Tháng 11 năm 1948, tôi được cử làm Phó bí thư Tỉnh ủy và được phân công phụ trách vùng địch kiểm soát.
Tỉnh Hưng Yên có 9 huyện thì 4 huyện phía Bắc thuộc vùng địch kiểm soát. Hai huyện Văn Lâm và Mỹ Hào thì bị kẹp giữa đường xe lửa Hà Nội – Hải Phòng và đường số 5, đây là 2 con đường địch sử dụng làm đường giao thông trọng yếu. Địch dùng huyện Yên Mỹ làm vành đai bảo vệ đường số 5, huyện Văn Giang làm vành đai bảo vệ sân bay Gia Lâm và tuyến giao thông dọc đê sông Hồng. Vì những vị trí chiến lược này, địch thường xuyên tiến hành các cuộc càn quét ác liệt.
Trong tình hình cuộc kháng chiến diễn ra đang giằng co quyết liệt giữa ta và địch, nhiệm vụ của tôi là chỉ đạo các Huyện ủy, các chi bộ bám dân, bám đất, giữ vững và phát triển lực lượng, phát triển chiến tranh du kích, hỗ trợ bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương tiêu hao tiêu diệt sinh lực của địch.
Cuộc chiến đấu trong lòng địch đương nhiên đòi hỏi ý chí quyết chiến, quyết thắng, phải rất mực kiên cường, không sợ chết, không hoang mang giao động trước những mất mát, hy sinh. Không những thế còn đòi hỏi cả sự mưu lược, sáng tạo: phải tỉnh táo đánh giá so sánh lực lượng giữa ta và địch trong từng trận đánh, trên từng địa bàn, trên cơ sở đó mà đưa ra quyết sách tiến hay lui, lựa chọn hình thức chiến đấu sao cho ít thiệt hại nhất, chắc thắng nhất. Tôi tự xác định cho mình thái độ như vậy, khi nhận nhiệm vụ mới.
Vì là vùng tạm chiếm sâu trong lòng địch cho nên chỉ ở một số làng ven đường số 5 có đường rút về phía vùng tự do, chúng tôi mới cho phép tổ chức những trận phục kích cỡ đại đội, có khi cỡ tiểu đoàn, đánh rồi rút. Các địa phương còn lại đều không được dùng cách đánh mặt đối mặt với địch. Cách đánh an toàn nhất là đặt mìn tự nổ hoặc mìn được kích nổ bằng dây dẫn. Chỉ cần nhân dân và du kích các làng ven đường hỗ trợ bộ đội đặt mìn vào ban đêm là đủ. Chính vì thế, con đường xe lửa và con đường số 5 đã trở thành con đường “tử địa” của quân Pháp. Gần như ngày nào chúng cũng vấp phải mìn trên 2 con đường đó. Nhiều vụ nổ trên đường xe lửa đã lật nhào cả một đoàn xe lửa chở lính và thiết bị quân sự của địch.
Việc biến chính quyền của địch thành chính quyền của ta cũng là một chiến thuật được lựa chọn. Sau một thời gian cản phá quyết liệt việc thành lập chính quyền cấp xã của địch, nhận thấy so sánh lực lượng ngày càng bất lợi cho ta, chúng tôi chuyển sang chiến thuật cài cắm người của ta vào vai các chức dịch của địch, hình thành thế trận “chính quyền hai mặt”: ban ngày thì tỏ vẻ quy phục địch, nhưng ban đêm thì lại là người của ta, tích cực hỗ trợ bộ đội và du kích, tích cực thu thuế cho kháng chiến.
Mấy huyện phía Bắc tỉnh Hưng Yên và mấy huyện phía Nam tỉnh Bắc Ninh hình thành một dải vùng địch tạm chiếm ngăn cách vùng tự do đồng bằng Bắc bộ với Việt Bắc – thủ đô kháng chiến. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải luôn luôn giữ vững con đường giao thông huyết mạch vượt qua vùng địch tạm chiếm để nối đồng bằng Bắc bộ với Việt Bắc. Đây là một cuộc chiến đấu thầm lặng, được tổ chức rất công phu, tỉ mỉ, nối làng này sang làng kia, vượt qua sát nách các đồn bốt giặc, bước qua các hàng rào mìn của giặc, bơi qua các dòng sông dưới ánh đèn pha của giặc. Cần phải nói thêm rằng các chiến sĩ của tuyến giao liên này hầu hết là phụ nữ – những cô gái mười tám đôi mươi, ban ngày thì đi làm đồng để theo dõi sít sao mọi động thái của địch, ban đêm thì dẫn cán bộ vượt qua phòng tuyến của chúng, ngay sát nách các đồn bốt của chúng.
Một hôm, tôi đang họp với Huyện ủy Văn Giang và bộ đội chủ lực bàn cách chặn đánh những trận càn ác liệt của địch thì có tin gọi về tỉnh. Về đến Văn phòng Tỉnh ủy đã thấy anh Lê Quang Đạo chờ tôi ở đó. Anh đang trên đường lên Việt Bắc qua vùng địch tạm chiếm của Hưng Yên và Bắc Ninh để nhận nhiệm vụ mới: Trưởng ban Quân huấn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên đường qua Hưng Yên, anh chuyển cho tôi quyết định của Liên khu ủy III điều động tôi về Liên khu thay anh nhận chức Trưởng ban Tuyên truyền của Liên khu ủy. Nhân tiện, anh bàn giao cho tôi công việc mà anh đang làm. Sau khi tiễn anh qua đường số 5, tôi quay về Văn phòng Tỉnh ủy để bàn giao công việc rồi đi nhận nhiệm vụ mới. Lúc đó là vào tháng 3 năm 1949.
Kể từ ngày tôi về lại làng quê để gây dựng phong trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa cho đến lúc này, vừa đúng 4 năm – 4 năm đầy thử thách, và cũng là 4 năm đầy tự hào!