Về vai trò của hiệp hội các trường đại học, cao đẳng

Ý tưởng thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng, bao gồm cả các trường công lập và các trường ngoài công lập, đã xuất hiện cách đây nhiều năm. Nhưng phải đến hôm nay, ý tưởng đó mới thành hiện thực. Thực tiễn nhiều năm qua chứng minh rằng nếu thiếu vắng một Hiệp hội như vậy thì nền giáo dục đại học của nước ta và bản thân mỗi trường đại học và cao đẳng đều phải chịu không ít thiệt thòi.

Hiệp hội có thể và phải đóng vai trò như thế nào?

Theo tôi, ít nhất có hai vai trò quan trọng: Một là, vai trò đối với chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục đại học nước nhà; và hai là, vai trò đối với bản thân mỗi trường đại học và cao đẳng.

Trước tiên, xin nói về vai trò thứ nhất.

Từ năm 1986 trở về trước, nước ta thực thi cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Mỗi năm, các cơ quan, doanh nghiệp cần bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng, về ngành nghề gì, bố trí vào các vị trí nào, đều được Kế hoạch Nhà nước dự liệu. Các trường đại học và cao đẳng cứ theo Kế hoạch Nhà nước mà nhận chỉ tiêu đào tạo; sinh viên ra trường cứ theo Kế hoạch Nhà nước mà nhận vị trí công tác.

Kể từ sau Đại hội VI của Đảng năm 1986, chúng ta từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, chuyển dần sang cơ chế thị trường. Trong bối cảnh đó, giáo dục đại học chịu tác động của ba lực lượng: nguồn cung, lực cầu và khuynh hướng chọn nghề của sinh viên.

450 trường đại học và cao đẳng là nguồn cung lao động trình độ đại học. Mỗi trường đều căn cứ vào năng lực đào tạo của mình mà quyết định đào tạo nghề gì, bao nhiêu. Khi quyết định đào tạo nghề gì, họ chỉ biết nghề ấy đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhưng không thể biết nhu cầu ấy cụ thể là bao nhiêu. Chỉ khi sản phẩm đào tạo được đưa ra thị trường lao động mới biết là cung và cầu có ăn khớp với nhau hay không.

Nhu cầu của thị trường lao động là do các cơ quan, doanh nghiệp quyết định. Mỗi năm, họ cần bao nhiêu nhân lực có trình độ đại học, về nghề gì, chỉ khi tìm kiếm trên thị trường lao động mới biết được nghề gì đủ đáp ứng, nghề gì thiếu hụt hoặc dư thừa.

Trong khi nguồn cung và lực cầu không dễ gì khớp nối với nhau, thì còn một lực lượng thứ ba xen vào, đó là khuynh hướng chọn nghề của sinh viên. Mỗi năm có hơn 1 triệu thanh niên tốt nghiệp trung học phổ thông, trên 80% số đó thi tuyển vào các trường đại học và cao đẳng. Phần lớn sinh viên chọn những ngành nghề “nhàn hạ” để học, rất ít sinh viên chọn những ngành nghề phải xuống xí nghiệp, ra công trường. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đều muốn tìm việc ở các đô thị lớn. Vì vậy mà có hàng vạn sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm hoặc chưa kiếm được việc làm. Trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vừa rồi, có đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về trách nhiệm của Bộ trưởng trước tình trạng đó. Theo tôi, vị đại biểu này đã đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ trưởng không đúng chỗ. Không một Bộ trưởng nào có thể chịu trách nhiệm về khuynh hướng chọn nghề và chọn nơi làm việc của hàng vạn sinh viên.

Tác động nhiều chiều của ba lực lượng nêu trên đã khiến cho quy mô và cơ cấu của nền giáo dục đại học nước ta mang nặng tính tự phát, nghề thì thừa, nghề thì thiếu, mà không một quyền lực hành chính nào có thể điều chỉnh được. Qua 20 năm phát triển nền giáo dục đại học, ngày nay nhìn lại, chúng ta mới giật mình nhận ra tình trạng đó. Có giải pháp nào cho tình trạng đó không?

Đã chấp nhận cơ chế thị trường thì không thể nào loại bỏ hoàn toàn sự không ăn khớp giữa cung và cầu. Nhưng chúng ta có thể giảm nhẹ sự không ăn khớp đó, chủ yếu bằng cách tác động vào nguồn cung, làm cho cung khớp với cầu ngày càng mật thiết hơn.

