Kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế – xã hội của bất cứ nước nào cũng đều nhằm đạt được những mục tiêu nhất định về nâng cao mức sống. Đạt được đến đâu không tùy thuộc ở nguyện vọng chủ quan mà tùy thuộc ở khả năng tăng trưởng kinh tế hiện thực (trong đó, nỗ lực chủ quan có vai trò quan trọng).
Những tính toán dự báo cho thấy: với những điều kiện thuận lợi và khó khăn của Căm-pu-chia và với nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 5-6% (một nhịp độ tương đối cao trong điều kiện chỗ dựa chủ yếu là nông nghiệp) thì trong khoảng thời gian 1991-1995, tổng sản phẩm xã hội có thể đạt và vượt mức trước chiến tranh. Nhiệm vụ khôi phục kinh tế xem như hoàn thành.
Tuy nhiên, đứng về mức sống mà nói, cũng tức là lấy thu nhập quốc dân trên đầu người làm chuẩn, thì có thể phải đến cuối kỳ kế hoạch dài hạn này mới trở lại được mức trước chiến tranh. Điều dễ hiểu là: Căm-pu-chia đã phải làm nhiệm vụ khôi phục kinh tế và mức sống cho hai nước Căm-pu-chia, xét về mặt dân số. Như vậy, kế hoạch dài hạn này, về thực chất, chỉ là kế hoạch khôi phục kinh tế và mức sống trước chiến tranh.
Với thu nhập quốc dân trên đầu người năm 2005 vào khoảng 160-200 đô la, so với 190 đô la năm 1968 (tất cả đều tính theo giá quốc tế năm 1985), chưa thể nói nhân dân Căm-pu-chia đã có một đời sống no đủ ở mức tối thiểu. Để đạt tới mức sống ấy, đồng thời có được khả năng tự mình tích lũy để phát triển, tạm lấy mức 300 đô la/ đầu người để tính, đòi hỏi phải phấn đấu tiếp một thời gian nữa, 15 hoặc 20 năm, tùy theo mức tăng dân số cao hay thấp. Thời kỳ này có thể xem như thời kỳ chuẩn bị “cất cánh”.
Một khi đã đạt và vượt cái ngưỡng 300 đô la/đầu người thì sự bấp bênh về đời sống bị loại trừ, nền kinh tế đã có được cái cơ sở phát triển của bản thân nó, vì vậy, từ đây có thể phát triển tương đối thuận buồm xuôi gió. Mục tiêu đặt ra sẽ là: từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Kỷ nguyên của chủ nghĩa xã hội chỉ bắt đầu với một trình độ phát triển kinh tế nhất định. Theo những tiêu chuẩn được chấp nhận phổ biến hiện nay (sang thế kỷ sau có thể khác), nếu lấy một chỉ tiêu giá trị tổng hợp nhất để biểu hiện – chỉ tiêu thu nhập quốc dân trên đầu người – thì chỉ tiêu ấy vào khoảng 1.500-2.000 đô la. Căm-pu-chia là một xứ nhiệt đới, nhu cầu về ăn, mặc, ở, sưởi ấm… đơn giản hơn so với các nước vùng ôn đới. Vì vậy, có thể lấy mức thấp nêu ở trên làm căn cứ để ước tính. Nếu nhịp độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục đạt được như giả định và nếu dân số ngừng tăng ở mức 16 triệu hoặc 20 triệu người thì kỷ nguyên của chủ nghĩa xã hội có thể khởi đầu vào thập kỷ 50-60 hoặc thập kỷ 60-70 của thế kỷ tới.
Dự đoán về các thời kỳ phát triển kinh tế trên đây mới chỉ đơn thuần tính đến trình độ phát triển của nền kinh tế, tạm thời chưa đi sâu vào mặt quan hệ sản xuất của sự phát triển. Nhưng, sự phát triển thì lại có thể diễn ra dưới những quan hệ sản xuất rất khác nhau: hoặc là tư bản chủ nghĩa, hoặc là xã hội chủ nghĩa, hoặc là tiểu sản xuất hàng hóa, hoặc là nông dân gia trưởng, hoặc là hỗn hợp của các quan hệ ấy. Căm-pu-chia đã lựa chon con đường phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa là con đường phù hợp nhất với lợi ích của nhân dân lao động, cũng là con dường phù hợp với xu thế tất yếu của lịch sử. Con đường phát triển xã hội chủ nghĩa là con đường đi tới chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Nhưng, từ một điểm xuất phát rất thấp về trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, muốn đi tới chủ nghĩa xã hội, tất yếu phải qua nhiều bước phát triển lực lượng sản xuất, và tương ứng với những bước phát triển ấy là những những bước quá độ hay những hình thức quá độ về mặt quan hệ sản xuất. Những bước quá độ này có thể hình dung như thế nào? Nói một cách khác, con đường phát triển xã hội chủ nghĩa có thể hình dung như thế nào?
Căn cứ vào học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học cũng như những kinh nghiệm lịch sử của chủ nghĩa xã hội, chúng tôi thử nêu lên một số điểm mang ý nghĩa quan niệm chung.
- Lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa cũng tức là bác bỏ con đường phát triển dựa trên cơ sở tăng cường chế độ người bóc lột người mà kết quả cuối cùng là thiết lập chế độ tư bản chủ nghĩa. Nhưng làm thế nào để bác bỏ con đường ấy? Đã có một thời người ta cho rằng cứ triệt để xóa bỏ chế độ tư hữu thì mọi chế độ bóc lột sẽ không còn đất để sản sinh ra nữa; mặt khác, càng mở rộng chế độ công hữu thì càng sớm hình thành chủ nghĩa xã hội. Cũng với lập luận ấy, người ta cho rằng hình thức công hữu càng cao, quy mô kinh tế tập thể càng lớn, quản lý càng tập trung thống nhất theo kế hoạch Nhà nước, phân phối càng đồng đều, thì tính chất xã hội chủ nghĩa càng cao, thậm chí có thể sớm thực hành chủ nghĩa cộng sản. Nhưng, thực tiễn thì đã chứng minh ngược lại: nhìn chung, kinh tế cá thể hơn kinh tế tập thể, kinh tế tập thể hơn kinh tế quốc doanh, bất kể là về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất hay là về thu nhập, mức sống. Tình hình này kéo dài đã dẫn đến sản xuất sa sút, đời sống khó khăn, “chủ nghĩa xã hội” mất dần sức hấp dẫn. Cuối cùng, người ta nhận ra rằng đã hiểu sai nhiều luận điểm khoa học của Mác, đặc biệt đã vi phạm nghiêm trọng một quy luật kinh tế – xã hội rất cơ bản mà Mác đã phát hiện, đó là quy luật “quan hệ sản xuất nhất định phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.
