I

Thực tiễn của Bun-ga-ri đã chứng minh một cách hùng hồn vị trí và tác dụng cực kỳ quan trọng của nông nghiệp đối với sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước (cũng tức là đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân) cũng như đối với việc nâng cao mức sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng.

Nông nghiệp, với đối tượng sản xuất là cây trồng và gia súc, bao giờ cũng là ngành sản xuất quan trọng nhất đối với sự sống của con người – chừng nào con người vẫn còn phải thông qua sự sinh trưởng tự nhiên của thực vật và động vật để tạo ra nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự sống của mình. Tuy nhiên điều mà chúng ta quan tâm ở đây không phải là xem xét vị trí của nông nghiệp dưới cái ý nghĩa chung nhất ấy.

Chúng ta cũng không quan tâm nghiên cứu vị trí của nông nghiệp trong các xã hội trước đây, khi mà nông nghiệp còn là ngành sản xuất gần như duy nhất của xã hội. Điều này chẳng nói lên cái gì, ngoài trình độ hết sức thấp kém của năng suất lao động xã hội.

Điều mà chúng ta quan tâm là: ở những nước lạc hậu như Bun-ga-ri hoặc như Việt Nam ta, xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, nông nghiệp phải có vai trò như thế nào trong bước đi ban đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa? Nói nông ngiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp là với ý nghĩa như thế nào? Để làm rõ vấn đề chúng ta hãy lần lượt xem xét những khía cạnh sau đây:

  1. Vai trò của nông nghiệp, hay đúng hơn của năng suất lao động nông nghiệp đối với việc mở rộng phân công lao động xã hội nói chung đối với việc mở mang công nghiệp nói riêng;
  2. Vai trò của nông nghiệp đối với việc tích lũy vốn ban đầu cho công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa;
  3. Vị trí của nông nghiệp trong một cơ cấu kinh tế hợp lý – một cơ cấu vừa bảo đảm được tích lũy vốn cho công nghiệp hóa, lại vừa bảo đảm được cải thiện đời sống nhân dân;
  4. Vị trí của nông nghiệp trong thế phát triển cân đối của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong thế phát triển cân đối giữa sản xuất tư liệu sản xuất và sản xuất tư liệu tiêu dùng.

Trước tiên hãy nói về vai trò của năng suất lao động nông nghiệp đối với việc mở rộng phân công lao động xã hội nói chung, đối với việc mở mang công nghiệp nói riêng. Về vấn đề này, Mác đã từng chỉ ra như sau:

“Vì việc sản xuất ra tư liệu sinh hoạt là điều kiện trước nhất của sự sống của những người sản xuất trực tiếp và của mọi việc sản xuất nói chung, cho nên lao động bỏ vào việc sản xuất đó, cũng tức là lao động nông nghiệp hiểu theo ý nghĩa kinh tế rộng rộng nhất của chữ ấy, phải đủ sinh lợi như thế nào để cho việc sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cho những người sản xuất trực tiếp không thu hút hết toàn bộ thời gian lao động mà họ có được, nghĩa là để cho lao động thặng dư nông nghiệp, và do đó sản phẩm thặng dư nông nghiệp có thể có được. Suy rộng ra toàn bộ lao động nông nghiệp kể cả lao động tất yếu và lao động thặng dư của một bộ phận nào đó của xã hội phải có khả năng sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cần thiết cho toàn thể xã hội, nghĩa là cho cả người lao động phi nông nghiệp; có như thế thì mới có được sự phân công lớn giữa những người làm công nghiệp, cũng như sự phân công giữa những người làm nông nghiệp sản xuất ra lương thực và những người làm nông nghiệp sản xuất ra nguyên liệu. Như vậy, mặc dù đối với bản thân những người sản xuất trực tiếp ra lương thực, lao động của họ cũng chia ra thành lao động tất yếu và lao động thặng dư, nhưng đứng trên quan điểm toàn xã hội mà xét thì lao động của họ chỉ là thứ lao động tất yếu, cần thiết để sản suất ra tư liệu sinh hoạt”.

Ở đoạn khác, Mác viết:

“Thời gian lao động tất yếu của người lao động cá biệt càng ít bao nhiêu thì anh ta càng có thể cung cấp được nhiều lao động thặng dư bấy nhiêu. Đối với dân cư lao động cũng vậy, bộ phận cần phải dành vào việc sản xuất ra các tư liệu sinh hoạt cần thiết càng ít bao nhiêu thì bộ phận có thể sử dụng vào các công việc khác càng nhiều bấy nhiêu”.

“Rõ ràng là số lượng những người lao động trong ngành công nghiệp chế biến,… và hoàn toàn tách rời khỏi nông nghiệp… được quyết định bởi khối lượng sản phẩm mà những người lao động nông nghiệp đã sản xuất thặng ra ngoài sự tiêu dùng cá nhân của họ.

“Như vậy, lao động nông nghiệp là cái cơ sở tự nhiên… không phải chỉ riêng cho lao động thặng dư trong lĩnh vực bản thân ngành nông nghiệp, mà nó là cái cơ sở tự nhiên để biến tất cả các ngành lao động khác thành những ngành độc lập”.

Từ những đoạn trích dẫn trên đây chúng ta có thể rút ra mấy điểm:

  1. Sản xuất ra tư liệu sinh hoạt là điều kiện trước nhất của sự sống của những người sản xuất, vì vậy là hoạt động sản xuất đầu tiên của mọi xã hội. Chỉ sau khi đã đảm bảo được đủ những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho sự sống của mình (trước nhất là thức ăn) thì người ta mới có điều kiện tiến hành những hoạt động sản xuất khác và những hoạt động phi sản xuất.
  2. Lao động nông nghiệp là thứ lao động sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt cần thiết nhất cho sự sống của con người, vì vậy đứng trên quan điểm toàn xã hội mà xét nó là thứ lao động tất yếu (còn lao động sản xuất ra máy móc, nhà xưởng, đường sá…. thì thuộc lao động thặng dư). Chúng ta biết rằng lao động thặng dư chỉ bắt đầu ở điểm mà lao động tất yếu chấm dứt. Vì vậy, bộ phận dân cư làm nông nghiệp càng ít bao nhiêu (ít nhưng vẫn đảm bảo sản xuất đủ thức ăn cho toàn bộ dân cư) thì bộ phận dân cư có thể sử dụng vào công nghiệp, kiến trúc, giao thông vận tải,… càng lớn bấy nhiêu.
  3. Muốn cho bộ phận dân cư làm nông nghiệp ngày càng giảm bớt mà vẫn đảm bảo sản xuất đủ thức ăn cho toàn bộ dân cư thì chỉ có cách: nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp, trước hết là năng suất của những người sản xuất lương thực, thực phẩm. Như vậy năng suất của lao động nông nghiệp vượt quá nhu cầu cá nhân của người lao động là điểm xuất phát để biến tất cả các ngành sản xuất khác thành những ngành độc lập, là cơ sở của mọi sự phân công lao động xã hội, gồm cả sự phân công giữa những người làm nông nghiệp và những người làm công nghiệp.

Nhìn vào nền nông nghiệp của những nước lạc hậu, rất dễ nhận thấy rằng: bộ phận dân cư làm nông nghiệp nói chung, và làm lương thực nói riêng còn quá lớn; khối lượng sản phẩm nông nghiệp (lương thực, thực phẩm, nguyên liệu) mà những người lao động nông nghiệp đã sản xuất thặng ra ngoài sự tiêu dùng cá nhân của họ còn quá nhỏ; do đó sự phân công lớn giữa những người làm nông nghiệp và những người làm công nghiệp, cũng như sự phân công trong nội bộ những người làm nông nghiệp – giữa trồng trọt và những người chăn nuôi, giữa những người trồng cây lương thực và những người trồng cây công nghiệp – còn hết sức hạn chế. Vậy mà công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa lại chính là quá trình phân công lại lao động xã hội, làm cho phân công lao động xã hội ngày càng sâu sắc, ngày càng phong phú. Nội dung của quá trình ấy bao gồm mấy mặt phân công lớn sau đây:

  1. Chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp ngày càng lớn sang các ngành công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến, công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ;
  2. Chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp ngày càng lớn sang các công việc mở mang đường sá, phát triển giao thông vận tải, phục vụ cho công nghiệp phát triển và cho việc mở mang các vùng kinh tế mới;
  3. Chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp ngày càng lớn sang các công việc kiến trúc, xây dựng nhà máy, kho tàng, khu công nghiệp mới…;
  4. Chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang làm nghề rừng để cung cấp tre, gỗ, nứa và các loại lâm sản khác cho công nghiệp;
  5. Chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang làm nghề biển (cá, muối) để cung cấp thực phẩm cho công nhân và nguyên liệu cho công nghiệp;
  6. Chuyển một bộ phận lao động trồng trọt sang làm chăn nuôi để tăng thêm nguồn thực phẩm cung cấp cho các khu công nghiệp và thành phố;
  7. Chuyển một bộ phận lao động trồng cây lương thực sang trồng cây công nghiệp để đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp;
  8. Chuyển một bộ phận lao động trồng cây lương thực sang trồng rau và cây ăn quả để tăng thêm nguồn thực phẩm cho các khu công nghiệp và thành phố;
  9. Chuyển một bộ phận lao động ở các vùng trồng lương thực cổ truyền đến các vùng đất mới để khai hoang, mở rộng trồng trọt và chăn nuôi;
  10. Chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sản xuất cho nhu cầu trong nước sang làm nhiệm vụ sản xuất để xuất khẩu đổi lấy máy móc thiết bị.

Mỗi cuộc phân công lao động xã hội trên đây lại bao gồm nhiều cuộc phân công lao động nhỏ hơn, đi vào chi tiết hơn, và tất cả đều nhằm đáp ứng nhu cầu của nông nghiệp, đều làm điều kiện cho công nghiệp phát triển.

Đứng về phía nông nghiệp mà xét thì tất cả các cuộc phân công lao động xã hội trên đây đều “lấn” vào lao động nông nghiệp, đặc biệt là lao động trồng lương thực, và đều “sống nhờ” vào năng suất của lao động nông nghiệp, đặc biệt là năng suất của lao động trồng lương thực (xét cho cùng, số lượng những người lao động nông nghiệp làm chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, trồng rau và cây ăn quả cũng đều phụ thuộc vào sản phẩm thặng dư của những người lao động nông nghiệp trồng lương thực). Từ đó cho thấy rằng: nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp, trước nhất là năng suất của lao động trồng lương thực là chìa khóa để phân công lại lao động xã hội ở những nước nông nghiệp lạc hậu.

Một khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đã có sẵn một nền nông nghiệp tương đối phát đạt, một trình độ tương đối cao về năng suất của lao động nông nghiệp thì việc mở rộng phân công lao động xã hội, đương nhiên không phụ thuộc nhiều vào việc nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp như vậy. Vấn đề đẩy mạnh nông nghiệp làm cơ sở để phát triển nông nghiệp, do đó, sẽ không đặt ra gay gắt, bức thiết như vậy. Nhưng chúng ta đã biết, Bun-ga-ri không thuộc trường hợp đó, cả Việt Nam cũng vậy.

Nhìn vào lịch sử nước ta rất dễ nhận thấy tác dụng kiềm chế mà năng suất thấp kém của lao động nông nghiệp gây ra đối với việc mở rộng phân công lao động xã hội. Người ta tự hỏi: Trải hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến, tại sao tuyệt đại bộ phận ruộng đất của nước ta chỉ để trồng lúa và tuyệt đại bộ phận dân cư nước ta cũng chỉ là người trồng lúa? Tại sao “rừng vàng biển bạc” của nước ta chỉ là những tiềm năng chứ chưa thật sự trở thành nguồn của cải dồi dào, trong khi dân cư chen chúc sống ở các vùng đồng bằng vẫn thiếu đói và việc làm? Tại sao đất đai và khí hậu nhiệt đới rất thuận lợi này không được sử dụng nhiều hơn nữa để trồng các cây công nghiệp, cây ăn quả là những thứ cây đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều so với cây lương thực? Nguyên nhân chẳng phải ông cha ta không nhận thức được những điều lợi hại đó, mà chỉ vì với cái cày thô sơ, với hệ thống thủy lợi và kỹ thuật canh tác lạc hậu, cũng tức là với năng suất thấp kém của lao động nông nghiệp, ông cha ta buộc phải dùng gần hết đất đai và lao động vào việc trồng lúa thì mới tạm đủ lương thực nuôi sống xã hội. Vậy mà cái nhu cầu tối thiểu cần thiết đó không phải lúc nào cũng được bảo đảm. Cứ vài ba năm, may mắn nhất cũng là dăm mười năm, một sự bất thường nào đó của tự nhiên lại làm cho cái năng suất trung bình của ruộng đất tụt xuống và nạn đói lại làm cái công việc điều chỉnh khắc nghiệt của nó – tước đi hàng vạn sinh mạng con người.

