Ngay từ những ngày đầu thành lập trường, Giáo sư, Hiệu trưởng Trần Phương đã nói: “Chúng ta sống để làm gì nếu như không phải để giúp đỡ lẫn nhau cho cuộc sống bớt khó khăn”.
Và chúng tôi theo Ông dặm dài gần 30 năm qua…
Cảm nhận về một nhân cách
Gần 30 năm qua chúng tôi được làm việc, gần gũi một chính nhân, trí tuệ minh mẫn, học thức cao rộng, trọng lễ nghĩa, mến điều đạo đức, lấy Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín làm 5 đạo thường cho sự giáo hóa. Trên hết là tinh thần dám nghĩ, dám làm tạo nên thương hiệu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) với một tư chất và tính cách riêng. Dưới sự dẫn dắt của Ông, chúng tôi đi tìm hình một trường phi lợi nhuận trong bộn bề của đất nước và của ngành giáo dục. Đó là sự khác biệt của Giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng HUBT. Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng Ông vẫn tìm bến đỗ an toàn cho việc học đạo làm người của tuổi trẻ Việt Nam sau khi Ông rời chốn quan trường. Thật đúng như lời Descartes: “Ai làm chủ giáo dục có thể thay đổi cả bộ mặt thế giới”. Nhân cách ấy là nền tảng cho sự vinh danh Ông – Thầy của những người thầy.
Với đức quý là tiết, nghĩa, cần, kiệm, như một cá tính đồng nhất, Ông đưa chúng tôi qua nhiều mùa ươm trồng, gieo những hạt mầm nhỏ để có cây cao bóng cả dâng hiến cho một nền văn hiến Việt Nam. Có lần tôi băn khoăn về số sinh viên trượt môn tiếng Anh nhiều quá, Ông nói: “Là thầy giáo, các anh phải quan tâm đến chất lượng” và “Cái tâm chưa đủ làm nên thương hiệu một trường. Cái tôi quan tâm là sinh viên ra trường có làm được việc cho xã hội không”. Còn chuyện dạy ở hai khoa Y – Dược, trong một cuộc họp Hội đồng quản trị, Ông gợi ý: “Hãy cải biến giáo trình của Trường đại học Y Hà Nội đã có hàng thế kỷ nay theo mục tiêu của ta mà dạy, mà luyện năng lực, luyện kỹ năng nghề thông qua các bệnh án, các toa thuốc và con bệnh. Thế là học và hành”. Trên cơ sở các giáo trình và học liệu kinh doanh, kinh tế quốc tế, Ông định hướng một chiến lược giáo dục và đào tạo mang bản sắc HUBT trong xu hướng hội nhập ASEAN. Cứ khoảng ba năm một lần, Ông mở hội nghị “Diên Hồng” rà soát lại cái tinh và chưa tinh của các bộ giáo trình và tài liệu đọc thêm. Vì thế, giáo trình và tài liệu giảng dạy luôn kế thừa được kinh nghiệm tích lũy của “ta” và của “người” trong hơn 20 năm phát triển, vừa sát với nhu cầu của thị trường lao động trong xu hướng hội nhập quốc tế và hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4. 0. Dưới ánh sáng ấy, thầy trò trường HUBT xốc lại ý thức và trách nhiệm trong đào tạo, lấy thực tiễn làm thước đo giá trị chất lượng để bảo toàn cho sự phát triển bền vững.
Trường ta là “cái giếng nhỏ cho nhiều người đỡ khát”. Các thế hệ lớp trước chúng tôi đều xúc động trước lời nói chân tu của Ông trong ngày mở trường (1996) rằng: “Chúng ta sống để làm gì, nếu như không phải để giúp đỡ lẫn nhau cho cuộc sống bớt khó khăn”. Thật rõ ràng, chúng tôi đã học từ Ông lòng yêu thương từ bi, có trí tuệ trung đạo. Được hòa quyện trong một tâm hồn trong sạch, lành mạnh vững vàng, mọi cái đều tươi sáng nơi học đường của một ngôi trường với ba phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba mà Nhà nước trao tặng để lưu danh, chúng tôi trân trọng con đường mình đã chọn.
