Với diện tích 181.035 km2 và 8 triệu dân vào cuối năm 1987, Căm-pu-chia không phải là một nước lớn, nhưng cũng không phải là một nước nhỏ ở Đông Nam Á. Vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử hơn một thế kỷ qua đã liên kết nhân dân 3 nước Căm-pu-chia, Lào và Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Dưới ách đô hộ thực dân kéo dài gần một thế kỷ, Căm-pu-chia vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu với phương thức sản xuất cổ truyền. Sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên và đơn thuần hướng vào việc tận thu những tặng vật của tự nhiên. Quy mô “bóc lột” tự nhiên tăng lên theo tỷ lệ thuận với mức tăng dân số, còn dân số thì đã tăng gần 3 lần trong 60 năm đầu của thế kỷ này. Những hiện tượng suy thoái của môi trường sinh thái chứng tỏ việc “bóc lột” tự nhiên, từ lâu, đã vượt quá những giới hạn cho phép.
Từ giữa thập kỷ 50 đến cuối thập kỷ 60, đất nước đã có được một thời kỳ ngắn ngủi phát triển trong độc lập và hòa bình. Những thành tựu về kinh tế đạt được trong thời kỳ này, tuy còn khiêm tốn, nhưng cho đến nay vẫn là những đỉnh cao nhất đã đạt được (xem phụ lục I).
Tiếp đó là một thời kỳ thảm họa: chiến tranh xâm lược của đế quốc Mĩ và ngụy quyền Sài Gòn cấu kết với tập đoàn phản động Lon-non (1970-1975) và chế độ diệt chủng Pôn-pốt (1975-1978). Sản xuất bị tàn phá đến mức không còn đủ nuôi sống nhân dân nữa. Dưới chế độ Pôn-pốt, hai triệu rưỡi người bị giết hại, bị chết đói, chết bệnh. Tuyệt đại bộ phận đội ngũ trí thức bị tàn sát. Tiền tệ và thị trường bị dẹp bỏ. Cả xã hội bị biến thành một trại tập trung khổng lồ, buộc phải lao động khổ sai dưới mũi súng của bọn diệt chủng.
Cuộc nổi dậy của nhân dân tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Cứu nước Căm-pu-chia, được sự hỗ trợ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã đập tan chế độ diệt chủng Pôn-pốt, đem lại sự hồi sinh cho đất nước Căm-pu-chia. Từ đống tro tàn đổ nát và đau thương tang tóc, nhân dân Căm-pu-chia đã tỏ rõ sức mạnh quật khởi của mình. Sản xuất nông nghiệp phục hồi, nạn đói nhanh chóng bị đẩy lùi. Các thành phố được hồi sinh. Hệ thống giao thông vận tải và nhiều xí nghiệp công nghiệp được khôi phục. Tiền tệ và thị trường được khôi phục. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Dân số năm 1987 đã khôi phục bằng mức cao nhất trong lịch sử (1975).
Tuy nhiên, 9 năm phấn đấu trong điều kiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh còn hết sức nặng nề chưa đủ để hàn gắn những vết thương đẫm máu do chế độ phản động Pôn-pốt gây nên, càng chưa đủ để trở lại những đỉnh cao về phát triển kinh tế mà đất nước đã đạt được trong những năm trước chiến tranh.
Điểm qua mấy nét về lịch sử, chúng ta thấy quá khứ đã để lại những di sản như thế nào cho hiện tại và tương lai, từ đó, có cơ sở để làm rõ thực trạng kinh tế Căm-pu-chia cùng những yếu tố tác động đến tiến trình phát triển của nó trong kỳ kế hoạch dài hạn này.
Về thực trạng kinh tế Căm-pu-chia, có thể nêu lên những điểm chính như sau:
1. Qua 9 năm dưới chính quyền nhân dân, kinh tế Căm-pu-chia đã được phục hồi về mọi mặt, vượt xa thời kỳ thảm họa dưới chế độ Pôn-pốt cũng như dưới chính quyền Lon-non. Nhưng, so với những chỉ tiêu đã đạt được trước chiến tranh thì khoảng cách còn khá lớn. Lấy năm 1986 so với năm 1968 (là những năm có đủ số liệu hơn cả), ta thấy tổng sản phẩm xã hội mới bằng 65%, thu nhập quốc dân mới bằng 72%, trong khi dân số đã bằng 120%.
