Phần thứ hai MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

  1. Các mục tiêu ưu tiên

Kể từ năm 1975, với việc thành lập chính quyền dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đánh dấu thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân, đất nước Lào bước vào một thời kỳ lịch sử mới: thời kỳ nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình, từng bước phát triển kinh tế văn hóa, cải thiện đời sống, hướng tới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Từ một điểm xuất phát rất thấp đến lúc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội là một thời kỳ lịch sử dài – nhiều thập kỷ, có thể cả một thế kỷ. Nội dung của cả thời kỳ là từng bước phát triển lực lượng sản xuất, từng bước xây dựng và điều chỉnh quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, từng bước phát triển văn hóa và khoa học kỹ thuật, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí, từng bước xây dựng và hoàn thiện kiến trúc thượng tầng của xã hội mới. Thời kỳ lịch sử ấy tất yếu phải chia làm nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn tùy theo điều kiện lịch sử cụ thể phải nhằm đạt được một số mục tiêu nhất định về phát triển kinh tế xã hội.

Căn cứ vào thực trạng kinh tế xã hội hiện nay, với việc sử dụng tối ưu các nguồn lực trong nước đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn lực ngoài nước, giai đoạn trước mắt có thể và phải đưa đất nước lên một trình độ phát triển mới, với các mục tiêu chủ yếu như sau:

  1. Nhân dân các bộ tộc và các vùng trong nước có cuộc sống no đủ (bao gồm lương thực, thực phẩm và các tư liệu tiêu dùng thiết yếu khác), được chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh, được học hành, được hưởng thụ các thành tựu văn hóa, trên cơ sở một nền sản xuất phát triển đa dạng, chuyển mạnh sang thâm canh và sản xuất hàng hóa, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường; không còn đói rét, suy dinh dưỡng, thiếu nguồn nước sạch, dịch bệnh, mù chữ, đói văn hóa, du canh dư cư.
  2. An ninh quốc phòng được bảo đảm vững chắc. Điều này bao gồm cả việc tạo được đường ra biển để chủ dộng thông thương với thế giới và xây dựng được con đường trục nằm sâu trong nội địa làm cơ sở cho phát triển kinh tế nội địa và xây dựng vùng hậu cứ.
  3. Tạo được những điều kiện tối thiểu cần thiết cho sự phát triển tự lực của nền kinh tế, quan trọng nhất là : tiềm lực xuất khẩu được tăng cường đến mức đủ sức thanh toán nợ đến hạn, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế ít nhất bằng 15% thu nhập quốc dân.
  4. Kinh tế quốc doanh giữ những vị trí then chốt của nền kinh tế quốc dân, qua đó, đóng được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Kinh tế gia đình, cá thể và tập thể của nông dân phát triển đa dạng, chuyển từ quảng canh sang thâm canh, từ kinh tế tự nhiên sang kinh tế hàng hóa, từ du canh du cư sang định canh định cư.

Các mục tiêu trên gắn bó với nhau, cái nọ làm điều kiện cho cái kia.

Đạt được các mục tiêu trên tức là đạt được một bước tiến lớn trên con đường khắc phục nghèo nàn, lạc hậu, nâng cao mức sống nhân dân, đồng thời cũng là tạo được các điều kiện tiền đề để phát triển chủ động, vững chắc.

Thời gian cần thiết để đạt các mục tiêu trên đài hay ngắn còn tùy ở các nguồn lực huy động được, ở hiệu lực của các chính sách và biện pháp thực hiện, ngoài ra, cũng còn tùy ở các điều kiện khách quan trong đó có bối cảnh quốc tế, song, với điểm xuất phát như đã biết, có thể dự kiến không ít hơn hai thập kỷ. Thập kỷ 90 là một đoạn đường trong cả giai đoạn ấy. Căn cứ vào chiến lược của cả giai đoạn, sẽ lựa ra những phần việc có thể và phải thực hiện trước trong 5 năm, 10 năm.

II.Chiến lược cơ cấu

Cốt lõi của chiến lược phát triển kinh tế xã hội là bố trí cơ cấu kinh tế như thế nào để sử dụng được một cách tối ưu các nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Nội dung của chiến lược cơ cấu bao gồm việc bố trí cơ cấu ngành của nền kinh tế quốc dân, cơ cấu thành phần kinh tế và cơ cấu kinh tế lãnh thổ, ba mặt ấy gắn bó hữu cơ với nhau trong một thể thống nhất.

a.Cơ cấu ngành của nền kinh tế

Nền kinh tế quốc dân là một thể thống nhất bao gồm nhiều ngành, ngành nọ làm điều kiện cho ngành kia. Điều quan trọng trong bố trí cơ cấu ngành của nền kinh tế là xác định đúng những ngành trọng điểm phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng của nền kinh tế trong giai đoạn ấy. Khi xác định ngành nào là trọng điểm phát triển, cần xem xét vị trí hiện tại và tương lai của nó trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, tiềm năng phát triển của nó và các nguồn lực có thể huy động được cho sự phát triển ấy.

Trong giai đoạn phát triển trước mắt của Lào, nông nghiệp phải là ngành trọng điểm số 1.

Phát triển nông nghiệp tức là trực tiếp cải thiện đời sống của 80% dân số. Đời sống của bộ phận dân số còn lại cũng như sự phát triển của các ngành kinh tế khác đều trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào sự phát triển của nông nghiệp (lương thực thực phẩm cho dân phi nông nghiệp, nguyên liệu và thị trường cho công nghiệp, nguồn hàng cho ngoại thương, nội thương và vận tải, v.v…).

Phát triển nông nghiệp còn có ý nghĩa làm biến đổi căn bản phương thức sản xuất ỷ lại vào thiên nhiên và nền kinh tế tự nhiên, cũng tức là làm biến đổi căn bản bộ mặt kinh tế và xã hội của đất nước.

Nông nghiệp là ngành sản xuất trên 70% thu nhập quốc dân, vì vậy nhịp độ phát triển của toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào nhịp độ phát triển của nông nghiệp.

Tiềm năng phát triển của nông nghiệp còn rất dồi dào. Chưa tính đến việc cơ giới hóa và điện khí hóa, chỉ cần áp dụng những biện pháp kỹ thuật đã và đang được áp dụng phổ biến ở các nước Đông Nam Á như thủy lợi hóa, bón phân, chọn giống thích hợp, đã có thể đưa năng suất cây trồng lên gấp rưỡi, gấp đôi hiện nay. Quỹ đất nông nghiệp dồi dào, quỹ lao động nông nghiệp dồi dào, nguồn nước mặt dồi dào, những biện pháp kỹ thuật nông nghiệp đã được chứng nghiệm ở các nước láng giềng đều là những điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp.

Đầu tư để phát triển nông nghiệp ở giai đoạn trước mắt chủ yếu là đầu tư bằng lao động sống (đào đắp thủy lợi, xây dựng đồng ruộng, làm đường vận chuyển từ bản ra đồng, chế biến và vận chuyển phân hữu cơ, v.v…), những phương tiện kỹ thuật hiện đại đòi hỏi vốn đầu tư lớn không nhiều. Tất nhiên, để tạo lập những cơ sở thâm canh nêu trên, phải động viên nông dân kiên trì lao động hàng thập kỷ, Nhà nước cũng phải có những hỗ trợ cần thiết.

Công nghiệp, tuy tỷ trọng còn nhỏ, song, triển vọng khá lớn. Lào có những tài nguyên thiên nhiên quan trọng mà chỉ có công nghiệp mới khai thác được, đó là thủy năng, gỗ và khoáng sản. Bằng con đường hợp tác đầu tư với nước ngoài, có thể biến những tài nguyên thiên nhiên này thành hàng xuất khẩu và thành nguồn tích lũy lớn.

Nông nghiệp phát triển sẽ trở thành nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp phát triển: xay xát, đường mật, dầu thực vật, sợi và dệt, nước chấm và các chế phẩm từ đậu, chế biến thịt và da gia súc, chế biến rau quả, v.v… Thiếu những ngành công nghiệp này thì nông nghiệp sẽ khó phát triển.

Những nước có số dân tương đối nhỏ như Lào không thể tính đến việc tự mình đáp ứng phần lớn nhu cầu của mình về hàng công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có hàng loạt sản phẩm có thể và phải sản xuất trong nước, ngay dù sản xuất bằng nguyên liệu nhập khẩu. Như vậy, chủ động hơn, sử dụng được lao động trong nước, phát triển được công nghiệp và kỹ thuật, giảm được ngoại tệ dùng vào nhập khẩu. Phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công cụ và hàng tiêu dùng thông thường mà trong nước có nhu cầu lớn nhằm thay thế nhập khẩu là một trong những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, đồng thời cũng phù hợp với khả năng trước mắt về vốn liếng và kỹ thuật.

Với những nội dung như trên, công nghiệp phải được coi là một ngành trọng điểm phát triển trong giai đoạn trước mắt.

Giao thông vận tải ách tắc, cước phí vận tải cao là những trở ngại mà nếu không khắc phục thì rất khó nói đến phát triển kinh tế. Trong tình hình như vậy, phát triển giao thông vận tải phải được xem là tiền đề để phát triển kinh tế.

Nhiệm vụ then chốt là nâng cấp đường 13 – con đường huyết mạch về kinh tế, và tạo lập con đường ra biển gần nhất, cho phép giảm cước phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu xuống mức có thể chịu đựng được. Càng sớm hoàn thành được hai công trình này thì càng sớm tháo gỡ ách tắc cho kinh tế phát triển. Với ý nghĩa đó, việc hoàn thành hai công trình này cần được xem là mục tiêu ưu tiên của thập kỷ 90.

Mở thông con đường trục nằm sâu trong nội địa cũng là một nhiệm vụ mang ý nghĩa chiến lược. Trong điều kiện vốn liếng có hạn, có thể thực hiện nhiệm vụ này từng bước.

Việc phát triển mạng đường bộ nối các huyện lỵ và các bản với hệ thống đường trục cần được đặt thành nhiệm vụ thường xuyên của nhân dân các địa phương, có sự hỗ trợ cần thiết của Nhà nước về kỹ thuật và vật tư kỹ thuật.

Tập trung sức phát triển ba ngành trọng điểm trên là tác động vào những khâu có ý nghĩa quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhằm thực hiện 4 mục tiêu chiến lược đã nêu.

b.Cơ cấu thành phần kinh tế

Trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở Lào, nông nghiệp và kinh tế của nông dân giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Vì vậy, khuyến khích và giúp đỡ kinh tế của nông dân phát triển dưới các hình thức thích hợp là một chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước. Thực tiễn chứng minh rằng trong giai đoạn phát triển hiện nay của nông nghiệp Lào, kinh tế gia đình, cá thể là hình thức thích hợp hơn cả và là hình thức cơ bản.

Hình thức này cần được bổ trợ bằng một số hình thức hợp tác hoặc tập thể ở một số khâu hoặc lĩnh vực hoạt động, tùy theo nhu cầu cụ thể ở từng nơi, từng lúc.

Trong điều kiện quỹ đất dồi dào, cần khuyến khích những người có vốn mở nông trại, kinh doanh cả trồng trọt, chăn nuôi và trồng rừng, có thể thuê mướn nhân công và được cấp đất theo nhu cầu sử dụng, với điều kiện sử dụng đất theo đúng quy định của Nhà nước.

Kinh tế quốc doanh cần hỗ trợ các hình thức kinh tế của nông dân bằng các dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ thu mua và cung ứng.

Nhà nước đầu tư một cách có hệ thống vào nông nghiệp, chủ yếu nhằm các mục tiêu: thủy lợi, các giống cây con thích hợp, thú y và bảo vệ thực vật, phổ cập kỹ thuật nông nghiệp, định canh định cư.