Dựa trên quy luật này, Mác đã chỉ ra rằng những lực lượng sản xuất đã đạt đến trình độ xã hội hóa cao như hệ thống đường sắt, hệ thống bưu điện, những xí nghiệp công nghiệp lớn, v.v… không còn có thể phát triển thuận lợi trong cái vỏ tư nhân, tư bản chủ nghĩa, của chúng nữa. Chỉ có chế độ sở hữu xã hội mới tạo ra được những thuận lợi ấy. Quy luật này còn phải hiểu theo một khía cạnh khác: không thể áp đặt chế độ sở hữu xã hội đối với những lực lượng sản xuất còn quá nhỏ yếu như những xưởng thủ công, những mảnh ruộng manh mún của tiểu nông. Chế độ sở hữu tư nhân, cá thể vẫn còn là hình thái phát triển thuận lợi đối với những lực lượng sản xuất này. Chỉ đến khi nào lực lượng sản xuất đã phát triển vượt quá khuôn khổ của những quan hệ sản xuất ấy thì vấn đề xã hội hóa tư liệu sản xuất mới được đặt ra.
Một mặt khác của tình hình là: ngay khi còn nằm trong khuôn khổ của những xí nghiệp tư nhân, cá thể, những lực lượng sản xuất này đã đòi hỏi phải có một số quan hệ hợp tác nào đó mới phát triển được thuận lợi. Đó chính là cơ sở khách quan cho việc hình thành những hợp tác xã cung tiêu trong tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, những tổ đổi công, những hợp tác xã mua bán hay tín dụng trong nông nghiệp. Quy mô của những tổ chức hợp tác này phải tương ứng với những nhu cầu hợp tác cụ thể của các lực lượng sản xuất và tùy theo những nhu cầu ấy mà mở rộng dần ra. Mở rộng ra quá sớm hoặc quá muộn cũng đều trở ngại cho sản xuất. Thực tiễn của các tập đoàn sản xuất nông nghiệp ở Căm-pu-chia cũng cho ta một đôi điều chứng minh: nông dân ưa thích hình thức đổi công hơn hình thức hợp tác xã cấp cao hoặc cấp thấp. Sự ưa thích này có nguồn gốc kinh tế của nó.
Tóm lại, hình thái quan hệ sản xuất nào là thích hợp, điều đó phải được xem xét cụ thể ở từng nơi, từng lúc, căn cứ vào trình độ phát triển thực tại của lực lượng sản xuất và không ngoài mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sản xuất. Nếu cần, những người lao động sẵn sàng chấp nhận tạm thời tồn tại một số hình thức bóc lột nào đó nhằm phát triển sản xuất, tạo điều kiện để tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong lịch sử, một chế độ cực kỳ tàn bạo – chế độ chiếm hữu nô lệ – đã từng được lựa chọn để thay thế cho chế độ công xã nguyên thủy không có áp bức bóc lột, chỉ vì nó là hình thái có khả năng bảo đảm phát triển sản xuất thuận lợi nhất lúc bấy giờ, cũng tức là có khả năng thúc đẩy sự phát triển chung của loài người. Cũng chính trên ý nghĩa này, chứ không phải trên ý nghĩa nhân đạo trừu tượng nào đó, mà ngày nay, con đường phát triển xã hội chủ nghĩa được lựa chọn và trở thành tất yếu lịch sử.
Trên con đường phát triển kinh tế của Căm-pu-chia, các hình thái kinh tế tiểu nông, tiểu thủ công, tiểu chủ, tư bản nhỏ, chắc chắn còn đóng vai trò tích cực lâu dài, ngay cả trong thời kỳ trực tiếp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà trước mắt, chưa có cơ sở để đưa ra dự kiến ít nhiều chính xác về thời điểm. Nóng vội xóa bỏ chế độ tiểu tư hữu chẳng những là phá hoại sản xuất mà còn có nghĩa là tự sát về chính trị. Đưa vào các hình thái kinh tế ấy một vài yếu tố mang tính chất mầm mống xã hội chủ nghĩa (các hình thức hợp tác bậc thấp, các hình thức tư bản Nhà nước bậc thấp) cũng phải trên cơ sở tự nguyện thật sự của chính các chủ sở hữu, cũng tức là đáp ứng những nhu cầu hợp tác (hợp tác với nhau và với Nhà nước) đã chín muồi của chính họ, nhằm phát triển sản xuất. Còn quá sớm để gắn cho những hình thức hợp tác này một ý nghĩa cải tạo xã hội chủ nghĩa nào đó.
- Chủ nghĩa xã hội là chế độ đem lại lợi ích cho nhân dân lao động và bất lợi cho những giai cấp bóc lột. Sự chống đối của các giai cấp này là điều dễ hiểu. Đấu tranh giai cấp là điều không tránh khỏi trên con đường xây dựng xã hội mới – xã hội không giai cấp. Từ luận điểm chung được xem như chân lý trên đây, đã có một thời người ta cho rằng nếu không có đấu tranh giai cấp thì không thể có tiến bộ xã hội, nếu ở một địa phương cụ thể nào đó không có đấu tranh giai cấp thì ắt là đã phạm sai lầm thỏa hiệp giai cấp. Vì vậy, ở bất cứ đâu, người ta cũng phải tìm cho ra “kẻ thù giai cấp” để đấu tranh, trấn áp. Hậu quả là xã hội đại loạn, sản xuất bị phá hoại nghiêm trọng. Cũng đã có một thời người ta cho rằng càng gần đến thắng lợi của chủ nghĩa xã hội thì đấu tranh giai cấp càng gay gắt, và với sự hỗ trợ của luận điểm này, đã tiến hành những vụ trấn áp tràn lan, gây thiệt hại lớn cho nhân dân và cho chủ nghĩa xã hội.
Căm-pu-chia là một nước nông nghiệp lạc hậu và là một xã hội chưa có sự phân hóa giai cấp sâu sắc. Trong nhiều thập kỷ tới, chắc chắn còn phải khuyến khích các tiểu chủ, các nhà tư sản mở mang tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, khuyến khích các nhà tư sản thương nghiệp chuyển sang kinh doanh sản xuất, khuyến khích các kiều dân Căm-pu-chia ở nước ngoài góp vốn phát triển sản xuất ở trong nước. Dưới điều kiện chính quyền nhân dân nắm vững các vị trí then chốt của nền kinh tế, đồng thời có chính sách kiểm soát và tiết chế cần thiết đối với các quan hệ bóc lột, thì khu vực kinh tế tư bản chủ nghĩa này – thực chất đã biến thành chủ nghĩa tư bản Nhà nước – chẳng những không đối lập với con đường phát triển xã hội chủ nghĩa mà còn góp phần đáng kể vào việc phát triển sản xuất theo hướng đó.
Người ta có thể đặt câu hỏi về một tương lai xa hơn: khi đất nước bước vào kỷ nguyên của chủ nghĩa xã hội thì thân phận của các nhà tư bản này sẽ ra sao? Không hiếm thực tế lịch sử chứng minh rằng trong những điều kiện nhất định, các nhà tư bản nhỏ đã có quan hệ gắn bó với kinh tế quốc doanh có thể có vai trò tích cực lâu dài ngay trong lòng xã hội xã hội chủ nghĩa và cuối cùng có thể hòa nhập vào nhân dân lao động của xã hội đó.
