Xung quanh vấn đề Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cấp phép cho tuyển sinh hai ngành Y đa khoa và Dược đại học, Đại biểu Quốc hội của tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên Phó chủ tịch UBND phụ trách văn – xã tỉnh Trà Vinh, đã trao đổi với Đất Việt. Sau đây là những ý kiến của bà Nguyễn Thị Khá.
Nếu trường đủ điều kiện có thể cấp phép
“Chúng ta không nên quá khắt khe với các trường ngoài công lập. Việc các trường này có nguyện vọng mở thêm ngành, nghề đào tạo phục vụ nhu cầu của xã hội là chính đáng. Đặc biệt với khối ngành Y, Dược, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế có trách nhiệm chính trong việc thẩm định, xem xét các đề xuất. Nếu trường nào có đủ điều kiện, đáp ứng được những quy định đặt ra thì có thể cân nhắc, rồi cấp phép cho các trường tuyển sinh”.
Theo bà Khá, trên thế giới đã có nhiều trường ngoài công lập đào tạo các ngành liên quan đến Y, Dược thành công và khẳng định được thương hiệu. Chính vì thế, Việt Nam cũng nên có cái nhìn tích cực và lạc quan hơn về việc đào tạo này. Bà Khá dẫn chứng: “Ngay cạnh chúng ta là Malaysia. Theo tôi được biết, thì họ có trường ngoài công lập cũng đào tạo ngành Y đa khoa, nhưng sinh viên đóng học phí cao hơn, có giảng viên giỏi và có mô hình liên kết với Australia. Singapore cũng triển khai những mô hình đào tạo Y khoa tư nhân rất mạnh và được nhiều sinh viên lựa chọn. Thành công từ những nước này là kinh nghiệm để Việt Nam nghiên cứu và có những quyết định hợp lý”.
Nữ Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, vì Y, Dược là ngành đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người, nên cơ quan nhà nước phải xem xét một cách nghiêm túc, không được phép hạ tiêu chí để ồ ạt mở trường và các trường mở những ngành này. Bà Khá nhấn mạnh: “Chúng ta phải xác định mục tiêu chính của đào tạo Y, Dược là tạo ra những bác sĩ tốt phục vụ công tác khám chữa bệnh của người dân. Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước phải đánh giá hết sức khách quan, không để tình trạng nể nang hoặc chạy chọt tác động đến việc mở ngành, mở lớp ở các trường”.
Siết chặt đầu ra bằng hội đồng thi quốc gia chung
Đánh giá, xem xét một cách tổng thể, nữ Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh thừa nhận một thực tế là có sự chênh lệch khá lớn giữa điểm đầu vào ở các trường công lập và các trường ngoài công lập đào tạo về Y, Dược. Bà Khá giải thích: “Học sinh phải đạt 27-28 điểm mới đỗ vào các trường công có uy tín lâu năm, trong khi ở những trường dân lập thì chỉ dừng lại ở mức 20 điểm, thậm chí có những ngành chỉ ở mức 13-15 điểm. Chắc chắn là các trường ngoài công lập mới tuyển sinh không thể thu hút được sinh viên có chất lượng cao theo học. Vì thế mới có sự chênh lệch khá rõ ràng”. Theo bà, thay vì cứng nhắc phân tích xem đầu vào thấp có đào tạo ra được các bác sĩ đạt chất lượng hay không, thì nên siết chặt đầu ra. “Các nước phương Tây họ cũng không quá quan trọng điểm đầu vào như thế nào, nhưng để có thể ra trường, làm nghề, thì sinh viên phải trải qua một kỳ thi chung rất nghiêm túc và khó. Bà Khá nêu quan điểm: “Theo tôi, chúng ta cũng nên học hỏi kinh nghiệm để áp dụng, tức là tổ chức một hội đồng thi quốc gia chung. Sinh viên trường dân lập cũng bình đẳng như trường công lập, nếu vượt qua được kỳ sát hạch và đạt yêu cầu, thì có thể trở thành bác sĩ. Còn ngược lại, thì sẽ phải đào tạo lại, chờ khi nào đạt chuẩn, thì mới được cấp chứng nhận”.
Đại diện của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng việc quản lý chặt chẽ đầu ra sẽ khiến các trường phải đào tạo một cách nghiêm túc, tránh tình trạng xin – cho tiêu cực và là thước đo để đánh giá chất lượng đào tạo Y, Dược tại các cơ sở ngoài công lập. Bà Khá khẳng định: “Việc các trường dân lập khẳng định có thể đào tạo được đội ngũ cán bộ, bác sĩ tốt từ đầu vào sinh viên ở mức vừa phải, chúng ta không có cơ sở thực tế nào để đánh giá cả. Dựa vào kết quả kỳ thi sát hạch, cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm chứng một cách khách quan quá trình dạy và học tại trường đó. Nếu sinh viên đỗ đạt theo tiêu chí cao, thì chứng tỏ cơ sở đó đào tạo tốt. Còn ngược lại, chúng ta phải xem xét, đánh giá lại việc cấp phép đào tạo. Một khi đã xin phép mở ngành nghề liên quan đến Y, Dược, thì các trường ngoài công lập phải chấp nhận yêu cầu này”./.