Ở Lào, số nhà kinh doanh tư nhân không nhiều, số vốn tích lũy trong tay tư nhân không lớn. Để phát triển công nghiệp, giao thông vận tải, ngoại thương, nội thương và hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển, kinh tế quốc doanh phải đảm nhiệm vai trò chủ chốt. Nhìn về lâu dài, kinh tế quốc doanh còn là yếu tố cơ bản bảo đảm cho định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế. 

Nguồn lực để phát triển kinh tế quốc doanh là nguồn vốn bên ngoài mà Nhà nước tranh thủ được dưới hình thức viện trợ, vay nợ, hợp tác đầu tư, và nguồn tích lũy trong nước được tập trung vào Ngân sách Nhà nước. Vốn tích lũy của bản thân các xí nghiệp quốc doanh cũng là một nguồn lực quan trọng.

Ngoài hai thành phần kinh tế chủ yếu nêu trên, cần phát huy năng lực của tất cả các thành phần kinh tế khác: kinh tế gia đình, cá thể và hợp tác của những người làm nghề thủ công, kinh tế tư nhân, tổ hợp, của tiểu chủ, tư sản, của người Lào sinh sống ở nước ngoài và của người nước ngoài sinh sống ở Lào, v.v…

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, tất yếu nảy sinh sự cần thiết phải liên doanh giữa các thành phần kinh tế dưới các hình thức hợp tác xã, công ty cổ phần, xí nghiệp hợp doanh, v.v…

c.Cơ cấu kinh tế lãnh thổ

Theo hướng bố trí cơ cấu ngành của nền kinh tế quốc dân như đã nêu thì vùng trọng điểm phát triển trong giai đoạn trước mắt tất yếu sẽ là vùng Trung và Nam Lào mà trung tâm là vùng đồng bằng từ Viêng Chăn đến Chăm-pa-xắc với các thành phố lớn nằm trong đó.

Vùng này bao gồm toàn bộ các đồng bằng lớn của Lào, nơi có triển vọng sớm nhất chuyển sang thâm canh đi đôi với mở rộng diện tích để trở thành vùng lương thực thực phẩm hàng hóa lớn của cả nước, trong đó có phần dành cho xuất khẩu. Trong vùng có cao nguyên Bôlôven là địa bàn trồng cây công nghiệp xuất khẩu có triển vọng lớn nhất của Lào. Diện tích đồng cỏ trên các bình nguyên và cao nguyên trong vùng rất thuận lợi cho việc phát triển đàn gia súc.

Hầu hết các khu rừng khai thác gỗ đều nằm ở vùng này. Nơi đây tất yếu sẽ là địa bàn chủ yếu của công nghiệp khai thác và chế biến gỗ.

Các mỏ khoáng sản lớn đang khai thác và sẽ được mở rộng (thiếc, thạch cao), các công trình thủy điện quan trọng đã xây dựng và sẽ xây dựng đều nằm ở vùng này. Nguồn điện rẻ tiền và dồi dào là thế mạnh của vùng. Gần như toàn bộ công nghiệp đã xây dựng và sẽ xây dựng đều nằm ở vùng này, gắn với nguồn nguyên liệu và năng lượng.

Vùng này lại là vùng có nhiều thuận lợi nhất về giao thông, bao gồm các tuyến đường quan trọng nhất: đường 13, đường 23, đường 9, đường 8 và tuyến đường thủy Viêng Chăn – Kengkabao. Trong tương lai, nếu mở tuyến đường sắt ra biển Đông thì vì các lý do kinh tế và kỹ thuật, tuyến đường ấy tất yếu phải đặt trong vùng này. Con đường trục nội địa và vùng hậu cứ gắn liền với nó nếu được xây dựng thì phần quan trọng nhất cũng nằm trong vùng này.

Về mặt xã hội và con người thì đây là vùng phát triển nhất của nước Lào. Tất cả các thành phố lớn, trừ cố đô Luông pra bang, đều hình thành trong vùng đồng bằng tập trung dân cư này.

Với các căn cứ nêu trên, vùng Trung và Nam Lào là vùng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cả cho việc hình thành cơ cấu kinh tế đáp ứng các mục tiêu của giai đoạn trước mắt. Tập trung sức phát triển vùng này thì sẽ đạt được hiệu quả kinh tế và nhịp độ phát triển cao hơn cả. Mặt khác, cũng phù hợp với lợi ích an ninh và quốc phòng.

Trong điều kiện các nguồn lực có hạn, nếu phân tán ra tất cả các vùng thì tất cả đều sẽ phát triển chậm, thậm chí đều không tiến lên được. Tập trung sức cho một vùng phát triển trước thì đến một lúc nào đó, chính nó sẽ trở thành nguồn lực để phát triển các vùng khác.

Khi xác định một vùng là trọng điểm phát triển của cả nước thì điều đó có nghĩa là các vùng khác phải tạm thời chấp nhận nhường bước về một số mặt, vì lợi ích của toàn cục. Ở vào địa vị này là vùng Bắc Lào, và trong chừng mực nhất định, cả dải đất phía Đông dọc dãy Trường Sơn thuộc địa phận Trung và Nam Lào. Phương hướng chủ yếu của các vùng này trong giai đoạn trước mắt là từng bước thu hẹp, đi đến chấm dứt du canh du cư, phát triển và khai thác các nguồn lâm sản, phát triển chăn nuôi đại gia súc, chuyển dần sang trồng một số cây công nghiệp thích hợp và trên cơ sở đó, thu hẹp dần diện tích trồng lương thực trên sườn đất dốc. Phần lương thực còn thiếu sẽ được bổ sung từ vùng đồng bằng qua trao đổi hàng hóa.

Với cơ cấu kinh tế được bố trí như trên, và để thực hiện cơ cấu đó, chúng tôi trình bày dưới đây phương hướng và biện pháp phát triển một số ngành kinh tế văn hóa cùng một số chính sách kinh tế và xã hội quan trọng nhất.

III. Phát triển nông nghiệp

Nông nghiệp càng sớm thực hiện được nhiệm vụ cung ứng dồi dào lương thực thực phẩm cho nhân dân, nguyên liệu cho công nghiệp và nông sản cho xuất khẩu thì càng sớm tạo được điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế khác phát triển, càng sớm nâng cao được mức sống nhân dân.

Để thực hiện được nhiệm vụ ấy, cần chuyển mạnh từ quảng canh sang thâm canh, kết hợp với mở rộng diện tích, từ tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, chuyên môn hóa theo một cơ cấu phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, từ du canh du cư sang định canh định cư, từ phương thức sản xuất ỷ lại vào thiên nhiên, tận thu những tặng vật của thiên nhiên và hủy hoại thiên nhiên sang phương thức sản xuất dựa trên những thành tựu của khoa học kỹ thuật, đặc biệt của sinh học, kết hợp sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái.

Dưới đây là gợi ý về những phương hướng và biện pháp cụ thể :

  1. Thủy lợi là biện pháp quan trọng nhất mở đường cho thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích canh tác.

Khí hậu và địa hình đặc biệt của Lào đòi hỏi phải xây dựng phổ biến các hồ chứa nước với quy mô khác nhau, kèm theo kênh mương dẫn nước. Cần rất coi trọng loại hồ đập nhỏ do nhân dân tự làm. Ở các vùng ven sông, sử dụng phổ biến máy bơm nhỏ và các trạm bơm nhỏ hoặc vừa. Mạng lưới điện cần được tận dụng để điện khí hóa khâu bơm nước. Khuyến khích tư nhân, hợp tác xã và quốc doanh phát triển dịch vụ bơm nước, kể cả bằng máy bơm lưu động (có thể lắp đặt trên thuyền).

Trong khi nông dân còn thiếu vốn và kiến thức kỹ thuật, Nhà nước cần đảm nhiệm việc quy hoạch và thiết kế các công trình thủy lợi, trực tiếp đầu tư và thi công các công trình lớn và vừa, hỗ trợ về kỹ thuật và vật tư kỹ thuật cho các công trình do nông dân tự làm. Huy động nhân dân đóng góp lao động vào việc xây dựng các công trình thủy lợi tại địa phương. Tranh thủ viện trợ quốc tế đối với sự nghiệp thủy lợi hóa, xem đây là một mục tiêu ưu tiên.

Trước mắt cần tập trung sức hoàn chỉnh hệ thống kênh mương của các công trình sẵn có, phát huy hết công suất thiết kế.

  1. Xây dựng đồng ruộng là một biện pháp rất quan trọng để thực hiện thâm canh. Đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước và chủ động tưới nước, tiêu nước. Tận dụng các mảnh đất trũng để tạo thành ao hồ giữ nước, giữ độ ẩm. Trồng các dải rừng phòng hộ hoặc giữ lại một số vạt rừng khi mở rộng diện tích canh tác nhằm giữ độ ẩm, chống rửa trôi, xói mòn đất. Xây dựng đường từ làng ra đồng để sử dụng các loại xe vận chuyển thích hợp. Ở các sườn đất dốc, phải xây dựng thành nương bậc thang, bờ được trồng cây hoặc cỏ để giữ màu cho đất. Nếu trồng cây công nghiệp lâu năm, phải trồng theo đường đồng mức. Không phá rừng ở các đỉnh đồi, nếu đã phá thì phải trồng lại.
  2. Một khi đã bảo đảm đủ nước cho cây trồng thì phân bón là yếu tố quyết định năng suất. Trước mắt, cần tận dụng nguồn phân súc vật là chủ yếu, kết hợp với sử dụng phân hóa học ở mức cần thiết. Để thu hồi được phân súc vật, cần chuyển sang nuôi lợn trong chuồng và nuôi nhốt trâu bò trong chuồng trại vào ban đêm. Giải quyết vấn đề vận chuyển hàng triệu tấn phân ra đồng là một vấn đề lớn. Người Lào chỉ quen gùi trên lưng, vì vậy, hướng giải quyết chỉ có thể là phát triển các loại xe thích hợp: xe súc vật kéo, xe người kéo, xe đạp, xe cơ giới. Điều này đặt ra vấn đề xây dựng đường sá. Vùng đồng bằng là địa bàn có nhiều thuận lợi để thực hiện phương hướng này sớm hơn cả.
  3. Tuyển chọn và cải thiện các loại giống, bố trí giống thích hợp với từng vùng sinh thái là biện pháp quan trọng để tăng năng suất cây trồng. Các nước láng giềng đã qua nhiều thập kỷ thực nghiệm các loại giống, trong đó có những giống cho năng suất cao đồng thời chống chịu được sâu bệnh. Nông nghiệp Lào cần tận dụng các kinh nghiệm ấy, đồng thời phát triển công tác nghiên cứu thực nghiệm của chính mình.
  4. Nghề chăn nuôi cũng cần từng bước chuyển từ phương thức quảng canh, ỷ lại vào thiên nhiên, sang phương thức thâm canh, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật. Trong chăn nuôi lợn, cần sớm chấm dứt nuôi thả rông, chuyển sang nuôi trong chuồng với việc bảo đảm các điều kiện vệ sinh, thức ăn và phòng chống dịch bệnh. Trong chăn nuôi bò, cần kết hợp chăn thả tự nhiên với nuôi nhốt trong chuồng trại vào ban đêm, bảo đảm thức ăn dự trữ cho mùa khô bằng các nguồn phụ phẩm và sản phẩm trồng trọt, phổ biến việc phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh việc sản xuất các loại vắc xin và thuốc thú y. Việc chọn giống và lai tạo giống gia súc, đặc biệt các giống đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu, cũng là một biện pháp có ý nghĩa quyết định đối với tiền đồ phát triển của ngành chăn nuôi.
  5. Du canh du cư chẳng những là phương thức sản xuất mang tính quảng canh, ỷ lại vào thiên nhiên, mà còn hủy hoại thiên nhiên tệ hại nhất. Thu hẹp dần, đi đến chấm dứt du canh du cư là một nhiệm vụ đặc biệt nặng nề, phải được thực hiện một cách có hệ thống trong vài thập kỷ.