Đấu tranh giai cấp không phải vì thế mà biến mất hoặc biến thành thỏa hiệp giai cấp. Vấn đề ở chỗ: đấu tranh giai cấp được tiến hành trong những điều kiện so sánh lực lượng như thế nào, dưới những hình thức gì, và nhằm những mục đích gì?
- Mác – Ăng-ghen phát biểu về xã hội tương lai chỉ với ý nghĩa là những khuynh hướng tất yếu phải nảy sinh từ sự phát triển đến độ chín muồi của chủ nghĩa tư bản. Xã hội tương lai ấy được hiểu như một xã hội sẽ nắm trọn trong tay mình quyền sở hữu về tư liệu sản xuất, và vì thế, sẽ không còn cơ sở cho sản xuất hàng hóa và tình trạng sản phẩm chi phối người sản xuất thông qua giá trị và quy luật giá trị. Thay thế vào đó là nền sản xuất xã hội được tổ chức có kế hoạch và có ý thức. Xã hội tương lai được nói đến ở đây đương nhiên là xã hội cộng sản chủ nghĩa, hơn nữa là một xã hội cộng sản chủ nghĩa thuần tuý, không pha tạp một chút gì của các hình thái kinh tế – xã hội cũ. Trong nghiên cứu khoa học, một sự trừu tượng hóa như vậy là hoàn toàn cần thiết. Nhưng trong thực tế, xã hội đó chưa xuất hiện và chắc chắn còn lâu mới xuất hiện. Lịch sử mới chỉ biết đến chủ nghĩa xã hội là giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa xã hội thoát thai từ những trạng thái kinh tế – xã hội hết sức phức tạp, đa dạng. Nó mang trong mình nó rất nhiều tàn dư và vết tích của các hình thái kinh tế – xã hội trước nó – tư bản chủ nghĩa, tiểu sản xuất hàng hóa, nông dân gia trưởng, v.v… Vậy mà, đã có một thời người ta cho rằng đã là chủ nghĩa xã hội hoặc quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì toàn bộ sản xuất và đời sống xã hội phải được kế hoạch hóa, và kế hoạch hóa được hiểu đơn thuần theo nghĩa Nhà nước giao chỉ tiêu pháp lệnh cho mọi đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể và cá thế, giao cả chỉ tiêu pháp lệnh cho từng hộ tiểu nông mỗi năm phải bán cho Nhà nước bao nhiêu ki lô lợn thịt, bất kể là hộ ấy có chăn nuôi hay không. Gắn liền với việc kế hoạch hóa một cách tập trung quan liêu là việc phủ nhận trên thực tế các quy luật kinh tế khách quan, đặc biệt là quy luật giá trị. Người ta cho rằng càng hạn chế được quy luật giá trị bao nhiêu, càng chuyển sang phân phối vật tư và sản phẩm trực tiếp theo kế hoạch Nhà nước bao nhiêu, thì càng loại bỏ được nhiều điều tệ hại của quy luật ấy bấy nhiêu, càng đi gần tới công bằng xã hội bấy nhiêu. Hậu quả là: các chỉ tiêu chất lượng của sản xuất và hiệu quả sản xuất ngày càng giảm; tình trạng thụ động, dựa dẫm, lười biếng, ngày càng tăng, chủ nghĩa xã hội tỏ ra ngày càng kém sức bật, kém năng động, nhạy bén so với chủ nghĩa tư bản. Chính là trong tình hình như vậy, các cuộc cải cách kinh tế đã được đặt ra. Vấn đề không phải ở chỗ xóa bỏ kế hoạch hóa –một đặc trưng bản chất và là tính ưu việt rất cơ bản của chủ nghĩa xã hội so với chủ nghĩa tư bản –mà là điều chỉnh phạm vi của kế hoạch hóa tập trung và kế hoạch hóa trực tiếp, chuyển mạnh sang các phương pháp kế hoạch hóa gián tiếp và sử dụng các đòn bẩy kinh tế, sao cho tính chủ động, năng động, sáng tạo của các tập thể lao động có đất để phát huy. Vấn đề cũng không phải ở chỗ chuyển sang nền kinh tế thị trường giống như chủ nghĩa tư bản, mà là tự giác vận dụng các quan hệ thị trường sao cho phù hợp và có lợi nhất trong nền kinh tế có kế hoạch.
Xã hội Căm-pu-chia là xã hội của những người tiểu nông – tiểu sản xuất hàng hóa. Khu vực đại sản xuất còn hết sức nhỏ bé. Thời kỳ lịch sử mà Căm-pu-chia đang trải qua chưa phải là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, càng cần phải thận trọng khi xác định phạm vi và phương pháp kế hoạch hóa. Mặt khác, cần nhận rõ sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị trong nền kinh tế Căm-pu-chia để trên cơ sở đó, có những biện pháp kinh tế thích hợp nhằm tác động theo hướng có lợi cho sản xuất và lưu thông.
- Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng trên cơ sở nền kỹ thuật hiện đại, cơ khí hóa và điện khí hóa. Chính trên ý nghĩa đó mà Lênin đưa ra công thức nổi tiếng: “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”. Xuất phát từ nguyên lý trên, Liên Xô sau Cách mạng Tháng Mười đã tập trung cao độ vào nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm là xây dựng một nền công nghiệp nặng hoàn chỉnh. Nhờ vậy, đã xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong một thời gian tương đối ngắn và giành được thắng lợi oanh liệt trong cuộc chiến tranh chống phát xít. Từ kinh nghiệm thành công của Liên Xô, đã có một thời người ta dựng lên thành một mô hình mang tính phổ biến. Ngay cả một số nước tương đối nhỏ, nghèo về vốn liếng, nghèo về tài nguyên khoáng sản, cũng dồn sức xây dựng đủ các ngành công nghiệp nặng, mặc dù phải nhập khẩu nguyên liệu và vì thế, hiệu quả rất thấp. Điều đó đã gây nên những mất cân đối nghiêm trọng trong nền kinh tế, làm cho đời sống khó khăn, quần chúng giảm lòng tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Qua thực tiễn, người ta nhận ra rằng bên cạnh tính phổ biến, công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô còn mang một số nét đặc thù bắt nguồn từ những điều kiện đặc thù: Liên Xô là một nước rất lớn, rất giàu tài nguyên thiên nhiên, lại phải một mình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong vòng vây thù địch của chủ nghĩa đế quốc.