“Nồi nhỏ mau sôi” như một triết lý
Hơn 20 năm giữ vị trí Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ông đã có nhiều trải nghiệm thú vị trong nghề trồng người hơn những năm chăm lo cho dân ăn, mặc, ở trong Nội các Chính phủ. Ông là một CEO Việt Nam khá ấn tượng với bản lĩnh và tinh thần khác biệt trong chiến lược đào tạo, giáo dục, đặc biệt là tinh thần khởi nghiệp của các khóa, lớp học từ nhiều miền lều chõng về tu thân, dưỡng chí tại trường của Ông. Họ mang theo bản lĩnh lập nghiệp bằng sự kiên trì quyết tâm vượt qua những nỗi sợ, như lời răn hữu ích của Ông: “Con người không phải là một bình nước cần được đổ đầy, mà là một ngọn đèn cần được thắp sáng”, học hết chương trình đại học và học suốt đời để trở thành một công dân hữu ích. Với một tinh thần “bắt học”, không để ai thoái chí trên con đường lập nghiệp, nhiều sinh viên, học viên đã tự rèn giũa ý chí, nghị lực và vượt khó thành công. Hiểu trò, chia sẻ với trò, cảm thông với gia cảnh và năng lực của trò, nên Ông đã được các thế hệ học trò HUBT coi là người cha đỡ đầu về trí tuệ và đức độ. Tôi nhớ một lần trong buổi họp về giáo trình tự biên soạn hay mua của các cơ sở giáo dục đại học quốc tế, Ông nói: “Cái thông minh của các ông (thầy giáo) là chọn cái tinh túy của người ta mà dạy cho con em mình. Dạy họ biết đón đầu tri thức và biết áp dụng vào đời sống. Lý thuyết một, tập luyện chín” và “Cái tôn vinh người thầy trong sự nghiệp là khích lệ giúp học sinh tiến bộ trở thành người hữu ích. Thế là đức!”. Vâng, ký ức mà thầy trò chúng tôi chiêm nghiệm từ Ông qua năm tháng là chịu khó siêng năng, lập nên sự nghiệp, có sự khiêm tốn thận trọng và làm việc chu đáo.
Quả đúng như lời Bill Gates: “Tài năng là sự kiên trì lớn lao”. Hai khu học tập với nhiều khối nhà cao tầng đạt chuẩn quốc gia và quốc tế ở Vĩnh Tuy (Hà Nội) và Đền Đô (Bắc Ninh) là địa chỉ tin cậy của nhiều thế hệ người học, được tạo dựng từ những ý tưởng bùng nổ của Ông. Thời đại nào – nhân vật ấy, tư tưởng ấy, cho nên phải lấy công lý mà xét đoán “nồi nhỏ mau sôi” để mọi người trong nước đều biết về nền Giáo dục xã hội hóa gom đắp từ cái “nồi nhỏ” này – HUBT, với tinh thần nhân ái ngay từ khi mở trường là “Tất cả con em lao động đều được đến trường. Xã hội Việt Nam phải là một xã hội học tập”. Quả thật cơ hội cho mọi người: sinh viên học giỏi được giảm trừ học phí, được cấp học bổng Kawai (tài trợ của ông Kawai, người Nhật); sinh viên xuất sắc được tặng thưởng, ưu tiên học vượt lớp hay học song song hai bằng đại học. Tên tuổi của nhiều thế hệ sinh viên giỏi được vinh danh ở Sảnh đường lớn của trường. Sẽ là một thiếu sót, nếu không nhắc tới tấm lòng của Ông đối với sinh viên Lào: “Các thầy cô của trường phải chăm lo cho họ, hàng nghìn sinh viên Lào, như chăm con cái mình. Ta giúp họ là giúp chính ta”. Tinh thần cao cả đó như ánh lửa của tình hữu nghị Việt – Lào phát sáng ở HUBT. Rất đúng là người ta chỉ nhìn thấy thật rõ bằng trái tim mình của người lo trước thiên hạ.