Giải pháp triệt để nhất là chuyển dân du canh du cư đến những vùng đất tương đối bằng phẳng, xây dựng thành đồng ruộng ổn định, có nước cày cấy và sinh hoạt. Ở Lào, ngay tại các vùng núi, vẫn còn những thung lũng có thể khai phá theo hướng ấy. Các đồng bằng lớn cũng còn nhiều diện tích chưa sử dụng. Đây là một thuận lợi lớn của Lào, nếu so sánh với các nước xung quanh. Mấu chốt là ở chỗ tạo ra nguồn nước, xây dựng đồng ruộng và xây dựng kết cấu hạ tầng cho đời sống.

Một giải pháp khác là chuyển hướng sản xuất: không trồng cây lương thực và các cây ngắn ngày khác trên các sườn đất dốc, chuyển sang trồng cây công nghiệp dài ngày hoặc trồng rừng, phát triển và khai thác các nguồn lâm sản, phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Đối với những người còn phải tìm nguồn lương thực thực phẩm trên các sườn đất dốc thì vận động họ xây dựng ruộng bậc thang, nương bậc thang, xen canh hoặc luân canh các cây họ đậu với lúa, ngô, đồng thời sử dụng phân bón để kéo dài chu kỳ luân canh nương rẫy. Trong khi chưa chấm dứt được tệ đốt rừng làm rẫy thì vận động nhân dân nhất thiết không phá rừng trên đỉnh các sườn dốc và không phá rừng đầu nguồn.

Mỗi địa phương tùy tình hình cụ thể của mình mà lựa chọn giải pháp thích hợp hoặc áp dụng kết hợp nhiều giải pháp. Nhà nước cần dành vốn đầu tư thích đáng đồng thời tranh thủ viện trợ quốc tế cho nhiệm vụ này.

Chuyển từ du canh du cư sang định canh định cư là một cuộc cách mạng về phương thức sản xuất và lối sống. Vì vậy, phải vận động, thuyết phục nhân dân quyết tâm vượt mọi khó khăn thử thách, lao động gian khổ, kiên trì trong nhiều năm để tạo dựng cơ sở sản xuất mới và cuộc sống mới. Nhà nước phải đóng vai trò trực tiếp tổ chức và chỉ đạo, phải có kế hoạch cụ thể cho mỗi bước đi, mỗi địa phương.

  1. Trên cơ sở áp dụng các biện pháp thâm canh, cần từng bước bố trí lại cơ cấu sản xuất theo hướng một nền nông nghiệp sinh thái, chuyên môn hóa và sản xuất hàng hóa.

Tập trung dần diện tích cây lúa vào những cánh đồng có điều kiện tưới nước, thâm canh cao, để có sản lượng lúa hàng hóa lớn, đủ cung cấp cho các vùng khác. Những nơi thiếu nước thì phát triển các cây trồng cạn như ngô, đậu, lạc, vừng, bông, lanh, thuốc lá, v.v…

Cao nguyên Bôlôven là địa bàn thuận lợi nhất để phát triển cà phê, chè và một số cây công nghiệp khác. Một số thung lũng ở Bắc Lào cũng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho cây cà phê (arabica) phát triển. Các cao nguyên và triền núi cao rất thích hợp đối với cây chè. Nhiều vùng núi ở Bắc Lào là địa bàn sinh trưởng tự nhiên của giống sinh vật cho cánh kiến đỏ.

Khí hậu là một dạng tài nguyên thiên nhiên cần đặc biệt quan tâm nghiên cứu, khai thác. Với địa hình đa dạng, Lào có nhiều vùng tiểu khí hậu cho phép nơi này thì trồng cây nhiệt đới, nơi kia thì trồng cây á nhiệt đới hoặc ôn đới. Việc điều chỉnh mùa vụ để tránh những bất lợi do thời tiết gây ra cũng đáng được quan tâm nghiên cứu.

Trên cơ sở thâm canh và nền nông nghiệp sinh thái, cần từng bước đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm nông nghiệp. Khi nhu cầu về lương thực đã được bảo đảm vững chắc, cần mở rộng sản xuất các loại thực phẩm làm phong phú bữa ăn của nhân dân, chú trọng trước tiên đường mật, dầu thực vật, rau, quả, thịt, cá, trứng. Đặc biệt chăm lo phát triển một số sản phẩm xuất khẩu mà Lào có nhiều tiềm năng sản xuất như cà phê, đậu, lạc, vừng, ngô, gia súc. Những sản phẩm này cần được sản xuất tập trung ở một số vùng thuận đường vận chuyển ra cảng. Các sản phẩm dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp cũng phải được bố trí tập trung gần xí nghiệp chế biến hoặc thuận tiện cho việc thiết lập xí nghiệp chế biến.

  1. Một nền nông nghiệp thâm canh, chuyên môn hóa và sản xuất hàng hóa đòi hỏi các dịch vụ kỹ thuật, các dịch vụ đầu vào và các dịch vụ đầu ra phải được bảo đảm nhanh nhạy, kịp thời. Nhiều ngành kinh tế quốc doanh phải tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp như một lực lượng sản xuất trực tiếp, bằng các dịch vụ kỹ thuật mà nông dân không thể hoặc chưa thể tự mình đảm nhiệm. Thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã, đặc biệt là ngoại thương, phải đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho sản xuất, bằng các dịch vụ trong khâu lưu thông.
  2. Chuyển nền nông nghiệp từ phương thức quảng canh, ỷ lại vào thiên nhiên, sang phương thức thâm canh, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật là một cuộc cách mạng sâu sắc trong kỹ thuật sản xuất, phương tiện sản xuất, quy trình công nghệ, tập quán lao động và sinh hoạt, tổ chức và phân công trong gia đình và trong xã hội. Cuộc cách mạng ấy đòi hỏi trình độ dân trí, văn hóa và kiến thức khoa học kỹ thuật của người nông dân bình thường phải được nâng lên đến mức nhất định và ngày càng nâng cao.

Phát triển giáo dục văn hóa trở thành một đòn bẩy của sản xuất, đầu tư vào con người trở thành một thứ đầu tư cơ bản nhất. Đây là một sự nghiệp to lớn, phải kiên trì thực hiện trong nhiều năm, Nhà nước dân chủ nhân dân phải dành sự quan tâm và những nguồn lực thích đáng. Cấp bách trước mắt là đào tạo cho mỗi bản làng, mỗi bộ tộc, một đội ngũ kỹ thuật viên của họ (kỹ thuật viên hiểu theo một ý nghĩa nhất định), đủ sức lôi cuốn và hướng dẫn cả cộng đồng làm theo; mặt khác, phải phát triển các trung tâm thực nghiệm và phổ cập kỹ thuật nông nghiệp, các trại giống cây và con, các trạm thú y và bảo vệ thực vật, sử dụng các tổ chức này làm cứ điểm để truyền bá và hướng dẫn kỹ thuật tiến bộ cho nông dân.

Trong cuộc chuyển biến cách mạng này, Nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bằng chính sách đầu tư cho nông nghiệp, chính sách hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật đối với nông dân, chính sách khuyến khích kinh tế của nông dân phát triển dưới các hình thức thích hợp, chính sách khuyến khích kinh tế hàng hóa và mở rộng thị trường, chính sách bảo trợ và bảo hiểm đối với giá cả nông sản, chính sách xã hội đối với nông dân, đặc biệt đối với nông dân các bộ tộc ít người, bằng việc phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo và văn hóa ở nông thôn, bằng việc phát triển các lực lượng kinh tế quốc doanh, phát triển các lực lượng khoa học kỹ thuật, và huy động các lực lượng ấy phục vụ đắc lực cho nông nghiệp, Nhà nước dân chủ nhân dân phát huy vai trò là người tổ chức, chỉ đạo công cuộc xây dựng xã hội mới, thúc đẩy tiến trình phát triển lịch sử. Chỉ với điều kiện ấy, nông nghiệp và nông thôn Lào mới có thể trong vài thập kỷ, đạt được những tiến bộ lịch sử mà nếu diễn biến tự phát, phải mất hàng thế kỷ.

IV.Phát triển lâm nghiệp

Trong điều kiện địa hình và khí hậu của Lào, thảm rừng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ đất, giữ nước, điều hòa khí hậu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, giữ gìn và cải thiện môi trường sống. Nhiệm vụ hàng đầu của ngành kinh tế lâm nghiệp là bảo vệ và phát triển vốn rừng, từng bước nâng cao độ che phủ của rừng, thu hẹp diện tích savan. Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của đất nước, đồng thời cũng có ý nghĩa cấp bách trước mắt. Việc khai thác tài nguyên rừng phải được tiến hành một cách hợp lý, không lạm vào vốn rừng.

Sau đây là những biện pháp chủ yếu:

1. Chấm dứt càng sớm càng tốt tình trạng coi rừng là của trời cho, ai muốn chặt thì chặt, ai muốn đốt thì đốt. Đi đôi với việc ban hành luật pháp bảo vệ rừng, cần phân cấp quản lý rừng cho các địa phương (tỉnh, huyện, xã), đồng thời giao đất giao rừng cho từng hộ gia đình, từng hợp tác xã, từng đơn vị cơ quan, xí nghiệp, làm cho rừng và đất rừng có chủ cụ thể, khuyến khích họ yên tâm đầu tư tiền vốn và lao động vào việc trồng rừng, bảo vệ rừng. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy chế khai thác tài nguyên rừng. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhân dân về lợi ích to lớn của rừng đối với sản xuất và đời sống, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của nhân dân.

Định canh định cư cũng là biện pháp bảo vệ rừng có ý nghĩa cơ bản, lâu dài.

Tiến hành “khoanh nuôi” các diện tích rừng non, rừng gỗ nghèo, rừng đầu nguồn ít thảm che, dựa vào năng lực tái sinh tự nhiên để hồi phục rừng.

Ngoài việc huy động nhân dân trồng rừng bằng cách giao đất giao rừng, ngân sách Nhà nước cần dành một nguồn vốn ngày càng tăng cho việc trồng rừng. Tranh thủ viện trợ của các tổ chức quốc tế cho việc trồng rừng. Chú trọng trước tiên trồng rừng đầu nguồn của các hồ đập lớn, trồng rừng đặc sản (bồ đề lấy cánh kiến trắng, thông nhựa, cây chủ thả cánh kiến đỏ), và trồng rừng phòng hộ nông nghiệp ở vùng đồng bằng. Vận động phong trào nhân dân trồng cây lấy gỗ củi quanh các điểm dân cư. Nhà nước hỗ trợ về giống cho nhân dân trồng rừng.

2. Khai thác gỗ là một ngành công nghiệp quan trọng bậc nhất của Lào. Đối tượng khai thác là rừng tự nhiên, vì vậy phải khai thác theo đúng quy trình, quy phạm do ngành lâm nghiệp ấn định cho từng đối tượng rừng cụ thể, bảo đảm cho rừng tái sinh, hồi phục. Đối với rừng lá rộng thường xanh –đối tượng khai thác chủ yếu, phải chặt chọn với cường độ hợp lý.