Thời đại ngày nay đã có nhiều thay đổi. Các nước mới bước lên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa có thể dựa vào sự giúp đỡ, sự phân công lao động và hợp tác quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa đã có một tiềm lực kinh tế, kỹ thuật và quốc phòng hùng mạnh. Giao lưu trên thị trường quốc tế ngày càng mở rộng. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật làm cho phân công lao động quốc tế ngày càng sâu sắc: bất cứ nước nào, nhất là những nước vừa và nhỏ, cũng không thể tự mình sản xuất ra đủ mọi thứ đáp ứng nhu cầu của mình. Hoàn cảnh lịch sử đó đòi hỏi và cho phép mỗi nước lựa chọn một cơ cấu sản xuất và một tiến trình phát triển phù hợp nhất với những điều kiện của mình nhằm đạt được hiệu quả tối ưu. Không nhất thiết nước nào cũng phải bắt tay ngay vào công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, càng không nhất thiết phải tạo ra một cơ cấu công nghiệp ít nhiều hoàn chỉnh. Cơ cấu của nền kỹ thuật hiện đại làm nền tảng cho chủ nghĩa xã hội phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế của mỗi nước, mà cơ cấu kinh tế thì lại phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng nhiều điều kiện trong nước và quốc tế khác.
Căm-pu-chia là một nước không lớn, nhu cầu trước mắt về mỗi loại sản phẩm công nghiệp không nhiều, vốn liếng chưa có bao nhiêu, lại nghèo về tài nguyên để phát triển công nghiệp – ít nhất với những hiểu biết đến hôm nay – trong khi tài nguyên để phát triển nông lâm ngư nghiệp khá phong phú. Với những điều kiện trong nước và quốc tế như trên, rõ ràng chưa có cơ sở, cũng không có gì thúc ép đặt ra vấn đề công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong khoảng thời gian dự kiến được, tức là trong vài thập kỷ tới.
Với những đặc điểm về kinh tế xã – hội như đã phân tích ở Phần thứ nhất và với quan niệm chung về con đường phát triển của Căm-pu-chia vừa trình bày, có cơ sở để nêu lên những phương hướng lớn của kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2005, cũng tức là chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2005.
Chiến lược kinh tế – xã hội (thực chất là chiến lược kinh tế) trước hết là một sự lựa chọn – lựa chọn những cái tối ưu. Đối tượng lựa chọn của chiến lược là hướng đi, bước đi và các giải pháp có ý nghĩa toàn cục.
- Chiến lược cơ cấu
Chiến lược cơ cấu là xương sống của mọi kế hoạch kinh tế dài hạn. Nó phải tìm lời giải đáp cho câu hỏi sau đây: để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đất nước và đạt được hiệu quả tối ưu, nền kinh tế có thể và phải phát triển những ngành gì, phát triển đến đến đâu, bao giờ, và bằng cách nào?
Toàn bộ phân tích ở các phần trên đều dẫn tới kết luận: nông nghiệp, nói rộng hơn là nông lâm ngư nghiệp, phải là trọng tâm của kế hoạch kinh tế từ nay đến năm 2005, nếu chưa nói đến một kỳ hạn xa hơn. Vấn đề công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa chưa có cơ sở để đặt ra.
Trong phần đánh giá tình hình đã đi đến kết luận: không thể, bằng kỹ thuật canh tác cổ truyền, đạt được mục tiêu khôi phục kinh tế và mức sống trước chiến tranh. Nếu nông nghiệp là ngành sản xuất then chốt của kế hoạch dài hạn này thì việc chuyển sang kỹ thuật canh tác tiên tiến lại là then chốt của cái then chốt ấy.
Nhờ những thành tựu mới nhất của nhiều ngành khoa học và kỹ thuật, ngày nay, những người tiểu nông ở châu Á đã biết sử dụng phổ biến một tập hợp những biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến để tăng sản lượng lúa trên một đơn vị diện tích lên nhiều lần. Những biện pháp chủ yếu là: tưới tiêu chủ động, sử dụng giống mới, bố trí loại cây trồng và mùa vụ phù hợp với các điều kiện sinh thái, tăng cường đầu tư phân bón, sử dụng thuốc trừ sâu. Chỉ với những biện pháp ấy, chưa cần phải cơ giới hóa và điện khí hóa, đã có thể đưa sản lượng lúa lên 7-8 tấn/ha, thậm chí nhiều hơn. Nhiều nước ở châu Á đã đạt năng suất bình quân cả nước 3-4 tấn/ha. Từ mức bình quân 1 tấn/ha hiện nay, Căm-pu-chia có thể và phải phấn đấu đưa lên ít nhất gấp đôi vào cuối kỳ kế hoạch dài hạn này.
Muốn vậy, trước tiên phải bảo đảm nguồn nước để tưới trong mùa khô, tưới bổ sung trong mùa mưa, tiến lên bảo đảm tưới tiêu chủ động. Đối tượng chủ yếu là các cánh đồng nằm ngoài vùng nước lũ của sông Mê Công. Phải xây dựng và bắt tay thực hiện ngay một chương trình thủy lợi trong phạm vi cả nước, bao gồm các loại công trình nhỏ, vừa, lớn. Chương trình này xuyên suốt thời gian của kế hoạch dài hạn và có thể phải thực hiện tiếp trong một vài thập kỷ nữa. Phải phát động và tổ chức nông dân tự mình xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, Nhà nước giúp thiết kế và vật tư kỹ thuật nếu cần thiết. Nhà nước dành một bộ phận quan trọng vốn đầu tư và vật tư kỹ thuật cho chương trình thủy lợi, xem đây là một mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Nhà nước đảm nhiệm công tác quy hoạch và thiết kế trong phạm vi cả nước, trực tiếp đảm nhiệm thi công các công trình vừa và lớn, tranh thủ viện trợ hoặc tín dụng dài hạn của nước ngoài cho một số công trình quan trọng.
Đi đôi với việc thực hiện chương trình nêu trên, cần đi sâu nghiên cứu chương trình trị thủy và khai thác sông Mê Công để đưa ra thực hiện khi có điều kiện.
Tận dụng kinh nghiệm của các nước anh em, tiến hành thử nghiệm và phổ biến các loại giống mới phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng. Trong khi chú trọng những giống mới cho năng suất cao, phù hợp với các điều kiện thâm canh cao, không coi nhẹ việc tuyển chọn những cây trồng thích hợp cho những diện tích chưa giải quyết được vấn đề tưới hoặc tiêu nước.
Cũng trên cơ sở nghiên cứu các điều kiện sinh thái của từng vùng, bố trí lại cơ cấu mùa vụ các cây trồng nhằm đạt được hiệu quả tối ưu.
Vận động nông dân tận dụng phân chuồng, phân xanh. Nâng dần mức nhập khẩu phân hóa học và thuốc trừ sâu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả các vật tư kỹ thuật ấy, cũng tức là trên cơ sở nâng dần khả năng xuất khẩu và hạch toán (lấy thu bù chi) của nông nghiệp.
Phổ cập kỹ thuật canh tác mới cho nông dân thông qua mạng lưới các trung tâm nghiên cứu và phổ cập kỹ thuật nông nghiệp, các trạm bảo vệ thực vật, hệ thống giáo dục phổ thông và các trường đào tạo khác.