Để so sánh hai thời điểm cách nhau đến 20 năm thì điều hợp lý hơn là: lấy mức sản xuất và thu nhập bình quân đầu người làm căn cứ. Với cách so sánh này, năm 1986 mới bằng 55% về tổng sản phẩm xã hội và bằng 61% về thu nhập quốc dân.
Nếu mục tiêu trước mắt là khôi phục sản xuất và thu nhập bình quân đầu người bằng mức trước chiến tranh, trong khi dân số đã đông hơn trước và vẫn tiếp tục tăng, thì có thể thấy trước phải đưa sản lượng tuyệt đối lên gấp đôi mức trước chiến tranh, cũng tức là gấp ba hiện nay. Điều này có khả năng đạt được vào cuối kỳ kế hoạch dài hạn.
Dự báo trên đây cho thấy 9 năm thảm họa đã kéo lịch sử Căm-pu-chia lùi lại nhiều thập kỷ. Thực tế khắc nghiệt đó phải được tính đến khi xây dựng kế hoạch dài hạn. Chủ quan, nôn nóng, ảo tưởng sẽ không tránh khỏi vấp váp phải trả giá đắt.
2. Ngay ở mức phát triển cao nhất trước chiến tranh, Căm-pu-chia vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu: gần 80% dân số làm nông nghiệp và làm nông nghiệp theo phương thức sản xuất cổ truyền. Canh tác hoàn toàn dựa theo mùa mưa và mùa khô, theo mực nước lũ cao hay thấp; diện tích được tưới bằng công trình thủy lợi chỉ chiếm chưa đầy 5% diện tích canh tác. Mùa màng thường xuyên bị đe dọa bởi hạn hán và mưa lũ bất thường. Canh tác phần lớn là bóc lột độ phì của đất. Hầu như không dùng phân xanh và phân hóa học. Phân chuồng không nhiều và ít được tận dụng. Năng suất lúa bình quân chỉ xoay quanh mức 1 tấn/ha và nếu tính từ đầu thế kỷ đến nay thì có xu hướng ngày càng giảm, chứng tỏ độ phì của đất ngày càng giảm và số lượng đất xấu phải đưa vào canh tác ngày càng nhiều. Việc tăng sản lượng lương thực trong nhiều thập kỷ đơn thuần dựa vào việc tăng diện tích canh tác, còn diện tích canh tác thì tăng tương ứng với mức tăng dân số, có khi cao hơn mức tăng dân số. ()
Những năm gần đây, đã xuất hiện một số vùng thâm canh theo kỹ thuật nông nghiệp hiện đại (sử dụng giống mới, phân hóa học và thuốc trừ sâu), đạt năng suất 3-4 tấn/ha, nhưng số ruộng này còn chiếm tỷ trọng quá nhỏ, chưa đủ sức nâng mức bình quân chung vượt hẳn lên trên mức 1 tấn/ha.
Trong gần 3 triệu héc ta đất trồng trọt thì 6 vạn héc ta cao su do các công ty tư bản nước ngoài kinh doanh là một ngoại lệ. Đó là những “ốc đảo” kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến nằm lọt vào giữa xứ sở của kỹ thuật nông nghiệp cổ truyền.
Căm-pu-chia có nhiều diện tích có thể dùng để phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn. Nhưng nghề chăn nuôi cho đến nay vẫn được tiến hành theo kỹ thuật cổ sơ, năng suất rất thấp, sản lượng hàng hóa rất thấp. Trâu bò chỉ dựa vào bãi chăn thả tự nhiên, không có dự trữ thức ăn cho mùa khô dài và khắc nghiệt. Lợn được nuôi thả rông quanh nhà.