Ý tưởng bùng nổ
Với các mô-đun dạy và học trong các khung chương trình đào tạo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ông cùng với các giảng viên đầu ngành xây dựng một phương pháp học tập, nghiên cứu học thuật cao, chuẩn quốc tế, lấy thực tiễn để soi sáng lý luận về kinh doanh, kinh tế, kế toán, ngân hàng, tài chính, quản trị doanh nghiệp và các khối y – dược… Trên hết là tầm nhìn đón đầu di dân số hóa công nghiệp 4. 0 là tin học và tiếng Anh, ưu tiên hàng đầu 72 tín chỉ tiếng Anh, với lý do tiếng Anh là tiếng quốc tế. Có tiếng Anh để dễ dàng hội nhập; trên 100 tín chỉ cho tin học với lý do kỷ nguyên này là kỷ nguyên công nghệ thông tin, IT như một hành trang khởi nghiệp của sinh viên HUBT. Sự khác biệt này đã nâng tầm năng lực và kỹ năng trong các mùa tuyển dụng ngoài xã hội. Nhiều lớp sinh viên ra trường đã làm nên cơ đồ trong các tập đoàn kinh tế – công nghiệp lớn ở ba miền đất nước; không ít người đã có chính danh ở một số trường đại học như Đại Nam, Phương Đông, Phenikaa, Hữu Nghị… Số tiến sĩ từ các khóa đầu đến nay đã trên dưới 20 người thuộc các chuyên ngành mũi nhọn của đất nước. Họ xứng tầm Tâm và Đức để làm nên tên tuổi HUBT từ đạo đức Nho giáo của thầy Trần Phương. Chính họ là sự kết nối giao lưu đào tạo quốc tế với các đại học tên tuổi qua các Chương trình Việt Nam – Hà Lan (1999-2008), Việt Nam – Đài Loan Trung Quốc (2005-2016), Việt Nam – Hoa Kỳ (2006-2008), Việt Nam – Nhật Bản (2005 đến nay), v.v… Ông đã đặt trường vào môi trường quốc tế để tự khẳng định bản lĩnh của HUBT. Chúng tôi nhớ, nhân một chuyến thăm trao đổi văn hóa giáo dục và đại học Đài Loan năm 2008, đoàn chúng tôi đã gặp hàng trăm sinh viên HUBT theo học tại các đại học ở Đài Bắc, Đài Trung và Đài Nam… nơi năm 2007, Ông và đoàn cán bộ HUBT đã có dịp lưu thăm khích lệ. Ở đâu sinh viên HUBT cũng để lại ấn tượng tốt đẹp về phẩm hạnh và trí đức trong lòng bạn bè quốc tế. Quả thật, theo Ông, chúng tôi lãnh hóa một điều là: “Giáo dục là một điều đáng khâm phục, nhưng thỉnh thoảng cũng nên nhớ rằng những gì đáng dạy là những gì không thể đem ra để dạy”.
Có thể tóm tắt triết lý giáo dục của GS Trần Phương là luôn điều chỉnh chính sách giáo dục theo những giá trị bền vững: một chương trình ổn định, bền vững; một trường gắn kết chặt chẽ với các đơn vị sản xuất; một sản phẩm (sinh viên, học viên tốt nghiệp) có chất lượng trên thương trường. Sản phẩm sau phải trở thành best-seller. Cơ hội cho tất cả mọi người và trách nhiệm công dân HUBT là phải có: Thái độ tích cực – Kiến thức – Kỹ năng diễn giải và liên kết – Kỹ năng khám phá và tương tác – Nhận thức. Quy chuẩn đó làm nên bản sắc HUBT. Chúng tôi nhớ một lời răn bảo của Ông trong buổi giao lưu với sinh viên tốt nghiệp: “Trẻ mà kém cỏi thì già không ích lợi nhiều” và “Nếu trong gia đình có nhiều người già (thầy, cô giáo già) thì gia đình đó có vật quý”. Lịch sử của trường gắn liền với tên tuổi của Ông.