Cuộc cách mạng về phương thức sản xuất cũng phải tiến hành cả trong ngành chăn nuôi, lấy chăn nuôi thúc đẩy trồng trọt và ngược lại. Nội dung chủ yếu là: cải thiện các loại giống địa phương, sử dụng các giống mới thích hợp, cải thiện nguồn thức ăn, bảo đảm chuồng trại hợp vệ sinh, bảo đảm về thú y. Nhà nước đầu tư một cách có hệ thống nhằm hỗ trợ nông dân trong các khâu cần thiết.
Trong ngư nghiệp và lâm nghiệp, việc bảo vệ, phát triển nguồn cá và vốn rừng phải được đặt lên hàng đầu. Nhà nước chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc khai thác theo quy hoạch và quy trình kỹ thuật.
Mục tiêu của các biện pháp nêu trên là nhằm đưa giá trị sản lượng nông lâm ngư nghiệp lên gấp đôi mức trước chiến tranh, trong đó nông nghiệp gánh phần nặng nhất, lâm nghiệp và ngư nghiệp có thể không hơn, hoặc hơn không nhiều mức trước chiến tranh.
Trong nông nghiệp, vị trí ưu tiên số 1 phải dành cho sản xuất lương thực (lúa, ngô). Chừng nào lương thực chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì chưa thể có ổn định xã hội, chưa thể phát triển mạnh các cây thực phẩm, các cây nguyên liệu, các cây xuất khẩu, chưa thể phát triển mạnh chăn nuôi, v.v… Phấn đấu đạt cho được 350-400 kg lương thực đầu người trong thời hạn sớm nhất, để trên cơ sở đó, phát triển mạnh các ngành khác.
Một số cây trồng cạn như đậu, lạc, vừng là nguồn thực phẩm quan trọng của nhân dân, phải được chăm lo phát triển cả về diện tích và năng suất.
Về các cây nguyên liệu, Căm-pu-chia có điều kiện thiên nhiên thuận lợi để mở rộng diện tích bông, đay, gai, mía, cây có dầu, cây có nhựa, ít nhất cũng bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Cao su là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Căm-pu-chia, trước mắt cũng như lâu dài. Diện tích cao su phải được mở rộng một cách có hệ thống trên cơ sở hợp tác dài hạn với Liên Xô và một số nước Đông Âu. Xuất khẩu gỗ trước mắt là một nguồn thu ngoại tệ quan trọng, song về lâu dài phải được xem xét và điều tiết dưới giác độ bảo vệ vốn rừng và môi trường. Trong chiến lược xuất khẩu của Căm-pu-chia, vấn đề lớn nhất đặt ra là: bao giờ thì khôi phục được vị trí xuất khẩu lương thực? Điều này phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: sớm giảm được nhịp độ tăng dân số, đồng thời chuyển nhanh sang kỹ thuật canh tác mới. Chỉ khi nào lương thực dành lại được vị trí số 1 của nó trong kim ngạch xuất khẩu thì cán cân thanh toán mới có điều kiện cải thiện một cách căn bản.
Ngoài nhiệm vụ trọng tâm là phát triển rất mạnh nông nghiệp, đưa sản lượng nông nghiệp lên gấp ba lần so với hiện nay, kế hoạch dài hạn còn có nhiệm vụ nâng cao hơn vị trí của công nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung. Cần tiếp tục khôi phục và cải tạo các xí nghiệp quốc doanh, phát triển mạnh nguồn nguyên liệu trong nước để trên cơ sở đó, mở rộng hoặc xây dựng mới một số xí nghiệp. Chú trọng phát triển các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, nhất là những hàng tiêu dùng thông thường đang phải nhập khẩu, các ngành chế biến nông sản và thủy sản, ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ngành cơ khí sửa chữa và một số xí nghiệp chế tạo dụng cụ máy móc có nhu cầu lớn trong nền kinh tế. Thông qua phối hợp kế hoạch dài hạn, xác định hướng chuyên môn hóa và trao đổi sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là sản phẩm cơ khí, giữa Căm-pu-chia và các nước anh em. Phát triển có hệ thống ngành năng lượng, đặc biệt chú trọng thủy điện.
Trong khi chưa hội đủ các điều kiện để phát triển mạnh công nghiệp, vẫn có điều kiện phát triển mạnh các ngành tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp dựa vào nguồn nguyên liệu phân tán mà nông lâm ngư nghiệp và ngành khai thác khoáng sản có khả năng cung cấp. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhà tư sản, tiểu chủ bỏ vốn mở mang tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, đồng thời có sự hướng dẫn và kiểm soát cần thiết. Nghiên cứu áp dụng một số hình thức liên doanh giữa tư nhân, tổ hợp, hợp tác xã với các công ty và xí nghiệp quốc doanh như: hợp tác sản xuất trên cơ sở phân công chịu trách nhiệm và hạch toán từng khâu của quá trình sản xuất; hợp đồng cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm; hợp đồng ủy nhiệm cho tư nhân hoặc tập thể thu mua và sơ chế nguyên liệu để cung cấp cho xí nghiệp quốc doanh. Hình thức “công tư hợp doanh” mà thực chất là quốc hữu hóa xí nghiệp tư nhân, biến chủ tư nhân thành viên chức của xí nghiệp, đã được thực tiễn ở một số nước chứng minh là không thích hợp đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, ngay ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nó làm tiêu tan những lực lượng sản xuất lẽ ra còn phải tận dụng và phát triển vì lợi ích của nhân dân và của chủ nghĩa xã hội.
Trong một nước tiểu nông – tiểu sản xuất hàng hóa thì hệ thống thu mua và bán lẻ bám rễ vào tận hang cùng ngõ hẽm là điều kiện rất cơ bản để phát triển sản xuất, là yêu cầu của bản thân sản xuất. Chính là dựa vào yêu cầu đó mà tư bản thương nghiệp trước đây đã bủa vây được mạng lưới bóc lột của nó. Vấn đề đặt ra hiện nay là: làm sao xóa bỏ được mạng lưới bóc lột của tư bản thương nghiệp mà vẫn duy trì, phát triển được hệ thống thu mua và bán lẻ phục vụ nông dân. Thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã phải vươn lên đảm đương được nhiệm vụ đó, ít nhất cũng trong phạm vi những mặt hàng quan trọng, có khối lượng lớn. Có thể và phải sử dụng một số thương nhân làm nhiệm vụ đại lý bán lẻ và được uỷ thác thu mua cho thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã. Mặt khác, cần phải thừa nhận rằng thương nghiệp tư nhân còn có vai trò tích cực nhất định trong lưu thông hàng hóa và hoạt động dịch vụ, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản phụ, các nguyên liệu và sản phẩm của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, các dịch vụ đáp ứng những nhu cầu đa dạng, nói chung lại là những hàng hóa và dịch vụ mà thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã chưa có khả năng kinh doanh có hiệu quả.
