Thầy Hiệu trưởng nhân văn – Nguyễn Thị Thanh Minh

Từ năm 1997, tôi về  làm việc ở Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (viết tắt là HUBM, nay là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội viết tắt là HUBT) do GS Trần Phương sáng lập và làm Hiệu trưởng. Không được tiếp xúc nhiều với Thầy, nhưng qua những cuộc họp Ban Giám hiệu mở rộng bàn về những việc quan trọng của trường, qua việc Thầy chỉ đạo và cùng với Khoa Triết học và Khoa học xã hội thiết kế các môn học do Khoa quản lý, qua việc Thầy dự giờ của tôi và việc Thầy góp ý cho chúng tôi làm bộ phim đầu tiên “Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội – Trường của chúng ta”,… đã để lại cho tôi hình ảnh một Thầy Hiệu trưởng nhân văn.

Từ khi đón sinh viên Khóa 1 cho đến nay đã 27 năm, cũng là 27 năm tôi tham gia trực tiếp giảng dạy cho các thế hệ sinh viên của HUBT. Không ít lớp đề nghị tôi kể về Thầy Hiệu trưởng. Tùy vào hoàn cảnh của giờ học, môn học, vào đặc điểm của sinh viên, tôi kể một kỷ niệm nào đó về Thầy mà tôi biết. Những câu chuyện tôi đã kể cho giảng viên và sinh viên nghe về GS Trần Phương chính là hình ảnh của Thầy trong trái tim chúng tôi, là tình cảm chúng tôi dành cho Thầy.

Câu chuyện thứ nhất: Ý TƯỞNG CỦA NGƯỜI SÁNG LẬP TRƯỜNG

Giáo sư Hiệu trưởng xuất thân trong gia đình nhiều đời có học thức rộng. Thân sinh của Thầy ngày trẻ cũng đã từng là thầy giáo dạy chữ Nho. Cụ đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Thầy về vai trò khai mở kiến thức của người thầy đối với học trò. Thân mẫu của Thầy là một phụ nữ cần cù, chịu thương chịu khó, đảm đang, tháo vát, lo toan, hiền lành, thương người. Cảm nhận được sự vất vả của người nông dân, trước tiên là từ người mẹ, sau này khi được cử giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy quản lý Nhà nước, Thầy đã luôn tìm cách bảo vệ và nâng cao lợi ích của người nông dân, của người lao động. Trong quá trình công tác, Thầy có nhiều ý tưởng độc đáo, táo bạo, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước.

Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội ra đời ra đời xuất phát từ một ý tưởng nhân văn của Thầy Trần Phương.

Giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy nhà nước, Thầy luôn trăn trở về sự nghèo nàn, lạc hậu của đất nước, và nâng cao trình độ của người dân một cách toàn diện, đặc biệt đào tạo những nhà kinh tế thực hành có trình độ cao, là một con đường chủ đạo để khắc phục sự yếu kém đó. Thầy cũng thấy rõ một thực tế: Nhu cầu học tập của người dân ngày càng tăng, nhưng thiếu trường. Hệ thống trường đại học công lập không đáp ứng được, trong khi đó, như thực tiễn lịch sử của các nước trên thế giới cho thấy: hệ thống trường tư khá phổ biến, đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt có những trường tư đã trở nên danh tiếng nhờ chất lượng đào tạo tốt, như Harvard, Pricceton, Yale của Mỹ, Cambritdge, Oxford của Anh. Thầy đề xuất đẩy mạnh “xã hội hóa” nền giáo dục Việt Nam bằng việc thành lập trường đại học dân lập. Điều này không mới. Cái mới của ý tưởng là thành lập trường đại học không vì lợi nhuận, mọi thu nhập “dôi dư” (mà theo thuật ngữ kinh tế học thông thường là “lợi nhuận”)  không phân chia cho các nhà bỏ vốn đầu tư, mà đều phục vụ cho học tập của sinh viên. Đó thực sự là một loại trường mang tính chất dân chủ “của dân, do dân và vì dân”.

Tôi còn nhớ, ngày HUMB còn ở Cảm Hội, sau buổi họp Ban Giám hiệu mở rộng trao đổi về tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng trường ở Vĩnh Tuy, Thầy Hiệu trưởng Trần Phương cùng ăn trưa với các thầy cô giáo ở nhà ăn của trường. Bữa đó thầy ngồi đối diện với tôi, chị Bang cấp dưỡng mang tới cho Thầy bát cơm nhỏ, Thầy ăn suất ăn như mọi người. Thầy vừa ăn vừa ngẫm nghĩ điều gì đó.

– Cô Minh này, một đất nước mà người nông dân cầm cờ đứng lên đánh giặc, chiến thắng, lên làm vua, thì làm sao mà giàu có được?

Thầy gọi tên tôi, nói với tôi, nhưng tôi cảm nhận Thầy đang suy ngẫm, tự nói với mình. Mắt Thầy có ngấn nước, gương mặt Thầy nặng nỗi ưu tư. Câu hỏi của Thầy nói lên nguyên nhân sâu xa ý tưởng thành lập trường: “Đào tạo cho đất nước những nhà kinh tế thực hành, những nhà quản lý kinh doanh có đủ năng lực để gánh vác công việc trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, làm cho dân giàu, nước mạnh, sánh vai cùng cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước”.

Ý tưởng đó không phải nảy sinh một sớm, một chiều, mà là kinh nghiệm, là lẽ sống của một con người suốt đời cống hiến cho dân, cho nước. Giữa lúc cơ chế thị trường đang phát huy tác dụng, người ta tìm mọi con đường để làm giàu, mở trường học không phải là ngoại lệ. Thực tế có không ít người giàu lên do việc mở trường, thậm chí người ta còn đấu đá nhau, hãm hại nhau vì lợi nhuận. Thầy mở trường không vì lợi nhuận, mà vì tương lai của thế hệ trẻ, vì tương lai của đất nước. Thầy mở trường vì sứ mệnh của mình: góp phần xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu có.