Chính Ông là người có ý tưởng táo bạo tác tạo nên một kiểu Harvard HUBT trong kỷ nguyên số hóa ở Việt Nam, với hơn nghìn thầy cô giáo tận tâm, tận lực, trí tuệ, năng lực, tinh thần và niềm tin đi cùng trên ba vạn sinh viên có ba tuổi xuân – tuổi xuân sức trẻ, tuổi xuân sáng tạo và tuổi xuân kiên định hoàn thành sứ mạng nâng HUBT ngang tầm với các đại học trong khu vực. Nhìn vào hệ thống chương trình đào tạo đồ sộ của 27 chuyên ngành hiện hữu đạt chuẩn kiểm định và các công trình khoa học giáo dục – đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và đang hiện thực hóa ở các khoa chuyên ngành đủ thấy sức mạnh trí tuệ và tinh thần học thuật – hàn lâm của thầy trò HUBT trong 28 năm qua (từ 1996 đến nay). Có thể cắt nghĩa căn nguyên là tất cả họ đều biết đánh thức con người phi thường trong chính họ, đã làm nên sự vĩ đại cho hạnh phúc chính mình từ những trái đắng của những năm tháng đèn sách. Quả đúng như lời một học giả: “Giáo dục là cái rễ đắng cay, nhưng lại được những quả ngọt ngào”.
Chúng tôi, các thế hệ thầy trò của HUBT đều không quên lời trầm ấm và nhẹ nhàng của Ông qua các buổi tiếp xúc rằng: “Tôi không thể dạy cho các thầy cô và các em bất cứ điều gì, tôi chỉ có thể bắt các bạn và các em suy nghĩ” và cả những lúc trường gặp bước chông chênh, Ông ôn tồn nhắn nhủ: “Khó khăn mấy, tâm hồn ta lại được tiếp thêm sức mạnh để tồn tại”. Và “Một vật thể đẹp – trí tuệ và nhân cách học trò mới là một nguồn vui vĩnh cửu”. Quả là một tấm lòng cao cả ẩn giấu dưới vóc dáng nhỏ bé và đôi mắt tinh anh của một Nho phong giản dị – Thầy Trần Phương. Và chúng tôi đi theo ánh lửa đó.
Cảm nhận về một mô hình giáo dục mới
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội của GS Hiệu trưởng Trần Phương có nét văn hóa giáo dục và đào tạo riêng, đó là Tự do, Dân chủ, Cảm hứng và Sáng tạo. Tôn trọng giá trị cá nhân con người là phẩm chất của một nhà quản lý giáo dục ở một trường tư thục bậc cao. Cái lý của Giáo sư là tôn trọng tự do sáng tạo của mỗi cá thể để làm nên những việc có ích trong dòng chảy văn hóa giáo dục và môi trường thân thiện, để cùng phát triển lành mạnh, tức là không dùng ảnh hưởng cá nhân mà lấn át, mà vô hiệu, mà tước bỏ giá trị con người. Cái lý của Giáo sư là tôn trọng cuộc đời và giá trị con người của chính mình và của người khác; tôn trọng sự trong sạch của đời sống tinh thần, tình cảm, lòng say mê lao động, vì một lợi ích hay lam hay làm và biết nhạnh nhặt những ý tưởng làm nên một học hiệu – Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ba thập kỷ qua là một minh chứng về tự do, dân chủ, cảm hứng và sáng tạo để phát triển bền vững và sức sống năng động, đa dạng về trí tuệ và kỹ năng nghề ở từng đơn vị của trường. Mỗi đơn vị đều có một sức khỏe tinh thần và sức mạnh trí tuệ để dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của trường nói riêng và của xã hội nói chung. Đó là một hình thái của nền giáo dục khai phóng, là bản sắc của một trường dân lập.