Để đảm bảo cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động xã hội, Bộ Lao động kết hợp với Tổng cục Thống kê cần công bố cập nhật (hàng năm và 6 tháng) nhu cầu lao động về từng ngành nghề, chỉ rõ các ngành nghề nào đang thiếu, các ngành nghề nào đang thừa, để các trường đại học và cao đẳng căn cứ vào đó mà điều chỉnh quy mô đào tạo của mình, để sinh viên căn cứ vào đó mà điều chỉnh khuynh hướng lựa chọn ngành nghề của mình.

Trong việc định hướng nền giáo dục đại học, Hiệp hội có vai trò rất lớn.

Nếu nguồn cung về ngành nghề này đang thừa thì các thành viên Hiệp hội có thể thỏa thuận với nhau điều chỉnh giảm xuống. Các nước OPEC có thể thỏa thuận với nhau về quota sản xuất dầu lửa nhằm giữ giá dầu lửa thì lý gì các trường đại học và cao đẳng lại không thể thỏa thuận với nhau về điều chỉnh quy mô đào tạo một số ngành?

Nếu nguồn cung về nhiều ngành kỹ thuật – công nghệ còn bất cập thì Hiệp hội có thể khuyến khích các thành viên giàu tiềm năng của mình đứng ra lấp các khoảng trống đó.

Nếu các trường đại học, cao đẳng hoạt động trong phạm vi tỉnh mà thiếu sinh viên thì Hiệp hội có thể yêu cầu các trường đại học lớn ngừng chiêu sinh Trung cấp chuyên nghiệp hoặc thu hẹp chiêu sinh một số ngành nghề, nhường địa bàn hoạt động cho các trường kia.

Các thành viên Hiệp hội, với kinh nghiệm thực tiễn của mình, có thể đóng góp nhiều ý kiến bổ ích đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm cho các quy định của Bộ sát hợp hơn với đời sống.

Các thành viên Hiệp hội, với kinh nghiệm thực tiễn của mình, cũng có thể đề xuất với Chính phủ một số chính sách, chẳng hạn chính sách nhằm thu hút nhiều sinh viên hơn nữa vào các ngành kỹ thuật – công nghệ, chính sách khuyến khích hơn nữa đối với con em các dân tộc thiểu số, v.v…

Ngoài các đóng góp cụ thể nêu trên, sự đóng góp của Hiệp hội cần hướng vào một nhiệm vụ bao quát hơn, đó là Chiến lược phát triển nền giáo dục đại học của nước ta.

Nhìn vào bất cứ tiêu chí nào đều phải thừa nhận rằng nền giáo dục đại học của nước ta còn rất non yếu, nguồn nhân lực trình độ đại học còn rất mỏng so với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Số trường đại học, cao đẳng tuy đã đạt con số 450, nhưng phần lớn còn quá nhỏ. Tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân so với bất cứ nước nào trong vùng đều còn thấp, thua xa. Nhìn vào kinh nghiệm Đài Loan, Hàn Quốc, phải nhiều thập kỷ nữa phát triển giáo dục đại học, chúng ta mới cung cấp đủ nhân lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vượt khỏi “bẫy thu nhập trung bình thấp”. Căn cứ vào nhiệm vụ đó, cần tiếp tục phát triển giáo dục đại học theo hướng “đại chúng hóa”, từng bước nâng cao tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân, đặc biệt phát triển mạnh hơn nữa các ngành đào tạo về kỹ thuật – công nghệ.

Chất lượng đào tạo của phần lớn các trường đều còn thấp. Trước thực trạng đó, đã có quan điểm cho rằng cần hạn chế số lượng để nâng cao chất lượng. Đây là một vấn đề cần phải bàn cho rõ nhẽ. Số lượng và chất lượng là 2 khái niệm có quan hệ biện chứng. Nếu không đạt số lượng đến một mức độ nhất định thì cũng không thể có chất lượng. Một trường đại học chỉ có một vài ngàn sinh viên, do đó chỉ có mấy chục giảng viên thì nguồn lực đâu để nâng cao chất lượng đào tạo? Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, những yếu tố này không dễ gì tạo ra trong một sớm một chiều. Với kinh phí đào tạo mỗi năm chỉ 500-700 USD cho một đầu sinh viên thì lấy đâu ra thầy cô giáo và phương tiện để đạt chất lượng đào tạo cao như Mỹ và châu Âu? Tuy nhiên, cũng không nên đánh giá quá thấp chất lượng đào tạo của giáo dục đại học nước ta. Chất lượng đào tạo cao hay thấp phải nhìn vào mức độ đáp ứng được nhiệm vụ. Với những thành tựu kinh tế những năm vừa qua, ai dám phủ nhận công lao của các kỹ sư, cử nhân do các trường đại học, cao đẳng nước ta đào tạo ra? Họ thua kém gì những kỹ sư, cử nhân được đào tạo từ nước ngoài?