Ngư nghiệp và lâm nghiệp chỉ nhằm tận thu những tặng vật của tự nhiên; việc bảo vệ, phát triển nguồn cá nước ngọt và vốn rừng tuy đã được đặt ra nhưng chưa có ý nghĩa gì đáng kể. Có nhiều hiện tượng chứng tỏ nguồn cá nước ngọt ngày càng giảm. Rừng bị chặt phá tập trung ở một số vùng để lấy đất canh tác, làm chất đốt sinh hoạt, làm nhiên liệu cho công nghiệp, làm vật liệu xây dựng và xuất khẩu. Từ đầu thế kỷ đến nay, dân số tăng nhanh thì tốc độ suy giảm vốn rừng cũng tăng nhanh. Theo một số học giả phương Tây, có nhiều hiện tượng chứng tỏ vốn rừng suy giảm đã gây ảnh hưởng xấu đến khí hậu, nguồn nước, môi trường sống của cá nước ngọt và làm suy thoái đất canh tác.
Dựa vào các nguồn lợi thiên nhiên, đặc biệt là quỹ đất còn khá phong phú, phương thức sản xuất cổ truyền đã bảo đảm nuôi sống được dân cư có mức tăng 3,5 lần trong 70 năm đầu của thế kỷ này, ngoài ra còn xuất khẩu được một khối lượng nông sản đáng kể, chủ yếu là gạo và ngô. Tuy nhiên, việc “bóc lột” tự nhiên từ lâu đã vượt quá giới hạn cho phép. Sự phản kháng của tự nhiên bộc lộ ngày càng rõ. Hy vọng bằng phương thức sản xuất cổ truyền để đưa sản lượng nông, lâm, ngư nghiệp lên gấp đôi mức trước chiến tranh là điều không có cơ sở. Hơn nữa, với phương thức sản xuất này, nhân dân Căm-pu-chia không thể tạo cho mình một cuộc sống no đủ, phong phú, càng không thể hy vọng đạt tới sự phát triển cao hoặc trung bình trong thế giới hiện đại. Ngay với mức phát triển cao nhất trước chiến tranh, nhân dân Căm-pu-chia vẫn chỉ lo được cho mình một mức sống khiêm tốn, mà ngoài cái ăn ra hầu như không còn gì khác. Số nông, lâm, thủy sản được xem là thặng dư không đủ cung ứng nguyên liệu cho một số xí nghiệp công nghiệp còn ít ỏi, phần được xuất khẩu không đủ để nhập khẩu một số hàng công nghiệp tối thiểu cần thiết cho cuộc sống. Cho dù đến hết kỳ kế hoạch dài hạn này có đạt được mục tiêu khôi phục sản xuất và thu nhập bình quân đầu người bằng mức trước chiến tranh thì tình hình vẫn chưa có gì là sáng sủa.
Những nhận xét trên đây dẫn chúng ta đi đến kết luận: không thể cứ duy trì phương thức sản xuất cổ truyền mà đạt được mục tiêu khôi phục sản xuất và thu nhập bình quân đầu người bằng mức trước chiến tranh, càng không thể nghĩ đến một sự phát triển cao hơn. Lịch sử đã đặt ra những vấn đề mới và đòi hỏi cách giải quyết mới.
3. Dưới ách đô hộ thực dân, Căm-pu-chia thuần túy là một nước nông nghiệp mà nhiệm vụ là cung cấp cho chính quốc gạo và cao su. Trừ một số ít ỏi nghề thủ công và tiểu công nghiệp (chủ yếu là xay xát thóc gạo), phần lớn do Việt kiều và Hoa kiều tiến hành, toàn bộ hàng công nghiệp đều phải nhập khẩu. Chỉ trong thập kỷ 60, công nghiệp mới bắt đầu được xây dựng với một số xí nghiệp cỡ vừa và nhỏ, thuộc các ngành dệt, giấy, đường, thuốc lá, bao đay, thủy tinh, xi-măng, fibro xi-măng, gỗ dán, săm lốp ô-tô, phốt-phát, cơ khí, điện lực, lọc dầu, v.v… Một số xí nghiệp bị tàn phá nặng, đến nay chưa khôi phục được (lọc dầu, thủy điện, xi-măng, gỗ dán). Những xí nghiệp khác, tuy đã được khôi phục hoặc khôi phục một phần, nhưng chưa phát huy được hết công suất vì thiết bị cũ kỹ, không đồng bộ, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu năng lượng – nhiên liệu, hoặc thiếu nguyên vật liệu.