Trong thư gửi cho chúng tôi góp ý về kịch bản phim “Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội – Trường của chúng ta” viết ngày 15-10-2002, Thầy nói rõ về điều này: “Các đồng chí có đặt ra câu hỏi: ý tưởng của tôi về một ngôi trường? Thực ra, ý tưởng đó xuất phát từ kinh nghiệm cả một đời tôi: Mỗi lần tôi được học là một lần sáng bừng lên, năng lực làm việc được nâng cao hẳn… So với nhiều cán bộ như tôi ít được học hơn, tôi thấy họ “cùn đi” nhiều lắm.

Cả đời tôi đã tổ chức nhiều lớp học cho hàng ngàn cán bộ. Nhờ đó, tôi có được một đội ngũ cán bộ đáp ứng được nhiệm vụ. Gần nhất là Khoa Chính trị kinh tế học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà tôi xin phép Trung ương lập ra từ năm 1974. Học trò của tôi hồi đó đã thành đạt cả, đu trở thành giảng sư và nhà nghiên cứu kinh tế.

Đầu năm 1993, tôi về hưu ở tuổi 65. Nếu sức khỏe chưa mất hẳn mà nhàn tản an hưởng tuổi già thì chẳng là lãng phí lắm sao? Nhìn lại gương ông cha ta thì mở trường dạy học là con đường đã vạch sẵn. Với ý tưởng đó, tôi tập hợp bạn bè tâm huyết để “Kỷ niệm cho thế hệ trẻ một cái trường cho ra trường”. Thực ra, với cái tuổi đó, tôi chỉ muốn làm cố vấn và tin rằng tôi có thể gây ảnh hưởng đối với mọi người để lập ra một cái trường cho ra trường. Vì mọi người chỉ nhận làm Hiệu phó, không chịu làm Hiệu trưởng, cho nên tôi dành nhận chức Hiệu trưởng vậy”.

Ý tưởng đó chi phối mọi suy nghĩ và hành động của Thầy, là nỗi trăn trở thường trực trong trái tim, khối óc của Thầy, ngay cả trong bữa ăn và ở mọi lúc, mọi nơi Thầy luôn đau đáu về nó. Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ. Với ý tưởng đúng đắn, hợp lòng dân, GS Hiệu trưởng Trần Phương đã tập hợp, đoàn kết những nhà khoa học, những nhà kinh tế, những nhà giáo tâm huyết để xây dựng đề án thành lập trường; chọn, xây dựng bộ máy điều hành trường với hoài bão: “Nếu chúng ta – lớp nhà kinh tế dầu đàn của đất nước – đứng lên thành lập trường đại học, thì trường ấy phải là Ha-vớt của Việt Nam”. Hoài bão ấy không chỉ là ý tưởng, ước mơ, mà còn thể hiện một tầm nhìn chiến lược về phát triển trường của Thầy.

Hơn một phần tư thế kỷ, HUBT đã khẳng định vị thế của mình: lần lượt được nhận Huân chương Lao động loại 3, loại 2, loại 1; được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia về chất lượng; nhiều sinh viên ra trường có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của đất nước và đã thành danh. Trường đang trên đà phát triển. Có được ngôi trường HUBT với những thành tựu hôm nay là kết quả của Giáo sư Trần Phương – người có ước mơ cao đẹp; có quyết tâm thực hiện ước mơ và có phương pháp đúng dắn để biến ước mơ. thành hiện thực. Với sự nỗ lực của Thầy, thế hệ trẻ có thêm chỗ học hành cho ngày mai lập nghiệp; cán bộ, nhân viên, các thầy cô giáo có nơi làm việc, cống hiến. Chúng tôi đang làm tốt công việc của mình để dần biến hoài bão của Thầy thành hiện thực, để HUBT như Thầy hằng mong.

Câu chuyện thứ hai: THẦY CHỈ ĐẠO VIẾT GIÁO TRÌNH

Điều hành bộ máy một trường mới thành lập, có rất nhiều việc phải làm: xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức biên soạn giáo trình, tổ chức việc dạy học, quản lý sinh viên, vận hành bộ máy hành chính hoạt động đồng bộ,… cuốn hút tâm trí và sức lực của Giáo sư Hiệu trưởng. Việc nào Thầy cũng sát sao, tận tâm. Tôi xin kể một vài kỷ niệm về việc Thầy chỉ đạo chuyên môn, qua đó tôi nhận thấy rõ những phẩm chất của một người lãnh đạo.

Những ngày đầu thành lập trường, một nhiệm vụ rất quan trọng là lựa chọn giáo trình tốt hiện có của các trường để dạy đồng thời tiến hành viết giáo trình của trường mình cho sinh viên học. Điều này đã được Thầy Hiệu trưởng để tâm, chỉ đạo rất cụ thể.

Khoa Triết học và Khoa học xã hội với nhiệm vụ tổ chức dạy cho sinh viên các môn: Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tiếng Việt thực hành (sau phát triển thành môn Kỹ năng giao tiếp), ôn tập môn Văn cho sinh viên còn nợ đầu vào thi đại học (sau chuyển cho Khoa Tại chức – Hướng nghiệp), Đường lối cách mạng Việt Nam (sau này đổi thành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam),  Logic, Chính trị cho khối Cao đẳng và năm 2004, thêm môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Môn nào Thầy cũng có quan điểm chỉ đạo cụ thể.