Nhưng tại sao người ta không khai hoang nhiều hơn nữa mà cứ quanh quẩn mãi ở những mảnh ruộng chật hẹp đó.

Nếu khai hoang là để phát triển cây công nghiệp, cây thức ăn gia súc hoặc sản xuất ra những nông sản xuất khẩu, thì cũng chẳng khác gì các hoạt động phi nông nghiệp, nó đòi hỏi phải rút bớt một số lượng lao động xã hội ra khỏi các cánh đồng trồng lúa, những nghề trồng lúa thì vẫn phải bảo đảm cung cấp đủ thóc gạo cho số lao động này. Cái gánh nặng về lương thực thực phẩm được đặt lên vai một số người ít hơn trước. Liệu những người này, với năng suất lao động không cao hơn trước, có đảm đương nổi không?

Còn khai hoang để sản xuất ra lương thực thực phẩm thì cũng không đơn giản là nó chỉ làm tăng thêm lương thực thực phẩm chứ không lấn vào cái khẩu phần sẵn có về lương thực thực phẩm của xã hội vốn đã rất eo hẹp. Từ khi những đoàn người bắt đầu rời bỏ những mảnh đất thuộc nghìn xưa để đi khai phá những vùng đất mới, hoặc phá rừng, san đồi, hoặc ngăn biển, rửa mặn, cho đến khi họ lấy ra được từ những đất mới này đủ thức ăn nuôi sống họ (chứ chưa nói đến nông phẩm thặng dư), thì họ sống bằng cái gì?

Đi khai hoang, dù là tiến hành với kỹ thuật thô sơ nhất, thì cũng không chỉ có nghĩa là thôi trồng trọt ở đất cũ để đến trồng trọt ở đất mới. Trong một thời gian nhất định, người nông dân buộc phải làm một loạt công việc để có thể tạm sống được trên vùng đất hoang và để chuẩn bị cho sản xuất nông nghiệp. Khi Nguyễn Công Trứ tổ chức khai hoang ở Kim Sơn, Tiền Hải, ông đã phải huy động hàng vạn nông dân đào mương, thau chua, rửa mặn, đắp đê ngăn biển, và đã mất từ 4 đến 7 năm mới thực sự tạo ra đất trồng ổn định. Khi Nguyễn Tri Phương tổ chức khai hoang ở miền Nam, Nhà nước phong kiến cũng phải chu cấp cho những người khai hoang vài ba năm đầu để họ làm những việc chuẩn bị cần thiết.

Xét theo giác độ phân công lao động xã hội thì điều đó có nghĩa là trong một thời gian nhất định, ít nhất là một đôi năm, xã hội đã rút bớt khỏi sản xuất nông nghiệp một số lượng người lao động mà vẫn phải cung cấp lương thực thực phẩm cho những người đó bất kể là cung cấp dưới hình thức nào, có tổ chức hay tự phát, qua chế độ cung cấp hay qua thị trường tự do. Như vậy thì ngay số người tưởng như đã thoát khỏi vòng cương tỏa của vùng đất thuộc, thực ra vẫn chịu sự chế ước của nó, của cái khối lượng lương thực mà vùng đất thuộc có khả năng sản xuất thặng ra ngoài số cần thiết để nuôi sống những người lao động của bản thân nó. Và sự chế ước này chỉ chấm dứt khi nào những mảnh đất mới đủ sức nuôi sống những đoàn người khai hoang, cho phép họ tách hẳn khỏi vùng đất thuộc như những tế bào mới tách khỏi những tế bào cũ.

Nhìn vào lịch sử phân bố dân cư nông nghiệp của nước ta trong những thế kỷ qua, người ta không thể không đặt một câu hỏi: Tại sao mật độ dân cư ở những vùng đất thuộc ngày càng cao, khẩu phần ruộng đất bình quân dưới chân người nông dân cứ ngày càng co lại một cách đáng sợ, nhưng việc khai hoang lại được triển khai một cách rất chậm chạp, rất dè dặt, trong khi đất hoang vẫn còn bạt ngàn? Vấn đề chỉ là ở chỗ: lấy đâu ra lương thực thực phẩm thặng dư để nuôi sống những người khai hoang?

Đúng là sự nghèo đói và chật chội của các vùng châu thổ đã tạo nên một sức ép ghê gớm, luôn luôn đẩy bớt một số dân cư ra khỏi nó, buộc họ phải tìm đất mới để sinh sống. Nhưng mặt khác, sự nghèo đói và chật chội ở các châu thổ chỉ có thể đẩy được một phần dân cư của nó ra khỏi nơi sinh sống cố hữu của họ với điều kiện và trong chừng mực mà sự nghèo đói và chật chội ấy vẫn có thể bớt ra được một chút lương thực thặng dư để cung đốn cho họ trong một thời gian, cho đến lúc mà họ có thể tự nuôi sống được mình bằng những mảnh đất mới. Nếu số người này vượt quá cái chừng mực cho phép của số lương thực thặng dư đó, thì chính sự nghèo đói lại có một sức ép ngược lại: đẩy một bộ phận trong số họ trở về với những mảnh đất cũ. Thà bám lấy nhau mà sống, sống chen chúc với nhau mà chịu khổ, chịu thiếu còn hơn là chết đói trước khi khai phá xong một mảnh đất mới.

Lịch sử khai hoang những thế kỷ qua của nước ta chính là lịch sử của sự giằng co giữa hai cái sức ép đó. Nói chung khai hoang tiến triển chậm và quy mô nhỏ, không phải vì thiếu đất để khai hoang, cũng không phải vì thiếu người, mà chính là vì cái số dư lương thực của những mảnh đất cũ quá bé. Cũng chính vì cái số dư lương thực đó quá nhỏ bé cho nên việc khai hoang chẳng những tiến triển chậm và rất dè dặt, mà phần lớn những đất khai hoang cũng buộc phải dành để sản xuất lương thực, nhằm nuôi sống chính những người khai hoang này, chứ không phải dành để sản xuất ra nông sản hàng hóa cho xã hội. Kết quả là: ruộng đất nhiều hơn, nông phẩm nhiều hơn, nhưng tất cả chỉ vừa đủ để nuôi một dân số đã tăng lên tương ứng với thành tựu của khai hoang. Cái sức ép của sự chật chội và thiếu đói giảm bớt đi đôi chút để rồi ngay sau đó, với mức tăng tự nhiên của dân số, lại trở nên gay gắt. Sự việc gần như quay về với điểm xuất phát của nó. Và cái vòng luẩn quẩn tưởng như không bao giờ gỡ ra nổi. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ: năng suất của những người lao động nông nghiệp nói chung, của những người sản xuất lương thực nói riêng, quá thấp và gần như không đổi. Chính vì không tạo ra được một sự phát triển vượt bậc trong năng suất của lao động nông nghiệp cho nên xã hội phong kiến chìm đắm mãi trong tình trạng trì trệ, nền kinh tế của xã hội đó, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, vẫn không thoát khỏi tình cảnh “dĩ nông vi bản”.

Nhiệm vụ đó, lịch sử đã trao vào tay chủ nghĩa tư bản. Để thực hiện công nghiệp hóa – điều này có nghĩa là tạo ra một cơ cấu phân công lao động xã hội hoàn toàn mới so với cơ cấu phân công lao động xã hội của nền nông nghiệp cổ truyền – thì điều kiện tiên quyết là phải tạo ra cho được một khối lượng nông sản thặng dư to lớn và ngày càng lớn, bao gồm lương thực, thực phẩm và nguyên liệu nông sản. Trên con đường đi lên của nó, chủ nghĩa tư bản, ngoài việc nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp (gắn liền với việc này, nâng cao năng lực sinh sản của ruộng đất) đã không ngần ngại sử dụng cả những thủ đoạn tàn bạo nhất để đạt tới đích: chiếm đoạt ruộng đất của nông dân để sản xuất nguyên liệu, bỏ đói hàng vạn nông dân, cướp bóc nông sản của các dân tộc thuộc địa,…

Đối với các dân tộc lạc hậu bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội thì những thủ đoạn trên đây là hoàn toàn ngược lại bản chất của chủ nghĩa xã hội. Để tạo ra nguồn nông sản thặng dư ngày càng dồi dào mà không rút bớt khẩu phần của nông dân, trái lại vẫn không ngừng cải thiện đời sống của họ, chỉ có một con đường duy nhất: nâng cao năng suất của chính những người lao động nông nghiệp. Ở các nước này, trong bước đi ban đầu của thời kỳ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt và tính chất cấp bách của nhiệm vụ phát triển nông nghiệp (thực chất là nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp) phải được nhìn nhận trong bối cảnh lịch sử của nó: mức tiêu dùng lương thực thực phẩm của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng vốn rất thấp, thậm chí chưa đạt tới mức tối thiểu cần thiết để duy trì và tái sản xuất sức lao động, vì vậy không thể không nâng lên một cách nhanh chóng; mức tăng tự nhiên của dân số rất cao, thậm chí còn cao hơn cả mức tăng bình quân hàng năm của sản lượng lương thực, trong khi đó việc mở rộng phân công lao động xã hội theo yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa lại phải được đặt ra và giải quyết trong một thời gian lịch sử tương đối ngắn. Nếu không tạo ra được một bước phát triển vượt bậc trong nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất của lao động nông nghiệp thì ngay việc duy trì mức sống như cũ cũng gặp khó khăn, nói gì đến việc tăng nhanh lao động phi nông nghiệp, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Muốn thoát ra khỏi tình cảnh nông nghiệp lạc hậu thì lại phải làm thế nào để biến chính ngay nền nông nghiệp thành cái bàn đạp để vươn lên. Vấn đề đặt ra xem như mâu thuẫn, nhưng bước đi của lịch sử lại chính là như vậy, bắt buộc phải như vậy.

Chúng ta bàn tiếp về vai trò của nông nghiệp đối với việc tích lũy vốn ban đầu cho công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta biết rằng chỉ có lao động thặng dư mới là nguồn tạo ra tích lũy, và lao động thặng dư chỉ bắt đầu ở điểm mà lao động tất yếu chấm dứt. Như vậy trong điều kiện độ dài của ngày lao động đã được ấn định (ngay khi giai cấp công nhân giành được chính quyền, ngày lao động 8 giờ đã được pháp luật quy định), muốn kéo dài thời gian lao động thặng dư, chỉ có cách là đẩy lùi giới hạn của lao động tất yếu lại. Tách riêng từng người lao động ra mà xét là như vậy, mà gộp chung cả xã hội lại thành một người lao động xã hội duy nhất cũng như vậy.

Làm thế nào thu hẹp được thời gian lao động tất yếu mà vẫn không hạ thấp được mức sống của người lao động? Như Mác đã từng vạch rõ, điều này hoàn toàn có thể thực hiện bằng cách nâng cao năng suất lao động ở những ngành sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cần thiết cho sự sống của mình, thì nay, nhờ nâng cao năng suất lao động, chỉ cần bỏ ra 6 giờ, 5 giờ cũng đủ để sản xuất ra số tư liệu sinh hoạt ấy. Mức sống của người lao động vẫn giữ nguyên, nhưng thời gian lao động tất yếu thì đã giảm từ 7 giờ giảm xuống còn 6 giờ, 5 giờ. Thời gian lao động thặng dư vì thế mà từ 1 giờ kéo dài ra thành 2, 3 giờ, trong khi ngày lao động 8 tiếng vẫn không thay đổi.