Theo tính toán của Bộ Nông Lâm thì những năm trước mắt, có thể khai thác ở 21 khu rừng có trữ lượng gỗ tập trung thuộc địa bàn 9 tỉnh : Saynhabuly, Xiêng khoảng, Bulykhămxay, Khăm muộn, Savanakhẹt, Salavan, Xêkông, Chămpaxắc và Atôpư. Nếu chặt chọn với cường độ 30% thì sản lượng gỗ lấy ra hằng năm có thể đạt 2,3 triệu m3. Dựa vào căn cứ này, có thể dự kiến nâng dần sản lượng khai thác hàng năm từ 30 vạn m3 hiện nay lên 50 vạn, rồi 1 triệu m3, xem đây là mức tối đa. Số gỗ nêu trên là số gỗ khai thác mà Nhà nước kiểm soát được. Ngoài số đó, còn phải tính đến số gỗ do nhân dân khai thác cho nhu cầu sinh hoạt của họ, thực tế không thống kê được. Nếu giả thiết mỗi người dân mỗi năm dùng 0,3 m3 thì số gỗ do dân chặt cũng lên tới mỗi năm hơn một triệu m3.

Ngoài gỗ, rừng của Lào còn có nhiều đặc sản, trong đó có những thứ có khả năng cho sản lượng lớn để xuất khẩu nếu được bảo vệ, chăm sóc, gây trồng và khai thác hợp lý: cánh kiến trắng, cánh kiến đỏ, sa nhân, nhựa thông, song mây. Nhà nước cần có chính sách thỏa đáng về giá cả, thu mua và cung ứng hàng thiết yếu cho dân miền núi (đặc biệt là lương thực) để khuyến khích họ phát triển và khai thác các lâm sản này.

3. Lào có gần 400 triệu m3gỗ đến tuổi khai thác. Gỗ đã đến tuổi khai thác mà không khai thác thì cũng không bảo toàn được. Nhưng nếu khai thác mà không có biện pháp tích cực khôi phục và phát triển rừng thì diện tích savan sẽ tăng lên. Vì vậy, phải tuân thủ nghiêm ngặt một nguyên tắc: lấy rừng nuôi rừng, lấy rừng phát triển rừng.

Với mức giá hiện nay (từ 150 đến 300 đô la một m3 gỗ tròn, tùy loại gỗ, trong khi chi phí khai thác và vận chuyển chỉ khoảng 50 đô la) thì gỗ xuất khẩu là một nguồn lợi lớn. Với nguồn lợi ấy, cần dành một tỷ lệ thích đáng để đầu tư trở lại cho rừng – bảo vệ và phát triển rừng, trồng lại rừng trên những diện tích savan. Đầu tư cho định canh định cư cũng là đầu tư cho bảo vệ rừng.

V.Phát triển công nghiệp

Trong giai đoạn trước mắt của Lào, việc phát triển công nghiệp phải tiến hành có chọn lựa, nhằm vào những ngành có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển, đồng thời đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất. Đó là những ngành khai thác các thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên nhằm xuất khẩu, tạo vốn, những ngành chế biến nguyên liệu từ nông nghiệp và những ngành sản xuất vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng thông thường nhằm thay thế nhập khẩu. Dưới đây là những gợi ý cụ thể :

1.Thủy điện

Nguồn thủy năng của sông Mê Công và các sông nhánh trên đất Lào rất lớn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ điện trong nội địa chưa nhiều, cần xây dựng một số nhà máy thủy điện cỡ vừa nhằm mục tiêu xuất khẩu là chủ yếu. Các công ty nước ngoài sẵn sàng bỏ vốn đầu tư và thi công xây dựng vì đây là một mục tiêu đầu tư có lợi. Nhà nước Lào cũng được lợi qua giá xuất khẩu điện. Vấn đề ở chỗ thị trường tiêu thụ. Lâu nay, Lào phụ thuộc vào một khách hàng duy nhất, đó là điều bất lợi cho người bán. Để tránh điều bất lợi này và để mở rộng thị trường tiêu thụ, cần tìm thêm khách hàng ở các nước láng giềng. Điều này phụ thuộc vào địa điểm xây dựng nhà máy và cự ly tải điện đến nơi tiêu thụ. Tính tới yếu tố này, sau khi xem xét báo cáo tiền khả thi của công trình, chúng tôi cho rằng công trình Nậm Thơn II có thể xem là mục tiêu ưu tiên trong những năm trước mắt. Nếu chọn công trình Nậm Nhiếp hoặc một công trình nào khác trong vùng Viêng Chăn thì khách hàng tiêu thụ điện vẫn chỉ có thể là Thái Lan. Những công trình này sẽ trở nên có lợi sau khi đã đa phương hóa thị trường tiêu thụ, hình thành đường dây tải điện sang một vài nước láng giềng khác.

Ngoài những công trình cỡ vừa nhằm mục tiêu xuất khẩu là chủ yếu, cần phát triển rộng rãi thủy điện nhỏ (có công suất hàng trăm hoặc hàng ngàn kw) ở những vùng mà mạng lưới điện quốc gia không vươn tới. Thủy điện nhỏ cũng là một lợi thế của Lào do địa hình và khí hậu tạo ra, cần tận dụng để phục vụ sản xuất và đời sống, giảm bớt xăng dầu nhập khẩu.

Về đường dây tải điện, ngoài đường dây phục vụ xuất khẩu, cần xây dựng mạng lưới tải điện, phân phối điện phục vụ các thành phố, các khu công nghiệp, vùng đồng bằng dọc sông Mê Công và cao nguyên Bôlôven. Ở những nơi có mạng lưới phân phối điện, cần thúc đẩy việc thay thế các máy móc thiết bị dùng nhiên liệu lỏng bằng máy móc thiết bị dùng điện năng. Từng bước đưa giá điện ở trong nước lên gần với giá xuất khẩu để thúc đẩy tiết kiệm điện.

2.Khai thác, chế biến gỗ

Khai thác, chế biến gỗ là ngành công nghiệp có điều kiện phát triển thuận lợi nhất hiện nay, xét về nguồn gỗ để khai thác cũng như khả năng về vốn đầu tư. Từng bước đưa ngành công nghiệp này lên quy mô nào, điều đó tùy thuộc nhu cầu về vốn mà đất nước cần có bằng cách xuất khẩu gỗ. Nguồn vốn do xuất khẩu gỗ tạo ra phải được sử dụng có hiệu quả trước tiên vào các mục tiêu: bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng ngành công nghiệp khai thác và chế biến gỗ, xây dựng cấu trúc hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là đường vận chuyển gỗ ra cảng với cước phí thấp nhất. Quy mô khai thác và xuất khẩu gỗ cần được điều độ theo yêu cầu đầu tư có hiệu quả vào các mục tiêu nêu trên, cũng tức là theo tiến độ phát triển của ba ngành nêu trên. Đó là cách sử dụng tài nguyên gỗ hợp lý nhất, có lợi nhất, vì lợi ích phát triển trước mắt cũng như lâu dài của đất nước. Sau khi đã bảo đảm đủ cho các mục tiêu ưu tiên, nếu còn dư mới sử dụng nguồn lợi gỗ cho các mục tiêu phát triển sản xuất khác. Nếu đặt quy mô khai thác và xuất khẩu gỗ phụ thuộc vào nhu cầu cân đối ngân sách, đặc biệt là ngân sách địa phương, thì hậu quả tai hại sẽ không lường hết được.

Khai thác, chế biến gỗ chủ yếu là để xuất khẩu, vì vậy, chủng loại mặt hàng (gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ lạng, v.v…) phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, mặt khác, cũng phụ thuộc vào hiệu quả kinh tế mà Lào thu được. Cần dựa vào hai căn cứ này để xác định cơ cấu sản phẩm và cơ cấu sản xuất hợp lý của ngành công nghiệp khai thác chế biến gỗ. Trong đầu tư, nói chung nên sử dụng máy móc thiết bị hiện đại để bảo đảm chất lượng sản phẩm, tận dụng tài nguyên, giảm chi phí khai thác, chế biến và vận chuyển.

3.Khai thác, chế biến khoáng sản

Lào có nhiều loại khoáng sản, nhưng phần lớn chưa biết rõ trữ lượng công nghiệp và khả năng khai thác công nghiệp. Ngay một số khoáng sản có trữ lượng lớn, tập trung như: muối, thạch cao, kali, đến nay vẫn chưa làm rõ được khả năng khai thác công nghiệp. Nhiều công ty nước ngoài đã biết, có hãng đã đến nghiên cứu tại chỗ, nhưng chưa có một đề án hợp tác khai thác nào được nêu ra. Có thể còn có những khó khăn chưa giải quyết được như: nhu cầu của thị trường quốc tế, giao thông vận tải, giá cả sản phẩm. Trong tương lai, cần tiếp tục thăm dò, tìm đối tượng hợp tác nhằm biến những tài nguyên này thành sản phẩm xuất khẩu.

Trước mắt, cần mở rộng khai thác thiếc, thạch cao, vàng và đá quý. Riêng về thạch cao, chỉ tính nhu cầu tiêu thụ của Việt Nam, đã cần mỗi năm 20 vạn tấn vào cuối thập kỷ 90. Nếu tạo được đường ra biển với cước phí thấp, làm cho thạch cao của Lào cạnh tranh được với thạch cao của Thái Lan, thì triển vọng khai thác có thể tăng lên nhiều lần (hiện nay Thái Lan xuất khẩu mỗi năm 3 triệu tấn).

4.Chế biến nông sản

Nông nghiệp phát triển thì nhiều ngành hoặc phân ngành chế biến nông sản cũng phải phát triển tương ứng. Hiện nay, Lào nhập khẩu cả đường, bánh kẹo, trong khi khả năng sản xuất mía trong nước chưa được tận dụng. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, ngoài ý nghĩa hỗ trợ và thúc đẩy nông nghiệp phát triển, còn có ý nghĩa thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, tiến tới làm ra hàng xuất khẩu. Với những xí nghiệp quy mô nhỏ và vừa, công nghệ và kỹ thuật không phức tạp, vốn đầu tư không lớn, vẫn có thể làm ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước như: đường mật, bánh mứt kẹo, dầu thực vật, nước mắm, nước chấm, rượu, bia, nước giải khát, chè, cà phê, thuốc lá, v.v… Khi sản lượng bông, lanh, đay, gai vượt khỏi quy mô tự túc trong phạm vi gia đình thì công nghiệp sợi – dệt phải được phát triển. Nghề chăn nuôi khi đã đi vào thâm canh và hướng về xuất khẩu, sẽ thúc đẩy công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, công nghiệp chế biến thịt, công nghiệp thuộc da và chế tạo đồ dùng bằng da phát triển. Một số đặc sản rừng như song mây, tre trúc, nhựa thông, cánh kiến đỏ, dược liệu cũng phải trở thành đối tượng của công nghiệp chế biến. Riêng với các mặt hàng xuất khẩu, để đảm bảo chất lượng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, cần sử dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến.

5.Sản xuất hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng

Trong số hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng mà Lào đang nhập khẩu, có nhiều thứ hoàn toàn có thể sản xuất ở trong nước với chất lượng không kém. Sản xuất ở trong nước để thay thế nhập khẩu là điều quan tâm đầu tiên của các nước lạc hậu khi bắt tay xây dựng công nghiệp. Ngay dù sản xuất bằng máy móc và nguyên liệu nhập khẩu thì nhiều khi vẫn kinh tế hơn là nhập khẩu thành phẩm.