Đối với môn Triết học, Thầy quán triệt: dạy để sinh viên biết vận dụng vào cuộc sống, giúp họ trở thành nhà kinh tế thực hành, nhà quản lý kinh doanh có đủ năng lực đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội. Vì thế, Triết học phải chú trọng rút ra ý nghĩa phương pháp luận cho sinh viên.

Đối với môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Thầy chỉ đạo chỉ viết 3 bài: Tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước MácTư tưởng xã hội chủ nghĩa của Mác và Chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Cuốn Đề cương bài giảng môn Chủ nghĩa xã hội khoa học đầu tiên của HUMB có sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành, như GS Đỗ Tư, GS.TS Nguyễn Quốc Tuấn, PGS.TS Nguyễn Đức Bách. Thầy và Ban Chủ nhiệm Khoa Triết học và Khoa học xã hội đều ưng ý. Cuốn Đề cương bài giảng môn Chủ nghĩa xã hội khoa học của trường gồm 3 bài, rất khoa học, thầy dễ dạy, trò dễ đọc, trong khi tập bài giảng về Chủ nghĩa xã hội khoa học của Bộ gồm 12 bài. Cuốn Đề cương của trường là sự đột phá, là một sáng kiến đổi mới cách thức giảng dạy môn học vốn khô khan, không cuốn hút người học. Cẩn trọng, Khoa đề xuất với Thầy: “Để mọi người hiểu tính chất khoa học của cuốn Đề cương và ủng hộ trường, trước khi sử dụng, nên tổ chức hội thảo. Thành phần tham gia sẽ là các tác giả, các thầy cô giáo trường mời dạy và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo”.  Thầy đồng ý và nhận chủ trì hội thảo.

Cuộc hội thảo diễn ra với tinh thần khoa học thực sự. Sau khi nghe GS Trần Phương nêu quan điểm của trường, các tác giả, các thầy cô giáo, các khách mời cũng nêu quan điểm của mình, đặt ra những câu hỏi chất vấn và thảo luận. Mọi thắc mắc đều được giải đáp thỏa đáng. Kết thúc cuộc họp, thầy nói với tôi với tư cách người phụ trách môn học: “Cô Minh này, cái anh ở Bộ Giáo dục và Đào tạo có vẻ chưa thuận, còn băn khoăn, lấn cấn”. Tôi thưa: “Anh ấy là Phó tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, học môn Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Liên Xô về. Anh ấy là một đồng chủ biên Tập bài giảng về Chủ nghĩa xã hội khoa học của Bộ đang được sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Anh ấy băn khoăn là Đề cương của trường ta chưa nhấn mạnh những tư tưởng của Mác thiết thực với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam”. Nghe tôi trình bày, hiểu được tâm tư, suy nghĩ của người quản lý những môn học “rượu ty” của Bộ, Thầy chỉ đạo: “Đề cương nên có thêm 5 bài đi sâu, làm rõ hơn những tư tưởng của C. Mác đã được vận dụng và phát triển ở Việt Nam, trong đó có một bài trích tác phẩm của Ăng-ghen để sinh viên đọc và thảo luận.

Bây giờ nhắc lại chuyện này, có thể có người cho rằng viết lại giáo trình có gì to tát đâu mà kể. Nhưng đặt nó trong hoàn cảnh năm 1997 thì là cả một vấn đề không đơn giản. Khi đó, các môn khoa học Mác – Lênin dạy ở các trường đại học, cao đẳng bắt buộc phải dùng giáo trình của Bộ, nếu không, sẽ rắc rối to. Vậy mà Thầy Hiệu trưởng của chúng ta chỉ đạo thay đổi cả kết cấu, nội dung, chỉ dạy những điều Mác – Lênin nói, không rườm rà, suy diễn. Chỉ riêng điều này thôi cũng đã thấy trí tuệ sắc sảo, bản lĩnh kiên cường và tầm nhìn của Thầy. Sau một phần tư thế kỷ, qua nhiều lần bổ sung, sửa chữa, giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học của HUBT vẫn nhất quán với tư tưởng của GS Hiệu trưởng và tiếp tục được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia phát hành.

Thầy Trần Phương đặc biệt quan tâm đến việc dạy môn Tiếng Việt thực hành (nay là môn Kỹ năng giao tiếp). Đây là môn tự chọn, nhưng ngay từ đầu, Thầy chỉ đạo Khoa dạy 60 tiết: “Tôi đọc đơn sinh viên viết, đơn không ra đơn, chữ xấu lắm. Nhà kinh tế phải nói năng rõ ràng, viết lách tử tế. Cần phải giúp các em”. Biết trong chương trình đào tạo của trường có dạy môn này, có tác giả đem sản phẩm của mình đến mời trường mua. Thầy nói với Khoa: “Một anh bên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn giới thiệu cho tôi cuốn Tiếng Việt thực hành do anh ấy viết. Anh ấy còn nói với tôi nếu trường không mua thì người ta mua hết mất. Ý các thầy cô thế nào?” Chúng tôi thưa: “Lý thuyết chỉ có một. Thay vì mua, trường nên mời các nhà khoa học có uy tín viết giáo trình cho trường, lấy ví dụ phù hợp với các chuyên ngành trường dạy, sinh viên sẽ dễ học, dễ hiểu hơn”. Thầy đồng ý. Thầy trực tiếp duyệt đề cương và bản thảo từng bài. Trước yêu cầu của xã hội và thực tế của sinh viên, môn này đã nhiều lần được Thầy nhất trí thay đổi nội dung và tên: từ Tiếng Việt thực hành thành Kỹ năng thuyết trình và xử lý văn bản, đến Kỹ năng văn bản, thuyết trình và đàm phán, tiếp theo là Kỹ năng giao tiếp và đàm phán trong kinh doanh và hiện nay là Kỹ năng giao tiếp.