Để phát triển giáo dục đại học trong điều kiện tài chính Nhà nước có hạn, phải mạnh dạn xã hội hóa hơn nữa. Xã hội hóa không chỉ có nghĩa là khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập, mà phải xã hội hóa ngay cả các trường công lập. Phụ huynh sinh viên, dù là sinh viên các trường ngoài công lập hay sinh viên các trường công lập, đều phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí đào tạo con em họ. Mọi công dân đều có nghĩa vụ đóng thuế như nhau, vì vậy, con em họ đều phải có cơ hội được đào tạo như nhau. Công bằng xã hội là ở chỗ đó. Nhà nước phải sớm xóa bỏ bao cấp đối với sinh viên các trường công lập, tạo ra sự bình đẳng giữa các trường công lập và các trường ngoài công lập. Chỉ những ngành nghề đặc biệt quan trọng đối với lợi ích quốc gia mới được ngân sách Nhà nước ưu đãi. Đối với sinh viên nghèo, Nhà nước có quỹ cho vay để đóng học phí.

Nước Nhật giàu có là thế mà 80-85% sinh viên của họ được đào tạo tại các trường ngoài công lập, nước ta nên lấy đó làm gương.

Trường đại học, cao đẳng là nơi hội tụ nhiều nhà khoa học, nhiều nhà trí thức trình độ cao, lâu nay hoạt động riêng rẽ thì tiềm năng chưa được phát huy đầy đủ, nay tập hợp lại trong một Hiệp hội thì sẽ có nhiều điều kiện trao đổi, sàng lọc, đi tới những giải pháp hữu hiệu về chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển nền giáo dục đại học nước nhà.

Về vai trò thứ hai của Hiệp hội

Lâu nay, các trường đại học, cao đẳng đều hoạt động riêng rẽ, mỗi trường đều tự lo cho mình mọi việc, mọi khâu, từ thiết kế chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình cho các môn học, cải tiến phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng giảng viên, đến soạn thảo đề thi, kiểm tra. Trong các việc đó, có nhiều việc giống hệt nhau giữa các trường, ví dụ như: giáo trình dạy về tin học, về ngoại ngữ, các đề thi về ngoại ngữ, v.v… Tại sao các trường lại không thể sử dụng sản phẩm của nhau để đỡ lãng phí công sức và kinh phí?

Trường tôi đã cung cấp giáo trình Tin học cho nhiều trường bạn mà không đòi hỏi chia sẻ về kinh phí biên soạn.

Trường tôi cũng đã sử dụng ngân hàng đề thi Tiếng Anh của một trường bạn, với điều kiện hoàn lại một phần kinh phí biên soạn cho trường bạn. Như vậy, để tránh làm lại một công việc giống hệt như vậy.

Nhiều trường đại học ở Mỹ đã công bố “nguồn học liệu mở” dành cho bất cứ trường nào trên thế giới có nhu cầu sử dụng. Tại sao chúng ta lại không làm như vậy để đỡ lãng phí sức lực? Trước khi quyết định sử dụng chung một giáo trình, một học liệu, Hiệp hội có thể triệu tập những giáo sư có kinh nghiệm nhất về môn học đó để góp ý bổ sung, sửa chữa, hoàn chỉnh.

Việc thẩm định Chương trình đào tạo của những trường mới mở, lâu nay do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm, nay cũng nên giao cho Hiệp hội đảm nhiệm. Hiệp hội không giao cho một trường thẩm định, mà giao cho một nhóm trường có kinh nghiệm đào tạo về ngành học đó thẩm định. Như vậy, chất lượng thẩm định sẽ cao hơn.

Về kiểm định chất lượng đào tạo trường đại học, cao đẳng, lâu nay do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm, nay cũng nên giao cho Hiệp hội đảm nhiệm. Hiệp hội sẽ giao cho từng nhóm trường có cùng ngành nghề kiểm định. Như vậy, chất lượng kiểm định sẽ tin cậy hơn.

Về mô hình trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, hiện tồn tại nhiều vấn đề gay cấn. Hiệp hội có trách nhiệm tổng kết, đưa ra những mô hình bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững của các trường ngoài công lập.

Có một số chính sách đối với các trường ngoài công lập cần đề nghị Chính phủ điều chỉnh cho sát hợp.

Ngay mô hình tổ chức và hoạt động của các trường đại học, cao đẳng công lập, cũng có một số vấn đề cần xem xét, điều chỉnh.

Làm được những việc này thì Hiệp hội sẽ có đóng góp rất lớn đối với các trường đại học, cao đẳng công lập và ngoài công lập.

Xin cảm ơn./.