Sản xuất ở trong nước thì lúc đầu, chất lượng có thể còn thấp, giá thành có thể còn cao, nhưng nếu không bắt đầu tự mình sản xuất thì sẽ không bao giờ vươn tới những đỉnh cao. Với thị trường nhỏ hẹp của Lào, cần lựa chọn những mặt hàng có nhu cầu phổ cập, dung lượng thị trường ít nhất cũng đủ cho một xí nghiệp hoạt động có hiệu quả. Có thể kể ra một số loại sản phẩm sau đây: đồ sành, gốm và sứ; đồ thủy tinh; đồ nhựa; đồ nhôm; đồ gỗ và song mây; đồ kim khí (dao, kéo, cuốc, xẻng, cày, bừa, đinh, ê ke, bản lề, chốt cửa, dụng cụ cầm tay, xe cải tiến); hàng may mặc; gạch, ngói, vôi, xi măng, v.v…

Riêng về vật liệu xây dựng, cần phát triển ở nhiều nơi nhằm thay thế gỗ đang được sử dụng rất lãng phí để làm nhà. Cùng với vật liệu xây dựng, cần mở rộng đội ngũ thợ xây dựng, phát triển công nghiệp xây dựng để tự mình đảm nhiệm các công trình không đòi hỏi kỹ thuật cao như nhà ở, trường học, bệnh viện, kho tàng. Chỉ những công trình đòi hỏi kỹ thuật cao mới đấu thầu thi công cho các công ty nước ngoài.

6.Đổi mới quản lý các xí nghiệp quốc doanh

Để cho kinh tế quốc doanh đóng được vai trò chủ chốt trong việc phát triển công nghiệp thì bản thân các xí nghiệp quốc doanh phải là đơn vị kinh doanh có hiệu quả. Hiện nay, nhiều xí nghiệp quốc doanh thua lỗ, kém hiệu quả, tình hình này do nhiều nguyên nhân: hoặc do thiết bị quá cũ nát, không đồng bộ; hoặc do công nghệ quá lạc hậu khiến chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao; hoặc do nguồn nguyên liệu không đủ, không ổn định; hoặc do biên chế quá đông, tổ chức sản xuất cồng kềnh, không hợp lý; hoặc do hàng ngoại tràn ngập, lấn át hàng nội; hoặc do thị trường tiêu thụ chưa được khơi thông, tổ chức lưu thông quá yếu, v.v… Cần phân tích cụ thể từng trường hợp để có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, vẫn có một nguyên nhân chung cho tất cả, đó là cơ chế quản lý hành chính, tập trung quan liêu, bao cấp. Thực tiễn ở Lào cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa đều khẳng định sự cần thiết chuyển sang chế độ tự chủ của xí nghiệp, trong đó giám đốc xí nghiệp có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về mọi việc sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Đào tạo và tuyển chọn được những giám đốc xí nghiệp có đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ là mấu chốt thành công của cơ chế này. Bằng cách cấp trên chỉ định hoặc bằng cách công nhân bầu, không phải lúc nào cũng chọn được những giám đốc đúng tiêu chuẩn như thế. Tuyển chọn qua hợp đồng, qua thực tiễn quản lý xí nghiệp, được xem là phương thức tuyển chọn có hiệu quả hơn cả. Phương thức này đã được thử nghiệm và áp dụng phổ biến ở các nước tư bản chủ nghĩa, không phân biệt xí nghiệp tư nhân hay xí nghiệp quốc doanh.

Với cách tuyển chọn này, có thể sử dụng cả những chuyên gia nước ngoài làm giám đốc các xí nghiệp quốc doanh. Họ là những người làm thuê theo hợp đồng cho Nhà nước Lào, vì hoạt động có hiệu quả của xí nghiệp quốc doanh.

Nếu chỉ vì quản lý yếu kém mà đem các xí nghiệp quốc doanh đấu thầu, cho thuê, thì đây chưa hẳn là một giải pháp hợp lý, có lợi. Càng không có căn cứ nếu cho rằng đã là xí nghiệp quốc doanh thì không thể quản lý có hiệu quả được. Ngay đối với những xí nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, vẫn có thể tìm được những giám đốc đảm nhận hợp đồng khôi phục hoạt động của xí nghiệp và làm cho nó có hiệu quả. Chúng ta không loại trừ việc giải thể hoặc bán lại cho tư nhân hay tập thể một số xí nghiệp quốc doanh nào đó. Chủ trương này xuất phát từ nhiều lẽ, nhưng không phải vì lẽ quản lý yếu kém là điều hoàn toàn không thể sửa được.

Ngoài biện pháp tuyển chọn giám đốc theo hợp đồng hoặc thuê giám đốc là chuyên gia nước ngoài, cần chú trọng sử dụng cả hình thức hợp doanh, liên doanh giữa các xí nghiệp quốc doanh của Lào với các xí nghiệp nước ngoài (tư nhân, hợp tác hoặc quốc doanh). Bằng cách đó, có thể sử dụng được kinh nghiệm quản lý của chuyên gia nước ngoài, tiếp nhận được kỹ thuật và công nghệ tiến bộ, tiến lên có thể thực hiện phân công và chuyên môn hóa sản xuất trong phạm vi liên doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài.

7.Khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển công nghiệp  

Kinh tế quốc doanh tuy đóng vai trò chủ chốt, nhưng không thể quán xuyến mọi lĩnh vực, đáp ứng mọi nhu cầu, nhất là những lĩnh vực liên quan đến những nguyên liệu phân tán, những nhu cầu có khối lượng nhỏ nhưng nhiều vẻ. Kinh tế cá thể, tập thể, tư nhân, tổ hợp là những loại hình kinh tế có nhiều khả năng thích ứng với những lĩnh vực và nhu cầu này. Khuyến khích, giúp đỡ các loại hình kinh tế ấy là một chính sách có lợi cho việc phát triển công nghiệp.

Đối với những người thủ công cá thể và tập thể, cần giúp đỡ họ cải tiến công cụ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đối với các cơ sở của tư nhân, tổ hợp, cần giúp đỡ họ về vốn, kể cả vốn bằng ngoại tệ để nhập khẩu máy móc thiết bị và vật tư kỹ thuật, hình thành những cơ sở công nghiệp tuy quy mô không lớn nhưng làm được sản phẩm có chất lượng, thay thế được hàng nhập khẩu hoặc đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Nhà nước có thể đứng ra vay vốn của nước ngoài rồi cho các cơ sở này vay lại để đầu tư.

Trong bước đầu phát triển công nghiệp, các nước lạc hậu đều phải áp dụng chính sách bảo hộ sản xuất trong nước bằng hệ thống thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu. Chính sách này phải được điều chỉnh thích hợp theo thời gian để thúc đẩy các xí nghiệp trong nước vươn lên cạnh tranh được với hàng nước ngoài.

VI. Phát triển giao thông vận tải và thông tin liên lạc

Giao thông vận tải không thông suốt, cước phí vận tải cao, những trở ngại này càng sớm được tháo gỡ thì càng sớm tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Những năm vừa qua, Nhà nước đã dành một phần quan trọng vốn vay và viện trợ cho nhiệm vụ này. Trong thập kỷ 1990, cần nỗ lực lớn hơn nhằm giải quyết dứt điểm một số vấn đề mấu chốt. Ngoài nguồn vốn bên ngoài, có thể phải sử dụng cả một phần nguồn lợi gỗ xuất khẩu để đầu tư cho giao thông vận tải. Số vốn đầu tư này sẽ sớm được hoàn lại do tiết kiệm cước phí vận tải, đặc biệt là cước phí vận tải hàng xuất khẩu.

Dưới đây là những gợi ý cụ thể:

  1. Khôi phục, nâng cấp đường 13 và các tuyến đường bộ quan trọng khác

Đây là công việc cấp bách trước mắt, phát huy hiệu quả ngay đối với kinh tế và đời sống. Khối lượng công việc tuy lớn, nhưng có thể tranh thủ được sự giúp đỡ của nhiều nước và tổ chức quốc tế. Đường 13 là trục chính của mạng đường bộ, cần tập trung sức khôi phục các đoạn bị hỏng, xây dựng cầu kiên cố, nâng cấp đường, chú trọng trước nhất đoạn Viêng Chăn – Pắc xế. Các tuyến nối liền các thị xã với đường trục, các tuyến dẫn đến các cảng biển phía Đông cũng cần được củng cố, nâng cấp, một số đoạn cần phải được mở thông.

  1. Xây dựng tuyến đường sắt thông ra biển

Do điều kiện địa lý và lịch sử, con đường thông ra biển của Lào tất yếu phải qua lãnh thổ Việt Nam. Nhưng, nếu sử dụng phương tiện ô tô đi đến các cảng biển sẵn có của Việt Nam thì cước phí vận tải vẫn rất cao: mỗi tấn hàng xuất nhập khẩu phải chịu cước từ 40 đến 50 đô la. Với những hàng xuất khẩu chỉ bán được 150 đô la/tấn trở xuống (ví dụ: ngô) thì cước phí này dẫn đến bế tắc ngay từ khâu sản xuất. Với những hàng nhập khẩu mà giá mua chỉ 40-50 đô la/tấn (ví dụ: xi măng) thì cước phí này làm cho giá tiêu thụ tăng lên gấp đôi. Phương án giải quyết vấn đề phải đáp ứng được hai yêu cầu: một là, chọn được một cảng biển gần nhất đối với hàng xuất của Lào (hàng xuất của Lào có trọng lượng nhiều lần lớn hơn hàng nhập), không phụ thuộc vào các cảng biển sẵn có của Việt Nam; hai là, chọn phương tiện vận tải nào cho phép hạ mức cước phí xuống 2-3 lần so với vận tải ô tô, phương tiện ấy chỉ có thể là đường sắt.

Ngay từ những năm 20, người Pháp đã nghiên cứu và bắt tay xây dựng con đường sắt Thà Khẹt – Tân Ấp, dựa theo tuyến đường 12. Công trình này cuối cùng đã bị bỏ dở.

Những năm gần đây, Bộ Giao thông vận tải Lào đã cùng chuyên gia Việt Nam nghiên cứu, khảo sát và sơ bộ thiết kế hai tuyến nữa: tuyến Viêng Chăn – Cửa Lò, dựa theo đường 8, và tuyến Savanakhét – Cửa Việt, dựa theo đường 9.

Qua nghiên cứu các phương án, chúng tôi cho rằng phương án Kengkabao – Cửa Việt theo đường 9 là phương án tối ưu, vì các lẽ sau đây:

a.Về nguồn hàng

– Dự kiến với mức thấp nhất, đến cuối thập kỷ 90, Lào có khoảng 1 triệu tấn hàng xuất khẩu, gồm: 50 vạn m3 gỗ, 20 vạn tấn thạch cao và thiếc, 30 vạn tấn nông lâm sản (cà phê, ngô, đậu lạc vừng, gia súc, đặc sản rừng). Hầu hết số hàng này được sản xuất và khai thác tại vùng Trung và Nam Lào. Đường 9 nằm giữa vùng này, rất thuận tiện cho việc tập kết hàng hóa để đưa ra cảng. Cước phí vận tải sẽ đạt mức thấp nhất.

Cũng không loại trừ những triển vọng lớn hơn. Khi đường sắt được thiết lập, cước phí vận chuyển thạch cao từ mỏ đến cảng chỉ còn 5 đô la/tấn thì lượng thạch cao xuất khẩu có thể tăng lên. Cũng có khả năng thu hút một số hàng xuất của vùng Đông Bắc Thái Lan qua đường này vì gần hơn so với đường ra cảng Băng Cốc, đường biển đến các nước Đông Bắc Á cũng gần hơn. Người Việt sinh sống ở Thái Lan cũng sẽ qua đường này về thăm quê hương.

Nếu tuyến đường sắt được đẩy lùi lên đường 12 thì phần lớn hàng xuất của vùng Trung và Nam Lào sẽ phải chuyên chở thêm hàng trăm km mới đến được ga đường sắt. Nếu đẩy lui lên đường 8 thì điều bất lợi này càng lớn hơn. Vùng đường 8 và vùng Viêng Chăn không phải là vùng có nhiều hàng xuất khẩu, nhất là những hàng có trọng lượng lớn. Những hàng này có thể chở bằng đường thủy đến cảng Kengkabao rồi bốc lên tàu, cước phí đường thủy còn rẻ hơn cả đường sắt.