Có một chi tiết: khi chúng tôi đang sử dụng giáo trình Kỹ năng văn bản, thuyết trình và đàm phán để dạy, Phó Hiệu trưởng – TS Lê Khắc Đóa phát hiện Khoa Quản lý kinh doanh và Khoa Triết học và Khoa học xã hội cùng dạy một số nội dung. Sau khi xem lại giáo trình của hai khoa, GS Trần Phương chỉ đạo gộp 2 giáo trình của 2 khoa thành một giáo trình Kỹ năng giao tiếp và Đàm phán trong kinh doanh và giao cho Khoa Triết học và Khoa học xã hội quản lý môn học, cả hai khoa cùng dạy: Khoa Triết học và và Khoa học xã hội dạy nội dung Kỹ năng giao tiếp và Khoa Quản lý kinh doanh dạy nội dung Đàm phán trong kinh doanh. Được một thời gian, Giáo sư chủ động chỉ đạo Khoa Triết học và và Khoa học xã hội biên tập lại giáo trình với tên Kỹ năng giao tiếp, gồm 4 chương: 1) Khái quát chung về giao tiếp; 2) Kỹ năng thuyết trình; 3) Kỹ năng xử lý văn bản; và 4) Kỹ năng đàm phán, dùng để dạy 2 học trình cho toàn trường, trong đó có cả sinh viên Khoa Quản lý kinh doanh. Thầy nhấn mạnh: “Tập trung dạy 3 chương đầu, rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho sinh viên, vì đó là những kỹ năng cơ bản để giao tiếp tốt. Chương 4 thực chất là vận dụng các kỹ năng trên để đàm phán trong cuộc sống nói chung, có thể dạy hoặc giới thiệu cho sinh viên tự nghiên cứu. Còn nội dung Kỹ năng đàm phán trong kinh doanh do Khoa Quản lý kinh doanh dạy cho khoa chuyên ngành”.

Đối với tài liệu Ôn thi đại học môn Văn. Biết trước khi về trường, tôi có tham gia luyện thi đại học môn Văn, Thầy Hiệu trưởng trực tiếp giao cho tôi chuẩn bị tài liệu và tổ chức việc ôn luyện môn Văn thi đại học cho khối Hướng nghiệp. Khi tôi trình cho Thầy duyệt tập tài liệu Ôn thi Đại học môn Văn do các thầy, cô có kinh nghiệm luyện thi môn Văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội I viết, dự kiến để dùng cho trường ta; đọc xong, Thầy hỏi: “Cô Minh này, tôi thấy tài liệu của các nơi có những mấy trăm đề, sao của mình chỉ có 61 vấn đề, có ổn không?”. Thì ra Thầy không chỉ đọc tài liệu này của trường mình, mà còn tham khảo tài liệu của các trường khác. Tôi thưa: “Thi tuyển đại học chỉ có 61 nội dung, nhưng người ra đề có thể ra thành nhiều đề theo mục đích khác nhau, tựa như 4 kỹ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết của giao tiếp, ạ”. Thầy hiểu ra vấn đề.

Thực tế, việc luyện thi môn Văn ở trường rất hiệu quả, một phần do tài liệu, một phần do trường mời được những thầy cô giáo luyện thi có kinh nghiệm dạy. Đến nỗi, có những em học sinh không học trường mình cũng xin vào ôn thi môn Văn.

Thầy Hiệu trưởng ví việc biên soạn giáo trình như việc xếp những viên gạch đầu tiên để xây nên một tòa nhà. “Quan trọng lắm, nó góp phần tạo nên chất lượng đào tạo, là cái gốc cho sự phát triển của trường”. Ấy vậy mà làm việc với Thầy, chúng tôi không hề thấy căng thẳng, mệt mỏi, trái lại, tâm trạng mọi người thoải mái, hào hứng. Chúng tôi tập trung trí tuệ, sức lực làm việc với tinh thần trách nhiệm. Kết quả công việc tiến triển tốt. Có được điều đó là nhờ có sự chỉ đạo tận tâm của Thầy. Qua tiếp xúc với Thầy, chúng tôi nhận ra những phẩm chất cao quý của người lãnh đạo nơi Thầy – một người có trí tuệ mẫn tiệp, có bản lĩnh, quý trọng tài năng, biết lắng nghe và có quyết định sáng suốt, kịp thời.

Câu chuyện thứ ba: THẦY HIỆU TRƯỞNG TRỰC TIẾP DẠY SINH VIÊN

Cuốn Đề cương bài giảng môn Chủ nghĩa xã hội khoa học viết xong, tôi đề nghị Thầy dạy chương 3. Thầy nhận lời. Khi đó, môn Chủ nghĩa xã hội khoa học dạy 45 tiết. Chương 3 dạy 5 tiết cuối cùng. Trước buổi dạy của Thầy 1 tuần, Thầy đưa cho tôi xem giáo án của Thầy gồm 25 trang và 1 trang ghi những ý chính của bài giảng mà Thầy gọi là đề cương. Bài Thầy giảng cho sinh viên Khóa 1 đã lâu rồi, quá một phần tư thế kỷ, nhưng bài học tôi nhận được từ buổi giảng đó thì còn tươi mới.