Nói cho đúng thì dưới chế độ xã hội chủ nghĩa không có khái niệm lao động thặng dư. Toàn bộ ngày lao động đều là lao động cho mình, lao động tất yếu. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ngày lao động và sản phẩm của ngày lao động không chia làm hai bộ phận nữa. Một bộ phận dành cho tiêu dùng trước mắt mà mức tối thiểu là để nuôi sống và tái sản xuất ra bản thân người lao động. Bộ phận còn lại vượt quá nhu cầu tiêu dùng trước mắt của người lao động, vì vậy có thể tích lũy lại (tích lũy cũng là để sau này tiêu dùng, và tiêu dùng nhiều hơn), cũng không ngoài lợi ích của người lao động. Chúng ta gọi bộ phận thứ nhất là lao động tất yếu và sản phẩm tất yếu, còn bộ phận thứ hai là lao động thặng dư và sản phẩm thặng dư. “Tất yếu” và “thặng dư” ở đây không mang một chút gì quan hệ bóc lột và bị bóc lột như nó đã mang dưới chủ nghĩa tư bản. Đó chỉ là sự phân chia sản phẩm của người lao động theo cách sử dụng khác nhau và thời gian sử dụng khác nhau mà thôi. Sự phân chia ấy là một tất yếu khách quan, do chính sản xuất đòi hỏi. Nó không phù hợp với lợi ích của bản thân người lao động. Như vậy, theo cách phân chia này, lao động thặng dư vẫn là nguồn duy nhất tạo ra tích lũy, và trong điều kiện độ dài của ngày lao động đã được ấn định thì việc đẩy lùi giới hạn của lao động tất yếu là vẫn con đường duy nhất để tăng thêm lao động thặng dư. Đối với những nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội thì việc đẩy lùi giới hạn của lao động tất yếu có ý nghĩa đặc biệt cấp thiết. Lẽ thứ nhất, vì độ dài của ngày lao động đã được ấn định. Lẽ thứ hai vì thời gian lao động tất yếu hiện đang chiếm gần hết cả ngày lao động xã hội.

Muốn đẩy lùi giới hạn của lao động tất yếu thì chủ yếu và trước hết phải thu hẹp lao động nông nghiệp lại. Thông thường lao động nông nghiệp chiếm tới 70-80% tổng số lao động xã hội. Điều đó có nghĩa là: chỉ kể riêng những tư liệu sinh hoạt lấy từ nông nghiệp, lao động tất yếu đã chiếm 70-80% ngày lao động xã hội. Tác động vào lao động nông nghiệp, vì vậy là tác động vào địa bàn rộng lớn nhất của lao động tất yếu.

Trong công việc này, người ta có được những thuận lợi rất lớn: đầu tư có thể chưa cần nhiều, kỹ thuật có thể chưa cao, vậy mà với những tiềm lực sẵn có của nông nghiệp, đã có thể đưa năng suất lao động lên những bước nhảy quan trọng.

Lao động nông nghiệp thu hẹp lại đến đâu thì lao động công nghiệp (và cùng với nó: kiến trúc, giao thông, vận tải,…) có điều kiện để bành trướng ra đến đó. Khác với lao động nông nghiệp thuộc loại lao động tất yếu, lao động công nghiệp chỉ có thể sinh ra và lớn lên trên miếng đất của lao động thặng dư, nói cụ thể hơn là trên miếng đất của vốn tích lũy ban đầu. Nhưng một khi đã xuất hiện, nó liền trở thành đòn bẩy mạnh nhất của tích lũy: một mặt vì sử dụng kỹ thuật hiện đại cho nên nó có tỷ lệ tích lũy cao, mặt khác, bằng cách cung cấp kỹ thuật hiện đại cho các thứ lao động khác, nó làm cho các thứ lao động này cũng trở thành lao động có năng suất cao và tỷ lệ tích lũy cao. Như vậy thu hẹp lao động nông nghiệp không những là thu hẹp thời gian lao động tất yếu lại để kéo dài thời gian lao động thặng dư ra, mà còn có ý nghĩa là thay thế thứ lao động có năng suất thấp và tỷ lệ tích lũy thấp bằng thứ lao động có năng suất cao và tỷ lệ tích lũy cao.

Lao động nông nghiệp tham gia vào việc tích lũy vốn ban đầu cho công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa bằng cách thu hẹp địa bàn của nó lại với tư cách là lao động tất yếu, mà còn bằng cách ngược lại: mở rộng địa bàn của nó ra với tư cách là lao động thặng dư. Lao động nông nghiệp bỏ vào việc sản xuất nông sản tiêu dùng trong nước, nó biến thành lao động thặng dư, y như lao động bỏ vào công nghiệp, kiến trúc vậy. Quy mô của nó, vì thế cũng phụ thuộc vào khối lượng sản phẩm mà những người lao động nông nghiệp, trước nhất là những người sản xuất lương thực thực phẩm có khả năng sản xuất thặng ra ngoài mức tiêu dùng của họ.

Ai cũng biết nhân dân ta rất thiếu đất trồng trọt (10 người mới có một héc ta) vậy mà đất trồng trọt mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích nước ta, còn hàng chục vạn héc ta đất phù sa bồi vùng ven biển, hàng triệu héc ta đất cao nguyên, trung du và miền núi rất thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp, cây ăn quả (cà phê, cao su, chè, cói, dứa…) và chăn nuôi đại gia súc – vẫn bị bỏ hoang hàng nghìn năm nay. Phải chăng vì ông cha ta chỉ cần lương thực mà không cần đại gia súc, cây công nghiệp và cây ăn quả? Phải chăng vì nông dân ta chưa thấy cái lợi của việc trồng cây công nghiệp và cây ăn quả xuất khẩu? Đương nhiên không phải như vậy. Vấn đề chỉ là ở chỗ: năng suất quá thấp của lao động nông nghiệp chưa cho phép ông cha ta vượt ra khỏi cái cửa ải của lao động tất yếu – lương thực – để với tới những nguồn của cải to lớn dành riêng cho lao động thặng dư. Năng suất lao động nông nghiệp vượt quá nhu cầu của bản thân những người sản xuất trực tiếp là điểm xuất phát của mọi lao động thặng dư. Nó cũng quy định và chế ước cả số lượng lao động thặng dư xã hội được phép dành ra trong mỗi thời điểm nhất định, tương ứng với mức năng suất mà lao động nông nghiệp đạt được vào thời điểm đó. Để hình dung cụ thể hơn tính quy định về lượng này, chúng ta thử làm một con tính:

Vùng Nghĩa Đàn ở miền Tây Nghệ An cũ là một vùng đất đỏ đặc biệt màu mỡ, rất thích hợp, mà cũng chỉ thích hợp với những cây lâu năm (cà phê, cam,…). Một héc ta đất trồng cây lâu năm ở đây cho ta một lượng sản phẩm giá trị bằng hai, ba héc ta ruộng trồng lúa ở đồng bằng. Tuy nhiên để khai phá và trồng trọt một vạn héc ta, chúng ta đã phải đưa vào đây, suốt 10 năm 13.000 lao động (ba vạn nhân khẩu) và một số vốn đầu tư cơ bản tương đương 25 vạn tấn thóc. Lương thực dùng cho 3 vạn nhân khẩu này chỉ có thể lấy từ sản phẩm thặng dư của những người trồng lương thực. Ta biết rằng với trình độ năng suất lao động của khu vực sản xuất lương thực hiện nay thì phải 3 hay 4 nhân khẩu sản xuất lương thực mới gánh nổi một nhân khẩu không sản xuất lương thực. Như vậy phải có tới 9 đến 12 vạn nhân khẩu sản xuất lương thực mới gánh nổi 3 vạn nhân khẩu trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Đó là chưa nói đến số sản phẩm nông nghiệp thặng dư hàng năm tương đương hai vạn rưởi tấn thóc bỏ vào vốn đầu tư cơ bản. Nếu số vốn này cũng bắt nguồn từ lương thực thặng dư thì nó phải là sản phẩm của nửa triệu nhân khẩu sản xuất lương thực.

Qua con tính đơn giản trên đây, ta thấy việc khai hoang vùng cao nguyên, trung du và miền núi nói chung, việc khai hoang sản xuất nông sản xuất khẩu nói riêng, phụ thuộc đến mức nào vào năng suất lao động của những người thực hiện đang sản xuất lương thực. Không có sẵn lương thực thặng dư thì không thể duy trì nổi một đội quân khai hoang quy mô lớn. Nếu vì không có sẵn lương thực thặng dư mà buộc những người khai hoang phải cưỡng lại quy luật của tự nhiên – cạo trọc đồi núi để trồng cây lương thực (sắn, lúa nương,…) thì tránh sao khỏi sự trừng phạt của tự nhiên?

Tất nhiên, chúng ta cũng có thể bắt đồi núi cung cấp cho ta lương thực bằng cách đem sản phẩm của nó – cây công nghiệp, cây ăn quả đổi cho nước ngoài lấy lương thực về. Nhưng như thế thì lao động sản xuất nông sản xuất khẩu không còn là một nguồn tích lũy vốn ban đầu cho công nghiệp hóa nữa, không còn là lao động thặng dư nữa. Nó đã biến thành lao động tất yếu mất rồi.

Từ một nền kinh tế nông nghiệp tiến lên công nghiệp hóa, hầu như bất cứ nước nào cũng vậy, đều phải trả qua một thời kỳ xuất khẩu nông sản và khoáng sản để nhập máy móc, thiết bị, mới đầu còn xuất hàng thô, sau tiến lên xuất hàng sơ chế và tinh chế. Nước ta có nhiều điều kiện thiên nhiên thuận lợi để khai thác cả hai nguồn của cải đó, nhất là nguồn của cải nông sản. Nhưng để biến khả năng này thành hiện thực, phải tạo ra một điều kiện tiên quyết: năng suất của lao động nông nghiệp phải được nâng cao đến mức có thể chuyển được một bộ phận lao động nông nghiệp sang các công việc khai hoang nhằm sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả xuất khẩu.

Lao động nông nghiệp, với ý nghĩa là lao động tất yếu, phải được thu hẹp lại để kéo dài một cách tương ứng lao động thặng dư – nguồn duy nhất của tích lũy. Mặt khác, với ý nghĩa là lao động thặng dư, sản xuất ra nông sản xuất khẩu để đổi lấy máy móc, thiết bị, nó phải được triển khai trên quy mô ngày càng lớn. Bằng cả hai hướng đó, nông nghiệp sẽ biến thành nguồn tích lũy vốn ban đầu to lớn nhất, cơ bản nhất, làm cơ sở vững chắc cho công nghiệp phát triển.

Chúng ta bàn tiếp. Về vị trí của nông nghiệp trong một cơ cấu kinh tế hợp lý – một cơ cấu vừa bảo đảm được tích lũy vốn cho công nghiệp hóa, vừa bảo đảm cải thiện đời sống nhân dân.

Đối với một nước nông nghiệp lạc hậu bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội thì nhiệm vụ quan trọng nhất, quyết định nhất không ngoài nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nhằm tạo cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, phải tích lũy. Công nghiệp hóa càng được đẩy mạnh thì tích lũy càng lớn, nhưng, mặt khác, vẫn phải chăm lo cải thiện đời sống nhân dân – bản chất của chủ nghĩa xã hội đòi hỏi như vậy. Làm thế nào để thực hiện được cả hai mục tiêu ấy cùng một lúc?

Ai cũng biết tích lũy và tiêu dùng là hai bộ phận chế ước lẫn nhau của cùng một đại lượng: thu nhập quốc dân. Nếu dốc sức vào việc xây dựng công nghiệp nặng thì sớm dựng lên được cái nền tảng của nền kinh tế dân tộc tự chủ, sớm dựng lên được cái cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nhưng về mặt đời sống, nhất định không thể tránh được những hy sinh và hạn chế nghiêm trọng. Điều này chỉ trong tình thế đặc biệt bức bách, chính quyền của giai cấp công nhân mới buộc phải làm như vậy. Đó là trường hợp của Liên Xô sau Cách mạng tháng Mười, một mình nằm giữa vòng vây của chủ nghĩa tư bản. Khi chủ nghĩa xã hội trở thành hệ thống thế giới, có tiềm lực kinh tế và quốc phòng hùng mạnh, thì một nước cá biệt nào đó mới bước lên con đường xã hội chủ nghĩa có thể không nhất thiết phải dốc sức xây dựng công nghiệp nặng trong một thời hạn rất gấp nữa. Điều kiện quốc tế thuận lợi cho phép lựa chọn một bước đi đỡ khẩn trương hơn, một cơ cấu kinh tế chẳng những đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa mà còn đáp ứng cả yêu cầu cải thiện đời sống nhân dân. Một cơ cấu kinh tế như thế đương nhiên phải dành một vị trí quan trọng cho việc phát triển nông nghiệp (và một số ngành sản xuất tư liệu sinh hoạt khác nữa). Trường hợp của Bun-ga-ri là như vậy.

Ở Việt Nam, Đảng ta đã lựa chọn con đường: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Chúng ta không chủ trương gấp rút xây dựng một nền công nghiệp hoàn chỉnh, mà chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, sát với nhu cầu của chúng ta, mà cũng hợp với khả năng của ta. Việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý lại phải được tiến hành trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Như vậy thì tích lũy đỡ căng thẳng, giữa tích lũy và tiêu dùng có sự cân đối nhất định.