Một không gian tinh thần như vậy đã tạo nên sự khảng khái yên bình trong mỗi việc làm của người quản lý, trợ lý khoa, giảng viên, nhân viên và sinh viên trong các hoạt động giáo dục và đào tạo. Với một đời sống tinh thần cùng những lợi ích từ lao động của mỗi người đều được bù đắp vật chất công bằng. Ai cũng thấy thoải mái trong môi trường văn hóa của mình, nhưng có điều chỉnh để hòa chung vào dòng chảy của những vùng miền văn hóa cá nhân khác biệt và nền văn hóa giao thoa tiếp biến ở ngôi trường đại học dân lập này.
Bất kể ai, ở đâu, giữ cương vị nào, những thầy cô giáo thật sự tâm huyết, những nhân viên cần mẫn, thầm lặng lao động vì lợi ích xã hội nhỏ hẹp HUBT này đều được tôn trọng và thưởng phạt công minh. Các thế hệ quản lý, các thế hệ giảng viên, các thế hệ người lao động và sinh viên đều ý thức được giáo lý căn bản của Giáo sư: “Đừng làm mòn giá trị của bản thân, bởi việc so sánh với người khác, bởi mỗi người trong chúng ta đều là những người đặc biệt ở ngôi trường này”. Đấy là hệ giá trị cốt lõi của trường mà Giáo sư mong muốn.
Nghĩ sâu, tôi càng thấy Ông đích thực là con người mà Plato nói tới: “Suy nghĩ thực tế, cảm nhận những điều đẹp đẽ, mong muốn cái tốt lành. Đó chính là mục đích sống của người lương thiện”. Tôi nhận ra là, nếu ai cũng biết giá trị này, thì những giá trị nhân sinh, xử thế của con người sẽ được tôn vinh, làm nền tảng văn hóa có sức sống bền vững và phát triển tự nhiên từ triết lý sống có hành động bản năng tự giác trên một hệ giá trị phổ quát tự do, dân chủ, cảm hứng và sáng tạo để phát triển lành mạnh trên tinh thần lá dưới đỡ lá trên để nhành cây tỏa bóng, mang lại một môi trường xanh, sạch, đẹp từ mỗi nhân cách. Giáo sư đã và đang tạo nên một môi trường như thế để những cánh buồm no gió ra khơi. Quá nửa đời làm nghề bảo học, giờ tôi mới có dịp tri nhận nhân cách đức độ của một Giáo sư như Ông. Xúc cảm đó mà tôi mong muốn được viết nhiều về Ông – Chu Văn An của “xã hội HUBT”.
Với cấu trúc đào tạo vốn ổn định về giáo dục đại cương, kiến thức chuyên ngành và chuyên sâu, lý thuyết liên ngành, môn học chuyên biệt và ứng dụng thực tiễn của 27 chuyên ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính, công nghệ thông tin, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Hàn gần ba thập kỷ qua với nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp (trên một trăm nghìn) đồng hành thăng tiến theo triết lý của Giáo sư. Đây là nền tảng nhân văn nhân cách từ mỗi cá nhân góp tạo nên sự phát triển về chất lượng và về lượng, về hành động tích cực vì một lẽ sống của giáo dục Việt Nam, điều mà Giáo sư đã hằng chờ đợi từ khi mở trường.
Với mỗi cấu trúc chuyên ngành, các khoa tự thân vận động theo một chu trình pháp quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo đại học mà khai mở “nền giáo dục” của riêng mình trên nền tảng chất lượng sản phẩm cao (chuyên môn sâu – năng lực phát triển – kỹ năng nhuần nhuyễn – giao tiếp thông minh,…) chào hàng, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội; trước hết phải hoàn thành mục tiêu (sứ mệnh, tầm nhìn và triết lý giáo dục) của trường tư thục. Kết quả là sinh viên tốt nghiệp đều có công việc trong ngành nghề mà mình được đào tạo. Khúc khải hoàn ca đó đã làm nên một thương hiệu “Made in HUBT”. Được như thế là ngay từ buổi mở trường (1996), Ông đã coi trọng giáo dục học vấn và đạo đức công dân: “Học vấn là tài sản không bao giờ khô cạn và thiêng liêng nhất trong chúng ta” và “Không có đạo đức công dân là người vô dụng”. Ngọn lửa giáo dục thông tuệ của Giáo sư đã thắp sáng từng cung đường hành trình, thầy trò HUBT đã xây dựng nên giá trị cốt lõi trung thực, niềm tin, ý chí và trách nhiệm trên nền tảng của tự do, dân chủ, cảm hứng và sáng tạo để từng bước phát triển vững bền về cung cách học làm người, dạy làm người, cùng chung sống, cùng làm việc và cùng hợp tác vì lợi ích xã hội. Thời gian đã cho thầy trò chúng tôi hiểu và nhận ra giá trị của chính bản thân mình và triết lý giáo hóa của Giáo sư.
