Hướng đi nào cho các trường đại học tư thục
Thưa Giáo sư, kiếm lời từ kinh doanh giáo dục có trái với đạo lý “tôn sư trọng đạo” của dân tộc?
Người ta hô hào: “Không được thương mại hóa giáo dục!”. Có ai mua bán giáo dục đâu? Nhưng dịch vụ giáo dục thì cả thế giới đều mua bán. Nước ta cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Nếu ngân sách Nhà nước đủ đảm bảo cho mỗi con em nhân dân đều được học không mất tiền, thì đương nhiên điều đó phù hợp nhất với đạo lý cao cả của sự nghiệp trồng người. Đó chính là lý tưởng cộng sản chủ nghĩa mà chúng ta hằng mơ ước. Nhưng thực tế nguồn lực tài chính của Nhà nước chưa cho phép làm như vậy. Trường hợp này có hai giải pháp:
Thứ nhất, giữ nguyên độc quyền Nhà nước về giáo dục với hệ quả là: quy mô của giáo dục hạn hẹp, số con em nhân dân được học lên bậc cao bị hạn chế.
Thứ hai, san sẻ bớt “gánh nặng” cho tư nhân, kết quả là hệ thống giáo dục được mở rộng hơn, số con em nhân dân được học lên bậc cao tăng hơn.
Giữa hai giải pháp này, giải pháp nào là phù hợp hơn với đạo lý cao cả của sự nghiệp trồng người? Hiển nhiên là giải pháp thứ hai. Còn “tôn sư trọng đạo” ư? “sư” cũng phải có tiền gạo để sống mới truyền được “đạo”.
Là nhà khoa học về quản lý, theo Giáo sư, có những mô hình nào cho các trường đại học
tư thục?
Theo tôi, có thể tạm phân chia thành hai mô hình.
Thứ nhất là mô hình lợi nhuận: một số cá nhân bỏ vốn ra mở trường, lãi thì được thu, lỗ thì phải chịu. Ai có nhiều vốn, thì người đó có tiếng nói quyết định.
Thứ hai là mô hình phi lợi nhuận. Tất cả mọi người công tác trong nhà trường đều có thể góp vốn, giống như một hợp tác xã. Vốn góp chỉ được lãi như gửi tiết kiệm. Không chia lợi nhuận. Lợi nhuận nếu có thì bỏ vào quỹ dự phòng và quỹ phát triển.
Mô hình thứ hai được trường chúng tôi áp dụng 10 năm nay.
Vì sao chọn mô hình này?
Chúng tôi quan niệm: với một trường đại học, tiền vốn là quan trọng, song trí tuệ lại quan trọng hơn. Thành hay bại của một trường đại học không phải ở vốn nhiều hay ít, mà ở năng lực trí tuệ, ở chất lượng đào tạo. Chúng tôi không dành tiếng nói quyết định cho người có nhiều vốn. Hội đồng Quản trị của trường do các cổ đông bầu lên. Họ có thể góp ít vốn, nhưng phải là những người có trí tuệ và có tâm.
Vâng, thưa Giáo sư, ở các trường tư thục, sinh viên chính là “khách hàng”, là người mua dịch vụ. Họ có quyền coi mình là “thượng đế” không?
Khi đi mua hàng hóa hoặc dịch vụ, khách hàng thường được coi là “thượng đế”. Nhưng từ này cũng chỉ trong ngoặc kép thôi. Sinh viên, khi họ đi chọn trường để học, họ là khách hàng. Còn khi đã vào ngồi trong giảng đường, họ phải làm trò, học tri thức và học làm người. Không có “thượng đế” nào ở đây cả.
Xin Giáo sư cho biết, đâu là điều kiện để đảm bảo chất lượng ở các trường đại học tư thục?
Có nhiều điều kiện. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai điểm:
Trước hết, phải có đội ngũ giảng viên giỏi, giàu kinh nghiệm.
Tiếp đến, học phí không được quá thấp. Nếu học phí quá thấp, thì từ trường ốc đến thiết bị dạy và học đều không thể đàng hoàng. Còn nếu phí dịch vụ cao mà chất lượng không tương xứng, anh sẽ mất “khách hàng”.
Học phí không cao, song chất lượng vẫn phải đảm bảo. Làm được điều này rất khó. Bí quyết nằm ở đâu, thưa Giáo sư?
Đây là câu hỏi thực chất đối với một trường đại học tư thục. Muốn làm được điều đó, từ bộ máy quản lý đến đội ngũ giảng viên, không được có người thừa. Phải có cơ cấu hợp lý giữa các giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng. Trong đội ngũ giảng viên cơ hữu, người nào giảng không hay, cho dù là giáo sư, tiến sĩ, cũng không bố trí giảng. Người nào thừa thì phải nghỉ. Đây là điều các trường công rất khó làm.
Cần nói thêm, để giảm được chi phí, phải tăng công suất sử dụng phòng ốc, thiết bị. Các giảng đường và phòng máy tính ở trường tôi đều sử dụng ít nhất 97% công suất./.