Nông nghiệp là một nguồn tích lũy nguyên thủy to lớn, nhưng nông nghiệp cũng là ngành quyết định nhất đối với đời sống hiện nay của nhân dân ta (lương thực và thực phẩm hiện còn chiếm tới trên 70% tổng số chi trong ngân sách gia đình của công nhân viên chức cũng như của nông dân nước ta). Phát triển mạnh nông nghiệp thì tích lũy tăng lên, đời sống cũng mau chóng được cải thiện, mà cải thiện đời sống như chúng ta đã biết, chẳng những là vấn đề xã hội, nó còn là một đòn bẩy rất mạnh mẽ đối với sản xuất nữa.

Để làm rõ vị trí của nông nghiệp, còn phải xem xét nó trong thế phát triển cân đối của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong thế phát triển cân đối giữa sản xuất tư liệu sản xuất và sản xuất tư liệu tiêu dùng. Nếu thiếu sự cân đối ấy thì bất cứ nền kinh tế nào cũng không thể phát triển thuận lợi được, càng không thể phát triển với tốc độ cao.

Đứng về mặt giá trị mà xét thì công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, mà thực chất là xây dựng một nền công nghiệp nặng đủ sức trang bị kỹ thuật hiện đại cho hết thảy các ngành kinh tế quốc dân, trước hết có nghĩa là tích lũy. Phải “chất đống” vốn tích lũy năm này qua năm khác, dưới hình thái nhà xưởng, thiết bị, máy móc, và chỉ 2-3 năm sau, 5-10 năm sau mới bắt đầu thấy hiệu quả, bắt đầu có sản phẩm để đưa vào lưu thông. Trong thời gian tiến hành công việc xây dựng cơ bản ấy, chỉ có sự vận động một chiều của sản phẩm lao động, rút ra khỏi lưu thông để “đóng cứng lại” thành tài sản cố định. Như vậy thì lấy gì nuôi sống người lao động trong thời gian ấy? Đặt vấn đề như vậy cũng tức là nêu lên sự cân đối tất yếu giữa tích lũy và tiêu dùng. Nội dung của sự cân đối ấy là: quy mô của tích lũy phải được quy định như thế nào để khỏi làm hại đến sự tiêu dùng bình thường của xã hội, cũng tức là khỏi vượt quá sức chịu đựng của xã hội.

Tích lũy xét cho cùng cũng là để tiêu dùng. Nhưng sự tiêu dùng này không diễn ra ngay bây giờ mà sau một thời gian nhất định nó mới được phép diễn ra. Trong khoảng cách về thời gian ấy, người sản xuất không thể ngừng tiêu dùng, xã hội cũng không thể ngừng tiêu dùng. Như vậy, bên cạnh những công trình xây dựng đang thực hiện chức năng tích lũy, phải có những xí nghiệp khác, những ngành sản xuất khác, không ngừng ném sản phẩm của nó vào lưu thông để cung ứng cho sự tiêu dùng của xã hội. Mác viết:

“Trên cơ sở một nền sản xuất xã hội hóa thì cần phải ấn định quy mô mà những doanh nghiệp như thế có thể tiến hành được, những doanh nghiệp này thu hút sức lao động và tư liệu sản xuất trong một thời gian khá lâu, nhưng trong thời gian đó lại không cung cấp một sản phẩm nào dưới hình thái hiệu quả có ích, sẽ phải quy định rõ trong quy mô nào những doanh nghiệp đó có thể tiến hành được mà không làm hại tới những  ngành sản xuất khác; những ngành này, một cách liên tục hay mỗi năm nhiều lần, không phải chỉ lấy sức lao động và tư liệu sản xuất, mà còn cung cấp tư liệu sinh hoạt và tư liệu sản xuất nữa.

“Thu hút sức lao động và tư liệu sản xuất trong một thời gian khá lâu, nhưng trong thời gian đó lại không cung cấp một sản phẩm nào dưới hình thái hiệu quả có ích”, đó chính là đặc trưng của những xí nghiệp công nghiệp đang xây dựng, đặc biệt là những xí nghiệp công nghiệp nặng. Còn nông nghiệp, đó chính là ngành “một cách liên tục hay mỗi năm nhiều lần, không phải chỉ lấy sức lao động và tư liệu sản xuất, mà còn cung cấp tư liệu sinh hoạt và tư liệu sản xuất nữa”. Giữa hai loại ngành nói trên phải có một thế cân đối nhất định mà nội dung là: quy mô của loại thứ nhất phải được quy định như thế nào để không làm hại tới loại thứ hai, cũng tức là không làm hại tới sự tiêu dùng bình thường của xã hội. Nếu chỉ một chiều dốc sức vào việc xây dựng công nghiệp nặng thì mọi ngành kinh tế khác ắt phải khô cằn. Cuối cùng, chính công nghiệp nặng cũng không thể tiếp tục phát triển trong tình trạng mất cân đối được nữa.

Sự cân đối giữa công nghiệp nặng và nông nghiệp cũng tức là sự cân đối giữa sản xuất tư liệu sản xuất (khu vực I) và sản xuất tư liệu tiêu dùng (khu vực II) đứng về mặt hiện vật của sản phẩm mà xét. Nội dung của sự cân đối đó bao hàm trong lý luận của Mác về tái sản xuất xã hội: khu vực I phải cung cấp – và cung cấp đủ số, đủ loại – tư liệu sản xuất cho khu vực II, và ngược lại, khu vực II phải cung cấp – và cung cấp đủ số, đủ loại – tư liệu tiêu dùng cho khu vực I. Cái nọ làm thị trường cho cái kia. Chẳng phải đợi đến khi xây dựng xong, mà ngay trong quá trình hình thành của nó, công nghiệp nặng đã đòi hỏi thị trường cho sản phẩm của nó (do những xí nghiệp và phân xưởng đã xây dựng xong sản xuất ra). Như vậy, nếu chỉ một chiều dốc sức vào công nghiệp nặng thì ngoài những sự mất cân đối khác, còn xảy ra tình trạng thừa ứ sản phẩm công nghiệp nặng, tình trạng này sớm hay muộn sẽ làm tắc nghẽn mọi sự tuần hoàn trong nền kinh tế, trước nhất là sự tuần hoàn của bản thân công nghiệp nặng.

Như vậy, để thực hiện được thuận lợi nhiệm vụ ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, cũng tức là nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, thì nông nghiệp (và công nghiệp nhẹ) phải được phát triển với quy mô và tốc độ thích hợp nhằm đảm bảo cung cấp đủ tư liệu tiêu dùng cho công nghiệp nặng, đồng thời tạo ra thị trường rộng lớn cho sản phẩm của công nghiệp nặng. Về phía công nghiệp nặng, nó phải lấy việc phục vụ cho nông nghiệp (và công nghiệp nhẹ) phát triển làm một trong những mục tiêu chủ yếu của nó, sao cho mỗi bước phát triển của công nghiệp nặng đều trở thành đòn bẩy mạnh mẽ đối với nông nghiệp (và công nghiệp nhẹ). Làm như vậy tức là tạo điều kiện cho chính công nghiệp nặng phát triển.

Như trên ta thấy, ở những nước nông nghiệp lạc hậu, nông nghiệp có một vai trò lịch sử cực kỳ quan trọng trong bước đi ban đầu của công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, vai trò này đòi hỏi bản thân nông nghiệp phải có một sự phát triển vượt bậc.

Năng suất của lao động nông nghiệp đạt đến một trình độ nhất định cũng là chìa khóa của mọi nguồn tích lũy đầu tiên. Nó quyết định giới hạn của lao động tất yếu – đứng trên phạm vi toàn xã hội mà xét – và do đó, quyết định điểm xuất phát của lao động thặng dư.

Với những tiềm lực sẵn có, với tư cách là ngành sản xuất lớn của xã hội lúc bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, nông nghiệp phải trở thành nguồn hàng lớn nhất dành cho xuất khẩu để đổi lấy máy móc thiết bị. Quy mô của nguồn hàng này, trên một mức độ rất lớn, quyết định tốc độ của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Sự phát triển của nông nghiệp còn có ý nghĩa rất quyết định đối với mức sống của nhân dân – nơi đây, nguồn sống chủ yếu trước nay vẫn dựa vào nông nghiệp. Vừa phải tích lũy để tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, lại vừa phải chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, thì không thể không đẩy mạnh phát triển nông nghiệp.

Nông nghiệp đạt đến một trình độ phát triển nhất định là nguồn cung cấp lao động, lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp. Mặt khác, nó lại là thị trường tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp. Quy luật phát triển cân đối của nền kinh tế quốc dân đòi hỏi nông nghiệp phát triển tương ứng với sự phát triển của công nghiệp, sao cho sự tuần hoàn vật chất giữa hai ngành sản xuất cơ bản này của xã hội luôn luôn tiến hành được điều hòa, theo tỷ lệ cần thiết. Quy luật cân đối cũng đòi hỏi giữa tích lũy và tiêu dùng phải có tỷ lệ nhất định, tỷ lệ này chủ yếu biểu hiện qua tốc độ phát triển của hai ngành sản xuất cơ bản: công nghiệp và nông nghiệp.

Nói nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp là với nội dung như vậy.

Không phải lúc nào người ta cũng nhận thức được đúng vai trò của nông nghiệp đối với sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Và một khi đã nhận thức đúng rồi thì cũng không dễ dàng gì biến một nền nông nghiệp lạc hậu, yếu ớt, thành một đòn bẩy mạnh mẽ của công nghiệp hóa. Vấn đề là ở chỗ: trong cái “mớ bòng bong” những khả năng và nhu cầu muôn vẻ của một nước mới bước lên con đường phát triển, phải bắt đầu gỡ từng đầu mối nào? Trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng, thiếu thốn, nghèo nàn và lạc hậu nghiêm trọng, làm thế nào để nông nghiệp đủ sức thúc đẩy nền kinh tế quốc dân “cất cánh” trong khi chính bản thân nó còn quá yếu đuối và chưa thể tự “cất cánh” được?

Chủ nghĩa tư bản không bắt đầu cất cánh từ nông nghiệp, mà từ công nghiệp. Các nước tư bản chủ nghĩa cổ điển đều trở thành những nước tư bản chủ nghĩa bằng cách bắt tay ngay vào công nghiệp, trước hết là công nghiệp nhẹ. Nền công nghiệp đó được tạo ra bằng cách cướp đoạt toàn xã hội, đặc biệt là nông dân, và không phải chỉ nông dân của chính nước ấy, mà nông dân của nhiều nước khác nữa. Nông nghiệp, đương nhiên vẫn đóng vai trò là cơ sở để phát triển công nghiệp với ý nghĩa là nguồn cung cấp nhân lực, lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp. Nhưng nó đóng vai trò ấy một cách thảm hại như con bò gầy của một điền chủ tham lam tàn ác, buộc phải làm kiệt sức mà không được quan tâm săn sóc gì. Chính vì thế mà như Mác đã nhận xét, trong nhiều thế kỷ, nền nông nghiệp của châu Âu “vẫn do cái bộ phận lạc hậu nhất của xã hội tiến hành”.

Có thể lấy nước Anh làm thí dụ. Nước Anh bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp len dạ từ cuối thế kỷ XV. Sự “cất cánh” của ngành công nghiệp này dựa trên việc mở rộng rất nhanh chóng ngành chăn nuôi cừu. Chăn nuôi cừu phát triển bằng cách biến hàng loạt vùng trồng lương thực thành bãi cỏ chăn thả, và do đó xua đuổi hàng loạt nông dân ra khỏi vùng đất canh tác lâu đời của họ, biến họ thành người vô sản sẵn sàng làm bất cứ việc gì do công nghiệp đòi hỏi. Cuối thế kỷ XV, đất chăn thả mới chỉ chiếm 1/3 đất đai nông nghiệp. Đến cuối thế kỷ XVI, đất chăn thả chiếm tới ¾ đất đai nông nghiệp. Điều đó có nghĩa là đất trồng lương thực và các loại cây khác chỉ còn chiếm ¼ đất đai nông nghiệp thôi. Đứng trên quan điểm nhân đạo, các nhà kinh tế học thời bấy giờ coi đó là nạn cừu ăn thịt người. Dưới giác độ cơ cấu kinh tế mà xét thì đó chính là quá trình công nghiệp tư bản chủ nghĩa bắt nền nông nghiệp phải trở thành cơ sở nguyên liệu của nó.