Trong phần đánh giá tình hình đã nêu nhận xét về hệ thống giao thông vận tải của Căm-pu-chia. Cấu trúc hạ tầng này cần được khôi phục, bảo dưỡng, nâng cấp và bổ sung phương tiện vận tải để đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng. Khu vực vận tải quốc doanh cần vươn lên đáp ứng được những nhu cầu vận tải có khối lượng lớn. Mặt khác, cần khuyến khích, hỗ trợ tư nhân, tổ hợp, hợp tác xã mua sắm phương tiện vận tải, kể cả ô tô, sà lan, các phương tiện dùng sức kéo súc vật để mở mang vận tải.
Một cơ cấu kinh tế phát huy tiềm năng của mọi ngành, mọi vùng, mọi thành phần kinh tế, với nông nghiệp làm trọng tâm, với kinh tế quốc doanh làm chỗ dựa cho các thành phần kinh tế khác, là cơ cấu kinh tế đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cũng là bước chuẩn bị thuận lợi cho sự phát triển trong tương lai.
- Chính sách kinh tế
Trong các phần trên đã đề cập nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực chính sách kinh tế. Giờ đây, cần tổng hợp lại để có một cái nhìn có tính hệ thống.
Căm-pu-chia đã lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa. Dù chưa đi đến thời kỳ trực tiếp xây dựng chủ nghĩa xã hội (thường gọi là thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa), khuynh hướng này vẫn phải thể hiện ít hay nhiều ở các chính sách kinh tế và văn hóa. Trong giai đoạn hiện nay, áp dụng chính sách kinh tế mang tính chất xã hội chủ nghĩa thì rõ ràng là quá sớm, là đốt cháy giai đoạn. Nhưng, nếu áp dụng chính sách kinh tế mang tính chất tư sản thì rõ ràng là đối lập với nhân dân lao động và với con đường xã hội chủ nghĩa. Một chính sách kinh tế thích hợp phải là một chính sách tạo thuận lợi nhiều nhất cho sự phát triển đồng thời phục vụ lợi ích của đông đảo nhân dân.
Đặc trưng của chính sách này là: chính quyền nhân dân nắm vững các vị trí then chốt của nền kinh tế – ngân hàng, ngoại thương, các xí nghiệp công nghiệp lớn và vừa, hệ thống đường sắt và hàng không, các phương tiện vận tải thủy quan trọng, lực lượng chủ lực của ngành vận tải ô tô, hệ thống thông tin bưu điện, các nông trường cao su, các lâm trường khai thác gỗ, hệ thống bảo vệ thực vật và thú y, các trung tâm nghiên cứu và phổ cập kỹ thuật nông nghiệp, các trại giống cây và con, hệ thống cung ứng vật tư kỹ thuật cho nông nghiệp và cho các ngành kinh tế khác, hệ thống thu mua các nông, lâm, thủy sản quan trọng. Nhà nước nắm các vị trí then chốt này – không chia sẻ với các nhà tư bản – chưa phải là để trực tiếp xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà là để lãnh đạo và thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế phát triển có lợi cho nhân dân. Trong tương lai, khi đất nước chuyển sang nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa, thì khu vực kinh tế quốc doanh sẽ trở thành nền tảng của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế quốc doanh (cũng như kinh tế hợp tác xã) không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với kinh tế xã hội chủ nghĩa. Điều đó tùy thuộc ở bản chất xã hội của chính quyền Nhà nước và ở nhiệm vụ lịch sử mà chính quyền này thực hiện. Dưới sức ép của nhân dân lao động, chính quyền ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa cũng tiến hành quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp và vận tải. Nhưng, điều đó không ngăn cản giai cấp các nhà tư bản nắm trọn các vị trí then chốt của nền kinh tế và lũng đoạn nền kinh tế. Không phải vì chuyển từ tay các nhà tư bản sang tay chính quyền của các nhà tư bản mà các xí nghiệp quốc hữu hóa mất đi tính chất tư bản chủ nghĩa và vai trò phục vụ tư bản của chúng. Không hiếm trường hợp quốc hữu hóa chỉ mang ý nghĩa chuyển gánh nặng của các xí nghiệp thua lỗ lên vai ngân sách Nhà nước. Dưới chính thể Sihanúc trước đây cũng đã từng tồn tại một khu vực kinh tế quốc doanh không nhỏ, nhưng không ai lầm lẫn đó là khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Chính sách kinh tế trong giai đoạn hiện nay còn có đặc trưng: nó chưa lấy việc thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa làm mục tiêu trực tiếp, cũng tức là chưa đặt chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa và các hình thức sở hữu tư nhân nói chung thành đối tượng của cải tạo xã hội chủ nghĩa. Không những thế, nó còn khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân, cá thể, bao gồm cả tiểu chủ, tư bản nhỏ, mở mang kinh doanh có lợi cho quốc kế dân sinh. Tuy nhiên, không nên lầm lẫn chính sách đó với chính sách tư sản là chính sách mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển không hạn chế. Lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của nhân dân lao động đặt ra những giới hạn nhất định đối với sự bóc lột và sự phát triển nói chung của chủ nghĩa tư bản. Sự tồn tại và phát triển của khu vực kinh tế quốc doanh trong tay chính quyền nhân dân là chướng ngại không thể vượt qua đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Ngoài ra, Nhà nước còn thực hành chính sách kiểm soát, tiết chế cần thiết đối với các quan hệ bóc lột, đồng thời thông qua các quan hệ kinh tế để hướng dẫn, điều tiết kinh tế tư nhân. Trong những điều kiện như vậy, chủ nghĩa tư bản không còn là chủ nghĩa tư bản kinh doanh tự do, mà biến thành chủ nghĩa tư bản Nhà nước ở những mức độ khác nhau.
Một chính sách kinh tế như trên có thể là chính sách đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển của đất nước, phục vụ tốt nhất lợi ích của nhân dân lao động, đồng thời vẫn tận dụng và phát huy được vai trò tích cực của kinh tế cá thể, tư nhân, tư bản chủ nghĩa. Đến lúc nào thì lực lượng sản xuất sẽ đạt đến trình độ phát triển khiến cho các hình thái kinh tế này trở thành chướng ngại cho sự phát triển, cũng tức là đạt đến trình độ phát triển chín muồi để đặt ra vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa? Căn cứ vào điểm xuất phát rất thấp về trình độ phát triển của nền kinh tế, lại phải mất vài thập kỷ để khôi phục kinh tế và đời sống bằng mức trước chiến tranh, có thể đưa ra dự đoán sau đây mà không sợ sai lầm: đó là vấn đề đặt ra cho thế kỷ tới, tuyệt nhiên không phải là vấn đề của mấy thập kỷ trước mắt.
Trong chính sách kinh tế, quan hệ đối ngoại giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Không một nước nào trong thế giới ngày nay có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện đóng cửa, thu mình trong cải vỏ ốc của mình.