Quả thật, tự do, dân chủ, cảm hứng và sáng tạo của một đơn vị, nhiều đơn vị trong trường đã được nhào nặn và tác tạo nên từ giáo lý của Giáo sư. Nó có sức lan tỏa và tích tụ qua những kinh nghiệm quý, những trải nghiệm giá trị từ mỗi cá nhân và đơn vị mà làm nên thương hiệu của trường mang tâm hồn trong sáng, tươi mát trong học thuật giáo dục của Giáo sư. Chính những giá trị phổ quát về kỹ năng nhận thức: khả năng phê phán, phân tích, khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề, nhận thức hiệu quả; kỹ năng đương đầu với cảm xúc, như ý thức trách nhiệm, khả năng kiềm chế căng thẳng, kiểm soát được cảm xúc, tự điều chỉnh, tự quản lý, năng lực quản lý và kỹ năng xã hội, như năng lực nói rõ chính kiến, kỹ năng hợp tác, cảm thông, chia sẻ, quản lý cá nhân và quản lý thời gian, làm việc theo nhóm,… là một phương thức căn bản có sức lan tỏa mạnh,… làm nền tảng vững chắc để Thủ tướng Chính phủ vinh danh, phong tặng cho Trường ba huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất (1996-2015).
Tôi cũng nhận ra sự trưởng thành ở mỗi khoa, mỗi đơn vị học đường này từ nền tảng cảm hứng và năng lực tưởng tượng cá nhân được đặt đúng người, đúng việc, đúng chỗ, không thừa ai, bỏ sót ai của Giáo sư. Có thể nói, đó là căn nguyên làm nên phẩm chất: trung tín, chân thực, niềm tin và thượng tôn pháp luật, để cùng làm việc vì sự nghiệp giáo dục, xây dựng nên những khung chương trình theo chuẩn quốc gia và quốc tế ở HUBT. Có một sức sống ẩn tiềm trong mỗi con người và ở mỗi khoa, đó là sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sức khỏe trí tuệ trên nền tảng mô hình giáo dục khai phóng của Giáo sư. Điều đó lý giải một thực tế là việc giảng dạy ở các khoa có sức cuốn hút sinh viên đến kỳ lạ. Xin cứ nhìn vào giảng đường và các lớp học thường nhật sẽ nhận thấy một không khí học thuật tĩnh lặng mà vận hành năng động hiệu quả qua từng tiết học, qua từng môn học và qua từng chuyên sâu. Cứ nhìn vào những buổi mai đẹp trời hay mưa giông gió táp, từng dòng, từng dòng người náo nức đổ về học đường HUBT đủ thấy cái tinh thần ham học hỏi, dưỡng trí tu thân của sinh viên. Vâng, đó là mô hình giáo dục Tự do – Dân chủ – Cảm hứng – Sáng tạo của Giáo sư.