– Về hàng nhập, dự kiến với mức thấp nhất, đến cuối thập kỷ 1990, sẽ có khoảng 20 vạn tấn, không kể số xăng dầu được vận chuyển bằng đường ống.

– Tính chung lại, lượng hàng thông qua đường sắt vào khoảng 1,2 triệu tấn, hoặc hơn. Với lượng hàng này thì đường sắt khổ 1 mét là thích hợp và có hiệu quả. Cước phí vào khoảng 0,02 đô la/tấn/km, hoặc thấp hơn.

b.Về các điều kiện kỹ thuật

– Đường 9 trên đất Lào xuyên qua bình nguyên Savanakhét, địa hình rất thuận lợi cho việc đặt đường sắt. Đoạn Lao Bảo – Khe Sanh tuy phải chui hầm nhưng chiều dài đường hầm chỉ trên 2 km. Tiếp đó, địa hình dọc đường 9 trên đất Việt Nam cũng khá thuận lợi cho việc đặt đường sắt. Toàn bộ tuyến đường gần như một đường thẳng ra tới biển, chiều dài 320 km.

– Nếu đặt đường sắt từ Thà Khẹt theo đường 12 ra biển thì ngay trên đất Lào, tuyến đường đã phải men theo khối núi đá vôi Khăm Muộn, nhiều đoạn quanh co, nền đường lầy thụt. Vượt Trường Sơn ở đoạn đèo Mụ Gịạ phải chui hầm. Tuy chưa ai tính chiều dài đường hầm nhưng địa hình hiểm trở thì không kém đoạn đèo Keo Nưa trên đường 8. Sang đất Việt Nam, địa hình càng phức tạp hơn. Chỉ tính đường bộ từ đèo Mụ Gịạ đến Ba Đồn (gần quốc lộ 1 của Việt Nam) trên chiều dài 150 km đã phải qua 150 chiếc cầu, vượt 2 bến phà lớn, nhiều đoạn men theo vách đá quanh co, độ dốc lớn, làm đường ô tô cũng đã khó khăn, nguy hiểm. Nếu chọn cảng Cửa Gianh thì chiều dài tuyến đường là 310 km. Nếu chọn cảng Hòn La thì chiều dài tuyến đường là 320 km.

– Nếu đặt đường sắt từ Viêng Chăn đi Cửa Lò theo đường 8 thì chiều dài tuyến đường là 460 km. Đường 8 trên đất Lào bị kẹp vào giữa hai dãy núi đá vôi, đặt đường sắt sẽ rất khó khăn, tốn kém. Vượt Trường Sơn ở đoạn đèo Keo Nưa phải chui hầm. Tổng chiều dài đường hầm ước tính trên 20 km. Do địa hình hiểm trở, giá thành 1 km đường sắt trên tuyến này, theo ước tính của Bộ Giao thông vận tải Lào và các chuyên gia Việt Nam, bằng 1,3 lần so với tuyến Savanakhét – Cửa Việt.

c.Về cảng biển

Trên dải bờ biển miền Trung của Việt Nam, cảng Đà Nẵng là cảng tốt nhất. Nhưng đối với Lào có 2 điều không thuận: một là, đường từ Kengkabao qua Đông Hà đến cảng dài 520 km, bằng 1,6 lần đường Kengkabao – Cửa Việt, cước phí trên mỗi tấn hàng sẽ tăng lên tương ứng; hai là, từ Đông Hà đến Đà Nẵng, đường sắt phải chui qua 2 km hầm. Hầm được xây dựng cách đây gần một thế kỷ, khả năng thông qua rất hạn chế (1/2 triệu tấn), ngay hàng hóa vận chuyển Bắc – Nam của Việt Nam hiện nay cũng chưa bảo đảm nổi.

Các cảng khác trên đoạn bờ biển này như Cửa Lò, Cửa Hội, Cửa Gianh, Cửa Việt đều nằm trên vùng lõm của bờ biển cho nên có chung một nhược điểm: sóng biển xô cát vào cửa sông. Muốn làm cảng ở đây, đều phải nạo vét luồng lạch và làm đập chắn cát. Với điều kiện ấy, các cửa sông nói trên đều có thể làm thành cảng biển cho tàu từ 5.000 đến 10.000 tấn cập bến. Chi phí xây dựng cảng chỉ bằng 1/10 chi phí xây dựng toàn bộ tuyến đường. Vì vậy, chọn cảng nào chỉ còn tùy thuộc ở vị trí của cảng: đó phải là nơi gần nhất để đưa tuyến đường sắt đã được lựa chọn ra biển. Cửa Việt chính là điểm tận cùng của đường 9, vạch theo một đường thẳng.

Cũng cần nói rõ về Hòn La – một hòn đảo cách đất liền hơn 1 km. Muốn lập cảng ở đó, phải làm đường vượt biển, không ít tốn kém. Nếu tuyến đường 12 bị bác bỏ thì việc xem xét cảng Hòn La cũng không đặt ra nữa.

d.Về vốn đầu tư và hiệu quả của vốn đầu tư

Trong vài ba thập kỷ tới, nếu lượng hàng xuất nhập khẩu của Lào chưa vượt quá 3 triệu tấn/năm thì đường sắt khổ hẹp vẫn là thích hợp. Nhưng, nhìn xa hơn, sẽ đến lúc lượng hàng vượt quá khả năng thông qua của loại đường này. Vì vậy, ngay khi xây dựng đường 1 m, vẫn cần dự phòng cho việc chuyển sang đường khổ rộng: xây dựng các mố cầu, trụ cầu và đường hầm theo tiêu chuẩn đường 1,435 m. Vốn đầu tư cho toàn bộ tuyến đường, kể cả cảng biển và phương tiện vận tải, ước tính là 150 triệu đô la. Thời gian xây dựng từ 3 đến 5 năm, tùy mức độ tập trung vốn.

Giả thiết vào cuối thập kỷ này, lượng hàng thông qua là 1 triệu tấn/năm và trên mỗi tấn hàng tiết kiệm được 30 đô la cước vận tải so với hiện nay thì riêng số tiền cước tiết kiệm được trong 5 năm đã đủ để hoàn lại toàn bộ vốn đầu tư. Sự phát triển kinh tế xã hội do tuyến đường sắt thúc đẩy có thể đem lại những lợi ích còn lớn hơn.

Vốn đầu tư phải được ứng trước. Nếu vay dài hạn của nước ngoài thì cuối cùng, khi thanh toán xong nợ, số tiền phải trả sẽ bằng hoặc xấp xỉ bằng 2 lần số tiền vay. Điều này làm cho hiệu quả của vốn đầu tư giảm đi 2 lần: lẽ ra 5 năm hoàn vốn thì nay phải 10 năm. Giải pháp có lợi hơn là sử dụng một phần nguồn lợi xuất khẩu gỗ để đầu tư. Tuyến đường sắt này chủ yếu là đường chở gỗ xuất khẩu. Ứng trước 1 triệu m3 gỗ để đầu tư và sau đó thu hồi lại bằng tiền cước tiết kiệm được cũng là điều hợp lý. Giải pháp này đương nhiên không loại trừ việc vay một phần vốn bên ngoài nếu tranh thủ được những khoản tín dụng với điều kiện ưu đãi.

  1. Từng bước  xây  dựng  tuyến  đường  trục  nằm  sâu  trong  nội  địa

Về lâu dài, việc tăng cường an ninh quốc phòng, xây dựng vùng hậu cứ, phát triển các vùng kinh tế nằm sâu trong nội địa gắn liền với việc xây dựng con đường này. Trên thực tế, con đường đã hình thành, từ Atôpư, qua Salavan, Mường Phìn, Nhôm ma lát, Lạc sao, lên Xiêng Khoảng, Sầm Nưa và các tỉnh khác ở phía Bắc, chỉ còn một đoạn trên 100 km phải làm mới. Việc khôi phục và nâng cấp toàn bộ tuyến đường đòi hỏi thời gian dài, phải chia ra từng bước để thực hiện. Nếu việc khai thác và xuất khẩu gỗ được nâng lên cùng với việc hình thành con đường sắt thì chính tuyến đường trục này sẽ trở thành con đường tập kết gỗ gừ hai phía đến các ga đường sắt. Công nghiệp khai thác chế biến gỗ cũng như các điểm tập trung dân cư, các vùng kinh tế mới sẽ bám theo tuyến đường mà hình thành. Lúc ấy, việc tăng cường đầu tư vào tuyến đường sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  1. Phát  triển  vận  tải  đường  sông

 Đoạn sông Viêng Chăn – Kengkabao là đoạn thuận lợi nhất cho vận tải thủy. Cảng Kengkabao với công suất 20 vạn tấn/năm đủ sức tiếp chuyển hàng hóa giữa đường thủy và đường bộ (ô tô, xe lửa) theo đường 9 ra cảng và ngược lại. Để tận dụng đoạn đường thủy này, hình thành tuyến vận tải liên hợp thủy – bộ Viêng Chăn – Cửa Việt, cần tổ chức tốt sự phối hợp và bảo đảm sự cân đối giữa hai loại phương tiện thủy, bộ. Mặt khác, tiến hành nạo vét luồng lạch cho tàu 200 tấn đi lại dễ dàng quanh năm. Phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa phương tiện vận tải thủy.

Trên các đoạn sông khác, tiến hành phá ghềnh, nạo vét luồng lạch cho tàu thuyền nhỏ đi lại thuận tiện quanh năm, giảm bớt gánh nặng cho vận tải bộ đồng thời hạ thấp cước phí vận tải.

  1. Vận  tải  đường  ống

Xúc tiến việc xây dựng đường ống dẫn xăng dầu theo hiệp định đã ký với Liên Xô và Việt Nam.

  1. Vận  tải  hàng  không

Trong điều kiện đất nước dài, địa hình hiểm trở, phát triển vận tải hàng không giữa thủ đô với các tỉnh lỵ là cần thiết. Phương tiện thích hợp là các loại máy bay có số ghế vừa phải, sử dụng đường băng ngắn. Liên doanh với các công ty hàng không nước ngoài để mở thêm tuyến bay ra nước ngoài khi tình hình đòi hỏi.

  1. Phát   triển  thông  tin liên  lạc

Phát triển và hiện đại hóa liên lạc viễn thông để mở rộng giao lưu quốc tế. Xây dựng trạm thông tin mặt đất Intelsat liên lạc với các nước ngoài hệ thống Intersputnik.

Xây dựng đường trục thông tin vi ba Bắc Nam (Luông pra bang – Viêng Chăn – Pắc xế), tiến tới bảo đảm liên lạc điện thoại giữa thủ đô và các thị xã. Cải tạo mạng điện thoại nội hạt hiện có ở các thành phố, từng bước trang bị điện thoại cho các thị xã.

Mở rộng các dịch vụ bưu chính phục vụ nhân dân với chất lượng ngày càng cao.

  1. Khuyến khích các thành phần kinh tế  ngoài  quốc doanh phát triển vận tải

Kinh tế quốc doanh nắm vận tải đường sắt, hàng không, đường ống và đóng vai trò chủ lực trong vận tải ô tô và vận tải thủy. Hết sức khuyến khích tư nhân, tổ hợp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng phương tiện cơ giới và thô sơ, phát triển dịch vụ sửa chữa phương tiện. Nhà nước thu lệ phí giao thông để có thêm kinh phí bảo dưỡng đường sá.

