sử dụng, trong đó, hơn một nửa là tích lũy từ nội bộ nền kinh tế.
Để đảm bảo thực hiện được chỉ tiêu về tích lũy như trên thì mức sống, phản ánh trong chỉ tiêu quỹ tiêu dùng bình quân đầu người, chỉ có thể tăng bình quân 1,5-2,0% mỗi năm.
Với những giả thiết như trên, cân đối thu nhập quốc dân theo các năm mốc dự báo như sau:
1985 | 1990 | 1995 | 2000 | 2005 | |
Thu nhập Q.dân sản xuất (tr.$) | 805 | 960-1.018 | 1.226-1.388 | 1.525-1.814 | 1.885-2.370 |
Nguồn ngoài nước | 78 | 120 | 150 | 150 | 100 |
Thu nhập Q.dân sử dụng (tr.$) | 883 | 1.080-1.138 | 1.376-1.538 | 1.675-1.964 | 1.985-2.470 |
Quỹ tiêu dùng (tr.$)) | 827 | 1.020-1.040 | 1.293-1.328 | 1.525-1.644 | 1.805-2.020 |
Quỹ tích lũy (tr.$) | 56 | 70-98 | 83-210 | 150-320 | 180-450 |
Tỷ lệ tích lũy (%) | 6,3 | 6,5-8,6 | 6,0-13,6 | 9,0-16,3 | 9,0-18,2 |
Tỷ lệ tích lũy nội bộ (%) | -2,7 | -6,2-2,2 | -5,4+4,3 | 0+9,4 | 4,2+14,8 |
Tổng vốn đầu tư (tr.$)) | 34 | 50 | 85 | 135 | 200 |
– Trong đó, vốn ngân sách | 24 | 35 | 60 | 95 | 130 |
Cân đối thu nhập quốc dân theo từng kế hoạch 5 năm và toàn bộ thời kỳ kế hoạch dài hạn dự báo như sau:
1986-1990 | 1991-1995 | 1996-2000 | 2001-005 | Toàn bộ 1991-2005 | |
Thu nhập quốc dân sản xuất (tr.$) | 4.482-4.558 | 5.465-
6.015 |
6.878-
7.845 |
8.525-10.300 | 20.868-24.160 |
Nguồn ngoài nước | 500 | 675 | 750 | 750 | 2.175 |
Thu nhập quốc dân sử dụng (tr. $) : | |||||
– Tổng nguồn: | 4.982-5.058 | 6.140-
6.690 |
7.628-
8.595 |
9.275-11.050 | 23.043-26.335 |
– Phân phối (trừ hao hụt) | 4.930-5.005 | 6.076-6.622 | 7.553-
8.510 |
9.182-10.940 | 22.811-26.072 |
Quỹ tiêu dùng (tr.$) | 4.615-4.650 | 5.692-5.852 | 6.971-
7.185 |
8.357-
9.015 |
21.020-22.052 |
Quỹ tích lũy (tr.$) | 315-
355 |
384-
770 |
582-
1.325 |
825-
1.925 |
1.791-4.020 |
Tỷ lệ tích lũy (%) | 6,4-
7,1 |
6,3-
11,6 |
7,7-
15,6 |
9,0-
17,6 |
7,8-
15,4 |
Tỷ lệ tích lũy nội bộ (%) | -3,0
-2,0 |
-4,1
-2,7 |
-1,3-
8,4 |
2,0-
12,5 |
-0,7-
8,7 |
Tổng vốn đầu tư (tr.$) | 210 | 338 | 550 | 838 | 1.726 |
– Trong đó, vốn ngân sách | 248 | 238 | 388 | 562 | 1.188 |
Trong kế hoạch dài hạn, tổng vốn đầu tư chiếm hơn 10% thu nhập quốc dân sản xuất, trong đó khoảng 70% là vốn đầu tư tập trung từ ngân sách, còn lại là vốn tự có của các xí nghiệp và của các thành phần kinh tế khác. Vốn đầu tư chỉ có thể tăng nhanh vào sau năm 1995, khi nền kinh tế đã tạo ra được tích lũy nội bộ. Điều đó phụ thuộc vào cả hiệu quả của sản xuất lẫn chính sách tiêu dùng.
Phụ lục 5
Tài liệu tham khảo
- Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Căm-pu-chia tại Đại hội lần thứ V của Đảng – 1985.
- Le Cambodge – Bộ Thông tin Chính phủ Vương quốc Căm-pu-chia Phnôm Pênh – 1962.
- Demografisexkii ensiklopeditsexkii xlovar. “Xovetxkaja entxiklopedja” Moxkva 1985.
- Địa chất và khoáng sản Căm-pu-chia. Tài liệu tổng hợp – Liên đoàn C. Tổng cục Địa chất Hà Nội – 1981.
- Economic and Social Survey of Asia and the Pacific 1986. United Nations. Bangkok – 1987.
- Kinh tế một số nước châu Á. Tổng cục Thống kê Việt Nam – 1975.
- Lower Mekong water resources inventory Summary of project WATCO – water resource development consultants – 1984.
- Prud’home R.L’economie du Cambodge. Presses universitaires de France – Paris – 1969.
- Quyết định số 196 của Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa nhân dân Căm-pu-chia ngày 21/12/1984 về việc phổ biến sử dụng biểu giá so sánh sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp.
- Rapport de la zonification agricole de la Republique populaire du Kampuchia. Ministere de l’Agriculture. Phnôm Pênh – 1986.
- Rapport sur le developement dans de monde 1987. Banque mondiale – Washington – 1987.
- Tài nguyên khoáng sản Lào và Căm-pu-chia. Phương hướng hợp tác điều tra và khai thác. Viện Phân vùng quy hoạch Trung ương – Hà Nội – 1987.
- Tài nguyên khoáng sản Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia. Báo cáo tổng hợp. Tổng cục Địa chất – Hà Nội – 1988.
- Tichit L. L’agriculture au Cambodge. Agence de cooperation Culturelle et Technique – 1981.
- Tình hình phát triển kinh tế quốc dân và kết quả hợp tác kinh tế văn hóa khoa học kỹ thuật của Việt Nam với các nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa nhân dân Căm-pu-chiathời kỳ 1981-1985. Tổng cục Thống kê – Hà Nội – 1987.
- Tổ chức sản xuất nghề cá Căm-pu-chia. Đoàn chuyên gia kinh tế Bộ Hải sản tại Cộng hòa nhân dân Căm-pu-chia – 1987.
- United Nations World Population Chart 1985. Population Division. United Nations. New York – 1985.
- Các tài liệu do Bộ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương nghiệp, Bộ Tài chính, Tổng cục Cao su, Tổng cục xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh Candan, Cộng hòa Nhân dân Căm-pu-chia cung cấp cho Đoàn./.