Để phát triển mạnh công nghiệp, Căm-pu-chia đứng trước một số khó khăn mà một vài thập kỷ mới có hy vọng khắc phục được.
a. Khó khăn lớn nhất là thiếu nhiên liệu – năng lượng. Với kết quả thăm dò địa chất đến nay thì Căm-pu-chia không có nguồn than có giá trị công nghiệp. Cũng chưa phát hiện thấy dầu và khí thiên nhiên. Nguồn gỗ củi ở những vùng đông dân, dễ khai thác, thì đã bị khai thác cạn kiệt. Khai thác và vận chuyển từ xa về thì giá thành cao, công nghiệp khó chịu đựng nổi. Vả chăng, ngay củi làm chất đốt sinh hoạt cho dân cũng đang trở thành vấn đề lớn thì đặt tiền đồ của công nghiệp vào nguồn gỗ củi càng không có cơ sở. Sử dụng xăng dầu nhập khẩu làm nhiên liệu và phát điện có những giới hạn nghiệt ngã: trong không ít trường hợp, sản phẩm công nghiệp làm ra chỉ đủ bù đắp chi phí về nhiên liệu – năng lượng (trường hợp của xi-măng, thủy tinh chẳng hạn). Nếu trong tương lai, việc thăm dò tài nguyên trong lòng đất không đem lại phát hiện gì mới về trữ lượng than và dầu khí thì nguồn năng lượng duy nhất có ý nghĩa của Căm-pu-chia là thủy năng. Trữ lượng thủy năng có khả năng khai thác kỹ thuật, theo ước tính của Ủy ban Quốc tế sông Mê Công, khoảng 60 tỷ KWh, trong đó 90% thuộc hai công trình khổng lồ Stungtreng và Sambo, phần còn lại phân bổ vào 13 công trình nhỏ và vừa. Việc xây dựng hai công trình thủy điện khổng lồ chưa thể xem là hiện thực trong kỳ kế hoạch dài hạn này. Bắt đầu bằng những công trình thủy điện nhỏ như Kirirom, Prek-thnot, Kamchay… tiến lên xây dựng những công trình cỡ vừa là bước đi phù hợp với khả năng kinh tế của đất nước đồng thời cũng phù hợp với nhu cầu của công nghiệp.
b. Khó khăn thứ hai là nguồn khoáng sản nghèo nàn. Với những hiểu biết đến hôm nay thì Căm-pu-chia không có khoáng sản kim loại có giá trị công nghiệp, trừ vàng và có thể cả bốc-xít. Những khoáng sản có giá trị công nghiệp đã được phát hiện là: đá vôi và đất sét làm xi-măng, gạch ngói, gốm sứ, cát làm thủy tinh, phốtphorít làm phân bón, vàng và đá quý. Trữ lượng các loại đều không lớn.
Thực ra, công tác điều tra thăm dò địa chất ở Căm-pu-chia cho đến nay còn quá sơ sài, điều đó cho phép hy vọng sẽ có những phát hiện mới trong tương lai.
c. Khó khăn thứ ba là nguồn nông, lâm, thủy sản làm nguyên liệu cho công nghiệp tương đối hạn chế. Tuyệt đại bộ phận nông sản và thủy sản được tiêu dùng trực tiếp, không cần qua chế biến công nghiệp hoặc chỉ cần sơ chế (xay xát). Những sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Căm-pu-chia (cao su, gạo, ngô, đậu, lạc, vừng, hạt tiêu, thuốc lá, gỗ súc, gỗ xẻ, trâu bò cày kéo) cũng không đòi hỏi phải qua chế biến công nghiệp hoặc chỉ cần sơ chế. Cần lưu ý rằng một số nông sản, lâm sản lẽ ra phải dành làm nguyên liệu cho công nghiệp thì lại đem xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô (da trâu bò, song mây…). Số thủy sản, hải sản có thể dành ra để xuất khẩu thông qua chế biến công nghiệp thì khối lượng không đáng kể. Những nông sản, lâm sản mở đầu cho một quá trình chế biến công nghiệp đa dạng như bông, đay, gai, mía, hạt có dầu, thịt gia súc, tre gỗ cho xenlulô… thì khối lượng còn quá nhỏ, phải nhiều năm gây trồng mới trở thành cơ sở cho một nền công nghiệp phát triển.