Thầy dạy vào buổi chiều. Giảng đường là hội trường tầng hai ở địa điểm ngõ 651 Minh Khai. Không chỉ sinh viên, mà tất cả giảng viên của Khoa cũng đến dự. Hội trường kín người. Bài giảng của Thầy thu hút sự tập trung của mọi người vì khả năng hùng biện và cách thầy tự đặt ra những câu hỏi và tự trả lời về những điều mà cả xã hội trăn trở, quan tâm. Nghe Thầy giảng sáng ra nhiều điều. Thầy bảo chúng ta không được ảo tưởng. Thầy kêu gọi sinh viên học tốt để trở thành người tài giỏi, giàu có, sống nghĩa tình – chính đó mới là yêu nước.

Với tôi, đó là bài giảng hay nhất mà tôi đã từng nghe về nội dung này. Tôi biết, không ai có thể giảng được như Thầy, bởi hai lẽ. Thứ nhất, những dẫn chứng xác thực mà Thầy đưa ra là những trải nghiệm của một lãnh đạo cấp cao đã được đi nhiều, nghiên cứu nhiều thực tế của các nước và của ngay đất nước mình trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thứ hai, Thầy có tài hùng biện tuyệt vời. Những lập luận, những lý lẽ Thầy đưa ra rất chặt chẽ, chúng là kết quả của một trí tuệ, một tầm nhìn hơn người. Chỉ qua một buổi lên lớp, Thầy đã cho tôi và sinh viên nhiều bài học quý báu. Đầu tiên là việc chuẩn bị nội dung cho bài giảng: Thầy phác thảo đề cương, dựa vào đề cương, soạn giáo án, viết hết ra giấy những điều sẽ nói; sau đó, lại thu gọn những nội dung cơ bản thành đề cương bài giảng ra một trang giấy và dựa vào đó để giảng.

Tiếp theo là bài học về sử dụng phương pháp dạy học. Về hình thức, suốt buổi chỉ Thầy nói, nhưng người nghe không thấy nhàm chán, trái lại, rất chú ý, như uống từng lời của Thầy. Có được điều đó là vì Thầy đã tìm hiểu người nghe, nắm bắt được nỗi băn khoăn, tâm lý của trò, nên tự đưa ra và trả lời những câu hỏi mà mọi người quan tâm. Bài giảng của Thầy kết hợp các phương pháp dạy: thuyết trình, đối thoại, hùng biện,… một cách nhuần nhuyễn, độc đáo. Hình ảnh của Thầy khi giảng bài thật đẹp. Gương mặt sáng ngời, giọng nói hào hùng, Thầy truyền cảm hứng cho chúng tôi niềm khát khao học tập, làm việc thật tốt để góp phần làm cho đất nước phồn vinh.

Tôi thường nói với sinh viên, Thầy Hiệu trưởng của chúng ta là một nhà hùng biện. Tài năng đó của Thầy một phần do năng khiếu bẩm sinh, một phần do khổ công rèn luyện. Cách Thầy soạn, giảng bài là một tấm gương làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, là tấm gương cho chúng ta học tâp, làm theo, để có kỹ năng thuyết trình tốt, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và có cuộc sống tốt hơn.

Câu chuyện thứ tư: THẦY HIỆU TRƯỞNG DỰ GIỜ CỦA GIẢNG VIÊN

Ngày 06-01-1997, đón sinh viên Khóa 1, bắt đầu sự nghiệp đào tạo của trường. Tôi được phân công dạy môn Triết học cho sinh viên. Ngày đó, phải thuê nhà khách của Viện Nhi Thụy Điển làm giảng đường. Một hôm, đang chuẩn bị bắt đầu giờ seminar, tôi nghe thấy tiếng gõ vào cánh cửa. Thấy thầy Hiệu trưởng Trần Phương, tôi bước ra chào. Thầy nói với tôi: “Tôi muốn dự giờ xem các trò học thế nào, cô Minh có đồng ý không?” Tôi nhìn lớp, thấy không còn chỗ trống. Phòng học khoảng 28 m2, chỉ đủ kê 2 dãy bàn ghế cho 30 sinh viên ngồi và lối đi ở giữa cho giảng viên. Mỗi bàn đã có 3 sinh viên. Hết chỗ cho Thầy ngồi. Chỉ còn ghế của giảng viên. Tôi thưa với thầy: “Thưa bác, khi dạy, cháu không ngồi. Bác ngồi chỗ nào tiện nhất, cháu cho em sinh viên chuyển ghế ạ?”. Thầy chỉ chỗ ngồi góc lớp, cạnh bảng đen. Để quan sát sinh viên học tập thế nào thì chỗ đó là tốt nhất và khi đứng giảng bài, tôi sẽ không nhìn thấy Thầy.

Giờ học diễn ra bình thường như mọi lần. Tôi dùng phương pháp dạy học tích cực để dẫn dắt các em tiến hành seminar nhằm mục đích giúp các em hiểu rõ kiến thức triết học đã học và biết vận dụng nó trong thực tế cuộc sống.

 Buổi học trước, tôi đã cho sinh viên hệ thống câu hỏi gợi mở để: các em tự nghiên cứu giáo trình và tài liệu tham khảo, tìm dẫn chứng thực tế, dựa vào kiến thức đã học phân tích sự việc, hiện tượng trong thực tế để có một nhận thức khoa học, khách quan, toàn diện về sự việc, hiện tượng đó và soạn đề cương seminar. Đồng thời tôi cũng nêu cho các em biết cách đánh giá kết quả thảo luận seminar của tôi cho các em biết trước. Tôi phân ra các cấp độ đánh giá kết quả seminar. Trong giờ seminar, tôi dùng phương pháp đối thoại, đưa các câu hỏi dẫn dắt thảo luận, gọi sinh viên trình bày kiến thức tự mình đã nghiên cứu và mời các sinh viên khác nhận xét câu trả lời của bạn, bổ sung nội dung thiếu, phát hiện điều bạn hiểu sai, sửa lại cho đúng. Nhiệm vụ của tôi là tổng kết, đánh giá những điều mà các em đã làm được và chưa làm được, khắc sâu và mở rộng kiến thức cho các em. Nhờ cách đó mà sinh viên tập trung vào giờ seminar, thảo luận sôi nổi, dám nêu chính kiến của mình.