Mỗi chương trình chuyên ngành (khoảng 150 môn học), mỗi hoạt động hỗ trợ cho các chuyên đề, hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, giao lưu và các hoạt động xã hội tình nguyện, tình thương vì người nghèo, hiến máu nhân đạo, “Sách cho tuổi thơ”, “Áo quần cho đồng bào vùng cao”, “Tiếng hát sinh viên HUBT”, hay các cuộc thi Olympic Tin học, tiếng Anh và Robot công nghiệp do Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên tổ chức suốt gần ba thập kỷ qua là sắc mầu lung linh của cảm xúc, những tâm hồn cao đẹp đã tự nguyện quy tụ nơi đây để làm nên một vườn ươm tài năng Việt Nam. Chỗ nào cũng có bóng dáng của một vị Giáo sư tâm hiền trí sáng. Một sư biểu như thế là địa chỉ tin cậy cho hàng vạn sinh viên cả nước hướng về vì lòng tin cậy. Sự bền vững và liên tục phát triển của một trường, căn nguyên ở đó.
Với mô hình giáo dục khai mở như thế đã đưa con thuyền HUBT đi nhiều bến bờ quốc tế. Bến đỗ đầu tiên của sinh viên các khóa 1, 2, 3, 4 và 5 là Đại học Saxion De Venteur Hà Lan, rồi Anh Quốc, Hoa Kỳ, rồi Đài Loan, Nhật Bản, tiếp là Trung Quốc và Hàn Quốc,… Nhiều sinh viên tốt nghiệp về nước, đảm nhiệm trọng trách trong nền kinh tế Việt Nam. Cá biệt có sinh viên đã trở thành CEO của tập đoàn kinh tế lớn như Kangaroo, Capitol Land, Sun Group, Hoàng Huy Group, v.v… Thật đúng như Voltaire đã nói: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”.
Riêng cá nhân tôi, gần ba thập kỷ qua, tôi được Giáo sư trao nhiệm vụ đào tạo nhiều lớp sinh viên cử nhân tiếng Anh văn bằng 1 và văn bằng 2 theo tinh thần trên. Khoa Tiếng Anh cử nhân do tôi phụ trách trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều thế hệ sinh viên (từ 1996). Có trên 1.000 sinh viên đã tốt nghiệp và lãnh đảm trọng trách ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty xuât nhập khẩu, các học viện nghiên cứu, phiên biên dịch tại các dự án quốc gia. Giáo sư Hiệu trưởng tin tôi ở lòng trung thực và chân thành, Ông đã bút phê thẳng tắp: “Anh thay mặt trường ký hợp đồng liên kết đào tạo với đối tác”. Ông, như tôi suy nghĩ, quả thật là một nhà văn hóa lớn. Bởi lẽ, văn hóa của một con người là tấm gương phản chiếu những hiểu biết, những niềm tin nơi con người.
Nhờ ân huệ này mà tôi lớn lên rất nhiều về mọi mặt, như năng lực tư duy phản biện, tư duy giải quyết vấn đề và đưa ra những quyết định kịp thời trong suốt thời gian làm việc bên Ông. Nhờ ân huệ này mà năng lực cảm xúc của tôi luôn được dung dưỡng để đi tới vùng miền sáng tạo trong giảng dạy và đào tạo, góp tạo nên cái giếng nhỏ cho mọi người đỡ khát, cái ruộng vườn hoa trái lúa ngô để mọi người đỡ đói về tri thức, i-tờ về tiếng Anh và văn hóa Anh – Mỹ. Bởi những lẽ đó, tôi có nhiều dự án giáo dục và đào tạo, như “Chương trình học và thi lại tiếng Anh năm 2005-2007”, “Chương trình giao lưu văn hóa – giáo dục với sinh viên quốc tế (Anh – Mỹ – Úc) của GAP”, “Chương trình học song song hai bằng tiếng Anh”, “Chương trình Đại học Cử nhân tiếng Anh liên kết với các tổ chức giáo dục ngoài trường”, v.v…, góp phần gia tăng ngân sách của trường hàng năm. Cám ơn Giáo sư đã kèm cặp, giúp đỡ, bảo ban để tôi luôn có sức mạnh tinh thần, sức mạnh trí tuệ và lòng say mê, đam mê với sự nghiệp “trồng người” mà Giáo sư là hiện thân của những bậc hiền sư trân quý.