Điều hạn chế bao trùm đối với công nghiệp là năng suất và sản lượng của nông nghiệp còn quá thấp. Trong khi nhu cầu tối thiểu của nhân dân về lương thực, thực phẩm còn chưa đáp ứng đủ thì chưa thể tính đến việc dành ra một bộ phận đáng kể diện tích và lao động để tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp.
Những nhận xét trên đây dẫn chúng ta đi đến kết luận: chưa thể đặt vấn đề phát triển mạnh công nghiệp hay công nghiệp hóa trong kỳ kế hoạch dài hạn này. Điều có ý nghĩa hiện thực là: tiếp tục khôi phục và cải tạo các xí nghiệp hiện có, mở rộng một số xí nghiệp khi đã tạo ra được cơ sở nguyên liệu vững chắc. Mặt khác, khuyến khích mở ra nhiều cơ sở tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp dựa vào nguồn nguyên liệu phân tán ở các địa phương. Để thực hiện những điều này thì mấu chốt cấp bách là tạo ra nguồn điện, đặc biệt là nguồn điện rẻ tiền.
4. Căm-pu-chia có mạng lưới đường bộ bao quanh Biển Hồ rồi tỏa đi các hướng, đan khắp vùng châu thổ Biển Hồ – Mê Công là vùng tập trung tuyệt đại bộ phận dân cư. Hai tuyến đường sắt nối liền thủ đô với vựa lúa phía tây và với hải cảng phía nam. Đất nước có hai đường thông ra biển và nhiều sân bay. Hệ thống giao thông vận tải này, trong những năm trước chiến tranh, đã từng bảo đảm một khối lượng hàng hóa và hành khách lớn gấp mấy lần hiện nay. Sự phát triển kinh tế trong tương lai chưa đòi hỏi những khoản đầu tư lớn để mở thêm đường giao thông. Vấn đề chỉ là ở chỗ khôi phục, bảo dưỡng, nâng cấp các tuyến đường hiện có và bảo đảm có đủ phương tiện vận tải.
5. Trong những năm trước chiến tranh, Căm-pu-chia đã có những cố gắng lớn để đẩy mạnh xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu từ mức 40-50 triệu đô la những năm 50 đã tăng gấp đôi vào cuối những năm 60. Mặc dù vậy, cán cân thương mại vẫn chưa đạt đến sự cân bằng. Phần thiếu hụt phải dùng viên trợ nước ngoài để bù đắp. Chính là nhờ vào viện trợ (viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay dài hạn) mà một loạt công trình công nghiệp, điện lực, hải cảng, sân bay, đường sắt, đường ô-tô, trường học, bệnh viện được xây dựng. Căm-pu-chia nhận được viện trợ của nhiều nước tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa và không liên kết. Tổng số viện trợ lên đến 260 triệu đô la trong thời gian 1957-1965, bằng 42% kim ngạch xuất khẩu cùng thời gian đó.
Giống như bất cứ nước nông nghiệp lạc hậu nào khác, Căm-pu-chia đứng trước khó khăn rất lớn trên con đường phát triển: thiếu vốn đầu tư. Với nền nông nghiệp cổ truyền, năng suất rất thấp, ngay mức sống no đủ của nhân dân còn khó đảm bảo, chưa thể có gì nhiều để xuất khẩu, đổi lấy máy móc thiết bị, vật tư. Tình hình khó khăn còn bắt nguồn từ chỗ: hầu như toàn bộ sản phẩm công nghiệp cần dùng hàng ngày, từ nhiên liệu – năng lượng đến hàng tiêu dùng thông thường đều phải nhập khẩu. Chỉ riêng xăng dầu mỗi năm nhập khẩu trên 20 vạn tấn đã ngốn hết số ngoại tệ thu được nhờ xuất khẩu gạo. Trong những điều kiện như vậy, viện trợ nước ngoài, đặc biệt là viện trợ để tạo ra những năng lực sản xuất mới, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Từ sau ngày giải phóng, nước Cộng hòa Nhân dân Căm-pu-chia nhận được sự giúp đỡ to lớn về mọi mặt của Liên Xô, Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Viện trợ nhân đạo của nhiều tổ chức quốc gia và quốc tế cũng đóng góp to lớn vào sự hồi sinh của đất nước.