Kết thúc giờ học, thầy chờ tôi ở cửa lớp. Tôi chưa kịp thưa gì thì Thầy đã nói luôn suy nghĩ của mình: “Chủ trương của Khoa cho đề tài seminar để sinh viên rút ra ý nghĩa phương pháp luận là rất đúng, giúp các em thực hành vận dụng kiến thức triết học giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Anh Quang đã làm tốt việc này, quý lắm! Cách hướng dẫn seminar của cô nhất quán với chủ trương của Khoa, giúp sinh viên dám nói lên chính kiến của mình, dù sai, dù đúng. Hơn thế, các em bắt đầu có tinh thần phản biện, dám chỉ ra cái chưa hoàn hảo trong nội dung trình bày của bạn, đặt câu hỏi cho những điều chưa rõ. Cách cô nêu câu hỏi và cách đánh giá sinh viên như vậy là hợp lý, kích thích được các em suy nghĩ và trả lời.

Sinh viên tìm được nội dung trong giáo trình để trả lời câu hỏi hoặc tóm tắt được nội dung bạn trình bày, cô cho 8 điểm. Như vậy là cô đánh giá các em đã biết cách đọc giáo trình, hiểu nội dung bài học và đã biết lắng nghe nhau để nắm được trọng tâm vấn đề. Với sinh viên nêu được ví dụ minh họa cho nội dung bài học hoặc nhận xét được điều bạn mình trình bày đúng, điều chưa đúng, cô cho  điểm 8.5 là cô đã đánh giá mức độ hiểu kiến thức và vận dụng nó trong thực tế của sinh viên. Với sinh viên nhận xét được điều bạn mình trình bày đúng, điều chưa đúng và bổ sung nội dung thiếu, cô cho 9 điểm, cũng đúng thôi. Nhưng theo tôi, nên cho các em điểm 10. Bởi vì để làm được điều đó, sinh viên phải đọc, hiểu và nắm rất chắc kiến thức. Đồng thời, trong giờ seminar đã rất chú ý lắng nghe cô giáo và bạn mới nhận xét và phát biểu được chính kiến của mình. Đặc biệt, đã biết phân tích, đánh giá câu trả lời của bạn và bổ sung được cách hiểu đầy đủ của mình cho nội dung seminar. Chúng nó vừa tốt nghiệp phổ thông, chưa quen cách học ở đại học mà trả lời được như thế là giỏi. Tôi nghĩ, có lẽ chúng nó phải hỏi bố mẹ, anh chị để chuẩn bị cho buổi seminar đấy.

Cô Minh ạ, các em còn non nớt lắm. Chúng như những con vịt con vừa chui ra khỏi vỏ trứng. Chúng ta là những người “gột vịt”, nên khuyến khích, động viên các em, cô ạ”.

Những điều trên Thầy nói với tôi bằng giọng nhỏ nhẹ, vừa như tâm sự, vừa như khuyên nhủ, chia sẻ. Tôi thật sự bất ngờ khi nghe Thầy nhận xét, đánh giá về quan điểm dạy Triết học và cách làm của Khoa, về cách đánh giá sinh viên của tôi. Những nhận xét, đánh giá của Thầy dựa trên mục tiêu của trường: đào tạo những nhà kinh tế thực hành cho đất nước. Vậy nên, dạy bất kỳ môn học nào cũng phải nhằm mục đích đó. Dạy Triết học là để các em ứng dụng trong cuộc sống, chứ không phải trở thành nhà lý luận, nhà triết học. Thầy quan tâm đến cách tôi cho điểm sinh viên một cách chi tiết, cụ thể. Thầy hài lòng vì sinh viên đã dám phát biểu chính kiến, dám nhận xét đúng sai, dám góp ý cho bạn và dám biết bảo vệ chính kiến của mình. Thầy cho rằng dạy chuyên môn, nhưng đồng thời phải giúp sinh viên tự tin vào chính mình. Đồng thời, Thầy cũng nhắc nhở tôi cần phải hiểu và đồng cảm với sinh viên hơn. Tôi thấm từng lời, cảm thấy mình thật may mắn và tự nhủ sẽ thật cố gắng làm thật tốt nhiệm vụ được giao.

Thầy dặn tôi: “Cô cứ tiếp tục dạy như thế nhé. Có lợi cho sinh viên”.

Thầy kể cho tôi nghe lý do Thầy dự giờ tôi dạy: “Tôi nghe cô Thanh Liên (hồi đó là phóng viên đài truyền hình thường đến trường lấy thông tin viết bài) nói không biết cô giáo Minh dạy thế nào mà cháu nhà em thức cả đêm để chuẩn bị bài. Em giục đi ngủ, cháu trả lời với giọng rất hào hứng là phải chuẩn bị bài để mai phát biểu cho cô giáo và các bạn nghe. Tôi kể cho anh Quang và hỏi cô dạy thế nào, anh ấy nói tôi hãy đến dự giờ của cô xem ra sao”. 

Thì ra cái gì cũng có nguyên nhân. Một người đứng đầu, lãnh đạo một trường đại học không vì mục đích lợi nhuận chưa từng có ở Việt Nam. Bận lắm chứ. Vậy mà nghe một lời nhận xét của phụ huynh sinh viên, đã tìm hiểu đến nơi, bỏ thời gian quý báu tới dự giờ của giảng viên để kiểm nghiệm. Hơn thế, Thầy còn đánh giá, rút kinh nghiệm, tạo động lực, truyền cảm hứng cho giảng viên.