VII. Phát triển thương nghiệp

Ở Lào, thương nghiệp không chỉ là mắt xích nối liền sản xuất với sản xuất, sản xuất với tiêu dùng. Nó còn là đòn bẩy trong tay Nhà nước dân chủ nhân dân để phá vỡ trạng thái kinh tế tự nhiên từ ngàn xưa, thúc đẩy kinh tế hàng hóa và phân công lao động xã hội phát triển. Nó cũng là công cụ thực hiện chính sách xã hội và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, thông qua việc cung ứng hàng thiết yếu cho nông dân và thu mua sản phẩm dư của nông dân với giá phải chăng, bảo đảm cho nông dân không bị thương nhân bắt chẹt khi mua cũng như khi bán.

Chỉ có thương nghiệp quốc doanh với trợ thủ của nó là thương nghiệp hợp tác xã mới đóng được vai trò ấy. Một khi thương nghiệp quốc doanh cùng hợp tác xã đã giữ vai trò chủ chốt thì nó có thể và cần phải, trong những trường hợp cần thiết, sử dụng thương nghiệp tư nhân làm nhiệm vụ gom hàng và phân phối bán lẻ. Trong tình hình nông sản hàng hóa còn ít ỏi, thị trường nông thôn còn hạn hẹp, muốn bảo đảm kinh doanh không lỗ, thương nghiệp quốc doanh phải được tổ chức hết sức hợp lý, gọn nhẹ, nắm khâu mua buôn và bán buôn là chủ yếu, còn khâu gom hàng và bán lẻ thì sử dụng lực lượng hợp tác xã và tư nhân. Nếu vì nông sản hàng hóa ít ỏi, thị trường nông thôn hạn hẹp mà bỏ trống thị trường thì điều đó khác nào bỏ mặc nông dân với trạng thái kinh tế tự nhiên của họ. Phải bắt đầu bằng những hoạt động mua bán với khối lượng nhỏ để kích thích sản xuất, kích thích nhu cầu, qua đó đưa sản xuất hàng hóa từng bước đi lên.

Vai trò của các chợ hết sức quan trọng. Ở các tỉnh lỵ, huyện lỵ, các đầu mối giao thông đều cần phải lập chợ. Khi hàng hóa còn ít thì nhiều ngày họp một phiên.

Đối với những vùng xa xôi hẻo lánh, Nhà nước có chính sách trợ cấp phí lưu thông cho ngành thương nghiệp để những hàng thiết yếu tới tay nông dân với giá không quá cao so với các vùng khác. Điều này không phải là bao cấp mà là chính sách xã hội, chính sách dân tộc, và là khoản đầu tư cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.

Cùng với nội thương, ngoại thương cũng phải nỗ lực rất lớn. Hàng xuất của Lào chưa nhiều nhưng cũng đã vấp phải vấn đề thị trường. Các tổ chức ngoại thương phải thăm dò, tìm kiếm thị trường, nhất là những thị trường được bảo đảm bằng những cam kết dài hạn. Có được thị trường rồi, phải đứng ra làm đầu mối tổ chức sản xuất, bảo đảm các dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra, để nông dân yên tâm phát triển sản xuất, đáp ứng đúng các yêu cầu của thị trường ngoài nước. Trường hợp cần thiết, phải ứng trước cả vốn, giống cho nông dân. Chỉ hô hào suông thì không thể hình thành được những nguồn hàng xuất khẩu đáng kể.

Để hỗ trợ nông dân ứng phó với những biến động của thị trường quốc tế, Nhà nước có chính sách bảo hiểm về thu mua và giá cả đối với nông lâm sản xuất khẩu.

Trong tình hình nhập siêu đã đến mức báo động, một mặt cần ra sức phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, mặt khác cần từng bước tiết chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, trước tiên là hàng xa xỉ và những hàng mà trong nước có khả năng sản xuất.

Kinh tế quốc doanh phải giữ vai trò chủ chốt trong hoạt động ngoại thương. Mặt khác, cho phép tư nhân kinh doanh trong những giới hạn nhất định (mặt hàng, thị trường), sử dụng tư nhân trong một số khâu hoạt động của kinh tế quốc doanh dưới hình thức hợp đồng, liên doanh, v.v… Hoạt động ngoại thương của mọi thành phần kinh tế đều phải đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước.

VIII. Chính sách kinh tế đối ngoại

Trong tình hình thế giới đang có những biến động lớn, phức tạp, về chính trị và về kinh tế, thì việc vạch chính sách kinh tế đối ngoại cho một thời gian dài chỉ có thể là những định hướng, trong đó có một số yếu tố không chắc chắn, cần căn cứ vào diễn biến của tình hình để điều chỉnh cho thích hợp.

Quan hệ quốc tế của Lào hiện nay có một số nét nổi bật như sau:

  1. Quan hệ chính trị – ngoại giao với các nước láng giềng đã được khai thông hoặc không còn những trở ngại lớn. Với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới cũng vậy. Điều này tạo khả năng mở rộng và đa phương hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại.
  2. Trong quan hệ kinh tế với Lào, các nước và công ty tư bản đều muốn tìm ở Lào thị trường tiêu thụ cho hàng hóa và thiết bị máy móc của họ, thị trường đầu tư vốn có lợi và một số tài nguyên thiên nhiên mà họ cần. Các nước lâu nay cung cấp viện trợ cho Lào thì đều muốn sớm chuyển sang quan hệ có đi có lại, hợp tác cùng có lợi. Như vậy, với tất cả các nước, quan hệ làm ăn buôn bán sẽ chiếm vị trí chủ yếu.
  3. Quan hệ liên minh đặc biệt Lào – Việt Nam – Căm-pu-chia vẫn là chỗ dựa vững chắc đối với an ninh quốc phòng và công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Lào cũng như của ViệtNam, Căm-pu-chia. Ba nước có thể hỗ trợ nhau về nhiều mặt. Riêng về vốn thì có phần hạn chế.

Trong tình hình như vậy, cần tranh thủ mọi khả năng để mở rộng và đa phương hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, trong đó, quan trọng hơn cả là quan hệ với Liên Xô, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, một số nước tư bản phát triển và các tổ chức quốc tế.

  1. Với Liên Xô, cần hết sức tranh thủ duy trì các quan hệ giúp đỡ đã có, ít nhất cũng trong một số năm trước mắt, để không bị hụt hẫng đột ngột về nguồn vốn bên ngoài. Mặt khác, cần tích cực tạo điều kiện từng bước chuyển sang quan hệ mậu dịch cân bằng. Đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang Liên Xô như thiếc, cà phê, gỗ quý, để tiếp tục nhận được xăng dầu, vật tư, đồng thời trả một phần nợ đến hạn. Có biện pháp sử dụng tốt hơn các năng lực sản xuất do Liên Xô giúp xây dựng. Xúc tiến xây dựng các công trình đã ký với Liên Xô sau khi soát xét lại hiệu quả của từng công trình. Tranh thủ sự giúp đỡ tiếp tục của Liên Xô đối với một số công trình thuộc cấu trúc hạ tầng kinh tế và văn hóa.
  1. Với Việt Nam, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hai nước Lào – Việt vẫn phải dựa lưng vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau để tồn tại và phát triển. Quan hệ hợp tác về kinh tế văn hóa giữa hai nước trong thời gian tới có thể và cần phải có nội dung phong phú hơn, đem lại hiệu quả cao hơn và lợi ích thiết thực hơn cho cả hai nước. Phương hướng hợp tác chủ yếu là:

– Việt Nam hỗ trợ Lào về chuyên gia, lao động kỹ thuật và một phần về kỹ thuật và công nghệ trong việc điều tra, khảo sát, quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành một số công trình thuộc các lĩnh vực: khai thác và chế biến gỗ, trồng rừng, giao thông, thủy lợi, thủy điện nhỏ, đường dây tải điện, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng thông thường.

– Việt Nam chuyển giao cho Lào các giống cây, con đã tuyển chọn và lai tạo, các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp trong phạm vi khả năng của mình.

– Nếu Lào quyết định xây dựng đường sắt thông ra biển, Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi.

– Việt Nam tiếp tục giúp Lào đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật, điều tra cơ bản, phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa và khoa học kỹ thuật.

– Trong lĩnh vực trao đổi hàng hóa, Việt Nam nhập khẩu của Lào thạch cao, một số gỗ, trong tương lai có thể cả năng lượng điện (Nậm Thơn), kali (nếu được khai thác chế biến), và xuất khẩu cho Lào một số công cụ, máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng thông thường, xi măng hoặc cơ lanh ke làm xi măng (khi Lào sản xuất chưa đủ).

– Về hình thức hợp tác, cần chú trọng sử dụng các hình thức đem lại hiệu quả cao như: đấu thầu, khoán công trình, thuê chuyên gia theo hợp đồng, xí nghiệp hợp doanh, hợp đồng liên doanh, hợp đồng chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, v.v…

  1. Với Trung Quốc, tình hình đang có nhiều thuận lợi cho việc cải thiện và mở rộng các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa giữa hai nước.

Lào có thể tranh thủ sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của Trung Quốc trong một số lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, thủy điện, công nghiệp nhẹ, khai thác khoáng sản, v.v…

Trong lĩnh vực trao đổi hàng hóa, Trung Quốc có thể nhập của Lào một số nông sản thực phẩm, gỗ, lâm sản, khoáng sản, và cung cấp cho Lào hàng công nghiệp tiêu dùng, xăng dầu, vật tư, máy móc thiết bị.

  1. Với Thái Lan, quan hệ láng giềng chung sống hòa bình, giao lưu và hợp tác là một xu hướng thực tế, có lợi cho cả hai bên. Lào có nhu cầu xuất khẩu cho Thái Lan điện, gỗ, trâu bò, v.v…Thái Lan có nhu cầu xuất khẩu cho Lào hàng công nghiệp tiêu dùng và đầu tư khai thác một số tài nguyên của Lào như đá quý, kim loại quý.

Sự hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và giao thông vận tải cũng phục vụ lợi ích cả hai bên. Trong tương lai, nếu dự án bắc hai chiếc cầu (Viêng Chăn, Savanakhét) qua sông Mê Công được thực hiện và nếu tuyến đường sắt ra biển của Lào được xây dựng thì triển vọng hợp tác giữa hai nước càng lớn hơn.

  1. Với một số nước tư bản phát triển như Thụy Điển, Úc, Nhật, Pháp, ngoài việc tranh thủ viện trợ nhân đạo và viện trợ cho một số dự án chuẩn bị đầu tư như điều tra thăm dò, cầu đường, sân bay, thông tin liên lạc, trồng rừng, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, công trình văn hóa và phục vụ công cộng, cần mở ra một số hướng đầu tư có lợi nhằm thu hút vốn và công nghệ tiên tiến của các công ty tư bản như: thủy điện, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản, cung cấp máy móc thiết bị cho một số ngành công nghiệp và cho giao thông vận tải, v.v…
  2. Chính sách kinh tế đối ngoại cần dành vị trí quan trọng cho các tổ chức quốc tế. Ngoài những khoản viện trợ nhân đạo và viện trợ cho những dự án chuẩn bị đầu tư, cần tranh thủ một số khoản tín dụng với điều kiện ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng khu vực cho một số mục tiêu đầu tư quan trọng, đặc biệt là đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế. Quan hệ với các tổ chức quốc tế cũng góp phần thúc đẩy những quan hệ mới của Lào với các nước khác.
  3.  Với những hướng nêu trên, nguồn vốn bên ngoài mà Lào tranh thủ được những năm trước mắt có thể không giảm, thậm chí có thể tăng thêm. Tuy nhiên, cần tỉnh táo nhận rõ khuynh hướng diễn biến của tình hình: những khoản tài trợ mang ý nghĩa hữu nghị và quà tặng sẽ giảm dần, nhường chỗ cho những khoản đầu tư có lợi. Quy mô nguồn vốn bên ngoài lúc ấy sẽ tùy thuộc vào mức độ hấp dẫn của các đối tượng đầu tư. Ngay từ bây giờ, cần tích cực chuẩn bị cho triển vọng đó.
  4. Để tạo điều kiện mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, cần tích cực đổi mới cơ chế kinh tế: cùng với việc thực hiện chính sách đối ngoại phù hợp với từng đối tượng, cần có những thể chế hấp dẫn đối với vốn đầu tư nước ngoài; phát huy lực lượng của mọi thành phần kinh tế; tạo quyền chủ động cho các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác và tư nhân trong việc tìm kiếm bạn hàng hợp tác kinh doanh; vận dụng có hiệu quả cơ chế thị trường kết hợp với cơ chế kế hoạch hóa và sự quản lý vĩ mô của Nhà nước; bảo đảm sự chuyển đổi của đồng kíp với các ngoại tệ tự do trong quan hệ với các bạn hàng nước ngoài; có biện pháp kịp thời ngăn chặn lạm phát bùng nổ.
  5.  Để duy trì và mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nhất thiết phải tạo khả năng thanh toán lãi và nợ đến hạn.