Đi đôi với những thành tựu về khôi phục kinh tế, hoạt động xuất khẩu cũng dần dần hồi phục. Năm 1987, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 27 triệu rúp, đô la, so với kim ngạch nhập khẩu 121 triệu. Nếu khoảng cách giữa xuất và nhập trong những năm trước chiến tranh là 1 so với 1,4 thì hiện nay là 1 so với 4,5. Chẳng những khoảng cách mở rộng hơn trước mà phần lớn số nhập siêu hiện nay còn phải đưa vào tiêu dùng nhằm duy trì cuộc sống bình thường, chỉ có khoảng 1/3 là dành cho đầu tư cơ bản mà nội dung cũng mới chỉ là khôi phục những công trình cũ. Tình hình này một lần nữa nói lên những hậu quả nặng nề của 9 năm thảm họa. Nó đặt ra vấn đề: bằng cách nào và đến bao giờ thì thu hẹp được, đi đến triệt tiêu khoảng cách giữa xuất và nhập?
Trong tương lai, Căm-pu-chia vẫn có thể tiếp tục dựa vào sự giúp đỡ chí tình của các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời từng bước mở rộng sự hợp tác kinh tế hai bên đều có lợi với các nước ấy. Mặt khác, khả năng đi tới một giải pháp chính trị cho vấn đề Căm-pu-chia cũng ngày càng có ý nghĩa hiện thực. Khi giải pháp được thực hiện thì triển vọng phát triển quan hệ kinh tế với các nước không phải xã hội chủ nghĩa cũng được mở ra. Căm-pu-chia sẽ có điều kiện nhận được viện trợ nhân đạo của một số nước và tổ chức quốc tế nhằm hàn gắn những vết thương do chiến tranh và chế độ diệt chủng để lại. Có thể tranh thủ được viện trợ không hoàn lại hoặc tín dụng dài hạn của một số nước nhằm khôi phục hoặc xây dựng mới một số công trình. Việc trao đổi hàng hóa, hợp tác sản xuất, hợp tác đầu tư, hợp tác khu vực trong đó có hợp tác khai thác sông Mê Công, có khả năng được mở rộng từng bước.
Hợp tác kinh tế, nhất là hợp tác kinh tế với các nước tư bản chủ nghĩa, bao giờ cũng là một con đường hai chiều. Để đón lấy cơ hội mới, cần làm rõ vấn đề: Căm-pu-chia sẽ dành những lợi ích gì cho các bên hợp tác, và trên cơ sở khai thác những tài nguyên nào?
6. Đối với một dân tộc vừa trải qua một tai họa diệt chủng khủng khiếp thì tăng số dân là hiện tượng tự nhiên, và là một điều đáng mừng, đứng trên quan điểm nhân văn cũng như đứng trên quan điểm kinh tế. Tuy nhiên, dân số tăng đến một mức nào đó thế tất phát sinh mâu thuẫn với nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng khai thác được. Lúc ấy, tăng dân số sẽ thành trở ngại cho việc nâng cao mức sống và cho việc đẩy nhanh sự phát triển. Nâng cao mức sống hay đẩy nhanh sự phát triển đều không ngoài mục đích vì con người. Chính trên quan điểm nhân văn ấy, loài người đang xem xét, điều chỉnh sự phát triển của chính mình. Tình hình ở Căm-pu-chia phải chăng cũng đã đến lúc đặt ra vấn đề ấy?
a. Dân số Căm-pu-chia đã khôi phục bằng mức cao nhất trong lịch sử. So với năm 1968, dân số đã bằng 120% trong khi tổng sản phẩm xã hội mới bằng 65%.
Nếu tiếp tục tăng theo nhịp độ hiện nay thì dân số năm 2005 sẽ lên đến 13 triệu người, gấp đôi năm 1968. Điều đó có nghĩa là: nếu lúc ấy Căm-pu-chia có tăng được sản xuất lên gấp đôi năm 1968, cũng tức là gấp ba hiện nay, thì mức sống của nhân dân cũng mới chỉ bằng năm 1968.
Trong trường hợp việc kế hoạch hóa sinh đẻ được đặt ra ngay từ bây giờ và phát huy hiệu quả từ đầu những năm 90 thì dân số năm 2005 có thể thấp hơn con số trên khoảng 1 triệu người.