Tại sao nước Anh có thể làm như vậy mà không chết đói? Số đất đai và lao động dành cho việc sản xuất lương thực thực phẩm bị rút bớt một cách đột ngột, nhưng toàn thể xã hội Anh vẫn phải ăn bánh mì, thịt, sữa, không phải như trước mà còn nhiều hơn trước. Trong thời gian trên dưới một thế kỷ đó, năng suất lao động của ngành trồng trọt có tăng lên, nhưng còn xa mới đủ sức cung cấp số lương thực và thực phẩm như trước trên một diện tích chỉ còn bằng 1/3. Nhưng nền công nghiệp thì không thể bành trướng chậm chạp trong sự chờ đợi cái mức tăng chậm như rùa của năng suất lao động nông nghiệp. Nước Anh khắc phục sự thiếu hụt lương thực thực phẩm bằng cách mua của các nước khác và sau đó, bằng cách cướp bóc thuộc địa. Nền nông nghiệp của các nước này trở thành vật hy sinh cho sự cất cánh của nền công nghiệp Anh (và của các nước tư bản chủ nghĩa khác).

Ở đây, cái quy luật về quan hệ tỷ lệ tất yếu giữa công nghiệp và nông nghiệp, cái quy luật mà theo đó, công nghiệp chỉ có thể phát triển tới cái quy mô và với cái tốc độ mà những phần đất đai và lao động còn để lại trong nông nghiệp vẫn đủ sức nuôi sống toàn bộ xã hội, cái quy luật đó vẫn phát huy tác dụng chi phối. Chỉ có điều là chủ nghĩa tư bản trên còn đường phát triển của nó, đã thực hiện cái quy luật đó theo cách riêng của nó: nền nông nghiệp trong nước không kịp trưởng thành để cáng đáng nổi cái quy mô tăng lên nhanh chóng của công nghiệp, thì nó buộc cả nền nông nghiệp của các nước khác phải gánh vác cái sứ mệnh đó. Thủ đoạn để bảo đảm sự cân đối đó là bạo lực, là cướp đoạt, là trao đổi không ngang giá, là luật pháp tư sản, là quân đội và cảnh sát, là chủ nghĩa thực dân đẫm máu…. Kết quả như đã thấy, là: các nước công nghiệp càng là nước công nghiệp tiên tiến bao nhiêu, thì các nước nông nghiệp – cơ sở lương thực, thực phẩm hay nguyên liệu của nó – càng là nước nông nghiệp chuyên môn hóa một cách què quặt bấy nhiêu.

Chủ nghĩa xã hội, theo bản chất của nó, không cho phép chúng ta đi theo con đường mà chủ nghĩa tư bản đã đi. Vả chăng, đối với những nước nông nghiệp lạc hậu thì giả định là có muốn đi theo con đường đó cũng không thể nào đi được nữa. Có những con đường bùn lầy, chỉ mấy chiếc xe đầu đi lọt được mà thôi. Con đường của lịch sử cũng vậy. Trong thế giới ngày nay, làm gì có những nước sẵn sàng làm cống vật cho những nước đã và đang bị dùng làm cống vật? Làm gì còn có những nước nông nghiệp lạc hậu sẵn sàng làm cơ sở nông nghiệp cho những nước lạc hậu khác cất cánh?

Kể từ sau Đại chiến thứ hai, khi hàng loạt nước thuộc địa lần lượt giành độc lập về chính trị, chúng ta thấy đã có biết bao nhiêu cố gắng nhằm đạt được sự độc lập về kinh tế. Những cố gắng đó thật là muôn vẻ, nhưng xét cho cùng, đều hướng vào một điểm then chốt: vượt qua những khó khăn cố hữu về lương thực thực phẩm để từ đó có thể rảnh tay, hay nói chính xác hơn, dành ra được nhân công và phương tiện ngày càng nhiều để kiến tạo một xã hội văn minh – “xã hội công nghiệp”.

Ba mươi năm qua là cả một quá trình để các nước lạc hậu, có thể nói, giãy giụa để thoát khỏi cái thân phận của những nước nông nghiệp lạc hậu. Nhưng khốn thay, cái quy luật thép mà lịch sử đặt ra trên con đường phát triển kinh tế lại là: nếu anh muốn thoát khỏi cái thân phận một nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu, trước hết anh phải làm tốt, thậm chí rất tốt cái nhiệm vụ là một nước nông nghiệp nghĩa  là anh phải tự bảo đảm được cuộc sống đối với chính anh đã, rồi sau đó mới có thể nói đến những “cuộc sống” khác cao sang và phong phú hơn.

Cái khó khăn và có tính chất bi kịch của các nước nông nghiệp lạc hậu là: khi anh vốn đã là một nước nông nghiệp lạc hậu thì chẳng còn ai làm nông nghiệp hộ cho anh để anh rảnh tay kiến tạo “xã hội công nghiệp”. Phần còn lại của thế giới là các nước công nghiệp phát triển cao. Các nước này, nói chung chỉ đủ sức làm nông nghiệp cho bản thân mình là chính. Nếu có giúp đỡ nhau thì đó chỉ là chuyện nhất thời. Còn nếu muốn tìm ở các nước này một nguồn cung cấp lương thực cơ bản thì khó có con đường nào khác là phải đến gõ cửa những kẻ đầu cơ lương thực, mà kẻ đầu cơ lương thực lớn nhất, như ai nấy đều biết, là đế quốc Mĩ. Tìm lối thoát bằng cách đó thì chẳng khác nào bán linh hồn cho quỷ dữ. Viện trợ nông phẩm thừa của Mĩ trong hơn 20 năm qua đã chứng minh điều đó quá đủ rồi.

Cũng có người cho rằng tự giải quyết lấy các nhu cầu về lương thực, thực phẩm không hẳn là con đường độc lập có tính chất bắt buộc, rằng có thể trồng trọt hoặc chăn nuôi những thứ có thể xuất khẩu, đổi lấy lương thực thực phẩm về. Trên thế giới cũng có một số nước đã và đang làm như vậy. Người ta có thể trồng chè, trồng bông, trồng mía, lạc, cà phê để xuất khẩu rồi mua lúa mì, thịt, sữa về… Nhưng, một là nếu xuất khẩu thứ nông phẩm này lại là để nhập thứ nông phẩm khác về dùng thì một dân tộc cũng chưa vượt qua được những nhu cầu tối thiểu của mình, tức là chưa có được sản phẩm thặng dư dành cho công nghiệp hóa. Hai là, giải pháp đó chỉ là con đường đặc thù của một số nước có những điều kiện tự nhiên đặc thù và do đó, có những truyền thống sản xuất riêng biệt. Còn nói chung đối với những nước nông nghiệp thì chính việc trồng lương thực lại là cái có truyền thống lâu đời nhất và là ngành sản xuất cơ bản nhất. Cái có truyền thống lâu đời nhất mà còn chưa làm nổi thì làm sao có thể tìm được ưu thế trong việc trồng những thứ khác để đổi lấy lương thực.

Nhà nông học người Pháp Rơ-nê Đuy-mông, sau mấy chục năm đi nghiên cứu ở hơn 70 nước, phần lớn là các nước đang phát triển, cuối cùng đã đi đến một nhận xét thật bi quan, nhưng không phải là quá xa sự thật: “Nạn đói ngày càng tăng lên, từ Ấn Độ đến Băng-la-đét, từ Pa-ki-xtan đến Gia-va. Nạn đói ở Sa-hen và Ê-ti-ô-pia, ở vùng núi An-đét, từ Cô-lôm-bia đến Bô-li-vi,… tất cả những thảm trạng đó là sự xác nhận cảnh đại thất bại trong cuộc đấu tranh mà nhà nông học của sự thiếu đói này đã dành cả cuộc đời vào đó”.

Có thể thấy những khó khăn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp ở nhiều nơi, có thấm thía cái sức ép ác nghiệt của nhu cầu tối thiểu về lương thực thực phẩm, cái sức ép đã từng làm cho nhiều ước vọng lớn lao về công nghiệp hóa ở hàng loạt nước chỉ được thực hiện một cách ì ạch, chắp vá và luôn bị bỏ dở, chúng ta mới thấy được sức mạnh kỳ diệu của chế độ xã hội chủ nghĩa, một chế độ chỉ trong khoảng thời gian lịch sử tương đối ngắn – vài ba chục năm – đã biến cả một loạt nước nông nghiệp lạc hậu thành những nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học phát triển.

Những thành tựu rực rỡ mà nước Cộng hòa Nhân dân Bun-ga-ri anh em đạt được trên hướng đi này đã cho thấy rõ những cái mà xã hội chủ nghĩa có thể làm được trong nông nghiệp và những cái mà nông nghiệp có thể đóng góp được cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Nó cho phép bác bỏ cách nhìn bi quan, tuyệt vọng kiểu Rơ-nê Đuy-mông kể trên, và chứng minh một chân lý rất đang lạc quan: tình trạng lạc hậu của nền nông nghiệp, tuy có ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình công nghiệp hóa đất nước, nhưng không phải là không thể khắc phục được. Những khả năng tiềm tàng vươn lên, để cất cánh thì ở đâu cũng có, ngay cả ở những nước nghèo nàn và lạc hậu nhất. Vấn đề then chốt là ở chế độ xã hội, và do đó ở cách giải quyết vấn đề nông nghiệp. Thực tế lịch sử cho thấy: thái độ đối với nông nghiệp của một Đảng, một Nhà nước có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với vận mệnh của nền nông nghiệp nước đó, và do đó đối với vận mệnh của cả nền kinh tế quốc dân nói chung. Ở đây, có những vấn đề mang tầm quan trọng chiến lược mà những cách giải quyết khác nhau sẽ đem lại những hiệu quả rất khác nhau: đặt nông nghiệp vào vị trí như thế nào trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, có chính sách đầu tư thế nào vào nông nghiệp, động viên và tổ chức nhân dân như thế nào để công việc phát triển nông nghiệp trở thành sự nghiệp cách mạng của quần chúng…

Nhìn qua lịch sử cải tạo và phát triển nông nghiệp của Bun-ga-ri, ta thấy không phải trong mọi lúc, mọi nơi, tất cả các vấn đề nêu trên được giải quyết trót lọt. Ngay việc nhận thức được các vấn đề đó và tìm ra hướng giải quyết chúng cũng là một quá trình. Có những lúc, những nơi, trên những mặt nào đó, có những vấp váp ảnh hưởng ít nhiều đến nhịp độ của các bước đi, điều đó thực khó tránh. Nhưng Đảng và nhà nước Bun-ga-ri đã kịp thời phát hiện những điểm yếu, những khâu chuệch choạc, những chủ trương chưa sát, và kiên quyết khắc phục. Kết quả là “trong một thời kỳ lịch sử ngắn ngủi, nhân dân Bun-ga-ri đã biến đổi cả một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, có công nghiệp hiện đại, có một nền nông nghiệp phát triển cao, một mức sống vật chất và văn hóa không ngừng phát triển, và bằng cách đó đã thực hiện được xuất sắc lời dạy của Giooc-giơ Đi-mi-tơ-rốp: trong 15-20 năm làm được cái việc mà những người khác, trong những điều kiện khác phải làm trong hàng thế kỷ”.

Cái cửa ải đầu tiên mà bất cứ dân tộc lạc hậu nào muốn vươn tới xã hội văn minh đều phải vượt cho được – cửa ải lương thực – thì Bun-ga-ri đã vượt qua thắng lợi trong thời gian vài mươi năm. Như trên đã nói, trong lịch sử nước Bun-ga-ri, nông nghiệp chưa bao giờ tự túc được lương thực. Hàng năm, nước này phải nhập tới 20% số lương thực tiêu dùng. Sang những năm 60, trải qua một quá trình phấn đấu bền bỉ, tập trung các biện pháp kinh tế và kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động và năng suất ruộng đất ở những vùng trồng ngũ cốc, Bun-ga-ri đã tự túc được lương thực và tự túc ở trình độ tiêu dùng khá cao.

Để đạt được mục tiêu tự túc lương thực, nếu phải dành gần hết đất đai và gần hết lao động xã hội cho công việc đó, thì như vậy có thể là hết đói, nhưng chưa thể hết nghèo được. Điều vô cùng quan trọng hơn, và cũng khó thực hiện hơn rất nhiều là: vẫn thỏa mãn được mọi nhu cầu về lương thực – nhu cầu này thực tế đã tăng lên nhiều lần, tương ứng với mức sống cao hơn và với mức tăng tự nhiên của dân số – nhưng đồng thời lại giảm bớt được một cách đáng kể diện tích và lao động xã hội dành cho việc sản xuất lương thực.