Số nợ nước ngoài hiện đã quá lớn so với kim ngạch xuất khẩu. Cần soát xét lại hết sức nghiêm ngặt các khoản vay mới. Có biện pháp quyết liệt nhằm sớm chấm dứt vay nợ để tiêu dùng.  Các khoản vay để đầu tư phải bảo đảm chắc chắn đem lại hiệu quả, ít nhất cũng đủ để trả nợ và lãi. Các khoản viện trợ cũng phải được sử dụng vào các mục tiêu kinh tế xã hội cấp thiết nhất và phải được quản lý hết sức chặt chẽ.

Mặt khác, phải hết sức chăm lo tăng cường tiềm lực xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, phải được chăm sóc, vun trồng hết sức chu đáo. Khu vực sản xuất hàng xuất khẩu phải trở thành khu vực sản xuất tiên tiến nhất và có hiệu quả nhất.

Xét cho cùng, khả năng trả nợ phụ thuộc vào quy mô tăng trưởng của thu nhập quốc dân. Thu nhập quốc dân tăng trưởng với quy mô càng lớn thì khả năng trả nợ tăng, quỹ tiêu dùng tăng, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế cũng tăng. Quỹ tiêu dùng và quỹ tích lũy tăng sẽ làm giảm nhu cầu vay nợ, cũng có thể cho phép vay nợ nhiều hơn để tăng quy mô lớn hơn. Toàn bộ chiến lược phát triển này, đặc biệt là chiến lược phát triển nông nghiệp, công nghiệp và giao thông vận tải, đều hướng vào mục tiêu đưa quy mô tăng trưởng của thu nhập quốc dân lên theo khả năng tối đa, trên cơ sở sử dụng tối ưu các nguồn lực, cả nguồn lực trong nước lẫn nguồn lực bên ngoài. Thực hiện đồng bộ chiến lược này, vì vậy là giải pháp căn bản để thoát khỏi gánh nặng nợ nần và tình trạng phụ thuộc vào bên ngoài, tạo cho nền kinh tế sức tự lực phát triển ngày càng cao.

IX. Phát triển văn hóa – xã hội

Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân là mục đích của sự phát triển, đồng thời cũng là đòn bẩy của sự phát triển. Đầu tư vào văn hóa cũng có ý nghĩa là đầu tư vào chủ thể của sự phát triển. Điều này phải là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền dân chủ nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

  1. Giáo dục – đào tạo

Giáo dục đào tạo phải đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế, văn hóa, nhằm thực hiện các mục tiêu, phương hướng của chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Một mặt, phải thu hút ngày càng nhiều trẻ em trong độ tuổi đến trường, nâng cao tỷ lệ người được đào tạo ở các bậc học và ngành học. Mặt khác, phải cải tiến nội dung và tổ chức giáo dục đào tạo sao cho thiết thực, có chất lượng, bảo đảm cho những người được đào tạo có kiến thức vững vàng và có năng lực thực hành, đáp ứng đúng những yêu cầu của đất nước trong từng thời gian và từng vùng cụ thể. Phương hướng này phải được thực hiện ngay từ bậc giáo dục phổ thông, không chờ đến các bậc học cao hơn.

Nghiên cứu rút ngắn thời gian học của bậc giáo dục phổ thông cơ sở xuống 4 năm cho phù hợp với khả năng của đất nước.

Trong khi chưa có điều kiện phổ cập giáo dục trong con em các bộ tộc ít người, cần có biện pháp thiết thực đào tạo cho mỗi bộ tộc một số trí thức và cán bộ nòng cốt. Mở trường nội trú ở từng vùng có thể là biện pháp thích hợp trong tình hình các bộ tộc ít người sống rất phân tán.

Các trường phổ thông ở nông thôn miền núi nên đưa những lớp dành cho trẻ nhỏ về gần nơi cư trú của các em, tạo điều kiện cho các em đi học được dễ dàng.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài việc cải tiến nội dung giáo trình, bảo đảm cho người học có được những kiến thức thật cần thiết và có khả năng thực hành, cần coi trọng việc biên soạn sách học và sách tham khảo cho học sinh, sách giảng dạy và sách tham khảo cho giáo viên. Đối với học sinh đại học, đặc biệt đối với giáo viên đại học, cần tổ chức tốt việc giảng dạy và bồi dưỡng ngoại ngữ.

Sách giáo khoa không thể xem là những hàng hóa thông thường, bán theo giá kinh doanh. Nhà nước trợ giá cho loại sách này không phải là bao cấp mà là phúc lợi xã hội, là đầu tư vào con người.

Ngoài sách, cần cung cấp ngày càng đầy đủ phương tiện thí nghiệm và phương tiện thực hành cho các trường.

Đối với đội ngũ giáo viên, cần có kế hoạch định kỳ bổ túc kiến thức, đổi mới kiến thức. Nhà nước bảo đảm đãi ngộ giáo viên theo chính sách và tiêu chuẩn thống nhất trong cả nước, chấm dứt tình trạng khoán cho ngân sách địa phương lo được đến đâu hay đến đó. Giáo viên công tác ở những vùng có nhiều khó khăn phải được hưởng phụ cấp đặc biệt.

Nghiên cứu sắp xếp lại các trường theo hướng tập trung hơn, nhằm hình thành những trường mạnh. Có thể kết hợp trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng hoặc đại học thuộc cùng một chuyên ngành hoặc thuộc những chuyên ngành có liên quan mật thiết với nhau vào cùng một trường để sử dụng hợp lý hơn đội ngũ giáo viên và các thiết bị giảng dạy, thiết bị thực hành. Đối với những chuyên ngành đào tạo mà nhu cầu cán bộ của Lào chưa nhiều thì tạm thời chưa mở, mà gửi học sinh ra nước ngoài đào tạo.

  1. Y tế – vệ sinh

Tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh và chữa bệnh, phòng trừ các bệnh gây tử vong cao như sốt rét, sốt xuất huyết, ỉa chảy, sởi, ho gà, là một trong những nhiệm vụ xã hội bức bách nhất.

Nhằm mục tiêu này, phải mở rộng mạng lưới các cơ sở chữa bệnh. Mỗi bản phải có trạm y tế với một y tá và một hộ sinh. Những người này phải được đào tạo tốt để hoạt động độc lập. Các tỉnh và huyện chưa có bệnh viện phải sớm xây dựng bệnh viện. Các cơ sở y tế, ngoài chức năng chữa bệnh, phải là những trung tâm tuyên truyền và hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân. Tạo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh phải được đặt lên hàng đầu.

Việc hạn chế sinh đẻ nhằm giảm nhịp độ tăng dân số tuy chưa đặt ra, nhưng để bảo vệ sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em, cần tuyên truyền vận động nhân dân đẻ thưa, đưa số con của mỗi cặp vợ chồng xuống mức vừa phải. Các cơ sở y tế có sự hỗ trợ cần thiết về kỹ thuật.

Sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh dân gian để phổ cập và nâng cao. Mở rộng việc sản xuất thuốc chữa bệnh từ nguồn dược liệu trong nước.

Tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế trong việc phòng trừ dịch bệnh, mở rộng mạng lưới y tế và tạo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

  1. Thông tin – văn hóa

Thông tin – văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Nội dung phát thanh, truyền hình và báo chí phải được cải tiến để có sức hấp dẫn hơn, đem lại cho nhân dân nhiều thông tin và hiểu biết bổ ích về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, về đời sống trong nước và thế giới, về phát triển sản xuất và tổ chức cuộc sống, mặt khác, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân. Trong điều kiện đất rộng người thưa, máy thu thanh là phương tiện thông tin thích hợp nhất, cần phổ cập rộng rãi trong nhân dân, nhất là nhân dân miền núi. Các đội chiếu bóng lưu động và biểu diễn nghệ thuật lưu động cần được phát triển để hoạt động ở các vùng nông thôn. Nhà nước dành kinh phí cần thiết cho các hoạt động này.

  1. Khoa học – kỹ thuật

Khoa học kỹ thuật là đòn bẩy mạnh nhất của sự phát triển trong thời đại ngày nay. Trong điều kiện cụ thể của Lào, việc xây dựng và tăng cường tiềm lực khoa học kỹ thuật phải tiến hành từng bước, nhằm những mục tiêu cụ thể, thiết thực. Phương hướng chủ yếu trong giai đoạn trước mắt là nắm vững, ứng dụng, thích nghi và phát triển những thành tựu khoa học kỹ thuật được các nước anh em chuyển giao qua con đường hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật. Đối tượng nghiên cứu là các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế văn hóa theo phương hướng của chiến lược phát triển, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp cần được đặc biệt quan tâm.

Công tác nghiên cứu khoa học cần được triển khai ngay tại các cơ sở sẵn có: các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, các trại thực nghiệm giống cây và con, các trung tâm thú y và bảo vệ thực vật, v.v… Chỉ khi đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đã phát triển và trưởng thành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn, lúc ấy mới tính đến việc xây dựng một số trung tâm nghiên cứu khoa học riêng biệt.

Đối với những đề tài khoa học đòi hỏi cán bộ nghiên cứu có trình độ cao và thiết bị thí nghiệm phức tạp thì hợp tác với các viện nghiên cứu của các nước anh em để xử lý.

X.Tổ chức thực hiện chiến lược

  1.  Chiến lược một khi đã được xác định phải được cụ thể hóa thành từng kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện. Mỗi kế hoạch 5 năm, tùy theo tình hình cụ thể và các nguồn lực cụ thể, có nhiệm vụ hình thành từng phần cơ cấu kinh tế đã được lựa chọn, thực hiện từng bước các mục tiêu đã được đề ra.
  2.  Nhà nước dùng các chính sách của mình để hướng toàn dân vào việc thực hiện chiến lược. Nhà nước cũng dùng các chính sách của mình để tranh thủ mở rộng các quan hệ kinh tế đối ngoại. Vì vậy, đi đôi với việc cụ thể hóa chiến lược thành các kế hoạch 5 năm và hàng năm, phải tiến hành nghiên cứu, ban hành các chính sách cần thiết, dựa trên các quan điểm do chiến lược đề ra.
  3.  Chiến lược được thực hiện thành công đến mức nào, xét cho cùng, phụ thuộc vào khả năng tổ chức, quản lý của bộ máy Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng tức là phụ thuộc vào vấn đề cán bộ. Đảng phải quan tâm đào tạo và bố trí vào các cương vị chủ chốt những cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng và có tài năng tổ chức, quản lý./.