Các quan hệ kinh tế (cũng như chính trị, quốc phòng) của Căm-pu-chia với Liên Xô, Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã khẳng định chân lý sau đây: liên minh, hợp tác toàn diện và liên kết kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa là bảo đảm vững chắc nhất cho sự tồn tại và phát triển của nước Cộng hòa Nhân dân Căm-pu-chia. Vấn đề cần tiếp tục xác định trong kế hoạch dài hạn là: hướng chuyên môn của kinh tế Căm-pu-chia trong phân công lao động quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa, những nhu cầu lâu dài của Căm-pu-chia cần được đáp ứng từ phía các nước anh em, những biện pháp nhằm thu hẹp dần chênh lệch giữa xuất và nhập trong quan hệ với các nước anh em.
Để đón lấy cơ hội mới trong quan hệ với các nước không phải xã hội chủ nghĩa, cần xác định: những mục tiêu ưu tiên cần đặt ra để tranh thủ viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại và tín dụng dài hạn; những khả năng hợp tác kinh doanh với từng đối tượng, hình thức hợp tác và khuôn khổ pháp lý của sự hợp tác.
Mọi quan hệ kinh tế đối ngoại phải được xem xét trên cơ sở xác định vị trí của Căm-pu-chia trong phân công lao động quốc tế và trên thị trường thế giới, phải nhằm phục vụ những mục tiêu ưu tiên của đất nước, và nhằm đạt được hiệu quả tối ưu. Vấn đề thanh toán quốc tế và thời hạn thanh toán phải được cân nhắc rất thận trọng, tránh phạm phải sai lầm mà nhiều nước đã phạm: nợ nần chồng chất nhưng hiệu quả do vay nợ đem lại thì rất thấp.
- Chính sách văn hóa xã hội và khoa học kỹ thuật
Phát triển kinh tế không chỉ nhằm mục đích nâng cao đời sống vật chất mà còn nhằm nâng cao sức khỏe và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, cũng tức là nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Xét theo chiều ngược lại thì sức khỏe, mức sống cũng như trình độ văn hóa và khoa học kỹ thuật của nhân dân lại là động lực của phát triển kinh tế. Dưới giác độ ấy, chính sách đối với con người cũng là một bộ phận – một bộ phận cực kỳ quan trọng – của chiến lược kinh tế.
Căm-pu-chia đã đạt được bước khởi đầu đáng khích lệ về phát triển giáo dục phổ thông và đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật. Trong những bước phát triển sắp tới, cần căn cứ vào nhu cầu của kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế và văn hóa để xác định số lượng từng loại cán bộ cần đào tạo, tránh tình trạng thừa loại này thiếu loại khác có thể xảy ra trong tương lai. Có thể thấy trước nhu cầu về cán bộ sư phạm, y tế, nông nghiệp và kinh tế là lớn nhất. Đối với những loại cán bộ khoa học kỹ thuật mà nhu cầu còn ít, có thể tạm thời chưa tổ chức đào tạo ở trong nước mà gửi đi đào tạo ở các nước anh em. Về chất lượng đào tạo, cần nhấn mạnh bồi dưỡng kỹ năng thực hành, tránh khuynh hướng chỉ thiên về bồi dưỡng kiến thức. Ngay ở bậc giáo dục phổ thông cũng cần bồi dưỡng một số kiến thức kỹ thuật và kỹ năng thực hành để học sinh ra trường có thể bắt tay ngay vào sản xuất với một trình độ kỹ thuật nhất định.
Trong công tác khoa học kỹ thuật, cần chú trọng phát triển các trung tâm thử nghiệm và phổ cập kỹ thuật nông nghiệp, các cơ quan nghiên cứu ứng dụng và triển khai. Hết sức tránh khuynh hướng “hàn lâm viện”, không đem lại hoặc chậm đem lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất. Cũng hết sức tránh khuynh hướng phô trương hình thức, vội lập ra viện này viện nọ nhưng chưa có cán bộ nghiên cứu đầu đàn, chưa có những tập thể cán bộ khoa học đủ sức giải quyết vấn đề, chưa có những phương tiện thiết bị cần thiết. Đối với những đề tài phức tạp, có thể hợp tác với các cơ quan khoa học của các nước anh em để giải quyết.
Cần dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác điều tra cơ bản, khảo sát và thăm dò địa chất mà mục tiêu trọng điểm là các khoáng sản có giá trị công nghiệp.
Hệ thống y tế cần được phát triển đến nông thôn với trạm y tế và nhà hộ sinh ở mỗi cụm thôn xóm, với các bệnh viện trung tâm ở huyện, ở tỉnh, chịu trách nhiệm xử lý các trường hợp phức tạp.
Bảo đảm cho nhân dân nông thôn được thông tin kịp thời, được tiếp xúc với các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế cũng như được hưởng thụ những thành tựu văn hóa, văn nghệ, thông qua mạng lưới phát nhanh, truyền thanh, chiếu phim lưu động, v.v…
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, không thể phát triển mạnh mẽ các sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa nếu không huy động sự đóng góp hợp lý của những người thụ hưởng thành quả của các sự nghiệp ấy. Sớm thực hiện chế độ phúc lợi xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực này cũng như trong nhiều lĩnh vực khác thì kết quả sẽ là hạn chế sự phát triển của chính các sự nghiệp ấy. Để đạt mục tiêu trên, cũng không nên vội phủ nhận vai trò tích cực của các hoạt động tư nhân, tập thể, trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật. Vấn đề chỉ là ở chỗ hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động ấy theo hướng có lợi cho nhân dân.
- Chính sách dân số
Trong phần đánh giá tình hình đã nêu vấn đề kế hoạch hóa dân số như một vấn đề không thể trì hoãn. Càng chậm có giải pháp thì hậu quả đối với tiền đồ phát triển của đất nước càng nặng nề. Nhưng giải quyết vấn đề thì lại không thể nóng vội, không thể dùng mệnh lệnh cưỡng bức mà đạt được kết quả.
Biện pháp quan trọng đầu tiên là tiến hành công tác tuyên truyền thuyết phục nhằm làm thay đổi trạng thái tâm lý và phong tục tập quán cổ truyền. Khi nhân dân đã nhận thức được vấn đề thì từng bước đưa ra những khẩu hiệu vận động phù hợp như: “đẻ thưa, đẻ ít”, tiến lên đưa ra khẩu hiệu “mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1 đến 3 con”. Khi có điều kiện thuận lợi hơn, sẽ thay bằng khẩu hiệu “chỉ nên có 1 đến 2 con”. Mục tiêu phấn đấu là đạt được mức tăng dân số thấp nhất: 12 triệu người hoặc ít hơn vào 2005, 16 triệu người hoặc ít hơn vào năm 2050. Muốn thế, cuộc vận động phải phát huy được hiệu quả giảm dần nhịp độ tăng dân số ngay từ đầu những năm 90.
Đi đôi với công tác vận động thuyết phục, phải mở rộng mạng lưới y tế đến tận huyện, xã, và bảo đảm có đủ các phương tiện kỹ thuật phòng tránh thai cần thiết cho nhân dân. Điều này đòi hỏi những khoản đầu tư thích đáng.