Tự hào vì được Thầy dự giờ, được Thầy động viên, nhắc nhở, tôi thấm thía vì sao tất cả mọi người từ những cán bộ cách mạng lão thành, những nhà kinh tế lừng danh, những nhà khoa học và cả những giảng viên bình thường như tôi đều đồng tâm nhất trí đi theo Thầy, thực hiện ý tưởng cao đẹp của Thầy.

Câu chuyện thứ năm: THẦY CHỈ ĐẠO LÀM PHIM

Sau 6 năm trường đi vào hoạt động, mọi việc tiến hành rất đồng bộ, nhịp nhàng. Không khí hứng khới làm việc bao phủ toàn trường. Ai cũng thấy tự hào vì mình được làm việc dưới sự chỉ đạo của Thầy Hiệu trưởng. Năm 2002, Thầy giao cho chúng tôi làm một bộ phim truyền thống của trường. Chúng tôi mời đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn làm việc ở Hãng phim truyền hình Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện bộ phim tài liệu này. Khi tôi giới thiệu đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn với Giáo sư Hiệu trưởng, Thầy nói: “Tôi biết Tuấn là đạo diễn có năng lực, nhưng làm phim về trường, chỉ mời Tuấn quay phim. Cô Minh phải làm đạo diễn, vì cô Minh hiểu trường”. Tôi thưa với Thầy: “Anh Tuấn có nghề, anh ấy sẽ làm tốt. Thầy để anh đạo diễn, cháu sẽ đồng hành cùng anh”. Thầy nói: “Vậy cô phải viết lời bình”. Tôi thưa: “Cháu và anh Tuấn cùng viết, bác sẽ sửa, được không ạ?”. Thầy nhất trí.

Bộ phim đầu tiên, chúng tôi định đặt tên là “Một ý tưởng – Một ngôi trường” với mục đích dựng chân dung tinh thần một con người có tư tưởng đúng đắn, cao đẹp và đang hoạt động cho sự phát triển của đất nước: đó là chân dung một trái tim nhân hậu hết lòng vì thế hệ trẻ thân yêu, là người, mà thế hệ chúng tôi rất kính trọng, đặt cho nhiều định danh: Cây đại thụ, Kiến trúc sư trưởng, Tổng công trình sư,… Người đó chính là Thầy Hiệu trưởng – Giáo sư Trần Phương.

Để làm rõ khát vọng sâu xa mãnh liệt của một cựu lãnh đạo nhà nước khi dồn hoàn toàn tâm trí cho sự nghiệp “trồng người” nhằm đào tạo những nhà kinh tế thực hành có đủ phẩm chất và năng lực để đảm nhiệm những trọng trách quan trọng của nền kinh tế hiện đại, chúng tôi không sa đà vào chi tiết tiểu sử tự thuật, mà thông qua những sự kiện, những tình huống, những công việc của người lãnh đạo trường. Như vậy, chân dung tinh thần của Thầy Hiệu trưởng và hoạt động của Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội không tách rời nhau. Phim nói về thành tựu suốt 6 năm của trường cũng là nói về những nỗ lực của của cả một tập thể sư phạm dưới sự chỉ huy sáng suốt của Giáo sư Hiệu trưởng. Khi nói đến một em sinh viên, dù đang ở trong nước hay đang học ở Hà Lan hoặc Đài Loan cũng nhằm nói đến cái tâm nguyện sâu xa đang nung nấu trong tâm tư của mỗi cán bộ, giảng viên trong trường, đặc biệt là của Thầy Hiệu trưởng. Nêu khó khăn và thành tích của trường để khẳng định kết quả những nỗ lực mạnh mẽ của một tập thể sư phạm dưới sự chỉ huy của “nhạc trưởng” – GS Hiệu trưởng nhằm hướng tới xây dựng ngôi trường chất lượng. Từ một ý tưởng, tới nay trường đã có cơ ngơi và đang được tiếp tục xây dựng tại Vĩnh Tuy. Nhưng quy mô trường ốc không phải là cái đích cuối cùng của Thầy Hiệu trưởng, mà mục đích của Thầy là chất lượng thực sự của những khóa đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế hóa và thỏa mãn được những yêu cầu của thực tế cuộc sống.

Chúng tôi chủ trương bộ phim không chỉ để dành riêng cho những người trong ngành kinh tế, mà cho đông đảo khán giả truyền hình trong và ngoài nước. Với tinh thần như vậy, anh Tuấn xây dựng đề cương trình GS Trần Phương. Thầy đọc rất kỹ, có bình luận và sửa, tuy rất ít, chỉ gạch đi một số cảnh dàn trải. Quan điểm của thầy được thể hiện trong bức thư gửi chúng tôi ngày 15-10-2002.

“Thân gửi chị Minh, anh Tuấn,

Kịch bản vừa phác ra là công phu. Nhưng theo tôi, không nên lấy chủ đề là một người – người đó có công lao đến đâu cũng chỉ là người khởi xướng, kiến trúc sư trưởng, hay tổng công trình sư. Cần biết bao nhiêu người mới thành một sự nghiệp. Nếu muốn nói đến người đó thì chỉ nói đến một đôi lần thôi và nói cùng với nhiều người khác, nói gắn vào cả sự nghiệp.