Nếu dân số năm 2005 đã là 12-13 triệu người thì dù việc kế hoạch hóa sinh đẻ có được đặt ra như thế nào, nó vẫn tiếp tục tăng mấy thập kỷ nữa. Tùy theo việc kế hoạch hóa này có hiệu quả nhiều hay ít, dân số sẽ ngừng tăng ở mức 16 triệu người vào năm 50 hoặc ở mức 20 triệu người vào năm 60 của thế kỷ tới.
Mức tăng dân số như trên đặt ra nhiều câu hỏi. Đến năm nào của thế kỷ tới, nhân dân Căm-pu-chia sẽ có thể đạt được mức sống no đủ? Bao giờ thì có điều kiện “cất cánh”? Bao giờ thì đạt đến trình độ một nước phát triển? Các nguồn tài nguyên thiên nhiên có còn đủ để bảo đảm các mục tiêu ấy không?
b. Ngoài vấn đề tăng dân số nói chung, còn có vấn đề tăng dân số thành thị nói riêng. Từ sau ngày giải phóng, dân số thành thị đã tăng nhanh. Riêng Phnôm Pênh đã tới 60 vạn dân. Dân số thành thị phình ra trong khi công nghiệp và dịch vụ chưa có khả năng thu hút nhiều lao động, kết cấu hạ tầng đô thị mới chỉ khôi phục được một phần. Trong một vài thập kỷ tới, công nghiệp cũng chưa có khả năng đóng được vai trò gì lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm. Điều này chủ yếu vẫn phải dựa vào nông nghiệp.
c. Cũng cần nhắc lại sự phân bố dân cư không đều trong phạm vi cả nước do lịch sử để lại. Có học giả phương Tây đã dùng hình ảnh hai nước Căm-pu-chia – một nước Căm-pu-chia đông dân và một nước Căm-pu-chia không có dân – để khắc họa tình hình đó. Sự phân bố dân cư không đều đã dẫn đến hậu quả: một số nguồn lợi thiên nhiên như vốn rừng, quỹ đất có thể dùng vào nông nghiệp… ở những vùng đông dân đã bị khai thác đến mức cạn kiệt.
7. Về mặt xã hội, Căm-pu-chia vốn là một nước của những người tiểu nông. Sự phân hóa giai cấp trong nông thôn cũng như trong xã hội nói chung chưa sâu sắc. Kẻ bóc lột chủ yếu ở nông thôn không phải là địa chủ, phú nông (có thể vì đất mới nói chung còn đủ rộng cho những hộ nông dân cần đất) mà là những chủ hiệu tạp hóa sẵn sàng cung ứng hay bán chịu mọi thứ cần dùng hàng ngày cho nông dân để đến mùa mua lại mọi sản phẩm của họ. Một kiểu cho vay lãi nặng ẩn dấu trong hoạt động thương nghiệp và kết hợp với hoạt động thương nghiệp. Số chủ hiệu này cắm rễ ở mọi thôn xóm, hình thành mạng lưới thu mua và bán lẻ của những thương nhân lớn đóng đô ở thành thị. Số thương nhân lớn này hình thành trong thực tế một tập đoàn chi phối gần như trọn vẹn cả thu mua, bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu và tài chính – tín dụng.
Trong khi tư bản thương nghiệp dưới dạng tiền tư bản chủ nghĩa vươn những vòi bạch tuộc của nó đến từng hộ tiểu nông, thì tư bản công nghiệp – hình thái đặc trưng của chủ nghĩa tư bản – mới chỉ nhú mầm trong những năm 60 dưới dạng một số ít ỏi tiểu chủ, chủ xưởng, chủ thầu, chủ vườn cao su. Ở đây đương nhiên không kể đến những nhà tư bản nước ngoài nắm trọn những đồn điền lớn trồng cao su và những xí nghiệp công nghiệp ít nhiều quan trọng.
Dưới chính thể Sihanúc, những xí nghiệp của tư bản nước ngoài đã bị quốc hữu hóa, trừ các đồn điền cao su. Những xí nghiệp công nghiệp mới xây dựng đều thuộc khu vực quốc doanh. Nhà nước nắm độc quyền ngoại thương. Hệ thống bóc lột của tư bản thương nghiệp bị các công ty thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã hạn chế và phá vỡ một phần.