Các biện pháp khuyến khích về tinh thần và vật chất đối với những gia đình thực hiện tốt việc kế hoạch hóa sinh đẻ có ý nghĩa thiết thực thúc đẩy phong trào. Hết sức tránh những chính sách phân phối gây tác dụng ngược lại là khuyến khích tăng nhân khẩu trong gia đình.
Vấn đề khống chế dân số ở các thành phố, nhất là ở thành phố Phnôm Pênh, đã đến lúc phải được đặt ra.
Vấn đề phân bố hợp lý dân cư và lao động trong phạm vi cả nước phải được tính đến trong bố trí chiến lược cũng như trong các chủ trương cụ thể về kinh tế.
- Chính sách bảo vệ môi trường
Ngày nay, bảo vệ môi trường sống của con người đã trở thành một vấn đề sống còn của nhân loại. Ở các nước công nghiệp hóa, vấn đề được đặt lên hàng đầu là việc chống ô nhiễm môi trường do các chất thải công nghiệp gây ra. Còn ở Căm-pu-chia thì đó là việc bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn lợi thiên nhiên đang là cơ sở của những ngành kinh tế quan trọng nhất – nông lâm ngư nghiệp. Nếu cứ tiếp tục khai thác các nguồn lợi thiên nhiên như lâu nay vẫn làm thì chẳng bao lâu nữa, vốn rừng và nguồn cá sông hồ sẽ cạn kiệt, màu mỡ của đất sẽ cạn kiệt, khí hậu cũng sẽ trở nên khắc nghiệt hơn, gây tai họa nhiều hơn. Các nguồn lợi thiên nhiên chẳng những phải được bảo vệ, chống những hành động khai thác bừa bãi của con người, mà còn phải được bồi dục, phát triển bằng chính bàn tay chăm sóc của con người.
Nhà nước cần quy hoạch các khu rừng khai thác, ban hành các luật lệ về khai thác, các định mức về khai thác và giám sát nghiêm ngặt việc chấp hành. Đặc biệt phải bảo vệ và gây trồng lại rừng ngập nước quanh Biển Hồ là môi trường sinh sản của nhiều loài cá. Quy mô xuất khẩu gỗ cần được tính toán lại một cách chặt chẽ. Những hoạt động công nghiệp tiêu hao quá nhiều củi như chế biến đường thốt nốt cũng cần phải xem xét để tìm ra giải pháp thích hợp. Việc gây rừng, trồng rừng cần tiến hành với quy mô ngày càng tăng, tiến tới bù đắp được vốn rừng bị khai thác và khôi phục lại rừng ở những vùng đất trống đồi trọc. Ngay ở đồng bằng cũng cần khôi phục lại các cánh rừng phòng hộ và phát động phong trào quần chúng trồng cây lấy gỗ, củi.
Phương thức canh tác bằng nương rẫy là một trong những nguyên nhân gây ra phá rừng tệ hại nhất, cần có biện pháp thu hẹp và chấm dứt càng sớm càng tốt. Đốt rừng làm rẫy là phương thức canh tác của số dân cư vùng núi cao. Chừng nào số dân cư này còn phải tự mình sản xuất ra lương thực trên núi cao để nuôi sống mình thì họ chỉ còn một cách duy nhất là đốt rừng làm rẫy. Vì phải canh tác trên đất dốc, bị xói mòn mạnh, cho nên họ buộc phải du canh du cư để tìm đất canh tác mới. Bước chân của con người đi đến đâu thì rừng già bị phá trụi đến đó, đất trồng bị hủy hoại đến đó, và mọi tai họa (lũ lụt, khô hạn) đều dồn xuống đồng bằng là địa bàn sinh sống của tuyệt đại bộ phận dân cư.
Du canh du cư không phải là điều mong muốn của số dân cư vùng núi cao. Nói cho đúng thì đó là số phận hẩm hiu của những người không kiếm được những mảnh đất bằng phẳng để làm thành ruộng – cơ sở vật chất của định canh định cư. Giúp cho họ có được cái cơ sở vật chất ấy chính là chìa khóa của cuộc vận động định canh định cư. Đương nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu về ruộng là có hạn, mặc dù số dân cư ở vùng núi cao của Căm-pu-chia không lớn, chỉ bằng khoảng 2% dân cư cả nước. Đối với những người vẫn phải tiếp tục sinh sống ở vùng núi cao thì giải pháp tối ưu là biến họ thành người chăm sóc rừng đầu nguồn, bảo vệ rừng quốc gia, trồng rừng, trồng cây đặc sản trên đất rừng và khai thác lâm sản cung cấp cho dân cư vùng đồng bằng làm nguyên liệu. Đổi lại, họ sẽ nhận được lương thực từ đồng bằng chuyển lên.
Cấp đất làm ruộng cho số dân cư vùng núi cao, đi đôi với tổ chức lại sự phân công lao động xã hội giữa đồng bằng và vùng núi cao, đó là giải pháp cơ bản cho lối sống đốt rừng làm rẫy.
Với địa hình lòng chảo mà Biển Hồ là cái rốn nước, đất trồng ở Căm-pu-chia có độ dốc tương đối lớn. Phải áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật thích hợp nhằm giữ mầu, giữ nước cho đất, thau chua rửa phèn, chống rửa trôi, xói mòn, chống la-tê-rít hóa. Những biện pháp đó là: giữ lại các khu rừng đầu nguồn, gây trồng những dải rừng phòng hộ, những thảm cỏ; xây dựng những hồ đập giữ nước, kênh mương và bờ vùng; áp dụng kỹ thuật trồng theo đường đồng mức, kỹ thuật ruộng bậc thang, v.v… Chuyển sang kỹ thuật thâm canh với việc tưới tiêu chủ động, với việc tăng cường đầu tư phân bón, nhất là phân hữu cơ, chẳng những có ý nghĩa kinh tế trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài bảo vệ đất, tăng độ phì cho đất, giữ gìn nguồn lợi thiên nhiên cho các thế hệ mai sau.
Nguồn cá sông hồ là nguồn thực phẩm quan trọng nhất của nhân dân Căm-pu-chia từ bao đời nay. Sự giảm sút nguồn cá này đã đến mức báo động. Phải bảo vệ và phát triển nguồn cá bằng một hệ thống các biện pháp: bảo vệ rừng nói chung và rừng ngập nước nói riêng, chống xói mòn đất canh tác nhằm giữ cho lòng hồ khỏi bị bồi lắng, ngăn cấm các biện pháp khai thác làm hại đến sự sinh trưởng của các thủy sinh vật, áp dụng các biện pháp gây nuôi, phát triển đàn cá, .v.v….
Bảo vệ và phát triển các nguồn lợi thiên nhiên làm cơ sở cho sự phát triển của nông lâm ngư nghiệp là một nhiệm vụ chiến lược, chẳng những của kế hoạch dài hạn này mà của cả kế hoạch tiếp theo.