85 tuổi, đã già, nhưng còn rất trẻ. Vậy trẻ ở điểm nào? Giáo sư Trần Phương trẻ trong tư duy, trẻ trong cử chỉ và hành động.
Khi mới thành lập Trường đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội, ông đã xác định: Sứ mệnh của trường là đào tạo các nhà kinh tế thực hành, các nhà kỹ thuật thực hành, tạo nguồn nhân lực cho việc hình thành một dàn cán bộ chủ chốt của các doanh nghiệp – những “binh đoàn chủ lực” trên mặt trận phát triển kinh tế – xã hội theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trường lấy đào tạo nghề nghiệp – thực hành làm định hướng chủ yếu, không chỉ quan tâm trau dồi kiến thức, mà trau dồi kiến thức phải đi đôi với rèn luyện kỹ năng thực hành, phát triển tư duy tìm tòi sáng tạo, kết hợp lý luận với thực tiễn; không chỉ quan tâm phát triển tài năng, mà phát triển tài năng phải đi đôi với bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức nhằm đào tạo thanh niên thành những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên.
Tôi thích thú câu nói trên là vì 16 năm trước (năm 1996), khi thành lập Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ông đã phân tầng trường đại học này là trường đại học thực hành, điều mà Luật Đại học vừa được Quốc hội thông qua trong năm nay (2012).
Thành lập trường được hai năm, năm 1998, ông bảo tôi và một người bạn nguyên là Bộ trưởng lên Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm mối liên kết đào tạo với nước ngoài. Lúc ấy, chưa có chủ trương đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, trong đó có hội nhập giáo dục quốc tế như hiện nay. Nhờ đó mà ngày nay Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có 1.000 sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về, trong đó có hàng trăm giảng viên có bằng thạc sĩ lên lớp giảng bằng tiếng Anh – đó là của quý và của hiếm của các trường đại học Việt Nam ngày nay.
Khóa đầu tiên, mọi người kêu với ông: “Không có tiền để làm tuyển sinh”. Từ đâu không biết, ông bảo tôi ra đề thi theo kiểu trắc nghiệm một số môn. Thế là qua bảy kỳ tuyển sinh đại học, tự ra đề thi theo kiểu trắc nghiệm. Hiện nay, tất cả các môn thi của trường này đều thi trắc nghiệm trên máy, chống được quay cóp; thi xong có kết quả ngay; chưa kể đến tác dụng khác.
Ông không giỏi về tin học nhưng ông đã bắt tin học hóa gần như toàn bộ quá trình quản lý, kể cả điểm danh học viên cao học bằng vân tay.
Bây giờ ai cũng nói đến kỹ năng mềm, kỹ năng cứng. Nhưng năm 1996, ngay khóa đầu tiên, ông đã cho vào chương trình môn học Kỹ năng thuyết trình, và bây giờ là Kỹ năng thuyết trình và đàm phán, có dáng dấp giáo trình “Giao tiếp thương mại” của cẩm nang kinh doanh Harvard.
Giáo sư Trần Phương 85 tuổi vẫn chưa già, vì ông không những nhanh nhẹn trong tư duy, mà còn nhanh nhẹn cả trong cử chỉ và hành động. Ông phản ứng nhanh, khi cần, bấm ngay máy tính để chỉ ra tính toán sai của cô kế toán.
Một lần, ông rủ tôi lên tầng 8 ngôi trường đang xây. Thấy tôi chần chừ, ông bảo: “Cậu chờ tớ ở đây”, rồi ông thoăn thoắt đi lên. Lúc xuống ông nói: “Lắp bốn thang máy ở khu trường mới xây và lắp thêm hai thang máy ở khu trường cũ cho sinh viên sướng”. “Để sinh viên sướng, người nấu ăn sướng, người bảo vệ sướng, người quét rác sướng…” là những điều tôi đã nghe ông nói không chỉ một lần.
Giáo sư Trần Phương sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo. Thi đậu xec-ti-phi-ca, nằm khoèo ở nhà vì không có tiền lên Hà Nội học tiếp. May sao, ông thi giành được học bổng toàn phần vào Trường Bưởi – trường trung học duy nhất ở Hà Nội thời kỳ trước Cách mạng tháng 8. Học hành gian nan được hai năm, rồi sớm bỏ học đi làm cách mạng, sau đó được Đảng cử đi học rồi giảng dạy lý luận và sau 18 năm làm công tác nghiên cứu và quản lý khoa học, năm 1980, khi Chính phủ ban hành Quy chế phong học hàm, ông nhận được học hàm Giáo sư khoa học kinh tế đầu tiên của đất nước.
Thời kỳ nền kinh tế còn trong cơ chế kế hoạch hóa – bao cấp, ông Trần Phương được phân công chuyển sang công tác quản lý nhà nước, lo chuyện chạy gạo, chạy lương, chạy tiền, mua gạo, mua thịt lợn của dân để cung cấp cho cán bộ, bộ đội, cho dân cư các thành phố. Làm Bộ trưởng Bộ Nội thương, ông đã dũng cảm xin thay đổi cơ chế để xóa hẳn bài vè của dân Hà Nội:
Tông Đản là chợ vua quan
Nhà thờ – chợ của trung gian nịnh thần
Đồng Xuân – chợ của thương nhân
Vỉa hè – chợ của nhân dân anh hùng.
“Một thời hào hùng” mà Giáo sư Trần Phương đã đi qua, tôi biết được qua người khác. Tôi muốn nói đến một thời hào hùng tiếp theo, mà tôi là người trong cuộc.
Về hưu, ông mời một số bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng, giáo sư đến nhà. Ông tâm sự: “Nhà nước đã “khấu hao” các ông xong. Bây giờ tôi mời các ông cùng tôi đứng ra lập trường đại học”. Tôi nhớ mãi một câu của ông: “Vốn nhân lực là của cải lớn nhất của một đất nước. Tăng cường vốn nhân lực được thúc đẩy chủ yếu bởi sự gia tăng trình độ học vấn và tỷ lệ đến trường cao hơn của con em nhân dân. Chúng ta chung tay xây dựng một trường đại học tư thục phi lợi nhuận. Tổng thu của người góp vốn khi được chia lợi nhuận, chỉ được nhận một lãi suất cố định bằng hoặc nhỉnh hơn lãi suất gửi tiết kiệm”.
Mười sáu năm trước, trong tay ông chỉ có 10 triệu bạc. Mười sáu năm sau, ngày nay, trong tay nhà trường, nói theo cách nói “trường của dân, do dân và vì dân”, hiện có khoảng 500 tỉ đồng vốn cố định, 20 héc ta đất đang xây dựng; 1.200 giảng viên, trong số đó trên 70% có trình độ thạc sĩ trở lên; 2,5 vạn sinh viên đang theo học đại học chính quy; gần 1.000 thạc sĩ; đang xin phép Bộ đào tạo trình độ tiến sĩ vào năm 2013; và trên 1.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và thạc sĩ ở nước ngoài về.
Đấy là thành công của tư duy phi lợi nhuận. Và rất mừng, Luật Đại học được Quốc hội thông qua năm 2012 với quy định phi lợi nhuận về cơ bản đồng nhất với tư duy về mô hình “trường đại học phi lợi nhuận” của giáo sư Trần Phương./.