Sau ngày giải phóng, chính quyền nhân dân nắm trọn những vị trí then chốt của nền kinh tế. Giai cấp tư sản đã bị phá sản phần lớn trong chiến tranh và dưới chế độ diệt chủng. Nhưng những tàn dư của nó đang từng bước phục hồi thông qua những hoạt động buôn lậu (và nửa hợp pháp) qua biên giới.
Trong một xã hội mà sự phân hóa giai cấp chưa sâu sắc, đấu tranh giai cấp chưa mang những hình thái quyết liệt thì công cuộc xây dựng kinh tế có những mặt thuận lợi nhất định. Vấn đề trung tâm là ở chỗ có chính sách thỏa đáng đối với những người lao động – tiểu sản xuất (tiểu nông, ngư dân, thợ thủ công, tiểu chủ).
Nhận định trên đây có gì mâu thuẫn với hiện tượng Pôn-pốt và tính chất đối kháng của chúng với nhân dân? Tập đoàn Pôn-pốt không đại diện cho một giai cấp hay tầng lớp xã hội nào ở Căm-pu-chia, đó là một sự thật hiển nhiên. Chúng chỉ là những tín đồ mù quáng và cực đoan của chủ nghĩa Mao, là công cụ của những thế lực nước ngoài và là những kẻ tiếm quyền đầy dã tâm và tham vọng cá nhân. Một chế độ, một tập đoàn chính trị không có cơ sở xã hội trong nhân dân, tập đoàn đó nhất định bị quét sạch khỏi lịch sử một khi giác ngộ chính trị của nhân dân được nâng cao.
8. Trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế, Căm-pu-chia có những dự trữ đáng kể về tài nguyên và cơ sở vật chất.
Diện tích có thể phục hóa, khai hoang làm đất canh tác còn đủ rộng, ngay với mức dân số tăng lên 12-13 triệu người vào năm 2005. Đặc biệt diện tích đất đỏ có thể trồng cao-su còn rất rộng. Năng suất của ruộng đất còn nhiều hứa hẹn, chỉ cần có nước và phân bón.
Đất có khả năng sử dụng vào chăn nuôi gia súc còn nhiều.
Vốn rừng còn đủ cung cấp gỗ, củi cho nhu cầu của nhân dân, trong khi chờ đợi giải pháp mới về vật liệu xây dựng và chất đốt.
Nguồn cá sông hồ tuy có hiện tượng giảm sút, nhưng hoàn toàn có khả năng phục hồi nếu có biện pháp bảo vệ. Trữ lượng hải sản còn đủ để phát triển nghề đánh bắt lên 2-3 lần mức hiện nay.
Nguồn thủy năng lớn, hoàn toàn chưa được khai thác.
Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mới chỉ sử dụng một phần nhỏ công suất.
Hầu hết các xí nghiệp công nghiệp đều còn công suất dự trữ. Chỉ cần có đủ năng lượng, nguyên liệu thì tăng được sản lượng, tiến lên có thể mở rộng thêm công suất.
Nguồn lao động đặc biệt dồi dào, vừa là sức ép rất lớn về công ăn việc làm, về nhu cầu vật chất và văn hóa, vừa là nguồn dự trữ để phát triển. Nhân dân lao động cần cù, dẻo dai, có khả năng tiếp thu kỹ thuật mới. Với việc phát triển nhanh chóng hệ thống giáo dục và đào tạo từ sau ngày giải phóng, đội ngũ lao động kỹ thuật và cán bộ khoa học kỹ thuật đã bù đắp được những thiệt hại do chế độ diệt chủng gây ra và ngày càng lớn mạnh.
Đất nước Ăngco vốn có sự hấp dẫn cao về du lịch, về sử học và khảo cổ học. Tiềm năng này còn chưa có điều kiện phát huy. Phần lớn cơ sở vật chất của ngành du lịch do đó chưa được sử dụng.
Những dự trữ nêu trên là những thuận lợi không nhỏ trên con đường phát triển, ít ra cũng là những thuận lợi cho sự phát triển trong kỳ kế hoạch dài hạn này.