Đó chính là điều mà Bun-ga-ri đã đạt được. Có thể tóm lược thành tựu đó bằng cách sắp xếp lại mấy con số thống kê sau đây:

Trong hơn 20 năm ra sức phát triển và cải tạo cơ cấu sản xuất, diện tích trồng ngũ cốc đã giảm đi 1/3, từ gần 3 triệu héc ta năm 1948, còn trên 2 triệu héc ta năm 1975. Trong đó diện tích trồng lúa mì, thứ lương thực quan trọng nhất dành cho người, lại giảm mạnh nhất từ 1,7 triệu héc ta xuống còn 0,8 triệu héc ta, tức là giảm đi quá một nửa. Cũng trong thời gian đó, tổng sản lượng lương thực (cả lương thực cho người và lương thực cho chăn nuôi) đã tăng hơn 2 lần: từ 3,2 triệu tấn năm 1948 lên 7,8 triệu tấn năm 1975. Trong đó, chính tổng sản lượng lúa mì lại tăng mạnh nhất, từ 1,6 triệu tấn năm 1948 lên 3,6 triệu tấn năm 1972.

Đem so sánh với những biến đổi trên thế giới trong lĩnh vực này, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa của những thành tựu mà chủ nghĩa xã hội tạo ra trong nền nông nghiệp của Bun-ga-ri.

Biểu 40: Diện tích và sản lượng lúa mì

Nước Diện tích (1.000 ha) Sản lượng (1.000 tấn)
Năm 1950 1972 1950 1972
Toàn thế giới 170.800 213.494 174.200 347.603
Bun-ga-ri 1.449 961 1.757 3.582
Pháp 4.319 3.958 7.701 18.123
Ý 4.719 3.821 7.733 9.423
24.932 19.142 27.744 42.043
Ca-na-đa 10.935 8.640 12.565 14.514
Úc 4.720 7.351 5.014 6.613
Hy-lạp 867 904 850 1.773
Thổ-nhĩ-kỳ 4.407 8.700 3.872 12.085
An-giê-ri 1.545 2.403 947 1.692
Ác-hen-ti-na 5.241 5.025 5.796 8.100
Ấn- độ 9.758 19.163 6.391 26.477
Pa-ki-xtan 4.336 5.797 4.022 6.891

Nhìn vào bảng trên ta thấy khuynh hướng chung trên thế giới trong hơn 20 năm qua là: sản lượng lúa mì tăng gấp đôi, diện tích tăng 25%, năng suất tăng 1,6 lần. Xét từng nước, ta thấy chỉ có một số ít nước, phần lớn là những nước phát triển cao, có khả năng thu hẹp diện tích nhưng vẫn tăng mạnh sản lượng, nhờ tăng năng suất vượt bậc. Đó là trường hợp Pháp, Mĩ, Ý, Ca-na-đa. Nhưng không có một nước nào có thể thu hẹp 1/3 diện tích mà lại tăng sản lượng lên gấp đôi như Bun-ga-ri. Ở các nước đang phát triển thì sự thay đổi càng ít hơn, ngay cả Thổ-nhĩ-kỳ là nước trước đây phát triển cao hơn Bun-ga-ri trong lĩnh vực này. Để tăng sản lượng lên gấp 3 lần, Thổ-nhĩ-kỳ đã phải dùng một diện tích lớn gấp đôi, năng suất trồng trọt tăng rất chậm: từ 8,6 tạ/ha lên 13,9 tạ/ha. Như đã nói ở trên, tăng sản lượng theo cách đó thì cùng lắm là chống được nạn đói chứ không thể thoát khỏi được tình cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Trong tổng số diện tích nông nghiệp 13 triệu héc ta, Thổ-nhĩ-kỳ đã phải dành 8,7 triệu héc ta cho diện tích trồng lúa mì. Nhiều nhu cầu khác của xã hội giành nhau cái địa bàn còn lại. Vì vậy, công nghiệp cũng như chăn nuôi đều phát triển một cách hết sức chậm chạp. Thổ-nhĩ-kỳ vốn là đất nước trồng thuốc lá lâu đời và đã từng là nước sản xuất thuốc lá nhiều nhất thế giới. Cho đến năm 1950, sản lượng thuốc lá của Thổ-nhĩ-kỳ vẫn gấp rưỡi Bun-ga-ri: 15 tỷ điếu so với 10 tỷ điếu. Nhưng năm 1972 thì sản lượng của Bun-ga-ri đã gấp rưỡi của Thổ-nhĩ-kỳ từ 65 tỷ điếu so với 42 tỷ điếu. Nếu tính theo đầu người thì Bun-ga-ri sản xuất nhiều gấp 6 lần Thổ-nhĩ-kỳ: 7824 so với 1208. Ngành chăn nuôi cũng bị sức ép lương thực kìm hãm không kém. Từ năm 1950 đến năm 1972, đàn bò của Thổ-nhĩ-kỳ chỉ tăng từ 10 triệu con lên 12,6 triệu con. Lợn hầu như không tăng. Sản lượng sữa từ năm 1960 đến năm 1972 lại giảm đi từ 4,2 triệu tấn xuống 4 triệu tấn. Trong khi đó thì sản lượng sữa của Bun-ga-ri tăng gấp 3 lần, từ 0,6 triệu tấn năm 1952 lên 1,8 triệu tấn năm 1975.

Sức ép về lương thực không chỉ dừng ở chỗ hạn chế sự phát triển của cây công nghiệp và chăn nuôi, mà còn ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều lĩnh vực khác nữa. Sau hơn 20 năm, lao động nông nghiệp ở Thổ-nhĩ-kỳ vẫn chiếm 75% lao động xã hội, trong khi tỷ lệ này ở Bun-ga-ri từ 85% xuống còn 31%. Công nghiệp luôn luôn ở tình trạng thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, thiếu khả năng nhập khẩu thiết bị. Cũng do sức ép về lương thực, phần đất đai và nông phẩm dành cho xuất khẩu quá eo hẹp. Qua hơn 20 năm, cán cân thanh toán của Thổ-nhĩ-kỳ ngày càng xấu đi nghiêm trọng: từ mức nhập 800 triệu li-vờ-rờ Thổ và xuất 738 triệu li-vờ-rờ năm 1950 đến chỗ nhập 21.564 triệu li-vờ-rờ và xuất 11.876 triệu li-vờ-rờ năm 1972, nghĩa là từ chỗ xuất gần bằng nhập đi tới chỗ xuất chỉ còn bằng nửa nhập.

Ngay so với trình độ tiên tiến của thế giới, Bun-ga-ri cũng đã đuổi kịp về nhiều chỉ tiêu quan trọng. Riêng về tốc độ tăng năng suất lúa mì thì Bun-ga-ri đứng hàng đầu thế giới. Trong hơn 20 năm, năng suất lúa mì tăng gấp 3 lần – từ 12,1 tạ/ha lên 37,3 tạ/ha (năm 1972). Chính đây là cái chìa khóa để vượt qua cái cửa ải lương thực và mở ra một chân trời rộng lớn cho bản thân nông nghiệp và cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Do bảo đảm sản xuất được lúa mì nuôi sống cả xã hội 8 triệu rưỡi người trên diện tích chưa đầy 1 triệu héc ta, Bun-ga-ri đã dành được hơn 5 triệu héc ta cho các ngành sản xuất khác: chăn nuôi, cây công nghiệp, rau quả xuất khẩu,…

Trong hơn 20 năm, diện tích trồng cỏ để chăn nuôi tăng lên 2,6 lần, từ 297 nghìn héc ta năm 1948 lên 763 nghìn héc ta năm 1973. Nếu tính tỷ lệ của ngành này trong tổng diện tích nông nghiệp thì đã tăng từ 7,8% năm 1948 lên 21,3% năm 1973. Ở Bun-ga-ri, ngô đã trở thành lương thực chủ yếu dành cho chăn nuôi. Sản lượng ngô tăng gần 5 lần, từ 654 nghìn tấn năm 1950 lên 3 triệu tấn năm 1973. Nếu tính toàn bộ số diện tích dành cho chăn nuôi, cả trồng cỏ lẫn lương thực thì năm 1973 Bun-ga-ri có tới gần 2 triệu héc ta dành cho chăn nuôi, bằng 43% tổng diện tích trồng trọt (không kể gần 1 triệu héc ta đồng cỏ tự nhiên) và gấp hơn 2 lần diện tích trồng lương thực cho người. Đó là cơ sở hiện thực để chăn nuôi phát triển mạnh và vững chắc, đưa giá trị sản lượng lên gấp 3 lần. Sự phát triển đó cho phép cải thiện quan hệ tỷ lệ giữa trồng trọt và chăn nuôi, nâng tỷ trọng của chăn nuôi trong tổng sản phẩm nông nghiệp từ 32% năm 1960 lên 43,3% năm 1975. Đây là một trong những biểu hiện đặc trưng của một nền nông nghiệp tiên tiến, một nền kinh tế phát triển và một xã hội có mức sống cao. Ngày nay, tuy Bun-ga-ri hàng năm sản xuất ra trên 900 kg lương thực (chỉ tính ngũ cốc) trên đầu người, nhưng mỗi đầu người chỉ tiêu dùng trực tiếp có trên 100 kg, trong khi đó mỗi đầu người lại có 75 kg thịt, hơn 200 quả trứng, hơn 200 lít sữa và hơn 200 kg hoa quả.

Như chính những con số kể trên đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của chăn nuôi chỉ có thể có được với điều kiện tăng nhanh sản lượng và nâng cao năng suất lao động trong ngành trồng trọt. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước Bun-ga-ri vẫn luôn luôn quan tâm tới việc cải thiện mối quan hệ này trên cơ sở bảo đảm một cơ sở sản xuất lương thực vững chắc. Năm 1976, đồng chí Tô-đo Gip-cốp đã nhấn mạnh: “Vẫn hoàn toàn như từ trước đến nay, một trong những nhiệm vụ ưu tiên số một vẫn là phải tăng sản lượng ngũ cốc, và trên cơ sở đó, giải quyết vấn đề thức ăn cho chăn nuôi”.

Trong lĩnh vực trồng cây công nghiệp, cái chìa khóa lương thực cũng mở ra một địa bàn rộng lớn. Diện tích trồng cây công nghiệp đã đạt tới 536 nghìn héc ta năm 1975, gấp 2 lần so với trước giải phóng. Tính chung cả cây công nghiệp và rau quả thì diện tích dành cho các loại cây này đạt tới hơn 80 vạn héc ta xấp xỉ diện tích trồng lúa mì, chiếm 18,3% tổng diện tích nông nghiệp (1973). So với trước ngày giải phóng, sản lượng thuốc lá tăng gấp 5 lần, củ cải đường tăng 6 lần, hạt hướng dương: 3 lần, cà chua: 20 lần, nho tươi: 4 lần, táo: 5 lần… những sản lượng này là cơ sở để bảo đảm mức xuất khẩu nông phẩm tăng lên nhanh chóng, từ 63,2 triệu lê-va năm 1939 lên 1.769 triệu lê-va năm 1975. Tính bình quân theo đầu người thì Bun-ga-ri đã đạt mức xuất khẩu như sau: về đường: 43 kg, thuốc lá 14,2 kg, cà chua: 93 kg, khoai tây: 43 kg, nho: 128 kg, táo: 41 kg, dầu ăn: 14 kg, bia: 47 lít, rượu nho: 12 lít.

Những phản ứng dây chuyền không chỉ dừng lại ở ngành chăn nuôi, cây công nghiệp và rau quả. Hàng loạt ngành công nghiệp nhất là công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ, đã phát triển nhanh chóng trên cơ sở nguồn nguyên liệu dồi dào mà trồng trọt và chăn nuôi đã cung cấp cho nó. Từ năm 1948 đến năm 1973 sản lượng ngành da và giầy dép đã tăng 16 lần, sản lượng ngành công nghiệp thực phẩm tăng 12 lần.

Sự phát triển của nông nghiệp, hay nói chính xác hơn, sự nâng cao nhanh chóng năng suất lao động trong nông nghiệp đã cho phép giải phóng khỏi nông nghiệp hàng triệu lao động mà trước đây buộc phải giam chân trên các cánh đồng lúa mì. Hàng năm, số lao động nông nghiệp giảm đi rõ rệt để chuyển sang công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải… Từ năm 1948 đến năm 1973, lao động nông nghiệp từ chỗ chiếm 82% tổng số lao động xã hội, rút xuống chỉ còn chiếm 31%. Cũng trong thời gian đó, số lao động trong công nghiệp từ tỷ lệ 7,9% tăng lên tới tỷ lệ 32,2 %. Nếu kể cả ngành xây dựng và vận tải, thì số người lao động trong 3 ngành này đã chiếm tới 45,7% tổng số lao động toàn xã hội. Hiển nhiên là nếu không có bước phát triển vượt bậc của năng suất lao động nông nghiệp, đặc biệt là trong khu vực sản xuất lương thực, để một người trồng lúa mì có thể nuôi sống được hơn 10 người thì không thể có được một sự thay đổi to lớn như trên trong sự phân công lao động xã hội.