Mục tiêu của cuốn phim này không nhằm vào công chúng, không cần, mà nhằm vào sinh viên và các nhân viên nhà trường, tạo cho họ tự hào về trường, gắn bó với trường. Cuốn phim này sẽ chiếu cho mỗi khóa sinh viên mới vào trường, cho cán bộ, nhân viên và cho đại hội cổ đông. Nó sẽ được tiếp nối theo lịch sử như là cuốn phim truyền thống của trường như ý tưởng của chị Minh nói hồi tổng kết năm học vừa qua. Vậy nó phải nói đến tất cả mọi người. Mọi người phải thấy mình ở đó => Không nhất thiết chỉ 40 phút.

Nó phải làm cho sinh viên mới vào trường hiểu được trường này là trường thế nào, nó đào tạo ra những nghề gì, mỗi nghề được trang bị những kiến thức kỹ năng gì, ra đời làm gì. Mỗi khối kiến thức có ý nghĩa gì? ( Xem kỹ: Chương trình đào tạo của trường ta).

Phải giới thiệu được trường này là trường của những trí thức, cán bộ lão thành về hưu (lý tưởng) muốn đem những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy qua cả một đời người truyền lại cho thế hệ trẻ, làm cho các nhà kinh tế Việt Nam không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Đó là một tổ chức phi lợi nhuận. Mọi khoản thu đều dành cho nâng cao chất lượng đào tạo, không chia lợi nhuận cho ai. Đó là một tổ chức dân chủ tự quản của cán bộ, nhân viên, dân chủ tự quản cả đối với sinh viên. ( Xem: Mô hình dân lập và Quy chế sinh viên).

Về tên của cuốn phim: nên chăng “Ngôi trường của chúng ta”? Một cái gì đó gợi lên sự gắn bó, mến thương, tự hào – nó theo sinh viên suốt cả một đời.

(…)

Với cách đặt vấn đề như trên, tôi đề nghị chị Minh và anh Tuấn viết một kịch bản mới. Tuy mất công, nhưng đáng làm”.

Tôi đã đọc đi đọc lại bức thư Thầy gửi. Tôi học được nhiều điều từ bức thư đó. Tôi học ở Thầy sự khiêm tốn và lòng biết ơn. Rõ ràng sự ra đời và phát triển của trường gắn với tên của Thầy. Nếu Thầy không có ý tưởng, nếu Thầy không có uy tín, tài năng, đức độ và khả năng đoàn kết, lãnh đạo những người cùng chung chí hướng, cùng nhau thực hiện ước mơ, thì làm sao có ngôi trường này? Thầy hiểu điều đó. Thầy hiểu cả ước muốn của chúng tôi và toàn thể anh chị em cán bộ, nhân viên, giảng viên trong trường dành cho Thầy: muốn các thế hệ sinh viên sau này được nhìn thấy hình ảnh của Thầy và các cộng sự của Thầy trong những ngày đầu xây dựng trường cực kỳ khó khăn, vất vả, nhưng rất hào hứng, đam mê qua những thước phim. Nhưng thầy không muốn bộ phim tập trung nói về Thầy ngay từ tên phim cho đến cảnh quay. Thầy muốn bộ phim ghi lại hình ảnh tất cả những người đã biến ý tưởng của Thầy thành hiện thực, một sự nghiệp. Đó chính là lòng biết ơn của Thầy đối với các cộng sự và sinh viên đã góp phần xây dựng ngôi trường không vì lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam, Thầy muốn mọi người gắn bó với ngôi trường thân yêu, cùng nhau góp sức làm cho nó ngày càng phát triển. Thầy cũng muốn giáo dục lòng biết ơn của sinh viên đối với những người đã tạo dựng nên ngôi trường này, để từ đó cố gắng học thành tài, nối tiếp làm cho trường ngày càng vững mạnh, uy tín của trường ngày càng được nâng cao. Chúng tôi nhận ra một điều: dù làm việc gì, GS Trần Phương cũng chỉ tập trung duy nhất cho sự nghiệp xây dựng và phát triển trường.

Thực hiện chỉ đạo của Thầy, rất khẩn trương, anh Tuấn viết lại đề cương chi tiết kịch bản phim. Chúng tôi viết lời bình bộ phim với tên mới: Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội – Trường của chúng ta, đồng thời thực hiện thu thập tư liệu. GS Trần Phương duyệt lần cuối và Thầy hài lòng. Thầy trực tiếp ký hợp đồng thực hiện phim với đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn vào ngày 02-03-2004. Trong hợp đồng có điều khoản rất đặc biệt thể hiện sự cẩn trọng của GS Trần Phương đối với công việc, đồng thời cũng chứng tỏ Thầy rất coi trọng ý kiến của các đồng nghiệp. Đó là điều 3. ( …) Bên A cử ông Lê Văn Toàn và ông Nguyễn Đăng Quang soát lại kịch bản chi tiết và lời thuyết minh.

Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội – Trường của chúng ta là bộ phim tư liệu đầu tiên về trường. Bộ phim ghi lại các hoạt động cùng những thành tích đầu tiên của trường trong những ngày đầu thành lập. Bộ phim lưu lại hình ảnh những người đầu tiên đã góp phần xây dựng nên ngôi trường này, nó cũng là một phác thảo chân dung Thầy Hiệu Trưởng – một con  người có ý tưởng cao đẹp. Ý tưởng đó đã trở thành tư tưởng chi phối mọi suy nghĩ hành động của Thầy: đó là một Thầy Hiệu trưởng có tầm nhìn xa, có uy tín lớn, khiêm tốn, trọng tài, có khả năng lãnh đạo tuyệt vời, đã thu hút, đoàn kết những người có tâm, có tài thực hiện ý tưởng nhân văn, coi đó là sự nghiệp chung vì tuổi trẻ, vì tương lai của dân tộc – một người hết lòng vì đất nước, nhân dân!

Sau đây là hình ảnh bức thư thầy gửi cho chúng tôi.