Chính Giáo sư đã mang lại cho cá nhân tôi, với tư cách là một Chủ nhiệm khoa, và cho rất nhiều vị Chủ nhiệm khoa khác nữa, một thế giới tưởng tượng tràn ngập, một năng lực sáng tạo không mệt mỏi để tạo ra những giá trị cho người học, qua đó mỗi cá nhân gia tăng sự sáng tạo học tập, nghiên cứu, tầm nhìn và hành động tích cực, tự nguyện lao động để biết yêu và quý trọng chính mình, yêu mến cuộc sống và đất nước mình đang sống, môi trường mình đang sống và học tập trên nền tảng của những giá trị Tự do, Dân chủ, Cảm hứng và Sáng tạo mà Giáo sư dày công vun đắp.
Tinh thần không ngừng bước tới
Từ các tòa nhà khang trang của hai khu học đường trên, tĩnh tâm nhìn lại từng bước đi dọc dài HUBT 28 năm qua, lòng chúng tôi lâng lâng niềm xúc cảm rằng Ông là người đốt lửa yêu thương trong nắng sáng của những ngày hội vui. Một trường phi lợi nhuận như mong muốn của Ông khiến nhiều vị cấp cao nhà nước phấn khích và căn dặn việc cần nhân rộng mô hình giáo dục này. Quả là một nghệ thuật. Nghệ thuật là cái gì cao cả, là cái gì đó vút lên từ ngọn nguồn ẩn chìm trong tâm hồn Nho giáo của Ông. Ông nào tiên đoán được sau gần 30 năm, cái khuôn mẫu Hợp tác xã của trí thức về hưu với vài trăm triệu đồng mà Ông tác tạo nên (1996) lại lớn bổng, uy lực trong ngành giáo dục – đào tạo không chỉ về tài sản cố định (trên 1.000 tỷ đồng) mà còn về giá trị hàn lâm học thuật trong việc trường dưỡng con người trong cuộc di dân số hóa quốc gia.
Nói về Ông là ghi nhận những đóng góp vô cùng to lớn của Ông – người tôn tạo chân dung HUBT hôm nay. Ý nghĩa sâu nặng hơn cả là hơn một nghìn thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên, người lao động ai cũng cơm ngon canh ngọt, hoa trái hai bữa, còn trên ba vạn học trò mỗi ngày đến trường là một ngày vui, được dưỡng trí, tu thân để mai sau phụng sự đất nước.
Thật đúng trong hạnh phúc của người khác, chúng tôi tìm thấy hạnh phúc của mình. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Giọt sức, giọt công mà Ông thả xuống mảnh đất gần 30 năm qua thật không phí uổng; bởi lẽ, cho dù trong điều kiện nào, trong cảnh ngộ nào tất cả chúng tôi đều tâm nguyện lưu giữ miền đất phù sa mà Ông đã dày công bồi đắp để mùa sau lớn hơn mùa trước. Bất giác, trong sâu thẳm lòng mình, chúng tôi nhớ lại một danh ngôn Trung Quốc: “Ai mà không muốn nhận lời khuyên bảo của người già thì có ngày sẽ là kẻ ăn xin”.
Chúng tôi tràn đầy tinh thần không ngừng bước tới để nhìn vào chính mình ở tương lai với lời căn dặn của Ông: “Trẻ ta học, già ta thấu hiểu”.
Lời kết cho một bài viết
Bằng cách nhìn vào thần tượng, người ta có thể nhận biết trí tuệ của sự khác biệt ở người có trí thức thông tuệ. Ông là sự kết hợp bình đẳng toàn diện và thảo thơm mọi người. Vâng, chúng tôi có Một Người Thầy như thế – Thầy Trần Phương.
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. 30 năm với HUBT là gần một phần ba cuộc đời sống có ý nghĩa – hạnh phúc cho mình và hạnh phúc cho người. Đó là Ký ức Vui vẻ về Thầy Trần Phương và một HUBT trong lòng để hướng tới một chân trời cao rộng hơn.
Hà Nội, năm 2021-2023