Một nước mà năng suất lao động của ngành sản xuất lương thực quá thấp, hầu hết dân cư phải dồn vào lo cái ăn – nhu cầu bức thiết số 1 mà cũng hết sức sơ đẳng này – thì cũng chẳng còn được bao nhiêu thì giờ và nhân lực dành cho khoa học, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật… Chính cuộc cách mạng vĩ đại về năng suất lao động trong nông nghiệp Bun-ga-ri đã đem lại cái chìa khóa để mở cái kho chứa tuyệt đại bộ phận lao động xã hội và hiến dâng nó cho các hoạt động phong phú trong sự nghiệp kiến tạo nền văn minh. Trên cơ sở năng suất lao động trong nông nghiệp và các ngành sản xuất vật chất khác ngày càng cao, tỷ lệ số lao động trực tiếp sản xuất ngày càng giảm đi tương đối: từ 95,7% năm 1948 xuống còn 85,5% năm 1973. Trong khi đó thì tỷ lệ những người lao động ngoài khu vực sản xuất vật chất tăng từ 4,3% lên 14,5%. Số lượng học sinh, sinh viên, số lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật, số lượng cán bộ y tế, giáo dục, những người làm công tác văn hóa… tăng lên mau chóng. Đây cũng là một trong những biểu hiện của một xã hội phát triển cao.

Ở Bun-ga-ri nông nghiệp luôn luôn đóng vai trò to lớn trong xuất khẩu. Trong 20 năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (cho đến năm 1965) nông phẩm chiếm phần lớn nhất trong xuất khẩu. Trong suốt quá trình phấn đấu liên tục để cải tạo và ra sức phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng cộng sản và Nhà nước Bun-ga-ri luôn luôn quan tâm đến vai trò này của nông nghiệp. Việc tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần vào việc cải thiện cán cân thanh toán quốc tế của đất nước, luôn luôn được coi là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của sản xuất nông nghiệp. Như các biểu thống kê số 30, 32 đã cho thấy, so với năm 1939, giá trị nông sản xuất khẩu năm 1975 đã tăng 27 lần, đạt mức 1,75 tỷ lê-va, tức là gần gấp đôi tổng thu nhập quốc dân năm 1939, gấp rưỡi tổng thu nhập quốc dân năm 1948 và bằng tổng số vốn đầu tư trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1948-1952).

Xem xét vai trò của nông nghiệp trong cán cân xuất nhập khẩu của Bun-ga-ri, ta thấy chính nông nghiệp đã đóng vai trò chủ yếu trong việc bù đắp sự thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế. Đó có thể không chỉ là trường hợp đặc thù của Bun-ga-ri mà là một tính quy luật của những nước bắt đầu từ nông nghiệp để đi lên công nghiệp hóa. Hai mươi năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội Bun-ga-ri cũng là 20 năm công nghiệp hóa nền kinh tế quốc dân với tốc độ ngày càng cao. Trong quá trình đó, tất nhiên phải nhập khẩu một khối lượng rất lớn máy móc, thiết bị. Nhưng bản thân công nghiệp thì còn chưa đủ sức cung cấp sản phẩm cho chính nó và cho chính ngành kinh tế khác, lấy đâu ra nhiều sản phẩm thặng dư để xuất khẩu. Như vậy, xét riêng trong khu vực công nghiệp, thì sự trao đổi với nước ngoài trong thời kỳ này chủ yếu là nhập vào. Đối với nó, nhập siêu là hiện tượng bình thường của một cơ thể đang lớn dần lên mau lẹ. Nhưng đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân thì lại không thể coi là hiện tượng bình thường được. Như vậy, trong nền kinh tế quốc dân phải có một ngành sản xuất vật chất nào bù đắp được sự thiếu hụt đó. Chính nông nghiệp đã đảm đương nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và nặng nề này. Trong 20 năm, nông nghiệp Bun-ga-ri không những đã tăng rất mạnh số lượng giá trị xuất khẩu, mà còn tăng mạnh mức xuất siêu của nó và bằng cách đó, đã bù lại được mức nhập siêu to lớn của công nghiệp trong thời kỳ mà công nghiệp tự nó chưa thể khắc phục được sự mất cân đối đó. Năm 1973, chỉ riêng tiền xuất khẩu thuốc lá (388,6 triệu lê-va) đã thừa đủ để nhập tất cả cả loại nhiên liệu cần thiết cho nền kinh tế quốc dân (336,5 triệu lê-va).

Đến năm 1965 thì Bun-ga-ri lần đầu tiên thăng bằng được cán cân thanh toán quốc tế: xuất 1.375,7 triệu lê-va, nhập 1.377,9 triệu lê-va. Trong thành tích đó, nông nghiệp đóng góp phần lớn nhất: xuất khẩu 836,5 triệu lê-va.

Có thể nói, chính nông nghiệp, cái được công nghiệp trang bị cho những thiết bị và phương tiện hiện đại vô cùng lớn lao để thay da đổi thịt và lớn lên, cũng đã góp phần lớn lao không kém trong việc trang bị cho công nghiệp, hay nói đúng hơn, mua sắm cho công nghiệp những thiết bị hiện đại và vật tư tối cần thiết để lớn lên.

Cuối cùng, không thể không kể tới vai trò vô cùng quan trọng của nông nghiệp đối với việc cải thiện đời sống của nông dân nói riêng, và của nhân dân nói chung. Như mọi người đều biết, Bun-ga-ri chưa phải là nước có nền kinh tế phát triển thuộc loại cao trên thế giới, mà là thuộc loại trung bình (căn cứ vào một số chỉ tiêu chủ yếu như sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân tính theo đầu người). Xét về trình độ kỹ thuật hiện đại thì Bun-ga-ri còn đứng sau nhiều nước. Nhưng nếu nói đến mức sống của người dân, nói đến mức tiêu dùng, trong đó một phần rất lớn là do nông nghiệp cung cấp, thì Bun-ga-ri là một trong những nước mà nông dân nói riêng và nhân dân nói chung có cuộc sống vật chất dễ chịu nhất.

Nói về vai trò của nông nghiệp đối với đời sống, cần xét về hai khía cạnh.

Một mặt, chính sự phát triển rất mạnh của sản xuất nông nghiệp nói chung và mức tăng năng suất lao động nông nghiệp nói riêng, là cơ sở quyết định để nâng cao nhanh chóng thu nhập của nông dân. Trải qua hơn 30 năm dưới chế độ mới, mức thu nhập của nông dân đã tăng lên 4,5 lần, và ngày nay đạt ngang mức thu nhập của công nhân viên chức – trên một nghìn lê-va một đầu người/năm. Ở đây, ngoài nhân tố nâng cao vượt bậc năng suất của lao động trong nông nghiệp, tăng sản lượng và tăng năng suất hàng hóa của sản xuất nông nghiệp, còn phải kể đến chính sách trao đổi công bằng, hợp lý và hệ thống giá cả có căn cứ giá trị của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Mặt khác, chính sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất nông nghiệp, sự dồi dào về nông sản hàng hóa đã góp phần quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất trong việc ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Cho đến nay, hầu như ở nước nào cũng vậy, những sản phẩm lấy từ nông nghiệp bao giờ cũng chiếm một phần rất lớn, nếu không phải là lớn nhất, trong tổng khối lượng tiêu dùng xã hội cũng như của mỗi cá nhân (từ 80 đến 40% tùy nước). Ai đã đến thăm đất nước Bun-ga-ri đều dễ dàng nhận thấy một sự dồi dào kỳ lạ về nông phẩm, cả nông phẩm tươi sống lẫn nông phẩm đã qua chế biến. Ở nông thôn, ở thành thị, ở bất cứ làng nào, khu công nghiệp nào, người ta đều có thể kiếm những bữa ăn phong phú và ngon lành một cách dễ dàng và với giá rất rẻ. Hiện tượng đó đã và vẫn là điều mơ ước của nhiều dân tộc trên thế giới, kể cả những dân tộc đã có nền kinh tế phát triển cao. Một nước có thu nhập quốc dân cao, nhưng nếu nông nghiệp quá nhỏ bé, nhiều loại nông phẩm phải dựa vào nhập khẩu, thì sự thiếu thốn nông phẩm vẫn đặt ra trong cuộc sống con người vô số điều khó khăn nan giải. Công việc nội trợ, vấn đề ăn uống và do đó, toàn bộ vấn đề tiêu dùng vẫn bị đặt trước những sức ép nặng nề. Nhật Bản là một trong những ví dụ nổi bật.

Ai cũng biết Nhật Bản là một trong những nước có nền kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới, công nghiệp rất phát triển, thu nhập quốc dân bình quân đầu người khá cao (trên 4.000 đô la/đầu người). Nhưng do diện tích hẹp (377 nghìn km2 cho 115 triệu dân, tức là 21 người mới có 1 héc ta đất canh tác) cho nên Nhật Bản không thể có được một nền nông nghiệp phát triển tương ứng. Nền kinh tế Nhật Bản, nói một cách hình ảnh, giống như một người khổng lồ mà một bên chân bị thọt.

Với số diện tích canh tác eo hẹp nói trên, mặc dù đã được thâm canh ở trình độ cao, nước Nhật chỉ bảo đảm được một số rất ít nhu cầu tiêu dùng của mình – chủ yếu là gạo ăn cho người, rau và quả. Còn lại các nhu cầu khác, hoặc tuyệt đại bộ phận các nhu cầu ấy phải dựa vào nhập khẩu: ngô: 100%, lúa mì: 96%, đại mạch: 88%, đậu nành: 96%, đường: 80%, bông: 100%, lông cừu: 100%, da sống: 80%. Tính chung các loại ngũ cốc hàng năm phải nhập tới 20 triệu tấn. Đậu nành hàng năm nhập tới 3,5 triệu tấn. Số ngũ cốc và đậu nành này chủ yếu dùng để chăn nuôi gia súc lấy thịt, sữa, trứng. Vì vậy cả 3 loại thực phẩm quan trọng hàng đầu này thực chất cũng là dựa vào nhập khẩu.

Một nền nông nghiệp nhỏ yếu và què quặt như vậy trước hết là một gánh nặng đối với nền kinh tế chung. Nó đặt một loạt ngành sản xuất quan trọng – chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhẹ,… phụ thuộc vào khả năng sản xuất và cung ứng của nhiều nước, cũng tức là phụ thuộc vào sự biến động của thị trường thế giới. Nó buộc nền kinh tế chung, hàng năm phải chi ra một khối lượng ngoại tệ rất lớn. Chỉ riêng lương thực, thực phẩm đã chiếm 15% kim ngạch nhập khẩu hàng năm (năm 1976 là 9.375 triệu đô la trong tổng số 64.799 triệu). Nếu kể cả những nguyên liệu có nguồn gốc nông nghiệp như bông, lông cừu, đậu nành… thì nông sản nói chung chiếm tới 20% kim ngạch nhập khẩu. Một nước có nền nông nghiệp phát triển cân đối như trường hợp Bun-ga-ri mà chúng ta đã biết, ít nhất đã không phải gánh chịu khoản bội chi to lớn đó về nông sản, chưa kể đế việc thu về một khoản thặng dư quan trọng.

Nhật Bản là nước có nền công nghiệp tiên tiến vào bậc nhất thế giới, và chính nền công nghiệp này, hàng năm qua con đường mậu dịch quốc tế, hay nói cho chính xác hơn: qua con đường “gia công quốc tế” đã đem về cho nước Nhật một nguồn lợi hết sức lớn. Chúng ta hãy so sánh cán cân xuất nhập khẩu sau đây, lấy năm 1976 làm ví dụ:

Biểu 41: Cán cân xuất nhập khẩu của Nhật Bản

(Đơn vị tính: 1.000 đô la)

A – Nhập khẩu B – Xuất khẩu
Mặt hàng Giá trị Tỷ lệ Mặt hàng Giá trị Tỷ lệ
Tổng số 64.798.968 100 Tổng số 67.225.483 100
a. Lương thực, thực phẩm 9.375.819 14,5 a. Lương thực, thực phẩm 886.795 1,3
b. Nguyên liệu thô:

– Nguyên liệu dệt (bông và lông cừu)

– Quặng kim loại

– Nguyên liệu thô khác

13.185.109

1.795.541

 

4.578.722

6.810.846

20,4

2,8

 

7,1

10,5

b. Sản phẩm của công nghiệp chế biến

– Hàng dệt

– Kim loại và sản phẩm kim loại

– Sản phẩm phi kim loại

– Hóa chất

– Máy móc, thiết bị

61.680.552

 

4.216.383

13.169.507

 

921.267

3.746.965

39.626.530

91,8

 

6,3

19,6

 

1,4

5,6

58,9

c. Dầu mỏ 28.287.263 43,7 c. Linh tinh 4.658.036 6,9
d. Hóa chất 2.661.502 4,1      
đ. Máy móc, thiết bị 4.608. 221 7,1      
e. Linh tinh 6.681.054 10,3      

Nhìn vào danh mục hàng nhập, ta thấy nổi bật lên 3 khoản: lương thực thực phẩm, nguyên liệu thô và dầu mỏ. Chỉ 3 khoản này đã chiếm 78,6% kim ngạch nhập khẩu. Điều đó phản ánh chỗ yếu của nước Nhật: nước này gần như thiếu hẳn nguồn nguyên liệu và nhiên liệu, còn nông nghiệp thì rất yếu như chúng ta đã biết.

Khi nhìn vào danh mục hàng xuất, nổi bật lên lại là chỗ mạnh của nước Nhật: nền công nghiệp chế biến hết sức hùng mạnh. Chỉ riêng sản phẩm của nó đã chiếm 91,8% kim ngạch xuất khẩu, trong đó hầu hết là sản phẩm của công nghiệp nặng.

Kết hợp hai bảng xuất nhập kể trên, có thể thấy được về đại thể, sự vận động đã và đang diễn ra trong thực tế: nước Nhật nhập khẩu nguyên liệu và dầu mỏ (cộng thêm một số hóa chất và máy móc thiết bị) để chế biến thành sản phẩm rồi đem xuất khẩu, sau khi đã trang trải nhu cầu của bản thân mình. Chỉ riêng bộ phận sản phẩm dành cho xuất khẩu (mục b, phần B) đem so với kim ngạch nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu, dầu mỏ, hóa chất và máy móc thiết bị (mục b+c+d+đ của phần A), đã trội hơn 13 tỷ đô la rồi. Điều đó có nghĩa là: bằng hoạt động gia công dựa trên nền công nghiệp tiên tiến của mình, chủ yếu là công nghiệp nặng, nước Nhật chẳng những đã tự trang trải được nhu cầu của bản thân mình về nguyên liệu, dầu mỏ và các sản phẩm công nghiệp mà còn thu thêm được một khoản thặng dư 13 tỷ đô la trong cán cân thương mại.

Nhưng tiếc thay chỉ riêng số thiếu hụt trong cán cân xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm (8,5 tỷ đô la) đã ngốn mất 2/3 khoản bội thu to lớn đó của công nghiệp chế biến. Khoản bội thu này vừa đủ để lấp lỗ hổng do nền kinh nông nghiệp gây ra, nếu ta không chỉ xét riêng lương thực thực phẩm mà xét toàn bộ cán cân nông sản nói chung.

Về mặt đời sống, nhất là đời sống của nhân dân lao động, thì ảnh hưởng bất lợi của nền nông nghiệp nhỏ yếu, què quặt càng thể hiện rõ nét hơn: Nhật Bản là nước có mức thu nhập quốc dân bình quân đầu người cao hơn ở Bun-ga-ri tới 2-3 lần, vậy mà mức tiêu dùng về nông phẩm (nhất là những nông phẩm có chất lượng, biểu hiện đặc trưng cho một mức sống cao, như thịt, sữa, quả…) bình quân đầu người lại thua xa Bun-ga-ri. Chúng ta hãy so sánh những số liệu sau đây:

Biểu 42: Mức tiêu dùng bình quân đầu người/năm

  Nhật Bản (1974) Bun-ga-ri (năm 1975)
Ngũ cốc 123,5 kg 157 kg
Thịt 16,8 kg 60,6 kg
Sữa 52,0 kg 198 lít
Trứng 14,1 kg 146 quả
Rau 110,4 kg 127 kg
Quả* 41,7 kg 118 kg

       * Tính ra số quả tiêu chuẩn là 271 quả.

Người ta sẽ đặt câu hỏi: người Nhật, với thu nhập cao như vậy, tại sao không thể thông qua nhập khẩu mà thỏa mãn nhu cầu về nông phẩm của mình với mức cao hơn?

Đúng là người Nhật đã làm như vậy. Họ đã nhập khẩu rất nhiều nông phẩm. Nhưng chính vì phải nhập khẩu nông phẩm cho nên đã không thể thỏa mãn nhu cầu của mình với mức cao hơn được. Nhu cầu này đứng về toàn cục mà xét, vốn ra là một đại lượng đã bị khống chế rồi. Nó bị khống chế bởi ngay cán cân xuất nhập khẩu chung của cả nước. Sau đó phải nói đến tác dụng tiết chế của giá cả nông phẩm. Nông phẩm nhập khẩu, nhất là nông phẩm tươi sống, đòi hỏi chi phí rất tốn kém về bao gói, vận chuyển và bảo quản. Cả một hệ thống thương nghiệp đồ sộ phục vụ và sống dựa vào đó.

Cần phải nói thêm rằng ngay những nông phẩm sản xuất tại Nhật Bản cũng đã hết sức đắt đỏ rồi. Điều này bắt nguồn từ chính phương thức kinh doanh nông nghiệp của Nhật Bản. Nước Nhật tư bản chủ nghĩa cơ giới hóa nền nông nghiệp của mình trên cơ sở duy trì chế độ tiểu tư hữu và sản xuất cá thể của tiểu nông. Cả nước có 4,9 triệu nông hộ, bình quân mỗi nông hộ chỉ có 1,13 héc ta canh tác (số liệu năm 1976). Cụ thể như sau:

– Dưới 0,5 ha: 1.920 nghìn hộ

– Từ 0,5 đến dưới 1 ha: 1.459 nghìn hộ

– Từ 1 đến dưới 2 ha: 1.085 nghìn hộ

– Từ 2 đến dưới 3 ha: 252 nghìn hộ

– Từ 3 ha và hơn: 175 nghìn hộ

Mặc dù quy mô của các nông trại là hết sức tủn mủn, như chúng ta đã thấy, mỗi “chủ trại”, trước sức ép của cạnh tranh, vẫn phải tự mua sắm cho mình đủ loại hoặc gần đủ loại máy móc nông nghiệp cần thiết: máy cày, máy cấy, máy bơm nước, máy tuốt lúa, máy lên luống, máy rửa củ cải, máy xay xát, ô tô vận tải cỡ nhỏ…. Những máy này dù được chế tạo với công suất nhỏ nhất, vẫn tỏ ra là quá lớn so với quy mô của các “nông trại”: máy nào được sử dụng nhiều nhất cũng chỉ trên dưới 100 giờ trong một năm, nhiều máy chỉ được sử dụng mấy giờ trong năm. Cơ giới hóa nông nghiệp bằng máy nhỏ theo kiểu như trên đương nhiên có nhiều bất lợi so với việc sử dụng máy lớn: năng suất lao động thấp hơn, suất đầu tư tài sản cố định trên mỗi đơn vị diện tích cao hơn, khấu hao máy móc trên mỗi đơn vị sản phẩm lớn hơn và do đó giá thành sản phẩm cao hơn. Để giúp cho nền nông nghiệp Nhật Bản đứng vững được (và cũng vì mưu toan chính trị nữa), từ nhiều năm nay, chính quyền của giai cấp tư bản độc quyền Nhật Bản đã thi hành một số chính sách ưu đãi đặc biệt đối với nông dân: Chính phủ mua toàn bộ số thóc gạo do nông dân sản xuất ra với giá cao gấp 3-4 lần giá thị trường quốc tế (1 kg thóc đã bóc vỏ = 266 yên, tức hơn 1 đô la theo tỷ giá hiện nay) rồi bán cho người tiêu dùng xấp xỉ giá đó. Lúa gạo chiếm quá nửa diện tích canh tác của Nhật Bản (3 triệu trong tổng số 5,5 triệu héc ta). Độc quyền định giá lúa gạo như vậy cũng tức là nâng giá đồng loạt các loại nông phẩm khác.

Nâng đỡ nông dân theo kiểu này có nghĩa là trút lên đầu người tiêu dùng (tức là toàn thể nhân dân) toàn bộ hậu quả của nền kinh tế tiểu nông được kinh doanh một cách hết sức bất hợp lý.

Vì những lẽ nói trên, giá cả nông phẩm ở Nhật Bản có thể nói thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Một đĩa cơm trưa trong quán ăn sinh viên cũng phải chi tới 2-3 đô la. Muốn có một bữa ăn đàng hoàng hơn phải trả giá 5-10 lần (bằng giá một chiếc máy tính điện tử bỏ túi hoặc một chiếc máy thu thanh bán dẫn).

Theo thống kê chính thức của Nhật Bản, năm 1976, mỗi gia đình công nhân (bình quân 3,8 nhân khẩu) đã chi vào lương thực thực phẩm trên 30% tổng số chi của họ, hay 54.400 yên mỗi tháng, bằng khoảng 200 đô la. Cả năm phải chi 2.400 đô la. Như vậy khoản chi về ăn gấp đôi khoản chi về ăn của một gia đình Bun-ga-ri. Nhưng thức ăn tính bằng hiện vật bình quân đầu người thì lại kém xa mức ăn của Bun-ga-ri.

Xem vậy thì thấy một nước phải trả giá đắt như thế nào cho sự phát triển không cân xứng của mình về mặt nông nghiệp, cho dù nước ấy có nền công nghiệp tiên tiến vào bậc nhất thế giới đi nữa.

Người nông dân Bun-ga-ri và cả công nhân viên chức cũng vậy, với thu nhập bình quân đầu người hơn một nghìn lê-va mỗi năm, đã có thể coi như một quỹ tiêu dùng rất lớn, vì sức mua thực tế rất lớn. Theo số liệu điều tra về mức tiêu dùng năm 1973 ở Bun-ga-ri thì trên 40% tiêu dùng của cá nhân là tiêu dùng nông phẩm. Như vậy, mỗi đầu người đã chi bình quân hơn 400 lê-va cho việc ăn uống. Nhìn vào giá cả một số nông phẩm cơ bản và thông dụng, ta đủ thấy sức mua của hơn 400 lê-va đó là như thế nào: bánh mì: 0,34 lê-va, khoai tây: 0,16 lê-va, mì ống có trứng: 0,60 lê-va/kg, thịt lợn: 2,14 lê-va/kg, trứng loại ngon nhất: 0,1 lê-va/quả, sữa tươi: 0,30 lê-va/lít, đường kính 0,7 lê-va/kg, kẹo sô-cô-la: 3,2 lê-va/kg, rượu mùi: 3,20 lê-va/lít, bia: 0,44 lê-va/lít, táo tươi: 0,32 lê-va/kg, cà chua: 0,40 lê-va/kg, mứt thượng hạng: 0,74 lê-va/kg, thuốc lá ngon: 0,32 lê-va/bao,…

Điều quan trọng nữa là tất cả các thứ nông sản kể trên và hàng loạt thứ nông sản khác đều có thể mua với giá đó ở bất cứ nơi nào, bất kể lúc nào và với khối lượng không hạn chế.

Trong 20 năm, từ năm 1952 đến năm 1973, mức tiêu dùng cá nhân về thịt tăng gấp 4 lần, sản phẩm thịt: 6,2 lần, cá: 9 lần, sữa: 6,8 lần, đường và các sản phẩm đường: 6 lần, trứng: 3 lần, đồ uống: 6,2 lần, rau quả: 6 lần.

Đối với việc cải thiện và nâng cao mức sống nhân dân thì nông nghiệp không phải chỉ giữ vai trò to lớn trong bước đi ban đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nó giữ vai trò to lớn trong mọi giai đoạn phát triển của xã hội xã hội chủ nghĩa. Dù đã xây dựng xong một nền công nghiệp hiện đại, dù công nghiệp đã chiếm một tỷ lệ lớn nhất trong tổng sản phẩm xã hội, trong thu nhập quốc dân và cả trong xuất khẩu, thì một trong những cái chìa khóa chủ chốt nhất để không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân vẫn nằm trong tay nông nghiệp, mà nếu thiếu nó hoặc nếu nó bị kẹp đôi chút ở chỗ nào đó, là lập tức ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người.

Chính với ý nghĩ đó mà Đảng và Nhà nước Bun-ga-ri ngày nay vẫn dành cho nông nghiệp một sự quan tâm đặc biệt: “nông nghiệp vẫn mãi mãi đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế quốc dân và trong đời sống nhân dân. Ngay cả trong tương lai, Đảng vẫn phải dành một sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực này”.

Để có một nền sản xuất nông nghiệp ưu việt như chúng ta đã thấy, không có con đường nào khác là đưa nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.